Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

21/04/2017

Tầm quan trọng của cuộc bầu cử Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu

Tổng hợp

Bầu cử Tổng thống Pháp : Những điều đáng chú ý (BBC, 21/04/2017)

Cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017 thật khó đoán, với 11 ứng viên tranh đua trong vòng một ngày 23/4.

phap1

Có 11 ứng viên tham gia vòng một

Nếu không ai giành hơn 50% phiếu, hai người về đầu sẽ tiếp tục vào vòng hai ngày 7/5.

Tổng thống đảng Xã hội Francois Hollande không ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Pháp làm như vậy.

An ninh đang là vấn đề lớn, vì một cảnh sát vừa bị bắn chết tại Paris. Bầu cử vòng một cũng sẽ diễn ra chỉ năm ngày sau khi hai người bị giữ ở Marseille vì nghi định tấn công.

Bất thường ?

Việc Tổng thống Hollande không tranh cử lần hai là chưa từng có.

Ngoài ra, người được chọn của đảng Xã hội, Benoit Hamon, lại bị cho là không có hy vọng gì.

Đối thủ bên đảng Cộng hòa thì cũng đang vất vả vì ứng viên Francois Fillon đang bị điều tra vì "việc làm giả mạo".

Thế nên, có thể lần đầu tiên sau vài thập niên, tổng thống mới lại sẽ là một người không thuộc hai đảng chính.

Vậy ai có thể thắng ?

Theo các thăm dò dư luận, hai người dẫn đầu hiện nay là Marine Le Pen của phe cực hữu và Emmanuel Macron theo quan điểm trung dung.

Marine Le Pen lãnh đạo Mặt trận Dân tộc thay cha ruột từ năm 2011.

Ông Macron, 39 tuổi và từng làm ngân hàng đầu tư, là bộ trưởng kinh tế của Tổng thống Hollande nhưng từ nhiệm năm 2016 để tranh chức tổng thống của đảng riêng của ông tên là En Marche !.

Ông Macron chưa từng là nghị sĩ và cũng chưa từng ra tranh cử lần nào.

Ông Fillon của đảng Cộng hòa lúc đầu là ứng viên số một nhưng hy vọng bị mờ dần vì tố cáo ông trả tiền công cho vợ nhưng vợ chẳng làm việc gì. Ông đang bị điều tra chính thức.

Một nhân vật bất ngờ là Jean-Luc Mélenchon, theo lập trường cực tả, đang thu hút cử tri.

65 tuổi và từng là bộ trưởng đảng Xã hội, ông này ra khỏi đảng năm 2008 và dẫn dắt đảng tên là La France Insoumise. Ông lại nổi tiếng vì biết dùng công nghệ hologram, nhờ đó phát biểu cùng lúc trước nhiều đám đông.

phap2

Từ trái sang là năm ứng viên chính : Francois Fillon, Benoît Hamon, Marine Le Pen, Emmanuel Macron và Jean-Luc Mélenchon

phap3

Các ứng viên trước một buổi tranh luận trên truyền hình hôm 4/4

Các vấn đề quan tâm ?

Thất nghiệp đang gần 10%, cao thứ tám trong 28 nước thành viên EU.

An ninh cũng là vấn đề lớn. Hơn 230 người đã chết trong các vụ tấn công từ tháng Giêng 2015. Pháp vẫn ở trong tình trạng khẩn cấp.

Nhiều người dự đoán các vụ tấn công dính líu nhóm Hồi giáo sẽ tăng cơ hội cho cánh hữu, đặc biệt cho bà Le Pen. Bà tuyên bố sẽ ngừng việc nhập cư hợp pháp, ưu tiên việc làm, trợ cấp cho công dân Pháp.

Theo phóng viên BBC Hugh Schofield ở Paris, tình báo đã đặt giả thiết rằng những kẻ tấn công đang cố tình thúc đẩy cho chiến thắng của Le Pen vì nó có thể đưa Pháp tới hỗn loạn.

***********************

Bầu cử tổng thống Pháp : 5 yếu tố thu hút dư luận Mỹ (RFI, 21/04/2017)

phap4

11 ứng viên tổng thống Pháp tranh luận trên truyền hình ngày 20/04/2017. REUTERS/Martin Bureau/Pool

"Tại sao bầu cử tổng thống Pháp lại hấp dẫn kể cả khi bạn không phải là người Pháp ?" : Dưới tựa đề này, tuần báo Mỹ Newsweek ngày 18/04/2017 đã đề cập một cách dí dỏm đến cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra tại Pháp, và ghi nhận 5 điểm mà người Mỹ cần chú ý.

Tuần báo Mỹ đã nhìn thấy trước tiên mẫu số chung nơi 4 ứng cử viên nam giới trong số 5 ứng viên lớn : "Một lô ứng viên tổng thống, phần đông là đàn ông tóc đen, mà tên đều kết thúc bằng ‘-on’ (Macron, Fillon, Mélanchon, Hamon). Và cũng có hàng loạt chuyện về Châu Âu bị làm cho rối tung lên." Đối với Newsweek, có 5 lý do khiến người Mỹ nên chú ý đến cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 vì đây "có lẽ là cuộc bầu cử quan trọng và thú vị nhất của Châu Âu năm nay".

Một trận đấu giữa các thái cực

Không giống như cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ chẳng hạn, với một ứng viên theo khuôn mẫu chính trị thuộc đảng Dân Chủ đấu với một ứng viên Cộng Hòa không theo quy ước, ở Pháp phần đông các ứng viên lớn đều thuộc diện "không quy ước" và một số còn khá cực đoan là khác.

Ở cánh hữu thì có bà Marine Le Pen, dân túy, bài Hồi Giáo, đã hứa đình chỉ nhập cư và đảo ngược hàng thập kỷ tự do mậu dịch. Ông François Fillon, cánh trung hữu, đảng Những Người Cộng Hòa, là người gần với một "ứng viên bình thường" nhất, nhưng lại là một người ngưỡng mộ đường lối của thủ tướng Anh Margaret Thatcher trước đây, pha lẫn giá trị xã hội truyền thống với kinh tế thị trường tự do, một quan điểm khá bất thường tại Pháp nơi mà Nhà nước hay can thiệp.

Phía tả, thì cả ứng viên trong luồng chính thống thuộc đảng Xã Hội, Benoit Hamon lẫn ông Mélenchon, đều đề nghị những phương thức mạnh bạo nhằm chia lại thu nhập quốc gia, ông Hamon thì muốn quy định một thu nhập cơ bản toàn dân, trong lúc ông Mélenchon thì có kế hoạch thay đổi hoàn toàn hệ thống dân chủ Pháp theo hướng từ dưới lên trên.

Cuộc chiến giành trung tâm

Nếu quý vị quan tâm đến việc nền tảng cánh trung ôn hòa trong chính trị phải được bảo vệ bằng mọi giá, hay là quý vị hoan nghênh sự trở lại của một xu hướng đấu tranh mạnh bạo hơn trên mặt lý tưởng chính trị, thì hãy theo dõi Emmanuel Macron, ứng viên cánh trung đang dẫn đầu.

Chủ trương của Macron không có gì là trái với lẽ thường : ông đề nghị Nhà nước chi tiêu theo mục tiêu cụ thể và cắt giảm ngân sách ; ông chủ trương một đường lối quốc tế chủ nghĩa và thân Liên Hiệp Châu Âu. Hệ tư tưởng của ông là lý tưởng đã hun đúc Tây Âu trong mấy thập niên qua. Thế nhưng điểm lý thú là ông đã bảo vệ những quan điểm này một cách thẳng thắn, không một chút thẹn thùng, cho dù phần còn lại của nước Pháp đang càng lúc càng thiên về xu hướng bảo hộ mậu dịch hay dân tộc chủ nghĩa.

Và Macron cũng đang đấu tranh mà không hề có một đảng chính thống nào hỗ trợ. Phong trào En Marche ! (Tiến Bước !) của ông chỉ mới được một tuổi mà thôi. Nếu Macron giành được thắng lợi, thì điều đó có nghĩa là cho dù chủ nghĩa dân túy đang vươn lên, cử tri phương Tây vẫn còn lưu ý đến những thông điệp như những gì ông Macron nêu lên, nếu các thông điệp đó được "chào hàng" một cách đúng đắn. Nếu ông thảm bại, thì điều đó sẽ góp thêm củi lửa cho phe ủng hộ quan điểm ngược lại.

Nga đang nhòm ngó

Cũng như ở Mỹ, đang có lo ngại về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Pháp. Le Pen, Mélenchon và Fillon đều là những người có thiện cảm với Putin, ở mức độ khác nhau, và tổng thống Nga đều có lợi khi họ giành được thắng lợi. Ủy Ban Bầu Cử Pháp đã ra thông cáo cảnh báo về một bản tin ngụy tạo của Nga theo đó ứng cử viên François Fillon dẫn đầu cuộc đua vào điện Elysée.

Trong lúc đó thì ban vận động tranh cử của ông Macron cho biết là bị tin tặc tấn công. Trong một cuộc phỏng vấn tháng Hai, ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault đã tố cáo một hành vi can thiệp "không thể chấp nhận được". Đến giờ chưa có bằng chứng là Nga can thiệp, và có thể là điện Kremlin không có vai trò trực tiếp nào trong tiến trình chính trị Pháp. Nhưng cho dù thế, kết quả bầu cử có thể là một cú hích đáng kể đối với Putin, và do đó càng nên theo dõi.

Thời điểm khủng hoảng cho Châu Âu

Sau Brexit, khủng hoảng về người tỵ nạn, nợ Hy Lạp năm 2015, và một lô rắc rối nhỏ hơn, Liên Hiệp Châu Âu vào lúc này không phải đang ở vào thời điểm khỏe mạnh nhất. Nhưng đồng thời, Châu Âu có sức đề kháng cao hơn là nhiều người lầm tưởng, và không phải là trên đà sụp đổ.

Nhưng cuộc bầu cử Pháp có thể thay đổi phần nào ván bài. Ứng viên cực hữu Marine Le Pen đang ở vị trí thứ hai trong các cuộc thăm dò. Bà muốn tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế thành viên vùng đồng Euro của Pháp, trong lúc Mélenchon, ứng viên độc lập bên cánh tả, đang vươn lên hàng thứ 3, lại muốn đàm phán lại một loạt hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu. Chiến thắng của bất kỳ ai trong hai người này sẽ đẩy Châu Âu tiến thêm nhiều bước đến khủng hoảng.

Quay lại trang chủ
Read 634 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)