Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/08/2020

Điểm báo Pháp - Belarus : Người dân hết sợ bạo lực

RFI tiếng Việt

Belarus : Khi người dân hết sợ bạo lực

Phong trào phản kháng ngày càng mạnh tại Belarus và thái độ thận trọng của Nga là chủ đề nóng của báo chí Pháp ngày 17/08/2020.

belarus1

Phe đối lập tiếp tục biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử tổng thống, tại Minsk, Belarus, ngày 17/08/2020. Reuters - Vasily Fedosenko

Bước ngoặt ở Belarus 

Nhân dân xuống đường, tựa của La Croix với ảnh một phụ nữ, nắm tay đưa cao cùng với 200.000 người biểu tình hôm Chủ Nhật. Libération minh họa "Bước ngoặt ở Belarus" với bức ảnh một thanh niên choàng lá cờ trong rừng người trùng điệp. Le Monde đăng một loạt bốn bài : Lukashenko đối mặt với một cuộc đình công lớn chưa từng thấy đòi lật đổ chế độ độc tài. Một phóng viên Nga kể lại 24 giờ trong bàn tay cảnh sát Belarus cùng với hàng trăm người biểu tình bị tra tấn trong một nhà giam. Tại Nga, chính quyền và đối lập cũng theo dõi diễn biến tình hình tại nước láng giềng.

Liên Hiệp Châu Âu phải hỗ trợ đối lập

Le Monde giải thích vì sao phải can thiệp và Liên Hiệp Châu Âu phải ngăn chặn "cuộc chiến chống nhân dân" ở Belarus, tựa của bài xã luận.

Mỗi buổi chiều, tại Minsk và các thành phố lớn, người dân Belarus cùng nhau nối vòng tay lớn đối đầu với lực lượng cảnh sát chống bạo động của nhà độc tài Lukashenko từ khi kết quả bầu cử tổng thống ngày 09/08/2020 được thông báo : 80,2%. Đối thủ Svetlana Tsikhanovkaya, chồng bị giam, bản thân bị đe dọa, phải chạy sang Litva lánh nạn, sau khi can đảm thách thức nhà độc tài qua thùng phiếu. Tỷ lệ 9,9% theo kết quả chính thức, là hoàn toàn phi lý nếu thấy những đám đông ủng hộ diễn văn tranh cử và quan sát cuộc kiểm phiếu. Lựu đạn cay, dùi cui, vòi rồng, đạn cao-su, đạn thật, bắt giam hàng ngàn người là cách trả lời của chế độ đang hụt hơi đáp lại cuộc tranh đấu ôn hòa của người dân không còn chấp nhận một chế độ độc tài và gian lận. Sau khi nhấn mạnh đến lập trường ôn hòa chừng mực của nữ ứng cử viên Svetlana Tsikhanovkaya, chỉ mong có một điều duy nhất là tổ chức bầu cử tự do, và thái độ bình tĩnh của người biểu tình, phản ánh tinh thần trách nhiệm và quyết tâm của đối lập bài xã luận nhận định : thế nhưng, nếu không được bên ngoài trợ giúp thì phong trào xuống đường một mình khó có thể cảnh tỉnh được Lukashenko, lãnh đạo Belarus đến nhiệm kỳ sáu, lắng nghe tiếng nói của lý trí.

Theo nhật báo độc lập, Liên Hiệp Châu Âu đừng có tiếp tục hy vọng thuyết phục Lukashenko xa rời ảnh hưởng của điện Kremlin, tiến hành cải cách để hết bị Châu Âu trừng phạt.

Nhà độc tài Belarus đã chứng tỏ là một cao thủ đi dây, sử dụng Bruxelles chống Moskva và ngược lại.

Putin, cũng trong tình trạng "tái đắc cử vất vả", tuy nhanh chóng chúc mừng nhưng sự giúp đỡ của Moskva gắn liền với điều kiện Belarus phải "tăng cường hội nhập" vào Liên bang Nga.

Trong phương trình này, Liên Hiệp Châu Âu phải lên án chính sách đàn áp của chế độ, phải ủng hộ khát vọng dân chủ của người dân muốn tổ chức bầu cử tự do. Liên Hiệp Châu Âu phải sẵn sàng ban hành các biện pháp trừng phạt chế độ Lukashenko để nhanh chóng chấm dứt một điều không thể dung thứ được là chiến tranh chống lại nhân dân ngay trong lòng Châu Âu, Le Monde thúc giục.

Liệu Lukashenko hết thời ?

"Nga thận trọng" còn "Lukashenko bám trụ, phản kháng tăng tốc", "Dân chúng động viên với qui mô lớn". Với các tựa trên đây, Le Figaro trở lại tình hình hôm Chủ Nhật : Ít nhất 200.000 người xuống đường nhưng Lukashenko nhất định không nhượng bộ, không đối thoại.

Rất có thể đây chỉ là cứng rắn bên ngoài theo nhật báo thiên hữu. Tại Belarus, loan truyền nhiều tin đồn về sức khỏe không mấy tốt của cựu giám đốc nông trường thời Liên Xô cũ. Gần đây, Lukashenko ít xuất hiện trước công chúng, thường hủy bỏ nhiều cuộc hẹn. Trong buổi mít-tinh phản biểu tình trong ngày Chủ Nhật, ông động viên tinh thần phe nhà trong hơi thở yếu. Tình trạng phe Lukashenko bỏ hàng ngũ bắt đầu đầu lan rộng : đại sứ tại Slovakia, rồi cựu bộ trưởng văn hóa nguyên là đại sứ tại Paris, hàng chục nhà báo các đài truyền hình nhà nước…

Le Figaro nêu câu hỏi : vì sao những người hiểu biết bộ máy quyền lực của nhà độc tài dám bỏ hàng ngũ mà không sợ bị trừng phạt nếu họ không biết Lukashenko hết thời ?

Trong bài "Nga thận trọng đối với chế độ Minsk", nhật báo thiên hữu trích một nhận xét ví von : Lukashenko là một chiếc va-li không quai xách của Putin, cất vào tủ không dễ mà mang đi thì khó.

Bản thân tổng thống Nga cũng bị đe dọa nếu đường phố làm chao đảo chế độ ở Belarus. Trên La Croix, chuyên gia Nga Andrei Kolesnikov cho rằng chuyện gì xảy ra được ở Minsk thì cũng có thể sẽ có thể xảy ra tại Moskva. Trong những cuộc biểu tình ở miền Viễn Đông chống chính quyền trung ương vào thứ Bảy mỗi tuần đã xuất hiện biểu ngữ "Hoan hô Belarus".

Thái Lan : Tuổi trẻ cũng hết sợ

Trang thế giới, nhật báo công giáo La Croix đưa độc giả đến Thái Lan với phong trào dân chủ thế hệ mới qua bài "Tuổi Trẻ Thái Lan chống vua và chính quyền quân nhân".

Cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật huy động 10.000 sinh viên tại nhiều đại học để đòi cải cách dân chủ.

Môi trường chính trị truyền thống đã hết màu mỡ, theo chuyên gia Pháp Sophie Boisseau du Rocher, tác giả một bài phân tích dài "Con đường tơ lụa Trung Quốc tại Đông Nam Á". Thái Lan giờ đây sống trên miệng núi lửa chính trị trên đó có thành phần đặc quyền, vua và quân đội đang nhảy múa.

Nhờ vào internet, tuổi trẻ Thái Lan ý thức và quyết tâm kết liễu tình trạng áp bức do tầng lớp chính trị gia, quân nhân và vương triều điều khiển. Thái Lan là một nước giàu nhưng dân thì nghèo. Những người trẻ không còn sợ khi lến tiếng tố giác, bà Charuwan Lowira-Lulin, nhà nghiên cứu nhân chủng học Thái Lan nhận định dứt khoát.

Trung Đông : kẻ thù của kẻ thù là bạn 

Thời sự Trung Đông và vùng Vịnh nổi bật nhất là tin Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thiết lập bang giao.

Người Palestine choáng váng sau khi Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thắt chặt quan hệ, tựa của Le Figaro.

Le Monde trong bài "Cùng chung quyền lợi chống Iran" phân tích là từ 1994, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất và Israel từng bước thực hiện đường lối chính trị "thực dụng, lạnh lùng và thâm hiểm". Với phương châm "kẻ thù của kẻ thù chúng ta là bạn ta", Israel đánh nước cờ độc đáo, không cản trở liên hiệp Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất mua chiến đấu cơ F16 của Mỹ để canh tân quân đội theo mong ước của thái tử Mohamed Ben Zayed, nay được xem là người nắm quyền lực tại Abu Dabi.

Mục đích của các nước vùng Vịnh công nhận Nhà nước Do Thái là để thành lập một mặt trận chung vững chắc nhất có thể chống Iran. Đối với Israel, để tạo được một chiến tuyến chung này, chỉ cần "tạm ngưng" sáp nhập một phần lãnh thổ Palestine ở Cisjordanie.

Thỏa thuận Israel và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất còn chôn vùi kế hoạch Abdallah (quốc vương Jordan) năm 2002. Theo đó, khối Ả Rập chỉ công nhận Israel với điều kiện Palestine phải được quyền lập quốc với lãnh thổ là Cisjordanie và Gaza, với thủ đô là Đông Jerusalem. Thế là hết, dân Palestine bị đâm một nhát dao vào lưng. Mất lá chủ bài để đàm phán, ước mơ lập quốc càng xa tầm tay người Palestine.

Covid 19 : mỗi ngày một vài hệ quả không ngờ

Bầu cử Mỹ : Bưu điện trong cơn bão tố. Tổng thống Donald Trump bị cáo buộc cắt giảm ngân sách của cơ quan liên bang này với mục đích chính trị cản trở cử tri bầu qua bưu điện, Le Figaro viết.

Con đường tơ lụa của Trung Quốc bị lún cát Covid 19. Phóng sự trên trang kinh tế của Le Figaro cho biết vì sao nhiều đại dự án của Tập Cận Bình bị siêu vi corona làm tê liệt. Thiếu tiền, thiếu nhân công, thiếu vật liệu là một số hệ quả. Chưa hết, công cụ chính trị của Trung Quốc nhằm đối đầu với mô hình Tây phương đang gây lo ngại cho nhiều nước nằm trên trục "Một vành đai, Một con đường" của Bắc Kinh.

Cũng liên quan đến đại dịch Covid 19, Le Figaro, Les Echos La Croix cùng một tựa "đeo khẩu trang bắt buộc trong xí nghiệp kể từ đầu tháng 9".

Như một con chim én báo hiệu mùa xuân, nhật báo kinh tế chạy tựa trên trang thị trường : tại Wall Street, khủng hoảng gần như chấm dứt. Vì sao trong bối cảnh nhân viên bị sa thải hàng loạt, thất nghiệp, công ty khánh tận mà giới đầu tư lại lạc quan ? Câu trả lời của Les Echos : thật ra, chỉ có lãnh vực công nghệ học được hưởng lợi trong giai đoạn khủng hoảng y tế và phong tỏa chống dịch.

Hoàng Xuân Vinh

Le Monde, trang đặc biệt mùa Hè, dành nguyên một trang báo để giới thiệu một nhà vô địch thể thao Việt Nam : Hoàng Xuân Vinh, huy chương vàng Thế vận Rio, bộ môn bắn súng cự ly 10 mét.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 473 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)