Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/08/2020

Điểm báo Pháp - Lằn ranh đỏ của cách mạng Belarus

RFI tiếng Việt

Sự chín chắn và lằn ranh đỏ của cách mạng Belarus

Tình hình Belarus vẫn là điểm nóng được tất cả các báo Pháp hôm nay đề cập đến, bên cạnh hồ sơ Yemen và nạn sa thải hàng loạt nhân viên sau phong tỏa.

bela1

Biểu tình tại Minsk ngày 17/08/2020 phản đối kết quả bầu cử tổng thống Belarus.  Reuters- Vasily Fedosenko

Sự thách thức của nhà độc tài

"Belarus : Công nhân đình công, biểu tình không ngừng nghỉ", đặc phái viên củaLibération tóm tắt. Các hoạt động phản kháng liên tiếp diễn ra, một tuần sau khi nhà độc tài Alexander Lukashenko tiếp tục nhiệm kỳ thứ sáu, và tỏ ra khiêu khích hơn bao giờ hết.

"Chúng ta đã bầu cử xong rồi. Trừ phi các vị giết tôi, thì không có cuộc bầu cử nào khác !". Để đưa thông điệp này đến các công nhân đình công, ông Lukashenko dùng trực thăng bay đến nhà máy MZKT. Ông tuyên bố : "Nếu các bạn khiêu khích, tôi sẽ xử lý một cách thô bạo". Trước một công chúng liên tục hô to "Hãy ra đi !" dù đã được an ninh chọn lọc kỹ càng, ông thách thức "Cứ tha hồ hô đi".

Khoảng 30 nhà máy quốc doanh đã đình công. Công nhân các nhà máy BelAZ, nhà máy Belarus MTZ lớn nhất nước cũng xuống đường, các hầm mỏ Belaruskali, một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới về potasse ngừng hoạt động, hai tập đoàn truyền thông Nhà nước đình công và các nhà báo đi biểu tình. Mọi giới đều có một mục tiêu chung : dân chủ.

Bị cô lập, Lukashenko cố chia rẽ đối lập

Le Figaro nhận thấy ông "Lukashenko ngày càng bị cô lập". Đối mặt với những đợt biểu tình không hề giảm sút, tổng thống Belarus cố gắng câu giờ và chia rẽ phe đối lập.

Ông Lukashenko cho biết cần có Hiến pháp mới và đề nghị với công nhân MZKT : "Chúng ta sẽ tổ chức trưng cầu dân ý, ban hành Hiến pháp mới và theo đó tôi sẽ nhường lại quyền hành, chứ không phải dưới áp lực của đường phố". Tổng thống sau đó lặp lại đề nghị này với người dân.

Theo Alexander Baunov, tổng biên tập trang phân tích Carnegie.ru : "Nếu Lukashenko nói đến cải cách Hiến pháp, là để cố gắng chia rẽ đối lập, giữa những người ôn hòa sẵn sàng chia sẻ quyền lực và những người cứng rắn hơn". Tuy nhiên "Không ai tin rằng ông ấy sẽ tổ chức một cuộc chuyển giao ôn hòa". Đối lập luôn nghi ngờ ý đồ của Lukashenko.

Cựu bộ trưởng văn hóa Belarus : "Tôi xấu hổ trước bạo lực"

Trả lời phỏng vấn của Le Monde, ông Pavel Latushko, cựu đại sứ Belarus tại Pháp, cựu bộ trưởng văn hóa cho biết ông đã bỏ sang phe đối lập vì xấu hổ trước bạo lực của chính quyền.

Ông Latushko cho biết hôm thứ Sáu tuần trước, khi xem đi xem lại các video trấn áp người biểu tình được phổ biến trên Telegram, ông vô cùng xấu hổ trước sự thô bạo này. Trong Đệ nhị Thế chiến, Belarus đã mất đi một phần ba dân số, nhưng ngoài thời kỳ đó, lịch sử đất nước chưa bao giờ có bạo lực. Đồng thời ông bộ trưởng cũng hãnh diện trước sự can đảm của người dân Belarus, và cảm thấy không thể đứng ngoài. Khi từ chức, ông nhận được vô số lời khích lệ trên mạng xã hội, trên đường phố, kể cả từ các viên chức cao cấp hay giới chức an ninh.

Cựu bộ trưởng khẳng định đa số giới tinh hoa không còn ủng hộ chế độ, vì hiểu rằng đất nước sẽ suy sụp. Cho dù ông Lukashenko cố giữ được ghế đi nữa, Belarus sẽ mất đi lớp trẻ trước tình hình kinh tế tệ hại và thiếu tự do chính trị hiện nay. Theo ông, quân đội vẫn trung thành với tổng tư lệnh nhưng sẽ không làm gì chống lại nhân dân, còn cảnh sát thì e ngại sẽ bị ảnh hưởng nếu chế độ bị lật đổ.

Một phong trào phản kháng chín chắn, linh hoạt

Trong bài "Sự chín chắn của cả một dân tộc", Le Monde nhận định, không thân Châu Âu cũng không thù nghịch với Nga, phong trào đấu tranh Belarus muốn kết thúc một mô hình cai trị không chấp nhận bất kỳ sự phản kháng nào.

Chế độ Lukashenko nói rằng đây là âm mưu của thế lực thù địch, rằng lực lượng NATO đang áp sát biên giới, nhưng người dân thấy rõ chỉ là luận điệu của một tổng thống muốn bám ghế bằng mọi giá.

Tại các nước Liên Xô cũ đã từng diễn ra "cách mạng hoa hồng" ở Gruzia (2003), "cách mạng cam" ở Ukraine (2004 và 2014), "cách mạng hoa uất kim hương" ở Kyrghyzstan (2005)… nhưng phương Tây chưa hề nghĩ rằng một sự thay đổi sẽ diễn ra tại Belarus với một chế độ đàn áp, quan hệ chặt chẽ với Nga         .

Thực tế cho thấy phong trào đấu tranh Belarus linh hoạt như ở Hồng Kông : không có trung tâm chỉ huy trừ vài khuôn mặt nổi bật, mà là nhiều đầu mối độc lập. Nơi thì tuần hành, nơi thả bong bóng, chỗ khác nắm tay nhau tạo thành chuỗi người dọc theo những con đường. Người ta xuống đường trong đồng phục áo trắng y tế hay nón bảo hộ công trường, các ban giám đốc không còn chỉ đạo được ai.

Chế độ đã sai lầm khi lại để cho Alexander Lukashenko tái đắc cử với tỉ lệ 80%, cũng như những lần trước. Gian lận quy mô, bắt bớ hàng ngàn người chỉ làm cho đối lập thêm mạnh. Phong trào đấu tranh không thân phương Tây cũng không chống Nga, chỉ đòi hỏi các quyền công dân. Họ thống nhất với các yêu sách : trả tự do cho những người bị bắt, chấm dứt đàn áp, những kẻ có trách nhiệm phải trả lời trước pháp luật, tổ chức bầu cử công bằng.

Về phía Moskva không thể chấp nhận cho Minsk rời xa về địa chính trị. Một Belarus dân chủ hóa sẽ đầy đe dọa cho Nga, trong lúc khoảng mấy chục ngàn người ở vùng Viễn Đông vẫn biểu tình chống đối. Nhưng công khai can thiệp vào Belarus lại đầy rủi ro : đa số người dân sẽ chống lại Nga. Một sự chọn lựa không dễ dàng cho Kremlin.

Lằn ranh đỏ cho cách mạng Belarus : NATO

Trên trang Ý kiến của Le Figarotác giả Renaud Girard phân tích "Lằn ranh đỏ của cuộc cách mạng Belarus".

Chừng như sắp đến hồi kết của ông Lukashenko : giới trẻ có học được sự ủng hộ của công nhân các nhà máy quốc doanh, tại một đất nước vẫn duy trì nền kinh tế theo kiểu Liên Xô cũ ; các phóng viên đài truyền hình nhà nước đình công. Tình hình giống như ở Serbia vào đầu tháng 10/2000, chỉ còn chờ đợi giới quân nhân, cảnh sát tham gia, như đã diễn ra với nhà độc tài Ceaucescu của Romania tháng 12/1989, hay Milosevic của Serbia.

Từ đầu cuộc khủng hoảng, Lukashenko đã nhiều lần kêu gọi sự trợ giúp của ông Vladimir Putin, nhưng điện Kremlin không mấy hăng hái. Các thông cáo chỉ nhắc lại những điều khoản của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO hay OTSC theo tiếng Pháp) gồm 6 nước Liên Xô cũ, cùng bảo vệ nhau chống lại sự tấn công của nước ngoài. Thế nhưng chẳng có nước ngoài nào gây hấn với Belarus. Ông Putin không mấy ưa ông Lukashenko, và hơn nữa, gần đây tổng thống Belarus đã tưng bừng đón tiếp ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, đến đề nghị bán khí đốt Mỹ cho Belarus.

Có lẽ ông Putin sẽ từ chối gởi quân đến đàn áp biểu tình. Nhưng để tránh một chiến thắng vẻ vang của phong trào phảng kháng, ngoại giao Nga sẽ vận động hậu trường cho một sự chuyển giao êm thắm, ông Lukashenko được thay thế bằng một nhân vật ôn hòa được cả đối lập lẫn Moskva chấp nhận.

Nga chỉ vạch ra một lằn ranh đỏ cho cách mạng Belarus : không gia nhập NATO. Trong cuộc cách mạng Maidan, Putin sợ rằng đối lập Ukraine sẽ xua đuổi hạm đội Nga ở Sébastopol, thay thế bằng lực lượng NATO. Nhưng sau khi sáp nhập Crimea, ông Putin đã phạm sai lầm chiến lược là đưa quân sang Donbass mùa hè 2014, gây ra tâm lý chống Nga dữ dội mà trước đó hầu như rất hiếm hoi. Nếu rút được kinh nghiệm, lần này Putin sẽ không can thiệp thô bạo vào Belarus. Kinh tế sa sút do giá dầu giảm, Nga cần tô điểm lại hình ảnh, không phải với việc diễn lại xe tăng đàn áp Mùa xuân Praha 1968, mà với một vũ khí hòa bình : vac-xin chống virus corona.

Thái Lan : Giới trẻ không còn muốn nhà vua đứng trên pháp luật 

Còn tại Thái Lan, Le Figaro và Le Monde cùng có chung nhận định là phong trào biểu tình lần này nhắm vào quốc vương vốn xưa nay bất khả xâm phạm.

Đây là điểm mới rất quan trọng, tại một đất nước có luật khi quân nghiêm khắc nhất thế giới. Giới sinh viên đòi hỏi hủy bỏ tội danh này, tài sản của vua không lẫn lộn với hoàng gia, và quốc vương không công nhận các vụ đảo chính trong tương lai, tóm lại là không xen vào chính trị nữa.

Tuy trên nguyên tắc thì Thái Lan là nước quân chủ lập hiến, nhà vua có vai trò biểu tượng như nữ hoàng Anh, nhưng trên thực tế vua Thái Lan lại có quyền lực rất lớn, nhất là đối với quân đội và toàn bộ hệ thống chính trị. Việc vua Rama X từ đầu đại dịch virus corona luôn ở Đức và Thụy Sĩ, lại càng khiến người dân bất bình. Vị vua 67 tuổi ham chơi này, từ khi lên ngôi năm 2016 luôn muốn mở rộng quyền hành chính trị, nhưng lại né tránh các nghĩa vụ. Cuộc biểu tình ngày 10/08 làm rúng động hoàng gia và phe bảo thủ : những người trẻ đòi hỏi "Không ai được đứng trên pháp luật".

Thủ tướng Prayut lo ngại khi phong trào đấu tranh chuyển sang hướng này. Cuối tuần rồi ông lên truyền hình nói rằng sinh viên đã vượt qua lằn ranh đỏ, nhưng rốt cuộc nhìn nhận "tương lai thuộc về lớp trẻ". Về phần vua Rama X, tuần rồi trở về Thái Lan nhân sinh nhật cựu hoàng hậu Sirikit, tỏ ra bực tức trước tình hình mới.

Chưa ai thấy được lối ra cho phong trào. Người Thái vẫn còn bị ám ảnh bởi vụ thảm sát năm 1976, khi quân đội và các nhóm cực hữu dìm cuộc biểu tình sinh viên trường đại học Thamasat trong biển máu. Một khuôn mặt sinh viên tranh đấu nói với Le Monde : "Chuyến tàu dân chủ đã rời ga, và không gì có thể làm con tàu dừng lại được".

Virus corona mang lại lợi thế cho Joe Biden

Nhìn sang nước Mỹ, Le Mondenhận xét "Joe Biden hưởng lợi trong chiến dịch tranh cử nhờ Covid-19".

Đại hội của đảng Dân chủ hầu như hoàn toàn diễn ra trên mạng. Cho đến nay, ông Biden đã hưởng lợi từ tình hình chưa từng thấy này. Trong đợt bầu cử sơ bộ của Dân chủ, ông chưa bao giờ thu hút được đám đông, người đến dự toàn hoan nghênh các đối thủ của ông. Con virus đã làm sớm chấm dứt chiến dịch vận động, và giúp cho ứng cử viên tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ tránh được cuộc chạy đua marathon đầy mệt mỏi. Sự kín tiếng của ông khiến các chiến lược gia thời Obama lo ngại, nhưng rồi đại dịch đã đứng về phía Biden trong thời kỳ phong tỏa.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 516 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)