Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/09/2020

Điểm báo Pháp – Trung Âu : lá bùa tài chính Trung Quốc hết linh

RFI tiếng Việt

Trung Âu : Trung Quốc thất bại khi ngạo mạn với Cộng hòa Czech

Báo Le Monde hôm 02/09/2020 nhận định "Chuyến thăm Đài Bắc của một quan chức Cộng hòa Czech cho thấy Bắc Kinh đã thất bại tại Trung Âu".

tq1

Chủ tịch Thượng viện Czech Milos Vystrcil (giữa) đọc diễn văn tại Nghị Viện Đài Loan, Đài Bắc, ngày 01/09/2020.  AP - Chiang Ying-ying

Chủ tịch Thượng viện Czech, ông Milos Vystrcil đi thăm Đài Loan sáu ngày từ 30/08 đến 04/09/2020, trong khi các chính khách Châu Âu không dám đặt chân đến vì sợ làm mất lòng Bắc Kinh. Thứ Hai 30/08 ông với các sinh viên tại trường đại học mà Vaclav Havel từng phát biểu năm 2004, và sáng hôm 01/09 trước Quốc hội Đài Loan, ông nói bằng hai thứ tiếng Czech và Hoa ngữ : "Tôi là người Đài Loan". Câu nói gợi nhớ đến câu của tổng thống Kennedy tại Berlin năm 1963 "Ich bin Berliner" (Tôi là người Berlin), thông điệp cho tự do trước chủ nghĩa cộng sản.

Ban đầu thủ tướng Andrej Babis và nhất là tổng thống Milos Zeman nổi tiếng thân Nga và Trung Quốc đều không ủng hộ chuyến đi của chủ tịch Thượng viện. Nhưng ông Milos Vystrcil thuộc cánh hữu đối lập, thân phương Tây vẫn lên đường với phái đoàn gồm các đại biểu đối lập và tự do, cùng với thị trưởng Praha có quan điểm chống Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đang công du Châu Âu đe dọa ông Vystrcil "sẽ phải trả giá rất đắt". Phản ứng thô bạo này khiến chính giới Cộng hòa Czech trở nên đoàn kết, đại sứ Trung Quốc tại Praha bị triệu mời để phản đối.

Nhà nghiên cứu Filip Jirous ghi nhận động thái mạnh mẽ hiếm hoi của ngành ngoại giao Cộng hòa Czech cho thấy sự thất vọng của giới tinh hoa nước này trước những lời hứa hão của Bắc Kinh. Tổng thống Zeman hồi năm 2015 đã mời chủ nhân tập đoàn CEFC của Trung Quốc vào chức cố vấn, hy vọng sẽ được đầu tư ồ ạt nhưng ông này bị bắt tại Bắc Kinh vì tham nhũng năm 2018. Các dự án cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ "Con đường tơ lụa mới" thì vẫn lửng lơ.

Việc người tiền nhiệm của ông Milos Vystrcil đột tử hồi tháng Giêng trong lúc đang chuẩn bị đi Đài Loan khiến chủ đề này thêm nhạy cảm. Người vợ góa khẳng định ông bị lên cơn đau tim dưới áp lực mạnh mẽ của chính quyền Czech và Bắc Kinh yêu cầu hủy chuyến đi. Theo nhà phân tích Ivana Karaskova, có nhiều thuyết âm mưu và tuy không có gì chứng minh nhưng tất cả các quan chức Cộng hòa Czech đều tỏ ra rất thận trọng trước Trung Quốc từ sau vụ đột tử trên.

Tất cả diễn ra trong bối cảnh xã hội dân sự tỏ ra cảnh giác với các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc, và với các tuyên bố xấc xược, Bắc Kinh lại càng khiến dư luận đoàn kết theo hướng này.

Trung Quốc đe dọa Đài Loan, Hoa Kỳ gia tăng ủng hộ

Về quan hệ Mỹ-Trung, thông tín viên Le Monde ghi nhận căng thẳng tăng cao tại eo biển Đài Loan : trước sự bành trướng của Trung Quốc, Hoa Kỳ liên tục có những động thái ủng hộ Đài Bắc, trong đó có việc thành lập một trung tâm bảo trì chiến đấu cơ F-16 của Mỹ. Đây là trung tâm duy nhất tại Đông Á.

Hôm 31/08 Washington vừa giải mật tài liệu về "Sáu bảo đảm" của tổng thống Ronald Reagan dành cho Đài Loan năm 1982. Theo đó, việc Mỹ giảm bớt bán vũ khí cho Đài Loan kèm theo điều kiện Trung Quốc cam kết tìm kiếm giải pháp hòa bình. Ngay hôm sau Hoàn Cầu Thời Báo đề nghị Bắc Kinh tuyên bố không phận Đài Loan là "vùng tuần tra" của không quân Trung Quốc. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan trước Quốc hội hôm 31/08, Trung Quốc vẫn chưa thể mở ra một cuộc chiến tranh với đảo quốc.

Ngoài vấn đề quốc phòng, ngoại giao Đài Loan cũng khiến Bắc Kinh bực tức. Cũng như Trung Quốc, Đài Loan từ đầu năm nay mở chiến dịch "ngoại giao khẩu trang", gởi 10 triệu chiếc đi các nước trong đó 5,6 triệu khẩu trang cho Châu Âu. Việc xử lý tốt dịch bệnh virus corona cũng khiến nhiều nước ủng hộ Đài Loan tham gia Diễn đàn Y tế Quốc tế. Giữa tháng Tám, chuyến thăm Đài Loan ba ngày của bộ trưởng Y Tế Hoa Kỳ Alex Azar một lần nữa khiến Bắc Kinh tức giận.

Bị Trung Quốc cô lập về ngoại giao, Đài Loan vẫn giữ được 15 đồng minh, và vừa mở một "văn phòng đại diện" ở Hargeisa, thủ đô của Somaliland – lãnh thổ không được cộng đồng quốc tế công nhận. Chuyến viếng thăm của đoàn đại biểu Cộng hòa Czech như đã nói ở trên là một cú đá giò lái cho Bắc Kinh, cho dù tháng 5/2019 tổng thống Thái Anh Văn đã từng tiếp chủ tịch Thượng viện Bỉ Jacques Brotchi.

Đối với chuyên gia Frank Muyard ở Đài Bắc, đây không phải là bước ngoặt của ngoại giao Đài Loan. Bà Thái và ngoại trưởng Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên đã tìm cách mở rộng quan hệ ngoại giao, kinh tế với các nước dân chủ, và từ bốn năm qua, đã chiếm được lòng tin của Hoa Kỳ, gây ấn tượng tốt với thế giới trong việc chống lại dịch Covid. Hôm 28/08, bà Thái Anh Văn đã dỡ bỏ các quy định hạn chế nhập thịt bò và thịt heo của Mỹ. Tuy không được đa số cử tri đồng tình, nhưng động thái này mở đường cho một hiệp định tự do mậu dịch với Hoa Kỳ - thêm một đòn nữa cho Bắc Kinh.

Chu Đình, "nữ thần dân chủ" Hồng Kông

Cũng liên quan đến Trung Quốc, La Croix vẽ nên chân dung"nữ thần dân chủ" Hồng Kông, biệt danh được đặt cho Chu Đình (Agnes Chow), cô gái 23 tuổi là hiện thân của một thế hệ mới đấu tranh cho dân chủ và tự do.

Năm 2012, lúc mới 15 tuổi, Chu Đình đã tham gia nhóm học sinh chống chương trình "giáo dục ái quốc" do Bắc Kinh áp đặt nhằm tẩy não. Mười bảy tuổi, cô là một trong những khuôn mặt chủ chốt của cuộc "Cách mạng Dù" - cùng với Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), La Quán Thông (Nathan Law) và mùa hè năm nay, cô nằm trong số những nhà đối lập đầu tiên bị bắt với cáo buộc "thông đồng với thế lực nước ngoài" theo luật an ninh quốc gia mới.

Vừa kín đáo vừa rất tích cực, trong các cuộc họp báo Chu Đình dễ dàng từ tiếng Quảng chuyển sang quan thoại rồi tiếng Anh, tiếng Nhật. Việc sử dụng thông thạo bốn thứ tiếng là ưu thế quan trọng góp phần giúp quốc tế hóa phong trào phản kháng Hồng Kông. Cô lập được một mạng lưới rộng rãi trên internet, chủ yếu ở Nhật Bản : trên Twitter Chu Đình có đến nửa triệu người theo dõi, và tài khoản Facebook gần 200.000 người.

Một luật sư Hồng Kông nhận xét, Chu Đình thoạt nhìn có vẻ nhút nhát nhưng khi cô phát biểu rất khúc chiết, mạnh mẽ, thuyết phục được các nhà báo quốc tế. Nhà phê bình Eric Sautedé nhắc nhở, đừng quên rằng Chu Đình là tín đồ Công giáo ngoan đạo, cũng như Hoàng Chi Phong là tín đồ Tin Lành. Cô thiếu nữ thổ lộ, từ bé cô đã được cha dẫn đi lễ nhà thờ, được giáo dục phải bảo vệ những người bị áp bức, những người yếu thế. Niềm tin tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong sự dấn thân của cô và nhiều người trẻ Hồng Kông khác.

Phiên tòa lịch sử về các vụ khủng bố Paris năm 2015

Hôm nay chính thức khai mạc phiên tòa các vụ khủng bố tháng Giêng năm 2015 tại Paris, chủ đề này là tựa chính của các báo Pháp. Trên nền đen, Libération chạy tít"Cho họ, cho chúng ta, cho lịch sử"và dành đến 10 trang báo bên trong.Tương tự với Le Monde "Charlie, Hyper Cacher : Một phiên tòa lịch sử". "Giờ của công lý",tựa chính của La Croix với bức ảnh biểu tình tại quảng trường République, Paris và câu khẩu hiệu phổ biến vào lúc ấy"Je suis Charlie".

Les Echos nhắc lại : lần đầu tiên một ban biên tập bị sát hại dã man ngay giữa thủ đô nước Pháp. Trưa ngày 07/01/2015, Said và Chérif Kouachi xông vào tòa soạn tuần báo biếm họa Charlie Hebdo, bắn chết 11 người, và trên đường tẩu thoát sát hại thêm viên cảnh sát Ahmed Merabet. Hôm sau, Amedy Coulibaly giết chết một nữ cảnh sát trẻ ở Montrouge và đến ngày 09/01 bắn chết bốn người Do Thái tại siêu thị Hyper Cacher, rồi bị cảnh sát tiêu diệt. Vài giờ trước đó, hai anh em Kouachi cố thủ trong một xưởng in cũng bị lực lượng đặc nhiệm bắn hạ.

Các hung thủ đều đã đền tội, nhưng cơ quan điều tra nhận diện được 14 kẻ đồng lõa từ 28 đến 68 tuổi mà cho đến nay công chúng chưa biết tên. Theo công tố viên và luật sư của các nạn nhân, đây không phải là những nhân vật thứ yếu, không có các bị cáo này cung cấp vũ khí, hỗ trợ vật chất, kỹ thuật thì những kẻ khủng bố không thể hành động được. Chẳng hạn trong garage của một bị cáo, các nhà điều tra tìm được một bản viết tay của Ali Riza Polat, kẻ trợ thủ cho Coulibaly : danh sách các loại chất nổ, ngòi nổ, đạn dược cần mua.

Phiên tòa lịch sử kéo dài 49 ngày, 171 tập cáo trạng, 14 bị cáo trong đó có ba người bị xử khiếm diện, 200 bị hại, 90 cơ quan truyền thông đăng ký đưa tin trong đó có 27 là báo chí nước ngoài. Lần đầu tiên một phiên tòa khủng bố được năm camera ghi hình toàn bộ và sau đó được văn khố quốc gia lưu trữ, quyết định này cho thấy tầm vóc lịch sử của sự kiện.

Liệu có thể tránh được các vụ khủng bố này không ?

La Croix cho rằng phiên tòa là cần thiết để làm sáng tỏ thêm những gì đã diễn ra, những kinh nghiệm rút được nhằm đối phó với nạn khủng bố. Đồng thời giúp những nạn nhân bị ảnh hưởng về thể chất và tinh thần có thể lên tiếng, chứ không phải những kẻ sát nhân. Đặc biệt phiên xử là câu trả lời chính đáng của một nền dân chủ, trước bạo lực mù quáng. Luật pháp thay vì súng đạn : các bị cáo được các luật sư biện hộ. Và việc Charlie Hebdo cho đăng lại bức biếm họa đã gây ra thảm kịch, cũng hoàn toàn chính đáng, đó là quyền tự do ngôn luận : có đến 59% người Pháp ủng hộ việc tái bản này.

Một số người cáo buộc tình báo Pháp không nhận ra được các dấu hiệu cực đoan, sự nguy hiểm của các hung thủ. Amedy Coulibaly, sát thủ vụ Montrouge và Hyper Cacher là một kẻ côn đồ nhiều lần tái phạm : bị kết án 7 lần vì cướp giựt với tình tiết tăng nặng, buôn ma túy, dự mưu vượt ngục với một tù nhân vụ khủng bố Paris 1995. Ra tù tháng 3/2014, Coulibaly phải mang vòng điện tử ba tháng nhưng tình báo không theo dõi tiếp. Trường hợp hai anh em tên Kouachi nằm trong danh sách "S", nhưng sáu tháng trước vụ tấn công Charlie Hebdo không còn bị giám sát vì khéo léo không tỏ dấu hiệu khả nghi. Dù sao đi nữa, không thể theo dõi hết tất cả, và phải ghi nhận là riêng trong năm 2015 tình báo đã phá vỡ được bảy âm mưu khủng bố.

Các vụ tấn công tháng 1/2015 đánh dấu một bước ngoặt : nhận được thánh chiến "kiểu Pháp" sinh ra tại các khu phố nghèo và bên trong nhà tù. Trước đó, mối đe dọa khủng bố đến từ bên ngoài, cơ quan an ninh chỉ lo ngăn chận ở các biên giới. Bên cạnh đó, đã có một sự liên kết giữa quân thánh chiến Al Qaida và tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daech) ; và trường hợp Hayat Boumedienne, vợ của Coulibaly, bị cáo xử khiếm diện được cho là đang sống ở Syria, cho thấy IS còn tuyển mộ rộng rãi trong giới nữ.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)