Sự phục thù của các viện thăm dò dư luận (RFI, 24/04/2017)
Emmanuel Macron và Marine Le Pen (Studio Graphique FMM/AFP)
Sau chiến thắng của phe ủng hộ Brexit bên Anh và việc nhà tỷ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, các viện thăm dò dư luận đã bị chỉ trích mạnh mẽ. Thế nhưng, liên quan đến vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ngày 23/04/2017, các cơ quan này đã thăm dò dư luận đúng : kết quả cuộc bỏ phiếu phản ánh đúng xu thế được ghi nhận trong những tuần qua.
Kết quả cuộc thăm dò dư luận cuối cùng được công bố hôm thứ Sáu, 21/04, cho thấy Emmanuel Macron có thể thu được từ 23 đến 24% số phiếu, Marine Le Pen 22-23%, François Fillon 19-21%, Jean-Luc Melenchon 18-19,5%. Điều này gần như đúng với các tỷ lệ phiếu được ước tính vào tối ngày 24/03.
Các viện thăm dò dư luận cũng đưa ra các thẩm định về tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu tăng chút đỉnh, trong 10 ngày, từ 65% lên tới 75% và cuối cùng được dự báo là 78%.
Theo nhận định của bà Anne Jadot, giảng viên khoa học chính trị thuộc đại học Lorraine, Pháp, được AFP trích dẫn, "trong những ngày qua, các viện thăm dò đã cảm nhận được sự gia tăng muộn màng về số người đi bầu và họ đã chỉ rõ là Emmanuel Macron về đầu, Marine Le Pen ở vị trí thứ hai".
Các cơ quan thăm dò đã làm được việc này trong bối cảnh tỷ lệ người chưa quyết định bỏ phiếu cho ai cao chưa từng thấy, bởi vì trong những ngày cuối cùng trước cuộc bỏ phiếu, có tới một phần ba dân Pháp còn chưa quyết định hoặc có thể thay đổi sự lựa chọn.
Tình trạng bấp bênh này làm cho công việc của các viện thăm dò trở nên phức tạp, khó khăn hơn. Bản thân các cơ quan này của Pháp cũng bị "giám sát" chặt chẽ sau những thất bại của các đồng nghiệp Anh, Mỹ không tính tới khả năng đắc cử của Donald Trump, cũng như thắng lợi của phe ủng hộ Brexit bên Anh.
Các viện thăm dò dư luận của Pháp cũng bị chỉ trích sau thắng lợi của ông François Fillon trong cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa.
Ông Pierre Lefébure, thuộc Phòng thông tin chính trị Paris-Dauphine, cho rằng các viện thăm dò, đặc biệt là những cơ quan áp dụng kỹ thuật theo dõi xu hướng dư luận hàng ngày (rolling quotidien) đã nắm bắt được rất tốt các xu hướng và động lực thúc đẩy dư luận. Ông ghi nhận, kết quả các đợt thăm dò này đã tương ứng với những sự kiện trong cuộc vận động tranh cử, ví dụ như cuộc thảo luận trên truyền hình cho thấy xu thế đảo ngược giữa ứng viên Benoit Hamon và Jean-Luc Melenchon, hay việc chính trị gia cánh trung François Bayrou ủng hộ Emmanuel Macron đã cho thấy ứng viên Macron, vào khoảng ngày 20/02, có thêm được từ 3 đến 4 điểm vào lúc ông có tỷ lệ ủng hộ ngang ngửa với ứng viên cánh hữu François Fillon.
Vẫn theo chuyên gia Lefébure, các thăm dò cũng đã nhận thấy tỷ lệ ủng hộ ứng viên Marine Le Pen đã tụt giảm dần dần. Như vậy, có thể là những cử tri còn lưỡng lự không lựa chọn ứng viên này.
Về trường hợp ứng viên François Fillon, các thăm dò dư luận vừa qua tại Pháp cũng không vấp phải vấn đề người được thăm dò dấu ý định bỏ phiếu của mình. Có thể là do cách thức thăm dò dư luận qua internet, cho phép người được hỏi cảm thấy thoải mái hơn, vô danh, không chịu tác động, sức ép như khi hỏi trực tiếp hoặc qua điện thoại.
Nếu như các viện thăm dò dư luận, nhìn trong tổng thể, đã phản ánh đúng xu thế lựa chọn của cử tri, tỏ ra đáng tin cậy hơn, thì giới chuyên gia cũng chỉ trích các cơ quan này đã có ảnh hưởng thực sự đối với các diễn tiến các cuộc vận động tranh cử, đến sự lựa chọn của cử tri, như chủ đề "lá phiếu có ích" ở bên cánh tả.
Ông Lefébure đưa ra ví dụ : trong đợt vận động tranh cử vừa qua, các cử tri, đặc biệt là ở bên cánh tả, đã quá chú trọng đến việc ngăn cản ứng viên cực hữu của Mặt Trận Quốc Gia cũng như ứng viên cánh hữu của đảng Những Người Cộng Hòa, hơn là quan tâm đến nội dung các chương trình tranh cử. Cách tiếp cận này đã sớm có những tác động thuận lợi đối với ứng viên cánh trung Emmanuel Macron và mặt khác, các cử tri cho rằng việc bỏ phiếu cho Benoit Hamon, thuộc đảng cánh tả Xã Hội, không còn hữu ích nữa vì ứng viên này có tỷ lệ ủng hộ quá thấp theo kết quả các cuộc thăm dò.
******************
Bầu cử tổng thống Pháp : Macron về đầu, quốc tế thở phào nhẹ nhõm (RFI, 24/04/2017)
Emmanuel Macron mừng thắng lợi vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp, ngày 23/04/2017. REUTERS/Benoit Tessier TPX IMAGES OF THE DAY
Ngay khi kết quả ban đầu vừa được công bố, hầu hết các chính khách của Pháp, từ tả sang hữu đều kêu gọi cử tri ủng hộ ứng cử viên Emmanuel Macron ở vòng hai. Ông François Fillon - người về thứ ba, cũng như ứng viên đảng Xã Hội Benoît Hamon cùng kêu gọi "cản đường một đảng cực hữu bài ngoại" vào điện Elysée. Riêng lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất Jean-Luc Mélenchon, dù chủ trương chống bà Le Pen, nhưng trước mắt không kêu gọi các ủng hộ viên bỏ phiếu cho phe nào.
Đáng chú ý hơn cả là phản ứng của quốc tế : Việc ứng viên Emmanuel Macron có lập trường ủng hộ Châu Âu về đầu và có nhiều triển vọng đắc cử ở vòng hai đã trấn an các đối tác chính của Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker, là người đầu tiên lên tiếng, gửi điện mừng và chúc ông Emmanuel Macron "nhiều may mắn" cho vòng hai bầu cử tổng thống ngày 07/05/2017. Berlin tuyên bố ủng hộ ứng cử viên Macron. Bộ trưởng ngoại giao Đức bày tỏ "vui mừng" trước thắng lợi hôm qua của ông Macron và tin chắc ứng viên trẻ tuổi này sẽ đắc cử trong vòng 2 sắp tới.
Các thị trường chứng khoán trên thế giới đón nhận tin vui khi xua tan được kịch bản hai ứng cử viên chủ trương từ bỏ đồng euro,Jean-Luc Mélenchon và Marine Le Pen, cùng vào vòng hai. Chỉ số chứng khoán CAC 40 tại Paris vào giờ mở cửa sáng nay tăng hơn 4 %. Thị trường Đức và Anh cùng tăng điểm.
Viễn cảnh nước Pháp ra khỏi eurozone không còn tính thời sự, khiến đồng euro tăng giá so với đô la và đồng yen Nhật Bản. Theo lời một chuyên gia tài chính được AFP trích dẫn, thắng lợi của ông Macron hôm qua là "kịch bản lý tưởng sau Brexit và thắng lợi của nhà tỷ phủ Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ" hồi tháng 11/2016.
Tại Châu Á, các sàn chứng khoán từ Tokyo đến Sydney đều khởi sắc so với phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước - thứ Sáu 21/04/2017, trước bầu cử tổng thống Pháp vòng 1. Dù vậy, một số các nhà quan sát tại Châu Á vẫn thận trọng, vì từ nay đến ngày 07/05/2017 "nhiều chuyện vẫn có thể xảy ra". Nguy cơ khủng bố, tai tiếng chính trị … có thể làm đảo lộn các dự báo về kết quả bầu cử.
Báo chí quốc tế : Sự hiện diện của Marine Le Pen vẫn là một "mối đe dọa"
Báo chí quốc tế cũng đã nhanh chóng bình luận về kết quả bầu cử Pháp. The Guardian xem thắng lợi ở vòng 1 của ứng cử viên Macron là "hy vọng tốt nhất" đối với Pháp, nhưng đồng thời sự hiện diện của đảng cực hữu ở vòng nhì là "một mối đe dọa vẫn chưa được dập tắt".
Tờ Daily Mail nói đến "một cuộc cách mạng mới của nước Pháp" và xem bầu cử tổng thống 2017 trên quê hương của thi hào Voltaire có ý nghĩa quan trọng như một cuộc trưng cầu dân ý về câu hỏi Pháp nên ra đi hay ở lại trong Liên Hiệp Châu Âu. Báo Times đăng ảnh Marine Le Pen tươi cười say men chiến thắng. Tờ báo nhận định thắng lợi của bà Marine Le Pen là một vố đau đối với các tầng lớp lãnh đạo ưu tú của Paris.
Tạp chí Der Spiegel của Đức cũng nói tới một "cú bạt tai" đối với chính giới Pháp.
Nhật báo The Wall Street Journal của Mỹ đánh giá cử tri Pháp vừa "vẽ lại bản đồ chính trị" mà ở đó Liên Hiệp Châu Âu là trung tâm. Vòng 2 mở ra giữa ông Macron và bà Le Pen, "một người chủ trương đẩy mạnh tiến trình hội nhập Châu Âu, người kia thì xem Liên Hiệp Châu Âu và đồng euro là kẻ thủ của nước Pháp".
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, trong phần xã luận, lưu ý độc giả trên mạng : "Nếu ông Macron đắc cử tổng thống Pháp, thì đây sẽ là một thất bại chính trị với bà Le Pen, nhưng phải nhìn nhận là đảng cực hữu đã vươn lên mạnh mẽ trong cuộc vận động tranh cử vừa qua. Còn nếu như trái với tất cả các dự báo, bà Le Pen đánh bại được Emmanuel Macron, thì đây sẽ là hồi chuông báo tử dành cho Liên Hiệp Châu Âu".
Thanh Hà
**********************
Bầu tổng thống Pháp : trận chung kết Macron và Le Pen bắt đầu (RFI, 24/04/2017)
Hai ứng cử viên Emmanuel Macron (T) và Marine Le Pen lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống Pháp 2017. Eric Feferberg, Joël SAGET / AFP
Ứng cử viên Emmanuel Macron, trung tả, ở vị trí thượng phong, và Marine Le Pen, cực hữu, sẽ đụng nhau trong vòng hai của cuộc đua vào điện Elysée sau cơn địa chấn của vòng một ngày Chủ Nhật. Lần đầu tiên trong lịch sử Đệ Ngũ Cộng hoà Pháp, đại diện hai đảng tả - hữu truyền thống bị loại ở vòng một.
Về nhất với 23,75%, Emmanuel Macron, 39 tuổi, là một gương mặt mới trên chính trường Pháp, không có tiếng tăm cho đến khi được tổng thống François Hollande bổ nhiệm vào chiếc ghế bộ trưởng Kinh Tế vào năm 2014. Với chủ trương độc đáo "xóa bỏ biên cương tả - hữu" để có thể cải cách hệ thống chính trị lỗi thời, giải quyết nạn thất nghiệp trầm kha, Emmanuel Macron thành lập phong trào "Tiến bước !" đúng một năm trước đây và từ chức bộ trưởng để tranh ghế tổng thống, một hoài bão bị xem là "ảo vọng".
Bị các đối thủ gọi là "người kế tục" của tổng thống mãn nhiệm François Hollande, nhưng được cảm tình của truyền thông Pháp cũng như thành phần cử tri đang thất vọng về cả hai phe tả - hữu truyền thống, Emmanuel Macron có rất nhiều cơ may trở thành vị tổng thống thứ 8 của Đệ Ngũ Cộng Hoà và là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Cộng Hoà Pháp, kể cả thời Louis-Napoléon Bonaparte.
Trong bài diễn văn đêm Chủ Nhật, sau khi có những kết quả đầu tiên, sáng lập viên phong trào "Tiến bước !" kêu gọi tất cả công dân Pháp - tả cũng như hữu - đồng hành "đánh bại" phe dân tộc chủ nghĩa, ám chỉ ứng cử viên bài ngoại Marine Le Pen.
Với 21,50% phiếu, nữ luật sư Marine Le Pen về nhì, bước vào vòng hai như thân phụ của bà, ông Jean-Marie Le Pen, cách nay 15 năm. Với lập luận "tương lai dân tộc bị đe dọa", đại diện của xu hướng bài ngoại chủ trương bỏ đồng tiền chung, rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Mượn một lời tuyên bố của tướng De Gaulle, Marine Le Pen cổ vũ cử tri "yêu nước" giúp bà chiến thắng để "cứu nước Pháp".
Xem tổ chức bài ngoại là nguy cơ đe dọa đất nước, hầu hết lãnh đạo hai phe tả - hữu, kể cả hai ứng cử viên thất bại François Fillon của liên minh trung hữu và Benoit Hamon của đảng Xã hội, đều kêu gọi cử tri dồn phiếu cho Emmanuel Macron. Trong cuộc bầu cử năm 2002, với "Mặt Trận Cộng Hoà", huy động những người có cùng quan điểm về tự do dân chủ, ứng cử viên Jacques Chirac đã đánh bại thân phụ của Marine Le Pen với tỷ lệ 82,21%-17,79%.
Theo các kết quả thăm dò, Emmanuel Macron sẽ đắc cử với tỷ lệ từ 62% đến 64% vào Chủ nhật 07/05/2017.
Tú Anh
************************
Bầu cử tổng thống Pháp : Thất bại lịch sử của cánh hữu (RFI, 24/04/2017)
"Thất bại ê chề", "Thảm bại về mặt đạo đức" : đó là những cụm từ mà các thành viên trong đảng Những Người Cộng Hòa – LR đã dùng để chỉ sự kiện lần đầu tiên từ năm 1958, cánh hữu bị loại ngay từ vòng đầu trong một cuộc bầu cử tổng thống.
Ứng viên cánh hữu François Fillon phát biểu sau vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp 2017, Paris, ngày 23/04/2017 - REUTERS
Từ gần nửa thế kỷ qua, hai đảng tả -hữu, đảng Xã Hội - PS và LR thay nhau chi phối chính trường Pháp, thế mà cả hai cùng bị loại khỏi cuộc đua vào điện Elysée. Đây là sự kiện chưa từng thấy.
Thất bại thảm hại chưa đầy 7 % của đảng Xã Hội cánh tả không gây ngạc nhiên vì đã được dự báo từ trước, trong khi đối với đảng Những Người Cộng Hòa thì đây là "thất bại lịch sử".
Về thứ ba, sau phong trào tập hợp tả-hữu Tiến Bước - En Marche ! của Emmanuel Macron và đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia – FN là một "sỉ nhục" đối với cựu thủ tướng François Fillon.
Cho đến khi vụ tai tiếng việc làm giả liên quan trực tiếp đến vợ và 2 con ông bị báo chí phanh phui, đảng LR và François Fillon tưởng như cầm chắc phần thắng trong tay, sau 5 năm cầm quyền của tổng thống cánh tả - đảng Xã Hội, François Hollande. Là một chính trị gia giàu kinh nghiệm, François Fillon, 63 tuổi, ra tranh cử đại biểu Quốc Hội lần đầu tiên năm 1981và liên tục tái đắc cử cho đến hiện nay. Ông đã 5 lần giữ chức bộ trưởng và đáng chú ý hơn cả, ông là thủ tướng duy nhất trong nhiệm kỳ 5 năm dưới thời tổng thống Sarkozy (2007-2012). Đây là một thành tích hiếm có trong lịch sử nền đệ Ngũ Cộng Hòa.
Tháng 11/2016 trái với mọi dự báo, François Fillon dễ dàng được bầu làm đại diện cho cánh hữu ra tranh cử tổng thống Pháp 2017. Ông đã loại những đối thủ nặng ký nhất là cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, cựu thủ tướng Alain Juppé khỏi cuộc tuyển chọn sơ bộ, nhờ hình ảnh một nhà làm chính trị chín chắn, cương trực và liêm khiết.
Mọi kỳ vọng vực dậy nước Pháp đều được đặt lên đôi vai ứng cử viên Fillon. Cương lĩnh tranh cử của ông được các đối tác chính trong Liên Hiệp Châu Âu đánh giá cao. Kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách Nhà nước do ông đề xướng được xem là "có trách nhiệm" và cần thiết cho nước Pháp.
Trong bối cảnh mà Pháp nói riêng, Liên Hiệp Châu Âu nói chung đang lao vào một cuộc đọ sức với Nga trên hai hồ sơ lớn là Ukraina và Syria, thì nhìn từ Moskva, tổng thống Vladimir Putin xem François Fillon như là một chính khách "có tính chuyên nghiệp lớn". Châu Âu, sau khi nước Anh đòi ra khỏi ngôi nhà chung, đã xem ứng cử viên của đảng Những Người Cộng Hòa là một đối tác quan trọng để củng cố thêm Liên Hiệp Châu Âu.
François Fillon là ứng cử viên tổng thống Pháp đầu tiên được thủ tướng Đức tiếp tại Berlin. Trong bối cảnh cánh tả của Pháp bị chia năm sẻ bảy, hai đảng cực tả và cực hữu có chủ trương bài Châu Âu, chống chính sách khắc khổ của eurozone ngày càng thuyết phục được cử tri Pháp, thủ tướng Angela Merkel kỳ vọng François Fillon sẽ là một "đối tác đáng tin cậy" để cùng với Berlin tiếp tục tiến trình hội nhập Châu Âu.
Con đường vào điện Elysée của ông Fillon tưởng chừng không gặp trở ngại. Cánh hữu tin chắc trở lại nắm quyền. Cuối tháng Giêng 2017, toàn cảnh chính trị Pháp hoàn toàn bị đảo lộn với tiết lộ của tờ báo trào phúng Le Canard Enchainé về vụ việc làm giả, liên quan tới vợ và hai con ứng viên tổng thống Fillon.
Tiếp theo đó là những tuyên bố khi thì vụng về, khi thì trống đánh xuôi, kèn thổi ngược của bản thân François Fillon. Ứng cử viên tổng thống của đảng LR và vợ ông là bà Penelope Fillon bị điều tra, rồi bị khởi tố vì những cáo buộc "biển thủ công quỹ", "lạm dụng tài sản của xã hội".
Từ khi tai tiếng được phơi bày ra ánh sáng, hình ảnh xấu đó gắn liền với tên tuổi của François Fillon. Ông không thể thuyết phục được cử tri về tính cần thiết của các chương trình cắt giảm chi tiêu, giảm bớt nợ công, lành mạnh hóa các hoạt động kinh tế… Tại mỗi chặng vận động của ứng viên đảng Những Người Cộng Hòa, đều có đám đông, gõ nồi niêu xoong chảo với những khẩu hiệu như "trả lại tiền cho công chúng", hay tệ hơn nữa, phe chống đối gán cho ông hình ảnh "kẻ cắp", bòn rút tiền của Nhà nước cho vợ, con.
Một làn sóng phản kháng dấy lên ngay trong nội bộ đảng, kêu gọi ông rút lui, chỉ định một người khác thay thế ông làm đại diện cho cánh hữu ra tranh cử tổng thống. François Fillon, phớt lờ và quyết tâm "đi đến cùng". Bởi ông tin chắc, chiêu bài "an ninh, trật tự, những giá trị bảo vệ gia đình, đạo đức"… sẽ giúp ông vượt qua được tất cả.
Kết quả ngày hôm qua cho thấy, François Fillon đã đi sai một nước cờ, đảng Những Người Cộng Hòa đánh mất cơ hội trở lại cầm quyền.
Không đợi kết quả chính thức, nhiều thành viên đảng này ngay từ tối hôm qua đã đòi tính sổ với François Fillon. Cánh hữu "choáng váng" với chưa đầy 20 % phiếu ủng hộ. Thua "xiểng niểng, thất bại này lại càng cay đắng khi mà đảng LR tưởng chừng nắm chắc phần thắng trong tay" : là những lời bình của chính Những Người Cộng Hòa.
Theo giới phân tích, cuộc bầu cử tổng thống 2017 là trận đấu chính trị cuối cùng của ông Fillon. Đảng LR cũng đang muốn nhanh chóng sang trang cuộc bầu cử tổng thống lần này để còn chinh phục Quốc Hội trong cuộc bầu cử sắp mở ra vào đầu tháng 6 này. Đây sẽ là bài toán trắc nghiệm cho uy tín của cánh hữu, cho sự tồn tại của đảng Những Người Cộng Hòa.
Thanh Hà
***********************
Bầu cử tổng thống : Chuyện bên lề "hài hước kiểu Pháp" (RFI, 24/04/2017)
Cử tri lựa chọn ứng viên tại một phòng bỏ phiếu ở Paris, ngày 23/04/2017 - Benjamin Cremel / AFP
Bên lề vòng 1 bầu cử tổng thống Pháp, "tờ bạc 50 euro cho Pénélope" là chủ đề được nhắc đến rất nhiều. Tại một phòng phiếu ở quận 15 - Paris, trong quá trình kiểm phiếu, người ta phát hiện một phong bì, bên trong không phải là một lá phiếu hợp lệ với tên của 1/11 ứng cử viên tổng thống mà là một tờ bạc mệnh giá 50 euro có ghi hai từ "Pour Pénélope" / "Dành cho Pénélope ". Lá phiếu gợi nhắc lại tai tiếng "Pénélope Gate" liên quan tới vụ ứng cử viên đảng Những Người Cộng Hòa François Fillon tạo việc làm ảo cho vợ và hai con trai để "kiếm bộn tiền ".
Bức ảnh "lá phiếu đặc biệt" này được đăng tải trên nhiều tờ báo và mạng xã hội. Kênh radio Europe 1 hài hước bình luận : "Không biết lá phiếu này sẽ đi về đâu, nhưng có một điều chắc chắn, đây là lá phiếu có giá trị nhất của vòng một bầu cử. Và đương nhiên, tờ phiếu này đã không được tính cho François Fillon ". Còn trang The Huffington Post thì mỉa mai "sự quan tâm, chú ý" của cử tri quận 15 nói trên có thể giúp François Fillon "lên tinh thần" sau thất bại cay đắng trước Emmanuel Macron và Marine Le Pen.
Một cử tri khác chọn lá phiếu có tên ứng cử viên cánh hữu François Fillon nhưng thêm nhiều nhận xét tiêu cực như "Đồ ăn cắp ! ", "Kẻ lừa đảo ! ", "Đồ dối trá ! ". Cá biệt, có những lá phiếu với những lời chửi rửa tục tĩu dành cho hai ứng viên François Fillon và Marine Le Pen.
Một số cử tri thì chẳng chọn ai trong số 11 ứng cử viên tổng thống mà tự tạo một lá phiếu trên đó có ghi tên của một nhân vật nổi tiếng như ca sĩ Céline Dion, và hay gặp nhất là tên các cầu thủ đá bóng nổi tiếng. Có cử tri thì dùng ảnh một chú hề thay cho tờ phiếu bầu, một cử tri khác thì cắt lấy nắp hộp phô mai Camembert Président (Tổng thống Camembert) cho vào phong bì đựng phiếu. Camembert Président là một nhãn hiệu phô mai nổi tiếng tại Pháp.
Trò chơi chữ vốn được người Pháp yêu thích cũng được nhiều cử tri khác áp dụng. Một cử tri có lẽ yêu thích bóng đá thì viết thêm chữ vào sau tên của ứng viên Le Pen để thành "Penalty pour Lyon" (Một quả phạt đền cho đội Lyon).
Bên cạnh các lá phiếu "không hợp lệ một cách hài hước ", các báo Pháp hôm nay còn nhắc đến một sự cố "đáng ngạc nhiên " tại Marseille khiến thành phố miền nam nước Pháp này không thể công bố đúng giờ kết quả bỏ phiếu chính thức vòng 1. Tờ báo La Provence hôm qua đưa tin chủ tịch một phòng phiếu quận 13, thành phố Marseille đã "biến mất " cùng với toàn bộ phiếu bầu của cử tri vào cuối ngày.
Sáng hôm nay tờ báo Le Parisien/Người Paris cho biết sau khi tìm kiếm khắp nơi, cảnh sát đã tới nhà ông chủ tịch phòng phiếu nói trên và tìm thấy người này cùng với toàn bộ số phiếu mà họ "tưởng đã mất ". Sự thật là do hiểu nhầm quy định, thay vì tổ chức kiểm phiếu, ông chủ tịch điểm bỏ phiếu đã "ung dung" ra về cùng với túi đựng tất cả phiếu bầu. Một sự cố hiếm có !
Thùy Dương
************************
Marine Le Pen : Hậu sinh khả úy (RFI, 23/04/2017)
Marine Le Pen, ứng viên của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, phát biểu sau khi có kết quả vòng 1 ngày 23/04/2017. REUTERS/Charles Platiau
Người con thừa kế của đầy tham vọng với tính khí dữ dội, Marine Le Pen đã mang lại hy vọng chiến thắng cho đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia ở lần thứ 2 ra ứng cử tổng thống Pháp.
Trong bối cảnh nước Pháp bị đe doạ khủng bố thường trực, tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài do nền kinh tế ì ạch dẫn đến nỗi chán trường giới chính trị trong dân chúng tích tụ đến cao độ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của trào lưu dân túy ở Châu Âu. Những yếu tố đó đã đem lại cho đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia nói chung và cá nhân Marine Le Pen nói riêng, hy vọng có thể lần đầu tiếp cận quyền lãnh đạo đất nước, sau hơn 4 thập kỷ đóng vai trò đối lập trên chính trường Pháp.
Marine Le Pen sinh năm 1968, con út trong gia đình có 3 con gái của Jean Mari Le Pen, người sáng lập đảng Mặt Trận Quốc Gia (1972) và cũng là người có nhiều tai tiếng chính trị. Ban đầu theo nghề luật sư, Marine Le Pen bước vào con đường chính trị lần đầu dưới màu cờ của Mặt Trận Quốc Gia với việc ứng cử Quốc Hội vào năm 1993 nhưng không thành công. Từ năm 1998, bà mới bắt đầu có được vị trí trong các hội đồng địa phương.
Đến năm 2004, Marine Le Pen giành được chiếc ghế ở Nghị Viện Châu Âu. Cũng từ thời điểm này, với sự hỗ trợ của người cha, cô con gái út trong gia đình Le Pen bắt đầu thăng tiến trong đảng cho đến năm 2011, Marine Le Pen được bầu làm chủ tịch đảng và nhanh chóng làm một cuộc thay máu trong Mặt Trận Quốc Gia vốn vẫn bị nhìn nhận một đảng cực hữu, mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài ngoại hay thậm chí còn mang tiếng là phát xít.
Hàng loạt nhân vật gạo cội trong đảng, trong đó kể cả người cha Jean-Mari Le Pen sáng lập ra FN lần lượt bị loại ra khỏi đảng để thay vào đó bằng những gương mặt mới với ý đồ thay đổi định kiến của người dân Pháp với Mặt Trận Quốc Gia.
Với bề dày nhiều thập kỷ đứng ở vị trí đối lập với chính quyền, Marine Le Pen đã tạo được biệt tài chỉ trích chế độ, dù đó là thuộc cánh tả hay cánh hữu. Thời điểm nước Pháp gặp khó khăn trong các vấn về kinh tế, chính trị hay an ninh thì đó cũng là cơ hội để Marine Le Pen tận dụng tối đa để nâng tầm cho Mặt Trận Quốc Gia.
Năm 2012, Marine Le Pen ra ứng cử tổng thống lần đầu và về thứ 3 với tỷ lệ 17,90% phiếu bầu. Đó cũng là kết quả cao nhất ở vòng 1 so với tất cả các lần ra tranh cử tổng thống của cha bà trước đó. Kỳ bầu cử lần này, Marine Le Pen đã làm được cái việc mà cha bà và đảng Mặt Trận Quốc Gia chưa bao giờ với tới, đó là đạt được gần 22% số phiếu bầu.
Cương lĩnh tranh cử : Quyền lợi của người Pháp là trên hết
- Đối ngoại : Ra khỏi khu vực đồng tiền chung Châu Âu để lấy lại chủ quyền quốc gia ; từ bỏ đồng euro, quay trở lại đồng franc ; đóng cửa biên giới với người nhập cư ; ra khỏi khu vực tự do đi lại Shengen giữa các nước Châu Âu ; ra khỏi NATO ; chính sách thân thiện với Nga.
- Lao động : Ưu tiên công việc làm cho người Pháp ; 60 tuổi được quyền về hưu ;
- Kinh Tế : Giảm thuế 20 triệu euro và bơm thêm 20 tỷ euro cho các hộ gia đình để tăng mãi lực của người Pháp.
- Đánh thuế hàng nhập khẩu 3 % để bảo vệ công việc làm trên đất Pháp.
- An ninh : Lệnh trục xuất tự động với tội phạm người nước ngoài ; cắt trợ cấp xã hội dành cho người nhập cư không có giấy tờ hợp lệ.
RFI tiếng Việt
*************************
Bầu tổng thống Pháp : Nhiều chính khách kêu gọi bỏ phiếu cho ứng viên Macron ở vòng hai (RFI, 23/04/2017)
Ông Emmanuel Macron (T), bà Marine Le Pen - REUTERS
Ứng viên thuộc cánh trung, ủng hộ Châu Âu Emmanuel Macron, và ứng viên đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia Marine Le Pen, lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp, được tổ chức vào ngày 07/05/2017.
Kịch bản này làm thay đổi cảnh quan chính trị Pháp : lần đầu tiên kể từ năm 1958, cánh hữu cộng hòa vắng mặt tại vòng hai và cũng là lần đầu tiên, cả hai đảng lớn truyền thống tả-hữu vốn ngự trị chính trường Pháp từ gần nửa thế kỷ qua, đảng Những Người Cộng Hòa và Đảng Xã Hội, không có ứng viên ở vòng hai.
Theo các thẩm định ban đầu của các viện thăm dò, ứng viên Emmanuel Macron, cựu bộ trưởng Kinh Tế, 39 tuổi, đã về đầu với hơn 23% số phiếu. Ông nói với AFP : "Giờ đây, chúng ta lật hẳn sang một trang mới trong đời sống chính trị Pháp".
Bà Marine Le Pen, về nhì với hơn 21% số phiếu. Nhóm cố vấn thân cận của ứng viên này coi đây là một thắng lợi lịch sử đối với "những người yêu nước và đề cao chủ quyền quốc gia". Theo tất cả các cuộc thăm dò dư luận trong nhiều tuần qua, tại vòng hai ngày 07/05, bà Le Pen đều bị thua.
Sau thất bại của ứng viên François Fillon, thuộc đảng Những Người Cộng Hòa, các chính trị gia cánh hữu "nặng ký" đã tuyên bố ủng hộ ứng viên cánh trung Macron. Thủ tướng chính phủ cánh tả thuộc Đảng Xã Hội Bernard Cazeneuve, cũng lên tiếng kêu gọi bỏ phiếu cho ông Macron.
Vẫn theo các thẩm định ban đầu, hai ứng viên, François Fillon, cánh hữu và Jean Luc Melenchon, cánh tả, có tỷ lệ phiếu sát sao ở vị trí thứ ba, khoảng từ 19 đến 20%. Ứng viên của Đảng Xã Hội, cánh tả, bị bỏ lại phía sau khá xa, với khoảng từ 6 đến 7% số phiếu.
Ông Emmanuel Macron, vào năm ngoái, đã lập ra phong trào chính trị "Tiến Bước" và tự coi mình không thuộc cánh tả, không thuộc cánh hữu. Sau vòng một, ông ở vị thế rất thuận lợi để giành thắng lợi trong vòng hai và trở thành tổng thống trẻ nhất của nền Cộng Hòa, trẻ hơn cả Louis-Napoléon Bonaparte (sinh năm 1808, làm tổng thống năm 1848 - 1851).
Đối thủ của ông Macron ở vòng hai là bà Marine Le Pen. Chính trị gia này đã lập lại được thành tích của người cha là ông Jean Marie Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2002. Tuy nhiên, thắng lợi của bà Le Pen lần nay không gây ngạc nhiên vì nhiều cuộc thăm dò dư luận trước đây đều thẩm định là bà Le Pen sẽ về đầu tại vòng một, nhưng sẽ thua ở vòng hai.
RFI tiếng Việt