Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/09/2020

Thượng đỉnh về hợp tác kinh tế Trung Quốc – Châu Âu

RFI tiếng Việt

Trung Quốc – Châu Âu họp thượng đỉnh về hợp tác kinh tế mặc dù căng thẳng ngoại giao

Hôm 14/09/2020, Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Trung Quốc họp thượng đỉnh qua cầu truyền hình với sự tham dự của chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen, thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch luân phiên EU và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hồ sơ hợp tác kinh tế song phương là trọng tâm trong bối cảnh hai bên đang có những căng thẳng ngoại giao do các hồ sơ Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và Đài Loan. 

eu0

Thượng đỉnh trực tuyến Liên Hiệp Châu Âu - Trung Quốc mở ra ngày 14/09/2020 tập trung bàn về kinh tế.  AFP/File

Ban đầu, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tính đến Leipzig để họp với lãnh đạo 27 nước trong Liên Hiệp Châu Âu, nhưng do dịch Covid-19, cuộc họp thượng đỉnh phải thay đổi, được tổ chức qua video. Mục tiêu đầu tiên của cuộc họp thượng đỉnh là hợp tác kinh tế. Các nước Liên Âu hy vọng thúc đẩy được những tiến bộ cho phép ký kết một thỏa thuận đầu tư đã được hai bên đàm phán từ 7 năm nay.

Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet tường trình :

Hợp tác khi có thể và cứng rắn khi cần thiết, đó là đường hướng dưới dạng như khẩu hiệu của các nước Liên Hiệp Châu Âu cho cuộc họp qua video này. Phiên họp được các nước Châu Âu đánh giá là trọng yếu, sau thượng đỉnh tương tự kéo dài 4 giờ hồi tháng 6 vừa qua.

Cuộc gặp thượng đỉnh từ xa này sẽ là dịp để ghi nhận một tiến bộ quan trọng, bởi vì một đại diện của Liên Hiệp Châu Âu sẽ ký tại Bắc Kinh một thỏa thuận theo đó, Trung Quốc thừa nhận việc bảo hộ xuất xứ địa lý các sản phẩm của Châu Âu.

Với các nước Liên Hiệp Châu Âu, đó cũng là bằng chứng cho thấy trong những hồ sơ quan trọng, Châu Âu vẫn có thể bảo vệ được các lợi ích của mình, đồng thời, đây cũng là một tín hiệu cho thấy vẫn có những lá bài mà Châu Âu có thể khai thác trong quá trình đàm phán.

Nhưng hồ sơ kinh tế lớn nhất là hiệp định bảo hộ đầu tư nhằm giúp các doanh nghiệp Châu Âu xâm nhập thị trường Trung Quốc với các quy định công bằng. Cuộc họp thượng đỉnh này tạo hy vọng là sẽ có một lộ trình rõ ràng cho phép ký kết được hiệp định từ nay đến cuối năm.

Các cuộc đàm phán diễn ra vào giai đoạn quan hệ giữa Bắc Kinh và Bruxelles đang có những căng thẳng về chính trị.

Trung cuộc họp thượng đỉnh trước hôm 22/06 vừa rồi, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula Von der Leyen đã phê phán Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia, bóp nghẹt các quyền tự do của người Hồng Kông.

Trước phiên họp thượng đỉnh này, trong các chuyến công du một loạt các nước Châu Âu cuối tháng 8, ngoại trưởng Vương Nghị cũng như trưởng ban Đối Ngoại Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì đã bị chính giới và dư luận chất vấn liên tục về các vấn đề Hồng Kông, nhân quyền ở Tân Cương và cả về những đe dọa dùng vũ lực đối với Đài Loan.

Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu nhìn từ Trung Quốc

Nhìn từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde đánh giá khí hậu là hồ sơ Bắc Kinh và Bruxelles dễ đàm phán với nhau hơn cả. Ngược lại Trung Quốc tiếp tục viện cớ "công việc nội bộ" để từ chối thảo luận với các đối tác Châu Âu về tình hình Tân Cương, Hồng Kông hay Đài Loan :

"Phát biểu trực tiếp hay qua các kênh truyền thông trên mạng, Bắc Kinh luôn đưa ra một thông điệp : đó là Trung Quốc rất chú trọng tới việc Châu Âu độc lập trong chính sách của mình. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo trong bài xã luận sáng nay nhắc lại điều này. Đồng thời Bắc Kinh kêu gọi Bruxelles tránh rơi vào cuộc chiến tranh lạnh do Mỹ khơi mào. Điểm này đã từng được ngoại trưởng Vương Nghị lập đi lập lại từ cuối tháng 8.

Có điều thông điệp đó vẫn chưa đủ. Phía Trung Quốc biết rằng Châu Âu đang chờ đợi nhiều ở Bắc Kinh về nguyên tắc có đi có lại. Trước thượng đỉnh, một lần nữa các doanh nghiệp Châu Âu đã bối rối và cho rằng không được đối xử bình đẳng để tham gia thị trường của Trung Quốc. Do vậy ông Tập Cận Bình trên nguyên tắc sẽ phải đề xuất một số những thông báo về thỏa thuận đầu tư như phía Châu Âu đã yêu cầu.

Trong khi chờ đợi, truyền thông Trung Quốc trong những giờ qua đưa ra hình ảnh của một cốc nước nửa đầy (về quan hệ kinh tế giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc) với những bài báo liên quan đến việc một tập đoàn mỹ phẩm lớn của Pháp khánh thành một nhà máy ở miền nam Trung Quốc, hay việc Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức trong quý 2 năm nay. Kèm theo là hình ảnh một đoàn tàu hỏa chở hàng xuất phát từ Tân Cương, miền Tây Trung Quốc, trực chỉ Châu Âu.

Chính tình hình ở vùng tự trị Tân Cương với đa số dân là người Duy Ngô Nhĩ, cũng như vấn đề Hồng Kông và căng thẳng quân sự tại eo biển Đài Loan có thể sẽ là những hồ sơ Bắc Kinh lại viện lý do công việc nội bộ của Trung Quốc, từ chối để nước ngoài can thiệp. Ngược lại phía Trung Quốc có thể lắng nghe các lập luận của Châu Âu về các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, chẳng hạn như về ngưỡng thải khí carbone CO2, về cam kết ngừng xây dựng thêm các nhà máy điện sử dụng than".

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 497 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)