Thượng Karabakh : Armenia và Azerbaidjan thỏa thuận ngừng bắn
RFI, 10/10/2020
Dưới sự chủ tọa của Nga, sau hơn 10 giờ đàm phán chiều qua tại Moskva, Azerbaijan và Armenia đồng ý về một thỏa thuận hưu chiến tại vùng Thượng Karabakh. Lệnh ngừng bắn có hiệu lực kể từ 12 giờ trưa ngày Thứ Bảy 10/10/2020 nhằm mục tiêu nhân đạo, cho phép đôi bên trao đổi tù binh.
Xung đột tại Thượng Karabakh bùng lên từ hôm 27/09/2020 giữa phe nổi dậy được Armenia yểm trợ và quân đội chính phủ Azerbaijan. Theo thống kê chính thức, giao tranh làm hơn 400 người thiệt mạng cho cả hai phía tuy nhiên mỗi bên đều khẳng định đã "tiêu diệt được hàng ngàn quân thù".
Thông tín viên đài RFI Jean-Didier Revoin từ Moskva cho biết thêm về nội dung thỏa thuận ngừng bắn tại Thượng Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia :
Nét mặt mệt mỏi nhưng không che giấu được một sự hài lòng. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov phát biểu ngắn gọn sau vòng đàm phán với hai đồng nhiệm Armenia và Azerbaijan.
Thỏa thuận mà các bên vừa đạt được vào khuya hôm qua bao gồm những điểm như sau: Lệnh hưu chiến bắt đầu có hiệu lực từ 12 giờ trưa nay (10/10). Hai bên sẽ đàm phán thêm về những điều kiện thực thi thỏa thuận ngừng bắn. Sau cùng, đại diện của Bakou và Erevan cam kết giảm quyết tranh chấp bằng một giải pháp hòa bình và giữ nguyên khuôn khổ của tiến trình đàm phán.
Thỏa thuận này là một bước tiến quan trọng kể từ khi xung đột bùng lên trở lại hôm 27/09/2020. Văn bản này cho phép các bên trao đổi tù binh và trao trả thi thể các nạn nhân lại cho đối phương. Theo truyền thông Nga, tình hình tại Stepanakert, thủ phủ Thượng Karabakh có vẻ yên ắng. Không nghe thấy tiếng còi báo động hay tiếng bom đạn dội xuống thành phố.
Thanh Hà
********************
Thượng Karabakh : Azerbaijan và Armenia vừa đánh vừa đàm
RFI, 10/10/2020
Vào lúc Na Uy nổi lên thành tâm điểm của hòa binh thế giới với lễ công bố giải Nobel Hòa Bình, tại vùng Thượng Karabakh, chiến sự vẫn diễn ra giữa Quân đội Azerbaijan và lực lượng ly khai người Armenia, Cộng hòa Armenia ủng hộ.
Các cuộc giao tranh đã lan rộng trong những ngày gần đây với các cuộc pháo kích vào các khu vực đô thị ở cả hai bên via Reuters
Bùng lên từ cuối tháng 9, tính đến sáng ngày 09/10, chiến sự đã khiến cho hơn 400 người chết theo các số liệu chính thức, trong số này có 22 thường dân Armenia và 31 người Azerbaijan. Tuy nhiên, số thương vong có thể cao hơn nhiều, với việc bên nào cũng loan báo là đã loại bỏ được hàng nghìn binh sĩ đối phương. Các cuộc giao tranh đã lan rộng trong những ngày gần đây với các cuộc pháo kích vào các khu vực đô thị ở cả hai bên.
Theo ông Thorniké Gordadze, giảng viên trường khoa học chính trị Sciences Po Paris, cựu bộ trưởng Gruzia chịu trách nhiệm về hội nhập Châu Âu, tương quan lực lượng hiện có phần bất lợi cho Armenia. Trả lời ban tiếng Pháp RFI, ông Gordadze phân tích :
Thorniké Gordadze : Azerbaijan đã tăng cường đang kể lực lượng quân sự của mình trong những năm gần đây. Ngân sách quân sự của Azebaijan cao hơn Armenia gấp 4 lần. Tuy nhiên, trên bình diện địa chiến lược, sau cuộc chiến năm 1994, phía Arménia đã chiếm được trên thực địa nhiều vị trí giúp họ có ưu thế.
Nhưng về phương diện kinh tế và chính trị, Azerbaijan đã thay đổi được phần nào tương quan lực lượng. Trên mặt kinh tế, trong những năm 1990, nước này đã trở nên giầu có hơn, đặc biệt nhờ vào việc xuất khẩu dầu khí. Azerbaijan hiện là nước giầu nhất trong khu vực, cho phép họ vừa tăng cường một cách đáng kể tiềm lực quân sự, vừa liên minh được với nhiều nước trong thế giới Hồi Giáo ở ngoài lục địa Châu Âu, và nhất là củng cố quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Xung đột bùng lên trở lại tại vùng Thượng Karabakh đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại, và các cường quốc đã liên tiếp kêu gọi các chính quyền Armenia và Azerbaijan đối thoại với nhau. Tuy nhiên, phải chờ đến ngày 09/10 mới có một cuộc tiếp xúc đầu tiên tại Moskva giữa hai ngoại trưởng Azerbaijan và Armenia, theo lời mời của Nga, nước nằm trong nhóm Minsk còn có cả Mỹ và Pháp, chịu trách nhiệm làm trung gian hòa giải giữa các phe lâm chiến.
Sức ép của Nga như đã có hiệu quả, và sau cả chục tiếng đồng hồ thương thuyết, ngày 10/10 hai bên tranh chấp tại vùng Thượng Karabakh đã đồng ý trên một thỏa thuân ngừng bắn, trên nguyên tắc có hiệu lực từ 12 giờ trưa cùng ngày.
Theo giáo sư Gordadze, trong tình hình hiện nay, các cường quốc phải dấn thân mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy một hòa ước lâu bền hơn giữa hai bên, với việc tạm dừng xung đột là một tiền đề tốt cho đối thoại.
Thorniké Gordadze : Điều kiện đầu tiên là phải chấm dứt những cuộc xung đột. Người ta dĩ nhiên có thể vừa đánh vừa đàm, nhưng trong trường hợp đó, các cuộc đàm phán sẽ thực sự bị tình hình chiến sự ảnh hưởng.
Để bảo đảm những cuộc đàm phán êm thắm, các cường quốc khu vực, cụ thể là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ, cũng cần năng nổ hơn để thúc đẩy các phe hướng tới một hiệp ước hòa bình đích thực. 26 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1994, 28 năm kể từ khi nhóm Minsk (gồm Nga, Pháp, Mỹ) tồn tại (từ năm 1992), nhưng những nỗ lực thúc đẩy hòa bình đều không đi đến đâu. Đó cũng là nguyên nhân khiến xung đột bùng phát trở lại cách nay vài ngày.
Chúng ta không thể tiếp tục im lìm thêm nhiều năm nữa, mà phải tiến bước trong quá trình đàm phán.
Phụ nữ Belarus đi đầu trong phong trào chống Lukashenko
Về tình hình Belarus, một điểm nóng khác của Châu Âu, lãnh đạo phe đối lập Belarus tiếp tục chuyến công du Châu Âu. Svetlana Tikhanovskaia, đã có mặt ở Berlin hôm 06/10 để tiếp xúc với thủ tướng Đức Angela Merkel, sau đó một ngày bà đã ra điều trần trước Quốc hội Pháp tại Paris với thông điệp : Phải tiếp tục gây áp lực chống lại chế độ Lukashenko.
Tại Belarus, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục ở Minsk và trên khắp đất nước để tố cáo cuộc bầu cử gian lận. Sau khi ba nhà đối lập chủ chốt bị bắt, chính phụ nữ đã vươn lên đẫn đầu phong trào phản đối. Họ vừa là phát ngôn viên, vừa là nòng cốt trong các cuộc tuần hành mang hai màu trắng đỏ diễn ra vào Chủ Nhật hàng tuần.
Ở quốc gia láng giềng Lítva, nơi Svetlana Tikhanovskaia tị nạn, thông tín viên RFI Marielle Vitureau đã gặp những đối thủ kiên quyết này và gởi về phóng sự sau đây :
"Cuộc bầu cử đã xong từ cách nay hai tháng, nhưng cô Hanna tối nào cũng đến biểu tình trước đại sứ quán Belarus. Cô đã từ Minsk, thủ đô Belarus qua sinh sống ở Vilnius từ 5 năm nay, và chính tại thành phố này mà gần đây cô đã học được một câu nói mới "Belarus muôn năm".
Cô gái đã chia sẻ : "Đối với tôi câu Zhyvie Belarus có nghĩa là được độc lập, được tự do bày tỏ ý kiến của mình, tự do trở thành chính mình ở đây, ở Vilnius, mà không sợ bị giam giữ".
Tại một nơi chỉ cách biên giới Belarus ba mươi cây số, những người Belarus hiểu rõ là họ không còn nhiều thời gian để lật đổ tổng thống Alexandre Lukashenko. Tatiana Tchulitskaia là giảng viên môn khoa học chính trị tại đại học. Đối với bà, kinh tế sẽ là yếu tố đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự sụp đổ của chế độ.
Trong hai tháng vừa qua, người Belarus đã tự đứng lên nắm lấy vận mệnh của mình. Bây giờ họ như đã thành lập một quốc gia có chủ quyền trên thực tế. Theo bà Tatiana Shtchhittosva, giáo sư đại học về môn triết học ở Belarus đang sống lưu vong tại Vilnius, thì phong trào phản đối và lệnh trừng phạt của Châu Âu sẽ không đủ để đánh đuổi Lukashenko.
Theo bà : "Cộng đồng quốc tế có thể buộc chính quyền Belarus mở đối thoại với xã hội dân sự. Có nhiều biện pháp ngoại giao để đảm bảo sao cho tất cả quyền lực không tập trung vào tay một vài người... Giới quyền thế tại Belarus không thuần nhất như vậy".
Ngày 11/08 vừa qua, Vilnius tiếp đón nhà đối lập Svetlana Tikhanovskaia. Kể từ lúc đó, bà đã gia tăng các cuộc tiếp xúc quốc tế.
Theo ngoại trưởng Lítva Linas Linkevicius, đó là một điều tốt : "Bà Svetlana Tikhanovskaia nhấn mạnh rằng mục tiêu của bà cũng như của Ủy Ban Điều Phối quá trình chuyển tiếp là thúc đẩy tiến trình dân chủ đi đúng hướng thông qua việc bầu ra một tổng thống mới được cộng đồng quốc tế công nhận. Do đó, điều quan trọng là chúng tôi phải công nhân tính chính đáng của bà cũng như ủy ban của bà, và tất cả các cuộc tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia đều mang lại cho bà tính chính đáng đó".
Toàn thể xã hội Lítva cũng đang giúp đỡ phong trào đấu tranh Belarus. Chính quyền Vilnius đã cấp hơn 300 thị thực nhập cảnh vì lý do nhân đạo và Đại Học Vilnius vừa tạo ra loại học bổng Đại Công Quốc Litva dành cho các sinh viên Belarus đang gặp khó khăn".
Trọng Nghĩa