Nền dân chủ Mỹ đang bước vào "giai đoạn đen tối"
Cuộc xung đột vũ trang Thượng Karabakh ở vùng Kavkaz có nguy cơ lan rộng, với tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gây lo ngại. Nước Pháp huy động tổng lực để chuẩn bị đối phó với đỉnh dịch Covid lần thứ hai. Các chủ đề nóng bỏng nói trên của các nhật báo Pháp hôm 09/10/2020, đẩy hồ sơ tranh cử tổng thống Mỹ xuống hàng thứ yếu. Tuy nhiên về nước Mỹ, có nhiều bài viết đáng chú ý.
Báo Le Monde, ra từ chiều hôm qua, tập trung phân tích cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tranh chức phó tổng thống, ứng viên Dân chủ Kamala Harris và ứng viên Cộng hòa Mike Pence. So với cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng viên tổng thống, diễn ra trong không khí gần như hỗn loạn, thì cuộc tranh luận lần này được đánh giá là "ôn hòa".
Phụ tá của Biden "không sai sót", Pence giữ được niềm tin của phe Cộng hòa
Nhìn chung, Le Monde đánh giá nữ ứng cử viên Kamala Harris, thượng nghị sĩ, người da mầu gốc quần đảo Jamaica, đã "vượt qua vòng trắc nghiệm", trước đối thủ không dễ dàng là đương kim phó tổng thống Mike Pence. Một người rất trung thành với Donald Trump, nhưng có phong cách nhã nhặn, điềm đạm, hoàn toàn trái ngược với tính cách bốc lửa của tổng thống. Le Monde ghi nhận là người phụ tá của ông Joe Biden, ứng viên Harris, đã "không có bước đi sai sót nào".
Theo Le Monde, ông Mike Pence cũng đã tương đối thành công trong cuộc tranh luận, nhờ ở việc "diễn giải lập trường của tổng thống Trump một cách lịch thiệp", giúp cho phe Cộng hòa "giữ được niềm tin". Tuy nhiên, điều bất cập là cuộc tranh luận chừng mực hôm thứ Tư đã không giúp cho ứng cử viên đảng Cộng hòa thu hút thêm được sự ủng hộ của các thành phần cử tri mới, bên ngoài lực lượng cử tri truyền thống, vốn không đủ để Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu ngày 03/11 tới.
Từ chối tranh luận lần 2, Trump rơi vào thế khó ?
Cũng về cuộc tranh luận giữa hai phó tướng của Donald Trump và Joe Biden, Les Echos có bài nhận định, cùng nhấn mạnh đến nỗ lực của ông Mike Pence, nhằm "củng cố sự ủng hộ của nhóm cử tri truyền thống, đang ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi" về chính tổng thống mãn nhiệm Donald Trump. Les Echos lưu ý là ông Donald Trump đang ở trong "giai đoạn khó khăn" trong khoảng mươi ngày trở lại đây. Cụ thể là "từ khi tờ khai thuế của Donald Trump được công bố, tiếp theo đó là cuộc tranh luận đầu tiên, với điểm nổi bật là ông đã không ngừng ngắt lời và nhục mạ đối thủ, cho đến vụ dương tính với virus gây bệnh Covid-19, cũng như cách thức ông xử sự với bệnh tật của mình…". Theo các thăm dò dư luận mới nhất, tổng thống mãn nhiệm bị đối thủ Joe Biden dẫn trước từ 12 đến 16 điểm, trên quy mô toàn quốc.
Les Echos nhận xét, việc Donald Trump từ chối cuộc tranh luận lần thứ hai, ngày 15/10, với lý do không chấp nhận các quy định của Ủy ban tổ chức các cuộc tranh luận, có nguy cơ làm ông thêm mất uy tín. Nhật báo Pháp dự đoán, rất có thể cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên phó tổng thống Mỹ vừa qua sẽ là "cuộc tranh luận cuối cùng" trong mùa tranh cử tổng thống Mỹ 2020 này.
"Chia tay với giấc mơ Mỹ"
Về nước Mỹ, về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, báo Les Echos có bài nhận định đáng chú ý của học giả Jacques Attali, với tựa đề "Chia tay với giấc mơ Mỹ". Ghi nhận chung của tác giả là "khu vực Bắc Mỹ từng là miền đất hứa trong vòng hơn hai thế kỷ đối với cư dân toàn thế giới", với những ai tìm đến tự do chính trị, tự do kinh doanh, được theo học tại các cơ sở đào tạo đỉnh cao. Tuy nhiên giai đoạn này dường như đang chấm dứt với "sự bùng nổ của các bất bình đẳng xã hội, nợ nần doanh nghiệp và của các gia đình ngày càng chồng chất, trong lúc các giá trị của nền dân chủ đang bị thách thức nghiêm trọng".
Theo học giả Pháp Jacques Attali, thì dù ai là tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới, ít có cơ hội là tình hình được cải thiện nhanh chóng, "mọi người đã biết rõ chính sách của Donald Trump là tạo điều kiện thuận lợi cho những người giầu có nhất, và đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng bản sắc lớn". Về phía ông Joe Biden, "cho dù có là người đáng trọng, thì chính trị gia này cũng không có đủ năng lượng, cũng như các phương tiện để thúc đẩy các cải cách khổng lồ", vốn rất cần thiết cho nước Mỹ. Jacques Attali dự báo, "trước khi có một thế hệ mới đứng lên hóa giải được các thách thức, làm tái sinh một dân tộc đúng theo hướng đi đã được những người sáng lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vạch ra, nền dân chủ Mỹ đang bước vào thời khắc đen tối".
Học giả Attali lưu ý đến tình trạng thu nhập của đa số dân Mỹ không tăng từ khoảng 40 năm nay, trong lúc tài sản của những người giầu nhất tăng gấp nhiều lần. Tuổi thọ nhiều nhóm xã hội sụt giảm, kể cả người da trắng. Hơn 30 triệu dân cư sử dụng ma túy, trong đó 10 triệu người thường xuyên dùng các loại ma túy nặng. Hơn 40 triệu dân cư rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực. Chính người giàu cũng không được bảo vệ. Cháy rừng liên tục diễn ra, vượt khỏi tầm kiểm soát như tại California hủy hoại vô số tài sản của người giầu. Hơn 30 triệu người Mỹ sống trong tình trạng có thể bị trục xuất khỏi nhà bất cứ lúc nào, vì không trả được tiền thuê hay tín dụng. "Hệ thống tài chính, xét về bề ngoài có vẻ thịnh vượng, nhưng thực chất hoàn toàn dựa vào các cơ chế mang tính đầu cơ, mong manh". Nợ các doanh nghiệp vượt quá ba phần tư GDP. 46.000 cây cầu trên toàn quốc có nguy cơ sụp đổ, vì không tiền bảo trì. 45 triệu người được vào các trường đại học tốt, nhưng hiện phải è cổ trả các món nợ khổng lồ. 15% dân số thất nghiệp. Nạn nhân chính là giới trẻ gốc Châu Á và Châu Phi, với tỉ lệ thất nghiệp hơn một phần tư. Thêm hàng chục triệu người có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh hết sức bấp bênh, do Thượng Viện và Hạ Viện không đạt đồng thuận về một chương trình bảo trợ xã hội.
Thế hệ 8X : Hơn hai phần ba không tin Mỹ "là một nền dân chủ"
Tuy nhiên, điều mà học giả Jacques Attali nhấn mạnh hơn hết là chính "các giá trị của nền dân chủ Mỹ" đang bị đẩy vào thế thủ. Các giáo phái, chủ nghĩa bè phái, kỳ thị chủng tộc, co cụm cộng đồng… trỗi dậy khắp nơi. Các loại tư tưởng cực đoan này đẩy những người da trắng và da đen, đàn ông và phụ nữ, người theo Cộng hòa và người theo Dân chủ vào thế đối kháng, thù nghịch. Xuất hiện ngày càng nhiều quan điểm cực đoan nguy hiểm, hướng sự thù hận trong xã hội vào một số "hình nhân thế mạng". Jacques Attali cũng nêu ra con số chỉ có "ít hơn một phần ba người Mỹ sinh ra trong thập niên 1980 nghĩ rằng họ đang sống trong một xã hội về cơ bản là dân chủ. Những người khác sẵn sàng, thay vì bảo vệ nền dân chủ, lại chỉ ưu tiên các quyền riêng của mình, như được mang súng, hay không tuân thủ một số quy tắc tối thiểu của cuộc sống chung trong xã hội".
Jacques Attali đặt niềm tin là Liên Hiệp Châu Âu, "với dự án xây dựng một châu lục dân chủ, công bằng, bền vững về sinh thái, có nghĩa vụ bảo vệ các quyền tự do trên thế giới, và có đủ các phương tiện", sẽ là miền đất hứa trong tương lai.
Donald Trump : "dấu hiệu báo trước" của một "thời điểm lịch sử nguy hiểm"
Về nước Mỹ, báo Le Figaro có bài phỏng vấn, mang tựa đề : Tranh cử tổng thống Mỹ : "Donald Trump vẫn là một thế lực chính trị kỳ lạ". Người giải đáp các câu hỏi của Le Figaro là một nhà nghiên cứu Mỹ kỳ cựu, ông Walter Russel Mead, chuyên gia về chủ nghĩa dân túy Mỹ. Giáo sư Walter Russel Mead đặt sự xuất hiện của chính trị gia Donald Trump trong bối cảnh rộng lớn hơn của "những thay đổi lớn mang tính cách mạng" của giai đoạn hiện nay. Theo ông, hành trang của tỉ phú New York chỉ là "một dấu hiệu báo trước" cho "một thời điểm nguy hiểm trong lịch sử của nước Mỹ và của thế giới, mà chúng ta đang bước vào".
Le Figaro ca ngợi Walter Russell Mead là "một trong những trí thức hiếm hoi của nước Mỹ biết quan sát hiện tượng Trump, vượt ra bên ngoài con người cá nhân của ông Donald Trump", không bị rơi vào cái nhìn mang tính bôi đen và cách phân tích dựa trên cảm xúc. Theo Le Figaro, giáo sư Mead đã "nhấn mạnh một cách chính xác đến tình trạng mất phương hướng của một giai tầng chính trị (của nước Mỹ) khi phải đối mặt với một con người không hành xử trên cùng một thực địa, giống như hầu hết các chính trị gia khác, với một chính trị gia, là biểu tượng cho sự trở lại của một hình thức hoạt động chính trị kiểu thế kỷ 19 (…), trước khi xuất hiện bộ máy Nhà nước hành chính và kỹ trị hiện đại".
Theo Walter Russell Mead, "những ai đánh giá thấp Donald Trump đã vấp phải sai lầm nghiêm trọng". Giáo sư Mead lưu ý đến sự ủng hộ mạnh mẽ mà nhân vật này hiện đang có được trong xã hội Mỹ, bất chấp dịch bệnh và suy thoái kinh tế.
Chiến tranh Thượng Karabakh : Làm thế nào thoát vòng xoáy hận thù ?
Xung đột tại vùng Thượng Karabakh là chủ đề chính của Libération hôm nay. Tựa lớn trang nhất nhật báo thiên tả là "Phóng sự tại Armenia. Cuộc chiến tranh như một di sản", với nhận định : "xung đột bùng lên trở lại vùng Thượng Karabakh cuối tháng 9, tiếp tục khiến nhiều người thiệt mạng, tuy nhiên, đã không làm suy suyển quyết tâm của người Armenia, nơi chiến tranh đã như một định mệnh và ý tưởng hy sinh nhân thân bắt rễ sâu sắc trong tâm thức tập thể". Hình ảnh trên trang nhất nhật báo là hình một phụ nữ bồng con, đứa bé xanh xao, gầy guộc mở to mắt nhìn thẳng vào độc giả.
Bài xã luận ngắn của Libération mang tựa đề "Vòng xoáy" lột tả bản chất cuộc chiến, và đặt câu hỏi về cơ hội hòa bình. Thượng Karabakh, với đại đa số dân cư là người Armenia, nằm trong lãnh thổ Azerbaijan, không chỉ là vấn đề giữa hai nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ. Có thể nói đây chủ yếu là cuộc đối đầu giữa dân tộc Armenia nhỏ bé trước tham vọng đế chế của Thổ Nhĩ Kỳ, có cội rễ từ hơn thế kỉ nay. Xung đột vừa bùng lên đã biến thủ tướng Armenia Nikol Pachinian, một chính trị gia vốn dĩ có quan điểm bất bạo động, trở thành một thủ lĩnh quân sự, khi kêu gọi đồng bào chiến đấu chống lại "mối đe dọa sinh tồn". Làm thế nào thoát khỏi "vòng xoáy" của "bạo lực hận thù và điên dại" hiện nay ?
Theo Libération, chắc chắn không phải là đưa thêm vũ khí đến vùng tranh chấp, và công khai đứng về một bên. Có hai vấn đề đặt ra cần hóa giải : Azerbaijan "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ", còn người Armenia tại Thượng Karabakh "bảo vệ bản sắc cùa mình". Pháp và Đức phải nỗ lực để Thổ Nhĩ Kỳ ngừng ủng hộ Azerbaijan về quân sự. Còn nước Nga cần đứng ra đảm nhiệm vai trò trọng tài, hòa giải hai nước Cộng hòa Liên Xô cũ.
Cũng Libération có bài tổng thuật công phu về lịch sử 30 năm chiến tranh ở Thượng Karabakh. 30 năm tức từ khi Liên Bang Xô Viết giải thể. Libération lưu ý : tại mảnh đất không ngừng trong xung đột này, trong số 150.000 cư dân, có một phần ba là lính, lính tại ngũ hay quân nhân dự bị. Người Armenia sinh ra đã là lính.
Khủng hoảng Covid : nước Pháp chi rất nhiều, nhưng thất thu
Về đại dịch Covid-19 tại Pháp, nhật báo Le Figaro đặc biệt chú ý đến các nỗ lực tài chính to lớn, qua bài viết "Cuộc khủng hoảng y tế đã tốn kém như thế nào cho nước Pháp". Theo Les Echos, cho đến nay, chính phủ đã huy động khoảng 468 tỉ euro với mục tiêu dập tắt ngọn lửa khủng hoảng. Tương đương với một phần năm GDP quốc gia. Chưa kể đến kế hoạch chấn hưng 100 tỉ euro, vừa công bố hồi đầu tháng 9. Chi phí khổng lồ, nhưng đầu vào lại đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Năm nay, ước tính, nước Pháp mất khoảng 46,2 tỉ euro tiền thuế.
Nhật báo kinh tế Les Echos dành tựa lớn trang nhất để ghi nhận sự thành công của cuộc cải cách sắc thuế đánh vào tài sản người giàu (ISF), một trong các biểu tượng của nhiệm kỳ tổng thống Emmanuel Macron, được ban hành năm 2018. Theo báo cáo được viện tư vấn France Stratégie công bố hôm qua, nhờ cuộc cải cách này, nước Pháp trở nên hấp dẫn hơn với những người giầu có. Năm 2018, tài sản của các đại gia đưa vào nước Pháp vượt quá lượng tài sản chuyển ra ngoài. Đây là điều được đánh giá là "chưa từng thấy".
Trọng Thành