Tôi đang sống ở Việt Nam, nên ban đầu tôi không hề quan tâm đến việc người ta đang tranh cãi kịch liệt thế nào quanh chuyện bầu cử tổng thống Mỹ. Tôi không có trải nghiệm của một người dân chịu tác động của các chính sách của ông Trump, để ca ngợi ông "tài đức trọn vẹn, văn võ song toàn", hay nhiệt thành hát lời bài ca chế từ Thương quá Việt Nam :
"Đã có người nào như ông
Lương tổng thống chỉ thu một đồng
Trump trong lòng Trump trong tâm
Trump với đất nước luôn tình thâm"
Áp phích trên đường phố Hà Nội kêu gọi người dân đi bầu Quốc hội hôm 20/5/2016 - Reuters
Tôi cũng không cho rằng quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào thái độ của một vị tổng thống nước Mỹ, vì bài học đắng cay của hàng hóa Việt Nam ế chỏng gọng trong nước khiến khắp nơi phải hò la giải cứu khi Trung Quốc tạm đóng biên, vẫn còn đó. Đã thế lại còn lặp đi lặp lại hàng năm cho nhớ. Chỉ có người Việt Nam mới cứu được nước Việt-đó là chân lý.
Với ông Biden, tôi chỉ tò mò xen lẫn khâm phục vì ở cái tuổi 78, trong khi hầu hết đàn ông Việt đã tự cho mình già yếu ở tuổi 60 (già rồi, làm gì nổi nữa, giờ ở nhà con nó nuôi !), thì ông- sức khỏe trí óc và thể xác vẫn dồi dào để một lần nữa trầm thân vào công cuộc đua tranh khó nhọc và tổn thọ nhất thế giới. Bảo sao không phục !
Qua vài tuần, cơn sóng Trump-Bi giảm ngọn triều nhưng vẫn là dòng tin tức chủ lưu, lúc nổi, lúc ngầm, nhưng không bao giờ giảm xuống đến mức trung bình.
Còn ở Việt Nam thì đang là giai đoạn trước bão. Đại hội Đảng sắp diễn ra, như người ta nói-đến tận thềm rồi, ba bước chân nữa là vào cửa.
Ngoài hàng nước, người ta ngồi xổm bàn rành rọt tỉ mỉ ông nào sẽ ngồi vào ghế nào (mà có lẽ lãnh đạo Việt Nam yêu dân như con, nên người dân làm nhân sự ra sao thì về sau hầu như kết quả cứ là răm rắp thế ấy, kẻo dân buồn).
Nhưng rất nhiều người giống như tôi, chúng tôi không quan tâm và tham gia vào các cuộc "sắp xếp nhân sự" của chính trị Việt Nam. Thói quen ấy cũng áp dụng vào thông tin chính trị của các nước khác. Chúng tôi chỉ quan tâm đến những gì liên quan trực tiếp đến bản thân và gia đình mình.
Tôi-chúng tôi ngầm thấy mình tỉnh táo.
Nhưng dần dần, tôi đột nhiên thấy mình đang dành nhiều thời gian hơn cho những câu chuyện mộc mạc từ phía người dân Mỹ về chủ đề bầu cử tổng thống. Sau khi cười đã đời về những bài ca có phần ngây ngô phe mê Trump gốc Việt dành cho ông, tôi chợt thấy mình đang đi tìm những thông tin lý giải nguồn gốc tình yêu của họ.
Người ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử 2020 ở Washington DC hôm 14/11/2020. Reuters
Tại sao người dân Mỹ ủng hộ ông Trump hay ông Biden ? Có thật là có gian lận bầu cử ? Sự thật đang được làm rõ đến đâu ? Những ai được quyền tiếp cận và công bố sự thật ? Bằng cách nào ? Liệu sự thật có phải là hoàn toàn sự thật không, hay chỉ một phần sự thật ? Kết quả bầu tổng thống Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào từ những phiếu bầu và quá trình kiểm phiếu ? Báo chí nói hầu hết người Mỹ gốc Việt ủng hộ Trump, tại sao ? Người dân kiểm tra quá trình thực hiện lời hứa của các ứng cử viên tổng thống bằng cách nào ? Nếu tổng thống mới sẽ là người mà họ ủng hộ thì sao ? Nếu không phải thì thế nào ? Cuộc sống của họ có bị ảnh hưởng gì không, và ảnh hưởng ra sao ? Dựa trên điều gì để những người ủng hộ Trump không tin đại dịch Covid-19 trên toàn cầu là thật ? Tại sao họ quả quyết con số gần 300.000 người Mỹ chết vì COVID là con số ma, do những tờ báo ngụy tạo nên ? Tại sao có những người ủng hộ Biden nói họ sẽ bầu cho bất cứ ai miễn không phải là Trump ?
Vân vân...
Hóa ra, chẳng phải vì tỉnh táo mà tôi chọn đứng ngoài những thông tin nhân sự chính trị. Hoặc cũng có thể nói, vì đang sống ở Việt Nam nên tôi bắt buộc phải "tỉnh táo" để đứng ngoài.
Là vì nhiều kỳ bầu cử nay tôi thậm chí không biết đến lá phiếu của mình đang ở nơi nào. Tôi sống khá xa nơi đăng ký hộ khẩu và không thiết tha gì việc phải về nơi đăng ký hộ khẩu để lấy phiếu cử tri, đi bầu. Than ôi, tôi cũng không hề biết người đang đại diện cho mình ở Hội đồng phường, hội đồng quận, hội đồng thành phố và quốc hội là những ai. Bí thư, chủ tịch thành phố tên gì, hầu như tôi sẽ không biết nếu không có những tin tức giật gân và gây tò mò trên mạng xã hội. Cái tư cách cử tri của mình, tự tôi vứt toẹt nó vào xó nhà nào rồi, vào lúc nào xa lắm rồi, không hề thương tiếc.
Là vì cứ đến kỳ bầu cử nhân sự lãnh đạo Việt Nam thì rất nhiều người như tôi lại cười cợt về con số tỷ lệ đồng thuận lúc nào cũng gần như 100%. Chúng tôi cũng tranh thủ ôn lại những chuyện cũ mèm ai cũng biết như một người cầm cả xấp phiếu của người thân, gạch tứ tung không theo quy luật nào rồi cũng bỏ phiếu như thật. Chả có gì khác với một người nghiên cứu kỹ lý lịch ứng viên và cẩn trọng bỏ phiếu cả. Mà khoan, ở Việt Nam lại có những cử tri công dân bỏ công sức nghiên cứu kỹ lý lịch ứng viên ư ? Nghe lạ như hoa đào nở vào tháng 8 vậy.
Lý do là cuộc sống của tôi không ảnh hưởng gì bởi bầu cử. Những cái tên lãnh đạo thay nhau liên tiếp, nhưng chính sách hầu như vô cùng ổn định. Các đồng chí lãnh đạo mới vẫn là con cái các đồng chí lãnh đạo đương nhiệm hoặc sắp về hưu. Doanh nghiệp vẫn chỉ có một con đường bắt tay với quan chức mới thuận lợi làm ăn, hoặc thậm chí chả cần làm gì nhưng được tọng cho ăn đến béo phì. Thỉnh thoảng một cái lò đốt lên, nhưng hình như một "đường dây" bị thiêu cháy thì mười "đường dây" khác lập tức thắt chặt, đã thế còn bền hơn mười đời trước. Tuyệt đại cuộc đời người dân vẫn ghì chặt vào việc kiếm ăn, xem miếng ăn là trời, "dĩ thực vi thiên". Với tuyệt đại đa số người dân, ráo mồ hôi là hết tiền. Tâm trí đâu để xuống đường, nghiên cứu và vận động cho bộ máy lãnh đạo. À vâng, dân đen được tự do phát ngôn, nhưng phát ngôn xong có còn tự do hay không lại là chuyện khác !
Hóa ra, tình cảnh của tôi giống như con chim bị rớt vào đống phân bò. Khôn ngoan thì đừng há mỏ !
Nhưng ở một nơi khác, ở những nơi khác, hình như người ta có thể đếm từng lá phiếu bầu để quyết định thắng thua. Một lá phiếu bầu có thể chính là tương lai cuộc sống của mình. Có thể bàn luận công khai về chính trị. Có thể những bàn luận ấy rất ngây ngô, điên khùng và dốt nát nhưng vẫn được há mỏ mà không bị ngập trong đống phân bò. Có thể công khai ghét một nhân vật chính trị nào đó phát rồ phát dại mà không bị buộc gỡ status, kiểm điểm hay kết tội nói xấu. Ở đó, từ "tự quyết" hình như có giá trị thực sự.
So sánh với họ, tôi-chúng tôi đã thật là tỉnh táo. Nhưng mà, ôi, cái sự tỉnh táo bất đắc dĩ, cái sự tỉnh táo trong hôn mê này, mới nhục hèn và khốn khổ làm sao !
Huỳnh Thượng
Nguồn : RFA, 07/12/2020
Trong lúc Việt Nam vẫn chưa chính thức đưa ra bất kỳ một tuyên bố nào sau khi ông Joe Biden đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 15/11 nói rằng dù tổng thống Mỹ là ai thì vẫn là "người bạn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam".
Nhiều quốc gia trên thế giới đã lần lượt chúc mừng tân tổng thống đắc cử Biden, người đã tuyên bố chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 7/11 và đang xúc tiến hoạt động của một chính quyền mới dù Tổng thống đương nhiệm Donald Trump từ chối chấp nhận thất cử. Trung Quốc, sau một thời gian chần chừ, đã đưa ra lời chúc mừng tới ông Biden hôm 3/11 và nói "tôn trọng sự lựa chọn của người dân Mỹ".
Việt Nam, cùng một số quốc gia khác trong đó có Nga, vẫn chưa chính thức gửi lời chúc mừng tới ông Biden trong bối cảnh ban vận động tranh cử của ông Trump vẫn đang theo đuổi các thách thức pháp lý. Vị tổng thống đương nhiệm của Mỹ hôm 15/11 vẫn cho rằng ông "thắng cuộc bầu cử" qua một tuyên bố đưa ra trên Twitter.
Tại cuộc họp báo kết quả hội nghị cấp cao ASEAN hôm 15/11, Thủ tướng Phúc đã lần đầu tiên lên tiếng về kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ khi báo chí quốc tế đặt câu hỏi với ông về việc nó sẽ có ảnh hưởng thế nào đến quan hệ với Việt Nam.
"Dù là ai là người thắng cử, ông Joe Biden hay ông Donald Trump, Mỹ vẫn là người bạn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau", Thủ tướng Phúc được trang tin VietNamNet trích lời nói tại buổi họp báo.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nêu rõ rằng "Việt Nam tôn trọng quyết định của người dân Mỹ", theo báo Điện tử Chính phủ.
Thủ tướng Phúc là người đã sớm chúc mừng ông Trump ngay sau khi ông đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016 và theo nhận định về việc chính quyền Việt Nam vẫn im lặng trước chiến thắng của ông Biden, Giáo sư Carl Thayer của Đại học News South Wales, người theo dõi sát sao chính trường Việt Nam, nói với VOA hồi tuần trước rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam "là những người thận trọng" và "không muốn hành động nóng vội và bị cuốn vào cuộc xung đột trong lòng nước Mỹ".
Theo thủ tục và luật pháp Mỹ, kết quả kiểm phiếu ở 50 tiểu bang sẽ được chứng nhận sau khi hoàn tất và Đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu chọn theo kết quả của các tiểu bang vào ngày 14/12.
Nói với VOA hôm 14/11, nguyên Giáo sư Đại học Harvard Tạ Văn Tài nhận định rằng Việt Nam "dè dặt vì kết quả (bầu cử tổng thống Mỹ) chưa dứt khoát" nhưng cho rằng các lãnh đạo Hà Nội "không nên để chậm quá, tại vì nếu trì hoãn nhiều quá thì có vẻ như là Việt Nam thiếu thiện chí với chính phủ của ông Biden".
Mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ trở nên nồng ấm hơn dưới thời của Tổng thống Barack Obama, mà ông Biden là phó tổng thống, với chiến lược xoay trục Châu Á và chuyến thăm tới Việt Nam của ông Obama trước khi kết thúc nhiệm kỳ cùng việc dỡ bỏ cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội. Tuy nhiên hai cựu thù Việt-Mỹ được cho là có quan hệ khăng khít hơn dưới thời Tổng thống Trump khi Thủ tướng Phúc trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được mời tới Nhà Trắng sau khi ông Trump nhậm chức và người đứng đầu nước Mỹ hai lần công du tới Việt Nam trong 4 năm nhiệm kỳ của mình.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh từng nói rằng Việt Nam coi Mỹ là đối tác chiến lược hàng đầu, trong khi Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết rằng Washington xem Việt Nam là "trung tâm" trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở của chính quyền Trump.
Nguồn : VOA, 16/11/2020
Hậu bầu cử Mỹ 2020 : Cựu đại sứ từ Hà Nội giải thích tranh chấp và dự đoán cho Việt Nam
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ với những tranh chấp, thách thức đang diễn ra đang có những tác động trực tiếp tới khả năng giải quyết các vấn đề nội trị và bang giao của nước Mỹ hiện tại và tới đây, trong đó có quan hệ Mỹ - Việt, theo góc nhìn của một nhà nghiên cứu, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Việt Nam từ Hà Nội.
Tổng thống Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Mỹ đến dự lễ đặt vòng hoa tại Mộ Chiến sĩ Vô danh nhân Ngày Cựu chiến binh tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Arlington, Virginia, hôm 11/11/2020
Trao đổi với BBC News tiếng Việt hôm 12/11 từ Viện Nghiên cứu các vấn đề Phát triển (VIDS), Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, trước hết bình luận về những thách thức đón chờ người sẽ là ông chủ Nhà trắng vào ngày tuyên thệ 20/01/2021 tới đây, bất luận người đó là ai, nếu nhìn từ thời điểm hiện nay.
"Về đối nội thì ông nào lên cũng phải lo chuyện đối phó với Covid, nạn thất nghiệp và những vấn đề nổi cộm về kinh tế. Nhưng có lẽ yêu cầu khẩn cấp là hàn gắn tình trạng chia rẽ trong lòng xã hội Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà quyền Bộ trưởng Quốc phòng Miller vừa được bổ nhiệm là Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ.
"Về đối ngoại, nếu Trump tái đắc cử, những động hướng lớn hiện nay, đặc biệt là chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được tiếp tục. Nếu ông Joe Biden giành chiến thắng, chính sách đối ngoại nói chung, nhất là quan hệ Mỹ - Trung và quan hệ với các đồng minh truyền thống nói riêng, chắc chắn có sự điều chỉnh.
"Có thể sẽ có một số thay đổi đối với một vài định chế quốc tế mà Trump trước nay bỏ qua. Riêng với đại khu vực Đông Á, ông Biden sẽ có cả núi việc, từ "Blue Dot Network" (Sáng kiến hạ tầng do Mỹ, Nhật Bản và Úc đồng khởi xướng) muộn màng và chưa triển khai được mấy để đối phó với BRI (Con đường tơ lụa mới) của Trung Quốc, trị giá hàng ngàn tỷ USD".
Thượng tôn pháp luật và điểm dừng ?
Trước câu hỏi cuộc tranh cãi về kết quả bầu cử và thách thức pháp lý hậu bầu cử Tổng thống Mỹ đang diễn ra thể hiện điều gì, có khả năng dẫn tới đâu và hệ lụy chính có thể là gì đối với quá trình chuyển giao quyền lực, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng đáp :
"Nếu tuyên bố mới đây của ngoại trưởng Mike Pompeo "sẽ có sự chuyển tiếp êm đẹp sang chính phủ Trump lần thứ hai" thành hiện thực, thì câu chuyện thách thức pháp lý hậu bầu cử có thể nói lên nhiều điều.
"Thứ nhất, đây là câu chuyện trường tồn về giá trị Mỹ. Nếu Biden thắng thì đấy là do dân Mỹ đã không chấp nhận một Trump độc tài, truyền thống Mỹ là chống độc tài, bất kể thành tựu 4 năm qua của ông ấy như thế nào. Cuộc khảo sát mới đây của Reuters, cho thấy gần 80% người Mỹ tin rằng Biden đã đắc cử.
"Thứ hai, nếu các vụ kiện đảo chiều các kết quả kiểm phiếu và ông Donald Trump vẫn ngồi lại, thì đấy lại là câu chuyện thượng tôn pháp luật. Khi đã có tranh chấp pháp lý thì các bằng chứng thuyết phục và quyết định cuối cùng của Tòa án là chuẩn mực buộc các bên phải tuân thủ. Thứ ba, dù thách thức pháp lý hậu bầu cử căng thẳng đến mấy, các bên vẫn tìm được điểm dừng, vì lợi ích nước Mỹ, sự đoàn kết quốc gia là trên hết. Chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp sẽ được tôn trọng. Cử tri Mỹ cuối cùng sẽ là người chiến thắng, dù Dân chủ hay Cộng hòa ngồi vào ghế Tổng thống".
Bất biến, khả biến trong quan hệ Mỹ - Việt ?
Liên quan bang giao Mỹ - Việt, trước câu hỏi chính sách của Mỹ tới đây sẽ thế nào, có gì mới, khác biệt hay không, cựu Đại sứ Đinh Hoàng Thắng trả lời:
"Quan hệ Việt - Mỹ, theo tôi, đã được đặt trên một "đường ray" khá vững chãi. Nó thể hiện qua nhiều tuyên bố cấp nguyên thủ giữa hai nước trong vòng mươi năm trở lại đây, dựa trên lợi ích chiến lược lâu dài của mỗi bên. Đây là nhân tố bất biến, không dễ gì đảo lộn một sớm một chiều. Sát nút ngày bầu cử, Ngoại trưởng Mỹ vẫn sang gặp lãnh đạo Việt Nam là biểu hiện rõ nhất. Liệu các sắc thái chính sách của tân Tổng thống có gì khác biệt và đáng nói? Nếu ông Donald Trump tại vị thì miễn bàn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người đứng đầu chính phủ đầu tiên trong ASEAN đã gặp ông Trump hồi ông đắc cử năm 2016.
"Còn ông Biden, liệu ông ấy có thúc đẩy nhanh hơn tiến trình "tan sương đầu ngõ" để "vén mây giữa trời" như khi ông ấy chuyển thông điệp cho TBT Nguyễn Phú Trọng? Đấy là nhân tố khả biến. Chúng ta còn phải chờ. Vấn đề chính yếu là nội lực và bản lĩnh của Việt Nam. Nếu Việt Nam gắn kết với khu vực và chủ động thích ứng được trong bối cảnh mới thì quan hệ sẽ vững chãi.
"Đầu tuần này, khi căn dặn các đại sứ trước khi lên đường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc nhở: Việt Nam không chọn bên. Nhưng nội hàm "bên" đang chuyển hóa mạnh. "Bên" giờ đây không chỉ là "quốc gia", mà bên còn là "xu thế". Nghĩa là chọn giữa một xu thế của Trật tự dựa trên luật lệ, các giá trị phổ quát, còn "bên kia" là Trật tự bá quyền và triều cống, thì tất yếu Việt Nam phải chọn "bên" nhân loại văn minh đang hướng tới.
Liệu Mỹ sẽ chế tài Việt Nam vì "thao túng tiền tệ" ?
Mới đây, một diễn biến được Việt Nam và giới quan sát quan tâm là Việt Nam đã bị chính quyền Mỹ cáo buộc "thao túng tỷ giá" đồng tiền Việt Nam gây bất lợi cho thương mại và kinh tế Mỹ.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden và phu nhân Jill Biden đặt vòng hoa tưởng niệm trong ngày Cựu chiến binh dừng chân tại Công viên Tưởng niệm Chiến tranh Triều Tiên ở Philadelphia, Pennsylvania hôm 11/11/2020
Khi được hỏi liệu chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ của ông chủ Nhà Trắng tới đây từ sau ngày nhậm chức 20/01/2021) có chế tài Việt Nam hay có bất kỳ hành động trừng phạt nào khác không, ông Đinh Hoàng Thắng đáp :
"Câu trả lời có hai vế. Vế thứ nhất, trên thực tế Việt Nam có thao túng đồng tiền hay không? Ông Thống đốc Ngân hàng Việt Nam vào thời điểm Việt Nam bị cáo buộc như thế mới đây và từ trước từng tuyên bố: "Ngân hàng Nhà nước chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế".
"Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, chính phủ Mỹ đã đưa Việt Nam vào danh sách "coi chừng" (watch list) về thao túng tiền tệ. Và từ đầu tháng 10 năm nay 2020, Mỹ đã mở cuộc điều tra về cung cách thương mại của Việt Nam. Liệu bước này đi có thể dẫn tới việc tăng thuế suất nhập cảng lên hàng hóa Việt Nam hay không, cho đến nay hai bên vẫn đang tiếp tục giao thiệp để làm rõ lộ trình.
"Còn vế thứ hai, liệu chính quyền Mỹ trong nhiệm kỳ của ông chủ Nhà Trắng tới đây, có chế tài hay trừng phạt Việt Nam ? Trong trường hợp ông Donald Trump vẫn tại vị, xác suất chế tài có vẻ cao hơn. Thao túng tỷ giá từ các nền kinh tế "phi thị trường" là câu chuyện lớn đối với Mỹ và nhiều khả năng ông Trump sẽ chống lại cung cách thương mại không công bằng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân Mỹ.
"Trong trường hợp ông Biden sẽ vào Nhà Trắng sau 20/1 sang năm và đến lúc đó, kết quả điều tra Việt Nam vi phạm hay không trở nên rõ ràng, thì câu chuyện trừng phạt có thể vẫn chưa diễn ra ngay. Nó còn phải tuỳ thuộc vào hai xét đoán. Thứ nhất, quy mô thiệt hại của Mỹ đến đâu trên thực tế ? Hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm 3% tổng giá trị hàng nhập cảng của Mỹ (năm ngoái). Phần lớn đó là sản phẩm của các công ty Mỹ. Hàng "gốc" Việt Nam chỉ có các loại nông sản, thực phẩm có giá trị thấp.
"Vì thế, dù có chênh lệch cán cân thương mại nhưng Việt Nam không gây thiệt hại nhiều. Trừng phạt Việt Nam vì chênh lệch thương mại, theo một nghĩa nào đó, là cách Mỹ ứng phó với tình huống do chính họ tạo ra. Đây là ý kiến của một số chuyên gia. Thứ hai, Tổng thống mới sẽ nhấn mạnh ưu tiên nào trong quan hệ đối với Việt Nam? Thuần tuý lợi ích kinh tế hay ưu tiên lớn hơn cho ý đồ chiến lược? Trong khi Bộ Thương mại và Tài chánh Mỹ dựa vào luật thao túng tiền tệ tính chuyện trừng phạt, thì Quốc phòng và Ngoại giao có thể có tính toán khác. Bộ Ngoại giao Mỹ thường ưu tiên vai trò "đối tác mới nổi" của Việt Nam trong cục diện địa-chính trị ở khu vực. Thật khó đoán định tân Tổng thống sẽ nghe theo "tai" nào ?
Bốn điều nào Việt Nam có thể học hỏi ?
Trước câu hỏi qua cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này, Việt Nam liệu có thể học hỏi hay tham khảo điều gì và nếu có thì có thể tránh hay nên tránh đi gì, Tiến sỹ, cựu Đại sứ Đinh Hoàng Thắng nêu quan điểm:
"Tôi ngạc nhiên vì nhiều cụ già, trước nay không mấy để ý đến chính trị, nhưng vừa qua cập nhật và hỏi han liên tục. Kể cả các bà sống trên các rẻo cao mà chúng tôi có dịp đi picnic qua cũng chú ý theo dõi thời sự và có vẻ ủng hộ Trump (Các cụ ngây thơ tin ông Trump sẽ giúp Việt Nam trong ứng xử với Trung Quốc).
"Kinh nghiệm ở đây là phải có một hệ thống bầu cử thế nào mà người dân thấy được ý nghĩa của lá phiếu. Nói cách khác lá phiếu và hệ thống bầu cử phải phản ánh được quyền lực tối hậu của người dân.
"Các nhà quản trị theo tôi có thể tham khảo một số điều: thứ nhất là tính hợp pháp của nhà lãnh đạo tối cao, cùng với tất cả các quan chức được bầu, phụ thuộc ở niềm tin của công chúng vào tính liêm chính của cuộc bầu cử. Thứ hai là cử tri quan tâm chủ yếu là chính quyền nào đứng sau những người họ bầu và chính sách của chính quyền tới là gì ? Có đáp ứng nguyện vọng của họ hay không? Đấy là mới bản chất của vấn đề.
"Thứ ba là dù ông Trump hay ông Biden lên làm Tổng thống, giai đoạn tới đây là thời điểm phân cực tả hữu mạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ và thế giới. Nếu nước Mỹ rơi vào hỗn loạn, các quốc gia độc tài có thể lên ngôi và thứ tư, kết luận cuối cùng là nước nào dân chúng lương thiện, hiểu biết, quốc gia đó sẽ phát triển. Ngược lại, ở đâu người dân không có giác ngộ về kinh tế và chính trị, chỉ lo tranh giành về vật chất, quốc gia đó sẽ lụi tàn", ông Đinh Hoàng Thắng bình luận với BBC News Tiếng Việt hôm 12/11/2020 từ Hà Nội.
Quốc Phương thực hiện
Nguồn : BBC, 1/11/2020
Báo chí Nga nói gì về bầu cử Hoa Kỳ
Nguyễn Hùng, VOA, 14/11/2020
Cho tới nay Nga coi như bầu cử Hoa Kỳ chưa kết thúc và chưa chúc mừng bất cứ ai cho dù đó là người được dự đoán sẽ thắng hay người tự nhận thắng.
Các ứng cử viên Tổng thống và phó Tổng thống Hoa Kỳ.
Dù sao Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có quan hệ không đến mức tệ với đương kim Tổng thống Donald Trump, người từng nói ông tin lãnh đạo Nga hơn cả cơ quan tình báo CIA của Hoa Kỳ.
Với Tổng thống đắc cử Joe Biden, nhiều khả năng Hoa Kỳ sẽ cứng rắn hơn với Nga sau ngày 20/1 khi ông Biden dọn vào Tòa Bạch Ốc nếu không có những điều bất trắc xảy ra.
Hiện kênh truyền hình bằng tiếng Anh Russia Today, tức Nước Nga Ngày nay, tràn đầy hả hê với bầu cử ở Hoa Kỳ mà họ dùng từ "hỗn loạn" để mô tả. Kênh này đưa ra một thông điệp trên Twitter của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Bờ Biển Ngà hồi đầu năm nay để cho thấy sự trớ trêu của những gì đang diễn ra tại chính Washington.
Thông điệp được trích dẫn nguyên văn : "Hoa Kỳ kêu gọi các nhà lãnh đạo Bờ Biển Ngà bày tỏ cam kết với tiến trình dân chủ và thượng tôn pháp luật.
"Chúng tôi thúc giục tất cả các đảng, các nhóm và các cá nhân cùng tham gia đối thoại toàn diện để tìm các giải pháp hòa bình cho những bất đồng của họ và hàn gắn chia rẽ quốc gia".
Russia Today làm nổi bật các đoạn "tiến trình dân chủ và thượng tôn pháp luật" cũng như "tìm giải pháp hòa bình cho các bất đồng của họ" và "hàn gắn chia rẽ quốc gia".
‘Hỗn loạn’
Kênh truyền hình quốc tế của Nga còn dẫn bình luận từ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói về bầu cử Hoa Kỳ : "Tranh chấp, hỗn loạn và bác bỏ kết quả bầu cử ngỡ là chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển… Mọi thứ nay đã đổi khác – tất cả những thứ này xảy ra ở Hoa Kỳ, vốn không còn đồng nghĩa với một xã hội ổn định, lịch lãm và đồng thuận".
Tương tự như Nga, Trung Quốc nói họ còn chờ kết quả bầu cử Hoa Kỳ ngay cả sau khi các hãng truyền thông loan tin ông Biden thắng cử dựa vào các dữ liệu từ các bang [vừa sau khi bắt đầu viết bài này thì có tin Trung Quốc chính thức chúc mừng ông Biden ngày 13 tháng 11].
Russia Today dẫn nhiều tít báo của các trang ủng hộ ông Trump như Breibart trong một phóng sự và nói truyền thông chính thống sợ các trang này vì họ nói thật. Những người được Russia Today phỏng vấn cũng có vẻ ủng hộ những ý kiến cho rằng Đảng Cộng hòa đang hành động đúng khi ủng hộ ông Trump trong các vụ kiện liên quan tới kết quả bầu cử.
Trong khi đó trang mạng của Russia Today hôm 12/11 có bài với tựa ‘Nga đánh giá thấp Joe Biden, chưa liên hệ với nhóm của ông [Biden] & vẫn thất vọng về ‘hành vi xấu’ của Nhà Trắng hồi năm 2016 – Thứ trưởng Ngoại giao [Nga]’.
"Hành vi xấu" được nhắc tới là chuyện Tổng thống Barack Obama, với sự hỗ trợ của người phó Joe Biden, ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga bị nghi làm gián điệp khỏi Hoa Kỳ ngay trước khi ông Obama chuyển giao quyền lực cho ông Donald Trump. Lệnh của ông Obama được đưa ra sau khi các cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho rằng Điện Kremlin đã cho phép quân đội Nga thâm nhập vào hệ thống máy tính của các cơ quan trong Đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ.
Các tin tặc này được cho là đã đánh cắp những điện thư có lợi cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Ông Trump luôn nói ông hoài nghi chuyện gián điệp Nga có liên quan.
Trang mạng của Russia Today cũngdành cho Hoa Kỳ riêng một mục. Mục nàycó bài cười nhạo Twitter vì dán nhãn cảnh báo thông tin không chuẩn xác lên nhiều thông điệp của Tổng thống Trump.
Đổ dầu vào lửa
Cả kênh truyền hình lẫn trang mạng Russia Today cònphản đối YouTube vì dán nhãn "phản cảm" và "không phù hợp" lên phóng sự của họ về các nhóm cực đoan tại Hoa Kỳ.
Phóng sự về các nhóm biểu tình vũ trang chuẩn bị cho "nội chiến lần hai" ở Hoa Kỳ của Russia Today cho tới hôm 12/11 đã được gần 70.000 lượt xem và gần 1.600 bình luận. Khi truy cập từ Anh, tôi nhận được cảnh báo : "Nội dung này được cộng đồng YouTube xác định là không phù hợp hay phản cảm với một số khán giả". Người dùng sẽ phải nhấn vào dòng in hoa "TÔI HIỂU VÀ MUỐN ĐI TIẾP" để xem. Phim có nhiều cảnh bạo lực, máu me và những thanh niên sở hữu hàng chục khẩu súng nói về một "cuộc cách mạng" sắp nổ ra ở Hoa Kỳ.
Một điều không khó nhận ra là Nga, và cả Trung Quốc, đang cười thầm trong bụng vì nền dân chủ giàu nhất thế giới đang gặp nhiều vấn đề. Các kênh như Russia Today và Hoàn Cầu Thời Báo chỉ chờ những dịp như thế này để tiếp thêm dầu vào lửa.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 14/11/2020
*********************
Làm sao tránh gian lận bầu cử ?
Ngô Nhân Dụng, VOA, 12/11/2020
"Ở nước ông có gian lận bầu cử bao giờ không ?" Ông Tập Cận Bình trả lời ngay : "Không bao giờ có chuyện nhơ bẩn đó !" Ông Nguyễn Phú Trọng gật gù đồng ý.
"Làm cách nào các ông đã ngăn chặn được gian lận bầu cử ?" "Rất dễ !" "Bằng cách nào ?" Tập Cận Bình để cho Nguyễn Phú Trọng góp ý kiến : "Đảng cử dân bầu !"
Phiếu bầu sớm.
Ở nước Mỹ, ông Neal Kelley, người phụ trách Ủy ban Ghi danh Cử tri của Quận Cam, California trong 17 năm qua, thú nhận rằng không thể nào bảo đảm 100% không có gian lận bầu cử. Nhưng ông vẫn xác định, "Tôi không nghĩ có người gian lận khi bỏ phiếu tức là tất cả hệ thống bầu cử hỏng hết". Ông so sánh : "Có bao nhiêu người gian lận trong hệ thống ngân hàng, nhưng không có nghĩa là cả hệ thống ngân hàng hư hỏng hết !"
Vậy người ta gian lận bầu cử như thế nào ? Trong cuộc phỏng vấn của báo Register vào tháng Chín năm nay, ông Kelley đưa ra nhiều thí dụ. Ở California ai cũng nhận được lá phiếu để bầu bằng thư, hàng tháng trước ngày bỏ phiếu. Ủy ban kiểm phiếu coi lại tên và chữ ký trên những bao thư này, ghi nhận người nào đã bầu rồi mà không mở bao thư ra coi lá phiếu. Nhiều người đã bỏ phiếu bằng thư, nhưng trong ngày bầu cử lại đến phòng phiếu, muốn thi hành phận sự công dân lần nữa. Ông Kelley bảo, phần lớn đó là các cụ đã bỏ phiếu rồi quên bẵng luôn ! Không ai truy tố các cụ ! Ông nói mỗi lần có độ một trăm vụ như thế, trong 1,7 triệu cử tri Quận Cam.
Thế còn vụ những người đã chết vẫn đi bầu thì sao ? Ông Kelley cho biết cũng có hàng chục vụ xảy ra mỗi lần bầu cử. Có người còn khoe khoang trên mạng xã hội rằng họ đã bầu thay cho người chết, thế là bị truy tố ! Những người đã chết thường không bao giờ về báo mộng yêu cầu rút tên khỏi danh sách cử tri. Nhưng ủy ban bầu cử vẫn theo dõi tên người chết từ các bệnh viện, nhà quàn ; cũng như hồ sơ của Experian, một công ty tiếp thị chuyên gửi quảng cáo đến từng nhà, và Lorton Data, một công ty cung cấp tin tiếp thị, cũng như tài liệu của các cơ quan tín dụng để biết ai đã đổi địa chỉ, ai đã qua đời. Mỗi năm danh sách cử tri được cập nhật hóa nhiều lần. Ông Kelley thú nhận, tất cả những danh sách cử tri trên thế giới ở nước nào cũng còn tên những người đã chết. Nhưng con số gian lận rất nhỏ. Trong năm 2014, người ta đã bắt được 26 lá phiếu bầu nhân danh 14 người đã chết ở Quận San Diego.
Dù con số nhỏ, nhưng rất quan trọng, vì trong nhiều cuộc bầu cử địa phương người thắng có thể hơn người thua rất ít phiếu. Năm 2008, ở Yorba Linda có người đắc cử vào hội đồng thị xã chỉ thắng có đúng một phiếu. Phải đếm lại hết, nhưng kết quả không thay đổi, không có phiếu nào gian lận ! Ông Kelley chưa bao giờ thấy có đến hàng trăm phiếu bầu gian lận. Còn chuyện có người mạo danh người khác để bỏ phiếu, hay đánh tráo phiếu bầu, ông Kelley chưa bao giờ thấy kể từ năm 2005 đến nay.
Năm nay Quận Cam là nơi chưa thấy ai tố cáo bầu cử gian lận đáng chú ý. Nhưng ủy ban tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã khiếu nại ở các tiểu bang Georgia, Michigan, Nevada và Pennsylvania. Nhiều phiên tòa đã xét xử và thấy không đủ bằng chứng. Thống đốc Doug Ducey ở Arizona, thuộc đảng Cộng hòa, cam đoan rằng tiểu bang đã "theo đúng từng chữ" những thủ tục kiểm phiếu.
Cũng như Arizona, tiểu bang Georgia chưa bao giờ bầu cho một ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ từ 30 năm nay. Hai nghị sĩ Cộng hòa David Perdue và Kelly Loeffler đang chờ cuộc bỏ phiếu khác vào đầu năm 2021 để coi còn tại chức hay không. Hai ông đã tố cáo có bầu cử gian lận.
Ông Biden đang dẫn trước ông Trump ở Georgia với khoảng 12.000 phiếu — bằng 0.25% các phiếu đã đếm. Như thế tức là phải đếm lại. Ông Gabriel Sterling, người phụ trách việc kiểm phiếu, thuộc đảng Cộng hòa, đã lên tiếng bác bỏ ý kiến có gian lận bầu cử. Hai vị nghị sĩ đã phản công, yêu cầu ông bộ trưởng nội vụ tiểu bang (Secretary of State) phải từ chức vì để cho gian lận xảy ra. Ông Brad Raffensperger, bộ trưởng nội vụ phải lên tiếng, bảo đảm không có chuyện gian lận.
Ông Raffensperger, cũng thuộc đảng Cộng hòa, nói rằng, "Dân chúng Georgia bầu tôi lên làm công việc này, chỉ có họ mới có thể cách chức tôi". Ông đặt câu hỏi : "Liệu có phiếu bầu bất hợp pháp hay không ?" Và tự trả lời : "Chắc chắn có. Chúng tôi đang điều tra tất cả các vụ gian lận. Nhưng số phiếu đó có thay đổi kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Georgia hay không ? Chắc là không" vì nếu có cũng rất ít. Đến lượt ông Brian Kemp, thống đốc Georgia can thiệp, cam kết không bao giờ để chuyện gian lận xảy ra mà không truy tố. "Dân Georgia có quyền giữ niềm tin vào việc bầu cử !". Ông Kemp cũng thuộc đảng Cộng hòa.
Chuyện dài bầu cử 2020 sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Người ta đang theo dõi khắp hoàn cầu, giống như coi trận chung kết giải Bóng tròn Thế giới. Các ông Vladimir Putin, Tập Cận Bình đang vỗ bụng vui mừng vì các báo, đài của Trung Quốc cũng như Nga đang mô tả cảnh "dân chủ giả hiệu" ở một cường quốc vẫn lên mặt dạy dỗ các nước khác về ưu điểm của thể chế dân chủ tự do.
Nhưng người Mỹ có thể hãnh diện về tấn kịch đang diễn ra. Năm nay có đến 159 triệu cử tri đi bầu - so với 138 triệu hồi bốn năm trước. Vì người dân tin tưởng vào hệ thống dân chủ. Tổng thống Trump đã thêm được hơn một triệu phiếu so với năm 2016. Phó Tổng thống Biden được hai triệu phiếu cao hơn bà Hillary Clinton. Có 95 triệu người đã bỏ phiếu trước ngày chính thức đi bầu, 3 tháng 11.
Cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi một phần cũng vì phương pháp bầu tổng thống bằng Cử Tri Đoàn (Electoral College). Nhiều người than phiền rằng lối bầu gián tiếp này khiến cho vị tổng thống đắc cử có khi kém người thất cử, khi đếm tất cả số phiếu đã nhận được. Nhưng đó là điều đã được hiến pháp Mỹ quy định, ai ra ứng cử đều biết trước. Họ phải vận động tranh cử trong khuôn khổ đó. Luật bầu cử cũng giống như luật lệ thể thao, ai không chấp nhận thì không chơi ! Hơn nữa, thay đổi lối bầu cử qua Cử Tri Đoàn cần phải tu chính hiến pháp Mỹ, một việc không thể nào thực hiện trong hàng trăm năm tới !
Còn một lý do quan trọng khác khiến lòng người bất an khi theo dõi kết quả cuộc kiểm phiếu trên toàn quốc, là, theo hiến pháp Mỹ, các tiểu bang nắm quyền quyết định về thủ tục bầu cử. Và mỗi tiểu bang đặt ra các thủ tục, quy tắc khác nhau. Lá phiếu của một người ở California bỏ qua thùng thư được kiểm soát và mở ra, đem đếm, khác với một lá phiếu ở Pennsylvania. Dân ở chỗ này không hiểu được tại sao ở chỗ khác lại chậm trễ, vì thế nên sinh lòng nghi ngờ !
Nếu như tất cả các tiểu bang cùng theo những thủ tục bỏ phiếu, kiểm phiếu giống nhau, thì chắc những tin đồn về gian lận sẽ giảm xuống, lòng người bớt chia rẽ hơn. Nhưng giới lãnh đạo liên bang không có quyền bắt các tiểu bang phải thay đổi !
Một điều tối thiểu mà chính phủ và quốc hội liên bang có thể làm là triệu tập một ủy ban gồm đại diện các tiểu bang để thảo luận việc thống nhất những thủ tục bầu cử. Đem những thủ tục kiểm phiếu khác nhau giữa các tiểu bang ra so sánh để đồng ý về những thủ tục chung, nếu có thể. Những lá phiếu gửi qua bưu điện sẽ được kiểm tra trước, hay đợi đến ngày bỏ phiếu chính thức mới làm ? Giới hạn ngày sau chót nhận những lá phiếu gửi thư là bao nhiêu ngày ? Tất cả những thứ đó phải được nghị viện các tiểu bang thông qua. Hiện nay tại Hạ viện Mỹ đã có một dự luật nhằm thống nhất các thủ tục bỏ phiếu và kiểm phiếu trên toàn quốc, nhưng chưa được Thượng viện cứu xét. Hy vọng trong vài năm tới người ta sẽ đồng ý với nhau.
Chính phủ và Quốc hội liên bang cũng có thể giúp các tiểu bang trang bị những hệ thống kiểm phiếu bằng máy vi tính giống nhau ; cung cấp ngân sách trả thêm lương cho các nhân viên phụ trách. Khi mọi nơi đều sử dụng cùng một loại máy và cùng nột chương trình điện toán, thì mối nghi ngờ về gian lận chắc chắn phải giảm bớt.
Cả thế giới đang chờ nước Mỹ chỉnh đốn các kỹ thuật bỏ phiếu, kiểm phiếu. Vì từ hàng trăm năm qua nước Mỹ vẫn đóng vai cổ võ, "dạy dỗ" các nước khác về tiến trình dân chủ hóa. Nước Mỹ phải tiếp tục đóng vai ngọn hải đăng của tinh thần dân chủ.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 12/11/2020
********************
BBC, 10/11/2020
Trong lịch sử 244 năm của nước Mỹ, chưa từng có vị tổng thống nào từ chối rời Nhà Trắng sau khi thất bại trong cuộc bầu cử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thất bại trong nỗ lực tái tranh cử. Chuyện gì xảy ra nếu ông Trump không chịu rời Nhà Trắng ? Nếu Trump từ chối rời Nhà Trắng, Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ hoặc Sở Mật vụ có trọng trách hộ tống ông.
Sự chuyển giao quyền lực một cách trật tự, hợp pháp và ôn hòa là một trong những dấu ấn đặc trưng của nền dân chủ Hoa Kỳ.
Vì lý do này, việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố từ chối việc chấp nhận thua cuộc trước Joe Biden đã tạo ra một tình huống mới lạ và làm đảo lộn nước Mỹ.
Và nó đặt ra thách thức cho các nhà phân tích trong việc xem xét các kịch bản không tưởng.
Trump đang đánh gôn bên ngoài thủ đô Washington DC khi Biden được các hãng tin lớn của Mỹ xướng tên là người chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 7 tháng 11.
Ngay sau đó, ban vận động tranh cử của tổng thống đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng "cuộc bầu cử còn lâu mới kết thúc".
"Tất cả chúng ta đều biết tại sao Joe Biden vội vã giả vờ làm người chiến thắng, và tại sao các đồng minh truyền thông của ông ta đang cố gắng rất nhiều để giúp đỡ ông ta: họ không muốn sự thật bị phơi bày", ông Trump tuyên bố. "Sự thật đơn giản là cuộc bầu cử này còn lâu mới kết thúc", nó vẫn tiếp diễn, cho thấy ông Trump sẽ tiếp tục phản đối kết quả qua các vụ kiện tụng, cáo buộc có gian lận bầu cử.
Hiến pháp Hoa Kỳ hoàn toàn rõ ràng trong việc tuyên bố nhiệm kỳ tổng thống đương nhiệm sẽ chấm dứt "vào trưa ngày 20 tháng 1".
Joe Biden đã giành được đủ các bang để đảm bảo việc ông có được hơn 270 phiếu đại cử tri đoàn cần thiết. Do đó, ông Biden có quyền giữ chức vụ tổng thống trong bốn năm tiếp tới.
Donald Trump vẫn có các nguồn lực hợp pháp và chính danh mà ông có thể sử dụng để thách thức kết quả bỏ phiếu, nhưng trừ khi có sự thay đổi đáng kể tại các tòa án trong tương lai gần, và chỉ khi ông Trump có thể chứng minh những bất thường trong bầu cử mà ông cáo buộc nhưng không đưa ra bằng chứng là thực sự tồn tại, ngày 20 tháng 1 là ngày tổng thống mới tuyên thệ nhậm chức - cũng là ngày mà ông Trump phải rời Nhà Trắng.
Trump đã cảnh báo rõ ràng trong suốt chiến dịch tranh cử rằng ông sẽ không chấp nhận thua cuộc.
Ông nói đi nói lại rằng ông quyết tâm tiếp tục nắm giữ quyền hành, bất kể các cơ quan bầu cử nói gì, chỉ ra rằng khả năng duy nhất khiến không thất bại là do cuộc bầu cử bị đánh cắp.
Vì vậy, nước Mỹ đã bắt đầu thảo luận về những gì sẽ xảy ra nếu Trump làm lời hăm dọa của mình và cố gắng bấu víu quyền lực.
Giả thuyết này thậm chí đã được Joe Biden đề cập đến suốt cuộc bầu cử.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 11 tháng 6, diễn viên hài Trevor Noah đã hỏi Biden rằng liệu ông có nghĩ đến khả năng Trump thua cuộc và từ chối rời dinh tổng thống hay không.
"Có, tôi đã nghĩ về điều đó", Biden trả lời và nói thêm ông tin chắc rằng, trong tình huống như vậy, quân đội sẽ chịu trách nhiệm ngăn ông Trump tiếp tục tại và đơn giản chỉ cần đuổi ông ấy ra khỏi Nhà Trắng.
Việc Biden khăng khăng rằng cử tri, chứ không phải ứng cử viên, sẽ quyết định kết quả cuộc bầu cử - điều được xác nhận trong tuyên bố của ban vận động tranh cử của ông hôm thứ Sáu :
"Người dân Mỹ sẽ quyết định cuộc bầu cử này, và chính phủ Hoa Kỳ tuyệt đối có khả năng hộ tống những kẻ vi phạm ra khỏi Nhà Trắng", tuyên bố ghi.
Việc thi hành nhiệm vụ hộ tống Trump ra khỏi dinh tổng thống có thể do Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ hoặc Sở Mật vụ thực hiện.
Sở Mật vụ là cơ quan dân sự phụ trách an ninh của tổng thống, nhưng theo luật, cơ quan này cũng có nghĩa vụ bảo vệ tất cả các cựu tổng thống và sẽ tiếp tục bảo vệ ông Trump ngay cả sau ngày 20 tháng 1.
Khi lợi thế cuộc bầu cử nghiêng về Biden trở nên rõ ràng và việc tuyên bố ông là người thắng cử gần kề, Sở Mật vụ đã tăng cường các biện pháp an ninh để bảo vệ tổng thống đắc cử.
Một cách có hiệu lực, ông Biden đang được bảo vệ với mức độ an ninh của "tổng thống", bất chấp việc ông Trump khăng khăng rằng đảng Dân chủ bại trận.
Nếu kết cục tồi tế nhất xảy đến, và Trump vẫn kiên quyết từ chối rời Nhà Trắng, lòng trung thành của lực lượng an ninh với ông có thể cần được suy xét.
BBC đã hỏi các chuyên gia rằng có khả thi không khi Trump cố gắng dùng lực lượng an ninh quốc gia để nắm quyền một cách bất hợp pháp.
Giáo sư Dakota Rudesill, một chuyên gia về chính sách an ninh quốc gia và luật pháp liên đới với Đại học Bang Ohio ở Mỹ nói với BBC:
"Để một tổng thống lạm dụng quyền hạn tổng thống để tiếp tục nắm quyền sau khi thua bầu cử, sẽ là điều khó khăn và sẽ hủy hoại các chuẩn mực quan trọng. Nhưng điều đó không phải là không thể tưởng tượng được".
Ông cảnh báo: "Điều này sẽ gây nguy hại lớn cho đất nước, cho các nguyên tắc cốt lõi của mối quan hệ quân sự-dân sự và triển vọng về nền dân trên toàn cầu.
Tuy nhiên, ông nói rõ rằng, theo quan điểm của mình, kịch bản Trump bám trụ chức vị tổng thống nhờ vào sự hỗ trợ của lực lượng an ninh, khó có thể xảy ra.
"Các quân nhân thề trung thành với hiến pháp, chứ không phải tận tụy với chính trị gia đang nắm quyền. Và sĩ quan quân đội cấp cao nhất quốc gia hiện thời, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đã nhiều lần nói rằng quân đội không đóng vai trò gì trong cuộc bầu cử này".
Giáo sư Rudesill không phải là người duy nhất xem xét những vấn đề này. Keisha Blaine là giáo sư tại Đại học Pittsburgh và là chuyên gia nghiên cứu các phong trào phản kháng xã hội, nói với BBC:
"Việc chúng ta phải tự hỏi chính mình liệu các lực lượng vũ trang có can thiệp vào cuộc bầu cử hay không lộ ra rất nhiều điều đáng buồn về tình trạng của đất nước chúng ta".
"Vào bốn năm trước, hầu hết người Mỹ chẳng ai thắc mắc về điều này. Nhưng khi chứng kiến Trump điều động các đặc vụ liên bang [trong cuộc bạo loạn gần đây] ở Portland và Washington trong những tháng gần đây, đó trở thành một mối quan tâm hệ trọng. Tôi không nghĩ đây là một kịch bản có thể xảy ra, nhưng chúng ta không loại bỏ nó vì đây là một khả năng nghiêm trọng, khi xem xét mọi thứ đã xảy ra trong năm nay", bà nói thêm.
Thật sự suốt thời gian các cuộc biểu tình xã hội nổ ra với phong trào chống phân biệt chủng tộc vào giữa năm nay, Trump đã tính đến việc huy động quân đội để trấn áp các cuộc biểu tình.
Vào ngày 5 tháng 6, New York Times nói rằng Tướng Milley đã thuyết phục Trump không viện dẫn Đạo luật Chống Nổi loạn 1807 để huy động quân đội đang hoạt động trên toàn quốc dập tắt các cuộc biểu tình.
Tờ báo viết rằng đó là "một lằn ranh mà một số quan chức quân đội Mỹ nói họ sẽ không vượt qua, ngay cả khi tổng thống ra lệnh".
Cuối cùng, Trump đã hạ lệnh sử dụng Vệ binh Quốc gia, những người, tùy từng trường hợp, có thể được điều động dưới quyền của tổng thống và/hoặc thống đốc bang.
Các thành viên của lực lượng an ninh phi quân sự báo cáo với Bộ An ninh Nội địa cũng tham gia vào việc kiềm hãm các cuộc biểu tình ở Washington, Portland và các thành phố khác của Hoa Kỳ.
Vì lẽ đó, một số người suy đoán rằng nếu có khủng hoảng khởi phát từ cuộc bầu cử, có khả năng Trump sẽ ra lệnh triển khai một số nhân viên phi quân sự được trang bị vũ khí.
Tuy nhiên, với giả định lực lượng vũ trang không được phép đặt mình vào vai trò phục vụ cho mưu đồ chính trị của tổng thống thì rất khó để hình dung ông Trump sẽ thành công trong việc tiếp tục níu giữ quyền lực.
Giáo sư Rudesill bày tỏ lo ngại về các tình huống liên quan.
"Tôi đã viết về khả năng Tổng thống Trump sẽ cố gắng sử dụng lệnh hành pháp hoặc Bộ Tư pháp vốn được kiểm soát bởi các đồng minh chính trị của ông để cố gắng đưa ra 'chỉ thị', nêu rõ rằng nhánh hành pháp nên coi Trump là người chiến thắng trong cuộc bầu cử đang tranh chấp" chuyên gia nói với BBC, nhưng ông cảnh báo rằng điều này là "hoàn toàn không phù hợp và không thể chấp nhận được".
Ông nói: "Lệnh cho quân đội tiếp tục chào tổng thống sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào trưa ngày 20/1 sẽ đặt quân đội vào tình thế bất khả.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng một tình huống mà một ứng cử viên thua cuộc trong cuộc bầu cử tổng thống từ chối chấp nhận thất bại có khả năng dẫn đến "rối loạn dân sự nghiêm trọng"
"Một nửa nước Mỹ và nhiều người trên khắp thế giới sẽ nghĩ rằng quân đội Hoa Kỳ vốn phi chính trị đã có lập trường về đảng phái. Quân đội không bao giờ được, không bao chấp hành lệnh đó", Giáo sư Rudesill nói.
Và không kể các trường hợp cực đoan khi mà tính tự trị của quân đội bị thách thức do tranh chấp đảng phái, nhiều người khác cảnh báo tình hình chính trị hiện tại có thể châm ngòi cho bạo lực ở các khu vực khác.
Keisha Blaine nói với BBC rằng một tình huống mà ứng cử viên thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống nhưng từ chối thừa nhận kết quả có khả năng dẫn đến "rối loạn dân sự trầm trọng".
Bà lập luận rằng lối nói hùng hồn của tổng thống "đã làm gia tăng khả năng nổ ra các cuộc biểu tình và thậm chí là bạo lực".
Nhiều thành phố khác nhau ở Mỹ đã chứng kiến tình huống này trong vài tháng gần đây, với những người biểu tình được trang bị vũ khí tận răng bày tỏ sự ủng hộ đối với tổng thống, cũng như sự xuất hiện trên đường phố của các nhóm đối lập cực đoan.
Việc một số người trong nhóm này được trang bị vũ khí là lời gợi nhắc về bạo lực tiềm tàng được dung chứa từ những căng thẳng chính trị hiện tại trong lòng nước Mỹ.
Nguồn : BBC, 10/112020
Bầu cử tổng thống Mỹ : Sóng gió vẫn đang chờ đợi phía trước
Ông chủ Nhà Trắng không dễ dàng biến mất khỏi sân khấu. Donald Trump không bao giờ chấp nhận chiến bại, nhất là trước Joe Biden mà ông cho rằng không phải là đối thủ xứng tầm. Phía sau ông Trump là một đội quân cử tri trên 70 triệu người, thế nên thất bại này không phải là một trận Waterloo.
Người ủng hộ tổng thống Donald Trump tụ tập trước trụ sở chính quyền Pennsylvania ngày 07/11/2020để phản đối thông báo ông Joe Biden đắc cử. AP - Julio Cortez
Tuy chưa có kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11, nhưng báo chí cả Mỹ lẫn Pháp đã đồng thanh gọi ứng cử viên của đảng Dân chủ là "tổng thống tân cử". Ảnh ông Joe Biden chiếm trang nhất của tất cả các tuần báo Pháp kỳ này. L’Obs đăng chân dung Biden trên nền màu xanh của đảng Dân chủ với câu hỏi "Liệu ông ấy có thể chữa lành được nước Mỹ ?"
Le Point nói về "Định mệnh kỳ lạ của Joe Biden". L’Express đăng hình ông Biden ngồi trong Nhà Trắng, phía sau là cái bóng của Donald Trump bao trùm, và "Chúc may mắn !" Tương tự, trang bìa Courrier International là hình vẽ Biden mang khẩu trang màu cờ nước Mỹ nhưng có một mái tóc vàng hoe bay ngang, chạy tựa "Liên hiệp Joe".
Kết quả gây thất vọng cho cả hai phe
Tuần báo Pháp mừng rỡ : Vĩnh biệt những năm Trump, Joe Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Bên cạnh ông là Kamala Harris, người phụ nữ da màu đầu tiên với đến chức phó tổng thống – sự kiện mà Courrier International cho là lịch sử.
Tờ báo trích dịch New York Times, nhật báo Mỹ luôn chống Trump kịch liệt, ghi nhận Joe Biden đã đạt được số phiều nhiều nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, còn Donald Trump theo bén gót. Kết quả này gây thất vọng cho cả hai phe. Phía Biden từng hy vọng thắng đậm Trump và nắm được đa số ở Thượng Viện, còn những người ủng hộ Donald Trump mong một nhiệm kỳ bốn năm nữa.
Về phía các nhật báo bảo thủ, Wall Street Journal nhấn mạnh, thoạt nhìn thì cuộc bầu cử là một thất bại, nhưng nếu lạc quan một chút, thì với triển vọng Joe Biden bước vào Nhà Trắng và Thượng Viện rất có thể vẫn do Cộng hòa nắm, thì sự chung sống hòa bình này sẽ tạo ra tương quan lực lượng thuận lợi cho cánh trung và những người ôn hòa của cả hai đảng. Theo National Review, cuộc bầu cử lần này tuy không phải là một chiến thắng, nhưng cũng chẳng phải thảm họa.
Hồi hộp như phim Hollywood
Washington Examiner cho rằng những ai lo sợ một cuộc cách mạng cánh tả ở Hoa Kỳ nay có thể ngủ yên. Nếu làn sóng xanh tràn đến, phe Dân chủ có thể đưa thêm nhiều thẩm phán vào Tối cao Pháp viện để áp đặt những đạo luật quan trọng nhằm tái cấu trúc kinh tế và thay đổi cách sống. Hai lãnh địa Dân chủ là Washington và Porto Rico có thể được nâng lên thành bang, như vậy Dân chủ tự động có thêm bốn ghế ở Thượng Viện. May mắn là ý đồ này không thành.
Còn tại Hạ Viện có nguy cơ diễn ra một trận nồi da xáo thịt trong phe Dân chủ. Các dân biểu thuộc những bang "nghiêng ngả" sẽ rất tức giận khi những ý định điên rồ của cánh tả như cắt giảm ngân sách của cảnh sát trở thành chủ đề chính. "Họ sẽ không thông qua lá thư Ông già Noel của dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez" (khuôn mặt được cho là cực tả trong đảng Dân chủ).
Tuần báo L’Express nhận định "Bầu cử Mỹ : Hoa Kỳ luôn là bậc thầy về tạo kịch tính", phim ảnh Hollywood có đối thủ duy nhất là cuộc bầu cử tổng thống. Trong khi tại Pháp khuôn mặt người thắng cử nhất định phải hiện lên màn ảnh truyền hình vào cuối ngày bầu cử lúc 20 giờ, thì ở Mỹ số đại cử tri lần lượt được cộng thêm như tỉ số một trận bóng rổ. Cuốn phim Hitcock này làm cho cả thế giới phải hồi hộp theo.
Tờ báo so sánh : Trung Quốc có thể sẽ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng người dân Hoa lục không việc gì phải thức dậy vào 5 giờ sáng hôm sau để theo dõi xem những ai nằm trong số 205 ủy viên trung ương Đảng cộng sản.
Đường đời không bằng phẳng
Cuộc đời và sự nghiệp Joe Biden được các báo mô tả tỉ mỉ. Le Point tóm tắt : Vinh quang chính trị cùng với bi kịch gia đình : đường đời của ông cứ như là tiểu thuyết, và ở tuổi 78, chương cuối cùng vẫn chưa được viết ra. New Statesman được Courrier International trích dịch nói về "Joe Biden, người thường xuyên quay lại" (chính trường), còn L’Express ví von "Joe Biden, một lính cứu hỏa cho nước Mỹ".
Joseph Robinette Biden lớn lên tại Pennsylvania và Delaware, có cha gốc Anh lai Pháp sinh sống bằng cách mua bán xe hơi cũ, mẹ gốc Ireland. Bà mẹ có tính cách mạnh mẽ, từng dọa đánh một giáo viên đã chế giễu tật cà lăm (nói lắp) của con trai. Biden học không giỏi nhưng giao thiệp rộng. Trưởng văn phòng luật sư nơi ông vào làm việc dìu dắt Biden theo đảng Dân chủ.
Sáu tuần sau khi trở thành thượng nghị sĩ trẻ tuổi nhất năm 1972, vợ và con gái ông qua đời do tai nạn xe hơi, hai con trai bị thương khiến ông bị sốc suýt rời chính trường. Hai lần định ra tranh cử tổng thống, Joe Biden đều thất bại trong kỳ bầu cử sơ bộ, rốt cuộc năm 2008 trở thành phó tổng thống của Barack Obama. Năm 2015 Beau Biden, con trai ông qua đời vì ung thư, Joe từ bỏ tranh cử sơ bộ và ủng hộ bà Hillary Clinton.
Khuôn mặt ôn hòa cần thiết
Biden bị chỉ trích vì một số khuyết điểm : bị cáo buộc đạo văn của Neil Kinnock (lãnh đạo Công Đảng Anh) và Robert Kennedy, hay mãi đến năm ngoái mới thôi ủng hộ tu chính án Hyde (hạn chế tài trợ liên bang cho việc phá thai trong trường hợp bị hãm hiếp, loạn luân hay nguy hiểm tính mạng). Hồi năm 1991 Biden phản đối cuộc chiến vùng Vịnh, rốt cuộc đó là một thành công của Mỹ ; năm 2003 ông ủng hộ tấn công Irak nhưng lại là một chiến dịch thất bại.
Tuy không phải là nhân vật lý tưởng, Joe Biden là chính khách dày dạn kinh nghiệm và dễ gần, nên các báo đều cho rằng ông là người của tình thế. Chờ đợi đến 48 năm mới bước lên được ngôi vị tối thượng, Biden lại phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh, làm việc với Thượng Viện vẫn thuộc về Cộng hòa và Hạ Viện chia rẽ giữa cánh trung và cánh tả. Chưa kể đến việc dù có Donald Trump hay không, xu hướng dân túy vẫn tồn tại lâu dài.
Về "phó tướng" của Biden, Los Angeles Times đặt câu hỏi "Phải chăng Kamala Harris đang trên đường đến chiếc ghế tổng thống ?", còn Le Point cho đây là "Giấc mơ Mỹ". Ở tuổi 56, bà đã phá vỡ nhiều lớp trần thủy tinh (rào cản thăng tiến khó nhìn thấy) : phụ nữ đầu tiên là phó tổng thống và lại là người da màu, có dòng máu Châu Á. Harris thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử sơ bộ nhưng ông Biden đã đưa bà lên đứng chung liên danh. Joe Biden cần một người phó là phụ nữ da đen nên đã bỏ qua việc Harris tấn công ông tơi tả khi tranh luận, cáo buộc Biden kỳ thị chủng tộc.
Thế giới chờ đợi gì ở Joe Biden ?
Khi bước vào Nhà Trắng, Joe Biden được cho là sẽ quay lại với hiệp định khí hậu Paris, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lại bắt tay với các đối tác NATO, hủy bỏ một số sắc lệnh của Donald Trump về môi trường và y tế công. L’Obs còn mong Biden đưa ra dự luật hợp thức hóa cho 700.000 người nhập cư bất hợp pháp sống trên đất Mỹ đã lâu, lập nhóm tìm kiếm cha mẹ của 545 em bé bị chia tách gia đình ở biên giới Mêhicô, rút lại lệnh cấm công dân sáu nước Hồi giáo nhập cảnh.
Lần này thì cuộc chiến đấu không phải ở Irak hay Iran, mà là chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Dưới thời Donald Trump, Bắc Kinh rất lo Washington đột ngột thay đổi chính sách với Đài Loan, dẫn đến xung đột. Trung Quốc hy vọng Joe Biden thận trọng hơn, dễ đoán định hơn, giảm bớt thuế quan, nhưng không mong sẽ có thay đổi chính sách về Biển Đông và mạng 5G.
The Economist cho rằng, các nước bạn ở Châu Á của Mỹ, muốn Biden hành động cứng rắn như ông Trump chứ không như Obama. Barack Obama đã vạch ra lằn ranh đỏ trên Biển Đông, nhưng lại chẳng làm gì khi Trung Quốc vượt rào. Ngược lại chính quyền Donald Trump bác bỏ thẳng thừng yêu sách của Bắc Kinh tại vùng biển này, gia tăng sự hiện diện của Hải quân Mỹ, cam kết bảo vệ các đảo của Nhật đang bị Trung Quốc quấy nhiễu, và bán vũ khí cho Đài Loan.
Nhà cựu ngoại giao Singapore, Bilahari Kausikan nhận định, khi tổng thống Trump thông báo với Tập Cận Bình, khách mời ở Mar-a-Lago năm 2017 là ông vừa cho bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk sang Syria vì Assad sử dụng vũ khí hóa học, Donald Trump đã vực dậy lòng tin của Châu Á về sức mạnh Mỹ.
Cuộc chuyển giao quyền lực khó êm ả
Tuy trang bìa các báo đều dành cho Joe Biden, nhưng ở những trang trong, tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump lại được đề cập đến nhiều hơn hẳn. L’Obs nói về "Trump, quái kiệt pop". Tuần báo thiên tả cho rằng Donald Trump là "phát-xít kiểu mới" : ông không thoát thai từ cực hữu, không được đẩy lên chính trường bởi một liên minh quân sự và tôn giáo, tài năng diễn thuyết của ông không tập hợp những đám đông đầu trọc (skinhead).
Theo L’Obs, Trump là "nhân vật phát-xít đầu tiên được văn hóa pop sản sinh ra". Trước khi trở thành tổng thống, Donald Trump từng tham gia nhiều show trên màn ảnh nhỏ, nổi tiếng nhất là việc dẫn chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice" đã giúp ông trở thành hiện thân của sự thành công đối với công chúng. Trump đóng vai chính mình trong phim "Ở nhà một mình" (Home alone) tập 2 và trong một số phim khác.
Tuần báo cũng tỏ ra cảnh giác trước một "Trump khó đoán định". Ông chủ Nhà Trắng không dễ dàng biến mất khỏi sân khấu. Donald Trump không bao giờ chấp nhận chiến bại, nhất là trước Joe Biden mà ông cho không phải là đối thủ xứng tầm. Phía sau Trump là một đội quân cử tri trên 70 triệu người, thế nên thất bại này không phải là một trận Waterloo. L’Express dẫn lời nhà chính trị học Kyle Kopko : "Trump là một tổng thống độc đáo, nên cũng sẽ là một cựu tổng thống độc đáo".
Luật gia Lawrence Douglas cho biết Hiến Pháp Mỹ không bảo đảm việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, dù có một luật năm 1964 về cơ chế chuyển tiếp. Donald Trump vẫn giữ mọi quyền hành của tổng thống cho đến phút cuối.
Hiến Pháp cho ông quyền ân xá, chẳng hạn Michael Flynn, Steve Bannon, Paul Manafort - và để phòng ngừa, cả Jared và Ivanka Kushner. Còn bản thân tổng thống thì sao ? Trump có thể vận dụng tu chính án 25, tạm thời chuyển giao quyền lực cho Mike Pompeo để được ân xá rồi sau đó nắm quyền trở lại ! Donald Trump cũng sẽ thanh toán ân oán với một số người trước khi ra đi : giám đốc FBI, CIA hay bác sĩ Anthony Fauci trong tầm ngắm.
Donald Trump tiếp tục có ảnh hưởng lớn
Và đến 20 tháng Giêng có hai câu hỏi đặt ra : sẽ phải làm gì với Trump, và Trump sẽ làm những gì ? Nếu Biden muốn hòa giải, bỏ qua những sai lầm của Trump, thì cánh tả của Dân chủ sẽ la ó ; còn ngược lại, sẽ gây phẫn nộ cho hàng triệu "fan" của Donald Trump. Hơn một chục cuộc điều tra và vụ kiện dân sự đang nhắm vào ông Trump.
Về câu hỏi thứ hai, tuy không phải chính khách chuyên nghiệp, cũng không có mạng lưới đảng phái truyền thống, nhưng Donald Trump có đông đảo người hâm mộ trung thành và 88 triệu người theo dõi trên Twitter. Chỉ cần nói một lời không hay về ông Trump là có thể bị đám đông trừng phạt. Sau hôm bầu cử, con trai ông là Donald Junior phàn nàn trên Twitter là ít có được sự ủng hộ của phía Cộng hòa. Hai giờ 14 phút sau, bà Nikki Haley, khuôn mặt có thể ra ứng cử tổng thống năm 2024, đã tweet ngay ca ngợi ông Trump.
Đương kim tổng thống còn có nhiều ảnh hưởng hơn khi hiện diện trên truyền thông. Theo lời đồn thì sẽ có "Trump News" từ liên minh với tập đoàn Sinclair hoặc kênh cực đoan One America News Network. Chưa rời khỏi Nhà Trắng mà người ủng hộ đã hình dung Donald Trump trở lại nắm quyền năm 2024, dù lúc đó ông đã 78 tuổi. Đã có một tiền lệ : tổng thống Mỹ thứ 22 và 24 là Glover Cleveland, thất cử nhiệm kỳ thứ hai và bốn năm sau tái đắc cử. Trước khi rời Nhà Trắng năm 1888, ông Cleveland đã yêu cầu một cố vấn giữ gìn đồ đạc và cách trang hoàng vì sẽ còn tái ngộ. L’Obs hy vọng lịch sử sẽ không lặp lại !
Thụy My
Nguồn : Hoangbach Channel, 12/11/2020
Không chấp nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11/2020, tổng thống đương nhiệm Trump đã liên tục lên Twitter tung ra các cáo buộc bầu cử gian lận. Cùng với việc sa thải Bộ trưởng bộ quốc phòng Mark Esper và bổ nhiệm Christopher Miller, Trump đang làm dấy lên sự lo ngại về đảo chính quân sự. Nhưng có nhiều khả năng, sự lo ngại đó là hơi quá. Điều cần cảnh giác với thế giới dân chủ là mạng xã hội, công cụ để trục lợi của các chính trị gia dân tuý.
Sau khi chia rẽ nước Mỹ nói chung và phần nào là cả thế giới nói chung, một cách trầm trọng, đến cuối đời, Trump cũng góp phần "hàn gắn" nước Mỹ và tặng cho thế giới dân chủ bài học quantrọnglà cần cẩn trọng với mạng xã hội. Trump đã sa thải các nhân vật quan trọng trongNhà Trắng theo phong cách "rất Trump": Lên Twitter thông báo. Hôm rồi là Bộ trưởng quốc phòng Mark Esper. Sắp tới, có thể là các vị trí quan trọng khác trong nội các. Có nhiều khả năng, sẽ sớm thôi, những viên chức cao cấp bị sa thải sẽ chống lại sếp cũ của họ, theo cách không thể tệ hơn, cả về mặt con người lẫn pháp lý, và đó là cách những người có hiểu biết bảo vệ chính bản thân họ và cho nước Mỹ. Khi có cùng chung một mối lo sẽ tạo ra những đoàn kết không ngờ.
Trump đã sa thải Mark Esper, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, qua một thông báo ngắn trên Mạng xã hội Twitter.
Trump là một mối lo, một sự cảnh tỉnh hơn là một mối nguy thực sự về nhận thức và nguy cơ đảo chính. Chưa đến mức đó. Cảnh giác là cần thiết. Trong một thể chế dân chủ, đạo đức là giá trị cao nhất và là điều kiện bắt buộc để có thể tồn tại. Đạo đức đến từ giáo dục. Giáo dục đến từ niềm tin và tính chân thiện mỹ phổ quát của con người. Mất đi đạo đức, nền cộng hòa sẽ bị hủy hoại và chuyên chế sẽ lên ngôi.
Người ta liên tưởng với Trump, chủ nghĩa phát xít đang quay trở lại. Trump đang bình thường hóa sự độc tài là đúng. Nhưng không đủ. Trump chỉ mới manh nha điều đó. Phát xít và độc tài cần cả một quá trình xây dựng hình tượng trên một nền dân trí thấp cũng như sựthiếuvắngcủa đối lập chính trị. So với phát xít và độc tài, Trump chỉ hơn ở mạng xã hội, nhưng còn thua về bản lĩnh và uy quyền cần có của một tổng thống chuyên chế. Tuy vậy vẫn cần thận trọng vì Trump là một diễn viên bậc thầy.
Từ sau Thế chiến thứ hai, Trump có lẽ là nhân vật đáng nói tới nhất. Không phải vì năng lực chính trị của Trump mà vì dù không có năng lực chính trị vẫn trở thành người đứng đầu hệ thống chính trị của siêu cường số một thế giới. Trump là người ở thế hệ cũ, có tài năng trong lĩnh vực diễn thuyết, nắm bắt tâm lý đám đông, tập hợp và dẫn dắt quần chúng theo ý mình…đó là những điều phải lưu tâm. Với mạng xã hội và khả năng diễn xuất, Trump tạo ra cảm xúc mạnh mẽ, nỗi lo lắng, sự thù ghét, vui buồn cho fan của mình. Chính trị đã thành một rạp xiếc.
Mạng xã hội là một công cụ đắc lực và tuyệt vời cho các chính trị gia dân tuý. Nó tạo ra một sân khấu ít tốn kém mà hiệu quả cao cho các nhạc công lọclõi như Trump. Bằng cách quy tụ người dùng theo dõi, một chính trị gia có thể tác động đến đám đông thời 4.0 theo đúng những gì các chính trị gia tác động lên đám đông bằng diễn thuyết từ cả thế kỉ trước, nhưng ở mức độ cảm xúc nhanh và thời sự hơn rất nhiều. Câu từ dễ nhớ, ngắn gọn, đánh trực diện vào tâm lý, mơn trớn và chiều chuộng đám đông. Sẽ chẳng ai đánh giá chương trình hành động, đạo đức hay logic của Trump. Mạng xã hội đâu có được thiết kế để đánh giá chương trình chính trị. Đám đông chỉ nhớ những gì của cảm xúc. Chương trình hành động của Trump nếu tái đắc cử là gì? Ngay cả Trump cũng không biết và không bận tâm.
Sớm hay muộn thế giới cũng phải cho ra đời bộ qui tắc ứng xử trên mạng xã hội để những tin tức giả, thuyết âm mưu và các cáo buộc vô căn cứ không còn tác yêu tác quái như hiện nay - Ảnh CNN
Mỹ là quốc gia tạo ra hai mạng xã hội lớn nhất thế giới. Người Mỹ tiên phong khai phá nhu cầu giải trí và kết giao ảo thì cũng sẽ tiên phong trong nhu cầu kiểm soát phát sinh khi nó bị lạm dụng. Đó không chỉ là vấn đề của niềm tin mà còn là quy luật của các chu trình phát triển và suy tàn. Đó cũng không hẳn là vấn đề đạo đức mà còn là quy luật của kinh doanh. Cái giá phải trả cho chủ nghĩa dân tuý không rẻ nhưng may còn có hiện tượng Trump để người ta nhận ra sự cẩn trọng cần thiết với mạng xã hội. Sớm hay muộn thế giới cũng phải cho ra đời bộ qui tắc ứng xử trên mạng xã hội để những tin tức giả, thuyết âm mưu và các cáo buộc vô căn cứ không còn tác yêu tác quái như hiện nay.
Ngay cả khi đang tại vị, Trump cũng đã không thể triển khai Đạo luật Chống nổi loạn 1807 để đưa quân đội chống biểu tình trong phong trào Black Lives Matter (Cuộc sống người da đen cũng quan trọng) hồi tháng 6-2020. Vì vậy bất luận thế nào Trump cũng không thể đảo chính bằng quân đội chỉ vì lí do gian lận bầu cử. Nếu lo lắng như thế là xem thường nước Mỹ.
Sẽ không quá bất ngờ khi Trump bị hạ bệ một cách bẽ bàng và không thương tiếc. Ông ta sẽ đối diện với pháp lý và sẽ tiếp tục thất bại trong kinh doanh sau khi không còn là tổng thống. Đó là cái họa từ chính tính cách của Trump.
Quốc Bảo
(11/11/2020)
Nghị sĩ Lindsey Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện và Tổng thống Trump (Foto : imago images / ZUMA Press)
Tờ Der Spiegel, tạp chí lớn nhất và có uy tín thuộc hàng đầu nước Đức, vừa có một bài viết ngay sau khi báo chí truyền thông dự báo ông Biden chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Sau đây là bản dịch :
Joe Biden đã đập tan hy vọng của đảng Cộng hòa về nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump. Trong khi một số đảng viên Cộng hòa công nhận chiến thắng của đảng Dân chủ, thì những đảng viên khác vẫn còn ủng hộ tổng thống Trump.
Đối với đảng Cộng hòa, chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một sự thất bại cho họ. Nhiều người trong số họ đã gần như đứng đằng sau ủng hộ vô điều kiện Tổng thống Donald Trump trong vài năm qua và cùng gánh vác hết vụ bê bối này đến vụ bê bối khác. Lần này, nhiều người dường như cảm thấy khó chấp nhận thất bại của Trump - nhưng một số đảng viên đảng Cộng hòa đầu tiên đã chúc mừng Biden.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney viết trên Twitter rằng ông và phu nhân Ann đã chúc mừng "Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó tổng thống đắc cử Kamala Harris".
https://mobile.twitter.com/MittRomney/status/1325142815354064896
Romney, ứng cử viên tổng thống năm 2012 của đảng Cộng hòa, trở thành nghị sĩ đầu tiên của đảng công nhận chiến thắng bầu cử của Biden. Trong quá khứ, ông đã thường hay chỉ trích Donald Trump. Đầu năm nay, Romney là đảng viên Cộng hòa duy nhất tại Thượng viện bỏ phiếu cho việc luận tội Trump. Ông cũng từ chối bỏ phiếu chọn Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.
Chính trị gia bảo thủ Jeb Bush, em trai của cựu Tổng thống George W. Bush, cũng chúc mừng Biden. "Giờ là lúc để chữa lành vết thương", Jeb Bush viết trên Twitter. "Nhiều người đang tin tưởng vào bạn để dẫn đường".
https://mobile.twitter.com/JebBush/status/1325133897781243908
Năm 2016, bản thân Jeb Bush cũng có tham vọng tranh cử cho đảng Cộng hòa, nhưng lại thua chính trị gia tay ngang Trump trong cuộc đua đề cử ứng cử viên.
Thống đốc đảng Cộng hòa Maryland Larry Hogan cũng chúc mừng chiến thắng của Biden. "Mọi người nên chúc tổng thống chúng ta thành công vì chúng ta cần đất nước chúng ta thành công. Chúng ta có những thách thức lớn ở phía trước chúng ta như là một đất nước. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần đến với nhau như những người Mỹ", Hogan viết trên Twitter.
https://mobile.twitter.com/GovLarryHogan/status/1325118697799905280
Tương tự, Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Will Hurd bày tỏ : "Người dân Mỹ đã lên tiếng và chúng ta phải tôn trọng quyết định này. Chúng ta hãy đoàn kết hơn là chia rẽ ; chúng ta có thể tìm thấy điểm chung. Tôi hy vọng Tổng thống đắc cử có thể thể hiện điều đó. Tôi cầu chúc ông ấy nhiều may mắn và tôi chúc Tổng thống thành công trong những tuần cuối", Hurd viết.
Tuy nhiên, tổng thống đương nhiệm không công nhận chiến thắng bầu cử của Biden và đang sử dụng mọi biện pháp hợp pháp để chống lại kết quả bầu cử. Tổng thống Trump quả quyết rằng đã có gian lận bầu cử xảy ra trong phạm vi lớn, nhưng cả ông và bất kỳ ai khác đều không trưng ra bằng chứng. Tuy nhiên, ông vẫn đang nhận được sự ủng hộ của một số đảng viên Cộng hòa cho chiến lược của mình.
Về thông báo Biden chiến thắng cuộc bầu cử bởi các mạng truyền hình lớn, Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã viết trên Twitter : "Truyền thông không quyết định ai là tổng thống mà là lá phiếu của người dân". Người ta sẽ biết ai là người chiến thắng một khi tất cả các phiếu bầu hợp pháp đã được kiểm, tất cả các cuộc kiểm phiếu hoàn tất và tất cả các cáo buộc gian lận đã được xử lý, đảng viên Cộng hòa viết như vậy.
https://mobile.twitter.com/HawleyMO/status/1325136203851526145
Quyết định của các đài truyền hình và các phương tiện truyền thông khác công bố Biden là người chiến thắng là dựa trên đánh giá rằng với khoảng cách chênh lệch số phiếu được xác định bởi các cơ quan bầu cử, Trump không còn có thể bắt kịp đối thủ của mình.
"Cuộc bầu cử chưa kết thúc cho đến khi tất cả các phiếu bầu hợp pháp được kiểm và xác nhận", Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Steve Scalise viết trên Twitter. Có những "thách thức pháp lý nghiêm trọng" đang được chờ đợi. "Người dân Mỹ xứng đáng được hưởng một cuộc bầu cử công bằng và minh bạch".
https://mobile.twitter.com/SteveScalise/status/1325172286048014337
Nghị sĩ Jodey Arrington cũng nói với tờ New York Times rằng "thật thiếu khôn ngoan khi chấp nhận bất kỳ kết quả nào" trước khi các cuộc kiểm phiếu hoàn tất và kết quả được tòa án công nhận.
Các đảng viên Cộng hòa lãnh đạo sẽ hành xử như thế nào trong những ngày tới, có thể đó là yếu tố quyết định - chẳng hạn như lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Mitch McConnell, hoặc Thượng nghị sĩ có nhiều ảnh hưởng Lindsey Graham. Hôm thứ Bảy, một phát ngôn viên của McConnell đã lưu ý báo chí duy nhất đến một tuyên bố của đảng Cộng hòa ra hôm thứ Sáu, trong đó yêu cầu phải đếm tất cả "phiếu bầu hợp pháp". Việc áp dụng luật và chấm dứt tranh cãi là tùy thuộc vào tòa án.
Theo các tường thuật của truyền thông, ông Graham, người lãnh đạo Ủy ban Tư pháp Thượng viện, thông báo rằng, ông sẽ điều tra "bất kỳ cáo buộc đáng tin nào" về những bất thường hoặc sai trái liên quan đến cuộc bầu cử. Thượng nghị sĩ đã cho biết một trường hợp bị cáo buộc ở Erie, Pennsylvania, trong đó một nhân viên Bưu điện đã lùi ngày đóng dấu bưu điện trên các lá phiếu để chúng được đếm.
https://mobile.twitter.com/thehill/status/1325163365598031878
Graham cho biết một nhân viên của bưu điện đã đưa ra lời khai có tuyên thệ như thế. Người này không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho vụ việc đó. Ông Graham tuyên bố rằng ông sẽ không cho phép các cáo buộc gian lận bầu cử bị giấu giếm. Ông cũng kêu gọi Bộ Tư pháp điều tra các cáo buộc.
Der Spiegel
Nguyên tác :Erste Republikaner gratulieren Biden, Senator Graham fordert Ermittlungen, Der Spiegel, 07/11/2020
Hiếu Bá Linh (biên dịch)
Nguồn : Thoibao.de, 08/11/2020
Xem thêm :
The Economist, VNTB, 09/11/2020
Ngay trước ngày bầu cử ở Mỹ, Chaguan đã dành một buổi sáng ở trung tâm Bắc Kinh để nghe một quan chức cấp cao của Trung Quốc giải thích lý do tại sao Trung Quốc không quan tâm ai ngồi trong Nhà Trắng.
Điều này một phần là để tỏ ra can đảm, vì các nhà cầm quyền của Trung Quốc không quan tâm đến việc đềcao ý tưởng rằng cử tri có thể khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải hành động có trách nhiệm.
Nhưng thái độ coi thường của quan chức này cũng phản ánh sự đồng thuận của tầng lớp ưu tú ở Trung Quốc rằng việc thiết lập lại hoàn toàn quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là điều khó có thể xảy ra.
Quan chức này cho biết Trung Quốc muốn một mối quan hệ suôn sẻ hơn với Mỹ. Nhưng với nguồn gốc sâu xa, căng thẳng ngày nay sẽ khó có thể đảo ngược trừ khi Mỹ có được một nhận thức mới về thế giới.
Ông nói rằng người phương Tây là những người tự cho mình là trung tâm và hay phán xét. Họ không bao giờmong đợi người Trung Quốc - một dân tộc siêng năng, chăm học - có thể sánh ngang với họ sớm như vậy.
Quan chức này nói rằng bất kể bên nào điều hành ở Washington, "Mỹ phải trả lời câu hỏi này : liệu Mỹ hoặc thế giới phương Tây có thể chấp nhận hoặc tôn trọng sự trỗi dậy của Trung Quốc không ?".
Đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, sự hung hăng của tổng thống Donald Trump khi đương nhiệm chỉ làm gia tăng một số xu hướng không thể tránh khỏi. Đối với họ, thời đại Trump cho thấy việc nói về các giá trị là một trò giả dối, rằng Trung Quốc làm người Mỹ lo lắng vì nước này đang trở nên mạnh hơn - và giải pháp là trở nên mạnh mẽ hơn, cho đến khi các nhà phê bình phương Tây phải im lặng trước thành công của Trung Quốc.
Họ cũng nghĩ rằng sự yếu kém của Mỹ đang khiến cựu bá chủ đó trở nên hung ác (thậm chí nhiều hơn) và quyết tâm dùng Trung Quốc làm vật tế thần. Từ khi Tập Cận Bình còn là phó chủ tịch nước, ông đã gặp gỡ người đồng cấp Joe Biden hàng giờ. Ông Biden được coi là người gần gũi với các lĩnh vực kinh doanh muốn có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc. Nhưng đấu tranh với Mỹ được coi là điều không thể tránh khỏi.
Những công dân Trung Quốc bình thường chưa bao giờ theo dõi một cuộc bầu cử Mỹ chặt chẽ như vậy. Nhưng nhiều người xem với vẻ khinh bỉ hơn là ghen tị. Thay vào đó, với sự tiếp tay của những người kiểm duyệt, cho phép chuyện giễu và hình ảnh, video mang tính chế nhạo về quá trình tranh cử tràn ngập trên mạng xã hội, họ có một quan điểm chung rằng kết quả gì không quan trọng.
Internet Trung Quốc tràn ngập các bài đăng ủng hộ Trump. Hầu hết phản ánh sự vui mừng trước phong cách ngoan cường của ông và một linh cảm rằng sự kém cỏi của ông, đặc biệt là trong việc xử lý covid/19, đã làm hại nước Mỹ.
Những người hâm mộ khác từ những người theo chủ nghĩa dân tộc biết ơn ông Trump đã miễn cưỡng trong việc lên án các hành vi đàn áp của chính quyền Trung Quốc ở những nơi như Tân Cương và Hồng Kông, cũng như những người bất đồng chính kiến và người Hồng Kông một cách khó hiểu, những người cho rằng ông cứng rắn với Đảng cộng sản.
Người Mỹ có thể phản đối rằng quan điểm của Trung Quốc về chính trị Mỹ là nực cười, không mạch lạc và ích kỷ. Nhưng sự hoài nghi về phương Tây dân chủ - ở cả giới tinh hoa và công chúng - mới là vấn đề. Vì điều đó giải thích việc Đảng cộng sản Trung Quốc sẽ tiếp cận như thế nào với "sự điều chỉnh sâu sắc trong cán cân quyền lực quốc tế" mà Ủy ban Trung ương Trung Quốc đã đề cập vào ngày 29 tháng 10.
Chủ nghĩa hoài nghi về nước Mỹ khiến Chủ tịch Rabbit bận tâm, ông Rabbit là một blogger người Trung Quốc được đào tạo tại Harvard có 1,7 triệu người theo dõi trên Weibo trong đó có cả các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức trong các bộ chính phủ. Rabibit tên thật là Ren Yi và là một người theo chủ nghĩa dân tộc chính thống hạt giống đỏ : ông nội là bí thư đảng cải cách của tỉnh Quảng Đông vào những năm 1980.
Các bài viết của Rabbit khám phá các sắc thái của chính trị Mỹ. Ông Trump được yêu thích ở Trung Quốc cho đến năm 2018, ông Ren nói khi uống cà phê trong một khách sạn ở Bắc Kinh. Chủ nghĩa dân túy của ông Trump cũng như những lời khen ngợi của ông dành cho Tập Cận Bình được yêu thích.
Khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" phản ánh những gì về đại hồi sinh Trung Hoa. Ngay cả chiến tranh thương mại lúc đầu cũng có người hâm mộ. Khi các đặc phái viên của ông Trump thúc đẩy Trung Quốc tăng tốc cải cách mở cửa thị trường, một số người Trung Quốc có ảnh hưởng đã thông cảm với các lập luận của Mỹ, ông Ren nhớ lại.
Ba sự kiện đã thay đổi tâm trạng đó.
Canada thay mặt cho các công tố viên Mỹ đang điều tra cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt đã cho bắt giữMạnh Vân Châu, giám đốc Huawei, một tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc. Sau đó các chính trịgia Mỹ cổ vũ cho các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông. Cuối cùng, sự lúng túng của Mỹ trong đại dịch, ngay cả khi ở Trung Quốc công chúng tuân thủ các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để chế ngự dịch bệnh.
Ông Ren thấy bạn bè ông kết luận rằng tất cả các chính trị gia Mỹ đều tệ như nhau. Blogger này nói : "Hầu hết người Trung Quốc đều nghĩ rằng Mỹ có âm mưu kìm hãm Trung Quốc".
Một thời Trung Quốc lãng mạn hóa nước Mỹ như một quốc gia tiên tiến, "Giờ đây, vì covid mà họ coi người Mỹ là những người ích kỷ, phản khoa học, phản trí tuệ". Không phải ngẫu nhiên mà các sự kiện này khiến người Trung Quốc tức giận - vụ bắt giữ bà Meng và các cuộc biểu tình ở Hồng Kông - lại động đến chủquyền.
Ông Ren nói, Trung Quốc đồng nhất khó có thể hiểu được nước Mỹ đa nguyên, chia rẽ. Điều mà người Trung Quốc thực sự quan tâm là sức mạnh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. "Họ nghĩ rằng Trung Quốc trỗi dậy và xung đột với Mỹ như vậy là do định mệnh".
Dư luận quan tâm đến Wang Yong, người điều hành Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Bắc Kinh, một trong những học viện uy tín nhất của Trung Quốc. Là khách mời thường xuyên trên các phương tiện truyền thông nhà nước, Yong đã thực hiện một loạt video ngắn trước thềm bầu cử về nước Mỹ cho Jinri Toutiao thu hút hơn 10 triệu lượt truy cập.
Trong các phim này Yong xem các chính sách về Trung Quốc của Mỹ do các nhóm lợi ích cạnh tranh điều hướng, trong đó ông Biden chú ý đến các nhà tài chính Phố Wall và các ông chủ ở Thung lũng Silicon, những người tìm kiếm mối quan hệ "hợp lý hơn" với Trung Quốc, trong khi phe diều hâu và "thế lực lượng nhà nước ngầm" muốn có cuộc chiến tranh lạnh mới.
Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác với nhau vì lợi ích chung như biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện cho sự thịnh vượng toàn cầu. Tuy nhiên, cũng cần phải thực tế. Mỹ "đã quen với vị trí hàng đầu thế giới và sẽ dùng mọi cách để bảo vệ vị thế của họ".
Giữa sự ngờ vực như vậy, bất kỳ mối quan hệ hợp tác nào của Trung Quốc với Mỹ cũng phải được hiểu theo nghĩa thực thụ : cố câu giờ trong khi Trung Quốc chạy đua để trở nên mạnh mẽ hơn.
Những người cai trị Trung Quốc không che giấu quan điểm chỉ những người có quyền lực mới được đối xửtôn trọng. Mỹ có thể muốn cạnh tranh hoặc không. Nhưng họ đã được cảnh báo : Sự bế tắc của Mỹ sẽ là chiến thắng cho Trung Quốc.
The Economist
Anh Khoa dịch
Nguồn : VNTB, 09/11/2020
https://www.economist.com/china/2020/11/07/no-american-election-will-change-chinas-mind
********************
Ninh Kiều, VNTB, 09/11/2020
Theo một nhận định của South China Morning Post (SCMP), nếu đắc cử, nhiệm kỳ tổng thống của ông Joe Biden sẽ không làm giảm nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc kiềm chế Trung Quốc, vì bất kể ai ngồi trong Nhà Trắng, cũng sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các đồng minh Châu Á để giữ Bắc Kinh trong tầm kiểm soát.
Các chuyên gia cũng nhận định, nếu ứng cử viên Dân chủ lên nắm quyền ở Mỹ, điều đó có khả năng dẫn đến việc Mỹ "tái tham gia với thế giới", sau 4 năm lùi bước dưới thời Donald Trump và đây không phải là tin tốt đối với Trung Quốc (1).
Biên tập viên tờ SCMP, ông Teddy Ng, viện dẫn phát biểu của ông Kunihiko Miyake, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, cho biết mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc có nghĩa là Washington sẽ cần Tokyo hơn bao giờ hết, bất kể ai đắc cử tổng thống.
Ông Miyake nói : "Quan hệ của Mỹ - Nhật và các chính sách Đông Á có thể trở nên quan trọng hơn khi Trung Quốc ngày càng hùng mạnh". Ông cũng khẳng định, mâu thuẫn giữa Bắc Kinh và Washington sẽ không tan biến dưới thời Tổng thống mới, vì các phe Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí rằng Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính của Mỹ.
Phía Việt Nam cũng lạc quan tương tự, song đã tránh đề cập trực diện tới Trung Quốc.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Dương Hoài Nam nói rằng sau 25 năm thiết lập quan hệ, quan hệ Việt Nam - Mỹ đã có những bước tiến dài, với sự phát triển toàn diện, thực chất và ngày càng đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục thúc đẩy, mở rộng quan hệ, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực và trên thế giới.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, Tổng thống Mỹ nào cũng sẽ ủng hộ tiến trình này", ông Dương Hoài Nam nhấn mạnh (2).
Và ở đây không chỉ là câu chuyện liên quan Trung Quốc.
Nhìn lại những diễn biến về bầu cử Mỹ, cho dù ai đăng quang đi nữa và liệu có kiên quyết trong xướng tên Trung Quốc là đối thủ chiến lược hay không của tân nội các, thì một sự thật vẫn hiển nhiên đó là người dân Mỹ luôn có cơ hội và mạnh dạn tỏ thái độ, và đây là một đặc quyền không phải ai cũng có, ở đâu cũng có.
Đặc quyền ấy, là ngay cả tổng thống Mỹ cũng không thể vượt qua khuôn khổ của nền dân chủ. Một câu chuyện bên lề cho thấy ông Trump có "thần thánh tới đâu" cũng bị "xét giấy". Số là đội ngũ tranh cử của ông đã dọn tổng hành dinh tới một tòa dinh thự công gần Nhà Trắng cho tiện việc liên lạc.
Một tổ chức dân sự ở Mỹ lập tức hạch hỏi : "Ai cho phép lấy dinh thự công làm chuyện riêng ?". Tổ chức này chỉ thôi làm khó dễ khi được trả lời là đã có hợp đồng thỏa thuận, và "người dân Mỹ đóng thuế không phải chi trả bất cứ khoản nào cho việc này" (4). Chính ông Trump, trong một phỏng vấn từ xa hôm bầu cử, khi được hỏi nghĩ gì nếu thua cuộc, đã trả lời : "Thắng thì dễ thôi, còn thua thì không bao giờ dễ nuốt cả !".
Thêm một cuộc bầu cử mà kết quả chắc chắn sẽ là thất vọng với một nửa nước Mỹ, trong đó có câu chuyện dài "cử tri đoàn" (hay đại cử tri), chớ không phải cử tri phổ thông. Song đó vẫn là những gì mà Alexis de Tocqueville từng viết đầy tự hào : "Đặc quyền lớn của người Mỹ không chỉ là họ được soi sáng hơn những người khác, mà là họ có quyền mắc những sai lầm có thể sửa chữa được" (3).
Thế nhưng với người Việt lâu nay vẫn rất thấm thía chuyện có những sai lầm sửa chữa được nhưng không bao giờ được sửa chữa là cả một khoảng cách đếm bằng thế kỷ…
Ninh Kiều
Nguồn : VNTB, 09/11/2020
Chú thích :
(1)https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3108782/us-china-rivalry-biden-likely-boost-ties-asian-allies-keep
(2)http://tgvn.com.vn/vietnam-regards-us-as-one-of-leading-important-partners-deputy-spokesman-duong-hoai-nam/128336.html
(3)https://en.wikipedia.org/wiki/Alexis_de_Tocqueville
(4)https://www.nytimes.com/issue/todayspaper/2020/11/03/todays-new-york-times
*********************
Trọng Nghĩa, RFI, 09/11/2020
Trong số các lãnh đạo phương Tây, rất lâu sau tổng thống Pháp Macron hay thủ tướng Đức Merkel, thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 08/10/2020 mới chúc mừng tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden. Ông tuyên bố rất "nôn nóng" muốn làm việc với đồng minh quan trọng nhất của Vương Quốc Anh trên các hồ sơ như biến đổi khí hậu, thương mại và quốc phòng.
Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI tại Luân Đôn, Muriel Delcroix, dù không được ông Johnson nêu lên, trong thực tế, hồ sơ nóng bỏng đối với Luân Đôn là tiến trình Brexit, mà việc ông Joe Biden đắc cử không thuận lợi lắm cho chính quyền Johnson :
"Anh Quốc luôn luôn nói đến "quan hệ đặc biệt" với Hoa Kỳ, một yếu tố càng trở nên quan trọng hơn vào thời kỳ hậu Brexit. Luân Đôn muốn đúc kết càng sớm càng tốt một thỏa thuận tự do mậu dịch với Washington. Nhưng lời hứa của Donald Trump về một thỏa thuận "tuyệt vời" đã không hề được cụ thể hóa và tân tổng thống Biden có thể sẽ có những ưu tiên khác.
Một vấn đề khác nữa đối với thủ tướng Boris Johnson là quan hệ thân thiết với Donald Trump mà ông từng phô trương, một người đã từng gọi ông Johnson một cách thân mật là "Trump của xứ Anh".
Cả hai đều triệt để ủng hộ chủ trương Brexit, ngược lại với Joe Biden, và những hành động gần đây của chính quyền Johnson không hề làm cho tình hình tốt đẹp hơn.
Sau khi chính phủ Johnson đặt lại vấn đề thỏa thuận đã ký kết giữa Luân Đôn và Bruxelles, nhất là trên những điều khoản đặc biệt liên quan đến Bắc Ireland, ông Joe Biden, người rất tự hào về gốc gác Ireland của mình, đã liền cảnh báo sẽ không có thỏa thuận thương mại, nếu Luân Đôn gây hại cho thỏa thuận hòa bình ở vùng đất thuộc Anh này.
Tuy vậy, ngoài vấn đề liên quan đến cá nhân và Brexit, Anh Quốc và Hoa Kỳ chắc chắn có thể xích lại gần nhau trên nhiều hồ sơ khác như Trung Quốc, Iran, Nga hay biến đổi khí hậu, trong bối cảnh Vương Quốc Anh sẽ đón Hội Nghị về Khí Hậu ở Glasgow vào tháng 11 năm 2021".
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 09/11/2020
********************
Minh Anh, RFI, 09/11/2020
Thông báo ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ ngày 07/11/2020 khiến nhiều nước Châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Ngược lại, tại Châu Á, nhiều thủ đô lớn trong khu vực lại tràn ngập một cảm giác tiếc nuối Donald Trump, người đã có những phát biểu cứng rắn trước Trung Quốc.
Nhật báo Kinh tế Les Echos của Pháp số ra ngày 09/11/2020 trích dẫn một thông tin khá thú vị : Thăm dò do báo mạng VnExpress thực hiện tại Việt Nam hồi đầu tháng 11/2020 cho thấy 79% trong số 49.000 người được hỏi khẳng định thích ông Donald Trump tái đắc cử.
Mong mỏi này hiện hữu ở nhiều nước. Theo quan điểm của ông Toshihiro Nakayama, một giáo sư về chính sách đối ngoại trường đại học Keio, có lẽ "Đài Loan, rất có thể là Israel, sẽ là một trong số các nước trên hành tinh tiếc nuối Donald Trump nhiều nhất".
Đối với nhiều tác nhân trong khu vực, "Biden đắc cử làm sống lại ký ức thời Obama, một thời kỳ quá thụ động đối với Bắc Kinh", một nhà phân tích tại Singapore nhận định. Nhiều nước hay vùng lãnh thổ tại Châu Á như Đài Loan, Nhật Bản cảm thấy được an toàn hơn với tổng thống Donald Trump. Tất cả những cảm giác này giải thích vì sao nhiều nước tại Châu Á phần nào dè dặt, trong đó có Việt Nam, không vội lên tiếng chúc mừng tổng thống tân cử Joe Biden.
Bắc Kinh ngày 09/11/2020 thông qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc giải thích rằng Trung Quốc chưa thể chúc mừng Joe Biden là do vẫn chưa có kết quả bỏ phiếu chung cuộc.
Ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), trong buổi họp báo cho biết Bắc Kinh "ghi nhận ông Biden đã tuyên bố thắng cử. Nhưng kết quả cuộc bầu cử sẽ do các luật lệ và các quy trình có hiệu lực tại Mỹ quyết định".
AFP lưu ý, Trung Quốc không phải là nước duy nhất chưa gởi thông điệp chúc mừng. Nga, Mêhicô hay Brazil cho đến hôm nay vẫn tỏ ra kín tiếng.
Về phần các nước Hồi giáo Ả Rập, chiều tối ngày Chủ Nhật 08/11/2020, quốc vương Salmane và hoàng thái tử Saudi Arabia, Mohammed ben Salmane, rất gần gũi với Donald Trump, cũng đã gởi thông điệp chúc mừng liên danh Joe Biden và Kamala Harris đắc cử, mong muốn "mối quan hệ lịch sử giữa hai nước và hai dân tộc thân hữu ngày càng được thắt chặt".
Thắng lợi của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử cũng đã kích thích thị trường tài chính Châu Âu. Theo AFP, hầu hết các thị trường chứng khoán lớn tại Châu Âu như Paris, Luân Đôn, Frankfurt trong phiên giao dịch đầu tiên hôm nay, 09/11/2020 đều tăng điểm, theo chân các thị trường chứng khoán của Mỹ hôm qua.
Minh Anh
Nguồn : RFI, 09/11/2020
*********************
VOA, 09/11/2020
Bộ Ngoại giao Đài Loan chc mừng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden, đồng thời cảm ơn Tổng thống Donald Trump đã ủng hộ Đài Loan trong 4 năm qua, theo Taiwan News.
Hôm 8/11, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris về chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020.
Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu viết trên Twitter bày tỏ lòng cảm ơn về "sự ủng hộ và tình bạn trung thành của chính quyền Tổng thống Trump". Ông Wu khẳng định rằng trong suốt 4 năm ông Trump với cương vị Tổng thống, Đài Loan đã trở nên "mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và có nhiều khả năng lựa chọn tương lai của chính mình hơn" và chỉ ra rằng đây sẽ là "di sản lâu dài" trong chính sách của Tổng thống Trump đối với hòn đảo này, vẫn theo Taiwan News.
Một nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Đài Loan về các vấn đề Trung Quốc hôm 9/11 tìm cách trấn an các nhà lập pháp rằng ông Joe Biden sẽ tiếp nối sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, vốn được hưởng lợi từ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Donald Trump, theo Reuters.
Hôm 9/11, tại quốc hội Đài Loan, một số nhà lập pháp bày tỏ lo ngại về sự thay đổi chính sách của Đài Loan dưới thời của chính quyền Biden, một số người mô tả rằng ông Biden "thân thiện với Trung Quốc", những người khác chỉ ra rằng ông Biden phản đối dự luật tăng cường an ninh Đài Loan năm 1999, theo Reuters.
Ông Huang Shih-chieh, thuộc Đảng Dân Tiến cầm quyền, cho biết mối quan tâm chính của đảng này là liệu sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan có thay đổi hay không.
Ông Huang nói : "Lo lắng lớn nhất của chúng tôi là với nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden, ông ấy có thể điều chỉnh chính sách của mình".
Nhưng ông Chen Ming-tong, người đứng đầu Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan, nhiều lần lên tiếng trấn an các nhà lập pháp rằng một sự thay đổi cơ bản trong sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan là không thể.
Ông nói : "Không cần phải lo lắng về sự thay đổi quyền sở hữu Nhà Trắng".
"Mặc dù có thể có một số thay đổi trong chiến thuật của ông Biden đối với Trung Quốc, nhưng sẽ không có thay đổi trong chiến lược Trung Quốc của họ", ông Chen nói thêm.
Ông Chen lưu ý rằng chính cựu Tổng thống Barack Obama - khi ấy ông Biden giữ chức Phó Tổng thống - đã thúc đẩy "trục xoay" trở lại Châu Á để thách thức một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Nguồn : VOA, 09/11/2020
***********************
VOA, 09/11/2020
Hôm 9/11, Trung Quốc cho biết họ sẽ ‘theo thông lệ quốc tế’ khi đưa ra tuyên bố về cuộc bầu cử Hoa Kỳ, theo Reuters. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết như vậy khi được hỏi tại sao Bắc Kinh chưa chúc mừng chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden.
Ông Biden đã có được đủ số phiếu đại cử tri để giành chức tổng thống nhưng Tổng thống đương nhiệm Donald Trump không nhượng bộ và đang đưa ra những thách thức pháp lý đối với kết quả của cuộc bầu cử ngày 3/11, theo Reuters.
"Chúng tôi nhận thấy rằng ông Biden đã tuyên bố thắng cử. Chúng tôi hiểu rằng kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ sẽ được xác định theo thủ tục và luật pháp Hoa Kỳ", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói tại một cuộc họp báo hàng ngày.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua với các tranh chấp từ công nghệ và thương mại đến vấn đề Hong Kong và Covid-19, và chính quyền Tổng thống Trump đã tung ra một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Kinh.
Ông Uông nói : "Chúng tôi luôn tin rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ cần tăng cường giao tiếp và đối thoại, quản lý sự khác biệt trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, mở rộng hợp tác trên cơ sở cùng có lợi, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và ổn định của mối quan hệ song phương".
Theo Reuters
Nguồn : VOA, 09/11/2020
********************
Phản ứng lẫn lộn của người dân Việt Nam về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ
VOA, 09/11/2020
Nhiều người dân Việt Nam tỏ ra buồn và thất vọng về việc Tổng thống Donald Trump không tái đắc cử sau khi truyền thông Mỹ xác định ông Joe Biden là tổng thống đắc cử trước khi việc kiểm phiếu trên toàn quốc kết thúc trong khi một số người dân khác vui mừng khi ông Biden chiến thắng trong cuộc bầu cử đã làm nhiều người dân Việt Nam bị chia rẽ và gây căng thẳng trong các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp.
Màn pháo hoa mừng chiến thắng của ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 hôm 7/11. Người dân Việt Nam có những phản ứng khác nhau trước kết quả bầu cử tổng thống Mỹ, trong đó ông Donald Trump được nhiều người Việt yêu thích không tái đắc cử.
Dựa trên dữ liệu kết quả chưa hoàn tất của các tiểu bang, các hãng tin lớn của Mỹ hôm 7/11 dự đoán rằng ông Biden, ứng cử viên đại diện đảng Dân chủ ra tranh chức tổng thống với ông Trump, chiến thắng trong khi tổng thống đương nhiệm không công nhận kết quả và đang bước vào một cuộc chiến pháp lý khi ông Trump cho rằng mình là người chiến thắng.
Việc này đã khiến nhiều người dân Mỹ ủng hộ ông Trumpxuống đường biểu tình ở một số thành phố của Mỹ trong khi những người ủng hộ ông Biden tụ tập ăn mừng sau khi ông được công bố là tổng thống mới đắc cử của đất nước.
"Cũng như ở Mỹ, người Việt trong nước cũng chia làm hai nhóm ý kiến rõ rệt", ông Lê Quang Huy, một người dân Hà Nội, cho VOA biết. "Những người ủng hộ ông Donald Trump (ở Việt Nam) vẫn hy vọng một kết quả đảo ngược sau khi kiểm phiếu lại ở các bang chiến trường".
Trong khi việckiểm phiếu vẫn tiếp tục ở North Caroline, Arizona, Georgia và Alaska, ông Biden đã giành được 279 phiếu cử tri đoàn, vượt qua ngưỡng 270 phiếu cần thiết, để được coi là chiến thắng trước tổng thống đương nhiệm Trump - hiện có 214 phiếu.
Cũng như cộng đồng người Mỹ gốc Việt, người dân Việt Nam trong nước phần đông ủng hộ ông Trump khi họ cho rằng chính sách "chống Trung Quốc" của ông có lợi cho Việt Nam trong khi Bắc Kinh ngày càng "bành trướng" sức mạnh trong khu vực và "bắt nạt" Việt Nam trên Biển Đông.
"Người dân Việt Nam rất buồn, buồn ở chỗ là không có người áp đảo được người bạn láng giềng xấu tính vì người Việt không thích chính quyền của Trung Quốc - họ bành trướng và muốn xâm chiếm lãnh thổ", Trần Lâm Bình, một nghệ sĩ người Huế từng vẽ tranh về Tổng thống Trump, nói với VOA và cho biết phần đông người Việt Nam ủng hộ ông Trump, người từng đến Việt Nam 2 lần trong 4 năm làm tổng thống Mỹ.
Chính quyền ông Trump đã tiến hành cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc kể từ năm 2018 và với việc Mỹ đánh thuế lên hàng hoá Trung Quốc cũng như đưa chuỗi cung ứng toàn cầu ra khỏi quốc gia này, nhiều công ty của Mỹ và nước ngoài đã dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam. Nhiều người Việt Nam ủng hộ ông Trump còn bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông như là một doanh nhân thành đạt và có một gia đình hạnh phúc.
Chị Vũ Thuỷ, một cư cư dân Hà Nội, cho biết rằng "nhiều người Việt Nam hụt hẫng" khi biết tin ông Trump thua cuộc nhưng chị cũng nói rằng "dù sao cũng chúc mừng tân Tổng thống thứ 46 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ" trong khi vẫn lo ngại rằng "nếu không có ông Trump, chỉ sợ ông anh hàng xóm (Trung Quốc) lại làm Biển Đông dậy sóng".
Trong khi đó, những người ủng hộ ông Biden, người cũng từng đến Việt Nam cùng phu nhân khi ông là phó tổng thống dưới thời ông Barack Obama, lại vui mừng trước chiến thắng của ông. Nguyễn Quân, một người dân Hà Nội, nói với VOA rằng anh và một nhóm bạn đã ăn mừng chiến thắng của ông Biden ngay sau khi biết tin từ truyền thông Mỹ. Anh cho biết anh ủng hộ ông Biden vì quan điểm của ông về đại dịch COVID cũng như môi trường và thương mại tự do.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người Việt trong những tuần qua, từ các cuộc hội thoại ở quán cà phê hay trong công sở, anh Quân cho biết. Nhưng không chỉ đơn thuần là tranh luận, việc ủng hộ các ứng cử viên đại diện hai đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ của người dân Việt Nam đã dẫn đến những cuộc "tranh cãi nảy lửa" làm nhiều người "cắt đứt quan hệ" với nhau. Anh Quân nói hàng chục người bạn của anh đã "unfriend" (huỷ kết bạn) trên Facebook chỉ vì anh ủng hộ ông Biden.
Còn đối với anh Bình, người hoạ sĩ từng có tranh vẽ chân dung vị tổng thống thứ 45 của Mỹ triển lãm tại Ý vào năm ngoái, cũng "bị hàng trăm người bạn, cả Việt Nam và ở nước ngoài, huỷ kết bạn vì ủng hộ ông Trump" và cho biết anh không giận họ vì tôn trọng ý kiến của những người đó.
Tuy nhiên, cũng có những người không hành xử như anh Bình khi đưa ra những bình luận mang tính "chửi bới" hay "miệt thị" theo như anh Lê Kiên, một người dân trong nước, cho biết trongmột đăng tải trên Facebook cá nhân.
"Tôi có vào Facebook một số bạn cuồng Trump, thì thấy rằng, khi các bạn nhảy dựng lên chửi bới ‘cấm’ tôi chưa được tuyên bố Joe Biden thắng cuộc", anh Kiên viết và cho biết anh bị nhiều người bày tỏ không hài lòng và "chửi bới, miệt thị" khi anh đưa ra kết quả dự đoán "ông Trump khả năng sẽ nhận kết cục đau khổ và Biden có thể giành 306 phiếu đại cử tri".
Dù vậy anh Kiên cho biết anh ủng hội những cuộc tranh luận và ý kiến trái triều vì theo anh điều đó mới dẫn tới "dân chủ".
"Chúng tôi hiểu rằng muốn có dân chủ thì phải tôn trọng những lời nói đúng, cho dù nó có khác với suy nghĩ và mong muốn của mình", anh Kiên viết.
Còn anh Bình cho biết sau cuộc bầu cử Mỹ lần này, anh thấy được rằng người dân Việt Nam, từ trí thức cho đến lao động, đều quan tâm đến chính trị và muốn được tranh luận cởi mở cũng như mong được làm điều đó đối với các cuộc bầu cử ở Việt Nam.
***********************
Kế hoạch kinh tế của ông Biden sẽ có tác động thế nào đến nước Mỹ ?
VOA, 06/11/2020
Cuộc đua đến Nhà Trắng giữa hai ứng cử viên Donald Trump, đương kim tổng thống, người của đảng Cộng hòa, và Joe Biden, thuộc đảng Dân chủ, vẫn chưa ngã ngũ, tính đến sáng 6/11. Mặc dù vậy, với số phiếu đại cử tri đang nhỉnh hơn, ông Biden được cho là có lợi thế trên con đường đến chiếc ghế tổng thống.
Ửng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden nói hôm 5/11 rằng ông tin ông sẽ đắc cử
Nếu ông Biden lên nắm quyền, kế hoạch kinh tế mà ông đưa ra khi tranh cử sẽ có tác động ra sao đến nước Mỹ, giới phân tích đưa ra một số nhận định dưới đây.
Theo báo USA Today và đài NPR, về thuế khóa, chính quyền của ông Biden sẽ tăng thuế và bịt các lỗ hổng trong các quy định thuế đối với các cá nhân kiếm được hơn 400.000 đô la/năm, khôi phục lại thuế suất ở mức trước khi luật thuế của ông Trump được thông qua. Theo đó, thu nhập trên 400.000 đô la phải chịu thuế An sinh Xã hội ở mức 12,4%.
Nhóm nghiên cứu phi đảng phái có tên Tax Policy Center (Trung tâm Chính sách Thuế), đặt tại thủ đô Washington, cho rằng việc tăng thuế sẽ đem lại nguồn thu khoảng 4 nghìn tỉ đô la trong thập niên tới, USA Today trích dẫn.
Vẫn báo USA Today và đài NPR đưa tin rằng ông Biden có chủ trương nâng cấp đường xá, cầu cống ; xây dựng nền kinh tế dùng năng lượng sạch ; đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy ngành chế tạo ; bảo đảm rằng chính phủ và các nhà thầu phục vụ chính phủ sẽ mua sản phẩm Mỹ ; miễn phí cho việc học cao đẳng cộng đồng ; bảo đảm người dân được gửi trẻ giá phải chăng và mọi trẻ em đều được học mẫu giáo ; và trợ giúp để người Mỹ được mua hoặc thuê nhà.
Các nhà kinh tế được USA Today tham khảo ý kiến cho rằng kế hoạch nêu trên của ông Biden sẽ tốn 7 nghìn tỉ đô la để thực hiện trong 10 năm, cao hơn số 4 nghìn tỉ đô la thu được từ tăng thuế. Tuy nhiên, khoản thâm hụt này ở mức "kiểm soát được". Các chuyên gia cho rằng cần phải chi tiêu như vậy để khôi phục việc làm.
Một khi mọi người có việc làm trở lại, nước Mỹ có thể nhanh chóng chuyển sang lo cho việc giảm nợ nần, theo lời các nhà kinh tế, được USA Today dẫn lại.
Về thương mại với Trung Quốc, theo USA Today, ông Biden nhiều lần khẳng định sẽ có các hành động mạnh mẽ chống lại việc Trung Quốc xuất khẩu ồ ạt sản phẩm theo kiểu bán phá giá vào Mỹ, cũng như ông sẽ chống việc Bắc Kinh thao túng tiền tệ và một số hành vi xấu khác.
Nhưng ông Biden nói ông sẽ tập hợp các đồng minh của Mỹ để đối đầu với Trung Quốc thay vì phải đơn thương độc mã. Các chuyên gia được USA Today tham khảo ý kiến cho rằng chiến lược của ông Biden có nhiều cơ hội thành công hơn khi lôi kéo được sự ủng hộ của các nước khác.
Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Căn cứ không quân Andrew, bang Maryland, Mỹ hôm 24/9/2015
Trong lĩnh vực đáng quan tâm là các quy định, luật lệ, ông Biden nói sẽ khôi phục lại nhiều quy định mà ông Trump đã bãi bỏ hoặc đơn giản hóa, đặc biệt là các quy định về môi trường áp dụng cho ngành năng lượng, theo USA Today. Điều này nằm trong kế hoạch về năng lượng sạch của ông Biden, nhắm đến đối phó với biển đổi khí hậu.
Các chuyên gia nhận xét rằng việc bổ sung các quy định sẽ làm tăng chi phí của người tiêu dùng, nhưng mặt tích cực là việc này có thể giúp tránh phải bỏ ra các chi phí kinh tế có khi còn lớn hơn cho vấn đề biến đổi khí hậu, ví dụ như chi phí cho đối phó, khắc phục hậu quả của bão lũ và thiên tai.
Mức lương tối thiểu là chủ đề được nhiều người dân Mỹ quan tâm. USA Today và NPR đưa tin rằng ông Biden ủng hộ việc tăng lương tối thiểu lên 15 đô la/giờ.
Trong cuộc tranh luận cuối cùng trước bầu cử, ông Biden nói : "Bất cứ mức lương nào dưới con số đó đều làm cho người ta thuộc diện dưới mức nghèo. Và không có bằng chứng cho thấy khi ta tăng lương tối thiểu, các doanh nghiệp phải đóng cửa. Điều đó đơn giản là không đúng sự thật".
Trang Business Insider và báo New York Times dẫn lại kết quả phân tích của hãng nghiên cứu Moody's Analytics cho hay rằng nghị trình kinh tế của ông Joe Biden sẽ tạo ra thêm 7 triệu việc làm, nhiều hơn so với kế hoạch của ông Trump.
Cuộc nghiên cứu cho rằng nếu ông Biden đắc cử và đảng Dân chủ của ông chiếm thế đa số ở Thượng viện, chính quyền của ông Biden sẽ tăng chi tiêu của cấp liên bang, dẫn đến nợ liên bang phình to. Nhưng việc chi tiêu đó không kìm hãm tốc độ tăng trưởng.
Trái lại, nó sẽ tạo ra 18,6 triệu việc làm trong nhiệm kỳ đầu của ông Biden, và nâng thu nhập trung bình sau thuế của hộ gia đình Mỹ thêm 4.800 đô la. Như vậy là cao hơn 7 triệu việc làm so với trường hợp ông Trump vẫn nắm quyền và đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số ở Thượng viện. Trong trượng hợp đó, thu nhập của các hộ gia đình vẫn giữ nguyên.
Vẫn cuộc nghiên cứu được Business Insider và New York Times trích dẫn đưa ra dự báo rằng tỉ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống dưới 4% vào cuối năm 2022 trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden.
Nếu ông Trump tái đắc cử, điều đó phải đến nửa đầu năm 2024 mới đạt được, chậm hơn 1,5 năm.
Nguồn : VOA, 06/11/2020
Joe Biden đắc cử Tổng thống : Kẻ vui mừng, người thất vọng
VOA, 10/11/2020
Người gốc Việt ủng hộ Đảng Dân chủ Mỹ vỡ òa trong sung sướng khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2020 cho thấy ông Joe Biden đắc cử trong khi những người ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump cảm thấy thất vọng và không tin là ông Biden chiến thắng.
Người dân Mỹ ăn mừng chiến thắng của liên danh Biden/Harris tại Quảng trường Thời đại, New York
Hôm thứ Bảy ngày 7/11, sau khi vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết, ứng viên Dân chủ Joe Biden được hầu hết các mạng lưới truyền thông loan tin đắc cử Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Tối cùng ngày, ông Biden đã có bài diễn văn tuyên bố chiến thắng trước quốc dân mà trong đó ông kêu gọi đoàn kết và nêu những ưu tiên trong chương trình nghị sự của mình.
Tổng thống Donald Trump chưa thừa nhận thất cử, cáo buộc cuộc bầu cử có gian lận, và đã khởi sự các hành động pháp lý.
‘Được giải thoát’
Từ thành phố Riverside, bang California, cô Nguyễn Minh Hà, thành viên của Hội người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Joe Biden, cho biết cô ‘vui mừng muốn khóc’.
"Trong gia đình chúng tôi ôm nhau, khóc cười với nhau. Bạn bè chúng tôi gọi nhau qua Zoom để nói chuyện", cô nói và cho biết trong ngày 21/11 cô và bạn bè trong Hội sẽ tổ chức hai bữa tiệc ăn mừng chiến thắng của ông Joe Biden.
"Sau 4 năm tranh đấu không ngừng, cuối cùng chính nghĩa cũng đã thắng gian tà, sự thật thắng điều giả dối", cô Minh Hà, vốn tích cực lên mạng xã hội vận động cho ông Biden, bày tỏ. "Người dân Mỹ đã chọn một người thực sự quan tâm họ lên làm Tổng thống của họ".
Cô mô tả cảm giác cô cho là ‘được giải thoát’ sau bốn năm qua dưới chính quyền của Tổng thống Trump : "Giờ đây tôi không cần phải theo dõi tin tức mỗi ngày với cảm giác lo lắng rằng không biết Tổng thống Trump sẽ tiếp tục làm điều gì để dân chúng cảm thấy xấu hổ với thế giới".
Cô tán dương bài phát biểu chiến thắng của ông Biden ‘muốn đoàn kết mọi người chứ không hề nói những lời chia rẽ’.
Cử tri này chỉ ra việc ông Biden ngay lập tức thành lập ban đặc trách chống dịch Covid-19 là bằng chứng cho thấy ‘Biden quan tâm đến người dân’ vì ‘dịch bệnh liên quan đến sinh mạng, sự sống chết của người dân nên là vấn đề lớn nhất’.
"Cách làm đó cũng thể hiện sự khôn ngoan vì nếu giải quyết được dịch bệnh thì sẽ giải quyết được vấn đề kinh tế luôn", cô Hà dự đoán.
Về cáo buộc của ông Trump là phe Dân chủ ‘gian lận phiếu bầu’, cô chỉ ra rằng ‘ông Trump đã đưa ra rất nhiều thuyết âm mưu từ lúc ông ra tranh cử, chẳng hạn cựu Tổng thống Barack Obama không sinh ra ở Mỹ, nên cô không tin.
Cô Hà sống trong khu vực mà cô gọi là ‘vùng đỏ’ tức đa số người dân ủng hộ Đảng Cộng hòa. Theo lời cô thì sau khi có tin ông Biden đắc cử, không khí nơi cô ‘rất im lìm’ và ‘không có ai ra ngoài ăn mừng’.
Cô nói cô ‘thông cảm cho nỗi thất vọng của những người ủng hộ ông Trump’ nhưng không chấp nhận việc họ tin vào thuyết âm mưu rằng ‘cuộc bầu cử này có gian lận’.
"Phản ứng đó của họ rất là sai trái tôi không thể chấp nhận được. Những người đếm phiếu là những người dân bình thường họ tình nguyện đem thời gian công sức đi làm mà theo Trump nói là gian lận thì tôi không bao giờ có thể chấp nhận", cô nói.
Cô cho biết anh trai của cô, một người ủng hộ Tổng thống Trump mạnh mẽ, cũng đang rất thất vọng. Facebook của cô Hà cũng đã bị những người ủng hộ ông Trump báo cáo nên cô đã bị tước tài khoản.
Tuy nhiên, cô cho rằng nỗi buồn của những người ủng hộ ông Trump ‘sẽ chóng qua đi’. "Rồi họ sẽ thấy cuộc sống dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden sẽ là cuộc sống bình an, hạnh phúc", cô Hà nói.
‘Tin giả’
Trong khi đó, anh trai của cô Minh Hà, nhạc sĩ Trung Nghĩa, tay guitar quen thuộc trong cộng đồng người Việt hiện đang sống ở thành phố Westminster, bang California, cho VOA biết ông không chấp nhận việc ông Biden được tuyên bố là Tổng thống đắc cử.
"Báo chí Mỹ loan toàn là tin giả vì đài báo không có thẩm quyền để tuyên bố ai là người thắng cử", ông lặp lại lập luận của đa số những người ủng hộ ông Trump.
Ông nói khi nhận được tin ông Biden được tuyên bố thắng cử, cảm giác của ông ‘rất là thất vọng’ vì ‘sự gian lận quá trắng trợn’.
"Tôi cũng thấy buồn vì nước Mỹ rơi vào tình trạng quá xấu như vậy", ông nói và cho biết mọi chuyện ‘phải được giải quyết ở Tòa án Tối cao của Mỹ’.
Ban vận động tranh cử của ông Trump đã khởi sự một số vụ kiện ở các bang Nevada, Georgia, Michigan nhưng đã bị bác bỏ. Hiện tại chưa có thông tin gì về vụ kiện bầu cử của ông Trump được đưa lên Tòa án Tối cao.
Ông Trung Nghĩa cho biết bản thân ông khi đi bầu cũng ‘gặp những chuyện khác thường’ nhưng ông sẽ không báo cáo vào đường dây nóng thu thập bằng chứng của Đảng Cộng hòa vì, theo ông, ‘quá nhiều người đã có bằng chứng rồi’.
Cử tri này cũng bác tố cáo cho rằng ông Trump đưa ra cáo buộc gian lận không chứng cứ : "Người ta là lãnh đạo nắm vận mệnh đất nước thì không có nói quá đâu".
Chỉ ra việc các đám đông khổng lồ tham gia các buổi vận động tranh cử của ông Donald Trump so với con số bên ông Biden, ông Nghĩa đặt vấn đề : "Vậy thì số phiếu phổ thông sẽ là sao ?"
"Tất cả 70 triệu người Mỹ đều muốn ông Trump thắng. Đó là chính thắng tà", ông Nghĩa nói, ý nhắc đến số phiếu phổ thông mà ông Trump đã giành được.
Ông Nghĩa ủng hộ việc ông Trump tiếp tục tranh đấu bằng con đường pháp lý và tin rằng ‘ông Trump sẽ không thua đâu’.
Giờ đây, cùng với các ủng hộ viên của ông Trump trên toàn quốc, ông Nghĩa đặt hy vọng vào phân xử của Tòa án Tối cao. "Chừng nào Tối cao Pháp viện phân xử là ông Joe Biden thắng thì tôi mới chấp nhận kết quả", ông nói.
Ông Nghĩa chỉ ra việc người Việt ở Little Saigon, sau khi nghe tin ông Trump thất cử, ‘đội mưa, đội sương gió đi biểu tình’ là ‘tấm lòng của người Việt ủng hộ ông Trump’.
Nguồn : VOA, 10/11/2020
********************
Lên xe tiễn Trump đi, chưa bao giờ... (buồn/mừng) thế
Tiến Cường Nguyễn, 08/11/2020
Cuối cùng thì sự mong đợi của đa số người dân Mỹ đã đến. Bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11/2020 đã có kết quả rõ ràng, sự căng thẳng đã chấm dứt. Việc đếm phiếu ở Georgia và North Carolina chưa chấm dứt nhưng kết quả ở 2 bang này không còn quan trọng, ông Joe Biden đã đạt được 290 phiếu cử tri đoàn, vượt quá số phiếu cần thiết để chiến thắng là 270 : +20 phiếu.
Ông Donald Trump, tổng thống thứ 45 của Mỹ – vị tổng thống tệ hại nhất trong lịch sử hơn 245 năm lập quốc của Mỹ - sẽ phải rời khỏi tòa Bạch Ốc vào lúc 12 giờ trưa ngày 20/01/2021. Nước Mỹ là cường quốc số 1 trên thế giới, biểu tượng hàng đầu của tự do, dân chủ nên chẳng riêng gì người dân Mỹ, gần như cả thế giới đã thở ra nhẹ nhõm, trừ một số các nước độc tài như Nga, Trung Quốc, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ…
Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận, bên cạnh những người vui mừng khi ông Trump ra đi, cũng có nhiều người bàng hoàng, ngơ ngác, không tin vào sự thật – kể cả rất nhiều người ở Việt Nam, như những kẻ chầu rìa của một canh bạc muốn dây máu ăn phần – trong ngày 03/11/2020 đã hớn hở, hân hoan, hí hửng, hào hứng và hùng hổ tuyên bố trước chiến thắng của ông Trump khi các địa điểm bỏ phiếu mới vừa mở cửa. Rất nhiều người lên FB kêu gọi đóng góp tài chánh, mua rượu, bia... chuẩn bị liên hoan, ăn mừng chiến thắng của ông Trump.
Không biết giờ đây có bao nhiêu người trong số đó giận dữ, chửi rủa đảng Dân chủ Mỹ đã gian lận trong bầu cử hay khóc cho ông những giọt nước mắt thương cảm, những lời than vãn, tiếc nuối về những kế hoạch đầy tình thương nhân loại, lòng bác ái của ông như Trumpcare hay những cuộc thương chiến khói lửa mịt mù, quyết đem công việc, cơm ăn, áo mặc ở Trung Quốc về cho dân Mỹ - cuộc thương chiến, theo một số các kinh tế gia lỗi lạc thế giới nhận định là bên địch chết ba bên ta chết hết - bị bỏ dở nữa chừng không có ai có thể tiếp tục thực hiện.
Những người này cũng chẳng có gì đáng trách. Ít nhiều gì thì ông cũng đã đem lại cho họ những niềm hi vọng, hoan lạc, những phấn khích thay đổi cuộc đời trong 4 năm qua với những hứa hẹn hão huyền hoặc thỏa mãn được lòng hận thù, căm ghét.
Nói đến những lời hứa của ông mà không nói chuyện bức tường ở biên giới phía Nam của Mỹ với Mễ là một thiếu sót quan trọng. Bức tường bị gián đoạn dở dang - do không có tiền xây dựng, dù ông đã tìm đủ mọi cách, moi móc khắp nơi, khi Mễ ngoan cố không chịu trả phí tổn - đã là một trong những nguyên nhân khiến người Việt ở Mỹ cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì phải đóng thuế quá nhiều để nuôi bọn di dân bất hợp pháp. Khi Trump ra đi… bức tường vẫn thế.
Trở lại chuyện chính. Kết quả theo số phiếu cử tri đoàn cũng như phiếu phổ thông - không chỉ là một sự thảm bại cho ông Donald Trump, đảng Cộng hòa, nó còn chứng tỏ nền dân chủ của Mỹ có khả năng tự điều chỉnh những sai lầm khi có những cá nhân lãnh đạo muốn thâu tóm quyền lực tuyệt đối vào trong tay để thao túng, lạm quyền, coi thường pháp luật, chà đạp hiến pháp…
Phá thì rất dễ, xây dựng mới khó. Dù ông Trump sẽ phải rời khỏi tòa Bạch Ốc vào ngày 21/01/2021, tình hình nước Mỹ không dễ gì tốt đẹp được ngay. Hậu quả ông Trump để lại trong 4 năm qua không thể hàn gắn nhanh chóng. Khắc phục những hậu quả đó đòi hỏi một thời gian dài, có thể kéo dài cả thập niên hoặc hơn.
Không kể đến những vấn đề mà liên danh của ông Biden-Harris, đảng Dân chủ phải đối mặt như thất nghiệp, nợ công, đại dịch Sars CoV2.., chuyện quan trọng nhất là xã hội Mỹ đã bị ông Trump chia rẽ nặng nề sẽ được ông Biden xây dựng, hàn gắn lại bằng cách nào ?
Hận thù, căm ghét, kỳ thị chủng tộc của người da trắng đối với các sắc dân da màu, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng quê, các tiểu bang của miền trung tây (midwest) nước Mỹ với các thành phố giàu có vốn âm ỉ từ lâu đã được ông Donald Trump kích động trong mấy năm qua, không dễ gì bị quên lãng, nó giống như một thùng thuốc nổ TNT (Trinitrotoluyen) đã gắn sẵn ngòi, ông Trump chỉ cần châm lửa bằng một câu nói như : "Không chấp nhận kết quả bầu cử vì có gian lận" (1), chắc chắn nước Mỹ sẽ có nội loạn.
Ngoài ra, chuyển giao quyền lực một cách êm đẹp vào lúc 12 giờ trưa ngày 20/01/2021 là điều hầu hết mọi người mong đợi nhưng với một người có bản chất ái kỷ (narcissism) quá nặng, cộng với trạng thái tâm thần bất ổn của ông Trump vì dùng nhiều steroid như các bác sĩ tâm lý nhận đinh thì có ai dám cam kết, bảo đảm là mọi việc sẽ diễn ra ổn thỏa (3) ?
Có kết quả bầu cử, Trump phải ra đi vào ngày 20/01/2021, người dân Mỹ mới thở ra nhẹ nhõm, yên tâm được một phần, phần còn lại phải chờ xem phản ứng của Trump ra sao ? Trong thời gian 76 ngày từ 04/11/2020 đến 20/01/2021 chắc chắn cũng sẽ là khoảng thời gian lo lắng, hồi hộp chờ đợi. Chắc chắn ông Trump sẽ tìm đủ mọi cách để phủ nhận kết quả bầu cử khi thua cuộc như đã từng tuyên bố nhiều lần trong các cuộc phỏng vấn trên TV.
Khả năng nhiều nhất có thể sẽ được dùng là viện lý do có gian lận trong bầu cử, cho dù không chứng minh được, ông Donald Trump yêu cầu Tối Cao Pháp Viện hủy bỏ kết quả bầu cử hoặc xin đếm phiếu lại ở những tiểu bang, những địa điểm bỏ phiếu mà sự chênh lệch phiếu bầu quá ít.
Một tin nhắn (tweet) của ông Trump trên mạng Twitter cho thấy rõ ràng Trump sẽ đưa kết quả bầu cử lên cho Tối Cao Pháp Viện xét xử khi bị thua vào ngày 03/11/2020. Đó cũng là lý do tại sao Trump, Mitch McConnell và đảng Cộng hòa đã vội vã đề cử, bổ nhiệm chánh án Amy Barrett vào Tối Cao Pháp Viện trước ngày bầu cử (4).
Trong thời gian sau bầu cử, Trump có thể kích động các nhóm cực hữu như KKK, Hell’s Angels, Proud Boys... gây bạo động, hỗn loạn các địa điểm đếm phiếu như Trump đã từng nhắc nhở họ trên TV trong một buổi phỏng vấn: "Stand back", "Stand by !" (2).
Dựa vào tỉ lệ thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện 6-3 của Cộng hòa so với Dân chủ, cộng với sự thối nát của Mitch McConnell, đảng Cộng hòa hiện nay, thế nào Trump cũng sẽ quậy tới bến. Được hay không lại là chuyện khác, nó còn tùy thuộc vào sự tỉnh thức, lòng dân của người Mỹ cũng như lương tâm, lòng tự trọng của các thẩm phán trong Tối Cao Pháp Viện, của các thượng nghĩ sĩ đảng Cộng hòa đã đem bán hết cho quỷ sa tăng chưa ?
Thôi thì...
Lên xe tiễn Trump đi…
Chưa bao giờ... (buồn/mừng ?)thế
Trời mùa đông Di-Xi (D.C)
Suốt đời làm chia ly...
Tiến Cường Nguyễn
(08/11/2020)
(2) https://www.nytimes.com/live/2020/09/23/us/trump-vs-biden
(3) https://www.bbc.com/news/election-us-2020-54274115
*********************
Trump cưỡng lại một nước Mỹ đang tiến đến chủ nghĩa cộng sản ?
Bùi Quang Vơm, 10/11/2020
Trump chống lại toàn cầu hóa
Lịch sử phát triển tiến hóa của loài người là lịch sử truy tìm lợi ích, khi đã phát triển tới giai đoạn tư bản chủ nghĩa, động lực chính của phát triển xã hội là tư bản, tức là vốn đầu tư, thì cuộc truy tìm đó thực chất là cuộc truy tìm lợi nhuận đầu tư.
Trong cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ nhất, khi xuất hiện máy hơi nước và máy dệt tự động, ở Anh, nơi được xem là thủ đô của thế giới lúc đó, những cuộc bãi công khổng lồ chống giãn thợ và đòi giữ nguyên lương, đã xảy ra tại Luân Đôn, gây khốn khổ cho các chủ nhà máy và chủ công xưởng. Cuộc Cách mạng kỹ thuật gặp khó khăn, có nguy cơ chững lại và tan rã. Ngay lập tức xuất hiện các cuộc di cư ồ ạt của lao động nông thôn ra thành thị. Đội quân lao động giá rẻ này sẵn sàng thay chân lao động thành thị đang yêu sách, đã góp phần dập tắt làn sóng đình công, mở rộng đường cho các chủ hãng giãn thợ, thay thế lao động bằng máy móc. Cuộc di dân của lao động giá rẻ đã tạo động lực cho các chủ đầu tư tực hiện cách mạng.
Trong suốt thế kỷ 19, cuộc di dân từ nông thôn ra thành thị diễn ra ở tất cả các nước công nghiệp phát triển. Các-Mác gọi đó là đội quân dự bị của cách mạng tư sản, cuộc cách mạng truy tìm lợi nhuận bằng năng suất lao động thông qua cách mạng kỹ thuật.
Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, cuộc "di cư" lại diễn ra trên thế giới, khởi đầu của cuộc cách mạng kỹ thuật lần thư tư, số hóa và robot hóa. Nhưng lần này, không phải là chuyện di cư của lao động mà là "di cư" của tiền vốn, của công nghệ sản xuất và tài sản sản trí tuệ. Đó là di chuyển của các quốc gia nghèo, đang phát triển, được coi là nông thôn của thế giới như Trung Quốc và các nước đang phát triển còn nghèo khác, nhưng khi không thể "bốc" quốc gia đi, thì chuyển tiền vốn và các phương thức sản xuất tới. Đó là di chuyển tất cả xuyên biên giới, là Toàn cầu hóa. Các quốc gia còn nghèo này, thực chất là "đội quân dự bị" của cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ 4.
Nhưng cũng như những cuộc đình công khổng lồ và dai dẳng ở các nước công nghiệp thời kỳ đầu chuyển đổi cách mạng kỹ thuật, những mâu thuẫn phát sinh tất yếu, như giãn thải thợ, giảm tiền lương, đóng cửa hãng xưởng, thất nghiệp, bất ổn định thu nhập gây bất ổn nền tảng xã hội. Những mâu thuẫn này biểu lộ gay gắt và có tính đặc trưng nhất tại Mỹ, vì Mỹ là nơi đầu tiên phát sinh sự khởi đầu của cuộc cách mạng kỹ thuật lần 4, nơi xuất hiện những cuộc di chuyển lớn đầu tiên của dòng vốn đầu tư, của công nghệ và sáng tạo trí tuệ ra khỏi nước Mỹ.
Những thay đổi này tác động trực tiếp tới các thành phần nền tảng của xã hội Mỹ, là những cư dân tạo nên nền tảng hàng trăm năm của xã hội Mỹ, những cư dân tạo ra giá trị Mỹ cho đến nay.
Những cử tri được gọi là "ngầm" là những cư dân này. Trump là một trong số họ, là người cảm được và thấu hiểu những mất mát, những đe doạ của họ. Trump và những cư dân nền tảng Mỹ đang làm cuộc Tổng đình công như những người thợ của những nhà máy dệt tại Anh Quốc cách đây 200 năm. Trump đang cưỡng lại một cuộc cách mạng của nhân loại, nhưng là cuộc cưỡng chống tự nhiên, bản năng, mà mọi cuộc cách mạng đều phải trải qua và đều phải thắng, mặc dù cũng sẽ tất nhiên thắng.
Mọi sự phủ định cái đang tồn tại đều buộc phải tàn bạo.
Bao giờ mới có toàn cầu hóa ?
Nguyên nhân của các cuộc cưỡng lại trào lưu cách mạng lúc ban đầu là sự bất công bằng về lợi ích. Sự di chuyển tiền vốn và lao động lúc ban đầu chỉ có lợi cho các nhà đầu tư tiền vốn và các chủ nhân của các phương thức sản xuất, như công nghệ và bằng sáng chế. Người mất là lao động nơi cố quốc. Như vậy, chỉ khi nào, mâu thuẫn này được giải quyết, thì các cuộc di chuyển tiền vốn và những thứ khác trên phạm vi toàn cầu mới xuông sẻ và trót lọt.
Một lý thuyết mới xuất hiện là "thu nhập phổ quát" (Universal Basic Incom, UBI). Đây là loại thu nhập cho bất cứ thành viên xã hội nào, dù lao động hay không lao động. Thu nhập này, trên lý thuyết đủ để đảm bảo thu nhập đạt mức ổn định cuộc sống của mọi thành viên, không phụ thuộc vào điều kiện lao động hay không và lao động ở cấp mức nào.
Để đảm bảo điều kiện này, thu nhập cơ bản phổ quát ở Mỹ hay Châu Âu phải đạt 3000 USD/đầu người/tháng, hay khoảng 40.000 USD/người/năm cho điều kiện sống giả định hiện nay. Để có được khoản thu nhập này, năng suất lao động bình quân đầu ngươi phải đạt từ 300.000-400.000 USD/người/năm, nghĩa là GDP Mỹ phải đạt : 140.000 tỷ/năm. Đây là những con số giả thuyết, nó có thể đến trong vòng 30 năm tới nhưng có thể hàng trăm năm, vì nhu cầu của con người tiến lên song song với năng suất lao động chung.
Nếu ở Mỹ, chính phủ có thể đảm bảo cho mỗi công dân của họ (cả trẻ em, người già, người không lao động) một thu nhập ổn định bằng khoảng 3.000 USD/đầu người/tháng trong điều kiện ngày hôm nay, thì dù tất cả nhà máy, công xưởng Mỹ có mang đi đâu, cũng sẽ không tạo ra những mâu thuẫn xã hội như hiện nay, và sẽ không có sự xuất hiện của Trump.
Nhưng cái gọi là "thu nhập phổ quát", như đề cập trên kia, nếu xuất hiện được ở Mỹ, thì theo Mác, ở Mỹ đã có chủ nghĩa cộng sản. Vì theo Mác, "làm theo lao động, hưởng theo nhu cầu" chính là một đăc trưng của chủ nghĩa cộng sản, chỉ có thể đạt được khi của cải làm ra vượt quá xa nhu cầu trực tiếp cho cuộc sống.
Theo Mác, chủ nghĩa cộng sản sẽ xuất hiện ở cuối giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, khi năng suất lao động xã hội đạt được mức cao nhất. Mỹ đã tạo ra các công dân như Bill Gates, Jeff Bezos, Warren Buffett, George Soros, Bernie Sender… giả sử mọi công dân Mỹ đều như những người này thì Mỹ phải là quốc gia đầu tiên có chủ nghĩa cộng sản.
Phải chăng, bắt đầu từ B. Obama, K. Harris, A-O. Cortez... nước Mỹ đang chuyển động để có thể sinh ra một nước Mỹ cộng sản, vào cuối thế kỷ này ?!
Chống lại một xu thế, mặc dù cái xu thế đó có thể sẽ buộc phải diễn ra trong hàng trăm năm nhưng, kể cả thắng, Trump cũng chỉ làm cái việc cưỡng lại con tàu.
Nhưng toàn cầu hóa sẽ không thực thi được, khi quốc gia còn biên giới lãnh thổ, lợi ích quốc gia, bao gồm lợi ích công dân, còn nằm bên trong biên giới. Cũng có nghĩa rằng, không thể có chủ nghĩa cộng sản xuất hiện ở riêng một quốc gia nào. Không biên giới, nghĩa là không có cạnh tranh, không có chênh lệch thu nhập. Một thế giới gồm 200 quốc gia, thu nhập từ vài đô la tới hàng nghìn đô la một tháng sẽ cần nhiều trăm năm để cân bằng, hoặc không bao giờ. Thu nhập khác nhau giữa Đông và Tây Đức sau hơn 30 năm làm chứng cho khó khăn đó.
Trump phải thua, vì chống lại một xu thế, mặc dù cái xu thế đó có thể sẽ buộc phải diễn ra trong hàng trăm năm nhưng, kể cả thắng, Trump cũng chỉ làm cái việc cưỡng lại con tàu.
Bùi Quang Vơm
6/11/2020