Joe Biden đắc cử Tổng thống : Kẻ vui mừng, người thất vọng
VOA, 10/11/2020
Người gốc Việt ủng hộ Đảng Dân chủ Mỹ vỡ òa trong sung sướng khi kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2020 cho thấy ông Joe Biden đắc cử trong khi những người ủng hộ đương kim Tổng thống Donald Trump cảm thấy thất vọng và không tin là ông Biden chiến thắng.
Người dân Mỹ ăn mừng chiến thắng của liên danh Biden/Harris tại Quảng trường Thời đại, New York
Hôm thứ Bảy ngày 7/11, sau khi vượt mốc 270 phiếu đại cử tri cần thiết, ứng viên Dân chủ Joe Biden được hầu hết các mạng lưới truyền thông loan tin đắc cử Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Tối cùng ngày, ông Biden đã có bài diễn văn tuyên bố chiến thắng trước quốc dân mà trong đó ông kêu gọi đoàn kết và nêu những ưu tiên trong chương trình nghị sự của mình.
Tổng thống Donald Trump chưa thừa nhận thất cử, cáo buộc cuộc bầu cử có gian lận, và đã khởi sự các hành động pháp lý.
‘Được giải thoát’
Từ thành phố Riverside, bang California, cô Nguyễn Minh Hà, thành viên của Hội người Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Joe Biden, cho biết cô ‘vui mừng muốn khóc’.
"Trong gia đình chúng tôi ôm nhau, khóc cười với nhau. Bạn bè chúng tôi gọi nhau qua Zoom để nói chuyện", cô nói và cho biết trong ngày 21/11 cô và bạn bè trong Hội sẽ tổ chức hai bữa tiệc ăn mừng chiến thắng của ông Joe Biden.
"Sau 4 năm tranh đấu không ngừng, cuối cùng chính nghĩa cũng đã thắng gian tà, sự thật thắng điều giả dối", cô Minh Hà, vốn tích cực lên mạng xã hội vận động cho ông Biden, bày tỏ. "Người dân Mỹ đã chọn một người thực sự quan tâm họ lên làm Tổng thống của họ".
Cô mô tả cảm giác cô cho là ‘được giải thoát’ sau bốn năm qua dưới chính quyền của Tổng thống Trump : "Giờ đây tôi không cần phải theo dõi tin tức mỗi ngày với cảm giác lo lắng rằng không biết Tổng thống Trump sẽ tiếp tục làm điều gì để dân chúng cảm thấy xấu hổ với thế giới".
Cô tán dương bài phát biểu chiến thắng của ông Biden ‘muốn đoàn kết mọi người chứ không hề nói những lời chia rẽ’.
Cử tri này chỉ ra việc ông Biden ngay lập tức thành lập ban đặc trách chống dịch Covid-19 là bằng chứng cho thấy ‘Biden quan tâm đến người dân’ vì ‘dịch bệnh liên quan đến sinh mạng, sự sống chết của người dân nên là vấn đề lớn nhất’.
"Cách làm đó cũng thể hiện sự khôn ngoan vì nếu giải quyết được dịch bệnh thì sẽ giải quyết được vấn đề kinh tế luôn", cô Hà dự đoán.
Về cáo buộc của ông Trump là phe Dân chủ ‘gian lận phiếu bầu’, cô chỉ ra rằng ‘ông Trump đã đưa ra rất nhiều thuyết âm mưu từ lúc ông ra tranh cử, chẳng hạn cựu Tổng thống Barack Obama không sinh ra ở Mỹ, nên cô không tin.
Cô Hà sống trong khu vực mà cô gọi là ‘vùng đỏ’ tức đa số người dân ủng hộ Đảng Cộng hòa. Theo lời cô thì sau khi có tin ông Biden đắc cử, không khí nơi cô ‘rất im lìm’ và ‘không có ai ra ngoài ăn mừng’.
Cô nói cô ‘thông cảm cho nỗi thất vọng của những người ủng hộ ông Trump’ nhưng không chấp nhận việc họ tin vào thuyết âm mưu rằng ‘cuộc bầu cử này có gian lận’.
"Phản ứng đó của họ rất là sai trái tôi không thể chấp nhận được. Những người đếm phiếu là những người dân bình thường họ tình nguyện đem thời gian công sức đi làm mà theo Trump nói là gian lận thì tôi không bao giờ có thể chấp nhận", cô nói.
Cô cho biết anh trai của cô, một người ủng hộ Tổng thống Trump mạnh mẽ, cũng đang rất thất vọng. Facebook của cô Hà cũng đã bị những người ủng hộ ông Trump báo cáo nên cô đã bị tước tài khoản.
Tuy nhiên, cô cho rằng nỗi buồn của những người ủng hộ ông Trump ‘sẽ chóng qua đi’. "Rồi họ sẽ thấy cuộc sống dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Joe Biden sẽ là cuộc sống bình an, hạnh phúc", cô Hà nói.
‘Tin giả’
Trong khi đó, anh trai của cô Minh Hà, nhạc sĩ Trung Nghĩa, tay guitar quen thuộc trong cộng đồng người Việt hiện đang sống ở thành phố Westminster, bang California, cho VOA biết ông không chấp nhận việc ông Biden được tuyên bố là Tổng thống đắc cử.
"Báo chí Mỹ loan toàn là tin giả vì đài báo không có thẩm quyền để tuyên bố ai là người thắng cử", ông lặp lại lập luận của đa số những người ủng hộ ông Trump.
Ông nói khi nhận được tin ông Biden được tuyên bố thắng cử, cảm giác của ông ‘rất là thất vọng’ vì ‘sự gian lận quá trắng trợn’.
"Tôi cũng thấy buồn vì nước Mỹ rơi vào tình trạng quá xấu như vậy", ông nói và cho biết mọi chuyện ‘phải được giải quyết ở Tòa án Tối cao của Mỹ’.
Ban vận động tranh cử của ông Trump đã khởi sự một số vụ kiện ở các bang Nevada, Georgia, Michigan nhưng đã bị bác bỏ. Hiện tại chưa có thông tin gì về vụ kiện bầu cử của ông Trump được đưa lên Tòa án Tối cao.
Ông Trung Nghĩa cho biết bản thân ông khi đi bầu cũng ‘gặp những chuyện khác thường’ nhưng ông sẽ không báo cáo vào đường dây nóng thu thập bằng chứng của Đảng Cộng hòa vì, theo ông, ‘quá nhiều người đã có bằng chứng rồi’.
Cử tri này cũng bác tố cáo cho rằng ông Trump đưa ra cáo buộc gian lận không chứng cứ : "Người ta là lãnh đạo nắm vận mệnh đất nước thì không có nói quá đâu".
Chỉ ra việc các đám đông khổng lồ tham gia các buổi vận động tranh cử của ông Donald Trump so với con số bên ông Biden, ông Nghĩa đặt vấn đề : "Vậy thì số phiếu phổ thông sẽ là sao ?"
"Tất cả 70 triệu người Mỹ đều muốn ông Trump thắng. Đó là chính thắng tà", ông Nghĩa nói, ý nhắc đến số phiếu phổ thông mà ông Trump đã giành được.
Ông Nghĩa ủng hộ việc ông Trump tiếp tục tranh đấu bằng con đường pháp lý và tin rằng ‘ông Trump sẽ không thua đâu’.
Giờ đây, cùng với các ủng hộ viên của ông Trump trên toàn quốc, ông Nghĩa đặt hy vọng vào phân xử của Tòa án Tối cao. "Chừng nào Tối cao Pháp viện phân xử là ông Joe Biden thắng thì tôi mới chấp nhận kết quả", ông nói.
Ông Nghĩa chỉ ra việc người Việt ở Little Saigon, sau khi nghe tin ông Trump thất cử, ‘đội mưa, đội sương gió đi biểu tình’ là ‘tấm lòng của người Việt ủng hộ ông Trump’.
Nguồn : VOA, 10/11/2020
********************
Lên xe tiễn Trump đi, chưa bao giờ... (buồn/mừng) thế
Tiến Cường Nguyễn, 08/11/2020
Cuối cùng thì sự mong đợi của đa số người dân Mỹ đã đến. Bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11/2020 đã có kết quả rõ ràng, sự căng thẳng đã chấm dứt. Việc đếm phiếu ở Georgia và North Carolina chưa chấm dứt nhưng kết quả ở 2 bang này không còn quan trọng, ông Joe Biden đã đạt được 290 phiếu cử tri đoàn, vượt quá số phiếu cần thiết để chiến thắng là 270 : +20 phiếu.
Ông Donald Trump, tổng thống thứ 45 của Mỹ – vị tổng thống tệ hại nhất trong lịch sử hơn 245 năm lập quốc của Mỹ - sẽ phải rời khỏi tòa Bạch Ốc vào lúc 12 giờ trưa ngày 20/01/2021. Nước Mỹ là cường quốc số 1 trên thế giới, biểu tượng hàng đầu của tự do, dân chủ nên chẳng riêng gì người dân Mỹ, gần như cả thế giới đã thở ra nhẹ nhõm, trừ một số các nước độc tài như Nga, Trung Quốc, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ…
Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận, bên cạnh những người vui mừng khi ông Trump ra đi, cũng có nhiều người bàng hoàng, ngơ ngác, không tin vào sự thật – kể cả rất nhiều người ở Việt Nam, như những kẻ chầu rìa của một canh bạc muốn dây máu ăn phần – trong ngày 03/11/2020 đã hớn hở, hân hoan, hí hửng, hào hứng và hùng hổ tuyên bố trước chiến thắng của ông Trump khi các địa điểm bỏ phiếu mới vừa mở cửa. Rất nhiều người lên FB kêu gọi đóng góp tài chánh, mua rượu, bia... chuẩn bị liên hoan, ăn mừng chiến thắng của ông Trump.
Không biết giờ đây có bao nhiêu người trong số đó giận dữ, chửi rủa đảng Dân chủ Mỹ đã gian lận trong bầu cử hay khóc cho ông những giọt nước mắt thương cảm, những lời than vãn, tiếc nuối về những kế hoạch đầy tình thương nhân loại, lòng bác ái của ông như Trumpcare hay những cuộc thương chiến khói lửa mịt mù, quyết đem công việc, cơm ăn, áo mặc ở Trung Quốc về cho dân Mỹ - cuộc thương chiến, theo một số các kinh tế gia lỗi lạc thế giới nhận định là bên địch chết ba bên ta chết hết - bị bỏ dở nữa chừng không có ai có thể tiếp tục thực hiện.
Những người này cũng chẳng có gì đáng trách. Ít nhiều gì thì ông cũng đã đem lại cho họ những niềm hi vọng, hoan lạc, những phấn khích thay đổi cuộc đời trong 4 năm qua với những hứa hẹn hão huyền hoặc thỏa mãn được lòng hận thù, căm ghét.
Nói đến những lời hứa của ông mà không nói chuyện bức tường ở biên giới phía Nam của Mỹ với Mễ là một thiếu sót quan trọng. Bức tường bị gián đoạn dở dang - do không có tiền xây dựng, dù ông đã tìm đủ mọi cách, moi móc khắp nơi, khi Mễ ngoan cố không chịu trả phí tổn - đã là một trong những nguyên nhân khiến người Việt ở Mỹ cãi nhau ỏm tỏi chỉ vì phải đóng thuế quá nhiều để nuôi bọn di dân bất hợp pháp. Khi Trump ra đi… bức tường vẫn thế.
Trở lại chuyện chính. Kết quả theo số phiếu cử tri đoàn cũng như phiếu phổ thông - không chỉ là một sự thảm bại cho ông Donald Trump, đảng Cộng hòa, nó còn chứng tỏ nền dân chủ của Mỹ có khả năng tự điều chỉnh những sai lầm khi có những cá nhân lãnh đạo muốn thâu tóm quyền lực tuyệt đối vào trong tay để thao túng, lạm quyền, coi thường pháp luật, chà đạp hiến pháp…
Phá thì rất dễ, xây dựng mới khó. Dù ông Trump sẽ phải rời khỏi tòa Bạch Ốc vào ngày 21/01/2021, tình hình nước Mỹ không dễ gì tốt đẹp được ngay. Hậu quả ông Trump để lại trong 4 năm qua không thể hàn gắn nhanh chóng. Khắc phục những hậu quả đó đòi hỏi một thời gian dài, có thể kéo dài cả thập niên hoặc hơn.
Không kể đến những vấn đề mà liên danh của ông Biden-Harris, đảng Dân chủ phải đối mặt như thất nghiệp, nợ công, đại dịch Sars CoV2.., chuyện quan trọng nhất là xã hội Mỹ đã bị ông Trump chia rẽ nặng nề sẽ được ông Biden xây dựng, hàn gắn lại bằng cách nào ?
Hận thù, căm ghét, kỳ thị chủng tộc của người da trắng đối với các sắc dân da màu, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng quê, các tiểu bang của miền trung tây (midwest) nước Mỹ với các thành phố giàu có vốn âm ỉ từ lâu đã được ông Donald Trump kích động trong mấy năm qua, không dễ gì bị quên lãng, nó giống như một thùng thuốc nổ TNT (Trinitrotoluyen) đã gắn sẵn ngòi, ông Trump chỉ cần châm lửa bằng một câu nói như : "Không chấp nhận kết quả bầu cử vì có gian lận" (1), chắc chắn nước Mỹ sẽ có nội loạn.
Ngoài ra, chuyển giao quyền lực một cách êm đẹp vào lúc 12 giờ trưa ngày 20/01/2021 là điều hầu hết mọi người mong đợi nhưng với một người có bản chất ái kỷ (narcissism) quá nặng, cộng với trạng thái tâm thần bất ổn của ông Trump vì dùng nhiều steroid như các bác sĩ tâm lý nhận đinh thì có ai dám cam kết, bảo đảm là mọi việc sẽ diễn ra ổn thỏa (3) ?
Có kết quả bầu cử, Trump phải ra đi vào ngày 20/01/2021, người dân Mỹ mới thở ra nhẹ nhõm, yên tâm được một phần, phần còn lại phải chờ xem phản ứng của Trump ra sao ? Trong thời gian 76 ngày từ 04/11/2020 đến 20/01/2021 chắc chắn cũng sẽ là khoảng thời gian lo lắng, hồi hộp chờ đợi. Chắc chắn ông Trump sẽ tìm đủ mọi cách để phủ nhận kết quả bầu cử khi thua cuộc như đã từng tuyên bố nhiều lần trong các cuộc phỏng vấn trên TV.
Khả năng nhiều nhất có thể sẽ được dùng là viện lý do có gian lận trong bầu cử, cho dù không chứng minh được, ông Donald Trump yêu cầu Tối Cao Pháp Viện hủy bỏ kết quả bầu cử hoặc xin đếm phiếu lại ở những tiểu bang, những địa điểm bỏ phiếu mà sự chênh lệch phiếu bầu quá ít.
Một tin nhắn (tweet) của ông Trump trên mạng Twitter cho thấy rõ ràng Trump sẽ đưa kết quả bầu cử lên cho Tối Cao Pháp Viện xét xử khi bị thua vào ngày 03/11/2020. Đó cũng là lý do tại sao Trump, Mitch McConnell và đảng Cộng hòa đã vội vã đề cử, bổ nhiệm chánh án Amy Barrett vào Tối Cao Pháp Viện trước ngày bầu cử (4).
Trong thời gian sau bầu cử, Trump có thể kích động các nhóm cực hữu như KKK, Hell’s Angels, Proud Boys... gây bạo động, hỗn loạn các địa điểm đếm phiếu như Trump đã từng nhắc nhở họ trên TV trong một buổi phỏng vấn: "Stand back", "Stand by !" (2).
Dựa vào tỉ lệ thẩm phán của Tối Cao Pháp Viện 6-3 của Cộng hòa so với Dân chủ, cộng với sự thối nát của Mitch McConnell, đảng Cộng hòa hiện nay, thế nào Trump cũng sẽ quậy tới bến. Được hay không lại là chuyện khác, nó còn tùy thuộc vào sự tỉnh thức, lòng dân của người Mỹ cũng như lương tâm, lòng tự trọng của các thẩm phán trong Tối Cao Pháp Viện, của các thượng nghĩ sĩ đảng Cộng hòa đã đem bán hết cho quỷ sa tăng chưa ?
Thôi thì...
Lên xe tiễn Trump đi…
Chưa bao giờ... (buồn/mừng ?)thế
Trời mùa đông Di-Xi (D.C)
Suốt đời làm chia ly...
Tiến Cường Nguyễn
(08/11/2020)
(2) https://www.nytimes.com/live/2020/09/23/us/trump-vs-biden
(3) https://www.bbc.com/news/election-us-2020-54274115
*********************
Trump cưỡng lại một nước Mỹ đang tiến đến chủ nghĩa cộng sản ?
Bùi Quang Vơm, 10/11/2020
Trump chống lại toàn cầu hóa
Lịch sử phát triển tiến hóa của loài người là lịch sử truy tìm lợi ích, khi đã phát triển tới giai đoạn tư bản chủ nghĩa, động lực chính của phát triển xã hội là tư bản, tức là vốn đầu tư, thì cuộc truy tìm đó thực chất là cuộc truy tìm lợi nhuận đầu tư.
Trong cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ nhất, khi xuất hiện máy hơi nước và máy dệt tự động, ở Anh, nơi được xem là thủ đô của thế giới lúc đó, những cuộc bãi công khổng lồ chống giãn thợ và đòi giữ nguyên lương, đã xảy ra tại Luân Đôn, gây khốn khổ cho các chủ nhà máy và chủ công xưởng. Cuộc Cách mạng kỹ thuật gặp khó khăn, có nguy cơ chững lại và tan rã. Ngay lập tức xuất hiện các cuộc di cư ồ ạt của lao động nông thôn ra thành thị. Đội quân lao động giá rẻ này sẵn sàng thay chân lao động thành thị đang yêu sách, đã góp phần dập tắt làn sóng đình công, mở rộng đường cho các chủ hãng giãn thợ, thay thế lao động bằng máy móc. Cuộc di dân của lao động giá rẻ đã tạo động lực cho các chủ đầu tư tực hiện cách mạng.
Trong suốt thế kỷ 19, cuộc di dân từ nông thôn ra thành thị diễn ra ở tất cả các nước công nghiệp phát triển. Các-Mác gọi đó là đội quân dự bị của cách mạng tư sản, cuộc cách mạng truy tìm lợi nhuận bằng năng suất lao động thông qua cách mạng kỹ thuật.
Cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, cuộc "di cư" lại diễn ra trên thế giới, khởi đầu của cuộc cách mạng kỹ thuật lần thư tư, số hóa và robot hóa. Nhưng lần này, không phải là chuyện di cư của lao động mà là "di cư" của tiền vốn, của công nghệ sản xuất và tài sản sản trí tuệ. Đó là di chuyển của các quốc gia nghèo, đang phát triển, được coi là nông thôn của thế giới như Trung Quốc và các nước đang phát triển còn nghèo khác, nhưng khi không thể "bốc" quốc gia đi, thì chuyển tiền vốn và các phương thức sản xuất tới. Đó là di chuyển tất cả xuyên biên giới, là Toàn cầu hóa. Các quốc gia còn nghèo này, thực chất là "đội quân dự bị" của cuộc cách mạng kỹ thuật lần thứ 4.
Nhưng cũng như những cuộc đình công khổng lồ và dai dẳng ở các nước công nghiệp thời kỳ đầu chuyển đổi cách mạng kỹ thuật, những mâu thuẫn phát sinh tất yếu, như giãn thải thợ, giảm tiền lương, đóng cửa hãng xưởng, thất nghiệp, bất ổn định thu nhập gây bất ổn nền tảng xã hội. Những mâu thuẫn này biểu lộ gay gắt và có tính đặc trưng nhất tại Mỹ, vì Mỹ là nơi đầu tiên phát sinh sự khởi đầu của cuộc cách mạng kỹ thuật lần 4, nơi xuất hiện những cuộc di chuyển lớn đầu tiên của dòng vốn đầu tư, của công nghệ và sáng tạo trí tuệ ra khỏi nước Mỹ.
Những thay đổi này tác động trực tiếp tới các thành phần nền tảng của xã hội Mỹ, là những cư dân tạo nên nền tảng hàng trăm năm của xã hội Mỹ, những cư dân tạo ra giá trị Mỹ cho đến nay.
Những cử tri được gọi là "ngầm" là những cư dân này. Trump là một trong số họ, là người cảm được và thấu hiểu những mất mát, những đe doạ của họ. Trump và những cư dân nền tảng Mỹ đang làm cuộc Tổng đình công như những người thợ của những nhà máy dệt tại Anh Quốc cách đây 200 năm. Trump đang cưỡng lại một cuộc cách mạng của nhân loại, nhưng là cuộc cưỡng chống tự nhiên, bản năng, mà mọi cuộc cách mạng đều phải trải qua và đều phải thắng, mặc dù cũng sẽ tất nhiên thắng.
Mọi sự phủ định cái đang tồn tại đều buộc phải tàn bạo.
Bao giờ mới có toàn cầu hóa ?
Nguyên nhân của các cuộc cưỡng lại trào lưu cách mạng lúc ban đầu là sự bất công bằng về lợi ích. Sự di chuyển tiền vốn và lao động lúc ban đầu chỉ có lợi cho các nhà đầu tư tiền vốn và các chủ nhân của các phương thức sản xuất, như công nghệ và bằng sáng chế. Người mất là lao động nơi cố quốc. Như vậy, chỉ khi nào, mâu thuẫn này được giải quyết, thì các cuộc di chuyển tiền vốn và những thứ khác trên phạm vi toàn cầu mới xuông sẻ và trót lọt.
Một lý thuyết mới xuất hiện là "thu nhập phổ quát" (Universal Basic Incom, UBI). Đây là loại thu nhập cho bất cứ thành viên xã hội nào, dù lao động hay không lao động. Thu nhập này, trên lý thuyết đủ để đảm bảo thu nhập đạt mức ổn định cuộc sống của mọi thành viên, không phụ thuộc vào điều kiện lao động hay không và lao động ở cấp mức nào.
Để đảm bảo điều kiện này, thu nhập cơ bản phổ quát ở Mỹ hay Châu Âu phải đạt 3000 USD/đầu người/tháng, hay khoảng 40.000 USD/người/năm cho điều kiện sống giả định hiện nay. Để có được khoản thu nhập này, năng suất lao động bình quân đầu ngươi phải đạt từ 300.000-400.000 USD/người/năm, nghĩa là GDP Mỹ phải đạt : 140.000 tỷ/năm. Đây là những con số giả thuyết, nó có thể đến trong vòng 30 năm tới nhưng có thể hàng trăm năm, vì nhu cầu của con người tiến lên song song với năng suất lao động chung.
Nếu ở Mỹ, chính phủ có thể đảm bảo cho mỗi công dân của họ (cả trẻ em, người già, người không lao động) một thu nhập ổn định bằng khoảng 3.000 USD/đầu người/tháng trong điều kiện ngày hôm nay, thì dù tất cả nhà máy, công xưởng Mỹ có mang đi đâu, cũng sẽ không tạo ra những mâu thuẫn xã hội như hiện nay, và sẽ không có sự xuất hiện của Trump.
Nhưng cái gọi là "thu nhập phổ quát", như đề cập trên kia, nếu xuất hiện được ở Mỹ, thì theo Mác, ở Mỹ đã có chủ nghĩa cộng sản. Vì theo Mác, "làm theo lao động, hưởng theo nhu cầu" chính là một đăc trưng của chủ nghĩa cộng sản, chỉ có thể đạt được khi của cải làm ra vượt quá xa nhu cầu trực tiếp cho cuộc sống.
Theo Mác, chủ nghĩa cộng sản sẽ xuất hiện ở cuối giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, khi năng suất lao động xã hội đạt được mức cao nhất. Mỹ đã tạo ra các công dân như Bill Gates, Jeff Bezos, Warren Buffett, George Soros, Bernie Sender… giả sử mọi công dân Mỹ đều như những người này thì Mỹ phải là quốc gia đầu tiên có chủ nghĩa cộng sản.
Phải chăng, bắt đầu từ B. Obama, K. Harris, A-O. Cortez... nước Mỹ đang chuyển động để có thể sinh ra một nước Mỹ cộng sản, vào cuối thế kỷ này ?!
Chống lại một xu thế, mặc dù cái xu thế đó có thể sẽ buộc phải diễn ra trong hàng trăm năm nhưng, kể cả thắng, Trump cũng chỉ làm cái việc cưỡng lại con tàu.
Nhưng toàn cầu hóa sẽ không thực thi được, khi quốc gia còn biên giới lãnh thổ, lợi ích quốc gia, bao gồm lợi ích công dân, còn nằm bên trong biên giới. Cũng có nghĩa rằng, không thể có chủ nghĩa cộng sản xuất hiện ở riêng một quốc gia nào. Không biên giới, nghĩa là không có cạnh tranh, không có chênh lệch thu nhập. Một thế giới gồm 200 quốc gia, thu nhập từ vài đô la tới hàng nghìn đô la một tháng sẽ cần nhiều trăm năm để cân bằng, hoặc không bao giờ. Thu nhập khác nhau giữa Đông và Tây Đức sau hơn 30 năm làm chứng cho khó khăn đó.
Trump phải thua, vì chống lại một xu thế, mặc dù cái xu thế đó có thể sẽ buộc phải diễn ra trong hàng trăm năm nhưng, kể cả thắng, Trump cũng chỉ làm cái việc cưỡng lại con tàu.
Bùi Quang Vơm
6/11/2020