Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

30/10/2020

Điểm báo Pháp – Nước Pháp sống với khủng bố và phong tỏa

RFI tiếng Việt

Khủng bố, phong tỏa : Pháp "như sống lại thời Trung Cổ"

"Giữa dịch bệnh và các cuộc chiến tôn giáo, thế giới như đột nhiên trở về thời Trung Cổ, đặc biệt là Pháp, quốc gia trả giá đắt cho cam kết, dù có thế nào cũng bảo vệ tự do ngôn luận". Lời mở đầu của bài xã luận được đăng trên nhật báo Libération ngày 30/10/2020 đã tóm tắt thực trạng tại Pháp hiện nay : "Nước Pháp bị tấn công", như tựa trang nhất của Les Echos.

phap1

Lực lượng chống khủng bố được triển khai tại Nice, miền nam Pháp, ngày 29/10/2020, sau vụ tấn công khủng bố bằng dao tại nhà thờ Notre Dame.  © Reuters/Eric Gaillard

Vụ khủng bố bằng dao khiến ba người thiệt mạng tại Nice, đúng lúc Hạ Viện Pháp đang thảo luận các biện pháp phong tỏa đợt 2 chống dịch Covid-19. Thủ phạm là một thanh niên Tunisia nhập cư bất hợp pháp, vừa đến Pháp cách đây vài ngày, giết người nhân danh "Đấng Allah vĩ đại !". Đây là vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan dã man thứ hai, xảy ra tại Pháp trong vòng 15 ngày, chưa kể vụ bắt giữ tại Lyon một thanh niên Afghanistan mang dao trên người và một vụ tấn công bằng dao khác, nhắm vào một nhân viên an ninh tại lãnh sự quán Pháp ngày 29/10 ở Jeddah, Saudi Arabia.

Những vụ này phản ánh "sự trỗi dậy của thánh chiến cá nhân", theo nhận định của Libération. Pháp như rơi vào "Vòng xoáy khủng bố" là hàng tựa trên trang nhất của nhật báo thiên tả. Những vụ khủng bố tại Pháp trong 5 năm gần đây, được nhật báo thiên tả liệt kê trong bài xã luận, như là "Chất độc của cố chấp", bất khoan dung.

Đối với nhật báo thiên hữu Le Figaro, vụ tấn công khủng bố bằng dao ở Nice là "sự man rợ của Hồi giáo cực đoan được kích động để chống Pháp""Khủng bố Hồi giáo cực đoan đâm trúng tim Giáo hội" khiến giáo dân bàng hoàng vì xảy ra 3 ngày trước Lễ Các Thánh và gợi lại vụ sát hại dã man một linh mục ở nhà thờ Saint-Etienne-du-Rouvray, ngày 26/07/2016.

Tất cả đều bắt nguồn từ cơn thịnh nộ chống Pháp lan rộng trong thế giới Ả rập Hồi giáo từ vài ngày nay. Một làn sóng được thổi bùng bằng chiến dịch tuyên truyền kích động của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và vừa được tiếp tay với tin nhắn trên Twitter (đã bị Twitter xóa) của cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad rằng "người theo đạo Hồi có thể giết hàng triệu người Pháp".

Làm gì để chống khủng bố ?

Phải làm gì trước "nỗi tức giận trong thế giới Hồi giáo được dàn dựng chống lại Pháp" ? Trang nhất của La Croix là lời kêu gọi "Vững tâm". Bàng hoàng, người theo Công giáo Pháp kêu gọi cương quyết chống khủng bố, nhưng cũng nhấn mạnh vào việc phải có tình huynh đệ để chống lại chủ nghĩa cuồng tín. Bài xã luận của La Croix nêu lên hai nguyên tắc có thể định hướng trong giai đoạn hiện tại. Thứ nhất, để chính quyền làm nhiệm vụ trấn áp bạo lực cuồng tín, thông qua các đạo luật của nền Cộng hòa. Thứ hai, từ chối quy chụp hành động man rợ này cho tất cả người theo đạo Hồi.

Vụ khủng bố tại Nice nhắc lại rằng mối đe dọa khủng bố luôn hiện hữu tại Pháp. Vì vậy, theo Les Echos, Pháp tăng cường lực lượng chiến dịch chống khủng bố Sentinelle, từ 3.000 nhân viên lên thành 7.000, tương đương với mức khẩn cấp năm 2015. Một biện pháp cứng rắn khác, trên phương diện pháp lý, sẽ được đệ trình vào ngày 09/12, đó là dự luật chống chủ nghĩa ly khai, trong đó có "tội ly khai" chống những tổ chức hoặc những cá nhân có những tuyên bố hoặc ấn phẩm cổ vũ cho hành động khủng bố.

Cần phải thắt chặt luật pháp, cũng là nhận định trong bài xã luận của Le Figaro, nếu nước Pháp "muốn chiến thắng và nắm lại vận mệnh". Vì thế, cần phải "kiểm soát nhập cư tốt hơn, trục xuất tất cả những người nước ngoài cực đoan và tránh để những kẻ dân tộc chủ nghĩa được cho là nguy hiểm có cơ hội gây hại". Tranh biếm họa được cho là nguồn cội của làn sóng bài Pháp hiện nay. Tác giả bài xã luận đặt câu hỏi : "Liệu có nên cấm tranh biếm họa, chối bỏ quá khứ của chúng ta, phủ nhận những tín ngưỡng, từ bỏ những quyền tự do của chúng ta không ?". Kể cả từ bỏ, "chúng ta sẽ không được bình an mà mãi mãi phải chịu sự quốc tế hóa của Hồi giáo cực đoan". Vì thế, "Pháp không được khuất phục, mà chính những kẻ thù của Pháp, dù ở bên trong hay bên ngoài lãnh thổ, phải rút lui !"

Tin vào Liên Hiệp Châu Âu trước đe dọa khủng bố

"Liên Hiệp Châu Âu đoàn kết với Pháp. Chúng ta đoàn kết và quyết tâm chống lại man rợ và cuồng tín", là lời cam kết được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen chia sẻ trên mạng Twitter ngày 29/10.

Từ năm 2015, đấu tranh chống khủng bố luôn là chủ đề được đề cập trong các cuộc họp của Liên Hiệp Châu Âu và sự hợp tác giữa các nước thành viên đã được cải thiện, theo nhận định của La Croix trong bài viết : "Khủng bố, các nước thành viên tin vào Bruxelles".

Thomas Renard, chuyên gia về khủng bố tại Viện Egmont ở Bruxelles, đánh giá "từ năm 2015, Liên Hiệp Châu Âu đã tăng cường đáng kể vai trò và trọng lượng của mình, nhờ hàng loạt phương tiện mới và những quyết định giúp cải thiện chung cỗ máy chống khủng bố", như tăng cường vai trò của Europol (Cơ quan cảnh sát Châu Âu), lập ra nhiều đơn vị đặc biệt mới như Trung tâm Châu Âu chống khủng bố (năm 2016), tăng cường bảo đảm an ninh biên giới bên ngoài, lưu giữ dữ liệu về hành khách hàng không để phát hiện và truy vết hành trình của những kẻ khủng bố tiềm năng, tăng cường hệ thống thông tin Schengen (SIS) từ năm 2018, lập quy định mới đánh vào nguồn tài chính của khủng bố, có hiệu lực từ năm 2020…

Trên nhật báo kinh tế Les Echos, nhà báo Stéphane Dupont cho rằng "chưa bao giờ Emmanuel Macron lại cần đến Châu Âu như hiện nay", để chống các vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan, để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế và dịch tễ, để đối phó với những cuộc tấn công của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và những lời kêu gọi tẩy chay hàng Pháp… Tổng thống Macron cần tin vào khối 27 nước để không "đơn thương độc mã" trên nhiều mặt trận. Và Châu Âu luôn sẵn sàng có mặt.

Liệu sắp có thêm một cuộc họp thượng đỉnh bất thường ? Nếu có, sẽ là theo đề nghị của Pháp, vì ngoài Pháp, mối đe dọa khủng bố vẫn thường trực ở nhiều nước láng giềng như Đức, Bỉ và Anh Quốc, theo nhận định của chuyên gia về khủng bố Thomas Renard với nhật báo công giáo La Croix được trích ở trên.

Pháp tái phong tỏa vì Covid-19 : Lỗi tại ai ?

Covid, khủng bố : Tổng thống Macron luôn trong tình trạng khẩn cấp. Chỉ trong một tuần mà có tới ba cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng : hai cuộc họp dành cho khủng hoảng dịch tễ Covid-19, cuộc họp thứ ba, vào thứ Sáu 30/10, dành cho vấn đề an ninh.

Báo kinh tế Les Echos trích nhận định của ông Frédéric Dabi, trợ lý tổng giám đốc của viện thăm dò Ifop, tóm tắt đầy đủ tình hình hiện nay : "Nhiệm kỳ 5 năm này trở nên kinh khủng… Emmanuel Macron không còn là tổng thống cải cách mà trở thành tổng thống của khủng hoảng thường trực".

Để dẫn đến tình trạng tái phong tỏa lần này, là do Pháp "đã thất bại giai đoạn dỡ phong tỏa" vào mùa hè, theo nhận định của nhà dịch tễ học Dominique Costagliola, khi trả lời phỏng vấn nhật báo Le Monde. Để tránh gây sốc cho người dân, chính phủ đã chuẩn bị tinh thần từ đầu tuần về phương án tái phong tỏa, biện pháp triệt để nhất, sau khi đã thất bại với chiến lược "sống chung với virus" và "xét nghiệm, truy xét và cách ly", theo bài xã luận của Le Monde. Lệnh giới nghiêm trở nên vô hiệu lực, vì được đưa ra quá muộn và không đủ mạnh.

Tổng thống Pháp cho rằng "Chúng ta (Pháp) đã bị bất ngờ vì dịch tăng nhanh", nhưng thực ra, lời bào chữa này có hai hạn chế lớn, vẫn theo xã luận của Le Monde. Thứ nhất là vì tình hình tại Pháp dường như nặng hơn so với phần lớn các nước Châu Âu, căn cứ vào số ca nhập viện và số ca hồi sức tăng đến mức báo động, trong bối cảnh bệnh viện gần như đã bị bão hòa. Thứ hai là vì tổng thống Pháp đã chọn cách không theo một phần những khuyến cáo của Hội đồng Khoa học và bộ Y tế khi tình trạng lây nhiễm virus tăng chóng mặt.

Còn theo nhận định của nhà kinh tế học Jacques Attali, trên Les Echos"Làn sóng dịch thứ hai là hậu quả thất bại tập thể của chúng ta". Đối với ông, giải pháp hiện nay là "Cả nước cần hợp lực", từ y tế, đến lòng vị tha "để thắng được khó khăn đang đánh vào chúng ta".

Pháp cũng như Châu Âu bị làn sóng dịch thứ hai đánh mạnh vào kinh tế. Tương lai bi quan đang chờ trước mắt. Les Echos đưa tin : "Nhà nước huy động 20 tỉ euro để hỗ trợ nền kinh tế". Số tiền này chủ yếu dành hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp các doanh nghiệp này trả các khoản nợ được Nhà nước bảo lãnh, lập quỹ tín dụng để giúp các chủ cửa hàng được bớt tiền thuê mặt bằng…

Biện pháp phong tỏa không được giới chủ ủng hộ, dù được cho là linh hoạt hơn nhiều so với đợt 1 để tránh phong tỏa kinh tế. Tuy nhiên, theo bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, một tháng phong tỏa sẽ làm giảm 15% GDP của tháng 11. GDP của quý 4 sẽ giảm hơn 5%. Giới kinh doanh nhà hàng, quán bar phẫn nộ, ngành văn hóa, biểu diễn và chiếu phim thất vọng, cũng được các nhật báo đề cập.

Mỹ : Chính phủ công bố thành tích kinh tế vài ngày trước bầu cử

Chủ đề bầu cử Mỹ tiếp tục được các nhật báo Pháp quan tâm : nền kinh tế khởi sắc và số tiền kỷ lục cho các cuộc vận động. Nhật báo Les Echos có bài viết về "Tiền quyên góp cho chiến dịch bầu cử Mỹ tăng kỷ lục", có thể huy động đến 14 tỉ đô la. Những người quyên góp nhỏ ngày càng đông đảo, trong bối cảnh chính trị căng thẳng.

Về kết quả tăng trưởng vừa được bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/10, Le Figaro nhận xét : "Kinh tế Mỹ khởi sắc rõ nét, sau cú sốc mùa Xuân"

Tăng trưởng Mỹ đạt mức lịch sử, tăng 33% so với tỉ lệ hàng năm và cao hơn chỉ tiêu 32%, nhưng cần nhắc lại là kinh tế Mỹ trước đó đã giảm 31,4% sau hai quý đầu năm bị tác động vì Covid-19 và biện pháp phong tỏa ở một số bang.

Theo Les Echos, kết quả này có được là nhờ sức tiêu thụ của các hộ gia đình, tăng 40,7% trong những tháng hè ; kế hoạch hỗ trợ khổng lồ 2.200 tỉ đô la ; sự linh hoạt của thị trường lao động cho phép tuyển dụng nhanh hơn, sau khi hết phong tỏa. Tuy nhiên, mối đe dọa Covid-19 vẫn còn đó, với số ca nhiễm trên cả nước lại tăng kỷ lục, có lúc lên đến 75.000 ca trong những ngày gần đây. 

Các đài truyền hình và phát thanh Pháp chuẩn bị cho đợt phong tỏa mới

Cuối cùng, trong lĩnh vực nghe nhìn tại Pháp, nhật báo Le Figaro chú ý đến chủ đề : "Các đài truyền hình và phát thanh chuẩn bị như nào cho đợt phong tỏa mới ?"

Từ sau khi dỡ phong tỏa vào tháng Năm, và rút bài học từ 55 ngày phong tỏa đợt 1, hai kênh truyền hình tư nhân lớn của Pháp - đài TF1, M6 - và Đài Truyền hình Quốc gia Pháp France Télévisions, đã gấp rút chuẩn bị trong suốt mùa hè : thêm giờ quay các phim truyền hình và chương trình thu tại trường quay, mua phim tích trữ để tránh lặp lại tình trạng phát lại chương trình, vì như vậy mới có thể tiếp tục nguồn thu từ các hợp đồng quảng cáo.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 547 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)