Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

31/10/2020

Điểm báo Pháp - The Economist kêu gọi bầu cho Joe Biden

RFI tiếng Việt

Bầu cử Mỹ 2020 : The Economist kêu gọi bầu cho Joe Biden

Diễn biến mới nhất trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 dĩ nhiên là đề tài không thể thiếu vắng đối với các tuần báo ra vào cuối tháng 10/2020 này. Đây chính là chủ đề số một được tuần báo Anh The Economist nêu bật trên trang bìa, với tuyên bố ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Economist-cover-social-Oct-30--1

Trang bìa tuần báo Anh The Economist với tuyên bố ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ảnh chụp màn hình trang Facebook của The Economist ngày 31/10/2020. © The Economist

Các chủ đề tài khác được các báo chú ý là những vấn đề liên quan đến làn sóng thứ hai của dịch Covid-19 đang đánh vào Châu Âu. Trên hồ sơ này, các tuần san tuy nhiên lại khai thác mỗi tờ một khía cạnh.

Vào lúc Courrier International hoài niệm về cuộc sống về đêm sinh động đang bị Covid-19 xóa bỏ, thì L’Express lo ngại trước nguy cơ phá sản đang rình rập các ngân hàng truyền thống, còn L’Obs thì giải mã hiện tượng các đại đô thị Pháp đang mất dần cư dân.

Gắn chặt nhất với vấn đề y tế là tạp chí Le Point, đã công bố "Bảng vàng 2020" của các bệnh viện công và tư tại Pháp, tổng hợp đánh giá của 80 chuyên gia về tổng cộng 1.400 cơ sở y tế lớn nhỏ. Đứng đầu bảng xếp hạng này vẫn là Bệnh viện Đại học CHU Bordeaux, theo sau là CHU Lille và xếp thứ 3 là CHU Toulouse.   

Bầu cử Mỹ : The Economist ủng hộ Joe Biden

Trang bìa The Economist dành cho cuộc bầu cử Mỹ với lời ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ : "Tại sao phải là Biden". Tuần báo Anh rất có uy tín giải thích ngay : Đó là vì "Donald Trump đã làm vấy bẩn các giá trị từng biến nước Mỹ thành ngọn hải đăng của thế giới".

Trong bài xã luận giải thích lời kêu gọi của mình, The Economist khẳng định rằng tình hình xã hội Mỹ dưới thời ông Trump đã xấu đi đáng kể, với tình trạng chia rẽ ngày càng nặng nề hơn. Trong bối cảnh đó, cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ lại bị dịch bệnh Covid-19 tác hại, một đại dịch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 230.000 người.

Đối với The Economist, ông Donald Trump có đa phần trách nhiệm trong việc để xẩy ra tình trạng nêu trên và chiến thắng của ông sắp tới đây vào ngày 03/11 sẽ mang ý nghĩa công nhận rằng ông đã làm đúng.

Theo tuần báo Anh, "Joe Biden không phải là phương thuốc thần kỳ để chữa trị bệnh tình của nước Mỹ, nhưng ông là một người tốt, sẽ khôi phục lại sự ổn định và phong thái văn minh cho Nhà Trắng", một người "có đủ hành trang để bắt đầu nhiệm vụ dài lâu và khó khăn là hàn gắn một đất nước bị rạn nứt".

The Economist nhấn mạnh: "Đó là lý do tại sao, nếu chúng tôi có quyền bỏ phiếu, thì lá phiếu đó sẽ thuộc về Joe."

Theo The Economist, ưu điểm của Biden là nằm ở chỗ ông có lập trường trung dung, một người tôn trọng thể chế, biết xây dựng đồng thuận. Đây là những đặc điểm khiến ông trở thành "một người chống Trump được trang bị để sửa chữa một số thiệt hại trong bốn năm qua."

Còn về ông Trump, The Economist nhắc lại rằng ngay chính những người phê phán ông trong đảng Cộng hòa cũng thấy rằng "chủ nghĩa Trump" đã phá sản về mặt đạo đức. Đối với tạp chí Anh, ông Trump "chưa bao giờ tìm cách đại diện cho đa số những người Mỹ đã không bỏ phiếu cho ông… Trước làn sóng phản đối ôn hòa sau cái chết của George Floyd, bản năng của ông không phải là xoa dịu bất bình, mà là mô tả sự kiện như là những hành vi cướp bóc và bạo lực cánh tả - một cách phản ứng nằm trong mô hình gây căng thẳng chủng tộc."

The Economist cho rằng: "Trong lần bầu cử này, nước Mỹ phải đối mặt với một lựa chọn có tính chất định mệnh (vì) bản chất dân chủ của Mỹ đang bị đe dọa. Một bên là con đường dẫn đến cách cai trị mang tính chất cá nhân, ngang ngược, của một nguyên thủ quốc gia coi thường phép tắc và sự thật, và bên kia là con đường dẫn đến một điều gì đó tốt đẹp hơn, sát với những gì mà The Economist coi là các giá trị vốn đã biến nước Mỹ thành nguồn cảm hứng cho khắp thế giới."

Tối Cao Pháp Viện Mỹ sẽ là công cụ của đảng Cộng hòa?

Các tuần báo Pháp không mạnh dạn tuyên bố lập trường dứt khoát như The Economist, nhưng cũng dành nhiều trang, bài cho cuộc đua vào Nhà Trắng Mỹ đã đến giai đoạn nước rút. Rất đáng chú ý là bài phân tích trên Courrier International về một diễn biến quan trọng: Nữ thẩm phán do tổng thống Trump đề cử được Thượng Viện trong tay đảng Cộng hòa bầu vào Tối Cao Pháp Viện Mỹ.

Courrier International đã trích dịch một bài bình luận trên tờ báo Mỹ New York Times và chạy hàng tựa: "Tối Cao Pháp Viện Mỹ hơn bao giờ hết đã trở thành công cụ của đảng Cộng hòa".

Theo bài báo, vào lúc chỉ còn mấy ngày nữa là nước Mỹ sẽ bầu ra tổng thống mới, sự kiện thẩm phán vô cùng bảo thủ Amy Coney Barrett vào Tối Cao Pháp Viện đã củng cố sự thống trị của đảng Cộng hòa trên định chế tư pháp cao nhất nước Mỹ trong hàng thập niên tới.

Cuộc bỏ phiếu ở Thượng Viện Mỹ ngày 26/10, là một thủ tục thông thường, đã có từ lâu đời trong Hiến Pháp Mỹ. Thế nhưng các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ, chỉ đại diện cho một thiểu số trong dân chúng Mỹ, bằng hành động của họ, đã ảnh hưởng đến tính chính đáng của Tối Cao Pháp Viện.

Cùng với hai thẩm phán Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh mà ông Trump đã đề cử, bà Amy Coney Barrett nằm trong dự án biến các tòa án Mỹ, không phải là thành lá chắn bảo vệ quyền của giới thiểu số, mà là một lưỡi gươm phi dân chủ đe dọa những đạo luật tiến bộ như luật cải cách bảo hiểm y tế Obamacare chẳng hạn.

Theo bài báo, việc đề cử bà Barrett mang nặng tính chất đạo đức giả, vì đảng Cộng hòa đã làm mọi cách để vội vã phê chuẩn đề nghị của ông Trump, chỉ một tuần trước cuộc bầu cử tổng thống 03/11, đi ngược lại nguyên tắc mà họ khăng khăng bám giữ vào năm 2016.

Covid-19 xóa bỏ cuộc sống về đêm

Courrier International đã có nhiều bài về thời sự nhưng tuần này lại dành trang nhất cho một chủ đề mang tính chất hoài niệm, nói về một quá khứ không xa đã bị dịch Covid-19 xóa bỏ.

Dưới tựa lớn trang bìa "Đêm ơi, hãy trở về", tạp chí Pháp giải thích : "Với lệnh giới nghiêm được ban hành, kể như không còn cuộc sống về đêm, không còn không gian cho kết giao xã hội, cho sáng tạo, cho sự phá cách". Trên báo chí quốc tế, bàng bạc những nỗi luyến tiếc về một thời kỳ đã qua.

Trong bài xã luận của mình, Courrier International ghi nhận tâm trạng hụt hẫng, thiếu vắng mà nhiều người cảm nhận sau khi lệnh giới nghiêm được thiết lập vào giữa tháng 10, rồi sau đó là thông báo tái phong tỏa để chống Covid-19. Hụt hẫng là vì cuộc sống xã hội về đêm đã bị mất đi, không còn bất kỳ hình thức hòa đồng xã hội nào, không còn khả năng gặp gỡ, đi chơi…

Đối với tạp chí Pháp, cuộc sống về đêm là cả một mảng hoạt động kinh tế, với các quán ba, nhà hàng, nhưng cũng là những sinh hoạt văn hóa với các nhà hát, rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, đối với mỗi người, cuộc sống về đêm còn là một nơi thử nghiệm, đôi khi là một lối thoát, một phần không nhỏ trong cuộc sống thường nhật của chúng ta.

Dịch bệnh bùng phát trở lại quá mạnh đã làm mất đi tất cả những thứ đó, không chỉ ở Pháp, mà ở cả những nơi khác như ở Ý (nơi một số cuộc biểu tình đã nổ ra sau khi công bố các hạn chế mới), ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Vương Quốc Anh, thậm chí cả ở Đức.

Theo nhật báo Bồ Đào Nha PùblicoCourrier International trích dịch, nghe qua thì cuộc sống về đêm có vẻ không là gì, nhưng đó là không gian sống quan trọng mà chúng ta không tiếp cận được nữa. Vấn đề mà tờ báo đặt ra không phải là xem xét lại sự cần thiết phải có các biện pháp mạnh mẽ để hạn chế sự lây lan của virus, mà chỉ là tìm hiểu xem việc mất đi cuộc sống về đêm sẽ ảnh hưởng thế nào đến trạng thái tâm lý con người và sự năng động của các thành phố.

Nhật báo Bồ Đào Nha đã phỏng vấn không chỉ những "con cú đêm", mà cũng gặp gỡ các triết gia, các nhà xã hội học, nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, và tất cả đều nói về tầm quan trọng của đêm trong sự cân bằng của chúng ta, trong việc hình thành nhân cách của mỗi người. Publico viết : "Ban đêm là nơi thảo luận, chung sống, sáng tạo, phá bỏ giới hạn, quyến rũ và gặp gỡ bất ngờ, là nơi đối chọi ý tưởng và thích nghi với sự khác biệt và với những thực tế mới.

"Không có đêm, Paris không còn là Paris nữa"

Nhìn dưới một lăng kính khác, phóng viên tại Paris của nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung đã đi dạo vào đêm cuối cùng ở thủ đô Pháp, một hôm trước khi bị giới nghiêm.

Đối với nữ ký giả Đức, quả là thật đau lòng khi thấy "một nửa thành phố bị mất đi, một nửa với màn đêm, một nửa với trăng". Nếu không còn cuộc sống về đêm, Paris không còn là Paris nữa, và đấy cũng là trường hợp của mọi thành phố : Berlin, Luân Đôn, Madrid, và cả Marseille, Rennes, Toulouse…

Covid-19 khuynh đảo hệ thống ngân hàng

Tạp chí L’Express cũng tập trung nói về hậu quả của đại dịch Covid-19 nhưng trong lãnh vực kinh tế, với hệ thống các ngân hàng truyền thống có nguy cơ bị điều mà tờ báo gọi là "trận sóng thần kỹ thuật số" cuốn trôi.

Tựa lớn trang bìa L’Express ghi nhận "Ngân Hàng, ngày tàn của một thế giới", bên dưới tiểu tựa "Sóng thần kỹ thuật số và nỗi lo về một thảm họa xã hôi".

L'Express dành một hồ sơ 6 trang cho sư kiện này với nhận định tổng quát : "Bị khủng hoảng xô đẩy và bị những tác nhân kỹ thuật số mới tấn công, các ngân hàng liên tục thấy lợi nhuận giảm sút. Họ bị bắt buộc phải tự tái tạo bản thân, để tiếp tục tồn tại". Đối với tạp chí Pháp, các ngân hàng truyền thống hiện nay giống như loài "khủng long" thời tiền sử.

L’Express so sánh: Số khách hàng đến các chi nhánh ngân hàng đã giảm sụt một cách lịch sử, ở một số ngân hàng tại Pháp, mức giảm xuống đến hơn 30%. Trong cùng thời kỳ thì gần một trăm ngân hàng 100% kỹ thuật số và hoàn toàn trực tuyến "đã mọc lên như nấm trên hành tinh, với những ưu đãi có tính chất cực kỳ cạnh tranh".

Ra mắt vào năm 2013, ngân hàng trực tuyến Nubank của Brazil chẳng hạn, dù không có bất kỳ chi nhánh nào, mới đây đã vượt qua mức 30 triệu khách hàng. Còn tại Châu Âu, Revolut, vừa kỷ niệm 5 năm thành lập, đã có hơn 12 triệu khách và vừa khoe những số liệu cho thấy đà phát tiển không ngừng.

Để so sánh, đại ngân hàng truyền thống Pháp Société Générale chỉ có khoảng 30 triệu khách. Số lượng tài khoản ngân hàng được mở trong các ngân hàng kỹ thuật số ở Pháp đã tăng từ 3,5 lên 4,5 triệu vào năm 2020.

Nguy cơ đối với các ngân hàng truyền thống là họ sẽ bị buộc phải sa thải nhân viên để có thể đứng vững, gây nên điều mà L’Express gọi là "một cuộc tắm máu xã hội".

Covid-19 đuổi dân ra khỏi các đại đô thị

Trên trang bìa tạp chí L’Obs, cũng là một tựa đề gợi lên một hệ quả của dịch Covid-19. Đó là hiện tượng ngày càng có nhiều người chuyển nơi ở về các thành phố nhỏ hay trung bình. Tạp chí chạy tựa lớn "Rời bỏ các đô thị" và kèm theo ghi chú "Bảng xếp hạng của chúng tôi về các thành phố trung bình nơi người ta có thể sống tốt".

L'Obs đã dành trọn 14 trang cho đề tài này và nêu rõ nguyên nhân: "Đối mặt với các đô thị lớn có đời sống quá đắt đỏ, lại bị Covid-19 đe dọa và trở nên không thể sống được nữa, người Pháp thích đến cư ngụ ở các thị trấn nhỏ hơn".

Tạp chí trích dẫn một nghiên cứu của Cevipof và Hiệp Hội Các Thị Trưởng Pháp (AMF) hồi tháng 9 năm 2019, theo đó chỉ có 13% người Pháp muốn sống trong một đô thị lớn. Trước câu hỏi : "Nếu bạn có quyền lựa chọn, thì bạn muốn sống ở đâu?", 41% trả lời : "Ở một thành phố trung bình".

Theo L’Obs, đây không phải là một hiện tượng mới: Đầu năm 2014, một cuộc khảo sát của OpinionWay đã thiết lập một hình mẫu về nơi sinh sống có thể khiến nhân viên thay đổi chỗ ở : Một thành phố "có quy mô con người", gần biển, với "chi phí sinh hoạt thấp hơn". Kể từ đó, một số lượng lớn công dân đã biến điều mơ tưởng thành hiện thực. Dân số thủ đô Pháp đang giảm : Từ cuộc điều tra dân số năm 2011 đến năm 2016, 59.000 người Paris trong tổng số 2,249 triệu người đã biến mất. Một thế kỷ trước đó, thủ đô Pháp có đến 2,9 triệu dân.

Theo Đài Quan Sát các Thành Phố Trung Bình, mỗi năm có khoảng 200.000 người rời vùng Ile-de-France, tức là vùng Paris và ngoại ô gần, và dân Paris là thành phần "ngủ" bên ngoài thành phố của họ nhiều nhất căn cứ vào số lần lưu trú qua đêm mỗi năm.

Đây là dấu hiệu cho thấy họ sẽ chỉ có một mong muốn: Rời bỏ thủ đô. Xu hướng này quả là một nghịch lý, vì lợi thế số một của một thành phố lớn là cư dân có thể dễ dàng rời đi bằng xe lửa hay máy bay.

Mai Vân

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 439 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)