Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

02/11/2020

Điểm báo Pháp - Lá chủ bài của Joe Biden

RFI tiếng Việt

Bầu cử Mỹ : Tình cảm chống Trump, lá chủ bài của Joe Biden

Ngày đầu học sinh Pháp trở lại trường học sau kỳ nghỉ, với cuộc tưởng niệm người thầy môn Sử Địa bị khủng bố Hồi giáo cực đoan sát hại ; đợt tái phong tỏa thứ hai chống Covid khiến tiểu thương Pháp lao đao là hai chủ đề lớn của báo Pháp hôm nay, 01/11/2020.

labai1

Cảnh vận động ủng hộ ứng viên Joe Biden tại Philadelphia, Pennsylvania, ngày 01/11/2020.  Reuters - KEVIN LAMARQUE

Nước Mỹ hai ngày trước bầu cử tổng thống cũng là tâm điểm thời sự. Le Figaro có bài phân tích tóm tắt một nét chính của cuộc tranh cử : "Tình cảm chống Trump, lá chủ bài của Joe Biden".

Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump lấy cá nhân mình làm trung tâm của chương trình tranh cử. Trump khẳng định là "người nói thẳng, nói thật" khác hẳn với lối ăn nói khuôn mẫu thông thường của các chính trị gia, người "bảo vệ các giá trị Mỹ chống lại một ứng cử viên đại diện cho quyền lợi của giới tinh hoa cánh tả và truyền thông, đang liên minh chống lại chính ông và người Mỹ bình dân".

Donald Trump như một thỏi nam châm. Mỗi phát biểu hay hành động cực đoan lại thu hút đông đảo người ủng hộ, khiến họ trở nên hết sức phấn khích, trong lúc truyền thông phản đối dữ dội. Một cuộc tranh cử đầy xúc cảm. "Làm cho phe tự do phải nức nở một lần nữa : hãy bỏ phiếu cho Trump !" là hàng chữ trên những chiếc may ô, bán tại các điểm vận động tranh cử. 

Tuy nhiên, trong một nước Mỹ bị phân hóa đến cao độ, con người cá nhân của tổng thống sắp mãn nhiệm cũng trở thành một điểm tựa giúp cho tất cả các đối thủ, thuộc đủ xu hướng, thậm chí đối lập nhau, đoàn kết lại. Mặt trận chống Trump gồm từ những người cánh tả triệt để trong đảng Dân chủ cho đến cựu thành viên phe Cộng hòa. Cánh tả triệt để, với đại diện như thượng nghị sĩ Bernie Sanders, theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, từng dẫn trước Joe Biden trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên của đảng Dân chủ, cho đến các chính trị gia trẻ, như Ilhan Omar hay Alexandria Ocasio-Cortez, vốn không hề thích Biden. 

"Nếu hộp sốt cà chua ứng cử chống Trump, tôi cũng ủng hộ" 

Một hiện tượng chưa từng có : hơn 200 tướng lĩnh, đô đốc về hữu công khai chống tổng thống sắp mãn nhiệm, ủng hộ ứng viên Dân chủ. Trong số họ có người như đô đốc McRaven, cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm tiêu diệt Ben Laden. Đô đốc McRaven - có lập trường chống nạo phá thai, bảo vệ quyền mang súng, ủng hộ một Nhà nước tối thiểu, một quân đội mạnh, tóm lại một người bảo thủ, hoàn toàn đối kháng với các giá trị của phe Dân chủ - cũng tuyên bố đã bầu Biden. Một chỉ huy nổi tiếng khác, ông Stanley McChrystal, cựu tư lệnh Mỹ ở Afghanistan, từng bị Obama cách chức vì giễu cợt Joe Biden, phó tổng thống vào lúc đó, trước báo giới, cũng kêu gọi bầu cho ông Biden. 

Hàng loạt chiến lược gia và phụ trách chương trình tranh cử của đảng Cộng hòa, đã ly khai đảng, lập nhóm Lincoln Projet, với mục tiêu không để Trump tái đắc cử. Nhóm Lincoln Projet so sánh chính sách của ông Trump với "thảm họa hạt nhân Tchernobyl", cực kỳ nguy hiểm, sẽ để lại các hệ quả không biết đến bao giờ mới hết. Đối tượng vận động của nhóm là cử tri Cộng hòa chán ghét ông Trump. 

Xung quanh ứng cử viên đối lập là đủ các thành phần, từ giới trẻ đô thị, các nhóm sắc tộc thiểu số, đông đảo cử tri nữ, cũng như người da trắng có học vấn cao và người cao tuổi. Le Figaro dẫn lời một cử tri thuộc nhóm Cộng hòa chống Trump tuyên bố : "Nếu một hộp sốt cà chua có thể ra ứng cử tổng thống chống Trump, tôi cũng sẽ bỏ phiếu cho nó". 

10 điểm chính trong cương lĩnh của ứng viên Biden

Tuy nhiên, cuộc tranh cử tổng thống Mỹ không thể chỉ tóm trong một câu "chống Trump". Báo Les Echos điểm lại 10 điểm chính trong cương lĩnh của ứng viên Biden : thuế vừa phải, đầu tư giáo dục-khoa học, giảm bất bình đẳng, mở cơ hội cho 11 triệu người không giấy tờ, không tăng thuế với người khá giả, nhưng tăng trần đóng góp với giới thu nhập cao và doanh nghiệp, nhưng mức cao nhất vẫn thấp hơn nhiều so với mức trần thuế trước cải cách thuế dưới thời Donald Trump. 

Cải thiện bảo hiểm y tế Obamacare. Phát triển sản xuất ngay tại Mỹ, nhưng với tham vọng nhiều hơn ông Trump. Sản phẩm chỉ được công nhận "Made in America", nếu hơn một nửa chất liệu làm tại Mỹ. Đầu tư hàng trăm tỉ đô la cho các công nghệ tương lai. Tăng cường hỗ trợ đào tạọ dân cư vùng xa xôi, tăng lương giáo viên vùng thu nhập thấp. Chú ý đến sức khoẻ tâm thần sinh viên (mà 1/5 có vấn đề, theo Joe Biden). Gia tăng học bổng cho sinh viên gia đình thu nhập trung bình trở xuống. Hỗ trợ nghiệp đoàn. Cải thiện điều kiện của người lao động "tự do". Giảm bất bình đẳng sắc tộc, tạo điều kiện người da đen vay vốn làm ăn. Tạo cơ hội cho "11 triệu người nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp" có cơ hội thành công dân Hoa Kỳ. Trở lại với Hiệp định Khí hậu Paris và bình thường hóa quan hệ với các đồng minh chủ chốt truyền thống, là những điểm khác biệt lớn trong cương lĩnh của Joe Biden với Donald Trump. Riêng về Trung Quốc, theo Les Echos, ứng viên Joe Biden tỏ ra "không thật rõ ràng". 

Trump : giữ nguyên cương lĩnh như 2016

Về cương lĩnh tranh cử của ông Donald Trump, cũng Les Echos có bài tổng hợp, nhấn mạnh Donald Trump giữ nguyên cương lĩnh năm 2016. Tuy nhiên, có hai điểm mới đáng lưu ý. Một là hứa hẹn tạo thêm 10 triệu việc làm mới, để vượt qua khủng hoảng Covid. Thứ hai là, nếu đắc cử, sẽ có nhiều biện pháp để chi phối bộ máy chính quyền hơn. Donald Trump sẽ tiếp tục con đường nắm lấy tư pháp, sau khi đã bổ nhiệm hàng trăm thẩm phán liên bang. Tổng thống sắp mãn nhiệm vừa công bố sắc lệnh về tuyển mộ công chức, cũng cho phép sa thải dễ hơn nhân viên bị coi là "kém hiệu quả". Nhiều người lo ngại ông Trump sa thải hàng loạt nhân viên Liên bang, để đưa người thân cận thay thế. 

"Điểm bất định" hiện nay trong phe Cộng hòa là quan hệ chính phủ với Thượng Viện, nếu phe Cộng hòa tiếp tục kiểm soát Nhà Trắng và Thượng Viện. Tổng thống mãn nhiệm không thuyết phục được Thượng Viện, do Cộng hòa kiểm soát, thông qua kế hoạch chấn hưng kinh tế 1.800 tỉ đô la, trước bầu cử. Les Echos cũng dự đoán, Trump, nếu đắc cử, tiếp tục đối đầu với Trung Quốc trong cuộc chiến về thuế, sẽ lại mở ra vào năm tới. Tuy nhiên, liên minh của "thế giới tự do" đoàn kết với Washington chống Bắc Kinh sẽ khó khăn, do ông Trump ngược đãi nhiều đồng minh trong bốn năm qua.

Việc miễn thuế cho các tài sản lớn, chính sách làm nên sức mạnh của ông Trump, vẫn được duy trì. Tuy nhiên, thái độ nghi ngờ khoa học và chính sách siết chặt nhập cư của Donald Trump khiến Hoa Kỳ trở nên kém hấp dẫn hơn. 

Người ủng hộ Trump đe dọa cử tri Dân chủ

Hai ứng viên tiếp tục vận động quyết liệt trong hai ngày tranh cử cuối tại các bang quyết định. Theo Les Echos, điều đáng chú ý là hiện tượng nhiều người ủng hộ tổng thống sắp mãn nhiệm quấy rối một số cuộc mít tinh của phe Dân chủ. Theo một nhân chứng, ủng hộ Joe Biden, nhiều người không dám rời nhà, vì lo ngại an ninh. Tuy nhiên, đe dọa dường như không ngăn được các dòng người đi bỏ phiếu sớm. Tỉ lệ người tham gia bỏ phiếu sớm đạt kỉ lục, với 90 triệu người đã bầu trên toàn quốc, tương đương gần hai phần ba cử tri đi bầu năm 2016. 

Bang Pennsylvania là bang quyết chiến. Rất đông người mít tinh ủng hộ ông Trump. Donald Trump hy vọng đoạt được 20 phiếu đại cử tri của bang. Nhưng tổng thống sắp mãn nhiệm cũng giận dữ trước việc Tối Cao Pháp Viện, mà phe Cộng hòa nắm đa số, đã cho phép bang Pennsylvania tính cả các phiếu bầu do bưu điện gửi đến, chậm tối đa 3 ngày, sau ngày bầu cử chính thức. Kết quả chung cuộc như vậy có thể sẽ bị chậm lại nhiều ngày.

Pháp : Mặc niệm thầy Paty tại tất cả các lớp học

Khủng hoảng biếm họa, thể chế thế tục Pháp bị đe dọa, với nhà trường ở tuyến đầu tiếp tục là chủ đề lớn hôm nay. Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Tưởng niệm thầy Samuel Paty : không khí căng thẳng tại trường học". Vào 11 giờ 15 sáng nay, tất cả các lớp học, từ lớp 1 đến lớp 12, học sinh sẽ dành một phút mặc niệm người thầy giáo bị khủng bố cắt cổ. Le Figaro đặt câu hỏi ngay dòng đầu tiên của bài viết đầy lo lắng : không biết tất cả học sinh có mặc niệm hay không người thầy giáo bị khủng bố sát hại, chỉ vì giới thiệu về các biếm họa nhà Tiên tri Mohamet. 

Xã luận Le Figaro thiên hữu mang tựa đề "Một ngày đặc biệt" nhấn mạnh đến việc phút mặc niệm diễn ra cùng với việc học sinh được nghe lại bức thư của Jean Jaurès gửi các thầy cô giáo năm 1888. Jean Jaurès, chính trị gia theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, người ủng hộ nhiệt huyết nhà trường Cộng hòa ngay từ thuở ban đầu. Có cả một đoạn băng thu âm luật gia Robert Badinter, người thúc đẩy việc hủy án tử hình, và tiếng nói của một số ngôi sao bóng đá, nhắc nhở với học sinh về các giá trị của nhà trường. Điều mà Le Figaro lưu ý là vị thế suy yếu của người thầy giáo trong lớp học, trong bối cảnh học sinh ngày càng chịu ảnh hưởng của những lời lẽ mỵ dân, tuyên truyền đủ loại trên mạng. Người Pháp đang phải bảo vệ quyền được khẳng định các giá trị riêng, ngay tại đất nước mình. 

Giáo viên : "cùng lúc 2 chiến tuyến"

Nhật báo thiên tả Libération cũng tập trung vào phút mặc niệm, nhưng đứng hẳn về phía người giáo viên, với hàng tựa trang nhất "Thể chế thế tục, Covid : Giáo viên trên tuyến đầu", với ghi nhận : các nhà giáo đến lớp với cảm giác bị bỏ rơi, khi không được chuẩn bị đủ, để giải thích với học sinh về cái chết của đồng nghiệp Samuel Paty, cũng như bị đặt vào tình huống có thể làm việc trong tâm dịch, nhưng không có các bảo đảm về vệ sinh dịch tễ". 

Bài xã luận mang tựa đề "Tuyến đầu" nhấn mạnh đến hành động anh hùng của người thầy giáo vừa hy sinh, khi giải thích cho học sinh biết thế nào là tự do ngôn luận. Cái chết của ông, người thầy hy sinh khi tham gia vào việc giúp cho các tâm hồn trẻ trở thành các công dân sáng suốt sau này, giúp cho học sinh thấm thía cái giá của một "nền dân chủ tự do". Libération cũng nhấn mạnh đến tình huống đặc biệt hiện nay, hơn bất cứ nơi nào khác, nhà trường đang ở tuyến đầu trên cả hai mặt trận, một bên là bảo vệ tự do ngôn luận, xây dựng thể chế thế tục, chống lại cuồng tín đủ loại, bên kia là môi trường dịch bệnh rình rập. Nhà trường có thể biến thành ổ dịch bất cứ lúc nào. Nhưng hiện tại không có cách nào khác, bởi trường học vẫn phải tiếp tục mở cửa, để cha mẹ học sinh có thể tiếp tục làm việc. 

Bỏ cực đoan, hướng đến đối thoại 

Vẫn về chủ đề khủng hoảng tranh biếm họa và thể chế thế tục Pháp tại nhà trường bị thách thức, La Croix có bài xã luận "Giải thích và đối thoại". Nhật báo Công giáo một mặt vinh danh nhà giáo hy sinh, lên áo bạo lực khủng bố, nhưng mặt khác cũng nhấn mạnh đến đòi hỏi : không rơi vào các cực đoan. Cực đoan "không thừa nhận ai cũng có quyền phê phán tôn giáo", và cực đoan coi biếm họa là một "quyền thiêng liêng". Theo La Croix, không thể phó thác duy nhất cho các thầy cô giáo, nhiệm vụ giáo dục, giải thích và đối thoại với học sinh. Tất cả mọi người đều có nghĩa vụ tham gia. Cần làm sáng tỏ vấn đề : bảo vệ quyền tồn tại của tranh biếm họa (về tôn giáo chẳng hạn), không có nghĩa là có quan điểm tán đồng nội dung của các bức biếm họa. Theo La Croix, đây chính là điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ trên kênh truyền hình Ả Rập Al-Jazeera, nhằm loại bỏ một số hiểu lầm. "Hơn bao giờ hết, thể chế thế tục của Pháp cần được giải thích rõ ràng". 

"Chống man rợ, dạy kỹ về lịch sử tốt hơn là biếm họa"

Về chủ đề này, Les Echos có bài tiểu luận, rất đáng chiêm nghiệm của Dominique Moisi. Theo ông Moisi, nước Pháp đừng để bị rơi vào chiếc bẫy của chính mình, trở thành món mồi ngon cho các thế lực Hồi giáo cực đoan đầy thù hận, uất ức vì thất bại trên nhiều mặt trận, đang tìm cách trả thù. Nhà viết tiểu luận của Les Echos khuyến cáo, để khẳng định tự do, nên nghiêng về phía đào sâu môn lịch sử. Và cá nhân, ông "thích bức họa của Delacroix "Tự do dẫn dẳt nhân dân" hơn là các biếm họa của "Charlie Hebdo", thích bộ ngực trần của người phụ nữ, biểu tượng tự do trong bức tranh, hơn là cái mông của Mohamet". Tác phẩm đầu tiên "nâng bổng" tâm hồn, còn tác phẩm thứ hai thì không phải vậy. Châm biếm tột đỉnh là châm biếm chính mình, châm biếm mà không xâm hại người khác, đặc biệt là những người, vì nhiều lý do, như tôn giáo, văn hoá, xã hội - kinh tế, không có khả năng cất lên tiếng cười. Dominique Moisi nhấn mạnh : "tự do ngôn luận là quyền bất khả xâm phạm và không thể có giới hạn". Thế nhưng, cũng không nên "khua chiếc bật lửa ngay bên cạnh ngòi thuốc súng, chỉ đơn giản để cho vui và để khẳng định bản sắc". Sử dụng quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm cá nhân đúng lúc, cũng là đạo lý có trách nhiệm trong hành động.

Pháp tái phong tỏa : các chủ hiệu sách phẫn nộ

Nước Pháp tái phong tỏa chống Covid, nhưng lần thứ hai không chắc đã suôn sẻ như lần đầu. Les Echos nói đến việc "Các cơ sở buôn bán nhỏ : tâm điểm của mặt trận chống chính sách phong tỏa". Libération có bài : "Đối với các nhà buôn bán nhỏ, đây là cuộc chiến sống còn". Le Monde có bài xã luận "Tái phong tỏa, những người buôn bán nhỏ nổi giận", tập trung giới thiệu về giới chủ hiệu sách nhỏ. Tính chất bất công nổi rõ, bởi chính phủ nêu lý do sách là mặt hàng "không thiết yếu". Tuy nhiên, sách vẫn được bán ở các siêu thị, và rồi nếu siêu thị không được bán, thì các hãng bán sách qua mạng sẽ chiếm lĩnh toàn bộ thị trường này. Những người bán sách phẫn nộ, vì người ta có thể tiếp tục bán thuốc lá ở đầu phố, nhưng hiệu sách thì bị đóng cửa, trong lúc các hiệu sách vốn đã ở trong tình trạng bị kinh doanh qua mạng cạnh tranh quyết liệt. Bất bình này có thể châm ngồi nổ cho một cuộc phản kháng xã hội lớn. Le Monde so sánh với phong trào Áo Vàng trước đây. Nhật báo cánh trung thừa nhận chính phủ không dễ đưa ra giải pháp. Tổng thống Macron hứa sẽ xem xét lại quyết định này trong vòng 2 tuần. 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 478 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)