Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/11/2020

Điểm báo Pháp – Châu Âu : khủng bố Hồi giáo

RFI tiếng Việt

Khủng bố Hồi giáo : Châu Âu nhận thêm hồi chuông cảnh báo

Tang tóc và khủng hoảng vì đại dịch Covid, thảm sát liên tục vì khủng bố Hồi giáo, Châu Âu nguy khốn tứ bề. Đó là chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay, trong khi chờ đợi tên vị tổng thống Mỹ sau ngày bầu cử 03/11đầy bất trắc mà không nhật báo nào muốn phiêu lưu dự phóng kết quả.

khungbo1

Cảnh sát Áo triển khai tại trung tâm thủ đô Vienna ngày 03/11/2020, ngay sau hôm xảy ra vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan.  AP - Matthias Schrader

Kẻ chết vì siêu vi, người chết vì khủng bố

"Covid-19 : Chết quá nhiều ở các khu bình dân", tựa lớn trên trang nhất của Le Monde. Covid-19 tiếp tục hoành hành tại Pháp với 418 người chết trong ngày thứ Ba, một kỷ lục mới trong đợt hai đang diễn ra. Phần đông nạn nhân là dân nghèo, thu nhập thấp, sống chen chúc nhau trong các căn hộ chật chội. Số bệnh nhân qua đời trong khi được cấp cứu hồi sinh giảm bớt là tin khích lệ duy nhất.

Vienna choáng váng vì đòn tấn công của khủng bố Hồi giáo. Đại học Kabul bị tấn công, ít nhất 22 người chết, đại đa số là sinh viên Afghanistan. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự nhận là thủ phạm. Nước Pháp cũng bị hăm dọa : tại Bangladesh, Hồi giáo cực đoan huy động 50.000 người biểu tình chống nước Pháp và tổng thống Macron, là thông tin thời sự của Le Monde .

Lồng trong bức ảnh ghép Donald Trump và Joe Biden là hàng tựa "Sự chọn lựa của Hoa Kỳ" trên trang nhất của Le Figaro cùng với một bài phóng sự về tình hình nước Mỹ, đang bị chia rẽ, đi tìm một tổng thống. Chọn ai? Giữa một Joe Biden bền bỉ, biết cảm thông và một Donald Trump, kẻ chuyên gây xáo trộn, kẻ thù của báo chí, nội dung các bài ở trang trong của nhật báo thiên hữu.

La Croix mời ba nhà văn Mỹ chia sẻ quan điểm về đất nước của mình sau bốn năm Donald Trump. Libération cũng trở lại bốn năm của chủ nhân Nhà Trắng với tựa "400 cú" phá phách : Donald Trump đã "tháo bù lon" một cách có hệ thống các định chế và chính sách của Hoa Kỳ qua các quyết định tùy hứng : từ đe dọa xóa sổ Bắc Triều Tiên đến cuộc hẹn hò ở Singapore sau khi bị Kim Jong-un hạ hỏa, rồi chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, xé hiệp định hạt nhân với Iran, đâm vào lưng đồng minh Kurdistan ở Syria…

Khủng bố : Châu Âu và hồi chuông cảnh báo

Thời sự quan trọng hơn cả là vụ khủng bố tại Vienna. "Tại sao nước Áo là mục tiêu tấn công của Hồi giáo cực đoan ?". Tựa trên trang nhất của Le Figaro mở đầu một loạt bài cùng chủ đề như để trả lời câu hỏi này.

Một thanh niên ủng hộ tổ chức Nhà nước Hồi giáo cầm súng bắn chết bốn người ngay tại thủ đô nước Áo trước khi bị cảnh sát bắn hạ. Vụ việc xảy ra tiếp theo hai cuộc thảm sát tại Pháp. Một loạt thủ đô Châu Âu, Paris, Luân Đôn, Madrid, vùng báo động màu đỏ thẫm lan dần dần khắp Châu lục theo một tiến độ chinh phục ngấm ngầm và có phương pháp. Nhận định này là của Fréderic Péchenard, cựu giám đốc cảnh sát quốc gia Pháp.

Ba vụ khủng bố gần đây là do di dân Pakistan, Tchechenia và Tunisie thi hành. Nhân vật từng đứng đầu một cơ quan an ninh Pháp cho là Châu Âu không thể tiếp tục nhượng bộ mãi như đã nhu nhược trước Hitler. Nói cách khác, "Châu Âu phải có một chính sách kiểm soát làn sóng nhập cư và trục xuất những thành phần chúng ta không muốn chứa chấp. Nếu tiếp tục thiếu ý thức chính trị, thiếu một chính sách chung Châu Âu sẽ không tránh khỏi chiến tranh với Hồi giáo".

Trong chiều hướng tự vệ này, Pháp cần phải duy trì hiện diện quân sự tại Châu Phi, vẫn theo phân tích của cựu giám đốc cảnh sát quốc gia Pháp mà Le Figaro dành cho một cột báo dài.

Nhật báo thiên hữu không giấu lo âu, xem vụ khủng bố tại Áo là một lời cảnh cáo mới nhưng Châu Âu vẫn chưa có một giải pháp đối phó để bảo vệ sự sống còn của châu lục.

Trong bài xã luận "đánh vào trái tim Châu Âu", nhật báo thiên hữu tha tiết kêu gọi Châu Âu phải đoàn kết không những để bảo vệ lối sống, giá trị truyền thống của mình và còn làm chủ được vận mệnh trong tương lai.

Vì sao khủng bố chọn Châu Âu để ra tay ?

Cùng nhận định, "Châu Âu là mục tiêu" của khủng bố, La Croix cho biết thêm là Liên Hiệp Châu Âu đã tăng cường phương tiện và biện pháp chống khủng bố trong những năm gần đây. Bài xã luận của nhật báo Công giáo giải thích vì sao vụ khủng bố tại Vienna mang ý nghĩa tiếng chuông cảnh báo : thứ nhất thảm sát diễn ra gần một nhà thờ Do Thái giáo và thứ nhì, Vienna trong lịch sử là biểu tượng của cuộc xung đột giữa Tây Âu và thế giới Hồi giáo. Trận đánh ngày 12/9/1683 trên đồi Kahlenberg là chiến thắng quyết định chặn đứng làn sóng xâm lăng của binh đoàn đế chế Ottoman Hồi giáo trên lục địa Châu Âu.

La Croix thận trọng không vội kết luận là qua hành động khủng bố hồi đầu tuần, hung thủ có chọn thủ đô nước Áo vì lý do đó hay không nhưng "sớm hay muộn gì lịch sử sẽ trở lại trong tâm trí nhiều người". Theo La Croix, trong những năm gần đây, nước Pháp thường bị khủng bố Hồi giáo cực đoan tấn công bởi vì Pháp khẳng định bản sắc thế tục truyền thống.

Nhưng trên thực tế cả Châu Âu đều là mục tiêu của Hồi giáo, từ Đức, Anh cho đến vương quốc Bỉ chỉ vì nếp sống, lối suy nghĩ đậm nét Thiên Chúa giáo và giá trị tự do thừa kể từ thời "Ánh Sáng" : yêu chuộng tự do ngôn luận, bình đẳng giữa mọi người mà bắt đầu là bình đẳng nam nữ.

Trước hiểm họa khủng bố Hồi giáo, Châu Âu phải hợp tác chặt chẽ hơn để bảo vệ biên giới. Thách thức to lớn nhất là làm sao vừa tự vệ mà không co cụm và vẫn mở rộng cửa với thế giới bên ngoài. Thiên tài của người Âu là ở chỗ đó, nhật báo công giáo kết luận.

Libération với tựa ngắn "Khủng bố ở trung tâm thủ đô", tường thuật như bút ký chiến tranh : "9 phút tấn công, một đêm hỗn loạn". Một đất nước thái bình hiếm khi bị Hồi giáo võ trang đe dọa nhưng "thủ đô Vienna vừa trải qua một đêm thứ Hai không khác gì lâm vào chiến tranh do một kẻ từng tìm cách sang Syria một năm trước đó".

Covid-19 : Mọi biện pháp đối phó đều gây bất bình

Siêu vi SARS-Cov-2 tiếp tục hoành hành và tiếp tục gây tốn kém giấy mực của báo chí. Libération chỉ trích chính phủ Pháp với cảnh trống đánh xuôi kèn thổi ngược. Nhật báo thiên tả cũng không tha những quan điểm trong công luận tranh cãi nhau do quyền lợi tương phản trước tác động của biện pháp phong tỏa.

Không phê phán như đồng nghiệp Libération, nhật báo La Croix cho biết là chính phủ gặp nhiều khó khăn để giải thích với công chúng về các phương án đối phó với đợt hai của Covid-19 trong bối cảnh người dân và nhất là giới doanh nhân, buôn bán rất bất bình vì sinh hoạt bị xáo trộn, thu nhập thiệt hại. Giới tiểu thương than phiền Nhà nước ưu đãi các đại siêu thị trong khi họ phải đóng cửa ít nhất một tháng.

Hơn tám tháng từ khi dịch xâm nhập, nhật báo công giáo còn dành một trang để tìm hiểu phương cách nào đơn giản mà hiệu quả để mỗi người có thể chận siêu vi lây cho mình trước đã. Bác sĩ Didier Pittet, chuyên gia chống bệnh truyền nhiễm, chủ tịch ủy ban điều phối ngăn Covid-19 cho rằng "lẽ ra, nếu mỗi người tôn trọng một số biện pháp vệ sinh y tế thôi là chúng ta đã chiến thắng" : Rửa tay và giữ khoảng cách an toàn, đó là câu thần chú. Bài phỏng vấn được minh họa với bức ảnh một học sinh, đeo khẩu trang, đang rửa tay bằng "dung dịch gel pha cồn".

Giới phân tích cũng chưa thấy ngõ ra

Trong toàn cảnh khó khăn này, giới chủ nhân các xí nghiệp phải đối phó ra sao để tồn tại ? Chính phủ có giải pháp khả thi nào để đưa đất nước ra khỏi đường hầm ?

Nhật báo kinh tế đến tận một số công ty nhỏ với bài "chứng nhân trong cuộc đối đầu với đợt dịch số 2". Bên cạnh hàng trăm chướng ngại, một trong những biện pháp cho phép công ty tiếp tục hoạt động là cho nhân viên làm việc từ nhà. Biện pháp này được tăng cường nhờ đồng thuận giữa hai bên tức là chủ nhân và công đoàn bảo vệ quyền lợi người lao động. Les Echos cũng không quên "cuộc kháng cự trong bệnh viện" qua bài phóng sự : "Bệnh viện nhà nước chuẩn bị đương đầu với với đợt tấn công thứ hai".

Nhìn rộng hơn nữa, Les Echos cho biết thêm Covid-19, vực dậy kinh tế và ngoại thương sẽ là những hồ sơ khẩn cấp của chính quyền Mỹ hậu bầu cử.

Tại Châu Âu, Nghị Viện Châu Âu đang bị áp lực tối đa với hai hồ sơ nóng : khủng bố và ngân sách chung để vực dậy kinh tế .

Trang ý kiến, qua ngòi bút của nhà báo Valérie Mignon, Les Echos phân tích thế mạnh, yếu của kinh tế Pháp và cố phác họa một lối thoát sau sáu tháng khủng hoảng vì đại dịch. Tuy nhiên, với thâm thủng ngân sách từ hơn 3% nay có nguy cơ lên đến 10% vào cuối năm, vực dậy kinh tế là một nhiệm vụ gần như bất khả. Đại dịch bùng lại có thể làm mọi nỗ lực của chính phủ cũng như những dấu hiệu kinh tế manh nha phục hồi bị triệt tiêu, tác giả kết luận bi quan vì thấy kịch bản nào cũng bất toàn.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 560 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)