Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

13/11/2020

Điểm báo Pháp – "Hai nước Mỹ" không thể dung hòa

RFI tiếng Việt

Bầu cử 2020 : "Hai nước Mỹ" không thể dung hòa

Dịch Covid-19 tiếp tục là chủ đề hàng đầu của hầu hết các báo Pháp hôm nay, 13/11/2020, khi cả nước phải sống trong phong tỏa thêm 2 tuần nữa, theo thông báo của chính phủ. Tình hình hậu bầu cử Mỹ cũng là chủ đề của nhiều bài báo. Chiến thắng của ứng cử viên Dân chủ Joe Biden là điều được truyền thông khẳng định, nhưng sức ảnh hưởng gia tăng của tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump trong xã hội Mỹ cũng được đặc biệt chú ý. 

hainuocmy1

Một ủng hộ viên của Donald Trump biểu tình tại Pennsylvania, Hoa Kỳ, ngày 09/11/2020, sau khi ông Biden được tuyên bố thắng cử.  Reuters – Bastiaan Slabbers

Nhật báo Le Monde có bài phân tích đáng chú ý của nhà báo Alain Frachon mang tựa đề "Kết quả bầu cử cho thấy một điều duy nhất : "tâm hồn" nước Mỹ đang trong cơn ba đào". Trước cuộc bỏ phiếu, một số người cho rằng cuộc bầu cử này là để "khôi phục lại "tâm hồn của nước Mỹ"", và đây là cuộc cạnh tranh để tìm kiếm một "bản sắc" chung cho nước Mỹ, chứ "không phải cuộc cạnh tranh giữa hai cương lĩnh". Nếu theo quan điểm này, đã không có ai là người chiến thắng. Cho dù bên Dân chủ thu được nhiều phiếu phổ thông hơn, Joe Biden được nhiều phiếu đại cử tri hơn, nước Mỹ đã bị phân hóa hết sức sâu sắc.

"Người hủy diệt" các thể thức dân chủ

Ông Donald Trump đã có thể vui mừng khi thấy 70% cử tri Cộng hòa cho rằng cuộc bầu cử là "không trung thực, không tự do". Cho dù cuối cùng các thẩm phán có đưa ra kết luận là họ đã sai lầm khi cho rằng cuộc bầu cử không công bằng, thì đa số cử tri Cộng hòa vẫn sẽ hoài nghi về "tính hợp pháp của tổng thống Biden". Tổng thống sắp mãn nhiệm chính là người đã thổi bùng lên nỗi hoài nghi về gian lận bầu cử, nhiều tháng trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, cho dù không đưa ra bằng chứng. Xét theo nghĩa này, ông Trump là "người hủy diệt có hiệu quả" các thể thức dân chủ. 

Nội bộ nước Mỹ đã trở nên đối kháng với nhau hơn bao giờ hết. Một bên tin tưởng chủ thuyết của đảng Cộng hòa là "trung thành nhất với lý tưởng của những người sáng lập ra nước Mỹ". Bên kia tin chắc là kỳ vọng cải cách của phe Dân chủ, mở ra với thế giới, mở ra cho những thay đổi, là "nằm trong bản sắc quốc gia". Sử gia Simon Shama nói đến "một cuộc nội chiến lạnh, một cuộc chiến tranh tôn giáo" trong lòng nước Mỹ, với hai cách nhìn hoàn toàn đối lập, không thể dung hòa.

"Nước Mỹ của Trump" và nước Mỹ chống Trump

Vẫn sử gia Simon Shama cho biết trên Financial Times (31/10), "mỗi bên đều tin tưởng là chiến thắng của đối phương đồng nghĩa với việc chấm dứt chế độ chính trị hiện hành của nước Mỹ". Một tư tưởng gia của học thuyết Trump, cựu chủ tịch Hạ Viện Mỹ, ông Newt Gingrich, khẳng định : "Nước Mỹ của Trump, một bên, và bên kia là liên minh chống Trump, một xã hội '‘hậu Hoa Kỳ", hai xã hội đó không thể cùng tồn tại. Không có chỗ cho một thỏa hiệp" (The Observer, ngày 08/10). 

Nhà báo Alain Frachon cảnh báo là ông Biden sẽ thiếu đa số để thực hiện được cương lĩnh của mình, bởi cử tri Mỹ không đứng hẳn về phía Dân chủ. Bên Dân chủ mất nhiều ghế tại Hạ Viện, cho dù vẫn giữ được đa số, và rất khó giành được đa số tại Thượng Viện. Hàng loạt kế hoạch như tăng thuế các doanh nghiệp, kế hoạch "Xanh", đầu tư cho hạ tầng, mở rộng bảo hiểm y tế chắc chắn sẽ bị ngăn chặn tại Thượng Viện, như từng bị ngăn chặn dưới thời Obama. 

Theo nhà báo Le Monde, một bài học đau đớn cho phe Dân chủ là có đến một phần ba cử tri gốc Mỹ Latinh và 10% người da đen bỏ phiếu cho Trump, từng tin tưởng là sự thay đổi của thành phần dân số sẽ khiến "tương lai thuộc về họ". 

Cũng trong bài viết này, nhà báo Alain Frachon chỉ ra bí quyết thành công của ông Trump, là đã một mặt biết cách huy động cả những người được hưởng lợi lớn từ hệ thống kinh tế "siêu tự do" hiện nay, lẫn những người muốn chống lại chính hệ thống đó. 

Nhưng Le Monde cũng chỉ ra thất bại lớn mà ít người nói đến đối với tổng thống sắp mãn nhiệm. Lần đầu tiên một tổng thống Mỹ (kể từ năm 1892) không hề nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri (theo phiếu bầu phổ thông). Ông Trump cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ 30 năm nay không tái đắc cử. Bên cạnh đó, thành công về kinh tế hiện nay của nước Mỹ, thường được nhiều người coi là thành tích của chính quyền Trump, thực ra đã bắt đầu từ các tăng trưởng 7 năm về trước. 

Châu Âu : Nguy cơ đánh giá thấp phong trào ủng hộ Trump

Cũng Le Monde, trên mục Diễn đàn, đăng tải bài phân tích mang tựa đề "Châu Âu rất thường có xu hướng đánh giá thấp thậm chí coi thường phong trào ủng hộ Donald Trump". Theo tác giả bài viết, nhà chính trị học Alexandra de Hoop Scheffer, giám đốc trung tâm tư vấn German Marshall Fund, thì đây là một "sai lầm", vì chính sách của Joe Biden sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi "sự biến đổi sâu xa" này trong xã hội Mỹ. Trong chính sách với Châu Âu, chính quyền Biden sẽ tiếp tục chủ trương "America first / Nước Mỹ trước hết", các cam kết quốc tế của Mỹ sẽ không ổn định, thậm chí có thể bị đảo ngược, và Washington sẽ có thể chỉ xem Châu Âu như một công cụ chính trị để ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhà chính trị học Alexandra de Hoop Scheffer cũng kêu gọi Châu Âu làm sáng tỏ các "ưu tiên chiến lược", để đối phó với sự tồn tại lâu dài của phong trào ủng hộ Trump tại nước Mỹ. 

Học giả Jacques Attali, trong một bình luận trên Les Echos, cũng kêu gọi Châu Âu - cho dù hoan hỉ với kết quả bầu cử - đừng vội hài lòng, mà cần thức tỉnh, nhìn nhận ảnh hưởng ngày càng gia tăng của nước Mỹ tại Châu Âu về mọi mặt, từ công nghệ, kỹ thuật cho đến văn hóa, hệ giá trị… Theo học giả Pháp, Châu Âu cần đưa ra các quyết định chiến lược, khẳng định sự độc lập với Hoa Kỳ, đặc biệt với một nước Mỹ "đang ngày trở nên ít dân chủ hơn". Tuy nhiên, Jacques Attali cũng nhấn mạnh là dù sao Châu Âu và Mỹ vẫn chia sẻ nhiều giá trị chung và lý tưởng chung, kể từ khi Hoa Kỳ lập quốc. Và các giá trị, lý tưởng chung đó hiện đang bị thách thức. 

Biden bình thản 

Vẫn về nước Mỹ, nhiều báo Pháp như Le Monde, chú ý đến thái độ "bình thản" của ông Joe Biden, được coi là tổng thống tân cử theo các kết quả sơ bộ, trước việc chủ nhân Nhà Trắng kiên quyết không chấp nhận thất bại. 

Les Echos đăng tải bài viết của báo Anh Financial Times, mang tựa đề "Donald Trump và sự phân liệt lớn của nước Mỹ". Báo Anh đặt câu hỏi, với những động cơ gì, ông Trump không thừa nhận thất bại và tiếp tục có những hành động làm suy yếu định chế dân chủ tại Mỹ. Financial Times so sánh điều mà tổng thống sắp mãn nhiệm đang cố gắng làm hiện nay với cuộc phân liệt lớn trong lịch sử Công giáo, với sự tồn tại song hành "hai giáo hoàng đối địch" vào thế kỷ thứ XIV và XV tại Châu Âu.

Trump tìm kế

Financial Times đặc biệt chú ý đến mưu toan nguy hiểm của tổng thống sắp mãn nhiệm, lệnh cho bộ trưởng Tư pháp điều tra về cáo buộc gian lận kết quả bầu cử ở các bang tranh chấp, mà kết quả đã được thông báo chính thức. Ông Trump dự đoán có thể thuyết phục chính quyền một số bang tranh chấp gửi đi một danh sách đại cử tri mới, khác với "các đại cử tri" đã được cử tri bầu ra. Và điều này được Hiến pháp Mỹ cho phép, khi để ngỏ cho các bang xác định các quy tắc riêng. Tuy nhiên, theo Financial Times, khả năng này khó xảy ra. 

Nhìn chung, báo Anh tổng kết, cách hành xử của tổng thống sắp mãn nhiệm cho dù không ngăn cản được thất bại của ông, và cũng không ngăn cản được Joe Biden trở thành tổng thống thứ 46, nhưng có thể làm cho giai đoạn bàn giao quyền lực trở nên hỗn loạn. Financial Times khuyên ông Trump nên "nhanh chóng thừa nhận thất bại".

Poll workers : "Những người bảo vệ thầm lặng" nền dân chủ Mỹ

Cũng về bầu cử Mỹ, báo La Croix có bài tổng hợp tựa đề "Các poll workers, những người canh giữ thầm lặng, bảo vệ nền dân chủ" nói về đóng góp thầm lặng của hàng trăm nghìn người Mỹ tình nguyện để bảo đảm cho cuộc bầu cử vừa qua diễn ra minh bạch, công bằng. 

Covid : nước Pháp trong phong tỏa đợt hai 

Đại dịch Covid là chủ đề của hầu hết các báo Pháp. Sau gần hai tuần phong tỏa lần hai, dịch bệnh tại Pháp có chiều hướng giảm chút ít, nhưng căng thẳng hiện rõ. "Nỗi mệt mỏi của nhân viên ngành y tế" là tựa đề trang nhất của Le Monde. Nhật báo La Croix thì dành chủ đề chính cho việc các bệnh viện đứng trước áp lực phải xem xét lựa chọn bệnh nhân Covid nặng, hay các bệnh nhân nặng khác tại các khoa điều trị tích cực. 

Đối với Les Echos, tia hy vọng lóe lên, sau khi thủ tướng Pháp thông báo tiếp tục kéo dài thêm hai tuần phong tỏa, nhưng kể từ ngày 01/12, các cửa hàng "không thiết yếu" có thể mở cửa trở lại. Sau đợt phong tỏa 2 tuần nữa, có nhiều khả năng các biện pháp sẽ được giảm nhẹ, nếu đà lây lan giảm. Theo Les Echos, hiện tại 40% người làm trong khu vực công tại Pháp duy trì chế độ làm việc từ xa. 

Les Echos có bài xã luận mang tựa đề "Xem xét về chiến lược y tế ra khỏi phong tỏa". Theo Les Echos, chính phủ cần có nhiều biện pháp linh hoạt hơn, để tránh phải rơi vào tình trạng phải lựa chọn chỉ một trong hai phương án : phong tỏa hoàn toàn hay ra khỏi phong tỏa hoàn toàn. Cũng có nghĩa là một chiến lược chung sống trong nhiều tháng nữa với virus, trước khi tình hình thay đổi. Les Echos hoan nghênh việc Ủy Ban Châu Âu hôm thứ Tư, 11/11, cho biết sẽ lập ra một cơ quan y tế chung của Châu Âu, dựa trên mô hình cơ quan y tế Liên bang Mỹ Barda, nhằm chuẩn bị cho các quốc gia thành viên đối phó với các khủng hoảng y tế tương lai, như xây dựng các kho dự trữ dược phẩm chiến lược, cũng như đầu tư cho nghiên cứu phát triển dược phẩm.

"Hold-up" : Thành công đáng sợ của một bộ phim 

Vẫn về Covid-19, nhưng Libération dành hồ sơ chính để giới thiệu về bộ phim tài liệu Hold-up, vừa xuất hiện trên mạng hai ngày, nhưng đã được hưởng ứng rất mạnh mẽ. Hold-up là một bộ phim tố cáo "một tổ chức thao túng toàn cầu", do một thế lực chính trị lập ra, để điều khiển dân chúng, khiến người dân trên toàn cầu tin tưởng là có một đại dịch Covid-19, trong lúc dịch bệnh này hoàn toàn là do các phương tiện truyền thông và giới chính trị dựng lên. Xã luận Libération, mang tựa đề "Hoài nghi", cho rằng đây là một bộ phim "thành công", nhưng thành công này là đáng sợ, bởi cho thấy lối suy nghĩ theo "thuyết âm mưu" đang có khả năng chi phối một bộ phận lớn xã hội như thế nào. 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 541 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)