Covid-19 : Bảo quản và phân phối vac-xin, bài toán nát óc
Luật an ninh Pháp, Macron lùi bước trước áp lực đường phố, vac-xin ngừa Covid trong tầm với, an ninh Iran bất lực, Tập Cận Bình khống chế giới đại gia công nghệ cao của Trung Quốc, làn gió phấn chấn của Joe Biden… Đây là những chủ đề lớn trên báo Pháp hôm nay 01/12/2020.
Les Echos đưa hai tựa lớn : Thị trường chứng khoán Paris phấp phới, Tiền ảo (Bitcoin) lại đạt đỉnh điểm trên thị trường quốc tế. Le Monde cảnh báo : "Tiền ảo (Bitcoin) lừa thật : Đại bịp toàn cầu", tường thuật nỗ lực điều tra của nhật báo độc lập và mạng lưới ký giả quốc tế.
Đảng cộng sản Trung Quốc bắn tín hiệu khống chế các đại tập đoàn internet của Hoa lục là chủ đề thứ hai trên trang nhất của Le Monde, bên cạnh bức hí họa mô tả diễn tiến chính trị Mỹ : Joe Biden tươi cười tuyên thệ, Donald Trump khoanh tay cúi đầu buồn hiu nhìn sang hướng khác.
Le Figaro thiên về thời sự Pháp với tình trạng một bước tiến một bước lùi : Tổng thống Pháp yêu cầu thủ tướng và bộ trưởng Nội vụ xoa dịu công luận, phe đa số tại Quốc hội hứa viết lại dự luật an ninh bị tố cáo vi phạm quyền tự do báo chí. Trong bài xã luận "Xáo trộn vô ích", nhật báo thiên hữu phê phán cả hai bên : Phe tả và truyền thông thiên tả sẽ tiếp tục tranh đấu, nhưng điều đáng trách là cuộc chiến này là cái cớ để gây ra bạo loạn. Tự do thông tin là giá trị cơ bản của một nền dân chủ, nhưng an ninh cũng là điều kiện bảo đảm cho tự do của nước Pháp. An ninh cũng là ưu tư số một của dân Pháp.
Tình trạng rối ren này lẽ ra đã không xảy ra, nếu chính phủ, hoặc người soạn dự luật, không non tay. Cần gì phải có điều 24 gây tranh cãi, bởi vì luật lệ hiện hành đủ để bảo vệ cảnh sát khi họ làm nhiệm vụ. Tung luật này ra vào lúc công luận nổi nóng vì một số hành động bạo lực của cảnh sát thật là vụng về.
Đề tài đồng điệu trên các báo là thuốc ngừa Covid-19 : nước Pháp hoàn tất chiến lược tiêm ngừa.
Covid-19 : Tháng Giêng tiêm nhé
Libération chơi chữ "Tháng giêng tiêm đau nhé". La Croix giải thích chi tiết kế hoạch 5 giai đoạn theo yêu cầu của Thượng Hội đồng Y tế : người già ở viện dưỡng lão, người mắc bệnh kinh niên và nhân viên trong ngành y tế, rồi sau đó mới đến các thành phần khỏe mạnh. Le Figaro lo xa : Bảo quản thuốc ngừa Covid-19 là vấn đề nát óc về hậu cần.
Tin phấn khởi trên Les Echos : thuốc chủng của công ty bào chế Mỹ Moderna hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3 hiệu quả 94,1%. Việc tập đoàn Mỹ xin cơ quan an toàn y tế FDA cho phép sử dụng khẩn cấp vac-xin có thể không gây xáo trộn gì cho phương trình phân phối liệu pháp cuối cùng chống đại dịch trên toàn cầu.
Trang khoa học của Le Figaro tìm hiểu bài toán được mô tả là "nát óc". Trước hết là nhiệt độ bảo quản : -70°C đối với thuốc chủng của Pfizer-BioNtech và nhẹ hơn một chút cũng phải -20°C đối với sản phẩm của Moderna. AstraZeneca-Oxford của Anh chỉ cần bảo quản với nhiệt độ mát trong tủ lạnh là đủ, nhưng còn phải chờ nghiên cứu thêm. Liệu vào tháng Giêng 2021 cả ba có đến điểm hẹn hay không ? Và phân phối như thế nào để bảo toàn hiệu năng ?
Theo Le Figaro, thuốc chủng của Moderna sẽ "có mặt" tại Pháp trong tháng 12. Một nhà phân phối cam đoan như vậy và đã nộp đơn xin Ủy Ban Châu Âu. Để chạy đua với thời gian, họ đã nhận lô hàng đầu tiên dự trữ ở một nơi giữ bí mật.
Pfizer-BioNtech cũng nhanh tay nhanh chân không kém : 50 triệu liều sẽ được sản xuất trong tháng 12 và một lô hàng đã được tích trữ trong công xưởng ở Bỉ.
Vấn đề thứ hai là làm sao đưa đến các trung tâm chủng ngừa ? Pfizer-BioNtech giải quyết như sau : Sau hai tuần bảo quản ở độ lạnh -70 độ thì thuốc chủng còn hiệu nghiệm thêm 5 ngày trong tủ lạnh. Bộ Y tế Pháp đang tìm 130 địa điểm cho thuốc chủng Mỹ-Đức.
Moderna phải luôn được bảo quản ở nhiệt độ -20°C sẽ được phân phối theo một đường khác : Đưa cho các đại lý, từ đó, với xe đông lạnh, 4.000 tài xế giao hàng ngày hai lần cho 21.000 tiệm thuốc của Pháp. Trong vòng 24 giờ, thuốc chủng trong đông lạnh sẽ đến tận cùng mọi làng quê miễn là có hiệu thuốc. Một yếu tố giúp rút ngắn thời gian là dược sĩ của Pháp được quyền tiêm thuốc chủng để giúp các phòng mạch bác sĩ tư không bị quá tải.
Trung Quốc : Alibaba dám vuốt râu hùm ?
Vì sao và bằng cách nào chủ tịch Trung Quốc đặt nhóm đại gia doanh nghiệp mạng vào vòng kềm tỏa, đứng đầu là Jack Ma (Mã Vân), chủ nhân tập đoàn Alibaba ? Câu hỏi này được Le Monde phân tích chi tiết trong bài "Bắc Kinh nắm lại quyền kiểm soát các đại gia công nghệ cao".
Tại Trung Quốc, gió đã đổi chiều. Được gọi là những đứa con cưng của chế độ, hình ảnh biểu tượng của vĩ đại và thành công, Alibaba, Tencent, Meituan… trở thành nạn nhân của sự thành đạt này. Đảng cộng sản Trung Quốc gây kinh ngạc khi ban hành một loạt biện pháp hù dọa và đưa vào khuôn khổ.
Đúng theo bài bản, nạn nhân đầu tiên là kẻ sừng sỏ nhất : Jack Ma. Không đầy 48 giờ trước khi chi nhánh tài chính của Alibaba niêm yết trên thị trường chứng khoán, cơ quan chủ quản ANT, theo lệnh Tập Cận Bình, chặn lại, làm tỷ phú chủ nhân Alibaba thất thu 37 tỷ đôla. Jack Ma bị sỉ nhục, nhưng cùng với con chim đầu đàn này là cả loạt đại gia truyền thông Trung Quốc.
Theo Le Monde, sấm sét đã xuất hiện từ nhiều tuần trước. Ngày 24/10, trong cuộc hội thảo tài chính tại Thượng Hải, sau bài phát biểu của phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, cảnh báo nguy cơ "khủng hoảng tài chính có hệ thống". Vương Kỳ Sơn là người giám sát việc xử lý khủng hoảng 2008.
Đến phiên chủ nhân Alibaba phát biểu, Jack Ma tuyên bố "không có nguy cơ khủng hoảng hệ thống" bởi vì tài chính không phải là hệ thống. "Người canh tân không sợ hệ thống, mà chỉ sợ lối giám sát lỗi thời". Làm mất mặt Vương Kỳ Sơn, một người thân cận của Tập Cận Bình, vào lúc Nhà nước đang trị chuẩn bị một loạt dự án kềm tỏa doanh nghiệp trên mạng là không đúng lúc chút nào.
Ngân hàng nhà nước tung ra "tiền ảo", mở tranh luận về "bảo vệ dữ liệu cá nhân", công bố dự án điều tiết fintech (ứng dụng kỹ thuật số vào dịch vụ tài chính) và dự luật chống độc quyền thương mại.
Câu hỏi đặt ra là các đại tập đoàn Trung Quốc, tham vọng bị hạn chế tại Hoa lục, nhưng với tiền tỷ trong tay, lẽ nào họ không có cách vươn ra bên ngoài ? Có chứ, nhưng với điều kiện được đảng cộng sản cho phép, Le Monde trả lời.
Hạt nhân Iran : Lá bài trong tay Tehran
Một nhóm cựu ngoại giao Châu Âu kêu gọi hành động và lo ngại Donald Trump trước khi mãn nhiệm sẽ gây chuyện bất ngờ (Le Monde).
Vụ ám sát cha đẻ chương trình hạt nhân Iran cho thấy bộ máy an ninh của giáo quyền đàn áp đối lập thì hay, mà bảo vệ yếu nhân của chế độ thì kém (Le Figaro).
Trong số các tác giả thư ngỏ được Le Monde trích đoạn, có cựu thủ tướng và cựu bộ trưởng nhiều quốc gia Châu Âu. Một mặt, họ lo ngại sức ép của Washington và phản ứng của Tehran làm căng thẳng leo thang. Vấn đề là các điều kiện để làm giảm căng thẳng xem ra khó được bên nào chấp thuận : Iran phải tỏ thiện chí tôn trọng quyền lợi của Mỹ tại Irak, bình thường quan hệ với Ả Rập Xê Út và Israel.
Về phía Mỹ, với tổng thống Joe Biden ở Nhà Trắng, Châu Âu cũng phải vận động Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ hiệp định hạt nhân quốc tế. Tehran kêu gọi Joe Biden tỏ cử chỉ thiện chí trở lại hiệp định. Vấn đề, theo Le Monde, là chính Iran đã vi phạm hiệp định này từ 18 tháng nay, tích lũy uranium vượt ngưỡng.
Le Figaro lạc quan hơn. Bài phân tích "Iran không rơi vào bẫy Israel" thẩm định tổng thống Rohani không sơ suất tạo cơ hội cho Donald Trump ra lệnh oanh kích ồ ạt, sẽ có đủ khôn ngoan chờ đến sau ngày 21/01/2021 để thương lượng với Joe Biden. Tổng thống Iran có bốn tháng để tạo niềm tin, tức là cơ may cho một ứng cử viên ôn hòa lên nối nghiệp, thay vì một nhân vật chủ chiến của Vệ binh Hồi giáo.
Trang quốc tế của nhật báo thiên hữu phân tích vụ ám sát Mohsen Farkhirizadeh, cha đẻ chương trình hạt nhân Iran. Vụ ám sát được tổ chức tinh vi như kịch bản phim gián điệp của Hollywood. Tehran tố cáo Israel, đe dọa trả thù, nhưng từ những năm gần đây, hàng loạt chuyên gia hạt nhân và tướng lãnh Iran đã bị giết, cho thấy an ninh Iran bất lực.
Mỹ : Với Joe Biden, "phụ nữ lên ngôi"
Trong khi chờ đợi Joe Biden nhậm chức, Libération giới thiệu đệ nhất phu nhân tương lai của Mỹ, còn đồng nghiệp Les Echos cho biết Châu Âu kỳ vọng sưởi ấm quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Với bài "Nhà Trắng, giờ của tiếng nói phụ nữ" và chân dung tân "đệ nhất phu nhân", nhật báo thiên tả phân tích đội ngũ đặc trách truyền thông và quan hệ với báo chí vừa được Joe Biden bổ nhiệm.
Phu nhân của tổng thống sắp nhậm chức, Jill Biden, 69 tuổi, kín đáo, nhưng có ảnh hưởng mạnh, sẽ tiếp tục đi dạy học ở đại học Virginia. Bà sẽ đóng vai trò then chốt trong hồ sơ giáo dục.
Les Echos với bức ảnh "Angela Merkel - Joe Biden năm 2015" cho biết Châu Âu sẽ không để mất cơ hội lịch sử. Đối đầu với sức mạnh độc tài đang lên, mà đứng đầu là Trung Quốc, Châu Âu sẽ thiết lập mối quan hệ với Hoa Kỳ trên một cơ sở mới, cùng nhau ghi dấu ấn của các nền dân chủ trong quan hệ quốc tế.
Ở trang Châu Á, Libération dành một bài phóng sự về quốc vương Thái Lan, dù "ăn chơi trụy lạc" nhưng có bản lĩnh ứng đáp khi bị phóng viên, tiếp cận bất ngờ, đặt câu hỏi nhạy cảm.
La Croix chú ý đến tình trạng giảm dân số, thiếu nhân công tại Nhật. Quần đảo Phù tang đứng trước vấn nạn : hoặc là mở rộng cửa đón di dân nhập cư, hoặc là chế tạo robot phục vụ. Tokyo chọn giải pháp thứ hai.
Tú Anh