Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/12/2020

Điểm báo Pháp - Giscard d’Estaing, người thúc đẩy dự án Liên Âu

RFI tiếng Việt

Giscard d’Estaing, người thúc đẩy dự án Liên Âu

Cựu tổng thống Pháp Giscard d’Estaing qua đời hôm 02/12/2020, là một chủ đề chính của các báo Pháp hôm nay. Tổng cộng 35 nghìn việc làm tại Pháp dự kiến bị xóa trong ba tháng tới là chủ đề trang nhất của Le Monde. Nhật báo kinh tế Les Échos chú ý đến việc chính quyền Pháp gia hạn cho các công ty bảo hiểm, từ đây đến đầu tuần tới phải có các biện pháp hỗ trợ các nhà hàng, khách sạn bị thiệt hại do Covid.

giscard1

Chân dung chính thức của tổng thống Valéry Giscard d'Estaing.  @ Elysée / Larigue

Le Figaro ngày 03/12 dành trọn phần đầu số báo cho cựu tổng thống Pháp Valéry Giscard d’Estaing, với tựa đề lớn trang nhất : "1926 - 1920. Valéry Giscard d’Estaing, một người Châu Âu". Bài "Valéry Giscard d’Estaing, một con người có khả năng đặc biệt" nhấn mạnh là vị cựu tổng thống vừa qua đời là một người thường không được yêu mến và ít được biết đến, thường xuyên đứng cuối bảng trong số các tổng thống của nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, theo các thăm dò dư luận. Trên thực tế, ông Giscard d’Estaing là "một nhà cải cách lớn", mà lịch sử sẽ phải nhìn nhận công bằng. 

Ba điểm nổi bật của Giscard d’Estaing được Le Figaro nhấn mạnh là "người cánh trung, theo chủ thuyết tự do và người ủng hộ dự án xây dựng Châu Âu"

"Nhiều bước tiến đáng kể của Châu Âu chính là nhờ Valéry Giscard d’Estaing" là một bài viết khác trên Le Figaro. Giscard d’Estaing đã dành một phần lớn cuộc đời cho dự án xây dựng một liên hiệp các quốc gia Châu Âu, mà ông từng hình dung sẽ là người đứng đầu. Ngay từ năm 1966, Giscard d’Estaing đã công khai bày tỏ hy vọng : Cần sáng tạo ra Châu Âu như một thực thể thống nhất, đây chính là nhiệm vụ của thế hệ chúng ta. 

Ngay từ 1974, ông khẳng định : "Chính sách Châu Âu không còn thuộc chính sách đối ngoại nữa", mà phải trở thành chính sách quốc gia. Quan hệ mật thiết giữa ông Giscard và Helmut Schmidt, thủ tướng Đức thời đó, đã góp phần siết chặt quan hệ Pháp - Đức. Ngay từ năm 1974, Giscard đã thúc đẩy nhiều thượng đỉnh Châu Âu, để khẳng định tiếng nói chung của Châu Âu với thế giới. 

Hội Đồng Châu Âu, Nghị Viện Châu Âu, đồng ecu

Trong nhiệm kỳ tổng thống 7 năm của Giscard d'Estaing, cộng đồng Châu Âu gồm 9 nước đã có những bước tiến dài. Về mặt các định chế, vị tổng thống Pháp này đã thúc đẩy thành lập Hội Đồng Châu Âu, thuyết phục các đối tác để người dân Châu Âu trực tiếp bầu ra Nghị Viện Châu Âu, với nhiều quyền hạn hơn. Chính khách Pháp Simone Veil là phụ nữ đầu tiên trở thành chủ tịch Nghị Viện Châu Âu (1979 - 1982), và cũng là chủ tịch Nghị Viện Châu Âu đầu tiên được bầu lên theo thể thức phổ thông đầu phiếu. 

Về mặt kinh tế, cùng với thủ tướng Đức Helmut Schmidt, Giscard d'Estaing đã thúc đẩy việc thành lập ra cơ chế SME, đặt nền móng cho sự ra đời của đồng ecu (tên viết tắt của European Currency Unit, được lập ra từ năm 1979, theo cơ chế SME), và sau đó là đồng euro, đồng tiền chung của 19 nước Châu Âu hiện nay. 

Sau thất bại trong cuộc tái tranh cử tổng thống, Giscard d’Estaing tiếp tục dành nhiều nỗ lực cho Nghị Viện Châu Âu, rồi cho dự án xây dựng tương lai Châu Âu, mang tên Convention sur l’avenir de l’Europe, khởi sự từ năm 2001. Năm 2003, ông Giscard trình dự án về một Hiệp ước Châu Âu, được 25 quốc gia thành viên ký kết năm 2004. Tuy nhiên, dự án đứt gánh giữa chừng, sau khi bị cử tri Pháp bác bỏ trong cuộc trưng cầu dân ý 2005 (với hơn 54% phiếu). 

Quan hệ chiến lược Âu - Mỹ : Cần thoát khỏi cạm bẫy quá khứ

Về quan hệ Âu - Mỹ, Le Monde có bài bình luận đáng chú ý của nhà báo Sylvie Kauffmann mang tựa đề "Thoát khỏi cái bẫy của lập trường tự trị chiến lược".

Vào lúc Hoa Kỳ đang chuẩn bị sang trang nhiệm kỳ Donald Trump, với chính quyền Joe Biden sẵn sàng nối lại quan hệ mật thiết với các đồng minh Châu Âu, về phần Châu Âu cũng cần phải sẵn sàng. Nhà báo Le Monde thuật lại những thay đổi lớn trong lập trường Châu Âu nhằm tái thúc đẩy quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Thay đổi lớn trước hết dựa trên việc vượt qua các bất đồng giữa Pháp và Đức, hai trụ cột của Liêu Âu, xung quanh khái niệm về "tự trị chiến lược". Bất đồng từ một tháng nay làm đau đầu giới chuyên gia về địa chính trị Châu Âu. 

Theo tác giả, có một sự sa lầy vô ích trong cuộc tranh luận về sự "tự trị chiến lược", bởi đây là một khái niệm có thể được hiểu theo các hàm nghĩa hết sức khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Sử gia Justin Vaisse cho biết khái niệm "tự trị chiến lược" xuất hiện trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, với thất bại của Paris và Luân Đôn. Bài học mà chính quyền Pháp rút ra vào thời điểm đó là phải độc lập về quốc phòng, không phụ thuộc vào thế lực nào. Trong khi đó, Anh Quốc duy trì quan điểm cần đến sự bảo trợ của sức mạnh Mỹ. Khái niệm "tự trị chiến lược" đã được Hội Đồng Châu Âu nhất trí thông qua vào năm 2013, với sự đồng thuận của Anh, và một lần nữa vào năm 2016. 

Sử gia Justin Vaisse, nay là người đứng đầu Diễn đàn Hòa bình Paris, kể lại các nỗ lực của Pháp để đưa quan niệm "tự trị chiến lược" vào trong Chiến lược tổng thể của Liên Âu. Ngày 24/06/2016, Chiến lược này được nhất trí thông qua. Tuy nhiên, sự kiện quan trọng này đã bị chìm đi, bởi ngay ngày hôm trước, một biến cố gây chấn động : Nước Anh quyết định rút khỏi Liên Hiệp Châu Âu, sau cuộc trưng cầu dân ý 23/06/2016. 

Năm tháng sau đó, Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Rồi sáu tháng sau, Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp. Hai lãnh đạo Mỹ và Pháp đều đã đặt vấn đề "tự trị chiến lược của Châu Âu" trở lại lịch trình, tuy mỗi bên có một chủ ý rất khác nhau : Trump với chủ nghĩa đơn phương, nước Mỹ trên hết, còn Macron, kế thừa truyền thống "duy ý chí", muốn khẳng định sự độc lập của Châu Âu. 

Tuy nhiên, chiến thắng của Joe Biden khiến sự khác biệt trong lập trường trong vấn đề này giữa Pháp và Đức, trở nên nổi bật. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer, trong một phát biểu mới đây, cho rằng quan điểm "tự trị chiến lược" của Pháp là "ảo tưởng". Quan điểm bị Paris phản bác. Quan hệ mật thiết Đức - Mỹ khiến Berlin lo ngại một lập trường quá độc lập của Pháp. Khả năng phát triển quốc phòng Châu Âu trong những năm tới cũng bị hạn chế rất nhiều, trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Các quốc gia Liên Âu đã quyết định cắt giảm ngân sách quân sự 50% trong 7 năm tới. 

Tham vọng Trung Quốc : Đối thủ chung của Âu - Mỹ

Berlin có quan điểm gần với Luân Đôn hơn Paris trong những vấn đề liên quan đến khối NATO, theo ông Robin Niblett, giám đốc trung tâm tư vấn Anh Chatham House. Trong những năm gần đây, các chính trị gia Đức muốn thúc đẩy khái niệm "chủ quyền" Châu Âu. Giám đốc Chatham House lưu ý khái niệm "chủ quyền Châu Âu" liên quan đến nhiều lĩnh vực, không chỉ quốc phòng. Một lĩnh vực chủ đạo khác là khí hậu, với các vấn đề thuế các-bon, các tiêu chuẩn môi trường, các tiêu chuẩn trong lĩnh vực kỹ thuật số. 

Thay vì tập trung phát triển "tự trị chiến lược" về quân sự, định hướng ưu tiên hiện nay của Liên Âu và NATO là tìm kiếm một quan hệ đối tác chiến lược mới với Hoa Kỳ, sau 4 năm khủng hoảng dưới thời Donald Trump. Báo Anh Financial Times dẫn lại một tài liệu của Ủy Ban Châu Âu mới thảo ra, đề xuất cùng với Washington lập ra một "không gian công nghệ xuyên Đại Tây Dương", có thể trở thành "rường cột cho một liên minh rộng lớn hơn của các nền dân chủ"

Trung Quốc chính là đối thủ chủ yếu của kế hoạch này. Theo nhà báo Le Monde, không nên sa lầy trong các mục tiêu quá khứ, như mưu toan thương thuyết về các thỏa thuận tự do mậu dịch mới, chẳng hứa hẹn điều gì. Đứng ở hàng đầu trong các thách thức của thế kỷ 21 là quyết tâm của Bắc Kinh giành vị trí hàng đầu về công nghệ. Châu Âu và Hoa Kỳ cần phải vượt qua nhiều khác biệt sâu sắc để đoàn kết lại, nếu muốn bảo vệ được quyền lực chi phối trong trận chiến lớn này. 

Hiện tại một cơ sở tư vấn khác, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu (ECFR), cũng đang soạn thảo các đề xuất mà Châu Âu có thể bàn với tân chính quyền Mỹ. Báo cáo của ECFR đưa ra một kế hoạch hành động nhằm hướng đến "thay đổi, chứ không phải phục hồi", trong đó nói rất ít đến vấn đề "tự trị chiến lược", mà đề cập nhiều hơn đến quan hệ "đối tác"

Luật "an ninh toàn diện" : Nhiều bài học cho chính quyền Pháp

Điều 24 của luật về "an ninh toàn diện" bị phản đối dữ dội trong xã hội Pháp là chủ đề xã luận của Le MondeLa Croix. Xã luận Le Monde mang tựa đề : "Các đề xuất cho luật về "an ninh toàn diện : bài học kép của điều 24".

Điều 24 bị phản đối do hạn chế việc phổ biến các hình ảnh cảnh sát thi hành công vụ. Điều khoản bị lên án vì nguy cơ xâm phạm tự do báo chí đã được đảng cầm quyền tuyên bố rút. Theo Le Monde, hiện chưa biết tương lai của điều 24 này sẽ ra sao, bởi hiện tại điều khoản đã được chuyển cho Thượng Viện, do đối lập cánh hữu kiểm soát. 

Le Monde nhấn mạnh là điều 24 được đưa vào không phải là do yêu cầu của các hạ nghị sĩ, mà do bộ Nội Vụ đưa ra, theo đòi hỏi của các nghiệp đoàn cảnh sát, muốn trừng phạt những ai dùng sử dụng các video trên mạng, liên quan đến hình ảnh của cảnh sát. Theo Le Monde, điều khoản này không những có nguy cơ xâm phạm tự do báo chí, mà còn gây nghi ngờ là chính phủ tìm cách che đậy các hành động bạo lực của cảnh sát. Điều đáng nói là bộ trưởng Nội Vụ đã không tìm cách hoá giải khủng hoảng, mà còn có những lời lẽ khiến tình hình nghiêm trọng hơn. 

Theo Le Monde, bài học về mặt chính trị, là việc chính phủ ngả mạnh sang hữu, khiến chính quyền Macron mất cân bằng, thủ tướng thiếu kinh nghiệm chính trị không đủ sức đối phó kịp thời. Về mặt định chế, vai trò của Hạ Viện đã bị coi nhẹ. 

Cũng về chủ đề này, xã luận La Croix với tựa đề "Luật pháp và thời gian" nhấn mạnh đến nguy hại của lối làm việc đốt cháy giai đoạn, không tôn trọng trình tự. Cụ thể như Hạ Viện tuyên bố sẽ viết lại điều khoản bị phản đối, trong lúc văn bản đã được chuyển sang Thượng Viện. 

Giới trẻ Pháp : bất mãn với chính quyền gia tăng 

Một chủ đề chính trên Les Echos là khoảng cách thế hệ. Mục một ngày một sự kiện chính trị nói đến "thế hệ thanh niên 20 tuổi năm 2020 phải chăng đang trên đường ly khai ?".

Tổng thống Pháp ngày 04/12 trên nguyên tắc có cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên kênh truyền thông Brut, được đông đảo người trẻ yêu thích. Mục mỗi ngày một sự kiện chính trị của Les Echos nhấn mạnh đến việc chỉ có 34% người dưới 35 tuổi tin tưởng vào bản thân, so với 49% lớp trung niên.

Chuyên gia về dư luận Chloé Morin nói đến một sự đứt gãy về văn hoá giữa một bộ phận đáng kể thanh niên với phần còn lại của xã hội. "Tuổi 20 vào năm 2020" là tựa đề một cuốn sách vừa ra mắt của hai nhà xã hội học, điều tra về giới trẻ trong xã hội Pháp. Về hàng loạt lĩnh vực, như giới, nữ quyền, sinh thái, hay vấn đề thể chế thế tục với tôn giáo, sự khác biệt giữa thế hệ trẻ với các bậc phụ huynh là rõ nét. 57% người trẻ cáo buộc việc nhân danh thể chế thể tục chống lại các tín đồ Hồi giáo (theo điều tra của Ifop cho Marianne).

Bài "Covid, bạo lực cảnh sát : Emmanuel Macron sẽ nói chuyện trực tiếp với giới trẻ" hoan nghênh sáng kiến của tổng thống Pháp không sử dụng các kênh truyền thông truyền thống, mà nói chuyện trên một phương tiện đã trở thành diễn đàn yêu thích của giới trẻ, cho dù ra đời từ 4 năm nay. Hãng thăm dò Opinion Way cho biết, phát biểu của tổng thống Pháp về tái phong tỏa cuối tháng 10, được gần 80% người trên 65 tuổi theo dõi qua truyền hình, nhưng chỉ được một nửa giới trẻ từ 18 đến 24 tuổi xem. 

Tổng thống Pháp thừa nhận thế hệ trẻ hiện nay đang phải chịu các thiệt thòi vô cùng lớn. Những bất công càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid, khi trường học phải đóng cửa, kinh tế đình trệ, các hoạt động văn hoá đều ngưng lại, hàng quán bị đóng cửa… Trong bối cảnh này, nhiều nhà quan sát dự đoán, bất bình có thể bùng phát thành phản kháng, nếu có ngòi lửa. Bạo lực cảnh sát có thể châm ngòi. Có đến 46% người dưới 30 tuổi nhìn nhận kỳ thị chủng tộc từ phía chính quyền là điều có thực. 

Cơ sở truyền thông Brut cũng là nơi làm việc của phóng viên Rémy Busine, người bị cảnh sát còng tay trong vụ giải tán một điểm tụ hợp của người nhập cư ở quảng trường République hồi tuần trước. 

Đại dịch Covid-19 : Thêm một tài liệu về trách nhiệm Trung Quốc

Vai trò của Trung Quốc trong việc để dịch Covid-19 bùng khắp thế giới tiếp tục được chú ý, với thông tin từ một báo cáo nội bộ Trung Quốc được nhiều báo Mỹ loan tải. Le Monde dẫn lại báo cáo nội bộ dài 117 trang của một cơ quan chuyên môn tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc, cho biết đã xuất hiện bệnh nhân đầu tiên có triệu chứng như người mắc Covid-19 vào ngày 01/12, và số lượng người có triệu chứng bệnh cúm trong tháng 12 tại tỉnh này cao gấp 20 lần so với bình thường. Tuy nhiên, chính quyền đã bỏ qua thực trạng đáng sợ này. 

Theo báo Washington Post, hơn 7.000 mẫu máu do Hội Chữ Thập Đỏ thu được trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12/2019 đến giữa tháng 1/2020, tại Mỹ và Châu Âu, có 106 mẫu chứa virus corona gây bệnh Covid-19, có nghĩa là sớm hơn nhiều so ghi nhận của giới khoa học cho đến nay 

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 494 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)