Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/12/2020

Điểm báo Pháp - Pháp đương đầu với Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Đầu tư : Pháp đương đầu với Trung Quốc

Trong mùa Giáng Sinh "khác thường" năm nay, khi nhân loại phải chung sống với virus corona, sống với lệnh "phong tỏa", và "giới nghiêm" câu chúc lành Joyeux Noel có bị lạc điệu hay không do 2020 đang khép lại với "nhiều vị đắng". Đó là câu hỏi báo chí Pháp ngày 24/12/2020 đặt ra với độc giả.

phap1

Tổng thống Emmanuel Macron tiếp đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm chính thức Pháp ngày 26/03/2019.  AP - Thibault Camus

Nhưng trước hết là một cuộc đọ sức Paris – Bắc Kinh trên hồ sơ "Thỏa thuận Bảo hộ Đầu tư" giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc.

Pháp đặt điều kiện với Trung Quốc

Vào lúc Châu Âu và Trung Quốc mong muốn nhanh chóng đúc kết đàm phán và ký được thỏa thuận bảo hộ đầu tư hai chiều trước cuối năm 2020, trả lời nhật báo Le Monde, bộ trưởng Pháp đặc trách về ngoại thương, Franck Riester mạnh mẽ tuyên bố, để đạt đến đích, Paris cần trông thấy phía "Bắc Kinh đưa ra những cam kết rõ ràng".

Pháp sẽ không ủng hộ thỏa thuận đang được Liên Âu đàm phán nhân danh 27 nước thành viên với phái đoàn Trung Quốc nếu như Bắc Kinh từ chối "phê chuẩn công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, trong đó có biện pháp chống cưỡng bức lao động".

Theo nghiên cứu của chuyên gia người Đức Andrian Zenz công bố hôm 15/12/2020, khoảng 570.000 người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động trên những cánh đồng trồng bông vải tại Tân Cương.

Bộ trưởng Pháp Franck Riester giải thích, có ít nhất hai trở ngại để Paris ủng hộ và đặt bút ký vào thỏa thuận đầu tư Châu Âu–Trung Quốc. Trở ngại thứ nhất : Bắc Kinh chưa đề xuất với các đối tác Châu Âu về một lịch trình đàm phán cụ thể với những nội dụng cụ thể và chưa cam kết là tiến trình đàm phán sẽ kết thúc trong hai năm sắp tới.

Tuy không nói ra nhưng bộ trưởng đặc trách ngoại thương Pháp có hàm ý cảnh báo Trung Quốc là Châu Âu không còn ngây thơ trước chiến thuật câu giờ của Bắc Kinh. Trung Quốc chớ kỳ vọng nhiều vào cung cách đàm phán theo kiểu "đầu xuôi, đuôi lọt" ?

Franck Riester nhắc lại thỏa thuận bảo hộ đầu tư này nhằm "cân bằng hóa đầu tư của Châu Âu vào thị trường Trung Quốc, các điều khoản về cạnh tranh phải công bằng và sòng phẳng". Để đạt được những mục đích đó Trung Quốc cần có những cam kết "rõ ràng về phát triển bền vững" bao gồm hai vế. Một là môi trường và hai là các điều kiện lao động.

Về các chuẩn mực bảo vệ môi trường, Paris nhìn nhận Bắc Kinh đã có những cam kết chống biến đổi khí hậu đáng khích lệ. Ngược lại Trung Quốc vẫn im lặng trên các điều khoản về chuẩn mực lao động. Đây chính là trở ngại thứ nhì được bộ trưởng ngoại thương Pháp nêu lên trong bài trả lời báo Le Monde.

Ông nói rõ : Trung Quốc chưa đưa ra đủ những cam kết tôn trọng công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế và không có một sự bình đẳng cho các doanh nghiệp của Châu Âu vào hoạt động tại Trung Quốc nếu như Bắc Kinh vẫn duy trì chế độ lao động khổ sai.

Frank Riester kết luận : "Thông điệp của Paris rất rõ ràng Bắc Kinh cần phê chuẩn các công ước mà đối với Châu Âu là quan trọng và phải cam kết thực thi những điều khoản quy định". 

Bộ trưởng Pháp nhấn mạnh : phê chuẩn công ước lao động quốc tế là "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua do "những thỏa thuận về thương mại là nhằm thúc đẩy những tiến bộ về phương diện xã hội, là phương tiện để bài trừ nạn cưỡng bức lao động, đặc biệt là trong trường hợp của người Duy Ngô Nhĩ".

Lễ Giáng Sinh buồn

Trở lại với chủ đề Noel, một mùa Giáng Sinh bị Covid-19 "làm đảo lộn" với số ca nhiễm đang "bùng phát trở lại tại một phần Châu Âu" và trong hoàn cảnh đó, Les Echos điểm qua những thay đổi trong sinh hoạt của người dân tại nhiều ước trên Lục địa già.

Người Đức may mắn đón Giáng Sinh trong ba ngày liên tiếp tức là có ít nhất sáu cơ hội để họp mặt gia đình với từng nhóm nhỏ không quá 5 người trên bàn ăn. Nhưng tình hình đang xấu đi đến nỗi chính phủ có thể kéo dài lệnh phong tỏa đến sau ngày 10/01/2020. Tại Nga, virus corona không cấm cản các thành phần giàu có đón Noel ở những nhà nghỉ cá nhân (datcha), đi trượt tuyết trên dãy Kavkaz hay đi ăn nhà hàng.

Các nhà hàng ở Thụy Điển cũng được mở cửa vào dịp Giáng Sinh nhưng trên bàn tiệc chắc chắn là không có rượu kể từ sau 8 giờ tối. Tây Ban Nhà là xứ sở của cuộc sống về đêm thì Noel năm nay cũng bị xáo trộn : tại vùng Pays Basque sát biên giới Pháp, tất cả hàng quán phải tắt đèn từ 6 giờ chiều.

Thủ đô Luân Đôn dưới tác động của Covid-19 biến thể và Brexit đang thiếu bánh Christmas pudding, các quán Pub rất đặc trưng của nước Anh im lìm chìm trong bóng tối. Niềm an ủi duy nhất và cũng là truyền thống bất di bất dịch của vương quốc Anh là bài diễn văn của nữ hoàng Elizabeth được phát trực tiếp trên truyền hình ngày 25/12 như hàng năm và đêm 24/12 dàn đồng ca của King’s Collège đem tiếng hát sưởi ấm từng nhà với những bản nhạc Giáng Sinh quen thuộc vẫn được duy trì.

Noel và nước mắt

Trang nhất báo Le Figaro đăng bức ảnh một cô gái quàng khăn đỏ đơn côi trên một băng ghế dài chắp tay cầu nguyên như thể trong thánh đường. Nhưng chung quanh cô gái là cảnh tượng hoang tàn đổ nát : "Armenia, Lebanon, Syria, Iraq : lễ Giáng Sinh thê lương của người Công giáo ở Trung Đông".

phap02 (3)

Bài xã luận mang tựa đề "Noel nơi này và ở những chốn khác" mở đầu như sau : đêm nay ở mọi nơi trên đất Pháp các tín đồ dự lễ nửa đêm trong không khí lạ kỳ. Phải giữ chỗ qua mạng internet như giữ vé đi xem hát, mới đến được nhà thờ, rồi những hàng ghế trong các nhà nguyện bị phong tỏa. Đó là chưa kể khẩu trang và dung dịch cồn để rửa tay đã trở thành vật bất ly thân.

Đi lễ trong những điều kiện gò bó đó chẳng vui thú gì. Năm nay là một mùa Giáng Sinh đầy nước mắt. Virus corona đem lại tang tóc cho biết bao nhiêu nhà. Hãy ngước mắt lên trời cao nhìn xa hơn ở Thượng Karabakh hàng ngàn người Armenia cửa nát nhà tan sau vài tuần lễ giao tranh. Thánh đường ở Chouchi, tu viện Dadivank, những kiến trúc được ví như các viên ngọc quý của người Thiên Chúa gáo đã bị tàn phá.

Sáu tháng sau vụ nổ kinh hoàng ở hải cảng Beirut, dân Lebanon đón Giáng Sinh với trái tin tan vỡ. Syria, Iraq sau nhiều năm sống dưới gọng kềm của quân Daesh, những phần tử Hồi giáo cực đoan tàn bạo, dân chúng chỉ còn biết xoa dịu vết thương bằng nước mắt

Trong hoàn cảnh đó, Le Figaro đặt hỏi "Joyeux Noel", gửi đến nhau lời cầu chúc an lành cho một mùa Giáng Sinh hạnh phúc có còn ý nghĩa gì nữa hay không ?

Báo công giáo La Croix lạc quan hơn gửi đến độc giả hình ảnh một trái tim màu hồng rực rỡ thắp sáng đêm đen trên quảng trường Place de la Comédie ở thành phố Montpellier miền nam nước Pháp. Bên cạnh là hàng tựa lớn "Những gì liên kết mỗi chúng ta".

Ở trang trong tờ báo thuật lại bốn câu chuyện đầy nhân tính có thực ngoài đời : Carmen một bà bán rau quả người Equador cứu mạng một phụ nữ nhập cư Venezuela và cô con gái nhỏ. Mái nhà đơn sơ của bà là chặng tiếp tế đầu tiên cho hàng chục ngàn con người kiệt sức từ Venezuela đi tìm miếng cơm.

Trường hợp thứ nhì là một chút tình người đã cứu giúp một thanh niên vô gia cư mới chỉ 20 tuổi tìm lại được chỗ đứng trong xã hội Pháp và nhất là sự quan tâm của những người chung quanh giúp chàng trai này "làm lại cuộc đời". Còn hai câu chuyện với những hồi kết có hậu.

2020 : Tình người và sức chịu đựng

Khác với các tờ báo ra cùng ngày, Libération gần như không đả động đến lễ Giáng Sinh hay mùa Noel mà dành trọn số báo trong ngày để điểm lại toàn bộ tình hình trong năm : "2020, một năm sống với Covid-19".

Pháp bế quan tỏa cảng, có lúc thực sự là "nằm im thở nhẹ" mà nói theo tiếng Pháp là "mettre sous cloche" để chờ xem virus corona diễn tiến thế nào. 2020 là năm mà trong thời bình, dân Pháp nếm mùi "xếp hàng" khi đi chợ hay mua thuốc.

Với cả hành tinh, kinh tế đã chựng lại, các quyền tự do đi lại bị hạn chế hơn bao giờ hết, cả một thế hệ trẻ bị hy sinh. Đây cũng là lần đầu tiên toàn thế giới chấp nhận hy sinh tăng trưởng để cứu lấy mạng người, công nghệ số số thăng hoa. Cũng chưa bao giờ Nhà nước lại can thiệp nhiều vào kinh tế như năm nay với những gói kích cầu hàng trăm, hàng ngàn tỷ đô la. Thế giới "nợ ngập đầu mà không mấy ai lên tiếng phản đối".

2020 sắp tàn, nhiều người đang hy vọng virus corona cũng tàn theo. Điều may mắn cho nhân loại như ghi nhận của Libération là trong cơn hoạn nạn, con người biết đoàn kết, chịu đựng, can đảm và kiên nhẫn. Kèm theo đó là, như người Việt hay nói, "cái khó ló cái khôn" : đó là tất cả những gì nhân loại đã trải qua trong 12 tháng của năm 2020.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 525 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)