Sau khi cảnh báo nguy cơ từ Nga, "gà trống Gô-loa" chuẩn bị đối phó với Trung Quốc
Trả lời phỏng vấn của The Economist, tổng thống Pháp cảnh báo "Một nền văn minh có thể chết đi" và hồi kết có nguy cơ "tàn bạo", nhấn mạnh Ukraine "không thể và không được thua". Trên Le Point, triết gia Bernard-Henri Levy lấy làm tiếc khi cuộc gặp sắp tới với Tập Cận Bình ít được nói đến, vì Trung Quốc chính là chế độ độc tài xảo quyệt nhất.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại đại học Sorbonne ở Paris ngày 25/04/2024. via Reuters – Christophe Petit Tesson
Nhân kỷ niệm ngày chiến thắng phát-xít Đức, đa số tuần báo Pháp đều ra số đúp để tuần sau nghỉ. Courrier International chọn một đề tài nhẹ nhàng "Những người bạn trong cuộc đời", hồ sơ L’Express dành cho những biến thái của quản trị. Le Point đả kích những kiểu làm săng-ta của nghiệp đoàn các nhân viên hỏa xa, kiểm soát không lưu… trước Thế vận hội, gọi đó là "Vụ trấn lột lớn". Le Nouvel Obs quay lại với lịch sử "Năm 1944 : Mùa hè dài nhất" với 18 câu chuyện độc đáo trong dịp giải phóng nước Pháp. The Economist dành hồ sơ cho tổng thống Pháp, chạy tít trang bìa "Châu Âu đang gặp nguy hiểm chết người : Một cuộc phỏng vấn với Emmanuel Macron".
Macron : "Nền văn minh Châu Âu có thể lụi tàn"
Tuần báo Anh nhận thấy cách đây bảy năm, khi Emmanuel Macron vừa được bầu làm tổng thống Pháp, ông có tầm nhìn rất lạc quan về Châu Âu. Còn nhà lãnh đạo mà The Economist tiếp xúc hôm 29/04 tại điện Élysée là một nhân vật đầy ưu tư. Macron không hề mất đi năng lượng đấu tranh, nhưng phân tích của ông về những mối đe dọa đang đè nặng lên Châu lục thì hoàn toàn u ám.
Tổng thống Pháp lo lắng về an ninh Châu Âu, vốn là sự bảo đảm cho thịnh vượng và tự do dân chủ. Ông cảnh báo "Một nền văn minh có thể chết đi" và hồi kết có nguy cơ "tàn bạo". "Mọi sự có thể đến nhanh hơn là người ta tưởng". Nỗi lo của ông không chỉ liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu (EU) và việc bảo vệ châu lục, mà còn là sự vĩnh cửu của toàn bộ quy luật và giá trị đã gắn liền với mọi người Châu Âu.
Macron nhận diện ba cú sốc liên quan với nhau, tạo thành một thời điểm đặc biệt nguy hiểm trong lịch sử châu lục. Về địa chính trị là đối phó với nước Nga của Vladimir Putin trong lúc cam kết của Hoa Kỳ không bảo đảm trong tương lai. Sau thời gian dài không muốn "sỉ nhục" Moskva, Emmanuel Macron đã trở thành một trong những con diều hâu quyết liệt nhất ở Châu Âu. Nêu ra một loạt những hành động hiếu chiến của Nga cùng với lời đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử, cuộc chiến đa diện và việc bóp méo thông tin, ông nhấn mạnh "Nếu Nga thắng ở Ukraine, sẽ không có an ninh ở Châu Âu". Ai có thể chắc rằng Putin sẽ dừng lại ?
Không loại trừ việc can thiệp vào Ukraine, "vì Putin không từ một điều gì"
Pháp nay cùng với Mỹ dẫn đầu một liên minh nhằm cung cấp đạn pháo cho Kiev, ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraine. Tổng thống Macron tái khẳng định không loại trừ khả năng can thiệp tại chỗ, "vì Putin không loại trừ bất cứ điều gì". Châu Âu không có chọn lựa nào khác là phải tự vệ, ông mong muốn một cộng đồng chính trị với sự tham gia của các thành viên EU và những nước thứ ba. Sức mạnh răn đe nguyên tử của Pháp có thể đóng góp vào an ninh khu vực, đồng thời tăng cường hợp tác song phương về quốc phòng. Mối nguy thứ hai là cú sốc kinh tế và công nghệ từ Trung Quốc. Châu Âu đang chậm chân trong những lãnh vực quan trọng như công nghệ cao, tin học lượng tử, đang bị xe điện được trợ giá của Trung Quốc tràn ngập.
Cuối cùng là mối đe dọa về dân chủ : dân tộc chủ nghĩa được hỗ trợ bằng các chiến dịch bóp méo thông tin. Ông đề nghị đọc lại Marc Bloch, nhà sử học Pháp bị Gestapo hành quyết. Trong tác phẩm "Cuộc bại trận kỳ lạ", Bloch nhận định giới tinh hoa đã tạo điều kiện cho nước Pháp rơi vào tay bọn quốc xã năm 1940 vì thiển cận và tinh thần chủ bại. Theo tổng thống Pháp, "Chủ bại có nghĩa là coi là chuyện bình thường và ngưng chiến đấu". Tuy nhiên những mối nguy không ngăn bước được vị tổng thống 46 tuổi, đã đương đầu với nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ. Không thể ra tranh cử lần thứ ba vào năm 2027, Emmanuel Macron có ba năm để củng cố di sản của mình.
"Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng"
Trong bài "Macron, Ukraine, Châu Âu và Trung Quốc" đăng trên Le Point, triết gia Bernard-Henri Lévy rút ra ba bài học từ cuộc trả lời phỏng vấn của tổng thống Pháp, về tương lai Châu Âu, về việc chống lại Vladimir Putin và đế quốc Trung Hoa. Sai lầm của người Châu Âu có lẽ là sống trong ảo tưởng một châu lục tiến bộ theo "chiều hướng của lịch sử". Theo tác giả, cần chấm dứt với một Châu Âu cấp tiến và lười biếng, không có sức bật. Ngồi trong toa tàu cuối của Lịch sử và thiu thiu ngủ, tin rằng dù không làm gì vẫn sẽ tới được điểm cuối cùng, đây chính là vết thương của mọi chiến dịch bầu cử Châu Âu từ 30 năm qua.
Điểm đáng chú ý của cuộc phỏng vấn này, là sự khẳng định sẽ sát cánh với Ukraine đến cùng - có nghĩa là, nếu người Ukraine yêu cầu, có thể gởi bộ binh sang – và thêm một lần nữa nhấn mạnh "quân đội của Zelensky không thể và không được thua". Phe chủ bại mặc sức kêu gào nguy cơ đại chiến thế giới !
Tổng thống Pháp trên thực tế đã nhắc lại ba điều. Thứ nhất, Châu Âu không muốn chiến tranh với Putin, nhưng chính Putin đã tuyên chiến. Thứ hai, khi chi viện vũ khí cho Ukraine, không phải Châu Âu làm từ thiện mà nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và châu lục. Cuối cùng, có ít nhất hai cách tự vệ. Hoặc giải giáp quy hàng, tin rằng sẽ làm con quái thú nương tay nhưng rốt cuộc dẫn đến thất bại. Hoặc đối đầu, bênh vực các đồng minh và buộc lùi bước kẻ không hề giấu diếm ý định sau Ukraine sẽ tấn công Georgia (Gruzia) rồi Moldova, các nước Baltic, và mục đích tối hậu là nền văn minh Châu Âu.
Trung Quốc, chế độ độc tài nguy hiểm nhất
Ông Lévy lấy làm tiếc là chủ đề thứ ba được đề cập rất ít trong cuộc phỏng vấn: Chuyến thăm Paris của chủ tịch Trung Quốc. Một nước Trung Hoa diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, cướp nội tạng các tù nhân lương tâm, một nhà tù khổng lồ, nơi đàn áp người Công giáo, Phật giáo Tây Tạng, học viên Pháp Luân Công. Trung Quốc chính là chế độ độc tài xảo quyệt và hung hăng nhất, mà người ta hy vọng tổng thống Pháp sẽ nhớ lại trong những cuộc nói chuyện riêng với đồng nhiệm.
Nhưng đó còn là một Trung Quốc giàu có, đang mong muốn vượt qua Hoa Kỳ để trở thành siêu cường số một thế giới. Putin không trụ nổi được tám ngày nếu Bắc Kinh không mua ồ ạt dầu lửa. Hôm 31/01, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân (Dong Jun) lần đầu tiên đã chính thức nói với Sergey Shoigu "ủng hộ về hồ sơ Ukraine". Macron không thể không tìm cách khuyến cáo Trung Quốc nên trung dung hơn.
"Gà trống" Macron sẽ nói gì với "gấu trúc" Tập Cận Bình ?
L’Express ví von "Macron và Tập Cận Bình : Gà trống và gấu trúc trên vùng núi ở Midi". Chuyến thăm Pháp của ông Tập từ 06-07/05 nhằm kỷ niệm 60 quan hệ ngoại giao diễn ra trong bối cảnh chiến tranh thương mại và bất đồng về địa chính trị.
Hồi tháng 3/2019 nhân kỷ niệm 55 năm, Tập Cận Bình đã tặng cho Emmanuel Macron một chiếc bình có hình một chú gà trống và một con gấu trúc. Ông Macron tặng lại bản dịch đầu tiên tư tưởng Khổng Tử có từ năm 1688. Đó là thời trước Covid, trước cuộc xâm lăng Ukraine và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ. Lần này thì ngôn ngữ ngoại giao khó thể xóa đi được những chủ đề gây bất mãn.
Về Ukraine, đã nhiều tháng qua Bắc Kinh hỗ trợ đắc lực cho Moskva. Mỹ khẳng định Trung Quốc sẽ tăng tốc và chuyển giao vũ khí cho Nga – một lằn ranh đỏ sẽ khiến tổng thống Pháp phản ứng. Về thương mại cũng rất phức tạp. Sau khi đại dịch Covid bùng nổ, Emmanuel Macron đã hứa sẽ không còn quá lệ thuộc vào Trung Quốc, nhưng điều này hãy còn xa vời. Thâm hụt thương mại vượt quá 40 tỉ euro, và trong những lãnh vực tương lai Pháp đang thua : xe hơi điện được trợ giá mạnh mẽ ồ ạt đổ vào Pháp.
Paris dựa vào cuộc phản công của Ủy Ban Châu Âu, tố cáo việc Trung Quốc bán phá giá. Bắc Kinh đã chuẩn bị trả đũa, trong trường hợp bị Châu Âu trừng phạt, các nhà sản xuất rượu cognac sẽ trở thành nạn nhân. Kỹ nghệ mỹ phẩm Pháp cũng nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh. Trong 60 năm qua, tương quan sức mạnh đôi bên đã đảo ngược. Hồi đó, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Pháp gấp 1,6 lần Trung Quốc, ngày nay GDP Trung Quốc cao gấp 5,6 lần Pháp. Bắc Kinh đã thức dậy từ rất lâu, và chuông báo thức chỉ mới vừa rung lên tại Châu Âu.
80 năm sau cuộc đổ bộ Normandy, thế giới tự do lại bị thách thức
Quay lại với lịch sử, xã luận của Le Nouvel Obs nhắc nhở "Ngày 9 tháng Sáu, là D-Day của Châu Âu". Ba ngày sau lễ kỷ niệm 80 năm đồng minh đổ bộ, 360 triệu cử tri Liên Hiệp Châu Âu được mời gọi đến phòng phiếu để bầu ra các đại diện tại Nghị Viện Châu Âu ở Bruxelles và Strasbourg. Hơn bao giờ hết, số phận của Châu Âu đang được định đoạt.
Đúng vào ngày 06/06 năm nay, khoảng ba mươi nhà lãnh đạo Châu Âu sẽ có mặt tại Omaha Beach (Calvados) để mừng 80 năm lực lượng đồng minh đổ bộ xuống bãi biển Normandy, và vinh danh "những người lính của tự do", được 200 cựu chiến binh đại diện. Ngày 06/06/1944 là mùa hè dài nhất trong lịch sử mà Le Nouvel Obs thuật lại những câu chuyện ly kỳ trong hồ sơ tuần này. Ngày hôm ấy khởi đầu công cuộc giải phóng châu lục khỏi phát-xít, hòa bình quay lại, trật tự quốc tế mới… Giờ đây còn lại gì ?
Những giá trị của "thế giới tự do" đang bị thách thức. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hiện diện trong buổi lễ, vẫn là nhà lãnh đạo của phương Tây. Nhưng vụ khủng bố của Hamas nhắm vào thường dân Israel hôm 07/10/2023 đã khiến Nhà nước Do Thái trả đũa nặng tay mà Chú Sam không kiểm soát nổi, sự lãnh đạo của Mỹ bị thách thức ở nhiều nơi. Ngay trong nước Mỹ, ông Biden phải đối phó với phong trào ủng hộ Gaza và đối thủ dân túy Donald Trump. Với hệ thống bầu cử hiện nay, nếu Trump chiến thắng tại vài bang quan trọng sẽ đẩy toàn thế giới vào bất định, thậm chí hỗn loạn.
Trước khúc quanh lịch sử, cử tri Châu Âu vẫn thờ ơ
Sau hơn hai năm chiến tranh, số phận của Ukraine đang bị nước Nga của Vladimir Putin chiếm đóng một phần, lệ thuộc vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ hơn bao giờ hết. L’Express phân tích "Bốn cuộc chiến tranh của Ukraine". Người Ukraine đang phải chiến đấu cùng lúc trong bốn cuộc chiến : trên thực địa với quân Nga, cuộc chiến tâm lý trong đầu, cuộc chiến pháp lý để lập hồ sơ một cách khoa học về các tội ác chiến tranh của Nga, và cuộc chiến ngoại giao. Có hai điểm nhấn buộc các đồng minh phải hành động nhanh chóng : bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11, và hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ tháng Sáu.
Le Nouvel Obs nhắc lại, nhờ sự thay đổi của các dân biểu Cộng hòa vào phút chót, gói viện trợ 61 tỉ đô la đã được thông qua để ngăn chận nhà độc tài điện Kremlin. Hết đạn pháo, phải đối đầu với quân Nga đông đảo, đất nước của Volodymyr Zelensky đã kiệt quệ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Donald Trump vốn có cảm tình với Vladimir Putin đắc cử vào tháng 11 tới, Ukraine có thể bị bỏ rơi hay không ? Trong khi định mệnh Châu Âu đang chao đảo, gần phân nửa trong số 360 triệu cử tri, không quan tâm đến cả quá khứ lẫn hiện tại, có thể vắng mặt trong cuộc bầu cử ngày 09/06.
Một sự dửng dưng đáng ngại, tuy trải qua những cuộc khủng hoảng liên tiếp trong năm năm qua từ Brexit, Covid đến Ukraine, 7/10 người Châu Âu từ nay nghĩ rằng đất nước mình có lợi khi là thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU). Một làn sóng dân tộc chủ nghĩa và dân túy đang lớn dần trong các cuộc thăm dò, các đảng cực hữu dẫn đầu ở Bỉ, Hungary, Ý và nhất là Pháp. "Châu Âu của chúng ta có thể bị diệt vong" - Emmanuel Macron đã bi thảm hóa trong bài diễn văn ở đại học Sorbonne, cổ vũ cho một "Châu Âu hùng mạnh", bắt đầu từ quốc phòng. Liệu ông có được lắng nghe hay không ? Không chắc rằng một bài diễn văn bốc lửa ở Omaha Beach đủ để thay đổi cuộc bầu cử.
Nga đã bại trận ở Hắc Hải như thế nào ?
Về quân sự, điều gây bất ngờ cho mọi người là Ukraine chận được các hoạt động của Nga trên Hắc Hải, dù không gần như không có hải quân. Bắt đầu là vụ đánh đắm soái hạm Moskva hôm 13/04/2022, cho đến nay vẫn là sỉ nhục lớn cho Kremlin. Chưa có soái hạm nào bị đánh chìm xuống đáy biển kể từ sau chiếc Knyaz Suvorov năm 1905 trong chiến tranh Nga-Nhật. Đến nay quân Nga đã mất khoảng 20 tàu chiến, tức 30% Hạm đội Hắc Hải. Gần đây nhất là ngày 21/04, một tàu cứu hộ tàu ngầm ở Crimea bị tấn công, và một tháng trước đó, bốn chiến hạm Nga tại cảng Sevastopol cũng trở thành nạn nhân.
Một hiện tượng mới trong chiến tranh Ukraine là dù không có tàu, vẫn có thể kiểm soát được ở khoảng cách từ 200 đến 300 kilomet bờ biển. Radar, drone và hỏa tiễn giá rẻ đã hoàn toàn thay đổi tình thế. Những thiệt hại của hạm đội khiến kịch bản Nga tấn công từ biển trở nên xa vời. Tàu đổ bộ Ropucha đã bị tiêu diệt nên không thể xâm nhập Odessa, và tệ hơn nữa là Nga không thể được các hạm đội khác (Bắc Hải, Baltic và Thái Bình Dương) chi viện vì eo biển Dardanelles và Bosphore đã bị Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa từ đầu cuộc chiến. Trước những thất bại, hôm 02/04, Vladimir Putin đã bổ nhiệm một tư lệnh mới cho Hạm đội Hắc Hải – đây là chỉ huy thứ ba kể từ đầu cuộc xâm lăng.
Ngành khí đốt Nga gục ngã sau cuộc xâm lăng
Trên lãnh vực kinh tế, The Economist nhận định "Lãnh vực khí đốt của Nga sẽ không bao giờ hồi phục nổi sau cuộc chiến tranh ở Ukraine". Khi ngưng giao khí đốt cho EU năm 2022, Kremlin ngỡ rằng đó là quyết định khôn ngoan : giá cả lập tức tăng lên giúp Nga bỏ túi rất nhiều tiền dù khối lượng xuất khẩu ít đi. Nhưng hai năm sau, Châu Âu vốn mua đến 40% khí đốt từ Nga đã trải qua một mùa đông êm dịu và nhập khẩu số lượng lớn khí hóa lỏng (GNL) của Mỹ, lượng khí đốt dự trữ của Châu Âu cao hơn bao giờ hết. Và tập đoàn Gazprom chẳng thu được một đồng lợi nhuận nào. Nga gặp khó trong việc chuyển hướng 180 tỉ mét khối khí đốt, chiếm 80% lượng xuất khẩu dầu khí trước đây bán cho Châu Âu.
Moskva sử dụng đường ống Power of Siberia để bán khí đốt cho Trung Quốc, và đặt hy vọng vào một đường ống thứ hai. Vấn đề là không chắc Bắc Kinh thực sự muốn có Power of Siberia 2, vì không muốn lệ thuộc vào một nguồn cung nào. Ngược lại Gazprom thì lệ thuộc vào khách hàng duy nhất là Trung Quốc, và sắp tới sẽ bị Bắc Kinh ép giá khủng khiếp, từ 320 đô la một mét khối dự kiến chỉ còn 257 đô la. Trừng phạt của phương Tây không ngăn cản được cuộc xâm lăng Ukraine, nhưng là một đòn nặng cho tương lai nước Nga với tư cách nhà xuất khẩu năng lượng chủ chốt.
Thụy My
Trong mùa Giáng Sinh "khác thường" năm nay, khi nhân loại phải chung sống với virus corona, sống với lệnh "phong tỏa", và "giới nghiêm" câu chúc lành Joyeux Noel có bị lạc điệu hay không do 2020 đang khép lại với "nhiều vị đắng". Đó là câu hỏi báo chí Pháp ngày 24/12/2020 đặt ra với độc giả.
Nhưng trước hết là một cuộc đọ sức Paris – Bắc Kinh trên hồ sơ "Thỏa thuận Bảo hộ Đầu tư" giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc.
Vào lúc Châu Âu và Trung Quốc mong muốn nhanh chóng đúc kết đàm phán và ký được thỏa thuận bảo hộ đầu tư hai chiều trước cuối năm 2020, trả lời nhật báo Le Monde, bộ trưởng Pháp đặc trách về ngoại thương, Franck Riester mạnh mẽ tuyên bố, để đạt đến đích, Paris cần trông thấy phía "Bắc Kinh đưa ra những cam kết rõ ràng".
Pháp sẽ không ủng hộ thỏa thuận đang được Liên Âu đàm phán nhân danh 27 nước thành viên với phái đoàn Trung Quốc nếu như Bắc Kinh từ chối "phê chuẩn công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, trong đó có biện pháp chống cưỡng bức lao động".
Theo nghiên cứu của chuyên gia người Đức Andrian Zenz công bố hôm 15/12/2020, khoảng 570.000 người Duy Ngô Nhĩ bị cưỡng bức lao động trên những cánh đồng trồng bông vải tại Tân Cương.
Bộ trưởng Pháp Franck Riester giải thích, có ít nhất hai trở ngại để Paris ủng hộ và đặt bút ký vào thỏa thuận đầu tư Châu Âu–Trung Quốc. Trở ngại thứ nhất : Bắc Kinh chưa đề xuất với các đối tác Châu Âu về một lịch trình đàm phán cụ thể với những nội dụng cụ thể và chưa cam kết là tiến trình đàm phán sẽ kết thúc trong hai năm sắp tới.
Tuy không nói ra nhưng bộ trưởng đặc trách ngoại thương Pháp có hàm ý cảnh báo Trung Quốc là Châu Âu không còn ngây thơ trước chiến thuật câu giờ của Bắc Kinh. Trung Quốc chớ kỳ vọng nhiều vào cung cách đàm phán theo kiểu "đầu xuôi, đuôi lọt" ?
Franck Riester nhắc lại thỏa thuận bảo hộ đầu tư này nhằm "cân bằng hóa đầu tư của Châu Âu vào thị trường Trung Quốc, các điều khoản về cạnh tranh phải công bằng và sòng phẳng". Để đạt được những mục đích đó Trung Quốc cần có những cam kết "rõ ràng về phát triển bền vững" bao gồm hai vế. Một là môi trường và hai là các điều kiện lao động.
Về các chuẩn mực bảo vệ môi trường, Paris nhìn nhận Bắc Kinh đã có những cam kết chống biến đổi khí hậu đáng khích lệ. Ngược lại Trung Quốc vẫn im lặng trên các điều khoản về chuẩn mực lao động. Đây chính là trở ngại thứ nhì được bộ trưởng ngoại thương Pháp nêu lên trong bài trả lời báo Le Monde.
Ông nói rõ : Trung Quốc chưa đưa ra đủ những cam kết tôn trọng công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế và không có một sự bình đẳng cho các doanh nghiệp của Châu Âu vào hoạt động tại Trung Quốc nếu như Bắc Kinh vẫn duy trì chế độ lao động khổ sai.
Frank Riester kết luận : "Thông điệp của Paris rất rõ ràng Bắc Kinh cần phê chuẩn các công ước mà đối với Châu Âu là quan trọng và phải cam kết thực thi những điều khoản quy định".
Bộ trưởng Pháp nhấn mạnh : phê chuẩn công ước lao động quốc tế là "lằn ranh đỏ" không thể vượt qua do "những thỏa thuận về thương mại là nhằm thúc đẩy những tiến bộ về phương diện xã hội, là phương tiện để bài trừ nạn cưỡng bức lao động, đặc biệt là trong trường hợp của người Duy Ngô Nhĩ".
Trở lại với chủ đề Noel, một mùa Giáng Sinh bị Covid-19 "làm đảo lộn" với số ca nhiễm đang "bùng phát trở lại tại một phần Châu Âu" và trong hoàn cảnh đó, Les Echos điểm qua những thay đổi trong sinh hoạt của người dân tại nhiều ước trên Lục địa già.
Người Đức may mắn đón Giáng Sinh trong ba ngày liên tiếp tức là có ít nhất sáu cơ hội để họp mặt gia đình với từng nhóm nhỏ không quá 5 người trên bàn ăn. Nhưng tình hình đang xấu đi đến nỗi chính phủ có thể kéo dài lệnh phong tỏa đến sau ngày 10/01/2020. Tại Nga, virus corona không cấm cản các thành phần giàu có đón Noel ở những nhà nghỉ cá nhân (datcha), đi trượt tuyết trên dãy Kavkaz hay đi ăn nhà hàng.
Các nhà hàng ở Thụy Điển cũng được mở cửa vào dịp Giáng Sinh nhưng trên bàn tiệc chắc chắn là không có rượu kể từ sau 8 giờ tối. Tây Ban Nhà là xứ sở của cuộc sống về đêm thì Noel năm nay cũng bị xáo trộn : tại vùng Pays Basque sát biên giới Pháp, tất cả hàng quán phải tắt đèn từ 6 giờ chiều.
Thủ đô Luân Đôn dưới tác động của Covid-19 biến thể và Brexit đang thiếu bánh Christmas pudding, các quán Pub rất đặc trưng của nước Anh im lìm chìm trong bóng tối. Niềm an ủi duy nhất và cũng là truyền thống bất di bất dịch của vương quốc Anh là bài diễn văn của nữ hoàng Elizabeth được phát trực tiếp trên truyền hình ngày 25/12 như hàng năm và đêm 24/12 dàn đồng ca của King’s Collège đem tiếng hát sưởi ấm từng nhà với những bản nhạc Giáng Sinh quen thuộc vẫn được duy trì.
Trang nhất báo Le Figaro đăng bức ảnh một cô gái quàng khăn đỏ đơn côi trên một băng ghế dài chắp tay cầu nguyên như thể trong thánh đường. Nhưng chung quanh cô gái là cảnh tượng hoang tàn đổ nát : "Armenia, Lebanon, Syria, Iraq : lễ Giáng Sinh thê lương của người Công giáo ở Trung Đông".
Bài xã luận mang tựa đề "Noel nơi này và ở những chốn khác" mở đầu như sau : đêm nay ở mọi nơi trên đất Pháp các tín đồ dự lễ nửa đêm trong không khí lạ kỳ. Phải giữ chỗ qua mạng internet như giữ vé đi xem hát, mới đến được nhà thờ, rồi những hàng ghế trong các nhà nguyện bị phong tỏa. Đó là chưa kể khẩu trang và dung dịch cồn để rửa tay đã trở thành vật bất ly thân.
Đi lễ trong những điều kiện gò bó đó chẳng vui thú gì. Năm nay là một mùa Giáng Sinh đầy nước mắt. Virus corona đem lại tang tóc cho biết bao nhiêu nhà. Hãy ngước mắt lên trời cao nhìn xa hơn ở Thượng Karabakh hàng ngàn người Armenia cửa nát nhà tan sau vài tuần lễ giao tranh. Thánh đường ở Chouchi, tu viện Dadivank, những kiến trúc được ví như các viên ngọc quý của người Thiên Chúa gáo đã bị tàn phá.
Sáu tháng sau vụ nổ kinh hoàng ở hải cảng Beirut, dân Lebanon đón Giáng Sinh với trái tin tan vỡ. Syria, Iraq sau nhiều năm sống dưới gọng kềm của quân Daesh, những phần tử Hồi giáo cực đoan tàn bạo, dân chúng chỉ còn biết xoa dịu vết thương bằng nước mắt
Trong hoàn cảnh đó, Le Figaro đặt hỏi "Joyeux Noel", gửi đến nhau lời cầu chúc an lành cho một mùa Giáng Sinh hạnh phúc có còn ý nghĩa gì nữa hay không ?
Báo công giáo La Croix lạc quan hơn gửi đến độc giả hình ảnh một trái tim màu hồng rực rỡ thắp sáng đêm đen trên quảng trường Place de la Comédie ở thành phố Montpellier miền nam nước Pháp. Bên cạnh là hàng tựa lớn "Những gì liên kết mỗi chúng ta".
Ở trang trong tờ báo thuật lại bốn câu chuyện đầy nhân tính có thực ngoài đời : Carmen một bà bán rau quả người Equador cứu mạng một phụ nữ nhập cư Venezuela và cô con gái nhỏ. Mái nhà đơn sơ của bà là chặng tiếp tế đầu tiên cho hàng chục ngàn con người kiệt sức từ Venezuela đi tìm miếng cơm.
Trường hợp thứ nhì là một chút tình người đã cứu giúp một thanh niên vô gia cư mới chỉ 20 tuổi tìm lại được chỗ đứng trong xã hội Pháp và nhất là sự quan tâm của những người chung quanh giúp chàng trai này "làm lại cuộc đời". Còn hai câu chuyện với những hồi kết có hậu.
Khác với các tờ báo ra cùng ngày, Libération gần như không đả động đến lễ Giáng Sinh hay mùa Noel mà dành trọn số báo trong ngày để điểm lại toàn bộ tình hình trong năm : "2020, một năm sống với Covid-19".
Pháp bế quan tỏa cảng, có lúc thực sự là "nằm im thở nhẹ" mà nói theo tiếng Pháp là "mettre sous cloche" để chờ xem virus corona diễn tiến thế nào. 2020 là năm mà trong thời bình, dân Pháp nếm mùi "xếp hàng" khi đi chợ hay mua thuốc.
Với cả hành tinh, kinh tế đã chựng lại, các quyền tự do đi lại bị hạn chế hơn bao giờ hết, cả một thế hệ trẻ bị hy sinh. Đây cũng là lần đầu tiên toàn thế giới chấp nhận hy sinh tăng trưởng để cứu lấy mạng người, công nghệ số số thăng hoa. Cũng chưa bao giờ Nhà nước lại can thiệp nhiều vào kinh tế như năm nay với những gói kích cầu hàng trăm, hàng ngàn tỷ đô la. Thế giới "nợ ngập đầu mà không mấy ai lên tiếng phản đối".
2020 sắp tàn, nhiều người đang hy vọng virus corona cũng tàn theo. Điều may mắn cho nhân loại như ghi nhận của Libération là trong cơn hoạn nạn, con người biết đoàn kết, chịu đựng, can đảm và kiên nhẫn. Kèm theo đó là, như người Việt hay nói, "cái khó ló cái khôn" : đó là tất cả những gì nhân loại đã trải qua trong 12 tháng của năm 2020.
Thanh Hà
‘Con virus đáng sợ’ của Trung Quốc, bài viết cũ làm người Pháp lo ngại
Thụy My, RFI, 17/04/2020
"Một con virus đáng lo sợ được tạo ra tại Trung Quốc", đó là tựa đề một bài báo đăng trên tờ Le Parisien cách đây bảy năm, vào ngày 05/05/2013, được độc giả truy cập rất nhiều từ vài tuần qua và phổ biến cho nhau trên mạng xã hội, kể cả ở Việt Nam, đến nỗi tòa soạn cách đây mấy hôm phải cập nhật thêm phần giới thiệu vào, và viết hẳn một bài mới để nói rõ bối cảnh.
Một con virus đáng lo sợ được tạo ra tại Trung Quốc", đó là tựa đề một bài báo đăng trên tờ Le Parisien cách đây bảy năm, vào ngày 05/05/2013 - Ảnh minh họa
Nội dung bài viết mang tên tác giả Claudine Proust như sau :
Một con virus đáng sợ được tạo ra tại Trung Quốc
Các nhà khoa học cảnh báo về việc các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã lai tạo ra một con virus loại cúm gà rất nguy hại.
Hữu ích hay nguy hiểm ? Cộng đồng khoa học thế giới rúng động từ khi tạp chí Mỹ Science loan tin các nhà sinh học Trung Quốc lai tạo ra một con virus nguy hại. Trong lúc Trung Quốc phải chiến đấu với dịch cúm gà không biết đến lần thứ bao nhiêu, một nhóm nghiên cứu của trường đại học nông nghiệp Cam Túc lại cho ra đời một con virus mới, trộn lẫn gien H5N1 với H1N1.
Virus H5N1 đã lây nhiễm cho 628 người từ năm 2003 với tỉ lệ tử vong lên đến 60%, có thể lây từ loài chim sang người, nhưng không từ người sang người. Còn virus H1N1, xuất hiện ở Mexico năm 2009, không gây tử vong nhiều hơn cúm thường nhưng lây lan rất mạnh. Con virus này có thể đã khiến 1/5 dân số thế giới bị nhiễm trong đại dịch vào năm đó, giết chết 18.000 người.
Mục tiêu thí nghiệm không rõ ràng
Con virus lai tạo tại Trung Quốc mang tính chất tệ hại nhất của cả hai, với đặc điểm đáng ngại là có thể dễ dàng lây giữa hai con chuột lang với nhau, qua đường hô hấp, chẳng hạn qua một cái hắt hơi. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc kết luận : con virus H5N1 độc hại chỉ cần biến thể một chút là có thể lây lan giữa loài có vú.
"Có nên can thiệp vào thế giới tự nhiên chỉ để chứng minh điều đó hay không ?" - các chuyên gia tức giận. Đây là việc không đáng làm so với những rủi ro phải gánh lấy. Chỉ cần một thao tác sai, một sự rò rỉ, một ý đồ xấu là một con virus biến đổi gien loại này có thể dễ dàng "nhiễm độc cho con người, gây ra từ 100.000 đến 100 triệu cái chết" - theo ước tính của Simon Wain Hobson ở Viện Pasteur.
Tòa soạn Le Parisien ngày 13/04/2020 phải cho đăng một bài mới mang tựa đề "Virus đáng lo sợ tạo ra tại Trung Quốc : Năm câu hỏi về bài báo mà bạn đọc đang hoang mang". Nội dung như sau :
Từ vài ngày qua, một trong số các bài báo của chúng tôi nói về một con virus được tạo ra trong phòng thí nghiệm ở Trung Quốc năm 2013, đã gây chú ý và lo ngại cho nhiều cư dân mạng.
"Đây có đúng là một bài viết của quý báo hay là fake ?", "Bài này có từ năm 2013 ! Họ đã chế thêm những thứ khốn kiếp nào nữa ?", "Có căn cứ để đặt câu hỏi, nếu thêm vào sự kiện các virus này được trữ trong phòng thí nghiệm P4 duy nhất của Trung Quốc ở Vũ Hán"…
Bài báo đã được đọc rất nhiều trong những ngày gần đây và đôi khi được những trang khác đăng lại. Thông tin này dù có thực, cũng cần đặt lại trong bối cảnh cụ thể, để không liên hệ với con virus corona chủng mới xuất hiện tại Trung Quốc cuối năm 2019.
Bài viết nói về điều gì ?
Bài báo đề ngày 05/05/2013 trong Le Parisien, nêu ra cuộc tranh luận trong giới nghiên cứu. Nhiều nhà khoa học chia sẻ lo ngại về việc Trung Quốc tạo ra trong phòng thí nghiệm một con virus bao gồm các đặc tính của virus cúm A H1N1 (xuất xứ một phần từ loài vật, có thể lây từ người sang người) và virus H5N1 (xuất xứ loài vật, lây từ loài chim sang người, nhưng không từ người sang người).
Thông tin này là đúng, như cựu nhà báo Claudine Proust của chúng tôi chuyên viết về y tế đã xác nhận. "Đề tài này có thể từ một bản tin của AFP", có thêm giải thích của nhà vi trùng học Jean-Claude Manuguerra, nay là người chịu trách nhiệm đơn vị can thiệp sinh học khẩn cấp (CIBU) của Viện Pasteur.
Tuy nhiên Le Parisien không phải là tờ báo duy nhất đưa tin này, mà thông tin còn có trên trang web của France Info, Futura Sciences hay Le Quotidien du Médecin.
Việc lai tạo này liệu có liên quan đến virus corona chủng mới ?
Nhà sinh học Mỹ Richard H.Ebright, là người có tham gia trong số các nhà khoa học chỉ trích nghiên cứu trên, trả lời là không. "Không có quan hệ nào giữa con virus lai tạo H5N1-H1N1 và SARS-CoV-2 (tên khoa học của virus corona chủng mới). Hai con virus này thuộc những ngành (phyla) khác nhau. Chúng khác xa như trùng đất với con người" - giám đốc phòng thí nghiệm của Waksman Institute of Microbiology ở tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ bình luận.
Các cư dân mạng khác cho rằng, nếu có khả năng lai tạo ra con virus mới giữa hai chủng virus như thế, thì SARS-CoV-2 cũng có thể là virus do con người tạo ra.
Trên thực tế, tất cả cho thấy virus corona chủng mới có nguồn gốc tự nhiên. Một công trình đăng trên tạp chí Nature ngày 17/3 do các nhà nghiên cứu Mỹ, Anh, Úc tiến hành, kết luận rằng "SARS-CoV-2 không phải là sản phẩm của phòng thí nghiệm hay một con virus được cố ý tạo ra".
Tiến sĩ Etienne Simon-Loriere của Viện Pasteur cho biết một trong những bằng chứng là "không có một dấu vết nào trong bộ gien của SARS-CoV-2 giống với một mã di truyền nhân tạo". Cách thức mà con virus bám vào các thụ thể để xâm nhập vào tế bào, cũng khác hẳn với các virus SARS mà phòng thí nghiệm biết được.
Ông nói : "Nếu nó do con người tạo ra, thì họ đã cóp lại những virus SARS cũ. Người ta không thể sáng chế ra cách thức độc đáo này để bám vào thụ thể tế bào con người. Bộ gien thì tất cả đều có, người ta giải mã tại tất cả các nước, nhưng không có yếu tố nào cho thấy có dấu vết bàn tay con người. Không có dấu hiệu nhân bản vô tính hay tổng hợp".
Cuộc thí nghiệm năm 2013 liên quan đến vấn đề gì ?
Nghiên cứu này trộn lẫn chất liệu di truyền của virus cúm gà H5N1 với virus gây đại dịch H1N1 để sản sinh ra một loại "virus tái tổ hợp". Nó được tiến hành bởi một ê-kíp Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân (Harbin), trực thuộc Viện hàn lâm nông nghiệp Trung Quốc ở miền đông bắc (cách Vũ Hán hơn 2.200 km).
Nghiên cứu cho thấy con virus lai tạo lây nhiễm "rất dễ dàng giữa hai con chuột lang, thông qua đường hô hấp", "chẳng hạn chỉ cần một cái hắt hơi". Các nhà nghiên cứu kết luận virus H5N1 (lây từ chim, gia cầm sang người) chỉ cần biến thể một chút là có thể lây lan giữa loài có vú với nhau. Điều đáng sợ là virus H5N1 gây chết người dữ dội hơn so với H1N1. Kết quả nghiên cứu này trước hết được tạp chí Nature đăng lên vào tháng 5/2013, vài tuần sau được tạp chí Science đưa lại.
Tác động của nghiên cứu này như thế nào ?
Tranh cãi đã nổ ra với các nhà khoa học khác, nhất là tại Viện Pasteur Pháp và trường đại học Queen Mary ở Luân Đôn, với nhận định một nghiên cứu như vậy chẳng giúp học hỏi được gì mới nhưng lại gây rủi ro rất lớn, và như vậy là vô dụng. Theo nhà nghiên cứu Simon Wain Hobson, Viện Pasteur thì chỉ cần một thao tác sai, một sự rò rỉ hay ý đồ xấu là con virus loại này có thể dễ dàng lây nhiễm cho con người, khiến 100.000 đến 100 triệu người tử vong.
Nhưng theo ông Etienne Simon-Loriere, rủi ro rất thấp do "được tiến hành trong một phòng thí nghiệm với các điều kiện khắt khe để tránh tối đa nguy cơ virus thoát ra bên ngoài". Và từ đó đến nay, đã có những quy định mới tại một số phòng thí nghiệm, buộc phải được các hội đồng khoa học và chuyên gia bên ngoài chấp thuận trước khi tiến hành các thí nghiệm loại này.
Sau các tranh cãi, đa số chuyên gia Trung Quốc tiếp tục nghiên cứu các loại virus khác và các loài vật khác, chứ không nhất thiết với các "virus tái tổ hợp". Một số nghiên cứu việc lây lan virus H7N9 thông qua giọt bắn giữa loài chồn, và lợi ích của vaccine chống H7N9 trên loài hữu nhũ.
Tạo ra virus là chuyện thường tình ?
Vâng, nhưng việc này luôn có rất nhiều quy định để bảo đảm an toàn. Việc xem xét virus, thay đổi thành phần… nằm trong phạm vi công việc của các nhà nghiên cứu. Ngược lại, ít có chuyện đi quá xa như thế, tạo ra những con virus nguy hiểm chết người. Ông Etienne Simon-Loriere nói rõ : "Tại Viện Pasteur, chúng tôi chưa bao giờ tiến hành những việc tương tự".
Cần ghi nhận rằng việc lai tạo ra con virus H1N1-H5N1 nằm trong bối cảnh việc tạo ra trong phòng thí nghiệm một con virus giết người và có độ lây nhiễm rất cao, được mệnh danh là "Frankenvirus" (virus Frankenstein), gây tranh cãi dữ dội.
Thụy My
Nguồn : RFI, 18/04/2020
Ghi chú của RFI Tiếng Việt : Bài viết trên đây của Le Parisien được đăng trước khi có thông tin của Fox News ngày 15/04/2020 về virus corona chủng mới lọt ra từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán do sơ xuất. Ngay sau đó tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết đang điều tra về nghi vấn này.
********************
Covid-19 tàn phá phương Tây là mối quan hệ nhân quả ?
Trần Đức Liệu, VNTB, 18/04/2020
Covid-19 đang tàn phá xã hội và nền kinh tế phương Tây. Lẽ dĩ nhiên có nhiều nguyên nhân hội tụ để tạo nên sự kiện này, thế nhưng cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng và lần bịt miệng từ đội ngũ công an đối với ông là nguyên nhân trọng yếu.
Bác sĩ quá cố Lý Văn Lượng (Ảnh : SCMP)
Bác sĩ Lý Văn Lượng là anh hùng, nhưng xa hơn ông là biểu tượng sống động tố cáo chế độ vô nhân đạo, ưa thích kiểm duyệt của Bắc Kinh.
Nếu bác sĩ Lý Văn Lượng sống trong một đất nước có nhân quyền, thì cảnh báo của ông có thể đã ngăn đại dịch ngừng lây lan ra khỏi biên giới Trung Quốc.
Trung Quốc từ khi đổi mới đến nay (chấp nhận các thành tố của chủ nghĩa tư bản về kinh tế để đổi lấy giữ gìn ổn định chính trị) đạt được nhiều thành tựu to lớn. Một công xưởng thế giới, một cường quốc mới nổi và tham vọng trở thành quốc gia dẫn dắt toàn cầu. Dù vậy, nhân quyền vẫn duy trì ở cấp độ thấp, thậm chí thời kỳ ông Tập Cận Bình, mức độ đàn áp nhân quyền tăng lên chóng mặt. Sở dĩ có điều này vì phương Tây và nước Mỹ đã thực hiện chính sách hợp tác thay đối đầu và kỳ vọng Trung Quốc phát triển kinh tế sẽ tự do – dân chủ hơn.
Nhưng phương Tây và Hoa Kỳ đã sai lầm trầm trọng.
Năm 1997, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (nay đã đổi tên và nâng cấp thành Hội đồng Nhân quyền) thường xuyên chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc liên quan quyền tự do cá nhân, và cũng đề cập đến tình hình ở Tây Tạng.
Trung Quốc đứng trước áp lực lớn cho đến khi cánh cửa thương mại được mở ra.
Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc tăng lên, tình trạng này đã bắt đầu thay đổi. Các chính phủ phương Tây ngày càng muốn giao dịch với Trung Quốc và rất sẵn lòng giảm vấn đề nhân quyền để đạt được mục tiêu này.
Năm 1996, Úc tuyên bố sẽ không còn đề xuất nghị quyết chỉ trích Trung Quốc. Trái lại, nó dự định tiến hành một "cuộc đối thoại song phương" về các vấn đề nhân quyền. Úc cho rằng tránh đối đầu, chú trọng đối thoại hợp tác là cách hiệu quả nhất để giải quyết tình trạng nhân quyền.
1998, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Tây Ban Nha cũng tiếp cận đường lối này. Mỗi chính phủ coi việc chuyển đổi sang đối thoại song phương về quyền con người là một bước tích cực từ "đối đầu" sang "hợp tác".
Thế nhưng Trung Quốc lợi dụng hợp tác với phương Tây, lơ là nhân quyền của nhóm nước tự do để phát triển kinh tế. Và khi kinh tế đạt những thành tựu to lớn, Trung Quốc đã trở thành một đứa bé hư, không còn nghe lời.
Trung Quốc thành lập trại giáo huấn để cải đạo những người Hồi giáo tại Tân Cương. Tiến hành Hán hóa vùng Tây Tạng và thực hiện bóp ngẹt nhân quyền trong nước.
Không tự do ngôn luận, không quyền lập hội, không tự do biểu đạt và học thuật.
Để dễ dàng làm chủ mô hình nhân quyền của mình, Bắc Kinh lobby các vị trí lãnh đạo trong các tổ chức lớn, kể cả tổ chức nhân quyền trong Liên Hiệp Quốc mới đây.
Trung Quốc vận dụng tối ưu "luật của Lipset" (lý thuyết cho rằng sự giàu có hơn dẫn đến tự do chính trị nhiều hơn) và phương Tây sớm nhận quả đắng vào niềm tin chuyển đổi này.
Trung Quốc giàu lên, không còn bị ám ảnh bởi chế tài nhân quyền, các cuộc đối thoại nhân quyền trờ thành một cuộc họp kín và không có tác động nào đáng kể. Trong các cuộc họp đó, hiển nhiên Trung Quốc tận dụng trở thành một buổi tuyên truyền đầy sáo mòn về mô hình nhân quyền Bắc Kinh, hứa hẹn cải thiện một số quyền con người không ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, xã hội mà nhà nước Trung Quốc đặt ra.
Trung Quốc đã cố gắng thay đổi các quy tắc nhân quyền quốc tế, chứ không phải theo các quy tắc nhân quyền quốc tế. Làm suy yếu tất cả các khía cạnh của hệ thống nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Và chính phủ Bắc Kinh không còn áp lực trách nhiệm về việc lạm quyền trong nước.
Ý, Tây Ban Nha, Đức... các quốc gia chuộng thương mại với Trung Quốc đang phải trả giá.
Hoa Kỳ, quốc gia dẫn dắt Trung Quốc vào các tổ chức thương mại quốc tế càng trả giá đắt hơn.
Khi bác sĩ Lý Văn Lượng chết vì nhân quyền bị bóp nghẹt, thì cái chết của ông đã khiến virus lây lan nhanh hơn, mạnh hơn tấn công vào những nước phương Tây ưu tiên thương mại, hạ thấp nhân quyền. Đây có phải là hệ nhân quả mà Covid-19 mang lại ?
Trần Đức Liệu
Nguồn : VNTB, 18/04/2020
Trước "lãnh đạo độc tài" Trung Quốc, tổng thống Pháp có tiếp tục "nói thẳng" ?
Chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp là chủ đề chính của báo Pháp hôm nay. "Thổ Nhĩ Kỳ rồi Trung Quốc, ngoại giao năng động của tổng thống Pháp", tựa trang nhất Le Monde, Libération có hồ sơ chính "Ba ngày Trung Quốc của Macron". Trang đầu Les Echos nói đến "Thách thức với Macron ở Bắc Kinh". Truyền thông theo dõi sát chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của lãnh đạo một cường quốc Châu Âu, kể từ khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (thứ hai trái qua) cùng phu nhân gặp đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân, Bắc Kinh, 08/01/2018. Reuters/Ludovic Marin/Pool
Xã luận Le Monde đặt câu hỏi, trước "nhà độc tài hùng mạnh nhất", nguyên thủ Pháp còn giữ được phong cách "nói thẳng" như ông từng thành công khi đối diện với tổng thống Nga ?
Bài ""Phong cách nói thẳng, nói thật" của Macron trước thử thách độc tài" ghi nhận "việc số lượng các lãnh đạo độc tài trên thế giới gia tăng đang ngày càng trở thành một vấn đề gai góc đối với các quốc gia dân chủ". Chọn thái độ nào cho đúng ?
"Đóng băng quan hệ" đối với những kẻ độc tài nào "thực sự" không thể chấp nhận được, hay miễn cưỡng tổ chức các cuộc "gặp kín đáo" để dàn xếp một số vấn đề, bên lề hội nghị quốc tế lớn, hoặc theo đuổi một phương châm chính trị thực dụng ("realpolitik"), "chấp nhận một cuộc đối thoại không vẻ vang gì", nhưng đổi lại là các hợp đồng kinh tế lớn, để cân bằng thâm hụt thương mại.
Vị tổng thống trẻ tuổi của nước Pháp, kể từ khi nắm quyền hơn nửa năm nay, đã chọn lựa một hành xử hoàn toàn khác, mà Le Monde gọi là "phương pháp Macron". Cụ thể là tổ chức các cuộc gặp trọng thể với các lãnh đạo độc tài, nhưng sử dụng chính các cơ hội họp báo chung, để lên tiếng trước cộng đồng quốc tế.
Đối với tổng thống Nga Putin, cuộc họp báo tại lâu đài Versailles cuối tháng 5/2017 rõ ràng là "một bài học". Trước báo giới, tổng thống Pháp vừa nhậm chức được ít tuần đã trực diện chỉ trích các phương tiện truyền thông Nga chỉ là những "cơ quan tuyên truyền và gây ảnh hưởng". Tổng thống Nga Putin đã "lắng nghe một cách nhẫn nại".
Trong cuộc gặp mới đây với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, nguyên thủ Pháp cũng giữ cùng cách xử sự, khi lên án các đàn áp của ông Erdogan chống lại nhân quyền, đồng thời chuyển cho lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ danh sách những người bị giam cầm vì thực thi quyền tự do ngôn luận. Tổng thống Pháp khẳng định : tự do ngôn luận là điều "không thể nhân nhượng".
Le Monde nhận xét, không phải lúc nào "phương pháp Macron" cũng được thực thi nhất quán, cụ thể là những "trường hợp ngoại lệ", như Ai Cập, quốc gia hiện giam giữ khoảng 60.000 tù nhân chính trị. Với tổng thống Ai Cập, nguyên thủ Pháp đã từ chối "đưa ra các bài học ngoài bối cảnh". Bối cảnh cụ thể trong trường hợp này là "cuộc chiến chung chống khủng bố".
Xã luận Le Monde khép lại với nhận định : "Tại Bắc Kinh, tổng thống Pháp sẽ có nhiều dịp để trắc nghiệm" phong cách của ông, trong một loạt vấn đề, "từ đòi hỏi phải có đi có lại trong mở cửa thị trường, đến lĩnh vực nhân quyền, và việc bảo vệ các lợi ích chiến lược của Châu Âu".
"Cân bằng" lại quan hệ với Trung Quốc
Về chuyến công du của tổng thống Pháp, Les Echos có hồ sơ Macron tìm kiếm một quan hệ "cân bằng hơn" với Bắc Kinh. Les Echos đặc biệt lưu ý đến tình trạng nhập siêu 30 tỉ euro trong cán cân thương mại Pháp - Trung. Báo Libération thì điểm mặt "Bốn vấn đề hóc búa trong quan hệ Pháp - Trung".
Cụ thể là trong chuyến đi này tổng thống Pháp sẽ phải tìm kiếm sự hợp tác "cụ thể và dài hạn" với Bắc Kinh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mà Trung Quốc vốn là thủ phạm gây ô nhiễm nhất, nhưng đồng thời cũng là quốc gia đầu tư hàng đầu vào các loại hình năng lượng tái tạo. Paris cũng cần tìm kiếm "một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện", để hợp tác trong các hồ sơ an ninh quốc tế lớn như hạt nhân Bắc Triều Tiên, chống tài trợ khủng bố, cũng như cuộc chiến chống khủng bố tại Châu Phi.
Hai hồ sơ hóc búa khác liên quan không chỉ với nước Pháp và mà cả Châu Âu. Đó vấn đề có đi có lại trong mở cửa thị trường, và dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, một sáng kiến của Bắc Kinh, hiện đang chủ yếu được triển khai vì "các lợi ích của Trung Quốc". Cụ thể như là tình trạng Trung Quốc đang lấn sân tại Hy Lạp, với việc thâu tóm nhiều doanh nghiệp chiến lược.
Bắc Kinh nỗ lực để Macron thăm Trung Quốc đầu tiên
Theo Libération, chuyến công du của tổng thống Pháp có ý nghĩa rất quan trọng với Trung Quốc. Bài "Đối với ông Tập Cận Bình, tổng thống Pháp là một đồng minh, một chỗ dựa ổn định" cho hay "chính quyền Trung Quốc đã rất nỗ lực để tổng thống Macron sớm thăm Trung Quốc, và điều quan trọng nhất là tổng thống Pháp chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên tại Châu Á".
Cho dù không tổ chức dạ yến xa hoa tại Tử Cấm Thành, như khi đón tổng thống Mỹ, Bắc Kinh đã làm mọi thứ để vừa lòng nguyên thủ Pháp. Cụ thể là cuốn sách của Emmanuel Macron nhan đề "Cách mạng", cương lĩnh chính trị của ông và phong trào Tiến Bước, đã được dịch sang tiếng Trung, và ra mắt đúng vào thứ Hai 08/01, ngày đầu tiên của chuyến công du.
Tại Trung Quốc, tổng thống Pháp cùng phu nhân để lại "một hình ảnh rất đẹp", theo ông Đổng Cường (Dong Qiang) dịch giả cuốn sách nói trên, và cũng là một chuyên gia về văn học Pháp.
Trung Quốc rất cần đến "Mã Khắc Long" (hay Ngựa chế Rồng) - tên chữ Hán của tổng thống Pháp - cũng là nhận định của Le Figaro. Trong thế cạnh tranh với Hoa Kỳ tại bàn cờ Châu Á, Bắc Kinh đang thi hành một chiến dịch ngoại giao "quyến rũ" để nhận được sự ủng hộ của Pháp.
"Không gian địa chính trị bỏ trống" : Đất dụng võ của Pháp
Về chủ đề này, cũng Les Echos có một tiếp cận đáng chú ý khác. Bài xã luận "Macron và "giấc mơ" Trung Hoa" cho rằng khía cạnh kinh tế không phải là vấn đề chiến lược chủ chốt trong quan hệ Pháp - Trung. Bởi xét về tỉ trọng kinh tế song phương, Pháp chỉ là "một chàng lùn", với 1,5% thị phần tại thị trường Trung Quốc, ngang mức với Anh và Ý, nhưng thua Đức. Les Echos không kỳ vọng chuyến đi này của tổng thống Pháp sẽ đóng góp quyết định vào việc lập lại cân bằng thương mại.
Tuy nhiên, Paris sẽ có đất dụng võ trong một lĩnh vực khác. Đó là "không gian địa chính trị bị bỏ trống", do chính sách của nước Mỹ thời Donald Trump. Đức - cường quốc Châu Âu hàng đầu - cũng rất ít có khả năng vươn lên thành một thế lực chính trị tầm cỡ thế giới. Sau khi Anh rời khởi Liên Âu, Pháp là nước Liên Âu duy nhất có mặt trong Hội Đồng Bảo An. Bởi vậy tiếng nói của Paris sẽ tiếp tục được lắng nghe, vấn đề tùy thuộc vào sự quyết đoán của tổng thống Pháp.
Cụ thể là, đối diện với Trung Quốc, trong cục diện chính trị quốc tế hiện nay, tổng thống Pháp phải làm gì ? Le Monde giới thiệu bài phân tích của chuyên gia chính trị quốc tế Valérie Niquet "Pháp và Trung Quốc không chỉ có các lợi ích chung".
Theo chuyên gia Pháp, tổng thống Macron không được để bị rơi vào chiếc bẫy của Bắc Kinh, trở thành một công cụ phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc. Cụ thể là cùng với Trung Quốc cổ vũ cho một thế giới "đa phương", chống lại Hoa Kỳ, mà trên thực tế, chủ trương "đa phương hóa" hay "dân chủ hóa các quan hệ quốc tế" của Trung Quốc trước hết là nhằm mở rộng không gian hành động của Bắc Kinh, nhằm khẳng định như "lãnh đạo duy nhất của Châu Á".
Chuyên gia địa chính trị Pháp nhấn mạnh là khả năng duy trì quan hệ "cân bằng giữa các thế lực trong khu vực" mới chính là thước đo để đánh giá "chính sách Châu Á" của nước Pháp.
Iran : Cuộc chiến nội bộ tiếp tục
Về điểm nóng chính trị Iran, báo La Croix có bài : "Phong trào phản kháng chấm dứt, nhưng cuộc chiến quyền lực tiếp diễn". Ngày 07/01, Quốc hội Iran có cuộc họp kín để bàn về các cuộc tuần hành chống chính quyền trong những ngày cuối năm 2017, đầu 2018. Bộ trưởng nội vụ, lãnh đạo cơ quan tình báo, lãnh đạo Hội Đồng An Ninh Quốc Gia giải trình về vấn đề nguyên nhân phản kháng và các phản ứng của chính quyền.
Vấn đề kiểm duyệt mạng Telegram, mạng xã hội lớn nhất Iran, được nêu ra. Quốc hội Iran không đồng ý với việc duy trì kiểm duyệt, nhưng cũng yêu cầu mạng xã hội phải có cam kết không để được sử dụng như "một công cụ của kẻ thù". Hiện tại, khoảng 25 triệu người dân Iran - trên tổng số 80 triệu dân - sử dụng mạng Telegram gần như hàng ngày.
Bầu cử tổng thống Nga : ứng cử viên đăng ký kỷ lục
Về nước Nga, theo Le Figaro, việc đăng ký ứng cử viên tranh cử tổng thống chấm dứt hôm Chủ Nhật 07/01. Theo chính quyền Nga, tổng cộng ít nhất 64 người đăng ký, và đây là con số kỷ lục. Tuy nhiên trên thực tế, không có bất cứ ai trong số họ có khả năng đối đầu với tổng thống Nga Vladimir Putin, độc quyền lãnh đạo nước Nga từ gần 20 năm nay.
Trong bối cảnh chiến thắng nằm chắc trong tay, chính quyền Putin nới lỏng điều kiện đăng ký ứng cử viên, giảm từ 2 triệu người ủng hộ, xuống còn 300.000. Nữ phóng viên đối lập Ksenia Sobtchal, được coi là một nhân vật có thể thu hút các cử tri vốn ủng hộ lãnh đạo đối lập Alexei Navalny, bị điện Kremli loại khỏi cuộc đua. Hiện bà Sobtchal còn thiếu khoảng 100.000 chữ ký.
Theo Le Figaro, chính quyền Nga theo dõi sát cuộc vận động chữ ký cho nữ phóng viên ứng cử tổng thống đối lập.
Lenin : Kẻ sáng lập chủ nghĩa toàn trị
Vẫn về nước Nga, nhưng liên quan đến lịch sử, mục "Thảo luận" của Le Figaro giới thiệu một cuốn tiểu sử mới về Lenin, của nhà sử học Stéphan Courtois, chuyên gia về chủ nghĩa cộng sản Nga.
Trong bài viết mang tựa đề : "Lenin, người sáng tạo thực sự chủ nghĩa toàn trị", nhà báo Jacques Julliard ca ngợi cuốn sách mới về Lenin, nhưng cũng chỉ ra là tiểu sử về Lenin nói trên chưa nhấn mạnh đủ về "vị trí của nỗi thù hận" trong tâm lý của những người cộng sản.
Hoa Kỳ : "Tuần lễ điên rồ"
Nhìn sang Hoa Kỳ, Le Monde có bài "Nhà Trắng trong tình thế bị vây hãm", sau khi ra mắt cuốn "Ngọn lửa và cơn thịnh nộ", vừa ra mắt phơi bày những mặt trái của chính quyền Trump. Tác phẩm của nhà báo Michael Wolff cho thấy một tổng thống không có khả năng đảm nhiệm chức vụ, một phủ tổng thống gần như trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn.
Tuần lễ vừa qua tại Hoa Kỳ, được Le Monde đánh giá là "điên rồ". Tổng thống Trump ngay trong tuần lễ đầu tiên đã có một loạt các quyết định gây sốc : cắt viện trợ nhân đạo cho Palestine, tuyên bố ngưng viện trợ cho Pakistan, đồng minh trụ cột của Nam Á, hay khoe với thế giới là có "nút bấm" hạt nhân to hơn của Kim Jong Un.
Mỹ : Quyết định cấp phép khoan dầu ồ ạt
Về mặt đối nội, tổng thống Trump tuyên bố cấp phép trở lại cho nhiều hoạt động khoan dầu ngoài khơi nước Mỹ, tại các khu vực vốn bị cấm trước đây, ở ven bờ California, tiểu bang miền tây Washington, tiểu bang miền đông Virginia, trong đó nhiều diện tích nằm trong các khu bảo tồn. Với việc cấp phép ồ ạt này, Washington hy vọng sẽ đưa Mỹ trở thành quốc gia xuất khẩu năng lượng, từ nay đến năm 2026.
Theo Les Echos, quyết định nói trên của tổng thống Mỹ đe dọa những hệ quả tồi tệ về môi trường.
San hô : Hiện tượng tẩy trắng tăng gấp 10 lần
Vẫn trong lĩnh vực môi trường, Le Monde có bài "Sự sống còn của san hô bị đe dọa khắp nơi", theo một nghiên cứu của đại học Úc James Cook vừa được tạp chí Science công bố hôm 05/01.
San hô được mệnh danh là lá phổi của đại dương, là sinh mệnh của biển khơi. Dù chỉ chiếm diện tích 0,2% mặt biển, nhưng là nơi ẩn náu của 30% sinh vật biển. Lợi ích của san hô với hệ sinh thái, bảo vệ bờ biển chống sụt lở, nguồn thực phẩm cho cá, nguồn lợi du lịch… ước tính 24 đến 310 tỉ euro hàng năm.
Dưới tác động của việc khí hậu bị hâm nóng, hiện tượng "tẩy trắng", hay nói cách khác nguy cơ đe dọa diệt vong của loài sinh vật quý giá này, tăng gấp 10 lần, trong bốn thập niên trở lại đây.
Nguyên nhân trực tiếp là do nồng độ oxy suy giảm mạnh tại các vùng biển xa, và nhất là những vùng ven bờ, đặc biệt do khí hậu bị hâm nóng, và các chất xả thải. Theo nghiên cứu nói trên, chỉ cần nhiệt độ tăng lên từ 0,5° đến 1°C, loài "tảo vàng" (zoosanthelle) cộng sinh, và là nguồn thức ăn chính của san hô (95%), sẽ bị đẩy khỏi cơ thể san hô. San hô kiệt sức, màu trắng chết chóc xuất hiện.
Trọng Thành
Con Đường Tơ Lụa Mới và ý đồ bành trướng của Trung Quốc chia rẽ Châu Âu (RFI, 08/01/2018)
Ngay từ trước khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Trung Quốc trong chuyến công du ba ngày, chính thức mở ra từ ngày 08/01/2018, giới quan sát đã khẳng định rằng một trong những trọng tâm của chuyến thăm sẽ là đề án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, được xem là "hồ sơ quan hệ quốc tế quan trọng nhất thế giới trong những năm sắp tới".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Đại Minh Cung (Daminggong Palace) ở thành phố Tây An, ngày 08/01/2018. ludovic MARIN / AFP
Theo các nhà phân tích, ý hướng bành trướng của Trung Quốc thể hiện trong đề án này đang gây chia rẽ tại Châu Âu, và mọi người đang chờ xem quan điểm của Pháp, đầu tầu đang lên của Châu Âu, sẽ ra sao.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP ngày 07/01, ông Barthélemy Courmont, chuyên gia về Châu Á thuộc trung tâm tham vấn IRIS tại Paris không ngần ngại cho rằng đề án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc sẽ là hồ sơ quan trọng nhất trong chuyến công du lần này của tổng thống Pháp.
Dưới tên gọi "Một vành đai, một con đường", dự án của Trung Quốc, được chính ông Tập Cận Bình loan báo vào năm 2013, là một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, bao gồm một tuyến đường bộ xuyên qua vùng Trung Á và Nga, cũng như một tuyến đường biển cho phép Trung Quốc tiếp cận Châu Phi và Châu Âu qua ngả Biển Đông và Ấn Độ Dương. Chương trình trị giá khoảng 1.000 tỷ đô la này liên can đến 65 quốc gia, chiếm 60% dân số và khoảng một phần ba GDP của thế giới.
Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc đã được đón nhận ở Châu Âu với nhiều nghi ngại. Ông Bogdan Goralczyk, giám đốc Trung Tâm Châu Âu tại Vacxava, nguyên đại sứ Ba Lan ở Châu Á, ghi nhận là ý hướng bành trướng và quyết tâm của Bắc Kinh trong việc thể hiện ý hướng này "đã làm dấy lên sự chia rẽ sâu sắc ở Châu Âu".
Tại một số quốc gia Trung và Đông Âu, các khoản đầu tư của Trung Quốc đã được nhiệt tình chào đón. Nhân một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 11/2017 ở Budapest, thủ đô Hungary, tập hợp Trung Quốc và 16 quốc gia ở miền Trung và Đông Âu, cùng với vùng Balkan, trong đó có cả những nước không phải là thành viên Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Hungary Viktor Orban đã công khai khẳng định : "Một số người cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và Châu Á là một mối đe dọa, nhưng chúng tôi lại thấy đó là một cơ may to lớn".
Nhân hội nghị đó, Bắc Kinh đã loan báo đầu tư gần ba tỷ euro cho nhiều dự án, chẳng hạn như kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt giữa Beograd và Budapest.
Thế nhưng, ở Tây Âu, đặc biệt là ở các quốc gia phía Bắc, nhiều nước không che giấu mối quan ngại. Một quan chức ngoại giao phương Tây cấp cao tự hỏi : "Phải chăng "Con Đường Tơ Lụa Mới" chỉ là một khẩu hiệu sexy gợi cảm để che giấu tham vọng thống trị thế giới" của Trung Quốc ?
Trong một bài báo công bố tại Đức, cựu thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen lo ngại rằng Châu Âu sẽ chỉ tỉnh mộng "khi đã quá trễ để thấy rằng toàn bộ cơ sở hạ tầng ở Trung và Đông Âu sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc". Ông Rasmussen cũng nhắc lại rằng chính Hy Lạp vào tháng 06/2017, đã ngăn chặn một tuyên bố chung lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền, trong bối cảnh cảng Piraeus, một trong hải cảng quan trọng nhất thế giới đã được Hy Lạp giao cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 2016.
Một số nước Châu Âu khác, trong đó có Pháp và Đức, thì giữ thái độ thận trọng trước việc các dự án của Trung Quốc vẫn thiếu minh bạch, và hàm chứa những hệ quả địa chiến lược dài hạn.
Ngay cả Đức,vốn sẵn sàng nhận đầu tư Trung Quốc, cũng bày tỏ sự dè dặt. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel vào tháng 08/2017, từng ghi nhận : "Nếu Châu Âu không phát triển một chiến lược chống lại, thì sẽ bị Trung Quốc chia rẽ".
Paris cũng có quan điểm dè dặt như Berlin. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, hôm 04/01/2018, đã xác định rằng Pháp không hề muốn cản đường Trung Quốc, nhưng thấy là "cần thiết lập một quan hệ đối tác win-win, cả hai bên đều có lợi, chứ không phải là "chỉ có một bên có lợi hai lần"".
Trọng Nghĩa
********************
"Pháp và Trung Quốc không chỉ có mỗi lợi ích chung" (RFI, 08/01/2018)
Ông Emmnuel Macron đã chọn Trung Quốc (08-09/01/2018) cho chuyến công du Châu Á đầu tiên trong vai trò nguyên thủ Pháp. Với những người ủng hộ tăng cường quan hệ Bắc Kinh - Paris, đây là một lựa chọn hiển nhiên, nếu không muốn nói là không thể tranh cãi được. Trung Quốc là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, các dự án khổng lồ liên quan đến "Con đường tơ lụa mới"dường như tạo những cơ hội không giới hạn.
Cờ Pháp và Trung Quốc trên quảng trường Thiên Anh Môn nhân chuyên công du của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bắc Kinh, ngày 08/01/2017. Reuters / Jason Lee
Đối với một nước Pháp muốn đóng vai trò nước lớn, bao quát mọi vấn đề trên trường quốc tế thì Trung Quốc là một đối tác như ý. Vì quốc gia này vừa là một cường quốc hạt nhân, vừa là thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có quyền phủ quyết đối với nhiều vấn đề quốc tế. Còn đối với ông Macron, một tổng thống muốn đóng vai trò đối nghịch với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, thì Trung Quốc là một sân chơi đáp ứng tham vọng này.
Bắc Kinh hoàn toàn biết rõ những chủ đích của Pháp, theo nhận xét của nhà nghiên cứu Valérie Niquet trên nhật báo Le Monde (05-06/01/2018). Nhưng Bắc Kinh cũng cần đồng minh để đối phó với cường quốc Mỹ vì Washington đã không từ bỏ cam kết tại Châu Á, như người ta vẫn tưởng khi ông Donald Trump trở thành tổng thống.
Paris không ý thức được hết những chia rẽ và căng thẳng ngày càng gia tăng tại Châu Á-Thái Bình Dương xung quanh vai trò tương lai của Trung Quốc, ngoài cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể hy vọng rằng một lễ tiếp đón trọng thể sẽ nhận được sự tán thành của một tổng thống, cho đến giờ chủ yếu hướng đến Châu Âu và môi trường kề cận.
Bắc Kinh muốn thuyết phục tổng thống Pháp giữ vị trí trung gian "trung lập", ủng hộ đối thoại chống lại mọi chiến lược đối đầu, và như vậy ngầm thừa nhận ưu thế của Trung Quốc trong vùng.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Valérie Niquet đánh giá là mọi chuyện lại có vẻ không đơn giản như vậy : Trung Quốc và Pháp không chỉ có mỗi điểm chung. Những thất vọng ghi dấu trong quan hệ Pháp-Trung vẫn chưa biến mất.
Đối với Bắc Kinh, nước Pháp sẽ tuyệt vời hơn bao giờ hết khi đóng vai trò "người bạn cũ của Trung Quốc". Đó là nhà bảo vệ "đa cực", trái ngược với khuynh hướng bá quyền của Hoa Kỳ, và không cần biết rằng, thực ra nếu Trung Quốc ủng hộ một "quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế" kéo theo sự trỗi dậy của nhiều cực quyền lực, thì trước hết đó là nhằm mở rộng phạm vi hành động và tự khẳng định mình như một thủ lĩnh của cực Á châu.
Bất cân bằng trong trao đổi thương mại
Tham vọng này lại không phù hợp với tiến trình phát triển của thế giới đương đại và không phục vụ lợi ích của Pháp tại một nơi mà các láng giềng của Trung Quốc đều có một điểm chung là mong muốn tìm được hậu thuẫn để đối phó với một cường quốc đang gây lo ngại. Vấn đề đặt ra đối với Paris, là sự lựa chọn và các hậu quả chiến lược, kinh tế của sự lựa chọn này.
Thực vậy, Pháp là cường quốc Châu Âu duy nhất có lợi ích trực tiếp tại Châu Á-Thái Bình Dương. Khi liên tiếp ký hợp đồng với các nước trong khu vực (với Úc hay với Ấn Độ, và có thể với Nhật Bản), về hợp tác công nghệ trong các lĩnh vực quốc phòng, nước Pháp cũng đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác quân sự với nhiều nước mà mục tiêu đầu tiên của những quốc gia này lại là làm đối trọng với sức mạnh Trung Quốc, nơi mà chiến lược hồi sinh và khẳng định tinh thần dân tộc Trung Hoa là trọng tâm trong bài diễn văn của chủ tịch Tập Cận Bình.
Yếu tố thất vọng thứ hai, mà tổng thống Pháp dường như rất ý thức được, đó là sự bất cân đối dai dẳng trong trao đổi kinh tế song phương. Trung Quốc cần tăng trưởng và sẽ không từ bỏ bất kỳ thị trưởng nào, bất kỳ chiến lược nào để chinh phục và chia rẽ nội bộ Liên Hiệp Châu Âu. Về đầu tư, Trung Quốc, nơi mà Đảng-Nhà nước có trong tay những phương tiện mà các nền dân chủ không thể có, sẵn sàng nhẩy vào bất kỳ lĩnh vực nào có thể giúp duy trì sự phát triển, đặc biệt là các công nghệ mũi nhọn, có mục đích dân sự nhưng cũng có thể cả quân sự.
Trước những tham vọng không che giấu này, ông Emmanuel Macron là người đầu tiên thật sự đòi hỏi phải "có đi có lại" nhiều hơn. Pháp đã gia tăng kiểm soát đầu tư Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm. Còn với dự án trọng tâm "Một vành đai, một con đường" của chủ tịch Tập Cận Bình, được ghi trong Điều Lệ Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhân Đại hội lần thứ 19 vừa qua, Pháp tỏ ra thận trọng trước rất nhiều vấn đề về tài chính và quản trị, hiện vẫn chưa được giải quyết.
Vì vậy, còn phải chờ xem liệu những điểm bất đồng này có đè nặng lên mối quan hệ Pháp-Trung mà Bắc Kinh muốn hoàn toàn chú trọng vào những ưu tiên của họ. Ngược lại, những lợi ích chiến lược và kinh tế của Pháp tại Châu Á lại rất nhiều và không thể hạn chế ở một đối tác duy nhất. Chính sách về Châu Á của Pháp có thể được đánh giá tùy vào khả năng cụ thể của Paris trong việc duy trì sự cân bằng cần thiết giữa các cường quốc trong vùng.
Nhân quyền : Tổng thống Pháp cần nói thẳng với chủ tịch Trung Quốc
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại và tăng cường hợp tác song phương, tổng thống Pháp cũng cần bảo vệ các giá trị phổ quát trước đồng nhiệm Tập Cận Bình, trong bối cảnh nhân quyền tại Trung Quốc không được tôn trọng đúng đắn. Đây là ý kiến của nhà nghiên cứu Jean-Philippe Béja, được đăng trong một bài viết khác trên Le Monde.
Theo nhà nghiên cứu Pháp, tổng thống Macron sẽ chứng kiến những tiến bộ ấn tượng về kinh tế của Trung Quốc, nhưng ông sẽ không được đưa đến khu ngoại ô Đại Hưng (Daxing), gần thủ đô Bắc Kinh, nơi chính quyền địa phương trục xuất gần 200.000 công nhân và lao động xuất thân từ nông thôn trong cái rét -20°C, sau khi họ đã đóng góp vào xây dựng thành phố, vì những người này không có hộ khẩu thường trú.
Tổng thống Pháp cũng sẽ không gặp được các luật sư, như Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong), bảo vệ lao động nhập cư, những nhà nông bị cưỡng đoạt đất đai, những blogger bị bắt vì một lời bông đùa trên internet. Nhà nghiên cứu Pháp còn nêu lên nhiều trường hợp khác như những "ngôi làng ung thư" vì ô nhiễm kim loại nặng trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tuyên bố cam kết chống biến đổi khí hậu.
Trung Quốc xây nhiều trường đại học, nhưng đội ngũ giáo sư không còn được đọc những bài báo nước ngoài nữa và phải trình nội dung bài giảng để Đảng thông qua. Tương tự, dưới danh nghĩa đấu tranh chống thuyết hư vô, sự kiện Thiên An Môn ngày 04/06/1989 hay tên của Lưu Hiểu Ba đều bị xóa bỏ…
Nhà nghiên cứu Jean-Philippe Béja khẳng định dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thụt lùi chính trị : Từ năm 2012, ông đã hình thành trào lưu tôn sùng cá nhân, thậm chí còn đưa được tư tưởng của ông vào Điều lệ Đảng và tập trung trong tay nhiều quyền lực hơn. Trong Đại hội Đảng lần thứ 19, ông Tập còn đi ngược lại đường lối tiến hành các cải cách, được áp dụng sau khi "Người cầm lái vĩ đại" Mao Trạch Đông qua đời, qua việc tái khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong tất cả các lĩnh vực.
Chủ tịch Trung Quốc củng cố các doanh nghiệp Nhà nước, giảm không gian của công ty tư nhân và thiết lập kiểm soát hối đoái chặt chẽ để ngăn chảy máu vốn. Hiện tại, các nhà đầu tư Trung Quốc ở nước ngoài chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước. Đúng là cách nực cười để bảo vệ quá trình toàn cầu hóa !
Cuối cùng, tính hiện đại cũng khiến Đảng tăng cường kiểm soát người dân : nhờ trí thông minh nhân tạo, một hệ thống "tín điểm xã hội" đang được thử nghiệm. Ngoài khả năng theo dõi khả năng chi trả, hệ thống này còn "chú ý" đến cả thái độ chính trị và xã hội của mỗi công dân. Những người có tín điểm thấp (các nhà đấu tranh, có thái độ sai lệnh, không tuân thủ luật lệ) sẽ không thể ghi danh cho con vào các trường tốt, cũng như không được chăm sóc ở những bệnh viện tốt nhất.
Nhà nghiên cứu Béja hy vọng tổng thống Pháp, người luôn thể hiện khao khát nói thật, sẽ không ngần ngại bảo vệ những giá trị phổ quát mà chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chối bỏ. Trung Quốc cần Châu Âu và xã hội Trung Quốc cũng cần lắng nghe các lãnh đạo phương Tây khẳng định những nguyên tắc giá trị của họ.
RFI tiếng Việt
*******************
Với Trung Quốc, tổng thống Pháp là đối tác lý tưởng cho "con đường tơ lụa mới" (RFI, 08/01/2018)
Ngày 08/01/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mở đầu chuyến công du Trung Quốc ba ngày tại Trung Quốc bằng cuộc viếng thăm thành phố Tây An, miền trung Trung Quốc. Với Bắc Kinh, đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ Châu Âu, kể từ sau Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 10/2017.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 08/01/2018. Reuters/Andy Wong/Pool
Bắc Kinh trông đợi điều gì từ chuyến công du Châu Á đầu tiên này của tổng thống Pháp Emmanuel Macron ? Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt nhận định :
"Bắc Kinh cần có đồng minh, và nước Pháp có đủ vị thế để lấp đầy khoảng trống do các nước khác để lại. Do đó, Trung Quốc xem ông Emmanuel Macron như là một đối tác lý tưởng để hỗ trợ cho tham vọng nắm giữ vai trò hàng đầu của Bắc Kinh, bất kể đó là trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay là trong cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Ở đó, nước Pháp có thể đóng một vai trò trung gian.
Vì thế, trong mắt các nhà lãnh đạo Trung Quốc, họ cảm thấy an tâm khi tổng thống Pháp chọn Trung Quốc là điểm công du Châu Á đầu tiên. Và thậm chí còn cảm thấy thích thú khi tổng thống Pháp đã chọn Tây An, điểm xuất phát của con đường tơ lụa cũ xưa làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Trung Quốc.
Quả thật là Bắc Kinh hy vọng Paris tham gia vào dự án con đường tơ lụa mới to lớn này, với hy vọng khôi phục lại hành lang thương mại Á-Âu, nhưng trước mắt chỉ phục vụ cho các lợi ích của Trung Quốc. Thách thức đối với ông Macron là làm sao nêu rõ được những đòi hỏi của Châu Âu.
Trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải sáng hôm nay (08/01), tổng thống Pháp không dấu giếm tham vọng mà ông chia sẻ cùng với đồng nhiệm Trung Quốc : Quan hệ giữa hai nước luôn đi tiên phong và chúng ta phải luôn luôn ở vị trí tiên phong này".
Minh Anh