Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/01/2018

Pháp gia nhập vào Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Con Đường Tơ Lụa Mới và ý đồ bành trướng của Trung Quốc chia rẽ Châu Âu (RFI, 08/01/2018)

Ngay từ trước khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến Trung Quốc trong chuyến công du ba ngày, chính thức mở ra từ ngày 08/01/2018, giới quan sát đã khẳng định rằng một trong những trọng tâm của chuyến thăm sẽ là đề án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, được xem là "hồ sơ quan hệ quốc tế quan trọng nhất thế giới trong những năm sắp tới".

tolua1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Đại Minh Cung (Daminggong Palace) ở thành phố Tây An, ngày 08/01/2018. ludovic MARIN / AFP

Theo các nhà phân tích, ý hướng bành trướng của Trung Quốc thể hiện trong đề án này đang gây chia rẽ tại Châu Âu, và mọi người đang chờ xem quan điểm của Pháp, đầu tầu đang lên của Châu Âu, sẽ ra sao.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP ngày 07/01, ông Barthélemy Courmont, chuyên gia về Châu Á thuộc trung tâm tham vấn IRIS tại Paris không ngần ngại cho rằng đề án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc sẽ là hồ sơ quan trọng nhất trong chuyến công du lần này của tổng thống Pháp.

Dưới tên gọi "Một vành đai, một con đường", dự án của Trung Quốc, được chính ông Tập Cận Bình loan báo vào năm 2013, là một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, bao gồm một tuyến đường bộ xuyên qua vùng Trung Á và Nga, cũng như một tuyến đường biển cho phép Trung Quốc tiếp cận Châu Phi và Châu Âu qua ngả Biển Đông và Ấn Độ Dương. Chương trình trị giá khoảng 1.000 tỷ đô la này liên can đến 65 quốc gia, chiếm 60% dân số và khoảng một phần ba GDP của thế giới.

Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc đã được đón nhận ở Châu Âu với nhiều nghi ngại. Ông Bogdan Goralczyk, giám đốc Trung Tâm Châu Âu tại Vacxava, nguyên đại sứ Ba Lan ở Châu Á, ghi nhận là ý hướng bành trướng và quyết tâm của Bắc Kinh trong việc thể hiện ý hướng này "đã làm dấy lên sự chia rẽ sâu sắc ở Châu Âu".

Tại một số quốc gia Trung và Đông Âu, các khoản đầu tư của Trung Quốc đã được nhiệt tình chào đón. Nhân một hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 11/2017 ở Budapest, thủ đô Hungary, tập hợp Trung Quốc và 16 quốc gia ở miền Trung và Đông Âu, cùng với vùng Balkan, trong đó có cả những nước không phải là thành viên Liên Hiệp Châu Âu, thủ tướng Hungary Viktor Orban đã công khai khẳng định : "Một số người cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc và Châu Á là một mối đe dọa, nhưng chúng tôi lại thấy đó là một cơ may to lớn".

Nhân hội nghị đó, Bắc Kinh đã loan báo đầu tư gần ba tỷ euro cho nhiều dự án, chẳng hạn như kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt giữa Beograd và Budapest.

Thế nhưng, ở Tây Âu, đặc biệt là ở các quốc gia phía Bắc, nhiều nước không che giấu mối quan ngại. Một quan chức ngoại giao phương Tây cấp cao tự hỏi : "Phải chăng "Con Đường Tơ Lụa Mới" chỉ là một khẩu hiệu sexy gợi cảm để che giấu tham vọng thống trị thế giới" của Trung Quốc ?

Trong một bài báo công bố tại Đức, cựu thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen lo ngại rằng Châu Âu sẽ chỉ tỉnh mộng "khi đã quá trễ để thấy rằng toàn bộ cơ sở hạ tầng ở Trung và Đông Âu sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc". Ông Rasmussen cũng nhắc lại rằng chính Hy Lạp vào tháng 06/2017, đã ngăn chặn một tuyên bố chung lên án Trung Quốc vi phạm nhân quyền, trong bối cảnh cảng Piraeus, một trong hải cảng quan trọng nhất thế giới đã được Hy Lạp giao cho Trung Quốc kiểm soát vào năm 2016.

Một số nước Châu Âu khác, trong đó có Pháp và Đức, thì giữ thái độ thận trọng trước việc các dự án của Trung Quốc vẫn thiếu minh bạch, và hàm chứa những hệ quả địa chiến lược dài hạn.

Ngay cả Đức,vốn sẵn sàng nhận đầu tư Trung Quốc, cũng bày tỏ sự dè dặt. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel vào tháng 08/2017, từng ghi nhận : "Nếu Châu Âu không phát triển một chiến lược chống lại, thì sẽ bị Trung Quốc chia rẽ".

Paris cũng có quan điểm dè dặt như Berlin. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, hôm 04/01/2018, đã xác định rằng Pháp không hề muốn cản đường Trung Quốc, nhưng thấy là "cần thiết lập một quan hệ đối tác win-win, cả hai bên đều có lợi, chứ không phải là "chỉ có một bên có lợi hai lần"".

Trọng Nghĩa

********************

"Pháp và Trung Quốc không chỉ có mỗi lợi ích chung" (RFI, 08/01/2018)

Ông Emmnuel Macron đã chọn Trung Quốc (08-09/01/2018) cho chuyến công du Châu Á đầu tiên trong vai trò nguyên thủ Pháp. Với những người ủng hộ tăng cường quan hệ Bắc Kinh - Paris, đây là một lựa chọn hiển nhiên, nếu không muốn nói là không thể tranh cãi được. Trung Quốc là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, các dự án khổng lồ liên quan đến "Con đường tơ lụa mới"dường như tạo những cơ hội không giới hạn.

tolua2

Cờ Pháp và Trung Quốc trên quảng trường Thiên Anh Môn nhân chuyên công du của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Bắc Kinh, ngày 08/01/2017. Reuters / Jason Lee

Đối với một nước Pháp muốn đóng vai trò nước lớn, bao quát mọi vấn đề trên trường quốc tế thì Trung Quốc là một đối tác như ý. Vì quốc gia này vừa là một cường quốc hạt nhân, vừa là thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc có quyền phủ quyết đối với nhiều vấn đề quốc tế. Còn đối với ông Macron, một tổng thống muốn đóng vai trò đối nghịch với đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, thì Trung Quốc là một sân chơi đáp ứng tham vọng này.

Bắc Kinh hoàn toàn biết rõ những chủ đích của Pháp, theo nhận xét của nhà nghiên cứu Valérie Niquet trên nhật báo Le Monde (05-06/01/2018). Nhưng Bắc Kinh cũng cần đồng minh để đối phó với cường quốc Mỹ vì Washington đã không từ bỏ cam kết tại Châu Á, như người ta vẫn tưởng khi ông Donald Trump trở thành tổng thống.

Paris không ý thức được hết những chia rẽ và căng thẳng ngày càng gia tăng tại Châu Á-Thái Bình Dương xung quanh vai trò tương lai của Trung Quốc, ngoài cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Giới lãnh đạo Trung Quốc có thể hy vọng rằng một lễ tiếp đón trọng thể sẽ nhận được sự tán thành của một tổng thống, cho đến giờ chủ yếu hướng đến Châu Âu và môi trường kề cận.

Bắc Kinh muốn thuyết phục tổng thống Pháp giữ vị trí trung gian "trung lập", ủng hộ đối thoại chống lại mọi chiến lược đối đầu, và như vậy ngầm thừa nhận ưu thế của Trung Quốc trong vùng.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Valérie Niquet đánh giá là mọi chuyện lại có vẻ không đơn giản như vậy : Trung Quốc và Pháp không chỉ có mỗi điểm chung. Những thất vọng ghi dấu trong quan hệ Pháp-Trung vẫn chưa biến mất.

Đối với Bắc Kinh, nước Pháp sẽ tuyệt vời hơn bao giờ hết khi đóng vai trò "người bạn cũ của Trung Quốc". Đó là nhà bảo vệ "đa cực", trái ngược với khuynh hướng bá quyền của Hoa Kỳ, và không cần biết rằng, thực ra nếu Trung Quốc ủng hộ một "quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế" kéo theo sự trỗi dậy của nhiều cực quyền lực, thì trước hết đó là nhằm mở rộng phạm vi hành động và tự khẳng định mình như một thủ lĩnh của cực Á châu.

Bất cân bằng trong trao đổi thương mại

Tham vọng này lại không phù hợp với tiến trình phát triển của thế giới đương đại và không phục vụ lợi ích của Pháp tại một nơi mà các láng giềng của Trung Quốc đều có một điểm chung là mong muốn tìm được hậu thuẫn để đối phó với một cường quốc đang gây lo ngại. Vấn đề đặt ra đối với Paris, là sự lựa chọn và các hậu quả chiến lược, kinh tế của sự lựa chọn này.

Thực vậy, Pháp là cường quốc Châu Âu duy nhất có lợi ích trực tiếp tại Châu Á-Thái Bình Dương. Khi liên tiếp ký hợp đồng với các nước trong khu vực (với Úc hay với Ấn Độ, và có thể với Nhật Bản), về hợp tác công nghệ trong các lĩnh vực quốc phòng, nước Pháp cũng đóng một vai trò quan trọng trong hợp tác quân sự với nhiều nước mà mục tiêu đầu tiên của những quốc gia này lại là làm đối trọng với sức mạnh Trung Quốc, nơi mà chiến lược hồi sinh và khẳng định tinh thần dân tộc Trung Hoa là trọng tâm trong bài diễn văn của chủ tịch Tập Cận Bình.

Yếu tố thất vọng thứ hai, mà tổng thống Pháp dường như rất ý thức được, đó là sự bất cân đối dai dẳng trong trao đổi kinh tế song phương. Trung Quốc cần tăng trưởng và sẽ không từ bỏ bất kỳ thị trưởng nào, bất kỳ chiến lược nào để chinh phục và chia rẽ nội bộ Liên Hiệp Châu Âu. Về đầu tư, Trung Quốc, nơi mà Đảng-Nhà nước có trong tay những phương tiện mà các nền dân chủ không thể có, sẵn sàng nhẩy vào bất kỳ lĩnh vực nào có thể giúp duy trì sự phát triển, đặc biệt là các công nghệ mũi nhọn, có mục đích dân sự nhưng cũng có thể cả quân sự.

Trước những tham vọng không che giấu này, ông Emmanuel Macron là người đầu tiên thật sự đòi hỏi phải "có đi có lại" nhiều hơn. Pháp đã gia tăng kiểm soát đầu tư Trung Quốc trong các lĩnh vực nhạy cảm. Còn với dự án trọng tâm "Một vành đai, một con đường" của chủ tịch Tập Cận Bình, được ghi trong Điều Lệ Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhân Đại hội lần thứ 19 vừa qua, Pháp tỏ ra thận trọng trước rất nhiều vấn đề về tài chính và quản trị, hiện vẫn chưa được giải quyết.

Vì vậy, còn phải chờ xem liệu những điểm bất đồng này có đè nặng lên mối quan hệ Pháp-Trung mà Bắc Kinh muốn hoàn toàn chú trọng vào những ưu tiên của họ. Ngược lại, những lợi ích chiến lược và kinh tế của Pháp tại Châu Á lại rất nhiều và không thể hạn chế ở một đối tác duy nhất. Chính sách về Châu Á của Pháp có thể được đánh giá tùy vào khả năng cụ thể của Paris trong việc duy trì sự cân bằng cần thiết giữa các cường quốc trong vùng.

Nhân quyền : Tổng thống Pháp cần nói thẳng với chủ tịch Trung Quốc

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại và tăng cường hợp tác song phương, tổng thống Pháp cũng cần bảo vệ các giá trị phổ quát trước đồng nhiệm Tập Cận Bình, trong bối cảnh nhân quyền tại Trung Quốc không được tôn trọng đúng đắn. Đây là ý kiến của nhà nghiên cứu Jean-Philippe Béja, được đăng trong một bài viết khác trên Le Monde.

Theo nhà nghiên cứu Pháp, tổng thống Macron sẽ chứng kiến những tiến bộ ấn tượng về kinh tế của Trung Quốc, nhưng ông sẽ không được đưa đến khu ngoại ô Đại Hưng (Daxing), gần thủ đô Bắc Kinh, nơi chính quyền địa phương trục xuất gần 200.000 công nhân và lao động xuất thân từ nông thôn trong cái rét -20°C, sau khi họ đã đóng góp vào xây dựng thành phố, vì những người này không có hộ khẩu thường trú.

Tổng thống Pháp cũng sẽ không gặp được các luật sư, như Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong), bảo vệ lao động nhập cư, những nhà nông bị cưỡng đoạt đất đai, những blogger bị bắt vì một lời bông đùa trên internet. Nhà nghiên cứu Pháp còn nêu lên nhiều trường hợp khác như những "ngôi làng ung thư" vì ô nhiễm kim loại nặng trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn tuyên bố cam kết chống biến đổi khí hậu.

Trung Quốc xây nhiều trường đại học, nhưng đội ngũ giáo sư không còn được đọc những bài báo nước ngoài nữa và phải trình nội dung bài giảng để Đảng thông qua. Tương tự, dưới danh nghĩa đấu tranh chống thuyết hư vô, sự kiện Thiên An Môn ngày 04/06/1989 hay tên của Lưu Hiểu Ba đều bị xóa bỏ…

Nhà nghiên cứu Jean-Philippe Béja khẳng định dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thụt lùi chính trị : Từ năm 2012, ông đã hình thành trào lưu tôn sùng cá nhân, thậm chí còn đưa được tư tưởng của ông vào Điều lệ Đảng và tập trung trong tay nhiều quyền lực hơn. Trong Đại hội Đảng lần thứ 19, ông Tập còn đi ngược lại đường lối tiến hành các cải cách, được áp dụng sau khi "Người cầm lái vĩ đại" Mao Trạch Đông qua đời, qua việc tái khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng trong tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch Trung Quốc củng cố các doanh nghiệp Nhà nước, giảm không gian của công ty tư nhân và thiết lập kiểm soát hối đoái chặt chẽ để ngăn chảy máu vốn. Hiện tại, các nhà đầu tư Trung Quốc ở nước ngoài chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước. Đúng là cách nực cười để bảo vệ quá trình toàn cầu hóa !

Cuối cùng, tính hiện đại cũng khiến Đảng tăng cường kiểm soát người dân : nhờ trí thông minh nhân tạo, một hệ thống "tín điểm xã hội" đang được thử nghiệm. Ngoài khả năng theo dõi khả năng chi trả, hệ thống này còn "chú ý" đến cả thái độ chính trị và xã hội của mỗi công dân. Những người có tín điểm thấp (các nhà đấu tranh, có thái độ sai lệnh, không tuân thủ luật lệ) sẽ không thể ghi danh cho con vào các trường tốt, cũng như không được chăm sóc ở những bệnh viện tốt nhất.

Nhà nghiên cứu Béja hy vọng tổng thống Pháp, người luôn thể hiện khao khát nói thật, sẽ không ngần ngại bảo vệ những giá trị phổ quát mà chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chối bỏ. Trung Quốc cần Châu Âu và xã hội Trung Quốc cũng cần lắng nghe các lãnh đạo phương Tây khẳng định những nguyên tắc giá trị của họ.

RFI tiếng Việt

*******************

Với Trung Quốc, tổng thống Pháp là đối tác lý tưởng cho "con đường tơ lụa mới" (RFI, 08/01/2018)

Ngày 08/01/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mở đầu chuyến công du Trung Quốc ba ngày tại Trung Quốc bằng cuộc viếng thăm thành phố Tây An, miền trung Trung Quốc. Với Bắc Kinh, đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ Châu Âu, kể từ sau Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 10/2017.

tolua3

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, 08/01/2018. Reuters/Andy Wong/Pool

Bắc Kinh trông đợi điều gì từ chuyến công du Châu Á đầu tiên này của tổng thống Pháp Emmanuel Macron ? Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt nhận định :

"Bắc Kinh cần có đồng minh, và nước Pháp có đủ vị thế để lấp đầy khoảng trống do các nước khác để lại. Do đó, Trung Quốc xem ông Emmanuel Macron như là một đối tác lý tưởng để hỗ trợ cho tham vọng nắm giữ vai trò hàng đầu của Bắc Kinh, bất kể đó là trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay là trong cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên. Ở đó, nước Pháp có thể đóng một vai trò trung gian.

Vì thế, trong mắt các nhà lãnh đạo Trung Quốc, họ cảm thấy an tâm khi tổng thống Pháp chọn Trung Quốc là điểm công du Châu Á đầu tiên. Và thậm chí còn cảm thấy thích thú khi tổng thống Pháp đã chọn Tây An, điểm xuất phát của con đường tơ lụa cũ xưa làm điểm đến đầu tiên trong chuyến công du Trung Quốc.

Quả thật là Bắc Kinh hy vọng Paris tham gia vào dự án con đường tơ lụa mới to lớn này, với hy vọng khôi phục lại hành lang thương mại Á-Âu, nhưng trước mắt chỉ phục vụ cho các lợi ích của Trung Quốc. Thách thức đối với ông Macron là làm sao nêu rõ được những đòi hỏi của Châu Âu.

Trong một cuộc phỏng vấn được đăng tải sáng hôm nay (08/01), tổng thống Pháp không dấu giếm tham vọng mà ông chia sẻ cùng với đồng nhiệm Trung Quốc : Quan hệ giữa hai nước luôn đi tiên phong và chúng ta phải luôn luôn ở vị trí tiên phong này".

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)