Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

01/01/2021

Điểm báo Pháp - Bộ ba ghi dấu 2020

RFI tiếng Việt

Bộ ba ghi dấu 2020 : Covid-19, Donald Trump và Tập Cận Bình

Tất cả báo Pháp đều nghỉ Tết Dương Lịch, riêng tờ Le Monde, vì ra số cuối năm vào hôm qua, nên vẫn có mặt trên sạp báo. Tờ báo dành tựa lớn trang nhất cùng nhiều trang bài cho "Những câu hỏi về chiến lược tiêm chủng", một vấn đề đang đặc biệt gây tranh cãi tại Pháp, nhưng cũng rất quan tâm đến tình hình Châu Á với một loạt bài liên quan đến Trung Quốc ỏ trang quốc tế.

trio1

Donald Trump và Tập Cận Bình, tháng 11/2017 – Ảnh Nicolas Asfouri-AFP

Nhà báo Alain Frachon trên Le Monde đã có một tổng kết năm 2020 rất lý thú khi ghi nhận bộ ba tiểu biểu của năm vừa kết thúc là "Covid-19, Donald Trump và Tập Cận Bình"… Trong bài viết mang tựa "Bộ Ba khó cưỡng", nhà báo Pháp xác nhận rằng con virus đã làm tăng thêm cuộc đối đầu nhiều mặt giữa hai lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Tương lai sẽ tiếp tục mang dấu ấn của Covid-19, Tập và Trump

Bộ ba Covid-19, Tập Cận Bình và Donald Trump đã thống trị năm 2020 và tương lai sẽ tiếp tục mang dấu ấn của bộ ba đó. Virus đã thay đổi mọi thứ, đối với tất cả mọi người và trong một thời gian dài.

Về tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc, Le Monde rất nghiêm khắc : "là nạn nhân của đại dịch và sự kém cỏi của mình, ông Trump sẽ phải ra đi, bị thất bại ám ảnh, bị cử tri đuổi về nhà, phải đánh gôn suốt đời giữa hai phiên tòa và ba chương trình truyền hình thực tế. Trong khi đó, làm chủ được virus tại nhà, người đồng cấp Trung Quốc của ông Trump hơn bao giờ hết là người mạnh nhất trong lúc này và đáng lo ngại trên nhiều mặt".

Về toàn cảnh năm 2020, Le Monde ghi nhận năm này đã kết thúc với những tháng bị Covid-19 tàn phá về kinh tế và y tế. Theo ước tính của tuần báo The Economist, đại dịch đã ảnh hưởng đến khoảng 500 triệu người, mà phần đông chưa bao giờ được xét nghiệm. Đại dịch cũng đã khiến gần hai triệu người chết. Ở thế giới phát triển cũng như thế giới thứ ba, người giàu được thoát nạn hơn là người nghèo.

2020 : Thế giới nghèo đi vì Covid

Năm kết thúc với sự suy giảm tài sản toàn cầu khoảng 7% - mức suy thoái nặng nhất kể từ Thế Chiến II. Năm 2021 có lẽ sẽ báo hiệu sự phục hồi kinh tế dưới dạng hình chữ "V". Đại dịch đã đẩy nhanh nhiều biến động đang diễn ra. Người ta sẽ không có lại cuộc sống "như trước đây". Covid-19 đã tạo cơ hội cho công nghệ kỹ thuật số, các công ty thống trị ngành này và những người sử dụng. Hình thức làm việc từ xa đã bùng nổ. Người ta sẽ không trở lại văn phòng "như trước đây". Nợ, đặc biệt là nợ công, cũng bùng nổ. Nhu cầu nhiều hơn bao giờ hết, Nhà nước được kêu gọi can thiệp ở khắp mọi nơi...

 Cuối cùng, theo Le Monde, đại dịch đã phơi bày sự lệ thuộc của chúng ta vào Trung Quốc và đã thúc đẩy tiến trình xét lại sự phi lý của "chuỗi giá trị" - các quy trình sản xuất quá manh mún về mặt địa lý - làm suy yếu chủ quyền của các quốc gia trong lĩnh vực then chốt là y tế.

Covid-19 sẽ tăng cường xu hướng khu vực hóa thương mại xung quanh ba cực thương mại chính : Châu Á (hoặc các Châu Á), Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu (EU). Bộ mặt mới của toàn cầu hóa đang xuất hiện.

Giữa hai nền kinh tế lớn nhất hành tinh, con virus đã làm tăng thêm cuộc đối đầu vốn đa dạng, một bên là Tập Cận Bình vẻ không nao núng, một bên là Donald Trump nóng nẩy. Trung Quốc đã thắng được Covid-19, nhưng khủng hoảng đã phơi bày ra ánh sáng tính thiếu minh bạch và tàn nhẫn của một chế độ truy bức không nương tay những người đã chứng kiến những gì đã xảy ra ở Vũ Hán, điểm khởi đầu của đại dịch. Phải chăng Bắc Kinh đang có điều gì đó phải che giấu ?

Năm 2020 một lần nữa chứng kiến chiến dịch đè bẹp những người đòi dân chủ ở Hồng Kông, chủ trương cầm cố người Duy Ngô Nhĩ và quyết tâm thôn tính ngấm ngầm những vùng tranh chấp biên giới trên bộ ở dãy Himalaya, cũng như vùng Biển Đông.

Pháp : Tranh cãi về tiến độ chậm chạp của chiến dịch tiêm chủng

Theo ghi nhận của Le Monde, ngày 27/12 vừa qua, cùng với nhiều nước Liên Âu và Vương quốc Anh, Pháp đã khởi động chiến dịch tiêm chủng vac-xin ngừa Covid-19. Thế nhưng, chỉ ít lâu sau, một cuộc tranh luận đã bùng lên trong chính giới Pháp, với các đảng đối lập cả tả lẫn hữu đều chỉ trích chính phủ là đã quá chậm trễ.

Các số liệu thật rõ ràng. Tính đến ngày 30/12 vừa qua, chỉ mới có 138 người được tiêm chủng tại Pháp, trong khi tại nước Đức láng giềng, số người được chích ngừa đã vượt mốc 78.000.

Theo Le Monde, các thách thức về hậu cần và quyết định ưu tiên chích ngừa cho cư dân các viện dưỡng lão đã làm cho vấn đề tổ chức tiêm chủng trở nên phức tạp, trong bối cảnh sự xuất hiện của biến thể mới của con virus mà tính chất lây nhiễm mạnh đang gây lo ngại, có thể thúc đẩy chính quyền đẩy nhanh lịch trình tiêm chủng.

Trước những chỉ trích ngày càng nhiều về tiến độ chậm chạp của chiến dịch tiêm chủng, chính quyền Pháp đã khẳng định tính đúng đắn trong quyết định thận trọng của mình, và để cho hiểu là họ vẫn bám sát chiến lược đề ra.

Le Monde ghi nhận là khi được hỏi vào tối thứ Ba 29/12 trên đài truyền hình France 2, bộ trưởng Y tế Olivier Véran công nhận là chiến dịch đã khởi sự rất chậm tại Pháp, nhưng theo ông : "Điều quan trọng là vào cuối tháng 1, Pháp bắt kịp khoảng cách đối với mọi nước khác".

Đối với chủ tịch Hội đồng Định hướng Chiến lược Vac -xin Pháp, ông Alain Fischer, sự chậm chạp được ghi nhận xuất phát từ một thái độ cẩn trọng, để bảo đảm được vấn đề "an toàn, hiệu quả, tổ chức và đạo đức", tức là với sự đồng ý của người được chích ngừa.

Theo ông, Pháp thực sự là quốc gia duy nhất tìm kiếm sự đồng ý của những người được tiêm chủng, sau khi họ được bác sĩ điều trị gợi ý hoặc qua sự giới thiệu của viện dưỡng lão.

Ông Jean-Daniel Lelièvre, trưởng khoa miễn dịch lâm sàng và bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Henri-Mondor ở Créteil, giải thích : "Nếu chúng ta đi quá nhanh, chúng ta có nguy cơ gia tăng sự ngờ vực". Do vậy thời gian chậm trễ vài tuần hay thậm chí một tháng không phải là vấn đề.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, phải chú ý đến khía cạnh văn hóa : "Không phải tất cả các quốc gia ở Châu Âu đều có cùng thói quen văn hóa, cùng mối quan hệ với các ngày lễ. Ở Pháp, người ta không tiêm chủng 10.000 người giữa hai ngày Giáng Sinh và Tết Tây"

Câu hỏi đặt ra là trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trở lại hoặc bùng phát do biến biến thể mới, liệu có thể tăng tốc không ?

Ông Fischer thừa nhận rằng ông "không chắc" rằng công việc có thể "thực sự nhanh hơn" những gì đang làm hiện nay, nhấn mạnh đến các khó khăn hậu cần trong việc phân phối vac-xin đến một số nơi ở Pháp trước khi phục vụ công bằng cho 14.000 viện dưỡng lão trên lãnh thổ.

Cuba khai tử chế độ hai đồng tiền chính thức 

Trên bình diện quốc tế, Le Monde cũng quan tâm đến việc "Cuba chấm dứt hệ thống hai đồng tiền". Theo tờ báo, được áp dụng vào ngày 01/01/2021, giữa cuộc khủng hoảng kinh tế, cuộc cải cách được chờ đợi từ nhiều năm sẽ có tác động đau đớn đến giá cả và cuộc sống hàng ngày của người dân Cuba.

Sau nhiều năm trì hoãn, thất bại và những lời hứa hão huyền, Cuba đã quyết định thực hiện và thống nhất hệ thống tiền tệ của mình. Vào ngày 1 tháng 1 năm 2021, chính quyền La Habana sẽ từ bỏ một trong hai loại tiền tệ quốc gia được lưu hành trên đảo kể từ năm 1994, một hệ thống trước đây xem là duy nhất trên thế giới.

Cuộc cải cách quan trọng và phức tạp này được Chủ tịch Miguel Diaz-Canel công bố trên truyền hình vào ngày 10 tháng 12, và diễn ra vào thời điểm mà tình trạng thiếu hụt chưa bao giờ nghiêm trọng như hiện nay, kể từ sau khi khối Liên Xô tan rã vào những năm 1990, khiến Cuba rơi vào tình trạng kinh tế sụt giảm chưa từng thấy.

Vì không còn thu nhập từ du lịch do cuộc khủng hoảng virus corona, lại phải tăng chi tiêu để đối phó với đại dịch và các biện pháp trừng phạt gia tăng của chính quyền Trump, nền kinh tế Cuba đang hoạt động yếu ớt và lâm vào tình trạng thiếu ngoại hối.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 512 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)