Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/01/2021

Hải quân Châu Âu tiến vào Biển Đông thách thức Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Mỹ, Nhật hoan nghênh Hải quân Châu Âu triển khai tại Châu Á để đối phó với Trung Quốc

Thụy My, RFI, 05/01/2021

Anh sẽ điều một hàng không mẫu hạm đến Đông Á, Pháp đưa tàu Hải quân đến Nhật Bản và Đức gởi khu trục hạm đến Ấn Độ Dương, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. South China Morning Post hôm 05/01/2021 dẫn thông cáo của các chính phủ liên quan cho biết như trên. Nhật Bản và Hoa Kỳ rất hoan nghênh sự tham gia này.

haiquan1

Tầu HMS Queen Elizabeth của Hải Quân Anh tại cảng Gibraltar năm 2018. Ảnh minh họa.  © Royal Navy - Dave Jenkins

Tờ báo Hồng Kông dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi trong cuộc họp online với đồng nhiệm Đức Annegret Kramp-Karrenbauer hôm 15/12 nói rằng Nhật Bản có tiềm năng phát triển hợp tác quốc phòng với Châu Âu. Về phía bà Kramp-Karrenbauer nhận định : "Những gì diễn ra tại Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng ảnh hưởng đến Đức và Châu Âu. Chúng tôi mong muốn hợp tác trong việc bảo vệ trật tự dựa trên cơ sở luật pháp".

Ông Kishi hy vọng chiến hạm Đức sẽ tham gia tuần tra với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên Biển Đông. Trong một động thái đột phá hiếm hoi về ngoại giao của Đức, vốn rất thận trọng từ sau Đệ nhị Thế chiến, bà Kramp-Karrenbauer tuyên bố : "Người ta không thể đặt gánh nặng lên vai người khác khi theo đuổi tham vọng kinh tế và an ninh". Bộ trưởng Quốc Phòng Đức ám chỉ việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và liên tục xâm nhập Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

Sự kiện Bắc Kinh thẳng tay đàn áp Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh, cũng góp phần vào quyết định của Luân Đôn triển khai hàng không mẫu hạm đến Ấn Độ-Thái Bình Dương. Với việc các chiến đấu cơ F-35B của chiếc Queen Elizabeth sẽ được bảo dưỡng tại tỉnh Aichi, một số chuyên gia cho rằng mẫu hạm 65.000 tấn này sẽ lưu lại một thời gian ngắn tại Nhật. Một chuyên gia dự đoán Anh và Mỹ sẽ cùng tập trận tại Tây Thái Bình Dương, như hai đồng minh vẫn thường tiến hành ở Đại Tây Dương.

Trong một diễn biến liên quan, Nhật, Mỹ, Pháp sẽ tập trận đổ bộ trên một đảo hoang ở tây nam Nhật Bản vào tháng Năm.

Bên cạnh yếu tố Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng sở dĩ quan hệ giữa Nhật Bản và Châu Âu ngày càng chặt chẽ vì Tokyo mua nhiều vũ khí của các nước Châu Âu. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản tăng kỷ lục trong những năm gần đây trước những đe dọa về nguyên tử và hỏa tiễn của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên.

Đài Loan tố cáo chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập ở mức kỷ lục

Trong khi đó, bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm tố cáo các phi cơ quân sự Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) đến 380 lần trong năm 2020. Đài Bắc nhấn mạnh đây là sự đe dọa cho an ninh khu vực, cho rằng Bắc Kinh "muốn thử nghiệm phản ứng quân sự, gây áp lực lên phòng không và thu hẹp không phận cần thiết cho các hoạt động của Đài Loan".

Viện Nghiên cứu Quốc phòng Đài Loan trong báo cáo thường niên đã cảnh báo "mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn năm 1996 tại eo biển Đài Loan". Báo cáo nhận định các hành động này nhằm hăm dọa Đài Bắc không nên "vượt qua lằn ranh đỏ" trong quan hệ đang nồng ấm hơn với Hoa Kỳ.

Thụy My

*********************

Biển Đông : Trung Quốc đả kích dữ dội Anh Quốc

Minh Anh, RFI, 02/01/2021

Theo tờ South China Morning Post ngày 01/01/2021, bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã nổi dóa sau khi Anh thông báo lần đầu tiên sẽ điều hàng không mẫu hạm đến làm nhiệm vụ Thái Bình Dương, kể cả ở Biển Đông và NATO ra báo cáo chỉ trích chế độ độc đoán và những tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.

haiquan2

Một đảo trong khu vực Trường Sa, Biển Đông mà Trung Quốc bồi đắp và cải tạo thành cơ sở quân sự. Ảnh tư liệu của không quân Philippines chụp ngày 21/04/2017. AP - Francis Malasig

Một phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc, khi trả lời các câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo ngày 31/12/2020, tuyên bố : "Trung Quốc tin rằng Biển Đông không nên trở thành một vùng biển cho sự cạnh tranh giữa các cường quốc, bị chi phối bởi các loại vũ khí và tầu chiến."

Đại diện bộ Quốc Phòng Trung Quốc còn khẳng định sẽ có những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền của mình khi cho rằng "nguồn gốc thật sự của việc quân sự hóa Biển Đông đến từ việc nhiều nước bên ngoài vùng điều tầu chiến đến một nơi xa nhà hàng ngàn cây số để phô trương lực lượng".

Nhật báo Hồng Kông nhắc lại cựu bộ trưởng Quốc Phòng Anh, hồi tháng 2/2019 từng tuyên bố chiếc hàng không mẫu hạm mới nhất, HMS Queen Elizabeth sẽ được triển khai tại vùng Thái Bình Dương, kể cả tại những vùng biển đang có tranh chấp.

Cũng trong buổi họp báo, phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc còn chỉ trích bản báo cáo gần đây của NATO kêu gọi 30 nước thành viên tập trung nhiều hơn vào những "thách thức an ninh" do Trung Quốc đặt ra. Ông tuyên bố "Trung Quốc phản đối mọi suy đoán vô căn cứ và những cáo buộc sai lệch" trong bản báo cáo, đồng thời khẳng định chính sách quốc phòng của Bắc Kinh chỉ mang tính chất phòng thủ.

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My, Minh Anh
Read 538 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)