Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/01/2021

Điểm báo Pháp - Dư âm ngày bạo loạn tại Washington

RFI tiếng Việt

Chính trị Mỹ : Dư âm ngày bạo loạn tại Washington

Nền dân chủ Hoa Kỳ vượt qua cơn bão lửa, Joe Biden được lưỡng viên Quốc hội công nhận đắc cử tổng thống, Donald Trump đơn độc, phải nhìn nhận thực tế sau cố gắng vô vọng làm đảo ngược kết quả bầu cử. Washington trong ngày thứ Tư đen tối là chủ đề chính của báo chí Pháp 08/01/2021.

baoloan1

Cảnh người biểu tình thân Trump xô đổ hàng rào để tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington DC ngày 06/01/2021.  Rpberto Schmidt AFP

Trump gây náo loạn tại Washington, Biden tăng uy thế nhờ chiến thắng tại Thượng Viện. Tại Châu Âu, chiến dịch phối hợp tiêm ngừa Covid-19 rơi vào tình trạng lạc nhịp. Chính quyền Belarus bị tố cáo chủ mưu ám sát đối lập. Trung Quốc ngăn chận phái bộ điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới, đó là các tựa chính của Le Monde.

Trang nhất của Le Figaro với bức ảnh đám đông bao vây tòa nhà Quốc hội theo lời khuyến khích của Donald Trump, Le Figaro cho rằng Joe Biden, tổng thống thứ 46 của Mỹ kể từ 20/01 tới đây ngồi trên ngọn núi lửa, một quốc gia bị sâu xé vì trào lưu mị dân ngông cuồng của Trump. Tuy cũng "choáng váng", Libération tỏ ra lạc quan cho tương lai, cho dù 13 ngày tới đây là "13 ngày dài nhất". Nhật báo thiên tả đồng điệu với La Croix : Nền dân chủ Hoa Kỳ đứng vững trong cơn bão tố.

Nhục nhã

Donald Trump nhục nhã ê chề. Nước Mỹ vì sao nên nỗi ? Joe Biden làm sao gây lại niềm tin ? Các nền dân chủ thế giới phải làm gì trước sự chế nhạo của các chế độ độc tài ? Đó là nội dung các bài xã luận của Le Monde, Le Figaro và La Croix.

Le Monde, trong bài xã luận "Nhục nhã" lấy làm tiếc là tổng thống Donald Trump mà bốn năm trước đây đắc cử với lời hứa "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" đã kết thúc nhiệm kỳ trong sự nhục nhã. Lịch sử sẽ ghi lại ngày 06/01/2021 là ngày mà nền dân chủ Hoa Kỳ bị thách thức và có một lúc phải "gián đoạn" vì một đám đông cực đoan mà tổng thống mãn nhiệm khuyến khích tràn vào Quốc hội để ngăn cản thủ tục công nhận ứng cử viên đảng Dân chủ, Joe Biden, đắc cử tổng thống.

Ngày thứ Tư đen tối vừa qua là kết quả tất yếu của một đường lối lãnh đạo tùy nghi, đưa đến tình trạng nước Mỹ bị chia làm hai thành phần : một bên tôn trọng luật pháp, trật tự hiến định, còn một bên thì chìm trong thế giới hoang tưởng.

Trong thế giới hoang tưởng này, bất chấp hơn 60 phán quyết của công lý, kể cả quyết định của Tối Cao Pháp Viện, người ta vẫn cho là Donald Trump đắc cử, là chiến thắng bị đánh cắp. Tổng thống của họ đã nói như thế : ở bang Georgia, ông ấy hơn Joe Biden "gần nửa triệu phiếu" sao lại thua 11.779 phiếu ?

Trong cái rủi có cái may. Hỗn loạn hôm thứ Tư có thể giúp Joe Biden tái xây dựng nền dân chủ bị Donald Trump làm lung lay. Tổng thống thứ 46 chứng minh ông có đủ bản lĩnh qua phản ứng cứng rắn và sáng suốt trước mưu toan làm loạn của phe Trump.

Tuy nhiên, vẫn còn một loạt ẩn số đang chờ : Xử lý thế nào với thủ lĩnh phản loạn Donald Trump ? Ảnh hưởng của phe Cộng hòa cực đoan vẫn tiếp tục phủ nhận chiến thắng của đối thủ ? Ban lãnh đạo Cộng hòa, vào giờ chót tuân thủ Hiến pháp có biết rút tỉa bài học từ thảm họa đã được báo trước đó không ? Thế giới lo âu đang chờ các câu trả lời. Le Monde kết luận.

Joe Biden : Người của thời thế

Câu trả lời có thể tìm thấy trên Le Figaro. Trong bài "Hàn gắn lại những mảnh vụn", nhật báo thiên hữu có cùng nhận định như Le Monde : Joe Biden phải cám ơn Donald Trump mới phải. Thái độ bi thảm của Donald Trump tặng cho ông nhiệm kỳ tổng thống trên chiếc khay bằng bạc, một đa số không ngờ ở Thượng Viện.

Trump để lại một di sản đầy thách thức mà nghiêm trọng nhất là đại dịch Covid vượt tầm kiểm soát. Tuy nhiên, Joe Biden khôn ngoan để cho tính khí thất thường của Donald Trump qua đi mà không cần phản ứng trừ khi quyền lợi quốc gia bị đe dọa.

Không gây ồn ào, Joe Biden từng bước thành lập nội các, đa số là chuyên gia kinh nghiệm của chính quyền Barack Obama, nay được thăng chức. Joe Biden xứng đáng được thông cảm vì ông sẽ là người gom lại và hàn gắn từng mảnh gương vỡ, tấm gương mà nền dân chủ Mỹ hay ngắm nhìn. Sau bốn năm náo động, chính trường Mỹ cần một lãnh đạo hiền triết để an dân.

Nhìn từ Châu Âu, bài xã luận "Chiến thắng mong manh" trên La Croix cho rằng Donald Trump sẽ tiếp tục gây rối. Tuy nhiên, cho dù có nhiều nhược điểm, Hoa Kỳ vẫn là chiếc nôi của tự do trên địa cầu. Trung Quốc, Nga, Iran đã chế nhạo chế độ chính trị Mỹ là mong manh. Nhưng đối mặt với những cường quốc này, nơi mà chính quyền nắm trong tay guồng máy an ninh tàn bạo, các nền dân chủ trên thế giới phải đoàn kết lại, theo kết luận của nhật báo công giáo.

Định chế đứng vững

Cũng như các đồng nghiệp, nhật báo thiên tả Libération cho là hiệu năng đề kháng của các định chế chính trị Hoa Kỳ đã được chứng minh qua cuộc thử thách

Hoa Kỳ : 13 ngày dài nhất. Libération ghi lại mối lo của nhiều chính trị gia Mỹ: Còn hai tuần nữa Trump mãn nhiệm nhưng đó là hai tuần đầy bất trắc vì Trump còn nhiều quyền thế trong tay. Libération cũng tường thuật đầy đủ phản ứng "khoái chí" của các chế độ độc tài thù nghịch của Mỹ chế nhạo nền dân chủ Hoa Kỳ. Trung Quốc không ngần ngại đánh đồng phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Hồng Kông với "cảnh tượng ngọan mục ở Capitol".

Vấn đề là các định chế Mỹ có vững chắc hay không ? Sử gia Pap Ndiaye, Đại Học Chính Trị Paris khẳng định là có cho dù bị chủ nghĩa mị dân xói mòn, Quốc hội Mỹ vẫn có thể xác nhận kết quả bầu cử, nền tư pháp không bị Nhà Trắng (hành pháp) khuất phục, xã hội Mỹ động viên ngăn chận âm mưu đảo chính.

Nhưng sử gia Pap Ndiaye cảnh giác : Phe dân túy chỉ mới thua một trận đánh nhưng chưa thua cuộc chiến. Theo nhãn quan chính trị, nhiệm kỳ của tổng thống thứ 46 của Mỹ sẽ có giá trị quyết định hơn cả kể từ thời tổng thống Roosevelt.

Covid-19, tại sao siêu vi biến thể lại nguy hiểm ?

Châu Âu chưa biết khi nào thoát khỏi vòng vây. Chiến dịch chủng ngừa tiến hành chậm chạp. Biện pháp phong tỏa, giới nghiêm tiếp tục kéo dài.

Theo Le Figaro, thủ tướng Pháp chuẩn bị tâm lý dân chúng trước khi ban hành một số biện pháp tiếp tục hạn chế sinh hoạt như đóng cửa hàng quán, điện ảnh, rạp hát ít nhất đến tháng Hai. Les Echos cho biết thêm chính phủ Pháp có kế hoach đầu tư 20 tỷ euro hậu thuẫn kinh tế trong bối cảnh hai trên ba người Pháp lo ngại kinh tế sẽ bị khủng hoảng nghiêm trọng.

La Croix minh họa tình trạng phong tỏa kéo dài với tranh biếm họa, vẽ một công dân Anh mừng rỡ thoát ra khỏi Châu Âu, thì đụng phải bức tường phong tỏa y tế.

Le Figaro đặt câu hỏi với một chuyên gia vì sao siêu vi biến thể ở Anh Quốc nguy hiểm. Nguy hiểm thứ nhất là vận tốc lây lan và thứ hai là khả năng lây nhiễm. Chúng ta biết tác hại như thế nào nhưng chưa đo lường được vận tốc.

Nguồn gốc siêu vi: Bắc Kinh trì hoãn

Le Monde với bài "Trung Quốc ngăn chận phái đoàn điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới" một lần nữa nhắc nhở độc giả thái độ thiếu hợp tác của Bắc Kinh trong hồ sơ y tế liên quan đến toàn thế giới.

Trung Quốc dường như không sẵn sàng để Tổ chức Y tế Thế giới điều tra về cội nguồn của siêu vi gây đại dịch Covid-19. Tổng giám đốc cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc, tiến sĩ Tedros Adhanon Ghebreyesus, tuy có tiếng là thân Bắc Kinh, đã tỏ ra thất vọng trước quyết định chưa cấp phép cho phái đoàn chuyên gia. Bắc Kinh xác nhận "không phải vì lý do visa".

Vậy thì lý do gì ?

Le Monde nhắc lại tuyên bố mới đây của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, theo đó "ngày càng có nhiều nghiên cứu cho phép nghĩ rằng siêu vi xuất hiện cùng lúc tại nhiều nơi trên thế giới".

Trung Quốc ngày càng không muốn bị chỉ định là nước xuát phát đại dịch và muốn chứng tỏ là chính Trung Quốc báo động cho thế giới.

Thế nhưng, Le Monde cho biết các nghiên cứu quốc tế về lịch sử của siêu vi corona chủng mới xác định, tất cả các chủng lây lan trên địa cầu đều có cội nguồn từ siêu vi xuất hiện tại Vũ Hán trong khoảng tháng 11/2019.

Duy Ngô Nhĩ chạy đâu cho thoát

Người Duy Ngô Nhĩ, đã thoát ra nước ngoài, tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng vẫn bị Trung Quốc truy đuổi. Phóng sự của của La Croix từ Istanbul.

Người Duy Ngô Nhĩ phập phồng lo âu từ khi Ankara ký với Bắc Kinh thỏa thuận dẫn độ. Nếu Quốc hội Thổ phê chuẩn, khoảng 50 ngàn người Duy Ngô Nhĩ (hiện có quy chế sinh viên hay tị nạn) sợ bị trục xuất về Tân Cương và các trại tập trung

Đại diện các tổ chức Duy Ngô Nhĩ lưu vong tin là sẽ có khả năng vận động hành lang thuyết phục Quốc hội Thổ không chấp thuận thỏa thuận. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền hội đủ đa số để thông qua.

Để trấn an nạn nhân và không mang tiếng bỏ rơi những người luôn được Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ, ngoại trưởng Metluv Cavusoglu tuyên bố là "phê chuẩn thỏa thuận" không có nghĩa là Ankara sẽ trục xuất người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc

Tuy nhiên, sự kiện Trung Quốc chậm giao vac-xin chống Covid cho Thổ được giới quan sát xem là một hành động gây áp lực của Bắc Kinh.

Tú Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tú Anh
Read 481 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)