Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

07/01/2021

Điểm báo Pháp – Mỹ : Người biểu tình chiếm Quốc hội

RFI tiếng Việt

Người biểu tình chiếm Quốc hội, sự kiện cuối nhiệm kỳ 'tổng thống nổi dậy' Trump

Lẽ ra ông Trump có thể ra đi trong danh dự với tư cách "tổng thống của nhân dân", với bảng thành tích tuy gây tranh cãi nhưng rất đáng kể. Và với việc hai ghế thượng nghị sĩ ở Georgia rơi vào tay Dân chủ, theo Le Figaro, người đã đại thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây bốn năm, giờ đã mất tất cả.

quochoi1

Người ủng hộ tổng thống Donald Trump biểu tình đông đảo trước tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington ngày 06/01/2021.  AP - Jose Luis Magana

Sự kiện người biểu tình ủng hộ tổng thống Donald Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ và nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp Hồng Kông là hai đề tài chính được các báo Pháp bàn luận hôm 07/01/2021. Vì lệch giờ nên diễn biến ở Mỹ chủ yếu được các tờ báo Paris tường thuật trực tiếp suốt đêm trên mạng, chỉ có hai tờ kịp đưa lên trang bìa. Libération đăng ảnh hai dân biểu Mỹ đang dìu nhau chạy khỏi phòng họp với dòng tựa "Trump, chiến lược hỗn loạn",còn Le Figaro chạy tựa "Nền dân chủ rạn vỡ" với ảnh lớp lớp người biểu tình bao quanh điện Capitol.

Sự kiện lịch sử : Người biểu tình tràn vào Quốc hội Mỹ đang họp

Trang web của các báo đều có những bài phóng sự tường thuật chi tiết về cuộc chiếm lĩnh Quốc hội của những người ủng hộ tổng thống Trump. Trước đó một hôm, họ đã đến từ mọi miền đất nước, bằng máy bay, bằng xe hơi hay xe buýt. Các khách sạn đều kín chỗ. Hôm sau ngay từ sáng sớm, mặc cho bầu trời xám xịt với những cơn gió lạnh buốt ở thủ đô nước Mỹ, họ tập hợp lại để nghe bài diễn văn của Donald Trump và đến chiều thì hướng về điện Capitol, được ngăn chận bằng một hàng rào an ninh – rốt cuộc đã cho thấy quá mỏng.

Đám đông đội nói đỏ in chữ MAGA (Make America Great Again – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), mang cờ có hình tổng thống Trump hô vang "USA ! USA ! USA !", "Hãy chấm dứt cướp đoạt bầu cử !"…Sau vài tiếng đồng hồ, họ dần dần tiến vào được Quốc hội. Một số ít đập phá, trong khi đám đông – có người già lẫn người trẻ, nam cũng như nữ, thậm chí có cả trẻ em – nói chung là ôn hòa, tự coi là "những người cách mạng".Tất cả lối ra đều bị chận, những ai bên trong đều bị kẹt trước biển người bên ngoài.

Hơi cay, rồi những phát súng… hỗn loạn đã diễn ra. Ông Trump kêu gọi"Go home" nhưng theo các báo là quá trễ. Lệnh giới nghiêm từ 18 giờ (nửa đêm theo giờ Pháp, 6 giờ sáng Việt Nam) được đưa ra. Vệ binh quốc gia được điều đến, kết thúc vụ chiếm đóng. "Những người kháng chiến"cuối cùng giải tán trên đường phố của một thủ đô vắng lặng.

Tổng thống Mỹ đầu tiên tố cáo gian lận bầu cử

Trong bài xã luận, Le Figaro nhận định một trong những phương diện đáng khâm phục của dân chủ Mỹ là truyền thống chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từ 230 năm qua. Tuy có đôi lần rối loạn như sau vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy hay vụ từ chức của ông Richard Nixon, nhưng trật tự Hiến pháp luôn được tôn trọng. Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên thời hiện đại công khai tố cáo gian lận bầu cử.

Vị tổng thống Cộng Hòa hoàn toàn đúng khi đòi kiểm lại phiếu trước kết quả sát nút và kiện ra tòa, đó là quyền của ông. Nhưng khi gây áp lực lên các dân biểu, thượng nghị sĩ trong đảng và thúc đẩy người ủng hộ tiến về Washington, ông đã đi quá lố, theo Le Figaro.

Thật ra hồi năm 2000, sau năm tuần lễ tranh chấp về phiếu bầu và cả tư pháp, ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore mới chịu "chấp nhận" quyết định của Tối cao Pháp viện, nhận thất bại trước George W. Bush. Còn Donald Trump hai tháng rưỡi sau cuộc bầu cử vẫn nhất quyết không công nhận kết quả.

Lẽ ra ông Trump có thể ra đi trong danh dự với tư cách "tổng thống của nhân dân", với bảng thành tích tuy gây tranh cãi nhưng rất đáng kể. Và với việc hai ghế thượng nghị sĩ ở Georgia rơi vào tay Dân chủ, theo Le Figaro, người đã đại thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây bốn năm, giờ đã mất tất cả.

Le Monde cho rằng Donald Trump tự giam hãm trong ảo ảnh trước làn sóng người ủng hộ luôn đông đảo, tờ báo gọi đây là "vụ phá hoại cuối cùng"của ông Trump, "tổng thống có khuynh hướng nổi dậy".

Đại thanh trừng ở Hồng Kông

Chủ đề Hồng Kông chiếm rất nhiều trang trên các báo hôm nay. Libération chơi chữ với hàng tựa lớn "Hồng Kông, bước đại nhảy vọt thanh trừng" và dành bốn trang trong cho việc Bắc Kinh "giáng búa tạ vào nền dân chủ".

Việc 1.000 cảnh sát được huy động hôm qua để bắt giam 53 người gồm cựu dân biểu, nhà báo, nhà đấu tranh, luật sư mà mùa hè vừa qua đã tham gia cuộc bầu cử sơ bộ của đối lập, được tờ báo thiên tả gọi là "cuộc bố ráp vào dân chủ". Những người ôn hòa này bị kết tội vi phạm luật an ninh. Mẻ lưới được tung ra vào lúc thế giới đang chú tâm đến cuộc bầu cử quan trọng ở Georgia và Bruxelles đúc kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.

Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, chế độ Bắc Kinh đã đè bẹp những gì còn có thể được gọi là đối lập chính trị, đe dọa xã hội dân sự tại vùng đất mà nay không còn ai có thể gọi là "bán tự trị". Đồng thời Bắc Kinh ngăn cản không cho những nhà quan sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến điều tra về nguồn gốc con virus corona, và kết án tử hình một đại gia vì tham nhũng. Thông điệp rất rõ ràng : năm 2021 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, Đảng cộng sản muốn solo một mình một chợ, nhất quyết không khoan nhượng.

Thông điệp ngạo mạn của Đảng cộng sản Trung Quốc 100 tuổi

Bài xã luận của Libération nhấn mạnh đó là một "Thông điệp ngạo mạn". Năm 2021 khởi đầu cũng giống như 2020 với sự ngạo nghễ của Bắc Kinh : Trung Quốc hoàn toàn không có ý định tôn trọng các cam kết quốc tế.

Năm ngoái, đó là về bổn phận phải tỏ ra minh bạch lập tức trong trường hợp khủng hoảng dịch tễ. Còn lần này là lời hứa tôn trọng tự do và các quyền căn bản của người dân Hồng Kông, trong khuôn khổ thỏa thuận đã ký với Anh năm 1997 về "một đất nước, hai chế độ".

Có lẽ đã đến lúc Pháp phải nhắc nhở Tập Cận Bình về những lới cam đoan "tôn trọng quyền tự trị cao độ, Nhà nước pháp quyền, nhân quyền và các quyền tự do căn bản" ở Hồng Kông. Cuộc bố ráp Hồng Kông diễn ra chỉ một tuần sau khi thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký một thỏa thuận nguyên tắc quan trọng về đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Trung Quốc. Tổng thống Macron ca ngợi "đối thoại được tăng cường và tái cân bằng" giữa đôi bên, nhưng tờ báo thiên tả đặt câu hỏi phải chăng chỉ là đối thoại ? Hãy hình dung ra những gi còn sót lại của một nền dân chủ giả hiệu ở Hồng Kông, một khi thỏa thuận được Nghị Viện Châu Âu thông qua, mà đây là công cụ gây áp lực duy nhất của Châu Âu đối với Trung Quốc.

Nghị sĩ Châu Âu cảnh giác trước Bắc Kinh

Trả lời phỏng vấn của Les Echos, bà Marie-Pierre Védrenne, thành viên Ủy ban Ngoại thương của Nghị Viện Châu Âu nhận định, không nên bất cẩn "ký khống" với Trung Quốc.

Tuy Liên Hiệp Châu Âu tự khen ngợi là nhân tố quốc tế đầu tiên thành công trong việc đưa nhân quyền vào một thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng văn bản không bao gồm những ràng buộc về tư pháp để bảo đảm việc thực hiện những cam kết của Bắc Kinh. Chẳng hạn để giải quyết bất đồng, thỏa thuận dự kiến có sự tham gia của xã hội dân sự với các nhóm chuyên gia trong việc thành lập các cơ quan trọng tài. Nhưng tư cách các đại diện của "xã hội dân sự" ở Trung Quốc thì rất đáng ngờ.

Theo nghị sĩ Védrenne, trước những gì đang diễn ra ở Hồng Kông và việc ngăn chận đoàn chuyên gia y tế đến điều tra về con virus ở Vũ Hán, Châu Âu không nên tin tưởng mù quáng vào Trung Quốc. Cần phải đạt được những cam kết mang tính ràng buộc và lịch trình rất cụ thể để buộc Trung Quốc phê chuẩn Công ước quốc tế về lao động cưỡng bức. Đồng thời cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, thậm chí lập ra cơ chế trừng phạt để buộc Bắc Kinh phải thực hiện những gì đã cam đoan trên giấy tờ.

Bà cho biết rất nhiều nghị sĩ Châu Âu quan ngại về thỏa thuận này, kể cả trong nhóm Renew của bà vốn chủ trương tự do và thúc đẩy thương mại. Nhất là việc ký kết trước thời điểm chuyển tiếp chính quyền tại Hoa Kỳ khiến nhiều nghị sĩ bức xúc. Tại sao lại phải vội vã trong khi chính phủ mới ở Washington sẵn lòng hợp tác với Châu Âu để lập một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc ?

Từ Biển Đông đến khí hậu : Hành động của Trung Quốc luôn đi ngược với lời nói

Chuyên gia François Godement của Viện Montaigne nhấn mạnh trên Libération, không nên tin vào những lời hứa hão của Trung Quốc, đồng thời vạch ra những lỗ hổng trong chính sách của Châu Âu đối với Bắc Kinh.

Thẳng tay đàn áp Hồng Kông, Trung Quốc đã ngang nhiên xé bỏ thỏa thuận năm 1997. Nhưng không chỉ có thế, mà thực tế ngày càng trái ngược với những cam kết của Bắc Kinh. Chẳng hạn việc bác bỏ phán quyết trọng tài về Biển Đông, hay tuyên bố của Tập Cận Bình trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc là đến năm 2060 sẽ không phát thải carbon. Trong khi Trung Quốc tiêu thụ 4,3 tỉ tấn than đá/năm, kế hoạch 5 năm sắp tới thông báo "ở dưới mức 5 tỉ tấn/năm" từ nay đến 2026, có nghĩa là tự cho phép gia tăng tiêu thụ !

Với Bắc Kinh, nếu việc cam kết không được đàm phán cho đến dấu phẩy cuối cùng, thì cũng như không. Trong thỏa thuận đầu tư, Bắc Kinh chỉ hứa hẹn "bắt tay vào việc để phê chuẩn" Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Khó có thể hy vọng những trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sẽ bị dẹp vì ký kết với Châu Âu. Một chuyên gia Trung Quốc còn giải thích "không thể đòi hỏi những điều bất khả". Thế mà Châu Âu lại tự hài lòng về một lời hứa nhẹ như bông.

Theo chuyên gia Godement, Châu Âu hoàn toàn không hiểu chế độ Trung Quốc. Bắc Kinh không chấp nhận luật quốc tế đứng trên luật quốc gia. Sự cứng rắn chỉ mới bắt đầu, và tình hình Tân Cương chỉ là một khía cạnh bi thảm nhất. Châu Âu tố cáo quan điểm của chính quyền Donald Trump, trong khi ông Trump đã đáp trả ở mức cao nhất qua việc trừng phạt cá nhân các quan chức Bắc Kinh, còn Châu Âu lại đi ký một thỏa thuận thương mại, thật vô cùng tai tiếng. Chuyên gia này cho rằng càng hội nhập, buôn bán với Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu ngày càng bị lệ thuộc vào Bắc Kinh, một chế độ độc tài và hung hăng.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 559 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)