Tổng thống Donald Trump không thừa nhận trách nhiệm của ông trong vụ tấn công tòa nhà Quốc hội tại Washington ngày 06/01/2021. Hiện nay, cảnh sát đã nhận diện được khoảng 170 người và họ sẽ phải đối mặt với các cáo buộc "xâm nhập trái phép" hoặc "mang vũ khí không được phép", thậm chí là "phản loạn" hoặc "mưu phản".
Phát biểu trước khi đến bang Texas ngày 12/01 để ca ngợi bức tường chống nhập cư, ông Donald Trump khẳng định bài diễn văn khích lệ tinh thần người ủng hộ ông là "hoàn toàn phù hợp". Ông Trump vẫn có thể tin vào vài trăm người ủng hộ, tập trung tại miền nam bang Texas, với hy vọng ông tiếp tục cầm quyền trong bóng tối.
Từ McAllen, bang Texas, đặc phái viên Eric de Salves gửi về bài phóng sự :
"Vài trăm người tập trung dọc một trục đường ở phía nam bang Texas để chào mừng ông Donald Trump đến ca ngợi thành tích chống nhập cư. Người ủng hộ hồ hởi tràn ra đường khi đoàn xe của tổng thống đi qua.
Khó có thể tin rằng tổng thống sẽ phải rời chức vụ trong một tuần nữa. Những người ở đây từ chối tin vào thất bại đó, như Gary, một người nghỉ hưu từng làm việc trong ngành công nghiệp dầu khí, đầu đội mũ có hình tổng thống Trump. Ông nói : "Thực ra ông ấy đã thắng cử. Chiến thắng đã bị đánh cắp. Đó là một vết nhơ cho nền dân chủ của chúng tôi".
Một tuần sau vụ tấn công Điện Capitol, lập luận của những người đi đến cùng này càng cứng rắn hơn.
Cầm lá cờ "Make America Great Again" (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) trên tay, chân đi giầy cao gót đỏ, Rosie, 30 tuổi, đưa ra một lời khuyên cho tổng thống : "Họ vẫn coi ông ấy (Donald Trump) như một nhà độc tài. Vậy thì giờ thì tôi nghĩ ông ấy nên xử sự như một nhà độc tài. Ông ấy phải lên tiếng, anh biết vì sao không, tôi sẽ không để vụ gian lận này trôi qua, tôi sẽ không để họ ép chúng tôi im lặng với kiểu dân chủ của họ bằng cách loại chúng tôi khỏi các mạng xã hội. Tổng thống cần phải hành động !".
Rất nhiều người có mặt ở đây là tín đồ của QAnon. Phong trào theo thuyết âm mưu này tin rằng ông Donald Trump ngầm đấu tranh chống một mạng lưới ấu dâm do phe Dân chủ bảo vệ.
Chesley, làm quản lý trong một công ty lớn, tin vào điều này. Ông còn nghĩ là Donald Trump sẽ tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ hai trong bóng tối. Ông nói : "Lễ nhậm chức của ông Trump sẽ diễn ra. Ông Trump sẽ tuyên thệ nhưng không công khai. Có thể là tại Nhà Trắng, nhưng sẽ không công khai".
Xa cách với cái thế giới song song này, tại Washington, các nhà lập pháp Dân chủ chuẩn bị bỏ phiếu phế truất lần thứ hai tổng thống Donald Trump, ngày càng bị cô lập về mặt chính trị".
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 13/01/2021
****************Vụ xâm chiếm Quốc hội : Ông Trump phủ nhận trách nhiệm
VOA, 13/01/2021
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/1 phủ nhận trách nhiệm trong vụ các ủng hộ viên của ông bạo động tại trụ sở Quốc hội hôm 6/1 và nói rằng những lời phát biểu của ông trước khi vụ việc xảy ra là thoả đáng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Trump nói với báo giới rằng bài diễn thuyết của ông trước vụ bạo động hôm 6/1 – mà trong đó ông thúc giục các ủng hộ viên tuần hành tới Điện Capitol và chiến đấu – đã được những người mà ông không tiết lộ danh tính phân tích và đánh giá là ‘hoàn toàn thoả đáng.’
"Nếu quý vị nghe bài phát biểu của tôi… những gì tôi nói là hoàn toàn thoả đáng", ông Trump nói với báo giới tại Căn cứ Andrews khi được hỏi về trách nhiệm cá nhân liên quan tới vụ việc ngày 6/1, khi ủng hộ viên của ông tràn vào Quốc hội trong lúc Quốc hội đang họp để chính thức hoá kết quả bầu cử Tổng thống hôm 3/11/2020.
"Họ đã phân tích bài phát biểu của tôi, những lời lẽ của tôi, và đoạn cuối, câu cuối của tôi…và mọi người cho là hoàn toàn thoả đáng", ông Trump tuyên bố trước khi lên đường đi Texas thị sát bức tường biên giới với Mexico.
Phe Dân chủ ở Hạ viện dự định đàn hặc Tổng thống vào ngày 13/1 trừ phi ông từ chức hay bị cách chức trước đó.
Các nghị sĩ Dân chủ nói việc ông Trump bênh vực cho lời nói và hành động của mình càng cho thấy cần phải cấp bách cách chức ông.
Theo Reuters
Nguồn : VOA, 13/01/2021
************************
Tổng thống Trump : ‘Luận tội đang gây tức giận tột độ’ nhưng ‘Tôi không muốn bạo lực’
VOA, 13/01/2021
Đang chịu áp lực kêu gọi từ chức sau khi những người ủng hộ gây náo loạn Điện Capitol dẫn đến chết người vào tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói các động thái nhằm luận tội ông gây ra "tức giận tột độ", nhưng nói thêm rằng ông "không muốn bạo lực".
Tổng thống Donald Trump trả lời báo chí vào ngày 12/1/2021.
"Tôi không muốn có bạo lực", Reuters dẫn lời ông Trump nói với các phóng viên trước khi lên đường đi thăm bức tường biên giới ở Alamo, bang Texas.
Trong phát biểu đầu tiên trước các phóng viên kể từ ngày 8/12, tổng thống của Đảng Cộng hòa không trả lời câu hỏi về việc liệu ông có từ chức hay không.
Ông chỉ trích các động thái luận tội của các nhà lập pháp đảng Dân chủ.
"Việc luận tội này đang gây tức giận tột độ và họ đang làm điều đó. Đó thực sự là một điều khủng khiếp mà họ đang làm", Reuters dẫn lời ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ nói thêm rằng động thái luận tội ông, với tội danh kích động nổi dậy trong vụ tấn công Điện Capitol, là phần tiếp theo của "cuộc săn phù thủy" chống lại ông.
Nếu Hạ viện biểu quyết luận tội vào ngày 13/1, ông Trump sẽ trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên bị luận tội hai lần.
Nguồn : VOA, 13/01/2021
******************
Mai Vân, RFI, 11/01/2021
Hàng chục người ủng hộ tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị truy tố hình sự vì dính líu đến vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ trên đồi Capitol, thủ đô Washington DC ngày 06/01/2021. Và sắp tới đây sẽ có thêm nhiều vụ truy tố khác.
Vụ bạo loạn đã khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có một sĩ quan cảnh sát của điện Capitol. Nhưng cho đến nay, chưa có ai bị buộc tội liên quan đến bất kỳ cái chết nào trong số này. Theo các chuyên gia pháp lý, nhiều trách nhiệm pháp lý khác nhau có thể được áp dụng đối với những kẻ bạo loạn.
Hãng tin Anh Reuters bgày 09/01/2021 đã điểm qua một số tội danh mà những người xông vào Điện Capitol hôm 06/01 có thể phải gánh chịu, trong đó có cả tội âm mưu bạo loạn và trọng tội sát nhân.
Nhiều người trong số hơn 50 bị cáo đã phải ra hầu tòa đã bị truy tố với các tội danh liên quan đến súng vì luật liên bang cấm mang súng trong tòa nhà Quốc hội Capitol, và cấm mang theo súng không đăng ký hoặc đạn dược không có giấy phép ở Đặc Khu Columbia, tức là vùng thủ đô Washington.
Một người đàn ông ở Seattle (bang Washington) đã bị buộc tội hành hung nhân viên công lực liên bang, một tội ác liên bang. Người này bị cáo buộc là đã đấm một nhân viên cảnh sát Điện Capitol trong một sự cố khác với vụ việc đã dẫn đến cái chết của một viên cảnh sát trong lực lượng bảo vệ Quốc hội.
Vài chục bị can khác đã bị buộc tội xâm nhập bất hợp pháp khuôn viên Điện Capitol, đây là một tội danh được quy định trong bộ luật hình sự Washington D.C. và luật liên bang. Trong số người bị buộc vào tội danh này có Nicholas Ochs, một thành viên của nhóm cực hữu Proud Boys, vốn đã cho đăng một bức ảnh chụp chính đương sự ở bên trong trụ sở Quốc hội Mỹ.
Trong vụ bạo loạn ngày 06/01 đã có cảnh sát trong lực lượng bảo vệ Quốc hội Mỹ thiệt mạng. Theo cảnh sát Điện Capitol, Brian Sicknick "đã bị thương khi xung đột với những người biểu tình", và khi trở về văn phòng đơn vị của mình ông đã bị hôn mê và qua đời hôm thứ Năm 07/01. Sicknick ở trong số 5 người thiệt mạng do cuộc bạo loạn.
Matt Jones, một cựu công tố viên liên bang ở Washington hiện làm việc cho công ty luật Wilmer Cutler Pickering Hale & Dorr, cho biết ưu tiên hàng đầu của cơ quan thực thi pháp luật là điều tra để xác định xem ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của Sicknick.
Những ai bị nhận diện là người trực tiếp hành hung Sicknick có thể bị khép vào tội sát nhân hoặc ngộ sát. Bất kỳ ai tiếp tay cho thủ phạm chính đều có thể phải đối mặt với các cáo buộc hình sự về tội "giúp đỡ và tiếp tay" cho kẻ sát nhân.
Nếu vụ ông Sicknick bị thiệt mạng nằm trong khuôn khổ một âm mưu có phối hợp nhằm tấn công các cá nhân bên trong Điện Capitol, những cá nhân có liên quan đến âm mưu đó đều có thể bị buộc tội là đồng phạm.
Theo ông Jones : "Các công tố viên chắc chắn đang xem xét kỹ lưỡng các cuộc điện đàm và bài đăng trên các mạng xã hội… và nếu họ tìm thấy một ý định gây tổn hại cho viên chức cảnh sát, nghị sĩ hoặc cộng sự viên của các thành viên Quốc hội, thì lập tức guồng máy sẽ tăng tốc (để truy bắt)".
Tuy nhiên, đối với ông Jay Town, nguyên chưởng lý liên bang Quận phía Bắc của bang Alabama, những kẻ bạo loạn chỉ có mặt trong phòng khi xảy ra vụ xô xát mà không tham gia thì ít có khả năng bị buộc tội tòng phạm hơn.
Theo các chuyên gia pháp lý, rất có thể là nhiều cá nhân đã xông vào trụ sở Quốc hội Mỹ hôm 06/01 sẽ bị truy tố trên cơ sở một đạo luật liên bang cấm các hoạt động nhằm lật đổ chính phủ. Luật này nghiêm cấm hành vi âm mưu "lật đổ, hạ bệ hoặc tiêu diệt bằng vũ lực" chính phủ Hoa Kỳ.
Justo Mendez, luật sư chuyên trách các vụ án hình sự tại công ty luật Holland & Knight ở Texas và là cựu công tố viên liên bang, cho biết là tội danh này chắc chắc sẽ được áp dụng "sau khi cuộc điều tra hoàn tất" vì các "bằng chứng về ‘âm mưu lật đổ’ đầy rẫy trên mạng xã hội".
Tất cả các cáo buộc hình sự cho đến nay đều đến từ Văn phòng Công Tố của Đặc Khu Columbia, một bộ phận của bộ Tư Pháp Hoa Kỳ. Các công tố viên này thực thi luật liên bang, cũng như luật hình sự riêng của Đặc Khu Columbia (có quy chế tương đương với một tiểu bang).
Các công tố viên liên bang trên toàn quốc cũng có thể đưa ra cáo buộc nếu kế hoạch thực hiện bạo lực được thực hiện trong khu vực thuộc thẩm quyền của họ.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 11/01/2021
********************
Bạo loạn ở Quốc hội Mỹ gây tranh cãi về trách nhiệm của ông Trump
VOA, 09/01/2021
Trong khi ủng hộ viên của Tổng thống Trump cho rằng ông ‘không kêu gọi bạo động và đã lên án bạo lực’ thì phe phản đối quy trách chính ông đã khuyến khích những người ủng hộ ông có hành động tấn công vào toà nhà Quốc hội.
Cuộc tuần hành hôm 6/1 đã trở thành cuộc tấn công vào Điện Capitol khi Quốc hội đang họp
Ông Trump đang đối mặt với áp lực bị truất phế từ Quốc hội và từ ngay cả những người thân tín sau khi các ủng hộ viên của ông đột nhập bạo động vào Điện Capitol hôm 6/1 trong lúc lưỡng viện Quốc hội đang có phiên họp chung để chứng nhận kết quả bầu cử Tổng thống 3/11/2020.
‘Chiến đấu vì Trump’
Cuộc tập hợp mang tên ‘Cứu nước Mỹ’ của những người ủng hộ ông Trump diễn ra hôm 6/1 ở thủ đô Washington. Trong đoàn biểu tình hôm đó cũng có nhiều người Việt từ nhiều tiểu bang đổ về.
Tại sự kiện này, ông Trump lặp lại các cáo buộc vô căn cứ rằng Đảng Dân chủ đã ‘cướp chiến thắng’ của ông và kêu gọi đám đông ‘hãy yêu cầu Quốc hội làm điều đúng đắn và chỉ đếm phiếu đại cử tri hợp pháp’.
"Bởi vì quý vị sẽ không thể nào lấy lại đất nước này bằng sự mềm yếu. Quý vị phải thể hiện sức mạnh và quý vị cần phải mạnh mẽ", ABC News dẫn lời ông Trump phát biểu trước đám đông ở công viên Ellipse.
Sau bài phát biểu của ông Trump, đám đông đã hướng về phía Điện Capitol, hô lên ‘Chiến đấu vì Trump’. Cuộc đột nhập vào tòa nhà Quốc hội sau đó đã khiến 5 người chết và bị thế giới lên án là hành động tấn công vào nền dân chủ Hoa Kỳ.
Mặc dù sau đó ông Trump đã kêu gọi những người ủng hộ ông về nhà nhưng trong thông điệp vãn hồi trật tự, ông vẫnlặp lại tố cáo vô căn cứ rằng : "Một chiến thắng vang dội trong kì bầu cử đã bị cướp khỏi tay chúng ta".
Một ngày sau, ông Trump công khai lên án vụ xâm chiếm bạo động tại Quốc hội là ‘ghê tởm,’ ‘khiến ông phẫn nộ’.
Sau cuộc hỗn loạn đẫm máu tại Quốc hội, ngày càng có nhiều lời kêu gọi Tổng thống Mike Pence viện dẫn Tu chính án25 để truất phế Tổng thống Trump. Ông Pence phản đối lời kêu gọi này, New York Times dẫn lời một người thân tín với Phó Tổng thống cho biết.
Hiện giờ, ông Trump đang đối mặt với nguy cơ bị luận tội lần thứ hai. Lãnh đạo Đảng Dân chủ tại hai viện Quốc hội cho biết sẽ xúc tiến việc luận tội ông. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói đầu tuần sau, ngày 11/1, Hạ viện sẽ soạn thảo điều khoản luận tội. Trong lịch sử Mỹ, chưa một vị Tổng thống bị luận tội đến hai lần.
Bà Pelosi cũng đòi ông Trump phải từ chức ngay nếu không muốn bị luận tội. Một số đồng minh của ông Trump bên Đảng Cộng hòa cũng kêu gọi ông ra đi. Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski nói bà muốn ông Trump phải ra đi trước khi hết nhiệm kỳ, theo AP.
Hàng loạt quan chức trong chính quyền Trump, mới nhất là Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao và Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos, đã từ chức để phản đối hành động tấn công vào Điện Capitol.
Trang bìa ấn bản mới nhất của tờ Economist, một tạp chí uy tín của Anh, đăng hình một người nổi loạn ngồi vào ghế Chủ tịch Thượng viện của ông Mike Pence với lời bình : ‘Không nghi ngờ gì nữa Donald Trump chính là tác giả của cuộc tấn công chết chóc vào trái tim của nền dân chủ Mỹ".
‘Trump có trách nhiệm chính’
Ông Hải Nguyễn, một kỹ sư phần mềm ở Los Angeles và là cử tri Dân chủ lâu năm, cũng quy trách nhiệm cuộc bạo động này cho Tổng thống Donald Trump.
Ông Hải nói với VOA rằng người ủng hộ ông Trump có quyền biểu tình nếu họ thấy bất bình về kết quả bầu cử. Tuy nhiên, sau khi tòa án các cấp đã bác hàng chục vụ kiện về gian lận bầu cử của ông Trump, và sau khi phe ông Trump ‘hơn một tháng qua không chứng minh được có gian lận thì bây giờ họ đi bạo động là trái luật pháp’, ông nhận định.
"Hành động đó giống như phản loạn, muốn lật đổ chính quyền", ông Hải lên án.
Ông cho rằng mặc dù ông Trump không hoàn toàn kêu gọi gây bạo động, nhưng ông ‘phải chịu trách nhiệm chính’.
"Ông ấy nói bầu cử gian lận thì khác nào nói bầu cử không hợp pháp ? Chẳng khác nào xúi giục người dân nổi lên chống lại", ông Hải lập luận.
Người kỹ sư phần mềm này còn chỉ ra ‘một quá trình dài’ ông Trump ‘có hành vi khuyến khích bạo lực’ chẳng hạn như kêu gọi những phần tử cực đoan ủng hộ ông như Proud Boys là ‘đứng sang một bên sẵn sàng’, và ca ngợi những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là ‘người tốt’.
Về hành động của Đảng Dân chủ muốn luận tội ông Trump một lần nữa, ông Hải cho là ‘nên làm’ nhưng ông thừa nhận là ‘khó khả thi’ và mất thời gian trong khi ông Trump chỉ còn tại vị chưa tới hai tuần nữa.
Về việc liệu chính quyền ông Biden có nên mở cuộc điều tra về ông Trump sau khi ông rời Nhà Trắng hay không, ông Hải nói : "Tôi nghĩ ông Biden không nên làm và tôi tin tưởng ông Biden sẽ không làm vì chuyện đó sẽ gây bạo động và chia rẽ nước Mỹ mặc dù ông Trump làm rất nhiều điều không đúng".
‘Có chính nghĩa và hợp pháp’
Trái với nhận xét của ông Hải Nguyễn, cựu tù chính trị Vũ Hoàng Hải đang sống lưu vong tại Mỹ và là một ủng hộ viên nhiệt thành của ông Trump cho rằng việc làm của ông Trump là ‘có chính nghĩa và hoàn toàn đúng Hiến pháp và pháp luật’.
"Chính nghĩa là đòi minh bạch trong vấn đề bầu cử", ông nói và cho rằng theo luật pháp Mỹ thì ông Trump có quyền kêu gọi biểu tình.
Về bạo loạn, ông Hải cáo buộc là ‘có người trà trộn vào phá hoại’, theo những gì ông tìm hiểu từ ‘các nguồn tin trên mạng xã hội’.
"Những người MAGA (Làm cho Nước Mỹ vĩ đại trở lại) rất bình tĩnh. Ông Trump cũng đã kêu gọi mọi người bình tĩnh, không bạo loạn". "Chính ông Trump đã lên án những người phá hoại cuộc biểu tình", nhà hoạt động chính trị này lập luận.
Do đó, ông Hải phản đối việc Đảng Dân chủ xúc tiến luận tội ông Trump : "Ông ấy đã lên án bạo loạn, ông ấy đã nói rằng sẽ chuyển giao quyền lực một cách êm thấm thì lấy cớ gì mà truất phế ông ấy trong giai đoạn này ?"
Ông Hải tin rằng nỗ lực này nằm trong ‘kế hoạch của Đảng Dân chủ muốn loại ông Trump từ lâu rồi, từ lúc ông ấy chưa ra làm Tổng thống’. "Họ sợ ông Trump dùng thiết quân luật nên bây giờ bằng mọi giá họ muốn truất phế ông ấy", ông Hải cáo buộc.
Nguồn : VOA, 09/01/2021
Lẽ ra ông Trump có thể ra đi trong danh dự với tư cách "tổng thống của nhân dân", với bảng thành tích tuy gây tranh cãi nhưng rất đáng kể. Và với việc hai ghế thượng nghị sĩ ở Georgia rơi vào tay Dân chủ, theo Le Figaro, người đã đại thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây bốn năm, giờ đã mất tất cả.
Sự kiện người biểu tình ủng hộ tổng thống Donald Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội Mỹ và nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp Hồng Kông là hai đề tài chính được các báo Pháp bàn luận hôm 07/01/2021. Vì lệch giờ nên diễn biến ở Mỹ chủ yếu được các tờ báo Paris tường thuật trực tiếp suốt đêm trên mạng, chỉ có hai tờ kịp đưa lên trang bìa. Libération đăng ảnh hai dân biểu Mỹ đang dìu nhau chạy khỏi phòng họp với dòng tựa "Trump, chiến lược hỗn loạn",còn Le Figaro chạy tựa "Nền dân chủ rạn vỡ" với ảnh lớp lớp người biểu tình bao quanh điện Capitol.
Trang web của các báo đều có những bài phóng sự tường thuật chi tiết về cuộc chiếm lĩnh Quốc hội của những người ủng hộ tổng thống Trump. Trước đó một hôm, họ đã đến từ mọi miền đất nước, bằng máy bay, bằng xe hơi hay xe buýt. Các khách sạn đều kín chỗ. Hôm sau ngay từ sáng sớm, mặc cho bầu trời xám xịt với những cơn gió lạnh buốt ở thủ đô nước Mỹ, họ tập hợp lại để nghe bài diễn văn của Donald Trump và đến chiều thì hướng về điện Capitol, được ngăn chận bằng một hàng rào an ninh – rốt cuộc đã cho thấy quá mỏng.
Đám đông đội nói đỏ in chữ MAGA (Make America Great Again – Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), mang cờ có hình tổng thống Trump hô vang "USA ! USA ! USA !", "Hãy chấm dứt cướp đoạt bầu cử !"…Sau vài tiếng đồng hồ, họ dần dần tiến vào được Quốc hội. Một số ít đập phá, trong khi đám đông – có người già lẫn người trẻ, nam cũng như nữ, thậm chí có cả trẻ em – nói chung là ôn hòa, tự coi là "những người cách mạng".Tất cả lối ra đều bị chận, những ai bên trong đều bị kẹt trước biển người bên ngoài.
Hơi cay, rồi những phát súng… hỗn loạn đã diễn ra. Ông Trump kêu gọi"Go home" nhưng theo các báo là quá trễ. Lệnh giới nghiêm từ 18 giờ (nửa đêm theo giờ Pháp, 6 giờ sáng Việt Nam) được đưa ra. Vệ binh quốc gia được điều đến, kết thúc vụ chiếm đóng. "Những người kháng chiến"cuối cùng giải tán trên đường phố của một thủ đô vắng lặng.
Trong bài xã luận, Le Figaro nhận định một trong những phương diện đáng khâm phục của dân chủ Mỹ là truyền thống chuyển giao quyền lực một cách hòa bình từ 230 năm qua. Tuy có đôi lần rối loạn như sau vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy hay vụ từ chức của ông Richard Nixon, nhưng trật tự Hiến pháp luôn được tôn trọng. Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên thời hiện đại công khai tố cáo gian lận bầu cử.
Vị tổng thống Cộng Hòa hoàn toàn đúng khi đòi kiểm lại phiếu trước kết quả sát nút và kiện ra tòa, đó là quyền của ông. Nhưng khi gây áp lực lên các dân biểu, thượng nghị sĩ trong đảng và thúc đẩy người ủng hộ tiến về Washington, ông đã đi quá lố, theo Le Figaro.
Thật ra hồi năm 2000, sau năm tuần lễ tranh chấp về phiếu bầu và cả tư pháp, ứng cử viên đảng Dân chủ Al Gore mới chịu "chấp nhận" quyết định của Tối cao Pháp viện, nhận thất bại trước George W. Bush. Còn Donald Trump hai tháng rưỡi sau cuộc bầu cử vẫn nhất quyết không công nhận kết quả.
Lẽ ra ông Trump có thể ra đi trong danh dự với tư cách "tổng thống của nhân dân", với bảng thành tích tuy gây tranh cãi nhưng rất đáng kể. Và với việc hai ghế thượng nghị sĩ ở Georgia rơi vào tay Dân chủ, theo Le Figaro, người đã đại thắng trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây bốn năm, giờ đã mất tất cả.
Le Monde cho rằng Donald Trump tự giam hãm trong ảo ảnh trước làn sóng người ủng hộ luôn đông đảo, tờ báo gọi đây là "vụ phá hoại cuối cùng"của ông Trump, "tổng thống có khuynh hướng nổi dậy".
Chủ đề Hồng Kông chiếm rất nhiều trang trên các báo hôm nay. Libération chơi chữ với hàng tựa lớn "Hồng Kông, bước đại nhảy vọt thanh trừng" và dành bốn trang trong cho việc Bắc Kinh "giáng búa tạ vào nền dân chủ".
Việc 1.000 cảnh sát được huy động hôm qua để bắt giam 53 người gồm cựu dân biểu, nhà báo, nhà đấu tranh, luật sư mà mùa hè vừa qua đã tham gia cuộc bầu cử sơ bộ của đối lập, được tờ báo thiên tả gọi là "cuộc bố ráp vào dân chủ". Những người ôn hòa này bị kết tội vi phạm luật an ninh. Mẻ lưới được tung ra vào lúc thế giới đang chú tâm đến cuộc bầu cử quan trọng ở Georgia và Bruxelles đúc kết thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc.
Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, chế độ Bắc Kinh đã đè bẹp những gì còn có thể được gọi là đối lập chính trị, đe dọa xã hội dân sự tại vùng đất mà nay không còn ai có thể gọi là "bán tự trị". Đồng thời Bắc Kinh ngăn cản không cho những nhà quan sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến điều tra về nguồn gốc con virus corona, và kết án tử hình một đại gia vì tham nhũng. Thông điệp rất rõ ràng : năm 2021 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, Đảng cộng sản muốn solo một mình một chợ, nhất quyết không khoan nhượng.
Thông điệp ngạo mạn của Đảng cộng sản Trung Quốc 100 tuổi
Bài xã luận của Libération nhấn mạnh đó là một "Thông điệp ngạo mạn". Năm 2021 khởi đầu cũng giống như 2020 với sự ngạo nghễ của Bắc Kinh : Trung Quốc hoàn toàn không có ý định tôn trọng các cam kết quốc tế.
Năm ngoái, đó là về bổn phận phải tỏ ra minh bạch lập tức trong trường hợp khủng hoảng dịch tễ. Còn lần này là lời hứa tôn trọng tự do và các quyền căn bản của người dân Hồng Kông, trong khuôn khổ thỏa thuận đã ký với Anh năm 1997 về "một đất nước, hai chế độ".
Có lẽ đã đến lúc Pháp phải nhắc nhở Tập Cận Bình về những lới cam đoan "tôn trọng quyền tự trị cao độ, Nhà nước pháp quyền, nhân quyền và các quyền tự do căn bản" ở Hồng Kông. Cuộc bố ráp Hồng Kông diễn ra chỉ một tuần sau khi thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron ký một thỏa thuận nguyên tắc quan trọng về đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Trung Quốc. Tổng thống Macron ca ngợi "đối thoại được tăng cường và tái cân bằng" giữa đôi bên, nhưng tờ báo thiên tả đặt câu hỏi phải chăng chỉ là đối thoại ? Hãy hình dung ra những gi còn sót lại của một nền dân chủ giả hiệu ở Hồng Kông, một khi thỏa thuận được Nghị Viện Châu Âu thông qua, mà đây là công cụ gây áp lực duy nhất của Châu Âu đối với Trung Quốc.
Tuy Liên Hiệp Châu Âu tự khen ngợi là nhân tố quốc tế đầu tiên thành công trong việc đưa nhân quyền vào một thỏa thuận với Trung Quốc, nhưng văn bản không bao gồm những ràng buộc về tư pháp để bảo đảm việc thực hiện những cam kết của Bắc Kinh. Chẳng hạn để giải quyết bất đồng, thỏa thuận dự kiến có sự tham gia của xã hội dân sự với các nhóm chuyên gia trong việc thành lập các cơ quan trọng tài. Nhưng tư cách các đại diện của "xã hội dân sự" ở Trung Quốc thì rất đáng ngờ.
Theo nghị sĩ Védrenne, trước những gì đang diễn ra ở Hồng Kông và việc ngăn chận đoàn chuyên gia y tế đến điều tra về con virus ở Vũ Hán, Châu Âu không nên tin tưởng mù quáng vào Trung Quốc. Cần phải đạt được những cam kết mang tính ràng buộc và lịch trình rất cụ thể để buộc Trung Quốc phê chuẩn Công ước quốc tế về lao động cưỡng bức. Đồng thời cải thiện cơ chế giải quyết tranh chấp, thậm chí lập ra cơ chế trừng phạt để buộc Bắc Kinh phải thực hiện những gì đã cam đoan trên giấy tờ.
Bà cho biết rất nhiều nghị sĩ Châu Âu quan ngại về thỏa thuận này, kể cả trong nhóm Renew của bà vốn chủ trương tự do và thúc đẩy thương mại. Nhất là việc ký kết trước thời điểm chuyển tiếp chính quyền tại Hoa Kỳ khiến nhiều nghị sĩ bức xúc. Tại sao lại phải vội vã trong khi chính phủ mới ở Washington sẵn lòng hợp tác với Châu Âu để lập một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc ?
Chuyên gia François Godement của Viện Montaigne nhấn mạnh trên Libération, không nên tin vào những lời hứa hão của Trung Quốc, đồng thời vạch ra những lỗ hổng trong chính sách của Châu Âu đối với Bắc Kinh.
Thẳng tay đàn áp Hồng Kông, Trung Quốc đã ngang nhiên xé bỏ thỏa thuận năm 1997. Nhưng không chỉ có thế, mà thực tế ngày càng trái ngược với những cam kết của Bắc Kinh. Chẳng hạn việc bác bỏ phán quyết trọng tài về Biển Đông, hay tuyên bố của Tập Cận Bình trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc là đến năm 2060 sẽ không phát thải carbon. Trong khi Trung Quốc tiêu thụ 4,3 tỉ tấn than đá/năm, kế hoạch 5 năm sắp tới thông báo "ở dưới mức 5 tỉ tấn/năm" từ nay đến 2026, có nghĩa là tự cho phép gia tăng tiêu thụ !
Với Bắc Kinh, nếu việc cam kết không được đàm phán cho đến dấu phẩy cuối cùng, thì cũng như không. Trong thỏa thuận đầu tư, Bắc Kinh chỉ hứa hẹn "bắt tay vào việc để phê chuẩn" Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Khó có thể hy vọng những trại cải tạo người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương sẽ bị dẹp vì ký kết với Châu Âu. Một chuyên gia Trung Quốc còn giải thích "không thể đòi hỏi những điều bất khả". Thế mà Châu Âu lại tự hài lòng về một lời hứa nhẹ như bông.
Theo chuyên gia Godement, Châu Âu hoàn toàn không hiểu chế độ Trung Quốc. Bắc Kinh không chấp nhận luật quốc tế đứng trên luật quốc gia. Sự cứng rắn chỉ mới bắt đầu, và tình hình Tân Cương chỉ là một khía cạnh bi thảm nhất. Châu Âu tố cáo quan điểm của chính quyền Donald Trump, trong khi ông Trump đã đáp trả ở mức cao nhất qua việc trừng phạt cá nhân các quan chức Bắc Kinh, còn Châu Âu lại đi ký một thỏa thuận thương mại, thật vô cùng tai tiếng. Chuyên gia này cho rằng càng hội nhập, buôn bán với Trung Quốc, Liên Hiệp Châu Âu ngày càng bị lệ thuộc vào Bắc Kinh, một chế độ độc tài và hung hăng.
Thụy My
Ngoại trưởng Mỹ nói sẽ làm rõ liệu cựu đại sứ ở Ukraine có bị đe dọa hay không (VOA, 18/01/2020)
Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ làm mọi thứ cần thiết để xác định liệu cựu Đại sứ Hoa Kỳ Marie Yovanovitch có bị đe dọa ở Ukraine hay không, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết hôm thứ Sáu.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch giơ tay tuyên thệ để khai chứng trước Ủy ban Tình báo Hạ viện trong Điện Capitol ở Washington, ngày 15/11/2019.
Các tài liệu được công bố trong tuần này cho thấy Lev Parnas, một công dân Mỹ gốc Ukraine, đã giúp luật sư cá nhân Rudy Giuliani của Tổng thống Mỹ Donald Trump điều tra ứng cử viên tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai ông Hunter.
Tài liệu cũng cho thấy ông Parnas có dính líu vào việc theo dõi hành tung của bà Yovanovitch trước khi ông Trump sa thải bà vào tháng 5. Bà Yovanovitch, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp được nể trọng, là một nhân chứng chính trong cuộc điều tra của Hạ viện Hoa Kỳ nhắm vào ông Trump trước khi ông bị luận tội vào/12.
Trong những phát biểu đầu tiên về vấn đề này kể từ khi các tài liệu được công bố vào tối thứ Ba, ông Pompeo nói rằng ông chưa bao giờ gặp gỡ hay trao đổi với ông Parnas, nói thêm rằng ông nghĩ phần lớn những gì đã được báo cáo về vấn đề này sẽ được chứng tỏ là sai.
"Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì chúng tôi cần làm để thẩm định liệu có chuyện gì xảy ra ở đó không", ông nói với người dẫn chương trình phát thanh bảo thủ Tony Katz trong một cuộc phỏng vấn.
"Tôi ngờ rằng phần lớn những gì đã được báo cáo cuối cùng sẽ được chứng tỏa là sai, nhưng nghĩa vụ của chúng tôi, nghĩa vụ của tôi với tư cách ngoại trưởng, là đảm bảo rằng chúng tôi thẩm định, điều tra. Bất cứ khi nào có ai đó cho rằng có thể có rủi ro đối với một trong những viên chức của chúng tôi, chúng tôi rõ ràng sẽ làm điều đó", ông nói.
Bà Yovanovitch khai chứng rằng bà đã nhận được một cuộc gọi vào đêm khuya từ Washington cảnh báo rằng bà cần phải quay lại Mỹ ngay và có những lo ngại về sự an toàn của bà.
Việc theo dõi bà bất hợp pháp có thể là một yếu tố quan trọng của phiên xét xử luận tội về việc có nên truất quyền tổng thống của ông Trump hay không. Quá trình này đã chính thức bắt đầu vào ngày thứ Năm.
*******************
Thượng Viện Mỹ trang trọng khai mạc phiên tòa truất phế Donald Trump (RFI, 17/01/2019)
Phiên tòa truất phế tổng thống Donald Trump được khai mạc tại Thượng Viện Hoa Kỳ 16/01/2020 trong không khí hết sức trang trọng, với thủ tục tuyên thệ của chánh án và 100 thượng nghị sĩ. Ông Trump gọi đó là "trò hề", "sẽ nhanh chóng kết thúc", và thứ Hai 20/01 ông đi Thụy Sĩ tham dự Diễn đàn Davos, nhằm duy trì hình ảnh một nhà lãnh đạo quyền lực.
Chánh án tòa án tối cao John Roberts đọc tuyên thệ tại Quốc Hội ngày 16/01/2020. Reuters/U.S. Senate TV/Handout via Reuters
Thông tín viên Eric De Salves phụ trách miền tây nước Mỹ cho biết :
"Trước các thượng nghị sĩ, công tố viên trưởng Adam Shiff với vẻ trịnh trọng bắt đầu đọc cáo trạng đối với ông Donald Trump về các tội nặng và nhẹ, để khai mạc phiên tòa.
Ông nói : Donald Trump đã lạm dụng quyền lực tổng thống khi sử dụng chức vụ tối cao của mình để yêu cầu một chính phủ nước ngoài là Ukraina can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Buổi lễ diễn ra rất trang trọng. Ông Donald Trump là tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị đưa ra xét xử trước Thượng Viện. Trong sự im lặng hoàn toàn, chánh án tòa án tối cao trong chiếc áo thụng đen bước vào tòa nhà Quốc Hội. Tay trái đặt lên Kinh Thánh, tay phải giơ cao, ông John Robert đọc lời tuyên thệ. Sau đó vị thẩm phán cao cấp nhất nước Mỹ yêu cầu 100 thượng nghị sĩ đứng dậy để tuyên thệ sẽ xét xử tổng thống Mỹ một cách công minh, theo như Hiến pháp.
Phiên xử tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ sẽ khởi đầu vào thứ Ba 21/01/2020, và kéo dài hai tuần lễ. Mặc dù có những tuyên bố mới của trợ lý luật sư ông Trump, khẳng định ông hoàn toàn biết về các hoạt động ngoại giao song hành nhân danh tổng thống tại Ukraina, Donald Trump luôn được phe đa số Cộng Hòa đồng lòng ủng hộ".
Được biết trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, tất cả các thượng nghị sĩ không được ra khỏi phòng xử, phải hoàn toàn giữ im lặng, nếu có câu hỏi thì viết giấy gởi cho chánh tòa.
Thụy My
Hạ viện Mỹ mới thông qua một nghị quyết, kêu gọi Việt Nam "thực thi các luật lệ cấm buôn bán thịt chó, mèo", giữa lúc vấn đề này đang "nóng" ở trong nước.
Ngoài Việt Nam, Nghị quyết 401 còn thúc giục các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Campuchia, Lào và Ấn Độ cũng có hành động tương tự.
Văn bản này còn khẳng định "cam kết của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ động vật và thúc đẩy nỗ lực này trên toàn thế giới".
Nghị quyết thông qua ngày 12/9 cũng kêu gọi các quan chức nhánh hành pháp Mỹ "đưa vấn đề buôn bán thịt chó, mèo vào chương trình nghị sự" khi gặp gỡ quan chức các nước cho phép ăn loài động vật này.
Các nhà lập pháp Mỹ trích số liệu của các tổ chức thúc đẩy quyền của động vật như Humane Society International nói rằng "ước tính khoảng 200 nghìn con chó đã bị đưa lậu từ Thái Lan sang Việt Nam mỗi năm", và món thịt mèo mà "người địa phương gọi là thịt ‘tiểu hổ’ vẫn xuất hiện nhiều trong các nhà hàng đặc sản".
Quan chức thành phố Hà Nội mới đây đã đề xuất "cấm bán thịt chó ở các quận nội thành vào năm 2021".
Bà Thẩm Hồng Phượng, Giám đốc Quốc gia ở Việt Nam của Humane Society International, nói với VOA Việt Ngữ rằng đó là bước đi "sáng suốt".
Tuy nhiên, bà cho rằng chính quyền thủ đô "mới đề cập đến việc cấm này vì đó là hành động phản cảm, giảm đi hình ảnh của một thủ đô văn minh, hiện đại, nhưng chưa nói thêm về các hệ luỵ khác của việc giết mổ chó, mèo làm thịt" nên đã "làm nảy sinh các thảo luận sôi nổi trên các mạng xã hội những ngày gần đây".
Giám đốc của tổ chức có trụ sở ở Mỹ nói rằng Hà Nội "cần nâng cao nhận thức cho người dân ; đề cập đến vấn đề vận chuyển, giết mổ chó còn là nguyên nhân reo rắc bệnh dại ; việc kiểm soát và vận chuyển chó còn chưa thực hiện triệt để dẫn đến các hệ luỵ như nạn trộm chó".
Bà Phượng nhận xét rằng chính quyền "đã cân nhắc để những người kinh doanh các dịch vụ liên quan có đủ thời gian chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang một công việc khác".
Giám đốc Quốc gia ở Việt Nam của Humane Society International cho rằng "tự người dân Việt Nam cũng sớm nhận ra vấn đề và chuyển đổi dần thói quen ăn thịt chó, chứ không hẳn vì việc Hạ viện Hoà Kỳ ra nghị quyết không ràng buộc, thúc giục Việt Nam phải thay đổi việc này".
Theo nghị quyết được các dân biểu Mỹ, trong đó có nhiều người quan tâm tới các vấn đề Việt Nam, bảo trợ, nhiều tổ chức ước tính rằng "khoảng 30 triệu con chó và 10 triệu con mèo bị giết lấy thịt mỗi năm ở Châu Á".
Các nhà lập pháp Mỹ nói rằng hiện "có ít bằng chứng khoa học để củng cố quan niệm truyền thống về công dụng của thịt chó đối với sức khỏe".
Nghị quyết cũng cho rằng việc chó mèo "bị nhốt trong các lồng chật chội không được ăn uống khi được vận chuyển tới các lò mổ" đã "vi phạm các đạo luật chống lại việc đối xử tệ hại với động vật" của Mỹ.
Giám đốc Quốc gia ở Việt Nam của Humane Society International nhận định rằng việc giết mổ chó, loài động vật bà cho là "thông minh và gần gũi với con người" ở Việt Nam "chưa nhân đạo".
"Các loài gia súc gia cầm khác như gà, lợn, bò đã được nuôi công nghiệp và đáp ứng đủ, không nói là dư thừa, và đa dạng nguồn cung protein cho người dân, cả thành phố lẫn nông thôn. Lựa chọn ăn thịt các loài đã được thuần nuôi, dinh dưỡng đủ, có quy trình kiểm dịch từ chăn nuôi, giết mổ, cung ứng ra thị trường, chắc chắn sẽ là lựa chọn sáng suốt hơn cho người tiêu dùng", bà Phượng nói.
Trong một diễn biến liên quan, Hạ viện Mỹ hôm 12/9 cũng thông qua một dự luật cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó, mèo ở Hoa Kỳ và những ai vi phạm sẽ bị phạt lên tới 5 nghìn đôla. Trước đó, tin cho hay, việc này vẫn được coi là hợp pháp ở 44 tiểu bang tại Mỹ.
Dự luật do dân biểu thuộc Đảng Cộng hòa từ biểu bang Florida, ông Vern Buchanan, đồng bảo trợ. Nhà lập pháp này nói rằng "chó và mèo đã làm bạn với hàng triệu người và không nên bị thịt để bán".
Viễn Đông
Quốc hội Hoa Kỳ điều trần về tù nhân lương tâm Việt Nam (VOA, 16/02/2018)
Ủy ban Nhân Quyền Tom Lantos của Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 15/2 đã có buổi điều trần về chương trình kết nghĩa với tù nhân lương tâm, trong đó đề cập đến 169 tù nhân lương tâm Việt Nam.
Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) và chân dung Hòa thượng Thích Quảng Độ trong buổi điều trần trước Ủy ban Nhân quyền Hạ viện Tom Lantos, ngày 15/2/2018.
Dân biểu Randy Hultgren, đồng Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, đã thay mặt Dân biểu Christopher Smith, đọc bức thư của Linh mục Nguyễn Văn Lý gửi cho Dân biểu Smith :
"Hi vọng Quí vị can thiệp mạnh hơn để tất cả 169 bạn tù nhân lương tâm nam nữ được trả tự do. Tôi đại diện cho các tù nhân lương tâm, những người tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ đã bị chính quyền Việt Nam giam cầm. Chỉ riêng từ năm 2015 đến tháng 1/2018 có đến 41 nhà tranh đấu bị giam cầm".
Dân biểu Alan Lowenthal nêu trường hợp của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài :
"Một tù nhân lương tâm hiện nay là luật sư nhân quyền - blogger Nguyễn Văn Đài. Chính quyền Việt Nam từ chối luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Văn Đài. Vào tháng 1/2018, lần đầu tiên vợ của ông được gặp mặt ông sau 3 năm bị giam cầm. Bà cho biết sức khỏe của chồng bà dường như không được tốt. Ông nói với vợ rằng trong suốt thời gian từ khi bị bắt vào tháng 12/2015 cho đến khi gặp vợ, ông không được ra khỏi nơi buồng giam".
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài
Ngoài ra, dân Biểu Alan Lowenthal đã đọc bức thư của Hòa thượng Thích Quảng Độ và của cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung, và nhắc đến trường hợp bị giam cầm của mục sư Nguyễn Công Chính.
Nữ Dân biểu Sheila Jackson-Lee nêu lên quyết tâm tranh đấu và những hy sinh của cựu tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần, người mà bà đã kết nghĩa.
Các vị dân biểu tham gia chương trình kết nghĩa thường xuyên lên tiếng với chính quyền Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam nhằm bảo đảm tù nhân lương tâm được kết nghĩa không bị ngược đãi khi còn ở trong nhà tù, và đòi tự do cho họ.
Ba nhà hoạt động Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Trần Hoàng Phúc đang bị giam cầm
Tính đến nay, 16 tù nhân lương tâm Việt Nam đã được các dân biểu Hạ Viên và một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ kết nghĩa. Trong số tù nhân lương tâm Việt Nam được kết nghĩa, 13 người đã được tự do và 4 người đã đến Hoa Kỳ định cư.
Dịp này tổ chức phi chính phủ BPSOS cũng phổ biến danh sách các tù nhân lương tâm Việt Nam để chuẩn bị cuộc vận động năm 2018 cho chương trình "Tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam" mà tổ chức này đã khởi xướng từ năm 2013.
Mục đích của chương trình này là đòi tự do cho tù nhân lương tâm, bảo vệ họ và hỗ trợ cho gia đình của họ trong thời gian họ ở tù, giúp họ phục hồi khả năng sinh hoạt và hoạt động sau khi ra tù, và chấm dứt tình trạng tù nhân lương tâm nói chung ở Việt Nam.
****************
Điều trần vận động Hoa Kỳ cho tù nhân lương tâm Việt Nam (RFA, 16/06/2018)
Mục sư Nguyễn Công Chính và vợ, bà Trần Thị Hồng tại buổi tường trình ở Quốc Hội Hoa Kỳ vào chiều ngày 24/10/2017. RFA
Một buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam của Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos diễn ra vào ngày 15 tháng 2 tại Quốc Hội Hoa Kỳ.
Tham gia buổi điều trần có các vị đại diện dân cử Hoa Kỳ gồm dân biểu Rand Hultgren, đồng chủ tịch Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos, dân biểu Alan Lowenthal, nữ dân biểu Sheila Jackson-Lee.
Tổ chức Boat People SOS- BPSOS loan tin cho biết tại buổi điều trần một danh sách gồm 167 tù nhân lương tâm tại Việt Nam được phổ biến. Mục tiêu nhằm chuẩn bị cho cuộc vận động năm nay cho chương trình kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương thức tại Việt Nam mà BPSOS khởi xướng cách đây 5 năm.
Tin cho biết tính đến thời điểm hiện nay đã có 16 tù nhân lương tâm Việt Nam được một số dân biểu Hạ Viện và một thượng nghị sĩ Mỹ kết nghĩa. Trong số những tù nhân lương tâm Việt Nam được kết nghĩa đó, có 13 người được Hà Nội trả tự do và 4 người sang Hoa Kỳ định cư.
Trong năm nay, BPSOS đưa ra một danh sách ngắn trong tổng số 167 tù nhân lương tâm tại Việt Nam để tiến hành công cuộc vận động Việt Nam trả tự do cho họ.
Danh sách này gồm blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ông Bùi Văn Trung, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không theo Ban Trị Sự Quốc Doanh, hai mục sư người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên A Đảo và A Tích, blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, cựu trung tá Trần Anh Kim, bà Đỗ Thị Hồng thuộc giáo phái Ân Đàn Đại Đạo, blogger-bác sĩ Hồ Văn Hải.
***********************
Các nhà hoạt động gửi thư ngỏ vận động Mẹ Nấm và Trần Thị Nga tị nạn (VOA, 16/02/2018)
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên tòa phúc thẩm 30/11/2017.
Một tuần trước Tết Nguyên Đán, các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam đã ký một lá thư ngỏ vận động hai nhà tranh đấu đang giam cầm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga nên tị nạn nước ngoài.
Bức thư ngỏ viết : "Tết Mậu Tuất 2018 này là Tết thứ hai mẹ của chúng vắng nhà. Càng đau lòng hơn, bởi đây 'chỉ mới là' Tết thứ hai, trước mắt chúng là đằng đẵng gần chục cái Tết gia đình ly tán, gần chục năm không có mẹ ở bên".
Bức thư viết tiếp : "Chúng tôi hiểu rằng từ ngày đầu tiên tham gia đấu tranh cho đến tận hôm nay trong chốn lao tù, việc ra đi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là ưu tiên của các chị. Chẳng ai chọn ngục tù làm phòng chờ để kiếm tìm sự ra đi cả".
Bức thư ngỏ với chữ ký của các blogger và nhà hoạt động như quen thuộc như Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Lã Việt Dũng, Trịnh Kim Tiến, Phạm Đoan Trang, Phan Thanh Nghiên… khuyên rằng hai nữ bogger hãy ra đi vì cuộc sống và tương lai của các con, và vì sự tưởng thành của phong trào dân chủ Việt Nam.
"Chúng tôi không có quyền và không có tư cách đòi hỏi các chị tiếp tục cuộc đấu tranh ngay cả trong nhà tù và tiếp tục hy sinh không chỉ tự do mà cả gia đình của mình, tương lai con cái mình", thư ngỏ viết.
Phần đầu của bức thư ngỏ (Facebook Trần Kim Tiến)
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, thân mẫu của Như Quỳnh, hôm 12/2 cho VOA biết rằng con gái của bà đã bị chuyển trại từ thành phố Nha Trang đến tỉnh Thanh Hóa nhưng trại giam không hề thông báo cho bà biết. Bà nói rằng khi đến thăm con vào 27 Tết bà mới được thông báo bằng miệng rằng con của bà đã bị chuyển trại.
Bà Lan cho biết khi gặp Như Quỳnh một tuần trước đó, sức khỏe của nữ blogger rất xấu, cơ thể bị sưng phù :
"Hôm ngày 5/2 vừa rồi tôi có đi thăm Quỳnh thì Quỳnh có báo là bị huyết áp tăng cao đến 150/100, bị đau đầu liên tục, người ta cho uống Paracetamol thì bị phản ứng, mặt và tay chân đều bị sưng phù".
Blogger Nguyễn Nữ Phương Dung vào những ngày giáp Tết thông báo trên Facebook rằng : "có thêm thông tin cho biết rằng chị Thúy Nga bị đối xử cực kì tồi tệ trong tù, không thua gì chị Quỳnh bị đối xử trước đó". Blogger Phương Dung viết thêm : "Các chị xứng đáng có được một cuộc sống hạnh phúc hơn là phải chịu những tủi nhục hành hạ".
Nhà hoạt động Trần Thị Nga
Blogger Trịnh Kim Tiến, một trong những người khởi xướng và ký tên vào thư ngỏ, hôm 14/2 viết trên Facebook : "Chúng tôi biết các chị đang phải dằn vặt thế nào khi đứng giữa phong trào, tình yêu quê hương và những đứa trẻ. Các chị không thể nào là những Aung San Suu Kyi của Miến Điện, được giam lỏng tại nhà riêng và các con được chăm sóc tốt ở vùng đất văn minh. Các chị là những người mẹ đơn thân của những đứa trẻ còn chưa lên mười ở Việt Nam".
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn gọi là Mẹ Nấm và bà Trần Thị Nga, hay Thúy Nga, là những bà mẹ có con nhỏ, rơi vào vòng lao lý với án tù dài hạn. Mẹ Nấm bị chính quyền Việt Nam kết án 10 năm tù với tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước" ; với cùng tội danh, nhà hoạt động Trần Thị Nga bị tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế.
*********************
Giới hoạt động Việt Nam muốn Mẹ Nấm, Thúy Nga tị nạn (BBC, 16/02/2018)
Khoảng hơn hai chục nhà hoạt động đã ký một lá thư ngỏ, mong muốn hai hoạt động nữ đang bị cầm tù, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, sẽ lựa chọn tị nạn ở một đất nước khác.
Giới hoạt động xã hội dân chủ gửi thư ngỏ, viết sự 'hy sinh' của hai nhà hoạt động là đủ rồi, và đã đến lúc 'sống cho riêng mình'.
Giới hoạt động nói họ "không đành lòng nhìn" Nấm, Gấu con của bà Như Quỳnh và hai anh em bé Phú, Tài của bà Thúy Nga sống trong cảnh thiếu mẹ.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn gọi là Mẹ Nấm và bà Trần Thị Nga, hay Thúy Nga, đều bị tuyên án 9-10 năm tù theo Điều 88, tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước".
"Tết Mậu Tuất 2018 này là Tết thứ hai mẹ của chúng vắng nhà. Càng đau lòng hơn, bởi đây 'chỉ mới là' Tết thứ hai, trước mắt chúng là đằng đẵng gần chục cái Tết gia đình ly tán, gần chục năm không có mẹ ở bên", lá thư viết.
"Ý thức được điều đó, chúng tôi hiểu rằng bây giờ là lúc mỗi cá nhân, tổ chức trong phong trào dân chủ phải chủ động hơn nữa để nhận lấy trách nhiệm đấu tranh, chấm dứt việc trông chờ vào một số gương mặt, cũng như phải chấm dứt tâm lý đòi hỏi hai người phụ nữ yêu qúy của chúng tôi gồng mình lên 'vì sự nghiệp chung' để gìn giữ, phát triển phong trào".
"Chúng tôi không có quyền và không có tư cách đòi hỏi các chị tiếp tục cuộc đấu tranh ngay cả trong nhà tù và tiếp tục hy sinh không chỉ tự do mà cả gia đình của mình, tương lai con cái mình.
"Vì những lý do đó, chúng tôi xin được thiết tha và mạnh mẽ đề nghị hai chị chấp nhận việc bắt đầu sống cho riêng mình, sống cuộc sống của mình kể từ nay, và nếu có cơ hội đến một quốc gia tự do, xin hãy đón nhận nó".
"Xin coi việc rời nhà tù cộng sản để đến một quốc gia tự do, dân chủ là một cách để các chị giúp phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay trưởng thành : Chúng tôi nợ các chị quá nhiều, và việc đi tiếp con đường các chị đã đi, làm tiếp những gì các chị đã làm, là cách để chúng tôi trả ơn các chị".
Lá thư là sáng kiến của nhóm các nhà hoạt động dân chủ cả Sài Gòn và Hà Nội, được ký từ 7/2 và công bố vào tối 28 Tết, 13/2.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, một trong những người đã ký vào lá thư ngỏ, nói với BBC hôm 14/2 rằng :
"Các bản án đó rất vô nhân đạo, không chỉ nhắm vào bị cáo mà còn nhắm thẳng vào gia đình của họ. Sau mỗi bản án không chỉ hai nạn nhân mà cả hai gia đình của họ, hai đứa con nhỏ của Mẹ Nấm, bốn đứa con của chị Nga".
"Các chị đã rất dũng cảm. Không ai chọn nhà tù làm phòng chờ để đi nước ngoài như an ninh, dư luận viên hay nói cả.
Khi được hỏi, việc mong muốn để Mẹ Nấm và Thúy Nga rời Việt Nam, có phải vì phong trào dân chủ đã trưởng thành, đủ vững vàng để tự lập, blogger Phạm Đoan Trang nói rằng :
"Cần phải viết vậy, phải hiểu tính cách của hai người đó. Họ sẽ nghĩ nếu họ ra đi là họ bỏ cuộc, là tổn thất lớn cho anh em, cho phong trào. Vì biết hai chị ấy sẽ nghĩ như thế, nhưng chúng tôi không đành lòng để hai chị ở trong tù".
Sức khoẻ của cả hai đều rất nguy cấp
Một nhà hoạt động khác, bà Trịnh Kim Tiến cho biết, tình hình sức khoẻ của hai nhà hoạt động nữ rất tệ.
Bà cho biết, khi người thân đến thăm bà Thúy Nga cách đây vài ngày, thấy tình hình sức khoẻ của bà rất tệ, ở trong tù không có băng vệ sinh.
Nhà hoạt động Thúy Nga có bốn đứa con nhưng trong đó có ba con nhỏ dưới 18 tuổi.
Còn nhà hoạt động Như Quỳnh thì vừa đột ngột bị chuyển sang nhà tù ở Thanh Hoá, mà không có thông báo cho gia đình. Bà Nguyễn Tuyết Lan, thân phụ của blogger Mẹ Nấm chỉ phát hiện ra khi định thăm con vào 27 Tết.
"Họ quyết định chuyển chị Quỳnh ra tận ngoài Bắc, nổi tiếng khắc nghiệt, hàng tháng mẹ chị Quỳnh rất khó thăm nuôi, nhưng đứa trẻ rất khó gặp mẹ mình", bà Tiến nói.
Khi hỏi về quan điểm của bà Nguyễn Tuyết Lan, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm về lá thư này, thì bà Tiến nói "Cô Lan nói cô tôn trọng ý kiến mọi người và cảm ơn chúng tôi đã lên tiếng để bảo vệ chị Quỳnh. Nhưng chị Quỳnh quyết định ra đi hay ở lại, cô nói cô tôn trọng mọi quyết định của chị Quỳnh, cô luôn đồng hành và lo việc ở bên".
Vẫn còn tùy thuộc vào phía an ninh
Cả hai bà Đoan Trang và Kim Tiến đều nói rằng một khi người trong phong trào đã lên tiếng, thiết tha đề nghị, có thể hai nhà hoạt động sẽ cân nhắc.
"Trong khi không chỉ mình họ khổ mà người thân bên ngoài cũng rất đau khổ. Những đứa nhỏ chưa đủ tuổi trưởng thành, còn quá nhỏ để phải đối diện với nỗi đau như vậy. Hy vọng hai chị sẽ chấp nhận thỉnh cầu của chúng tôi", bà Tiến nói.
"Những sự hy sinh của hai chị đã là quá đủ, đã khiến người khác rất khâm phục, hai chị nên nghĩ riêng cho mình. Hai chị ra nước ngoài, không có nghĩa là dừng lại việc đấu tranh. Khi vẫn hướng về quê hương, thì ở nơi đâu cũng có thể đấu tranh.
Tuy nhiên, blogger Phạm Đoan Trang cho biết vấn đề chính là vẫn phải tùy thuộc vào phía an ninh Việt Nam. Bà cho mọi người đang tìm cách để đưa lá thư đến tay hai nhà hoạt động nữ trong tù.
"Họ có thể sẽ tìm cách gây khó khăn, để chứng minh họ luôn đúng, như lấy lý do đưa hai người đi chữa bệnh hoặc ép họ viết cam kết nhận tội", bà Đoan Trang nói.