Quốc hội Hoa Kỳ điều trần về tù nhân lương tâm Việt Nam (VOA, 16/02/2018)
Ủy ban Nhân Quyền Tom Lantos của Quốc Hội Hoa Kỳ hôm 15/2 đã có buổi điều trần về chương trình kết nghĩa với tù nhân lương tâm, trong đó đề cập đến 169 tù nhân lương tâm Việt Nam.
Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) và chân dung Hòa thượng Thích Quảng Độ trong buổi điều trần trước Ủy ban Nhân quyền Hạ viện Tom Lantos, ngày 15/2/2018.
Dân biểu Randy Hultgren, đồng Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, đã thay mặt Dân biểu Christopher Smith, đọc bức thư của Linh mục Nguyễn Văn Lý gửi cho Dân biểu Smith :
"Hi vọng Quí vị can thiệp mạnh hơn để tất cả 169 bạn tù nhân lương tâm nam nữ được trả tự do. Tôi đại diện cho các tù nhân lương tâm, những người tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ đã bị chính quyền Việt Nam giam cầm. Chỉ riêng từ năm 2015 đến tháng 1/2018 có đến 41 nhà tranh đấu bị giam cầm".
Dân biểu Alan Lowenthal nêu trường hợp của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài :
"Một tù nhân lương tâm hiện nay là luật sư nhân quyền - blogger Nguyễn Văn Đài. Chính quyền Việt Nam từ chối luật sư bào chữa cho ông Nguyễn Văn Đài. Vào tháng 1/2018, lần đầu tiên vợ của ông được gặp mặt ông sau 3 năm bị giam cầm. Bà cho biết sức khỏe của chồng bà dường như không được tốt. Ông nói với vợ rằng trong suốt thời gian từ khi bị bắt vào tháng 12/2015 cho đến khi gặp vợ, ông không được ra khỏi nơi buồng giam".
Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài
Ngoài ra, dân Biểu Alan Lowenthal đã đọc bức thư của Hòa thượng Thích Quảng Độ và của cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Tiến Trung, và nhắc đến trường hợp bị giam cầm của mục sư Nguyễn Công Chính.
Nữ Dân biểu Sheila Jackson-Lee nêu lên quyết tâm tranh đấu và những hy sinh của cựu tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần, người mà bà đã kết nghĩa.
Các vị dân biểu tham gia chương trình kết nghĩa thường xuyên lên tiếng với chính quyền Hoa Kỳ và chính quyền Việt Nam nhằm bảo đảm tù nhân lương tâm được kết nghĩa không bị ngược đãi khi còn ở trong nhà tù, và đòi tự do cho họ.
Ba nhà hoạt động Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển, Trần Hoàng Phúc đang bị giam cầm
Tính đến nay, 16 tù nhân lương tâm Việt Nam đã được các dân biểu Hạ Viên và một thượng nghị sĩ Hoa Kỳ kết nghĩa. Trong số tù nhân lương tâm Việt Nam được kết nghĩa, 13 người đã được tự do và 4 người đã đến Hoa Kỳ định cư.
Dịp này tổ chức phi chính phủ BPSOS cũng phổ biến danh sách các tù nhân lương tâm Việt Nam để chuẩn bị cuộc vận động năm 2018 cho chương trình "Tự do cho tù nhân lương tâm Việt Nam" mà tổ chức này đã khởi xướng từ năm 2013.
Mục đích của chương trình này là đòi tự do cho tù nhân lương tâm, bảo vệ họ và hỗ trợ cho gia đình của họ trong thời gian họ ở tù, giúp họ phục hồi khả năng sinh hoạt và hoạt động sau khi ra tù, và chấm dứt tình trạng tù nhân lương tâm nói chung ở Việt Nam.
****************
Điều trần vận động Hoa Kỳ cho tù nhân lương tâm Việt Nam (RFA, 16/06/2018)
Mục sư Nguyễn Công Chính và vợ, bà Trần Thị Hồng tại buổi tường trình ở Quốc Hội Hoa Kỳ vào chiều ngày 24/10/2017. RFA
Một buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam của Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos diễn ra vào ngày 15 tháng 2 tại Quốc Hội Hoa Kỳ.
Tham gia buổi điều trần có các vị đại diện dân cử Hoa Kỳ gồm dân biểu Rand Hultgren, đồng chủ tịch Ủy Hội Nhân Quyền Tom Lantos, dân biểu Alan Lowenthal, nữ dân biểu Sheila Jackson-Lee.
Tổ chức Boat People SOS- BPSOS loan tin cho biết tại buổi điều trần một danh sách gồm 167 tù nhân lương tâm tại Việt Nam được phổ biến. Mục tiêu nhằm chuẩn bị cho cuộc vận động năm nay cho chương trình kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương thức tại Việt Nam mà BPSOS khởi xướng cách đây 5 năm.
Tin cho biết tính đến thời điểm hiện nay đã có 16 tù nhân lương tâm Việt Nam được một số dân biểu Hạ Viện và một thượng nghị sĩ Mỹ kết nghĩa. Trong số những tù nhân lương tâm Việt Nam được kết nghĩa đó, có 13 người được Hà Nội trả tự do và 4 người sang Hoa Kỳ định cư.
Trong năm nay, BPSOS đưa ra một danh sách ngắn trong tổng số 167 tù nhân lương tâm tại Việt Nam để tiến hành công cuộc vận động Việt Nam trả tự do cho họ.
Danh sách này gồm blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, ông Bùi Văn Trung, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo không theo Ban Trị Sự Quốc Doanh, hai mục sư người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên A Đảo và A Tích, blogger Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, cựu trung tá Trần Anh Kim, bà Đỗ Thị Hồng thuộc giáo phái Ân Đàn Đại Đạo, blogger-bác sĩ Hồ Văn Hải.
***********************
Các nhà hoạt động gửi thư ngỏ vận động Mẹ Nấm và Trần Thị Nga tị nạn (VOA, 16/02/2018)
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại phiên tòa phúc thẩm 30/11/2017.
Một tuần trước Tết Nguyên Đán, các nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam đã ký một lá thư ngỏ vận động hai nhà tranh đấu đang giam cầm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga nên tị nạn nước ngoài.
Bức thư ngỏ viết : "Tết Mậu Tuất 2018 này là Tết thứ hai mẹ của chúng vắng nhà. Càng đau lòng hơn, bởi đây 'chỉ mới là' Tết thứ hai, trước mắt chúng là đằng đẵng gần chục cái Tết gia đình ly tán, gần chục năm không có mẹ ở bên".
Bức thư viết tiếp : "Chúng tôi hiểu rằng từ ngày đầu tiên tham gia đấu tranh cho đến tận hôm nay trong chốn lao tù, việc ra đi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là ưu tiên của các chị. Chẳng ai chọn ngục tù làm phòng chờ để kiếm tìm sự ra đi cả".
Bức thư ngỏ với chữ ký của các blogger và nhà hoạt động như quen thuộc như Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Lã Việt Dũng, Trịnh Kim Tiến, Phạm Đoan Trang, Phan Thanh Nghiên… khuyên rằng hai nữ bogger hãy ra đi vì cuộc sống và tương lai của các con, và vì sự tưởng thành của phong trào dân chủ Việt Nam.
"Chúng tôi không có quyền và không có tư cách đòi hỏi các chị tiếp tục cuộc đấu tranh ngay cả trong nhà tù và tiếp tục hy sinh không chỉ tự do mà cả gia đình của mình, tương lai con cái mình", thư ngỏ viết.
Phần đầu của bức thư ngỏ (Facebook Trần Kim Tiến)
Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, thân mẫu của Như Quỳnh, hôm 12/2 cho VOA biết rằng con gái của bà đã bị chuyển trại từ thành phố Nha Trang đến tỉnh Thanh Hóa nhưng trại giam không hề thông báo cho bà biết. Bà nói rằng khi đến thăm con vào 27 Tết bà mới được thông báo bằng miệng rằng con của bà đã bị chuyển trại.
Bà Lan cho biết khi gặp Như Quỳnh một tuần trước đó, sức khỏe của nữ blogger rất xấu, cơ thể bị sưng phù :
"Hôm ngày 5/2 vừa rồi tôi có đi thăm Quỳnh thì Quỳnh có báo là bị huyết áp tăng cao đến 150/100, bị đau đầu liên tục, người ta cho uống Paracetamol thì bị phản ứng, mặt và tay chân đều bị sưng phù".
Blogger Nguyễn Nữ Phương Dung vào những ngày giáp Tết thông báo trên Facebook rằng : "có thêm thông tin cho biết rằng chị Thúy Nga bị đối xử cực kì tồi tệ trong tù, không thua gì chị Quỳnh bị đối xử trước đó". Blogger Phương Dung viết thêm : "Các chị xứng đáng có được một cuộc sống hạnh phúc hơn là phải chịu những tủi nhục hành hạ".
Nhà hoạt động Trần Thị Nga
Blogger Trịnh Kim Tiến, một trong những người khởi xướng và ký tên vào thư ngỏ, hôm 14/2 viết trên Facebook : "Chúng tôi biết các chị đang phải dằn vặt thế nào khi đứng giữa phong trào, tình yêu quê hương và những đứa trẻ. Các chị không thể nào là những Aung San Suu Kyi của Miến Điện, được giam lỏng tại nhà riêng và các con được chăm sóc tốt ở vùng đất văn minh. Các chị là những người mẹ đơn thân của những đứa trẻ còn chưa lên mười ở Việt Nam".
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn gọi là Mẹ Nấm và bà Trần Thị Nga, hay Thúy Nga, là những bà mẹ có con nhỏ, rơi vào vòng lao lý với án tù dài hạn. Mẹ Nấm bị chính quyền Việt Nam kết án 10 năm tù với tội danh "tuyên truyền chống phá nhà nước" ; với cùng tội danh, nhà hoạt động Trần Thị Nga bị tuyên án 9 năm tù và 5 năm quản chế.
*********************
Giới hoạt động Việt Nam muốn Mẹ Nấm, Thúy Nga tị nạn (BBC, 16/02/2018)
Khoảng hơn hai chục nhà hoạt động đã ký một lá thư ngỏ, mong muốn hai hoạt động nữ đang bị cầm tù, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, sẽ lựa chọn tị nạn ở một đất nước khác.
Giới hoạt động xã hội dân chủ gửi thư ngỏ, viết sự 'hy sinh' của hai nhà hoạt động là đủ rồi, và đã đến lúc 'sống cho riêng mình'.
Giới hoạt động nói họ "không đành lòng nhìn" Nấm, Gấu con của bà Như Quỳnh và hai anh em bé Phú, Tài của bà Thúy Nga sống trong cảnh thiếu mẹ.
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, hay còn gọi là Mẹ Nấm và bà Trần Thị Nga, hay Thúy Nga, đều bị tuyên án 9-10 năm tù theo Điều 88, tội "Tuyên truyền chống phá nhà nước".
"Tết Mậu Tuất 2018 này là Tết thứ hai mẹ của chúng vắng nhà. Càng đau lòng hơn, bởi đây 'chỉ mới là' Tết thứ hai, trước mắt chúng là đằng đẵng gần chục cái Tết gia đình ly tán, gần chục năm không có mẹ ở bên", lá thư viết.
"Ý thức được điều đó, chúng tôi hiểu rằng bây giờ là lúc mỗi cá nhân, tổ chức trong phong trào dân chủ phải chủ động hơn nữa để nhận lấy trách nhiệm đấu tranh, chấm dứt việc trông chờ vào một số gương mặt, cũng như phải chấm dứt tâm lý đòi hỏi hai người phụ nữ yêu qúy của chúng tôi gồng mình lên 'vì sự nghiệp chung' để gìn giữ, phát triển phong trào".
"Chúng tôi không có quyền và không có tư cách đòi hỏi các chị tiếp tục cuộc đấu tranh ngay cả trong nhà tù và tiếp tục hy sinh không chỉ tự do mà cả gia đình của mình, tương lai con cái mình.
"Vì những lý do đó, chúng tôi xin được thiết tha và mạnh mẽ đề nghị hai chị chấp nhận việc bắt đầu sống cho riêng mình, sống cuộc sống của mình kể từ nay, và nếu có cơ hội đến một quốc gia tự do, xin hãy đón nhận nó".
"Xin coi việc rời nhà tù cộng sản để đến một quốc gia tự do, dân chủ là một cách để các chị giúp phong trào dân chủ Việt Nam hiện nay trưởng thành : Chúng tôi nợ các chị quá nhiều, và việc đi tiếp con đường các chị đã đi, làm tiếp những gì các chị đã làm, là cách để chúng tôi trả ơn các chị".
Lá thư là sáng kiến của nhóm các nhà hoạt động dân chủ cả Sài Gòn và Hà Nội, được ký từ 7/2 và công bố vào tối 28 Tết, 13/2.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, một trong những người đã ký vào lá thư ngỏ, nói với BBC hôm 14/2 rằng :
"Các bản án đó rất vô nhân đạo, không chỉ nhắm vào bị cáo mà còn nhắm thẳng vào gia đình của họ. Sau mỗi bản án không chỉ hai nạn nhân mà cả hai gia đình của họ, hai đứa con nhỏ của Mẹ Nấm, bốn đứa con của chị Nga".
"Các chị đã rất dũng cảm. Không ai chọn nhà tù làm phòng chờ để đi nước ngoài như an ninh, dư luận viên hay nói cả.
Khi được hỏi, việc mong muốn để Mẹ Nấm và Thúy Nga rời Việt Nam, có phải vì phong trào dân chủ đã trưởng thành, đủ vững vàng để tự lập, blogger Phạm Đoan Trang nói rằng :
"Cần phải viết vậy, phải hiểu tính cách của hai người đó. Họ sẽ nghĩ nếu họ ra đi là họ bỏ cuộc, là tổn thất lớn cho anh em, cho phong trào. Vì biết hai chị ấy sẽ nghĩ như thế, nhưng chúng tôi không đành lòng để hai chị ở trong tù".
Sức khoẻ của cả hai đều rất nguy cấp
Một nhà hoạt động khác, bà Trịnh Kim Tiến cho biết, tình hình sức khoẻ của hai nhà hoạt động nữ rất tệ.
Bà cho biết, khi người thân đến thăm bà Thúy Nga cách đây vài ngày, thấy tình hình sức khoẻ của bà rất tệ, ở trong tù không có băng vệ sinh.
Nhà hoạt động Thúy Nga có bốn đứa con nhưng trong đó có ba con nhỏ dưới 18 tuổi.
Còn nhà hoạt động Như Quỳnh thì vừa đột ngột bị chuyển sang nhà tù ở Thanh Hoá, mà không có thông báo cho gia đình. Bà Nguyễn Tuyết Lan, thân phụ của blogger Mẹ Nấm chỉ phát hiện ra khi định thăm con vào 27 Tết.
"Họ quyết định chuyển chị Quỳnh ra tận ngoài Bắc, nổi tiếng khắc nghiệt, hàng tháng mẹ chị Quỳnh rất khó thăm nuôi, nhưng đứa trẻ rất khó gặp mẹ mình", bà Tiến nói.
Khi hỏi về quan điểm của bà Nguyễn Tuyết Lan, thân mẫu của blogger Mẹ Nấm về lá thư này, thì bà Tiến nói "Cô Lan nói cô tôn trọng ý kiến mọi người và cảm ơn chúng tôi đã lên tiếng để bảo vệ chị Quỳnh. Nhưng chị Quỳnh quyết định ra đi hay ở lại, cô nói cô tôn trọng mọi quyết định của chị Quỳnh, cô luôn đồng hành và lo việc ở bên".
Vẫn còn tùy thuộc vào phía an ninh
Cả hai bà Đoan Trang và Kim Tiến đều nói rằng một khi người trong phong trào đã lên tiếng, thiết tha đề nghị, có thể hai nhà hoạt động sẽ cân nhắc.
"Trong khi không chỉ mình họ khổ mà người thân bên ngoài cũng rất đau khổ. Những đứa nhỏ chưa đủ tuổi trưởng thành, còn quá nhỏ để phải đối diện với nỗi đau như vậy. Hy vọng hai chị sẽ chấp nhận thỉnh cầu của chúng tôi", bà Tiến nói.
"Những sự hy sinh của hai chị đã là quá đủ, đã khiến người khác rất khâm phục, hai chị nên nghĩ riêng cho mình. Hai chị ra nước ngoài, không có nghĩa là dừng lại việc đấu tranh. Khi vẫn hướng về quê hương, thì ở nơi đâu cũng có thể đấu tranh.
Tuy nhiên, blogger Phạm Đoan Trang cho biết vấn đề chính là vẫn phải tùy thuộc vào phía an ninh Việt Nam. Bà cho mọi người đang tìm cách để đưa lá thư đến tay hai nhà hoạt động nữ trong tù.
"Họ có thể sẽ tìm cách gây khó khăn, để chứng minh họ luôn đúng, như lấy lý do đưa hai người đi chữa bệnh hoặc ép họ viết cam kết nhận tội", bà Đoan Trang nói.