Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/02/2018

Thấy gì về xã hội Việt Nam trong những ngày Tết ?

RFA tiếng Việt

Dân oan mong Tết đoàn viên (RFA, 16/02/2018)

Tết là thời khắc thiêng liêng, đoàn tụ gia đình, hướng đến quê hương và mang nhiều ý nghĩa với mọi gia đình người Việt, dù ở trong hay ngoài nước. Tuy nhiên, có những cảnh đời chịu những bản án oan khiên hay mất đất, mất nhà… khiến mùa xuân không trọn vẹn.

tet1

Gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng chưa thực sự sự đón Tết trong 10 năm qua vì chưa đòi được công lý cho con. RFA

Mong mỏi đoàn viên

Sum họp là mong mỏi lớn nhất của người Việt nhân dịp Tết đến xuân về. Những gia đình có thân nhân là tù nhân lương tâm hay đang chịu án oan thì ý nghĩ về cảnh đoàn viên càng làm họ thêm đau lòng. Ước muốn lớn nhất là được gặp người thân trước Tết dù chỉ là qua vách ngăn kính, được nhìn nhau và nhắn nhủ, động viên.

Ông Nguyễn Trường Chinh - bố của bị án Nguyễn Văn Chưởng, đang kêu oan với bản án tử hình 10 năm nay là một điển hình. Ông cho biết, ông đã được gặp con trai vào cuối tháng 1 vừa qua, con ông do bị cùm chân lâu ngày nên một bên chân bị teo, nhưng tinh thần tốt và còn niềm hy vọng.

"Từ hồi năm 2014, sau cái thi hành án lần 2, gia đình có nói cho cháu biết thì thấy tinh thần cháu vững, kiên quyết đấu tranh để giành lại mạng sống vì tôi có nói : ở ngoài bố có thể quyên sinh để cứu con. Bản thân con cũng phải đấu tranh mạnh mẽ để giành lấy mạng sống cho bản thân mình".

Các gia đình tù nhân lương tâm như Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Trần Thị Nga, Phạm Văn Trội, cũng đã được thăm nuôi và gửi quà Tết. Còn trường hợp bà Nguyễn Tuyết Lan – thân mẫu của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và các con của cô đã không gặp được cô vào ngày 27 Tết như thông báo, do cô bị chuyển bất ngờ ra Trại 5, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Bà Cấn Thị Thêu - người phụ nữ kiên cường giữ đất ở Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, vừa mãn án 20 tháng tù giam, chia sẻ khi còn ở tù, mỗi dịp lễ, Tết bà lo lắng và nhớ gia đình đến quặn thắt lòng lại.

"Từng ngày từng giờ, nghĩ đến gia đình tôi, chồng con tôi, anh em họ hàng tôi, mẹ chồng tôi ốm đau, ốm liệt giường mà tôi không có mặt. Những việc lo lắng, thu xếp của phụ nữ mà họ lại giam cầm tôi, nhất là những ngày lễ tết. Nên tôi rất đau đớn, xót xa. Càng như thế tôi càng căm hận chế độ cộng sản này vì nó ác quá".

Ông Nguyễn Trường Chinh - người cha kiên cường kêu oan, đòi công lý cho con trai kể rằng, từ khi con ông rơi vào vòng lao lý, gia đình dường như không có Tết.

"Gia đình chúng tôi đã tròn 10 năm, hôm nay cháu đã bị giam 10 năm 6 tháng, nhưng trọn 10 cái Tết thì gia đình chúng tôi lại không có Tết. Cứ Tết đến, xuân về, mọi nhà sum vầy để đoàn tụ gia đình, cúng ông bà tổ tiên, thì bản thân chúng tôi đã 10 năm không có Tết".

Tết Mậu Tuất đến, những người dân oan mất đất trên khắp cả nước nói chung và Dương Nội nói riêng cũng gặp nhiều khó khăn, do tư liệu sản xuất bị mất, không còn nghề nghiệp nên thu nhập sa sút. Bà Thêu cho biết, mọi người nông dân đều muốn có cuộc sống ổn định, ấm no, được đón những cái Tết vui vẻ, trọn vẹn.

"Đón Tết năm nay thì chắc chắn những người dân Dương Nội sẽ rất khổ vì đã mất đất hơn 10 năm rồi. Có khi có những nhà không có cả gạo mà ăn Tết, không có cả tiền mà sắm Tết, thì tôi nghĩ họ rất khó khăn trong bối cảnh xã hội thất nghiệp tràn lan. Những người nông dân có mảnh đất, mảnh vườn để làm ăn sinh sống mà bây giờ bị cướp mất rồi. Tôi nghĩ rằng khi mà chúng tôi chưa đòi được đất, nhà cầm quyền Việt Nam chưa xem xét để đảm bảo quyền lợi cho nhân dân chúng tôi, thì tôi nghĩ là cái Tết của chúng tôi vẫn rất khó khăn, ngậm ngùi".

Mong ước cho năm mới

Tuy những người tù oan khiên và thân nhân của họ đang gánh chịu những nỗi đau, khó khăn, nhưng họ vẫn luôn vững tin và hy vọng vào tương lai.

Như ông Nguyễn Trường Chinh mong đợi công lý và sẵn sàng làm mọi việc để kêu oan cho con trai.

"Tôi vẫn kiên quyết và quyên sinh đòi bằng được công lý tự do cho con trai tôi vì không riêng gì con trai tôi, hiện nay tôi thấy rất nhiều người cũng bị oan như con tôi, như Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Nguyễn Văn Mạnh. Ba gia đình chúng tôi liên kết với nhau, một người bố và hai người mẹ kiên quyết đến cùng để đòi mạng sống cho con bằng mọi giá. Đó là điều chắc chắn chúng tôi phải làm. Làm đến khi nào con cái chúng tôi được trở về đoàn tụ với gia đình, được tự do, được quyền làm người, được quyền sống, đây là những quyền cơ bản. Con cái là tài sản qúy giá nhất, không có gì đánh đổi được. Chúng tôi phải đòi lại quyền đó cho con".

Anh Trịnh Bá Tư - một thanh niên đang độ tuổi lao động thì mong mỏi mảnh đất của gia đình anh được trả lại để anh có thể có được cuộc sống ổn định, ấm no.

"chúng tôi luôn mong muốn công cuộc đấu tranh giữ đất đi đến thắng lợi bằng việc quan chức Cộng sản Hà Nội từ bỏ ý định cướp đất nhà tôi và bà con Dương Nội. Đây không phải là mong muốn của riêng Tết năm nay, mà nó kéo dài cả một thập kỷ, từ năm 2008, lúc chúng tôi khởi đầu cuộc đấu tranh giữ đất đến bây giờ thì mong ước đó luôn luôn ở trong chúng tôi. Đó là mong ước lớn nhất của gia đình tôi và cả người dân Dương Nội".

Trên tất cả, bà Cấn Thị Thêu ngoài mong muốn bảo vệ quyền lợi cho những người nông dân như bà, bà còn mong mỏi giới đấu tranh cho dân chủ - nhân quyền đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đất nước Việt Nam có sự thay đổi tích cực.

"Tôi thật sự rất là mong một xã hội thực sự của dân, do dân, vì dân, chứ không phải là xã hội, đất nước, tài sản là của quan, do quan, vì quan. Đây là mong muốn và ước nguyện của tôi. Tôi mong muốn là tất cả những người đấu tranh sẽ luôn sát cánh bên nhau. Một bó đũa thì sẽ khó lòng bẻ hơn".

Mùa xuân là mùa của niềm vui và những điều nguyện cầu, mùa của gia đình đoàn viên. Chúng ta cùng cầu chúc cho đất nước Việt Nam không còn những nỗi đau oan khiên, những bản án bất công, những chính sách sai lầm để cho ngày Tết của nhiều gia đình có được niềm vui trọn vẹn.

*********************

Người vô gia cư và Tết (RFA, 16/02/2018)

Hoàn cảnh

Những người già, những đứa bé lang thang, những người mất khả năng lao động, họ có mặt ở con phố này mỗi khi đêm về. Lý do chính tại con đường này có nhiều nhà từ thiện đến giúp đỡ cho những mảnh đời cơ nhỡ với những suất cơm, bịch sữa, gói bánh…

tet2

Một người vô gia cư ở Sài Gòn những ngày giáp Tết. RFA

Tất cả những con người chúng tôi gặp nơi đây đều có cùng một điểm tương đồng là họ không nhà không cửa, nhưng mỗi người lại có một câu chuyện khác nhau đẩy họ vào cảnh trạng hiện tại.

Một người vô gia cư, trước kia có sức khỏe tốt nhưng sau khi gặp tai nạn nghiêm trọng, ban ngày chỉ còn có thể nhặt ve chai và đêm về nằm vỉa hè trên con phố này tâm sự :

"Anh bị gãy tay, giờ cũng chẳng đi làm hồ được. Phải đi lượm đồ ve chai sống qua ngày. Tay trái bị gãy cong vầy nè. Cũng chẳng làm được gì hết em à. Phải vác bao đi lượm sống qua ngày tháng".

Hoàn cảnh gia đình anh vốn dĩ đã khó khăn, cũng không thể nương tựa vào ai cho nên phải sống trong cảnh này, anh cho biết thêm :

"Bố mẹ giờ mất rồi. Bán đất đi phải trả nợ tiền đám ma đám chay. Buồn quá, ở với bà chị không được vì vướng đến chồng nữa. Một bên bà chị theo bên chồng, mà ông anh thì đi ở rể. Một bên là cậu một bên là chú. Mỗi mình anh, ở không được, còn con cái người ta nữa. Bắt buộc anh phải ra đường sống thôi".

Ông lão đạp xích lô cũng có hoàn cảnh đáng buồn. Nhà cửa mất hết, vợ ông cũng đã qua đời. Ông rời nhà trọ trên Hóc Môn để về con đường này vì khi mà sức lao động chẳng còn nhiều thì làm sao có đủ tiền mướn chỗ ở.

"Tại sao tui phải ra đây là vì tui không còn nhà nữa. Trước kia tui còn nhà, nhà cửa ngon lắm nhưng mà tại vì vợ tui chết tui phải chịu, tui phải trôi dạt trên Hóc Môn tui về đây".

Hay như một hoàn cảnh khác, bà cũng không còn người thân nào. Ban đầu bà lên Sài Gòn để kiếm sống. Nhưng buồn thay, sau thời gian lao động bà mắc bệnh.

"Cô ở tuốt Cà Mau lận. Cô đâu có còn ai đâu mà ở dưới. Lúc trước cô lên đây cô còn sức khỏe cô làm mướn, giờ cô bệnh hoạn rồi, bị tim mạch mệt lắm nên không có làm được gì hết. Không có tiền về, nếu mà về cũng không có ai".

Mong ước

Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện, tất cả chỉ mong sao có những người hảo tâm giúp họ một bữa ăn lót dạ qua ngày, đặc biệt là vào dịp Xuân về chứ chưa dám nghĩ đến có một chỗ gọi là nhà.

"Cô chỉ kiếm sống qua ngày thôi, chứ mong muốn gì đâu nữa con, già rồi. Kiếm ăn đủ sống thôi".

"Chạy xích lô nè. Chở hàng chở đồ. Mà lúc này chạy vòng vòng không à, ế lắm. Lúc này te tua. Chạy qua ngày tối ngủ mái hiên. Đám từ thiện cho gì ăn nấy à".

"Tết năm ngoái người ta cũng cho lai rai. Tối người ta đi bao lì xì hay ổ bánh chưng bánh tét bánh giò. Hay là cho mền cho mùng, quần áo mặc. Tết năm ngoái cũng đủ sống qua ngày. Mấy ngày Tết vui vẻ. Thấy người ta dắt con cái mình cũng tủi thân tại người ta có con cái có gia đình, có nhà có cửa, mình lại không có nhà có cửa…"

"Gia đình người ta có tiền nong về thăm bố mẹ vui vẻ trong gia đình. Tụi anh giờ nhà đâu mà về nữa, tiền đâu mà về quê. Không có tiền để mua quần áo mà mặc nữa. Cũng nhờ mấy anh em đi tài trợ gom góp mấy quần áo xấu xấu lại cho. Anh chỉ biết cám ơn thôi".

"Thôi đừng nhắc tới Tết, chán lắm. Nhắc mất công nhớ nữa".

Nhưng một số trường hợp chúng tôi gặp, họ cũng còn người thân, nhưng lại không muốn nương tựa bởi con cháu cũng có hoàn cảnh khó khăn, nên không muốn làm gánh nặng cho con cháu. Đã nhiều năm ông không còn về quê, dù đó là ngày Tết :

"Không muốn gặp tại vì gặp mình không có kinh tế về cho con cháu thấy cũng tủi cũng tội lắm".

Còn đó khá nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được sự giúp đỡ. Tuy nhiên các nhóm từ thiện trong cộng đồng chỉ có thể phụ họ phần nào ; còn cách giải quyết cho đến nơi đến chốn hẳn phải do quyết tâm của chính quyền.

********************

Tử vong do tai nạn giao thông trong dịp tết tăng (RFA, 16/02/2018)

Ngày đầu năm âm lịch Mậu Tuất tại Việt Nam có 34 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông và 35 người khác bị thương.

tet3

Giao thông ở Hà Nội vào giờ cao điểm ngày 23/9/2015. AFP

Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia Việt Nam cho biết và báo cáo tình hình này đến Văn Phòng Chính Phủ.

Cũng theo ủy ban chuyên theo dõi tình hình an toàn giao thông này thì trong 3 ngày qua, tổng cộng số người chết trong nước vì tai nạn giao thông lên đến 87 người và số bị thương là 84 người.

So sánh với thời điểm cùng kỳ vào các năm trước, Ủy Ban An Toàn Giao Thông Việt Nam đưa ra nhận định là tai nạn giao thông tăng cao trong hai ngày 30 và mùng 1 tết.

Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu bia, vi phạm tốc độ…

Dịp tết âm lịch năm nay, Ủy Ban An Toàn Giao Thông Việt Nam tiến hành cập nhật tình hình hằng ngày trong lĩnh vực tai nạn giao thông kể từ ngày bắt đầu nghỉ là ngày 13 tháng 2.

Thông tấn xã Việt Nam loan tin Bệnh Viện Việt- Đức tại Hà Nội bị quá tải vì số bệnh nhân phải cấp cứu, chủ yếu do tai nạn giao thông, trong đêm giao thừa.

********************

Chết vì tai nạn giao thông ngay trước Tết (RFA, 15/02/2018)

Chỉ trong vòng 2 ngày trước Tết nguyên đán Việt Nam đã ghi nhận có đến gần 55 người tử vong vì tai nạn giao thông.

tet4

Giao thông ở Hà Nội hôm 4/7/2017. AFP

Theo báo cáo nhanh của Cục Cảnh sát giao thông hôm 14/2, trong ngày 28 Tết, đã có 37 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 35 người và 20 người bị thương.

Cục Cảnh sát giao thông cũng cho biết trong ngày đầu của kỳ nghỉ Tết, tức 29 Tết, cả nước xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 28 người. Trong đó có 21 vụ tai nạn đường bộ khiến 19 người chết, bị thương 28 người. Đường sắt có 1 vụ tai nạn làm 1 người chết.

Trước đó, cũng theo Cục Cảnh sát giao thông trong 3 ngày, từ 25 đến 27 Tết, đã xảy ra 83 vụ tai nạn giao thông, làm chết 73 người.

Ngoài ra, trong những ngày giáp Tết, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm an toàn giao thông, phạt tiền nhiều tỷ đồng, giam giữ nhiều phương tiện giao thông.

***********************

Lo ngại dịch cúm bùng phát dịp Tết (RFA, 15/02/2018)

Với ghi nhận hàng ngàn ca bệnh cúm trong tháng 1, Bộ Y tế đã họp khẩn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm vào chiều ngày 13 tháng Hai.

tet5

Hình minh họa. Một phụ nữ cầm thuốc Tamiflu hôm 22/7/2009 ở một tiệm thuốc ở Paris. AFP

Tại cuộc họp, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Cũng tại cuộc họp, Sở Y tế Hà Nội cho biết, riêng tháng 1, TP Hà Nội đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc cúm, chủ yếu là cúm mùa, chưa phát hiện chủng cúm độc lực cao.

Theo ý kiến của đại diện một số bệnh viện, thời gian qua nhiều cơ sở y tế đồng loại kê thuốc Tamiflu cho bệnh nhân bệnh cúm nên dẫn đến tình trạng khan hiếm ngoài thị trường. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết thuốc Tamiflu chỉ dùng trong những trường hợp cần thiết, có biến chứng, nhóm nguy cơ cao.

Trước lo ngại thiếu thuốc Tamifu, ông Lương Ngọc Khuê kêu gọi người dân đừng hoang mang, ông cũng đền nghị các bệnh viện rà soát lại số thuốc Tamiflu, các bác sĩ không nên chỉ định sử dụng rộng rãi Tamiflu, để tránh kháng thuốc và tránh tạo nên cơn sốt giả về loại thuốc này.

Cũng trong ngày 13 tháng Hai, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh đường hô hấp trong dịp Tết.

Bà Kim Tiến cũng yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành tăng cường thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỉ lệ chủng ngừa ít nhất 95% ở quy mô xã, phường.

Quay lại trang chủ
Read 614 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)