Rời eurozone, Pháp có nguy cơ "phá sản và hỗn độn"
Cuộc tranh luận trực diện diễn ra vào tối 03/05/2017 giữa hai ứng viên lọt vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Pháp, bà Marine Le Pen thuộc đảng Mặt Trận Quốc Gia và ông Emmanuel Macron thuộc phong trào Tiến Bước ! (En Marche !), là chủ đề chính được đề cập trên trang nhất các nhật báo Pháp.
Hai ứng viên tổng thống Emmanuel Macron (T) thuộc phong trào Tiến Bước ! và Marine Le Pen (P) thuộc Mặt Trận Quốc Gia - FN - Ảnh : Alain Jocard, Eric Feferberg / AFP
Dưới dòng tựa "Macron - Le Pen : Những điểm chủ chốt của cuộc đối đầu", nhật báo kinh tế Les Echos nhận định cuộc tranh luận được cho là diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Vẫn theo Les Echos, "Le Pen và Macron sẵn sàng cho cuộc đối đầu không thương tiếc". Thực vậy, chưa bao giờ chương trình tranh cử của hai ứng viên vòng hai lại đối chọi nhau đến như vậy, phản ánh hai quan niệm hoàn toàn khác nhau về nước Pháp hiện nay và nước Pháp trong tương lai theo cách nhìn của họ : từ kinh tế đến thuế khóa, từ an ninh đến vấn đề đạo đức trong đời sống chính trị.
"Đồng euro trong tâm điểm tranh luận giữa Le Pen và Macron" là hàng tựa trên trang nhất của Le Monde. "Rời khỏi khu vực đồng euro là điều cần thiết đối với Marine Le Pen", theo nhận xét của La Croix. Tuy nhiên, điểm mấu chốt được ứng viên cực hữu kịch liệt bảo vệ từ nhiều năm nay lại bị thay đổi sau khi bà Le Pen thông báo (ngày 29/04) liên kết với cựu ứng viên Nicolas Dupont-Aignan, thuộc đảng Nước Pháp Đứng Lên ! (Debout la France !). Nếu đắc cử tổng thống, chủ tịch đảng Mặt Trận Quốc Gia sẽ cho lưu hành song song hai loại tiền tệ : đồng franc cho chi tiêu sinh hoạt hàng ngày và quyền sử dụng đồng euro cho các tập đoàn đa quốc gia…
Bài xã luận trên trang nhất của Le Figaro nhận định, đây chỉ là chiến lược tung hỏa mù của ứng viên cực hữu trong những ngày cuối của cuộc vận động tranh cử. Còn bài xã luận của Le Monde khẳng định chiến lược "mập mờ này là hoàn toàn có chủ ý". Cả hai nhật báo đều có cùng quan điểm là ứng viên cực hữu không muốn làm phật lòng bộ phận cử tri của Mặt Trận Quốc Gia muốn rời khỏi khu vực đồng euro, đồng thời cố thu hút thêm phiếu bầu từ phía cử tri muốn ở lại trong khối đồng tiền chung.
Hình thành một loại tiền tệ mới đồng nghĩa với việc rút khỏi đồng euro vì Ngân Hàng trung ương Châu Âu sẽ mất quyền hạn đối với chính sách tiền tệ của Pháp. Ngoài ra, bà Le Pen hoàn toàn có thể tiếp tục ý định thực hiện chương trình cải cách mà, theo tuyên bố trước đó của bà, đến 70% có thể thực hiện được, nếu nước Pháp rút khỏi đồng euro.
Rút khỏi khối đồng tiền chung Châu Âu, ngay lập tức đồng "franc Le Pen" sẽ mất khoảng 30% giá trị, khiến trị giá tiền tiết kiệm sụt giảm, thâm hụt ngân sách và dẫn đến bùng nổ khối nợ của Pháp, cho đến nay vẫn tính bằng euro. Ngoài ra, còn phải tính đến khả năng tăng lãi suất, thất thoát vốn ra nước ngoài và các chủ nợ sẽ không còn cấp vốn cho Pháp. Hàng tiêu dùng sẽ trở nên đắt đỏ vì giá nhập khẩu tăng vọt.
Bên cạnh đồng euro áp dụng riêng cho các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hay giới nhà giầu trong các giao dịch quan trọng, như bất động sản hay mua xe hơi, đồng "franc Le Pen" sẽ chỉ là đồng nội tệ kỳ quặc dành cho việc chuyển tiền trợ cấp xã hội, trả lương cho công chức và hưu trí.
Với Le Monde, bà Le Pen "tặng" cho người Pháp một lựa chọn : tồi tệ thì là "phá sản", còn khả quan hơn một chút là "bất lực". Còn xã luận của Le Figaro cảnh báo "đừng để bị lừa như vậy", vì rời khỏi eurozone, nước Pháp sẽ rơi vào tình cảnh "phá sản và hỗn độn". Ngay cả khi chìm sâu trong khủng hoảng tài chính, cả Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha lẫn Ireland đều không dám hình dung sẽ đi theo con đường này.
Donald Trump chìa tay với các lãnh đạo chuyên chế
Về thời sự quốc tế, nhật báo Le Figaro đăng bài nhận định "Donald Trump chìa tay với các lãnh đạo chuyên chế". Từ tổng thống Philippines Duterte đến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, từ nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đến tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Mỹ đối thoại với các nhà lãnh đạo, chà đạp lên các "giá trị" của Mỹ, coi họ ngang hàng với các nước dân chủ đồng minh.
Khả năng hành xử khéo léo của Donald Trump với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giúp hai cường quốc kinh tế tránh được cuộc chiến thương mại. Thế nhưng, những lời tuyên bố gần đây của tổng thống Mỹ làm dấy lên những chất vấn về các đối tác được ưa thích hơn hết của chủ nhân Nhà Trắng, như cuộc điện đàm ngày 02/05 với tổng thống Nga Putin được ông đánh giá là "một cuộc đối thoại rất tốt".
Trước đó, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Donald Trump phát biểu trong điều kiện thích hợp, ông có thể sẽ gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và "tôi hân hạnh làm việc đó", trước khi nói thêm : "Đa số các chính trị gia sẽ không bao giờ nói vậy cả".
Trên đài CBS, tổng thống Mỹ không ngại đánh giá người đứng đầu chính quyền Bình Nhưỡng là người "có khả năng nắm quyền lực ngay từ khi còn trẻ, khi cha ông ấy qua đời". Ông nói : "Tôi không nghi ngờ rằng rất nhiều người, dù là chú ruột hay những người khác, tìm cách chiếm quyền, nhưng Kim Jong-un đã chứng tỏ khả năng nắm giữ quyền lực. Điều này cho thấy Kim là một "cậu bé ranh mãnh". Thế nhưng, "cậu bé ranh mãnh" đó đã cho hành hình chú ruột, ám sát anh cùng cha khác mẹ và thủ tiêu khoảng 140 quan chức cấp cao của chế độ.
Cuộc điện đàm với tổng thống Duterte ngày 29/04 được Donald Trump đánh giá là "rất thân mật", đồng thời ông mời đồng nhiệm Philippines đến thăm Nhà Trắng.
Theo Le Figaro, từ khi lên nắm quyền, Donald Trump không hề phân biệt, lựa chọn, ai là độc tài, ai tôn trọng dân chủ, nhân quyền. Từ chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến tổng thống Ai Cập đều được ông long trọng đón tiếp. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, từng được chủ nhân Nhà Trắng chúc mừng chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý trao thêm quyền hạn cho tổng thống, sẽ được đón tiếp ngày 16/05. Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Donald Trump vẫn đánh giá Saddam Hussein "biết tiêu diệt khủng bố" và Putin "từng làm việc lớn cho nước Nga, dù người ta không ưa ông ấy".
Tổng thống Mỹ muốn "hòa thuận" với các đối tác. Ông khẳng định "thông hiểu hơn" với thủ tướng Đức trong chuyến công du Mỹ của bà Angela Merkel, dù "từ chối" bắt tay trong phòng Bầu Dục. Ông cũng tuyên bố "hân hạnh" được đón tiếp thủ tướng Ý hay tổng thư ký NATO tại Nhà Trắng.
Từ "hân hạnh" cũng được ông dành cho nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên, dù được cho là không vượt quá nghi thức xã giao. Nhưng trong ngoại giao, "mỗi từ đều được tính toán", theo đánh giá của ông Philippines Reines, cựu cố vấn của bà Hillary Cliton khi còn giữ chức ngoại trưởng, và "hân hạnh được đàm phán với Kim là điều gì đó kỳ quặc".
Nga-Đức : Không khí ảm đạm bao trùm cuộc gặp Merkel-Putin
Kể từ năm 2015, thủ tướng Đức Angela Merkel không đặt chân đến Nga và bà không có ý định quay lại nếu cuộc xung đột tại miền đông Ukraine chưa chấm dứt. Thế nhưng, ngày 02/05, thủ tướng Đức đã gặp tổng thống Nga tại khu nghỉ dưỡng mùa hè của các tổng thống Nga tại Sochi, bên bờ biển Đen.
Trong chương trình làm việc chính thức, chuyến công du nhằm mục đích chuẩn bị cho thượng đỉnh G20 diễn ra vào đầu tháng Bẩy tại Hambourg, Đức. Thế nhưng, nhiều chủ đề bất đồng khác đều được cả hai bên đề cập : cuộc chiến chống khủng bố, chiến tranh tại Syria, tình hình tại Trung Đông, bầu cử tổng thống Mỹ và vấn đề nhân quyền.
Nhật báo Libération nhận định : "Cuộc hội ngộ u ám giữa Putin và Merkel tại Sotchi". Với Les Echos, "Merkel và Putin ý thức được các mối bất đồng của nhau". Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo muốn duy trì "thỏa thuận Normandy" để giải quyết khủng hoảng Ukraina sau các kỳ bầu cử tại Pháp.
Còn trang nhất của Le Figaro là hàng tựa : "Sự lạnh lùng vẫn tồn tại giữa Merkel và Putin tại Sochi". Vẫn theo Le Figaro, đến gặp tổng thống Nga trong khuôn khổ chuẩn bị thượng đỉnh G20 mà Đức là nước chủ nhà là một cử chỉ nhỏ của bà Merkel với ông Putin.
Trong buổi họp báo chung, một lần nữa, tổng thống Nga bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, đồng thời cho rằng một số nước khác lại tìm cách tác động nền chính trị Nga, ẩn ý nhắc đến các tổ chức đấu tranh vì dân chủ tại Nga mà theo ông do phương Tây giật dây.
Tổng thống Venezuela tìm cách thoát ngõ cụt, khủng hoảng càng trầm trọng
Nhân Ngày Quốc Tế Lao Động 01/05, trước công chúng tại thủ đô Caracas, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã yêu cầu triệu tập một Quốc hội Lập Hiến được cho là "thuộc nhân dân, công dân và công nhân". Mục đích là "đạt đến hòa bình mà đất nước đang cần và đánh bại cú đảo chính phát xít" của đối lập. Ngay sau đó, ông vội vàng tập hợp các bộ trưởng và chỉ huy lực lượng quân sự tại dinh tổng thống để ký sắc lệnh triệu tập Quốc hội Lập Hiến này.
Với đề xuất một bản Hiến Pháp mới, "tổng thống Maduro tìm cách thoát khỏi ngõ cụt" theo nhận định của La Croix, còn với Le Figaro, đó là "ngón đòn cuối cùng của tổng thống Venezuela".
Nhật báo Le Monde đưa tin phe đối lập tố cáo "một thủ đoạn chính trị" để thay thế các cuộc bầu cử được dự kiến, thành một cuộc bỏ phiếu do bị chính quyền thao túng. Phe đối lập kêu gọi một cuộc tuần hành quy mô lớn để phản đối sự gian lận này.
Từ một tháng nay, những người phản đối ông Maduro thường xuyên biểu tình đòi tổng thống từ chức và yêu cầu các cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử cấp địa phương, lẽ ra được tổ chức vào năm 2016. Họ cũng đòi trả tự do cho tù nhân chính trị, cho phép cứu trợ nhân đạo quốc tế và tôn trọng Quốc hội nơi phe đối lập chiếm đa số.
Thu Hằng