Vac-xin ngừa Covid-19 : Tam chiến Liên Hiệp Châu Âu - Anh - AstraZeneca
Vac-xin ngừa Covid-19 của đại học Oxford (Anh) kết hợp với tập đoàn Anh-Thụy Điển, AstraZeneca, trở thành mối bất hòa giữa Bruxelles và Luân Đôn hậu Brexit. Hầu hết các nhật báo Pháp đều trở lại một tuần "sóng gió" trong số ra ngày 01/02/2021.
Để bảo vệ người dân, Liên Hiệp Châu Âu suýt phạm sai lầm khi tính đến việc kích hoạt điều 16 của nghị định thư về Bắc Ireland liên quan đến đường biên giới giữa vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland (thành viên Liên Hiệp Châu Âu) để ngăn xuất khẩu vac-xin qua ngả Bắc Ireland. Đây là điều khoản được Bruxelles ra sức bảo vệ khi đàm phán quan hệ hậu Brexit với Anh Quốc. Le Figaro và Les Echos cùng chung nhận định : "Vac-xin : Bruxelles khai chiến với Luân Đôn rồi lùi bước". Nhưng mọi chuyện có lẽ chưa dừng ở đó, "mối đe dọa cuộc chiến vac-xin" vẫn hiện hữu, theo cảnh báo trên trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos.
Tại sao Bruxelles lại phạm phải sai lầm này ? Theo một nhà ngoại giao cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu, được Le Figaro trích dẫn, "điều này phản ánh thực tế cách làm việc mà chúng ta vẫn biết từ lâu nay, đó là quá tập trung vào văn phòng của Ursula von der Leyen (chủ tịch Ủy Ban Châu Âu), với những quyết định không được tham vấn với các phòng ban liên quan". Thậm chí, nhà ngoại giao Pháp Michel Barnier, người đứng đầu nhóm đàm phán Brexit của Liên Hiệp Châu Âu, cũng không được thông tin.
Những người ủng hộ Brexit xoa tay vì sai lầm này của Bruxelles, qua đó cho thấy Liên Hiệp Châu Âu đang ì ạch trong chiến dịch tiêm chủng do phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp ngoài khối. Anh tiêm chủng cho 8,5 triệu dân, xấp xỉ tổng số người tại 5 nước Liên Hiệp Châu Âu tiêm chủng nhiều nhất. Giờ đến lượt Luân Đôn hả hê chỉ trích "chính sách bảo hộ vac-xin" của Bruxelles.
Dù không kích hoạt điều khoản liên quan đến biên giới Ireland, nhưng Liên Hiệp Châu Âu không từ bỏ cơ chế kiểm soát xuất khẩu vac-xin. Tuy nhiên, ngay ý định này cũng bị phó tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới phản đối vì vac-xin được coi là "một tài sản chung của thế giới" do "các dây chuyền sản xuất đa dạng", được cung ứng vật liệu "từ khắp nơi trên thế giới".
Liên Hiệp Châu Âu công bố một phần hợp đồng để chỉ trích AstraZeneca
Trong cuộc chiến "chủ quyền", Anh đã ghi được một bàn thắng trước Bruxelles. Tạm thời Liên Hiệp Châu Âu bất lực trước cả Anh và tập đoàn AstraZeneca.
Nhật báo kinh tế Les Echos nhắc lại hợp đồng được Bruxelles ký với AstraZeneca vào cuối tháng 08/2020. Theo hợp đồng, tập đoàn dược phẩm Anh-Thụy Điển cam kết giao 120 triệu liều vac-xin trong quý I/2021. Tuy nhiên, sau khi giảm xuống mức 80 triệu liều, AstraZeneca lại đề xuất giao sớm hơn một tuần nhưng chỉ giao 40 triệu liều, thấp hơn 3 lần so với thỏa thuận trong hợp đồng.
Bruxelles nghi ngờ vào tháng 12/2020, AstraZeneca đã giao cho Anh những liều vac-xin được sản xuất tại Châu Âu, đồng nghĩa với việc "không còn kho dự trữ cho Liên Hiệp Châu Âu". Song song với cuộc điều tra đang được tiến hành, Bruxelles cho biết sẽ không cấm xuất khẩu vac-xin nhưng sẵn sàng ngăn chặn nếu cho rằng số đó ảnh hưởng đến khối lượng hàng ký kết với Liên Hiệp Châu Âu.
Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu cũng quyết định công bố một phần hợp đồng ký với AstraZeneca, trong đó có điều khoản quy định vac-xin dành cho Liên Hiệp Châu Âu có thể được sản xuất tại Anh Quốc. Phía AstraZeneca cũng cam kết "cố gắng hết sức" để tăng năng suất. Nhưng chính ở điểm này, tổng giám đốc AstraZeneca, Pascal Soriot, đã lật lại khi trả lời báo chí rằng tập đoàn không cam kết chính thức giao hàng vì cụm từ "hết sức". Tổng giám đốc của AstraZeneca cũng khẳng định hai nhà máy ở Anh sản xuất ưu tiên cho Anh rồi mới đến lượt Liên Hiệp Châu Âu khi cần thiết.
Theo nhật báo Les Echos, bộ trưởng Kinh tế Đức dọa kiện "các hãng bào chế không tôn trọng cam kết" giao vac-xin cho Liên Hiệp Châu Âu, vì "không một công ty nào có thể ưu tiên một nước khác hơn Liên Hiệp Châu Âu", nhằm nói đến Anh. Tuy nhiên, một người nắm rõ hồ sơ ở Liên Hiệp Châu Âu cho rằng kiện cáo "không có lợi cho bên nào. Lợi ích cho mọi người là tìm ra được một giải pháp". Châu Âu vẫn giữ mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thành từ giờ đến mùa hè.
Vac-xin của AstraZeneca khác biệt như nào ?
Vừa mới được Cơ quan Dược Phẩm Châu Âu cho phép sử dụng ở Liên Hiệp Châu Âu, vac-xin của Ofxord-AstraZeneca đã trở thành đề tài tranh luận giữa hai bờ biển Manche.
Nhật báo kinh tế Les Echos đặt câu hỏi : "AstraZeneca khác với những vac-xin khác như thế nào ?". Hai điểm khác biệt là bào chế và quá trình sản xuất so với những vac-xin ARN, nhờ đó vac-xin của Ofxord-AstraZeneca có giá rẻ hơn nhiều, chỉ từ 3-4 đô la/liều nhưng phải tiêm hai lần vì hiệu quả hiện là 59,5% so với 94% của Moderna và 95% của Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, việc bảo quản cũng dễ dàng hơn, chỉ từ 2-8°C.
Nhật báo Le Monde có bài viết về quá trình hình thành "Vac-xin Oxford-AstraZeneca : một cuộc phiêu lưu khoa học được đánh dấu bằng những tranh cãi". Đằng sau dự án nghiên cứu là một nhà khoa học nữ Sarah Gilbert. Bà kể lại với Le Monde một năm nghiên cứu khẩn trương, lấy kinh nghiệm từ dự án vac-xin phòng bệnh sốt rét đến "phát triển ChAdOx1, một nền tảng công nghệ cho các loại vac-xin chống virus corona MERS-CoV, virus Nipah và sốt xuất huyết".
Khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu của viện Oxford đã được chính phủ Anh tài trợ : "Chúng tôi may mắn biến nước Anh thành một trung tâm thử nghiệm những thế hệ vac-xin mới". Trong khi các tập đoàn dược phẩm nhanh chóng ký hợp đồng sản xuất vac-xin ngừa Covid-19, dự án ChAdOx1 nCov-19 đã chật vật để ký được thỏa thuận bản quyền với tập đoàn AstraZeneca, sau khi bị Jonhson & Johnson từ chối hợp tác, còn tập đoàn Mỹ Merck chỉ đề nghị hoa hồng "1%", trong khi Oxford muốn nhận "khoảng 6%", theo thông tin của Wall Street Journal ngày 21/10/2020.
Tuy nhiên, trong số ba vac-xin được bật đèn xanh tại Liên Hiệp Châu Âu, có lẽ vac-xin Oxford-AstraZeneca có nhiều "trục trặc" nhất, từng bị nghi ngờ về hiệu quả. Tất cả đều được báo Le Monde lần lượt lược lại trong bài viết.
Cuộc chiến vac-xin vẫn còn kéo dài, Châu Âu trông đợi thêm "hai vac-xin mới trong cuộc chiến chống đại dịch" theo Les Echos. Trong khi đó, Le Figaro đưa tin thủ tướng Hungary "Orban thách thức Liên Hiệp Châu Âu với vac-xin Nga và Trung Quốc" dù cả hai vac-xin này chưa được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cấp phép do nghi ngờ về hiệu quả và thiếu minh bạch thông tin. Trước đó, thủ tướng Đức từng nêu khả năng mở cửa cho vac-xin Sputnik V của Nga.
Hậu trường quyết định lùi phong tỏa của tổng thống Pháp
Pháp vẫn có hơn 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Thế nhưng, "trước các biến thể mới, Macron đặt cược vào việc không phong tỏa", theo nhật báo Le Monde, kèm theo lời cảnh báo của thủ tướng Jean Castex, "những ngày tới mang tính quyết định".
Theo Les Echos, "Macron đặt cược để tránh phong tỏa lần thứ ba". Tổng thống Pháp trông đợi vào những biện thắt chặt và kêu gọi người dân Pháp hưởng ứng. Các trung tâm thương mại trên 20.000 m2 bị đóng cửa, tăng cường làm việc từ xa… "Còn nước còn tát", ông Macron muốn tận dụng những lá bài cuối cùng trước khi phải phong tỏa vì nguyên thủ Pháp hiểu sức khỏe tinh thần của người dân đã xấu đi rõ rệt. Thêm một đợt phong tỏa sẽ tiếp tục tác động đến tâm lý và gây thiệt hại cho kinh tế, vì thế ông kêu gọi người dân Pháp "cùng làm tất cả để ngăn dịch bệnh" và "thời khắc mà chúng ta đang sống mang tính quyết định". Một số lý do khác được báo La Croix phân tích trong bài : "Tại sao chính phủ lại lùi bước trước phong tỏa ?".
Nhật báo Le Figaro trở lại 30 phút hậu trường để chuẩn bị bài phát biểu của thủ tướng Pháp trong chương trình 20 giờ tối thứ Sáu 29/01, sau cuộc họp hơn một tiếng rưỡi của Hội đồng An ninh dịch tễ. Ông Jean Castex, được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp là bộ trưởng, đã thảo ra bài phát biểu dài 5 phút với những từ ngữ đơn giản nhất nhưng chân thành nhất để giải thích quyết định của chính phủ. Không phong tỏa, dù đề xuất đã được nêu lên trong cuộc họp vì "chúng ta còn có thể tự cho thêm một cơ hội để tránh điều đó", theo thủ tướng Pháp.
Pháp trông đợi gì ở Joe Biden ?
Hai chủ đề thời sự quốc tế được một số nhật báo Pháp đề cập là Nga bắt giữ hơn 4.000 người ủng hộ nhà đối lập Alexei Navalny tham gia biểu tình trên cả nước đòi trả tự do cho ông Navalny. Le Monde trở lại những âm mưu đảo chính ở Miến Điện. Libération và Le Figaro đề cập đến vụ bạo động ở Câu lạc bộ bóng đá Olympic Marseille và dự thảo luật ly khai được thảo luận ở Hạ Viện Pháp từ ngày 01/02.
Về đối ngoại, Paris muốn bắt tay với chính quyền mới của tổng thống Mỹ Joe Biden, ít nhất là trên ba hồ sơ chính, theo bài phân tích trên Le Monde : "Pháp trông đợi gì vào Joe Biden ?"
Iran, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là những bài trắc nghiệm cho việc Hoa Kỳ trở lại chủ nghĩa đa phương. Tổng thống Pháp như trút bỏ được một gánh nặng khi không phải đơn độc giữ vai trò của người phát ngôn, người cổ vũ cho những nền dân chủ tự do, như ông thường phải cáng đáng dưới thời tổng thống Trump.
Vấn đề hạt nhân Iran được cho là hồ sơ phức tạp hơn cả, do niềm tin giữa Tehran và Washington đã bị xói mòn trong nhiệm kỳ tổng thống Trump. Ngoài ra, Iran tỏ ra không nhân nhượng trong bối cảnh chuẩn bị tổ chức bầu cử vào tháng Sáu. Càng kéo dài thời gian, Iran càng tích lũy thêm kinh nghiệm về vật liệu phân hạch để tiến gần đến chế tạo bom. Vì vậy, cần phải nhanh chóng hội tụ các điều kiện để Hoa Kỳ trở lại thỏa thuận và Iran tái cam kết tôn trọng các nghĩa vụ trước khi tính đến các cuộc thảo luận tham vọng hơn về chương trình tên lửa đạn đạo và an ninh trong vùng. Theo Le Monde, sự phối hợp giữa Hoa Kỳ và Châu Âu sẽ mang tính quyết định cho những vấn đề này.
Vấn đề thứ hai liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO. Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, vi phạm lãnh hải của Hy Lạp và Cộng hòa Síp, can thiệp quân sự vào Syria và Libya. Pháp hy vọng rằng chính quyền Biden không quá nương tay với tổng thống Erdogan với lý do cần duy trì quan hệ liên minh chiến lược này. Liệu Washington có "nhắc nhở" tổng thống Erdogan ?
Vấn đề lớn thứ ba liên quan đến Trung Quốc. Cuối năm 2020, Liên Hiệp Châu Âu ký với Trung Quốc thỏa thuận đầu tư, trong khi Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau trên nhiều mặt trận : thương mại, công nghệ, ảnh hưởng địa-chính trị… Liên Hiệp Châu Âu "không muốn tham gia vào tầm nhìn Ấn Độ-Thái Bình Dương, chống Trung Quốc, được cổ vũ dưới thời tổng thống Trump".
Tuy nhiên, theo bà Tara Varma, thuộc Hội đồng Quan hệ Quốc tế Châu Âu (ECFR), "các nước Châu Âu phải nghĩ cách bảo vệ lợi ích chủ quyền của mình. Về điểm này, Pháp đi trước một bước. Paris và Washington có ý định phối hợp với nhau xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, an ninh hàng hải, kinh tế xanh trong khu vực này". Dự án thượng đỉnh D10, một câu lạc bộ các nền dân chủ với các đồng minh Châu Á, được hình thành để thành lập một mặt trận chung chống Trung Quốc.
Trong một Châu Âu với mong muốn tự chủ ngày càng lớn, thì việc dung hòa giữa tự chủ và quan hệ đồng minh sẽ là một chương trình lớn cho những năm sắp tới, theo kết luận của Le Monde.