Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/02/2021

Điểm báo Pháp – Châu Âu tiêm chủng ngừa Covid-19

RFI tiếng Việt

Tiêm chủng ngừa Covid-19 : Do đâu Liên Âu thất bại ?

Châu Âu nhốn nháo với vac-xin ngừa covid-19, chiến dịch triển khai tiêm chủng trong Liên Hiệp thất bại, giữa lúc dịch diễn biến phức tạp. Nước Pháp chậm chân trong bào chế vac-xin, chuyển hướng sang gia công sản xuất thuốc chủng, Nga mạnh tay xử nhà đối lập nổi tiếng Alexei Navalny, trấn áp biểu tình thách thức phương Tây…. Đó là những chủ đề chính được các báo Pháp ra hôm nay mổ xẻ phân tích nhiều.

tiem1

Lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen. Ảnh chụp tháng 11/2020.  AP - Olivier Matthys

Trên nhiều trang báo là những câu hỏi đặt ra xung quanh chuyện vac-xin và chiến lược tiêm chủng ngừa Covid của Liên Hiệp Châu Âu như : Châu Âu đã đàm phán về vac-xin thế nào, tựa của Le Monde hay "Vac-xin : Làm sao Châu Âu bị bỏ xa ?", tựa trang nhất của Le Figaro. Nhật báo Le Figaro dành hồ sơ lớn nhằm lí giải vì sao trong khi các nước khác đang tăng tốc tiêm chủng cho dân, thì Châu Âu bị tụt lại rất xa.

Tờ báo nhắc lại, hôm 21/12 bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hân hoan thông báo chiến dịch tiêm chủng trong toàn Liên Hiệp bắt đầu, lạc quan hy vọng sẽ chiến thắng virus corona. Đến giờ, một tháng rưỡi trôi qua, điểm lại chỉ thấy những "thất bại", "trục trặc", "khan hiếm" và cả những bê bối hết nơi này qua nơi khác trong Liên Âu.

Những chỉ trích, phẫn nộ nổi lên khắp các nước thành viên, đòi bà chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu phải xem lại chiến lược tiêm chủng. Nỗi phẫn nộ cùng dễ hiểu, vì tất cả đang hy vọng vào vac-xin để có thể thoát khỏi đại dịch. Trong khi đó ngay từ đầu Liên Hiệp Châu Âu đóng vai trò điều hành phân phối vac-xin, một việc đã được chuẩn bị từ nhiều tháng trước.

Le Figaro đưa ra các con số để so sánh : "Đến lúc này, 9,5% dân Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vac-xin. Ở Anh Quốc là 14%, vô địch thế giới là Israel 55%. Trong khi đó Liên Âu mới chỉ có 2,8%. Một cảm giác nghèo nàn, thiếu thốn bao trùm khắp Châu Âu".

Tờ báo nhìn lại quá trình từ đầu đại dịch, khi các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới lao vào cuộc chạy đua tìm kiếm liều thuốc chủng quý giá này, thì chính phủ nhiều nước cũng lao vào cuộc cạnh tranh có được liều thuốc chủng bằng cách đổ tiền, thương lượng với các phòng thí nghiệm có triển vọng sẽ sớm sản xuất được vacxin. Các nước lớn trong Liên Âu cũng rục rịch chuẩn bị, nhưng trong khi đó, Liên Hiêp Châu Âu - đóng vai trò bao sân - thì lại chậm trễ. Le Figaro nhấn mạnh nguyên nhân là Liên Âu đã không dự tính trước và không dám mạnh tay bỏ tiền đầu tư trước. Xã luận Le Figaro chỉ thẳng nguyên nhân, đó là căn bệnh khó chữa của Liên Âu là quan liêu hành chính với một bộ máy cồng kềnh nặng nề, không có năng lực và không dám làm…

Trong khi Boris Johnson và Donald Trump chấp nhận rủi ro đầu tư ồ ạt từ cả năm nay (gấp từ 4 đến 7 lần Liên Âu). Họ tham gia vào ngay từ giai đoạn đầu tiên nghiên cứu vac-xin, trở thành một bên liên quan trong tiến trình sản xuất vac-xin. Còn Bruxelles thì vẫn hài lòng làm một khách hàng đơn thuần, tùy thuộc vào các nhà phân phối. Để đến giờ hình ảnh mà người ta có thể chia sẻ ở Châu Âu là các trung tâm tiêm chủng bị đóng cửa vì thiếu thuốc.

Liên Hiệp Châu Âu đang lâm vào lúng túng, không lẽ lại trở về mạnh nước nào nước đó chạy theo khả năng tài chính của mình. Bruxelles đang cố gắng tìm nguồn cung ứng vac-xin chắc chắn, như với tập đoàn dược AstranaZeneca, nhưng lại vấp phải những bất đồng với chính phủ của Boris Johnson. Một hướng mới mở ra là quay sang với vac-xin Nga Sputnik V, trong khi mà quan hệ Bruxelles-Moskva lâu nay chưa khi nào mặn mà, giờ lại đang có cơ căng thẳng hơn ?

Vac-xin Nga, sự phục thù chính trị

Le Figaro có bài phân tích "Sputnik V, loại vac-xin mang tính chính trị cao của Nga". Sau khi Sputnik V được tạp chí khoa học The Lancet thừa nhận công hiệu tới 91%, Moskva có ý đồ sử dụng liều thuốc chủng để mở rộng ảnh hưởng trên thế giới và như một thứ vũ khí tư tưởng.

Nhất là trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng của Liên Hiệp Châu Âu đang gặp trục trặc, nếu không muốn nói là thất bại, thì Sputnik có thể là một cơ hội cho Châu Âu. Các nước lớn như Đức, Pháp, Tây Ban Nha đã đánh tiếng sẵn sàng mở cửa cho sản phẩm của Nga. Liên Âu cũng hé mở cánh cửa với khẳng định của bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen : "Nếu các nhà sản xuất Nga, Trung Quốc mở hồ sơ, chứng minh mọi dữ liệu minh bạch thì sẽ được cấp phép sử dụng trên thị trường Châu Âu như những sản phẩm vac-xin khác" .

Tờ báo nhắc lại, trong cuộc chạy đua vac-xin trên thế giới, sản phẩm Sputnik trong một thời gian dài đã không được đánh giá tốt, vì bị cho là cắt đứt công đoạn thử nghiệm lâm sàng, không bảo đảm quy trình an toàn… Giờ đây Sputnik V của Nga đã phục thù được. Sputnik V đang tiếp cận quỹ đạo Châu Âu, như hàng tựa nhiều hình ảnh của báo Libération.

Sự phục thù được bài báo đề cập đó là với Mỹ và các nền dân chủ phương Tây. Tổng thống Pháp đã khẳng định việc sử dụng vac-xin Nga là "không phải là quyết định chính trị mà là một quyết định khoa học". Theo Le Figaro, điều này có thể đúng với Pháp, Đức hay các định chế Châu Âu, nhưng với nước Nga thì không. "Trái lại Nga coi vac-xin của họ là một công cụ gây ảnh hưởng chính trị và là thứ vũ khí tư tưởng" như cái tên rất gợi cảm được đặt cho sản phẩm.

Từ khi lên nắm quyền, ông Vladimir Putin đã không ngừng nỗ lực để đưa Nga trở lại trường quốc tế với vai trò một cường quốc. Lần này việc Sputnik V thành công được coi như là một sự phục thù với Mỹ và các nền dân của phương Tây, vốn vẫn luôn lên lớp chế độ toàn trị Nga. Vì thế tổng thống Nga đã huy động sức mạnh khoa học của cả nước hóa giải thách thức đó.

Le Figaro phân tích, vac-xin Sputnik V một lần nữa là minh chứng Nga đã trở lại sân chơi của các nước lớn, ngay cả trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, được cho là bị sụp đổ sau chiến tranh lạnh và tan hoang vì khủng hoảng kinh tế và nạn tham nhũng.

Theo bài báo, tính chất chính trị của vac-xin Nga được thấy trong bản đồ phân phối vac-xin Nga. Trước tiên là trong các vùng ảnh hưởng của Kremlin, những nước Cộng hòa trong Liên Xô cũ vẫn còn gần gũi với Moskva như Belarus, Kazakhstan, rồi đến các nước bạn bè của Nga như Iran, Venezuela, Algeria hay Serbia. Vac-xin Nga đã len lỏi vào trong Liên Âu. Tại đó, nước duy nhất phá vỡ khối đoàn kết ngay từ khi Sputnik chưa được xác nhận công hiệu là Hungary của Viktor Orban.

Giờ đây, Kremlin càng có cơ hội sử dụng Sputnik V để mở rộng ra khắp thế giới. Cũng làm theo cách như Trung Quốc, Nga tìm cách gắn điều kiện có vac-xin với các hồ sơ đa phương lớn liên quan trực tiếp đến lợi ích của mình. Moskva đã cấp miễn phí vac-xin cho các vùng ly khai ở Ukraina.

Vac-xin Nga bắt đầu xuất hiện ở Châu Âu cùng lúc đang xảy ra vụ Navalny, khi mà Bruxelles đang dự tính trừng phạt Kremlin. Một nhà ngoại giao Châu Âu được trích dẫn đã nhận xét : "Trong bối cảnh các nước Châu Âu đang khẩn cấp cần có vac-xin, Paris, Berlin và Bruxelles khó có thể duy trì được lâu chính sách cứng rắn trong vụ Navalny".

Thành công của Sputnik V lại làm dấy lên chia rẽ các nước Châu Âu. Nhưng khẩn cấp lúc này là vac-xin, màu sắc chính trị không quan trọng, bài báo kết luận.

Vụ Navalny, thách thức cho Châu Âu

Liên quan đến nước Nga, những ngày qua, vụ Navalny đang khuấy động dư luận và cả chính giới Châu Âu. Đây là hồ sơ chính của nhật báo Le Monde với hàng tựa lớn trang nhất : "Kết án Alexei Navalny : Putin trấn áp đối lập và thách thức Châu Âu".

Tờ báo trở lại với thời sự, hôm thứ Ba, chính quyền Nga nhất quyết mạnh tay trấn áp với kẻ thù số 1 của chế độ Alexei Navalny bằng bản án tù giam 3 năm rưỡi, đồng thời thẳng tay đàn áp những người biểu tình ủng hộ nhà đối lập, bất chấp phản ứng của quốc tế, nhất là của Châu Âu.

Le Monde ghi nhận "trấn áp của Nga đặt Phương Tây trước thách thức". Sau khi Moskva kết án tù nhà đối lập Navalny, Hoa Kỳ và các nước Châu Âu đã nhất loạt lên tiếng đòi "trả tự do ngay lập tức" cho nhà hoạt động đối lập. Moskva phớt lờ những phản ứng coi đó là chuyện nội bộ của Nga.

Le Monde nhận thấy trong vụ việc này sẽ trở thành vấn đề lớn cho tương lai quan hệ giữa Châu Âu và Nga. Hôm nay, lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu, Joseph Borrell công du Nga. Kremlin đã cảnh báo EU đừng có "dại dột" vì một tù nhân mà làm hỏng tương lai quan hệ với Nga. Châu Âu đã có các quyết định trừng phạt những quan chức an ninh Nga liên quan đến vụ đầu độc vụ Navalny, giờ liệu có đi xa hơn nữa ? Tờ báo đặt câu hỏi.

Có lẽ là Châu Âu không mong đánh mất đi những kênh liên lạc với Nga trong lúc mà nước này đang đóng một vai trò không thể phủ nhận được trong các hồ sơ quốc tế lớn như hạt nhân Iran, Bắc Triều Tiên, xung đột Ukraine… và giờ đây là viễn cảnh Nga cung cấp vac-xin Sputnik V cho các nước Châu Âu.

Cùng chủ đề này, nhật báo Les Echos có bài "Vụ Navalny : Liên Hiệp Châu Âu tìm câu trả lời đúng trước Putin". Trích dẫn nhiều nhà quan sát bài viết cho rằng, Châu Âu không có sự lựa chọn nào khả dĩ để có thể thay đổi cách ứng xử của ông Putin, trong cũng như ngoài nước. Nga đã sống quen với các trừng phạt của phương Tây tù lâu nay rồi. "Châu Âu chỉ có thể làm tròn nghĩa vụ đạo đức cho mình bằng những những đòi hỏi tôn trọng các giá trị nhân bản, nhưng ít có cơ hội được lắng nghe", Les Echos kết luận.

Miến Điện : Aung San Suu Kyi mất hết

Về thời sự Châu Á, Le Monde tiếp tục quan tâm đến cuộc đảo chính quân sự diễn ra tại Miến Điện với bài xã luận mang tiêu đề : "Miến Điện : Ván cược bị thua của Aung San Suu Kyi"

Le Monde nhận thấy qua vụ đảo chính vừa qua, do đặt cược vào sự hợp tác có thể với quân đôi để đưa Miến Điện trên con đường phát triển kinh tế và hòa bình trong nước. Đây là hành động rất can đảm, nhưng đã thất bại. Bà Aung San Suu Kyi đã đánh giá quá cao khả năng giới quân nhân có thể chuyển biến để rồi phải trả giá bằng việc chính đối tác, tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội, quay lại chiếm quyền và bắt giam bà hôm mùng 1 tháng Hai.

Từ khi lên nắm quyền lãnh đạo tại Miến Điện, bàn Aung San Suu kyi đã cố gắng chiều theo ý của giới quân nhân, nhất là trong các vụ truy bức, tàn sát người thiểu số theo Hồi giáo Rohingya. Chính vì vụ này mà hình ảnh của Aung San Suu Kyi đã xấu đi trước cộng đồng quốc tế. Nhưng cũng vì sự im lặng né tránh trách nhiệm của Miến Điện trước các cáo buộc diệt chủng người Rohingya mà bà giữ được uy tín ở trong nước để đảng của bà thắng cử đến 82% ghế ở Quốc Hội. Trớ trêu là chiến thắng này của bà Aung San Suu Ky là quá mức đối với giới quân nhân Miến Điện và điều gì phải đến đã đến. Bà Aung San Suu Kyi đã thua ván đặt cược, đồng thời mất luôn cả hào quang của một nhà bảo vệ nhân quyền, từng được trao giải Nobel Hòa bình.

Pháp chuyển hướng gia công vac-xin vì mục tiêu tiêm chủng đến mọi người

Trở lại với thời sự của nước Pháp, vấn đề vac-xin và tiêm chủng vẫn là chủ đề chính được khai thác, xung quanh tuyên bố đầy quyết tâm của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trên truyền hình rằng đến hết hè năm nay, Pháp sẽ hoàn thành tiêm chủng cho toàn bộ dân Pháp. Khởi đầu chiến dịch tiêm chủng chậm chạp bị dư luận chỉ trích, chính phủ Pháp đã tăng tốc, đến nay đã đạt được con số gần 2 triệu người được tiêm chủng trong vòng một tháng rưỡi. Nhưng tiêm chủng cho toàn bộ 70 triệu dân Pháp đến cuối mùa hè quả là một mục tiêu gây nhiều hoài nghi.

Nhật báo công giáo La Croix đặt câu hỏi lớn trên trang nhất : "Làm thế nào tiêm chủng cho tất cả người dân Pháp ?". Mục tiêu này là một thách thức cho chính phủ Pháp, nhưng không phải là không thể, theo La Croix. Để bảo đảm được lịch trình đề ra, rất sít sao này, trong khi mà việc sản suất và giao hàng đang gặp nhiều trục trặc, chính phủ Pháp phải thay đổi chiến lược bằng cách huy động các cơ sở trong nước tham gia sản xuất vac-xin do các hãng dược nước ngoài bào chế. Song song đó, nhiều hãng công nghệ sinh học của Pháp vẫn tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chế vac-xin của riêng mình cũng như nghiên cứu các loại thuốc điều trị Covid-19.

Trong bài xã luận La Croix, có một quan sát khá thú vị : Pháp là nước duy nhất trong các thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không chế được vac-xin. Thật là xấu hổ, nhưng có quá muộn không ? Theo La Croix, không có gì là muộn, Pháp hoàn toàn có thể làm tốt hơn nữa, nhưng hãy biết tự đặt câu hỏi tại sao cho chính mình và tiếp đó tìm ra các giải pháp, thay vì cứ than vãn về những hào quang đã mất, La Croix bình luận.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 510 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)