Ngoại trưởng Mỹ hối thúc Trung Quốc về Tân Cương, Hong Kong
VOA, 06/02/2021
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì trong một cuộc điện đàm ngày thứ Sáu rằng Mỹ sẽ bảo vệ nhân quyền và các giá trị dân chủ ở Tân Cương, Tây Tạng và Hong Kong, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
Ông Blinken cũng hối thúc Trung Quốc lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, và ông tái khẳng định Washington sẽ làm việc với các đồng minh để buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về những nỗ lực đe dọa sự ổn định của vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm ở Eo biển Đài Loan, bộ nói trong một thông cáo.
Ông Dương nói với ông Blinken rằng Mỹ nên "sửa chữa" những sai lầm gần đây của mình và cả hai bên phải tôn trọng hệ thống chính trị và đường lối phát triển của nhau, theo một thông cáo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên dưới thời Tổng thống Donald Trump, và các quan chức Trung Quốc đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng rằng bang giao sẽ được cải thiện dưới chính quyền của Joe Biden.
Ông Dương phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến ngày thứ Ba rằng ông hi vọng quan hệ giữa hai nước có thể trở lại đường hướng có thể dự đoán được và mang tính xây dựng, nhưng ông kêu gọi Mỹ "ngừng can thiệp" vào các vấn đề thuộc chủ quyền của Trung Quốc, bao gồm Tân Cương, Hong Kong và Tây Tạng, Reuters đưa tin.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân cũng phát biểu hôm thứ Sáu rằng "lợi ích chung của hai nước quan trọng hơn những khác biệt của họ" và kêu gọi Mỹ "thỏa hiệp với Trung Quốc" để cải thiện quan hệ.
Tuy nhiên, những chỉ trích về hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc vẫn tiếp tục không suy giảm. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày thứ Năm nói rằng nước này "hết sức lo lắng" trước tin tức về chuyện xâm hại tình dục phụ nữ trong các trại giam giữ người Uighur và những người Hồi giáo khác ở Tân Cương.
Bản thân ông Biden cũng cho thấy ít dấu hiệu là ông đang nóng lòng giao tiếp với Bắc Kinh, mô tả Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh nghiêm túc nhất của chúng ta" hôm thứ Năm và nói rằng Washington sẽ tiếp tục đối đầu với điều mà ông mô tả là "cuộc tấn công nhắm vào nhân quyền, tài sản trí tuệ và sự quản trị toàn cầu" của Trung Quốc.
"Nhưng chúng ta sẵn sàng làm việc với Bắc Kinh, khi Mỹ có lợi ích làm như vậy", ông nói thêm.
*********************
Biden nói Trump không nên được báo cáo thông tin tình báo
VOA, 06/02/2021
Tổng thống Mỹ Joe Biden không cho rằng người tiền nhiệm Donald Trump nên được báo cáo thông tin tình báo vì "hành vi thất thường" của ông ta và lo ngại ông ta có thể chia sẻ những thông tin này, ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào ngày thứ Sáu.
Cựu Tổng thống Trump thường xuyên dè bỉu cộng đồng tình báo và không chịu nghe những báo cáo dài khi ông còn ở Nhà Trắng, theo Reuters.
"Tôi nghĩ là không", ông Biden nói khi được người dẫn chương trình Norah O’Donnell của CBS Evening News hỏi liệu ông Trump có nên được biết các thông tin này hay không.
Các cựu tổng thống Mỹ theo truyền thống được báo cáo tình báo ngay cả khi họ đã rời nhiệm sở.
Ông Trump thường xuyên dè bỉu cộng đồng tình báo và không chịu nghe những báo cáo dài khi ông còn ở Nhà Trắng, Reuters cho biết. Ông cũng tỏ ra hoài nghi tình báo Mỹ cho thấy Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.
Cựu tổng thống Đảng Cộng hòa đang đối mặt với phiên xét xử luận tội thứ hai của ông vào tuần sau, lần này bị buộc tội kích động một cuộc bạo loạn tại Điện Capitol bằng cách kêu gọi những ủng hộ ông "chống lại" kết quả của cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 mà ông đã thua.
Ông Biden nói quan điểm của ông rằng ông Trump không nên được báo cáo tình báo không liên quan đến các cuộc bạo loạn ở Điện Capitol.
Suốt mấy tháng sau cuộc bầu cử, ông Trump tìm mọi cách để lật ngược kết quả trước tòa và đưa ra những cáo buộc vô căn cứ về gian lận tràn lan. Ông không tham dự lễ nhậm chức của ông Biden vào ngày 20 tháng 1 cùng với các cựu tổng thống Mỹ khác, thay vào đó bay đến Florida, nơi ông lập văn phòng hậu tổng thống của mình.
************************
Biden : Trump 'thất thường' không nên được tiếp cận thông tin tình báo
BBC, 06/02/2021
Tổng thống Joe Biden nói người tiền nhiệm Donald Trump không nên được tiếp cận với các báo cáo tình báo vì "hành vi thất thường" của ông.
Mỹ có truyền thống cho phép các cựu tổng thống được thông báo tóm tắt về các vấn đề an ninh của quốc gia - như một phép lịch sự của người đương nhiệm.
Nhưng khi được CBS News hỏi liệu ông Trump có nhận được sự lịch sự tương tự hay không, Tổng thống Biden nói "Tôi nghĩ là không".
Ông trích dẫn "hành vi thất thường" của ông Trump là lý do từ chối quyền tiếp cận này.
Tổng thống từ chối suy đoán về nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của ông nếu Trump được phép xem các báo cáo mật, nhưng ông ám chỉ rằng không thể tin tưởng cựu tổng thống trong việc đảm bảo giữ thông tin bí mật.
Ông Biden nói trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi trở thành tổng thống "Tôi không nghĩ rằng ông ấy cần thiết tiếp cận các thông tin tình báo.
"Sẽ có lợi ích gì trong việc trao cho ông ta các thông tin tình báo ? Lợi ích nào trong việc này, ngoài việc ông ta có thể tiết lộ điều gì đó ?"
Ông Trump có ác cảm với cộng đồng tình báo trong suốt 4 năm nhiệm kỳ tổng thống và đã trải qua 6 đời giám đốc tình báo quốc gia.
Ông Trump đã cật vấn về các báo cáo của các cơ quan Mỹ rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 và công kích các giám đốc tình báo vì "cực kỳ thụ động và ngây thơ" trước Iran.
Vào năm 2017, ông Trump đã tiết lộ thông tin tuyệt mật cho Ngoại trưởng Nga về một hoạt động của Nhà nước Hồi giáo - động thái bị nhiều người trong cộng đồng tình báo Mỹ coi là vi phạm lòng tin.
Trong cuộc phỏng vấn với CBS, Tổng thống Biden đã được hỏi về phiên tòa luận tội ông Trump đang phải đối mặt tại Thượng viện Hoa Kỳ vì vai trò của ông trong cuộc bạo động tại Điện Capitol vào ngày 6/1.
Ông Biden nói rằng ông đã "quyết liệt để đánh bại" ông Trump trong cuộc bầu cử "vì tôi nghĩ ông ấy không đủ khả năng để trở thành tổng thống", nhưng ông sẽ để Thượng viện quyết định xem liệu ông Trump có nên bị cấm ra tranh cử nữa hay không.
*******************
Ngũ Giác Đài điều động binh sĩ hỗ trợ tiêm chủng vaccine Covid
VOA, 06/02/2021
Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 5/2 loan báo Ngũ Giác Đài đã chấp thuận điều động 1.100 binh sĩ hiện dịch hỗ trợ công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Mỹ, số này chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Tòa nhà Ngũ Giác Đài tại Arlington, Virginia (ảnh chụp ngày 9/10/2020)
Đại dịch Covid đã giết hơn 447.000 người Mỹ và làm hàng triệu người thất nghiệp.
Ông Andy Slavitt, cố vấn cao cấp của nhóm đáp ứng Covid-19 Tòa Bạch Ốc, cho hay một phần binh sĩ sẽ bắt đầu đến California trong vòng 10 ngày tới.
Ngũ Giác Đài cho biết 1.100 binh sĩ sẽ được chia làm 5 toán, mỗi toán sẽ có nhiều người tiêm chủng, y tá và nhân viên y tế.
Đây là toán nhân viên quân sự đầu tiên hỗ trợ việc tiêm chủng trên cả nước.
Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Ron Klain tuần trước cho biết Cơ quan Quản trị Khẩn cấp Liên bang làm việc với Ngũ Giác Đài nhằm sử dụng 10.000 binh sĩ và mở 100 trung tâm trên toàn quốc để tăng cường khả năng tiêm chủng.
Sử dụng quân đội chống virus corona không phải là chuyện mới. Tại cao điểm dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, có hơn 47.000 vệ binh quốc gia yểm trợ các chiến dịch chống Covid-19 và khoảng 20.000 người tiếp tục giúp.
Công binh Lục quân Hoa Kỳ đã xây dựng hàng ngàn phòng bệnh trên toàn quốc để yểm trợ cho các bệnh viện quá tải vì virus corona lây lan.
(theo Reuters)
*******************
Căng thẳng gia tăng về chuyện mở cửa lại trường học giữa dịch
VOA, 06/02/2021
Trong khi nước Mỹ đang chứng kiến những dấu hiệu tiến bộ trong nỗ lực khống chế đại dịch virus corona, vấn đề mở cửa lại các trường học công lập đang trở thành một điểm nóng gây tranh cãi giữa các nhà lãnh đạo chính trị và các công đoàn giáo viên trên khắp cả nước, ảnh hưởng tới hàng triệu học sinh từ cấp mẫu giáo cho tới lớp 12.
Học sinh ăn trưa tại Trường Tiểu học Dawes ở thành phố Chicago, ngày 11 tháng 1, 2021.
Căng thẳng bùng lên hôm 3/2 khi thành phố San Francisco đệ đơn kiện học khu để tìm cách buộc các trường học mở cửa trở lại giữa đại dịch sau nhiều thánh giằng co và thương thuyết với hội đồng giáo dục và công đoàn giáo viên địa phương.
Đây là vụ kiện đầu tiên thuộc loại này ở bang California và có lẽ là đầu tiên ở Mỹ, trong khi hệ thống trường học chịu áp lực ngày càng lớn từ cha mẹ học sinh và các chính trị gia để chấm dứt việc học trên mạng, theo AP. Các công đoàn giáo viên ở nhiều học khu lớn, bao gồm cả San Francisco, nói rằng họ sẽ không quay lại lớp học cho đến khi được tiêm ngừa.
Chưởng lý thành phố San Francisco, Dennis Herrera, được sự ủng hộ từ Thị trưởng London Breed, cho biết ông kiện Học khu Hợp nhất San Francisco và Hội đồng Giáo dục như một biện pháp cuối cùng nhằm cứu vãn những gì còn lại của năm học. Họ nói rằng việc mở lại các trường học là an toàn và việc tiếp tục đóng cửa các trường học này đang gây tổn hại cho phúc lợi của trẻ em.
Giới chức quản trị học khu thì nói rằng họ đang ráo riết nỗ lực để đưa học sinh quay trở lại trường học nhưng không thể định ra một thời biểu cố định cho việc này vì tỉ lệ lây nhiễm virus biến động thất thường và thiếu vaccine cung cấp cho giáo viên, AP đưa tin.
Trong mộtnghiên cứu gần đây, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy virus lây lan tại các trường học khi các biện pháp phòng ngừa được áp dụng, chẳng hạn như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và lắp đặt hệ thống thông gió thích hợp.
Thị trưởng Breed dẫn ra số liệu cho thấy học sinh người da đen, gốc Mỹ Latin, gốc Á và học sinh có thu nhập thấp đã bị hổng kiến thức đáng kể trong suốt quá trình học từ xa, so với học sinh người da trắng và giàu có hơn.
"Con em của chúng ta đang gánh chịu tổn hại và những sự bất quân bình vốn tồn tại từ trước đại dịch bây giờ ngày càng trở nên trầm trọng hơn", bà nói.
Trong khi đó tại bang Illinois, Thị trưởng Thành phố Chicago, Lori Lightfoot, yêu cầu giáo viên quay trở lại dạy học sau nhiều tháng trì hoãn mở cửa các trường học. Học khu Chicago, học khu đông học sinh thứ ba cả nước, đã cho phép học sinh từ cấp tiền mẫu giáo cho tới lớp 8 từ từ quay trở lại trường học nhưng không có kế hoạch cụ thể cho cấp cao trung học.
Bà Lightfoot khẳng định trẻ em và giáo viên có thể trở lại trường học một cách an toàn sau khi Học khu Chicago chi khoảng 100 triệu đôla cho kế hoạch giữ an toàn, bao gồm mua máy lọc không khí, khử trùng trường học và cho giáo viên xét nghiệm Covid-19. Bà nói rằng việc học từ xa không hữu hiệu đối với tất cả học sinh, đặc biệt là nhiều học sinh người da đen và gốc Mỹ Latin chiếm phần đông trong học khu.
Nhưng công đoàn giáo viên nói tình trạng lây nhiễm vẫn tiếp diễn và lựa chọn an toàn nhất là học trực tuyến. Họ cũng nói rằng ít học sinh muốn quay trở lại. Chưa tới 20% học sinh cấp tiền mẫu giáo và học sinh giáo dục đặc biệt hội đủ điều kiện trở lại lớp học vào tháng trước, tức là khoảng 3.200 trong tổng số 17.000 học sinh, đã đến lớp.
Ông Sam Hồ, người có con đang học lớp 11 trong học khu thành phố San Jose, bang California, cho biết con ông đã học trực tuyến từ tháng 3 năm ngoái đến nay và may mắn là không gặp trở ngại nào ảnh hưởng đến thành tích học tập. Ông cũng nói ông không thấy con than phiền về sự bất tiện nào từ việc không học trực tiếp tại trường.
Dù muốn con quay trở lại trường "càng sớm càng tốt", ông nói tình hình lây nhiễm Covid-19 là điều ông cân nhắc đầu tiên khi quyết định có nên cho con quay trở lại trường hay không. Và ông thông cảm với những đòi hỏi của giáo viên rằng họ phải được bảo vệ an toàn khi quay trở lại giảng dạy trực tiếp.
"Nếu mà tôi là thầy cô thì tôi cũng nghĩ là mình phải bảo vệ cho sức khỏe của mình và học sinh của mình cũng như gia đình của mình. Tại vì lây lan nó có thể chẳng những là giữa mình và những người xung quanh mà những người xung quanh có thể đem tới cho mình rồi đem về nhà cho gia đình", ông nói.
"Tôi có khuynh hướng đồng ý với các thầy cô hơn".
Giữa căng thẳng gia tăng về chuyện cho học sinh và giáo viên quay trở lại trường học, Giám đốc CDC, bác sĩ Rochelle Walensky, ngày 5/2 cho biết cơ quan này sẽ công bố chỉ dẫn về việc mở cửa lại trường học vào tuần sau.
"Trong số những điều chúng ta cần làm để đảm bảo các trường học được an toàn là đảm bảo rằng sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng giảm xuống", bà Walensky nói trong một cuộc họp tại Nhà Trắng.
Tổng thống Joe Biden cam kết nỗ lực để mở cửa lại hầu hết các trường học từ cấp mẫu giáo cho tới lớp 12 trong vòng 100 ngày đầu tiên tại chức, nhưng ông nhấn mạnh rằng ông sẽ dựa vào các chuyên gia y tế để ban hành hướng dẫn quốc gia hầu mở cửa trở lại một cách an toàn.
Tổng thống đã kí một số sắc lệnh hành pháp giúp hỗ trợ mở lại các trường học và thiết lập một chiến lược quốc gia kiểm soát đại dịch. Ông Biden đang thúc đẩy Quốc hội phê chuẩn thêm 170 tỉ đô la cho các trường từ mẫu giáo tới lớp 12 và đại học để giúp họ giảng dạy trực tiếp một cách an toàn hoặc tạo điều kiện cho việc học từ xa, như một phần trong gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 ngàn tỉ đô la của ông.