Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/02/2021

Điểm báo Pháp - Xử cựu Tổng thống Trump tội "kích động nổi dậy"

RFI tiếng Việt

Xử cựu Tổng thống Trump tội "kích động nổi dậy" : Phiên tòa cần thiết, dù "không đúng lúc"

Cuộc luận tội nhằm phế truất cựu tổng thống Trump tại Thượng Viện Mỹ, Miến Điện sôi sục phản kháng sau cuộc đảo chính là các chủ đề thời sự hàng đầu của các báo Pháp hôm nay 09/02/2021.

impeach1

Đoàn đại diện của Hạ Viện Hoa Kỳ chuyển cáo trạng luận tội phế truất cựu tổng thống Donald Trump sang Thượng Viện, Washington, ngày 25/01/2021.  Reuters – Alexander Drago

Ngày 09/02/2021, Thượng Viện Hoa Kỳ mở phiên tòa "lịch sử", xét xử cựu tổng thống Donald Trump, với cáo buộc "kích động nổi dậy", liên quan đến vụ người biểu tình ủng hộ ông Trump tấn công nhà Quốc hội Mỹ hôm 06/01. Đây là lần thứ hai, ông Trump bị Quốc hội Hoa Kỳ luận tội (impeachment). Le Monde có bài nhận định : "Phế truất Donald Trump : một phiên tòa không gây nguy hiểm cho Trump".

Dự kiến sẽ có hơn 50 thượng nghị sĩ bỏ phiếu kết tội (tức quá bán), nhưng phiên tòa chắc chắn sẽ kết thúc với việc ông Trump được "trắng án". Bởi lẽ, Thượng Viện không hội đủ 67 phiếu trên 100 phiếu, cần thiết để phế truất (khi đa số thượng nghị sĩ Cộng hòa đã tuyên bố phản đối tính hợp hiến phiên tòa). Chỉ có 5 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ phiên tòa. Hàng loạt chính trị gia Cộng hòa tố cáo phiên tòa "lãng phí thời gian", "một trò hề" hay "một nguy cơ cho đoàn kết quốc gia". Bản thân chính quyền Joe Biden cũng không muốn việc tổ chức phiên tòa này ảnh hưởng đến tiến trình lập chính phủ mới đang diễn ra.

Nước Mỹ có thể "lạc hướng" ra khỏi các vấn đề cấp thiết và "thêm chia rẽ"

Xã luận La Croix có bài "Ưu tiên là ở chỗ khác", nhấn mạnh đến bất lợi lớn của phiên tòa này là "hướng sự chú ý và năng lượng của nước Mỹ ra khỏi những vấn đề cấp thiết hiện tại", đặc biệt là đại dịch Covid-19, cùng "những hậu quả kinh tế, xã hội". Và "về mặt tinh thần, nước Mỹ đang trong cơn khốn khổ, cần đến sự lắng dịu và hòa giải. Ông Joe Biden đã xác định nhiệm vụ ưu tiên là khôi phục sự đoàn kết dân tộc". Nhật báo công giáo nhấn mạnh là : "một số thành công trên con đường này, cho dù giới hạn, sẽ có ích cho việc sang trang thời kỳ Trump, hơn là một phiên tòa".

Về mặt pháp lý, phiên tòa xét xử cựu tổng thống Donald Trump cũng đặt ra nhiều vấn đề, mà nhật báo Libération tìm cách tóm lược qua bài "Vụ luận tội phế truất thứ hai và nhiều câu hỏi". Một luận điểm chính mà phe phản bác nêu bật là không thể phế truất một tổng thống, sau khi đương sự đã từ nhiệm. Ngược lại, các luật gia ủng hộ khẳng định Hiến pháp Hoa Kỳ để ngỏ cho hình thức trừng phạt này, và trong lịch sử nước Mỹ, đã có một án lệ. Đó là trường hợp một cựu bộ trưởng bị "cách chức" năm 1876, vì tội tham nhũng, cho dù đã rời khỏi chức vụ. Tuy nhiên, Libération kết thúc bài viết bằng cảnh báo của giáo sư luật Đại học Harvard, bà Jeannie Suk Gersen, về một phiên tòa không những vô ích, mà có thể rất nguy hiểm, khi phán quyết trắng án cuối cùng sẽ chỉ khiến bên lên án ông Trump cảm thấy "thất vọng", và một nửa nước Mỹ còn lại "nổi giận".

"Cần thiết" bởi không thể để một tổng thống đứng trên luật pháp

Tại sao phe Dân chủ kiên quyết tổ chức việc xét xử tổng thống mãn nhiệm tại Thượng Viện, với đầy những bất lợi và nguy cơ như vậy ?

Nhà báo Gilles Biassette, chuyên về chính trị Hoa Kỳ, có bài nhận định trên La Croix "Một phiên tòa cần thiết dù không đúng lúc". La Croix nhấn mạnh quan điểm rõ ràng của đa số Dân chủ tại Hạ Viện và 10 dân biểu Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ việc luận tội phế truất, cho dù biết rằng họ có thể không đạt được kết quả mong muốn. Bởi không khởi sự thủ tục luận tội phế truất, sau vụ bạo động tại Điện Capitol ngày 06/01/2021 đồng nghĩa với việc thừa nhận thái độ của tổng thống mãn nhiệm Donald Trump là phù hợp với Hiến pháp. Phe Dân chủ nhấn mạnh là việc trừng phạt là cần thiết, để cảnh báo các tổng thống tương lai, về ý định lợi dụng giai đoạn sắp hết nhiệm kỳ để các hành động phạm tội.

Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosy khẳng định, hành động này cho thấy "không ai có thể đứng trên luật pháp, kể cả tổng thống Hoa Kỳ". Dân biểu đầy thế lực của đảng Cộng hòa, Liz Cheney, trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền thông bảo thủ Fox News, hôm 07/02, nhấn mạnh : "Mọi người muốn biết tổng thống Trump đã thực sự làm gì vào ngày 06/01. Họ muốn biết liệu thông điệp Twitter của ông Trump gọi phó tổng thống Pence là kẻ hèn nhát, trong lúc cuộc tấn công (Điện Capitol) đang diễn ra, có phải là có tính toán, với mục tiêu kích động bạo lực".

Phiên tòa xử gây lúng túng cho đảng Cộng hòa

Theo La Croix, một tháng sau vụ tấn công nhà Quốc hội, khiến 4 người gây bạo động và một cảnh sát thiệt mạng, FBI đã truy tố gần 180 người, trong đó có một số người bị cáo buộc tội âm mưu lật đổ chính quyền. Hiện cảnh sát còn đang truy lùng gần 300 người khác. FBI cũng tìm kiếm thủ phạm vụ đặt bom tự chế trước trụ sở hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Washington, ngày 05/01.

Vẫn nhà báo Gilles Biassette nhấn mạnh là, đối với phe Cộng hòa, những ngày tới sẽ không hề đơn giản. Phe Cộng hòa sẽ phải tìm cách tỏ thái độ trước những "lời lẽ dối trá" của ông Trump về cuộc bầu cử bị "đánh cắp". Không thể không lên án, nhưng lên án làm sao để không khiến cử tri ủng hộ Trump nổi giận. Nhà báo La Croix dự đoán, với nhiều bất lợi cho cả đôi bên, hai phe Dân chủ và Cộng hòa, ắt hẳn sẽ tìm cách kết thúc càng nhanh càng tốt phiên tòa lịch sử này, có thể là trong vòng hơn một tuần nữa.

Cũng La Croix dành trang nhất cho ông Donald Trump, là "bị cáo" vẫn duy trì nhiều ảnh hưởng trong xã hội Mỹ. La Croix có bài viết đáng chú ý mô tả những mâu thuẫn, giằng xé, hy vọng trong nội bộ đảng Cộng hòa Mỹ, một mặt tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng bao trùm của chính trị gia này, nhưng mặt khác lo sợ bị trả thù. Một trong những hành xử tiêu biểu là lãnh đạo thiểu số Cộng hòa tại Hạ Viện, Kevin McCarthy. Hai tuần sau khi tuyên bố tổng thống Trump phải chịu phần trách nhiệm về vụ tấn công điện Capitol, chính trị gia này đã đến thăm Donald Trump tại Mar-a-Lago, nhằm tìm kiếm sự thống nhất trong nội bộ đảng.

Trung Quốc sợ một nước Miến Điện "dân chủ hóa" ?

Cuộc đảo chính tại Miến Điện tiếp tục là chủ đề thời sự quốc tế hàng đầu. Le Monde dành hai bài viết cho chủ đề này. Cùng với bài về "Phong trào bất tuân dân sự mở rộng" tại Miến Điện, Le Monde có bài phân tích về "Trò chơi hai mặt của Trung Quốc". Nhật báo Trung Quốc Global Times, kênh phát ngôn của Đảng cộng sản Trung Quốc bằng Anh ngữ, đã mô tả cú đảo chính chỉ như là "một thay đổi nhân sự quan trọng trong chính phủ". Chính quyền Trung Quốc chỉ coi đây là các bất đồng nội bộ, mà Miến Điện cần giải quyết để duy trì "ổn định xã hội và chính trị".

Trên thực tế, Bắc Kinh ắt hẳn hiểu rõ rằng tại Miến Điện đang diễn ra một biến động lớn, mà chưa biết tương lai sẽ đi về đâu. Le Monde đặt câu hỏi cú đảo chính hiện nay có lợi cho ai ? Trung Quốc có thể thu được nhiều lợi ích, nhờ sự trở lại của quân đội ? Trên thực tế, chính sách của Bắc Kinh là siết chặt quan hệ với thế lực nắm quyền chính ở Miến Điện, bất kể là ai, nhưng cùng lúc duy trì quan hệ với các thế lực khác. Có điều, một đất nước Miến Điện dân chủ hóa có thể là mối đe dọa với Trung Quốc.

Cựu giáo sư chính trị học đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), ông Ngô Cường (Wu Qiang), trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài Radio Free Asia, từ Trung Quốc, nhận định : "Nếu Miến Điện tiếp tục trên con đường dân chủ hóa dưới ảnh hưởng của Aung San Suu Kyi, chính sách đối ngoại của Miến Điện sẽ đi theo hướng siết chặt quan hệ với Hoa Kỳ (thúc đẩy dân chủ hóa tại Miến Điện là chính sách nước Mỹ thúc đẩy từ thời Obama). Hiện tại, Miến Điện và Trung Quốc không có xung đột nào trong lĩnh vực kinh tế. Ngược lại, một đất nước Miến Điện dân chủ hơn có thể sẽ tạo một xung đột về ý thức hệ với Trung Quốc". Theo nhà chính trị học Trung Quốc, xét theo nghĩa này, cuộc đảo chính có thể có lợi cho Bắc Kinh.

Về Miến Điện, Les Echos có bài mô tả giới quân sự đối mặt với phong trào phảng kháng chưa từng có, trong lúc La Croix chú ý đến việc giới quân sự chuẩn bị đàn áp. Phong trào bất tuân sự mở rộng với kêu gọi tổng đình công hôm qua, 08/02, cũng hôm qua, giới quân sự đưa ra "cảnh cáo đầu tiên", đe dọa trừng phạt các hành động trái pháp luật. Tại thành phố Mandalay (lớn thứ hai tại Miến Điện), nhiều khu phố bị giới nghiêm. Từ Luân Đôn, một nhà hoạt động sống lưu vong từ nhiều năm nay, dự báo giới quân sự rất lo sợ một cuộc tổng bãi công khiến toàn quốc tê liệt, nhưng chắc chắn chính quyền sẽ "đàn áp đẫm máu, nếu các cuộc biểu tình đe dọa sự tồn tại của chế độ".

"Sóng thần" trên Himalaya : Thêm một dấu hiệu Trái đất bị hâm nóng

Cách không xa Miến Điện, nơi phản kháng chính trị đang sôi sục những ngày gần đây, La Croix cũng chú ý đến tại Ấn Độ, một "trận sóng thần" – do băng hà sụp đổ và và tan chảy – xảy ra trên vùng núi cao tại bang Uttarakhand, khiến ít nhất 18 người chết và khoảng 170 người mất tích. Về nguyên nhân cụ thể khiến phần băng hà nói trên sụp đổ ngay giữa mùa đông, hiện chưa có lời giải thích chính xác. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây các chuyên gia cảnh báo về tình trạng khí hậu hâm nóng khiến băng hà tan chảy gây thảm họa. Theo chuyên gia Samrat Sengupta, phụ trách biến đổi khí hậu, Trung tâm khoa học và môi trường ở New Delhi, nền kinh tế miền bắc Ấn Độ phụ thuộc vào những con sông, có nước bắt nguồn từ các băng hà, thảm họa nói trên "mang ý nghĩa toàn cầu hơn là một sự cố đơn lẻ mang tính địa phương". Băng hà tan chảy gây lũ lụt kinh hoàng, nhưng cũng là nguyên nhân khiến nguồn nước ngọt sụt giảm mạnh. Trung Quốc, Ấn Độ và Nepal cũng có khoảng hơn 3.200 hồ băng trên cao, và 47 hồ băng có nguy cơ tan vỡ bất cứ lúc nào. Hồ băng tan vỡ (Glof trong tiếng Anh) cũng có thể gây tác hại tương tự với vụ một phần sông băng sụp đổ tại miền bắc Ấn Độ hôm 07/02.

Liên Âu : Bài học chính trị với nước Nga

Vẫn về thời sự quốc tế, chuyến công du Nga thất bại của lãnh đạo ngoại giao Liên Âu cũng được báo chí Pháp bình luận nhiều. Le Monde có bài xã luận "Bài học cho Châu Âu tại Moskva", ghi nhận là phản ứng của nước Nga trong chuyến công du "thất bại thê thảm" của ông Joseph Borrell cho thấy Moskva hoàn toàn không có ý định đối thoại với Liên Âu. Trong cuộc họp báo với lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, ngoại trưởng Nga Sergueil Lavrov thậm chí còn lái được ông Borell sang chỉ trích các trừng phạt của Mỹ với Cuba, và đây là "một chiếc bẫy". Không những thế, kết thúc cuộc họp báo, qua mạng xã hội, ông Borelle mới biết ba nhà ngoại giao Liên Âu bị trục xuất cùng ngày. Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu yêu cầu ngoại trưởng Nga xét lại quyết định nhưng bị từ chối. Một thái độ rõ ràng là không những mang tính sỉ nhục, mà còn là một thách thức, đối với lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, từ phía chính quyền Nga. Theo Le Monde, rõ ràng sau một thách thức như vậy, Liên Âu phải hành độngmột cách "đoàn kết và cương quyết". Đây chính là những nhược điểm cho đến nay của Liên Âu trong thái độ với Nga.

Vẫn về quan hệ Nga – Liên Âu, Le Figaro cho biết ba quốc gia Châu Âu có nhà ngoại giao bị trục xuất, ngay lập tức đã có hành động trả đũa tối thiểu, là trục xuất ba nhà ngoại giao Nga. Trên Le Monde, thủ tướng Slovakia khẳng định Liên Âu cần khẳng định thái độ cương quyết với Nga, bằng cách ngừng dự án ống dẫn khí đốt North Stream 2.

Trang nhất các báo

Hầu hết trang nhất các báo Pháp hôm nay đều có chủ đề về đại dịch Covid. Le Monde dành hồ sơ chính cho chủ đề Thế hệ trẻ mới rời trường phổ thông sống ra sao trong thời gian khủng hoảng này. Về phần mình, Le Figaro dành hồ sơ chính cho việc chỉ trích việc chính phủ Pháp thiếu chuẩn bị trong việc tăng số giường điều trị hồi sức để đối phó với đại dịch Covid. Với khủng hoảng y tế và kinh tế do đại dịch, vấn đề "thu nhập tối thiểu toàn dân" được hầu hết các đảng phái chính trị Pháp nêu lên, kể cả cánh hữu, là hồ sơ lớn của nhật báo thiên tả Libération.

Nhật báo kinh tế Les Echos dành chủ đề chính cho "Công nghệ Pháp / FrenchTech, những nhà vô địch mới", nhân dịp công bố công bố danh sách Next 40 - French Tech 120, chỉ số về 33 doanh nghiệp khởi nghiệp hứa hẹn nhất của nước Pháp. Bất chấp khủng hoảng, doanh thu của nhóm này tăng 55% trong năm qua, với tổng số gần 9 tỉ đô la, cùng với 10.000 chỗ làm mới.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 546 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)