Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

10/02/2021

Điểm báo Pháp - Đông Âu lạnh nhạt với Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Đông Âu bắt đầu lạnh nhạt với Trung Quốc

Tổng thống và thủ tướng một số nước như Litva, Estonia không tham dự cuộc họp thượng đỉnh "17+1" giữa Trung Quốc và 17 nước Đông Âu, Nam Âu hôm qua, chỉ để cho các bộ trưởng đối thoại với Tập Cận Bình. Họ đã "mệt mỏi về những lời hứa".

dongau1

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và đồng nhiệm Bulgari Boyko Borissov trong cuộc họp thượng đỉnh 16+1 tại Sofia, ngày 07/07/2018.  AP - Valentina Petrova

Khí hậu, hiệu quả của vac-xin AstraZeneca, song đấu Macron-Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp kỳ tới, thị trường tranh giả là những chủ đề trên trang nhất báo Pháp hôm nay.

Liên quan đến Trung Quốc, nhật báo kinh tế Les Echos phân tích"Chiến lược khó khăn của Bắc Kinh để quyến rũ Đông Âu". Cuộc họp thượng đỉnh "17+1" giữa Trung Quốc và 17 nước Đông Âu, Nam Âu diễn ra hôm qua không che giấu được sự hụt hơi của công thức được tung ra từ năm 2012.

Đông Âu cần sự bảo vệ của Mỹ, chưa thấy lợi lộc gì với Trung Quốc  

Ban đầu là "16+1", đến năm 2019 mở rộng thêm với Hy Lạp, công thức này kết nối Trung Quốc với Đông Âu trong đó có cả các nước vùng Balkan, không phải là thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU). Đưa ra những hứa hẹn hấp dẫn về đầu tư và thương mại, nhưng ngôi sao Bắc Kinh đang mờ nhạt dần. Bằng chứng là cho đến ngày cuối, cuộc họp qua mạng này vẫn chưa được xác nhận. Trong cuộc họp báo thường ngày hôm thứ Hai 08/02, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn không nhắc đến.

Lời mời chỉ được đưa ra vào phút chót, như là một cách nhắc nhở trước khi tân chính quyền Mỹ quay trở lại với Châu Âu. Tuy nhiên 17 nước lần này không mấy nhiệt tình. Litva và Estonia quyết định không để tổng thống hay thủ tướng tham gia, mà chỉ là những bộ trưởng ra đối thoại với ông Tập Cận Bình. Slovakia và Romania có lẽ tương tự. Nỗ lực thuyết phục của Bắc Kinh trong mấy ngày gần đây tỏ ra không kết quả.

Theo Les Echos, có hai lý do, trước hết về địa chính trị. Trong một khu vực mà Nga tiếp tục là mối đe dọa thực sự, thì mặc nhiên Mỹ mới là đồng minh cần thiết. Cuối tháng 12, khi Bruxelles dưới áp lực của Đức muốn nhanh chóng ký hiệp ước đầu tư với Trung Quốc, Ba Lan đã kêu gọi đừng vội vã, nên tham khảo Washington trước khi xích về phía Bắc Kinh.

Lý do thứ hai : theo chuyên gia Theresa Fallon, thuộc Centre for Russia Europe and Asia Studies (CREAS), đã có tâm trạng "mệt mỏi về những lời hứa". Bắc Kinh khoe ra những lợi lộc tương lai của "Con đường tơ lụa mới", nhưng cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Trung Quốc. Trừ Serbia và Hungary, hai nước Châu Âu hiếm hoi cho phép dùng vac-xin Covid Trung Quốc, đầu tư của Bắc Kinh vẫn không đáng kể và có xu hướng đi xuống kể từ 2016. Bà Fallon phân tích, các nước Đông Âu tìm kiếm các đầu tư mang tính căn cơ, trong khi Bắc Kinh chỉ muốn thâu tóm được công nghệ.

Tuyến đường sắt Á-Âu

Libération nói về tuyến đường sắt liên lục địa China-Europe Railway Express, nhanh gấp đôi hàng hải và rẻ bằng phân nửa đường hàng không, là một trong những chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh giữa Bắc Kinh và 17 nước Châu Âu. Nhà nghiên cứu Ivana Karaskova nhận định, do rất khó thâm nhập vào những nhóm nước đã định hình từ lâu, Bắc Kinh lập ra nhóm riêng của mình và cố thủ lợi càng nhiều càng tốt. Một mạng lưới vận chuyển nối với Đông Âu song song với tàu biển, giúp Trung Quốc nhanh chóng vào được các thị trường được nhắm đến, tiêu thụ hàng hóa sản xuất thừa, và còn có thể là đầu cầu vào Tây Âu.

Từ mười năm qua, đường vận chuyển này đã bùng nổ. Mười lăm nước Châu Âu kể cả Pháp nhận được những chuyến hàng Trung Quốc đến từ Tây An hoặc Trùng Khánh, chỉ mất từ 15 đến 20 ngày. Tại cửa khẩu chính Terespol, thành phố Ba Lan nằm sát biên giới Belarus, từ 17 đoàn tàu Trung Quốc trong cả năm 2011 đã tăng lên 379 đoàn chỉ riêng trong tháng 4/2020. Đại dịch không làm chậm lại nhịp độ : khi các phi cơ phải nằm chết dí trên mặt đất và giao dịch hàng hải phức tạp, những đoàn xe lửa tiếp tục chạy, đôi khi mang theo cả thiết bị y tế.

Đối với Trung Quốc, liên lạc bằng đường sắt là một phần quan trọng của Con đường tơ lụa mới, cho dù chỉ mới chiếm 3% và khái niệm này vẫn còn khá mơ hồ. Nhưng tuy vận chuyển bằng tàu lửa gia tăng nhanh chóng, chủ tịch Tập Cận Bình không được niềm nở chào đón tại hội nghị "17+1". Những dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ cho đến nay vẫn giới hạn ở các nước vùng Baltic, không phải là thành viên EU.

Bắc Kinh vẫn đang dòm ngó nhiều dự án ở Tây Âu. Ba công ty Trung Quốc hứa đầu tư 15 tỉ euro cho một đường hầm dài 100 kilomet dưới biển Baltic, nối Phần Lan với Estonia. Với hiện tượng băng tan, đường hàng hải Đông-Bắc dọc theo Siberia có thể không sử dụng được, đường hầm này sẽ giúp đưa hàng Trung Quốc đến trung tâm Châu Âu. Nhưng chính phủ Estonia chống đối ý tưởng dự án được Trung Quốc tài trợ, còn Phần Lan đòi phải có 51% vốn đầu tư trong nước. EU làm mọi cách để tránh sự tham gia của các công ty Trung Quốc, dù tư nhân hay nhà nước, trong các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược của Châu Âu.

EU không thể đối thoại được với Nga

Cũng tại Châu Âu, Le Figaro nhận định"Sự bất khả đối thoại của ngoại giao Châu Âu trước Putin". Cuộc đối đầu vừa rồi giữa người đứng đầu ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, ông Josep Borrell, với ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov, là bất cân xứng. Đại diện Châu Âu bị hạ nhục khi muốn nêu ra khả năng cải thiện quan hệ với Nga, nhưng lại bị đả kích về việc cấm vận Cuba, và Kremlin trục xuất ba nhà ngoại giao Châu Âu mà chẳng buồn báo trước cho ông.

Lavrov nói thẳng vào mặt ông Borrell đang sững sờ : EU không phải là một đối tác "đáng tin cậy". Đối với một nước chỉ quan tâm đến tương quan sức mạnh như Nga, EU chỉ là một tập hợp không có quân đội và đường hướng chiến lược chung. Các giá trị dân chủ, nhân quyền, đa văn hóa không là gì với Moskva, và ưu tiên của Nga là Bắc Kinh và Washington, chứ không phải Bruxelles, Berlin hay Paris.

Đối với những người chủ trương cần phải trao đổi với Nga, điện Kremlin cho biết không có ý định đối thoại. Trong khi đó, muốn nhảy một bản tango cần phải có hai người. Cựu đại sứ Pháp tại Washington, Gérard Araud nhận xét : "Khi gặp Lavrov, hoặc là phải từ chối họp báo chung vì biết rằng ông ta sẽ thô lỗ, hung hăng (…) hoặc phải chuẩn bị đáp trả, với những rủi ro…".

Nhưng dù sao khủng hoảng cũng giúp người ta tiến lên, đòn vừa rồi có thể là cú sốc cho Liên Hiệp Châu Âu. Josep Borrell hứa rút ra kết luận về chuyến đi vừa rồi, ông sẽ đề nghị các nhà lãnh đạo EU trừng phạt Kremlin.

Về việc trừng phạt, EU chia làm ba nhóm. Nhóm cứng rắn với Moskva là Ba Lan và các nước vùng Baltic, nhóm ôn hòa là Ý, Hy Lạp, Áo, Hung, còn Pháp và Đức đứng giữa. Khả năng trừng phạt duy nhất là về dự án ống dẫn khí Nord Stream 2, nhưng bà Angela Merkel "thà chìm trong biển Baltic còn hơn là từ bỏ" dự án này, theo Le Figaro. Còn theo La Croix, từ tháng 12/2020 EU đã có công cụ mới để trừng phạt cụ thể các cá nhân hay định chế vi phạm nhân quyền, nhưng vấn đề là phải có được sự nhất trí của cả 27 quốc gia thành viên.

WHO mơ hồ về nguồn gốc virus, Bắc Kinh luôn chối bỏ trách nhiệm

Về đại dịch Covid, Les Echos nhận xét"Cuộc điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới chẳng đưa đến một điều gì chắc chắn về nguồn gốc của con virus".Rất nhiều câu hỏi mà chẳng có mấy câu trả lời. Kết luận sau bốn tuần ở Vũ Hán, nơi xuất phát đại dịch là đáng thất vọng, nếu nghe theo tổng kết của Lương Vạn Niên (Liang Wannian), trưởng nhóm chuyên gia Trung Quốc.

Nếu giả thiết virus lây nhiễm thông qua một vật chủ là khả tín nhất, thì con vật đó là gì ? Tê tê hay loài chồn ? Ông Lương nói rằng không thể biết được. Trong khi nhận diện được loài vật làm virus lây sang người là rất quan trọng để phòng dịch, chẳng hạn tác nhân truyền bệnh trong dịch SARS năm 2003-2004 là loài cầy hương. Còn trưởng đoàn WHO, Peter Ben Embarek cho rằng giả thiết virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là không đáng để điều tra sâu hơn.

Một điểm khác được Lương Vạn Niên nhấn mạnh : Các nhà điều tra không tìm thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy virus corona hiện diện ở Vũ Hán và vùng lân cận trong những tháng trước khi đại dịch bùng nổ ở chợ thịt rừng Vũ Hán tháng 12/2019. Có nghĩa là con virus có xuất xứ từ các nước khác ? Ông Lương khẳng định nhiều lần tìm thấy dấu vết virus corona trong thực phẩm đông lạnh nhập khẩu.

Một giả thiết, theo Les Echos, hoàn toàn theo đúng đường hướng của Đảng cộng sản Trung Quốc, nhất quyết muốn chối bỏ trách nhiệm đã gây ra đại dịch.

Miến Điện : Người biểu tình không sợ hãi

Tại Đông Nam Á, tình hình Miến Điện tiếp tục được các báo Paris đề cập đến. Le Monde nhận thấy"Tập đoàn quân sự cứng giọng trước người biểu tình Miến Điện" trong khi Le Figaro ghi nhận"Đường phố vùng dậy, tỏ ra can đảm trước quân đội". Libération mô tả"Người dân Miến Điện không vũ khí và không sợ hãi".

Những thành phố lớn ở Miến Điện chưa bao giờ chứng kiến các cuộc biểu tình đông đảo như vậy, từ sau "Cuộc cách mạng màu vàng nghệ" năm 2007. Năm ấy các sư sãi trong chiếc áo cà sa xuống đường chống tập đoàn quân sự, kéo theo hàng ngàn người dân tham gia. Hai ngày sau khi cảnh cáo, quân đội bắn vào đám đông, khiến khoảng 12 đến 30 người thiệt mạng, theo các ước tính khác nhau. Trước đó năm 1988, có 3.000 người đã ngã xuống dưới lằn đạn của binh lính.

Các bài phóng sự nói về những người trẻ có mặt đông đảo trong đoàn biểu tình, họ không có kỷ niệm nào về những vụ đàn áp đẫm máu trong quá khứ, và giới trẻ thì luôn vô tư, đầy nhiệt huyết và lý tưởng. Họ hát những bài hát cách mạng của năm 1988, người dân bên đường vỗ tay cổ vũ những đoàn người biểu tình đi qua.

Swe Win, giám đốc Synergy, một tổ chức phi chính phủ đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc, trả lời Libération qua điện thoại từ một chỗ ẩn náu. Mỗi ngày ông đều phải thay đổi chỗ ngủ qua đêm để tránh bị bắt. Win nhận định những ngày sắp tới sẽ bạo lực hơn, lớp trẻ tuổi 20 rất tích cực, nhưng khả năng đấu tranh lâu dài thì chưa biết thế nào. Quân đội đang gieo rắc sợ hãi, vào theo ông, cần phải làm áp lực với Trung Quốc và Nga, hai nước bảo trợ cho giới tướng lãnh Miến Điện.

Bạo lực gia đình : Hiệu quả của vòng điện tử chống đến gần

Khí hậu, tính hiệu quả của vac-xin AstraZeneca, song đấu Macron-Le Pen trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp kỳ tới, thị trường tranh giả là những chủ đề trên trang nhất báo Pháp hôm nay.

Quay lại với Châu Âu trên lãnh vực xã hội, Libération nói về hiệu quả của vòng điện tử để bảo vệ những phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình. Chẳng hạn trường hợp Emma ở Pháp, sau bảy năm chịu đựng đã quyết định ra đi khi người chồng đánh đập trước mặt con cái. Lúc ông chồng sắp ra tù, nỗi sợ quay trở lại, nhưng Emma tìm lại được cuộc sống bình thường từ ngày 17/11/2020, với một chiếc hộp nhỏ luôn trong túi xách của cô.

Người chồng cũ bị buộc phải đeo ở cổ chân một chiếc vòng chống đến gần (BAR, tức bracelet antirapprochement) để định vị GPS, nếu không chịu đeo thì phải ngồi tù. Trong trường hợp di chuyển lại gần Emma không đầy 6 kilomet, anh ta sẽ bị một điện thoại viên nhắc nhở ; còn nếu khoảng cách chỉ còn 3 kilomet, cảnh báo sẽ được gởi đến Emma và cảnh sát đến bảo vệ cô, chận anh chồng cũ lại.

Ý tưởng này đến từ Tây Ban Nha, giờ đây cả nước Pháp có khoảng 1.000 chiếc vòng BAR, và khả năng răn đe đã thấy rõ vì cảnh sát, hiến binh chưa hề phải ra tay. Còn tại Tây Ban Nha, từ khi triển khai biện pháp này năm 2009, chưa có phụ nữ nào được trang bị phải mất mạng vì ông chồng bạo lực cả.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 503 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)