Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/05/2017

Toàn cầu hóa "cơ hội tuyệt vời" hay "mối nguy" cho nước Pháp

RFI tiếng Việt

Toàn cầu hóa một tiến trình phát triển đã được định hình trên thế giới hàng thập kỷ qua và vẫn tiếp diễn. Đó đây có những người ủng hộ nhiệt thành và cũng có cả những người chống đối kịch liệt. Vấn đề toàn cầu hóa nổi lên như một chủ đề lớn trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, nhất là từ khi ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử.

global1

Công nhân nhà máy chế tạo thiết bị gia dụng điện tử Whirlpool, Amiens, Pháp biểu tình tại Paris ngày 18/04/2017 trước nguy cơ bị mất việc vì nhà máy bị rời sang Ba Lan. REUTERS/Benoit Tessier

Hai ứng cử viên vào chung kết bầu cử tổng thống Pháp có cách nhìn khác nhau căn bản về toàn cầu hóa, tiến trình đã và đang mang lại những hệ quả tương phản cho nền kinh tế Pháp.

Ứng cử viên của đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, Marine Le Pen, tín đồ của chủ trương "bảo hộ thông minh" luôn rêu rao "toàn cầu hóa hoang dã đang gây nguy hiểm cho nền văn minh của chúng ta". Trái lại, ứng viên Emmanuel Macron của phong trào Tiến Bước ! (En Marche !), đại diện cho chủ trương tự do hóa trao đổi kinh tế và cũng là người chống quyết liệt chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thì khẳng định mở cửa làm ăn buôn bán với thế giới là "một cơ hội tuyệt vời".

Nhãn quan đối lập nhau của hai ứng viên đang chạy đua giành chiếc ghế lãnh đạo cường quốc kinh tế thứ 5 thế giới, cũng phản ánh rõ nét những hy vọng và lo ngại đang dấy lên trong xã hội Pháp ngày nay. Thậm chí, theo một thăm dò dư luận của viện Ipsos công bố hồi tháng Hai năm nay, có tới 74% người Pháp chống toàn cầu hóa.

Căn nguyên của thái độ e dè đó là từ đâu ? Là do những hệ quả khó cưỡng của một nền kinh tế tự do. Đó là hiện tượng di rời hàng loạt các cơ sở sản xuất kéo theo công ăn việc làm trong nước bị xóa sổ, một thực tế khá phổ biến ở Pháp trong những năm gần đây.

Giải thích cho vấn đề trên, ông Sébastien Jean, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Tế (Cepii) nhấn mạnh với AFP rằng : "Hiện tượng đang đặt ra một cách chính những vấn đề mặt chính trị cũng như đạo đức", bởi những người làm công ăn lương luôn có cảm giác là họ phải trả giá cho các chính sách do những ông chủ của các công ty dẫn dắt.

Nhìn vào nước Pháp, hiện tượng di dời nhà xưởng sản xuất có thực sự diễn ra ồ ạt hay không ?

Theo một nghiên cứu của Viện Thống Kê Pháp Insee giai đoạn 2009-2011, có 4,2% các công ty di rời ít nhất một phần hoạt động sản xuất và kéo theo 20 nghìn việc làm bị xóa bỏ trực tiếp trong nước.

Chuyên gia kinh tế Sébatien Jean cho rằng con số này ở tầm kinh tế vĩ mô là nhỏ nhưng với quy mô địa phương thì cũng là nhiều. Theo chuyên này, số lượng đối tượng của hiện tượng di chuyển sản xuất chủ yếu là trong lĩnh vực công nghiệp, chẳng hạn như ngành dệt, luyện kim vì đó là những nghành đang phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ của những nước có giá nhân công rẻ.

Tuy nhiên theo giáo sư El Mouhoub Mouhoub, thuộc Đại học Paris Dauphine, di rời sản xuất ra nước ngoài luôn gây sốc mạnh cho không ít người lao động, nhưng di rời sản xuất không phá hoại công ăn việc làm nhiều bằng chính các tiến bộ công nghệ và năng suất lao động tăng cao.

Theo một nghiên cứu khác thì trong vài thập kỷ qua, nước Pháp có thể đã mất gần 2 triệu công việc làm trong lĩnh vực công nghiệp. Nhưng trong đó chỉ có từ 15% đến 20% trong số đó có thể quy trách nhiệm cho việc di chuyển nhà xưởng ra nước ngoài.

Vậy thì toàn cầu hóa chưa hẳn đã mang bộ mặt đáng sợ như là một kẻ hủy diệt công ăn việc làm như ứng viên tổng thống của Mặt Trận Quốc Gia, Marine Le Pen vẫn rót vào tai cử tri trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống.

Trái lại, toàn cầu hóa còn mang lại hàng loạt ích lợi cho kinh tế Pháp. Mở cửa ra thế giới mang lại cho nước Pháp những cơ hội có được thị trường rộng mở hơn, đặc biệt trong lĩnh vực hàng xa xỉ cao cấp, hóa học, hàng không và chế biến nông phẩm…

Theo Bộ Kinh tế Pháp, hiện quốc gia này có 124 nghìn doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, trong đó có nhiều cái tên lớn trên thị trường thế giới như L’Oréal, Danone hay Safran. Dù có lúc bị thâm hụt thương mại, nhưng Pháp vẫn là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 7 thế giới.

Giáo sư Đại học Paris-Dauphine, Guillaume Daudin nhận định : Nhiều doanh nghiệp cực nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực dược phẩm, điện tử, có thể phát triển được là vì họ biết khai thác thị trường trên bình diện quốc tế.

Theo cơ quan Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (Cnuced), Pháp đứng trong tốp 10 thế giới về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nếu biết tận dụng tốt vị thế đó thì có thể kích thích tạo công ăn việc làm và tăng năng suất lao động cho nước Pháp.

Các chuyên gia kinh tế nhắc lại là hiện tại Pháp có 5 triệu việc làm phụ thuộc vào thị trương quốc tế và họ đều nhìn thấy toàn cầu hóa là một nguồn lực quan trọng cho tiến bộ công nghệ. Chuyên gia Guillaume Daudin lấy thí dụ cụ thể : "không có gia tăng thương mại quốc tế trong những thập kỷ qua thì, chúng ta (Pháp) chắc chắn sẽ vẫn còn loại máy tính xách tay Bull" (một mẫu máy tính ra đời từ đầu những năm 1980, nặng nề thô kệch). Ông nói thêm là không có toàn cầu hóa thì chắc chắn Pháp không được thịnh vượng như bây giờ.

Theo một nghiên cứu của viện Cepii, nếu Pháp đóng cửa buôn bán với với các nước có nền kinh tế đang trỗi dậy, thì mỗi gia đình Pháp sẽ mất từ 1.270 đến 3.770 EUR mỗi năm . Đó là chưa kể đến nhiều hệ lụy khác về sức mua bị sụt giảm.

Toàn cầu hóa luôn có hai mặt. Có người được hưởng lợi nhưng cũng có kẻ bị thua thiệt. Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là chính quyền phải có đủ khả năng tính trước được các cơn sốc, có các công cụ điều tiết nhằm hỗ trợ những người "bị thua thiệt" trong quá trình toàn cầu hóa.

RFI tiếng Việt 

Quay lại trang chủ
Read 708 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)