Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

23/02/2021

Điểm báo Pháp - Kế hoạch tái thúc đẩy của Biden

RFI tiếng Việt

Các nguy cơ cho nền kinh tế Mỹ từ kế hoạch tái thúc đẩy của Biden

Theo Le Figaro, điều nghịch lý là kế hoạch tái thúc đẩy của chính quyền Biden với tầm vóc khổng lồ 1.900 tỉ đô la có nguy cơ tạo ra suy thoái nặng nề. Một sự thất bại của kế hoạch Mỹ sẽ gây bất ổn không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị, đối với tất cả các nền dân chủ.

biden1

Ảnh minh họa  Reuters - Lee Jae Won

Khi tái thúc đẩy giết chết tái thúc đẩy

Tác giả Nicolas Baverez trên Le Figarolo ngại "Kế hoạch Biden : Khi tái thúc đẩy giết chết tái thúc đẩy". Sự kiện tổng thống tiền nhiệm Donald Trump được tuyên vô tội trong phiên tòa truất phế thứ hai đánh dấu sự khởi đầu thực sự của nhiệm kỳ Joe Biden, ông có thể tiến hành chương trình hòa giải trong nội bộ nước Mỹ và với thế giới. Trọng tâm là kế hoạch tái thúc đẩy khổng lồ 1.900 tỉ đô la, mà thành công hay thất bại có thể quyết định vận mệnh của chính quyền Biden.

Cộng thêm với 900 tỉ đô la được ông Donald Trump huy động tháng 12/2020, kế hoạch Biden chiếm đến 14% GDP, một mức độ chưa có tiền lệ trong thời bình. Gồm có ba nhóm biện pháp chống dịch bệnh, tài trợ cho các địa phương, và trợ cấp cho các gia đình dưới dạng một tấm séc 1.400 đô la cho mỗi người Mỹ và lương tối thiểu 15 đô la một giờ.

Về mặt kinh tế, kế hoạch nhằm giúp quay trở lại thời kỳ tốt đẹp về việc làm, khi tỉ lệ thất nghiệp 3,5% vào cuối 2019 nay đã là 6,3% theo con số chính thức nhưng trên thực tế có thể đến 10%. Về chính trị, nhằm làm giảm sự phân cực xã hội đã làm nên thành công của Donald Trump.

Tuy nhiên kế hoạch Biden đã gây ra những chỉ trích dữ dội ngay trong đảng Dân chủ, và cựu bộ trưởng tài chính thời Obama là Larry Summers công khai đả kích. Tầm vóc khổng lồ của chương trình tạo ra những rủi ro thực sự cho nền kinh tế Mỹ.

Nguy cơ tăng trưởng quá nóng, bong bóng đầu cơ, lạm phát…

Vấn đề trước nhất là từ nguồn tài trợ ngân sách cao gấp 3 đến 5 lần những thiệt hại của sản xuất do đại dịch, cộng thêm 3.000 tỉ đô la mà Quỹ Dự trữ Liên bang (FED) đã bơm vào. Nền kinh tế có thể trở nên quá nóng, nhất là khi các biện pháp y tế được dỡ bỏ. Vấn đề thứ hai : ưu tiên được dành cho sức mua và tiêu thụ của các gia đình, chứ không phải cho những đầu tư cần thiết để tái lập hệ thống sản xuất như giáo dục, cơ sở hạ tầng và chuyển đổi sinh thái. Những cải cách mang tính căn cơ bị hy sinh cho việc tranh thủ cử tri để kiếm phiếu.

Vấn đề thứ ba là tính hiệu quả của trợ cấp trực tiếp cho các gia đình, vì chỉ có 30% của tấm chi phiếu đầu tiên 1.200 đô la mà chính quyền Trump đã cấp được người Mỹ dùng để mua hàng hóa. Số còn lại được để dành, trả nợ thậm chí để đầu cơ như vụ GameStop vừa qua. Như vậy kế hoạch tái thúc đẩy có thể làm tăng thêm bất bình đẳng và tạo ra những bong bóng, như thị trường địa ốc tăng 10% và chứng khoán đạt những kỷ lục.

Cuối cùng : lạm phát có thể quay lại. Lượng tiền tại các nước phát triển tăng 75% trong năm 2020, trong khi sản xuất giảm trên 5%, giá nguyên liệu, năng lượng và nông sản tăng vọt (ngũ cốc tăng 25%, dầu thực vật tăng đến 90% trong vòng sáu tháng). Việc mở lại các nền kinh tế có thể dẫn đến hiện tượng bùng nổ, khởi đầu đồ thị lạm phát, buộc các ngân hàng trung ương nâng lãi suất với cái giá phải trả là vỡ nợ hàng loạt. Như vậy kế hoạch tái thúc đẩy với tầm vóc khổng lồ của nó có thể tạo ra suy thoái trầm trọng. Một sự thất bại của kế hoạch Mỹ sẽ gây bất ổn không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị đối với tất cả các nền dân chủ.

Pháp : Nhà nước nợ nần vì Covid, dân tiết kiệm 200 tỉ euro

Cũng về kinh tế, Le Figaro nêu lên một trong vô số nghịch lý mà đại dịch Covid đã gây ra : người Pháp đang ngồi trên đống vàng. Phải ngồi nhà một khoảng thời gian dài trong năm, không thể đi nhà hàng, đi du ngoạn, cùng với nỗi lo lắng cho tương lai, số tiền tiết kiệm của người dân Pháp đã lên đến mức kỷ lục.

Ngân hàng Pháp quốc ước tính trong hai năm 2020 và 2021, các gia đình Pháp gởi thêm 200 tỉ euro vào các ngân hàng, trong đó chỉ riêng năm 2020 số tiền tiết kiệm đã là 130 tỉ euro. Đó là nhờ Nhà nước phúc lợi đã tài trợ toàn bộ những thiệt hại do con virus từ Vũ Hán gây ra. Thu nhập của họ được duy trì một cách giả tạo : hai phần ba chi phí do Nhà nước gánh, và một phần ba do doanh nghiệp. Chỉ có một thiểu số nghèo nhất bị thiệt thòi, đa số đều "giàu" lên.

Nhưng chính phủ còn chịu đựng được tới bao giờ ? Mười hai tháng đại dịch đã khiến nợ công của Pháp tăng vọt, khó thể bảo trợ tiếp cho hàng ngàn doanh nghiệp. Chính phủ mong muốn chuyển đổi "tiền tiết kiệm Covid" thành động cơ của tái thúc đẩy, cổ vũ người dân đầu tư vào các doanh nghiệp nhất là loại vừa và nhỏ.

Miến Điện : Những chiếc áo blouse trắng bất tuân dân sự

Nhìn sang Châu Á, phóng sự của Libérationnói về "Những chiếc áo blouse trắng trên mặt trận phản kháng ở Miến Điện". Các nhân viên y tế đã tham gia đông đảo phong trào bất tuân dân sự, và hậu quả là việc chăm sóc sức khỏe giảm sút. Đây là một chọn lựa tế nhị trong lúc đất nước đang phải đối mặt với đại dịch. Các bệnh viện công trở thành những địa điểm "ma" vì không còn đội ngũ nhân viên, tất cả những cuộc giải phẫu không khẩn cấp đều bị hoãn lại.

Với 3.100 trường hợp tử vong và 141.000 ca dương tính, Miến Điện là một trong những quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nhiều nhất do Covid, trong khi khu vực này đối phó tương đối tốt. Không được chữa trị và cũng không có xét nghiệm, tình hình sẽ nhanh chóng trở nên trầm trọng hơn. Một số nhà hoạt động kêu gọi các bác sĩ quay lại làm việc, trong khi tiếp tục tranh đấu bằng cách này hoặc cách khác.

"Bước đại thụt lùi" Miến Điện

Cũng liên quan đến Miến Điện, Les Echos phân tích động cơ của các tướng lãnh làm đảo chính. Tờ báo cho rằng chủ yếu quân đội muốn duy trì quyền lợi kinh tế, và như vậy sẽ hiệu quả hơn nếu đánh vào túi tiền của họ.

Về chính trị, tác giả Dominique Moisi gọi vụ đảo chính này là "bước đại thụt lùi", một sự lặp lại sự kiện 1988 ba mươi ba năm sau đó. Bà Aung San Suu Kyi không còn vầng hào quang thời nhận giải Nobel hòa bình, và cộng đồng quốc tế đang bận rộn đối phó với đại dịch, tin tức về Miến Điện ít khi được đặt lên đầu chương trình thời sự.

Các tướng lãnh không chỉ trông cậy vào sự thờ ơ của thế giới, mà họ còn có sự hỗ trợ của Trung Quốc để ngăn cản mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Từ Hồng Kông cho đến Miến Điện, Bắc Kinh chứng tỏ đang đánh phá mạnh mẽ mô hình dân chủ. Phải chăng cộng đồng quốc tế chỉ có thể im lặng trước các quân nhân đang được Trung Quốc đỡ đầu ? Vẫn còn giải pháp là trừng phạt thẳng từng cá nhân những tướng lãnh chủ chốt.

"Virus không biên giới"

Trang nhấtLe Figarohôm nay chạy tựa "Tiền tiết kiệm của người dân Pháp, đòn bẩy mang tính quyết định của tái thúc đẩy". Libérationlo ngại về tỉ lệ lây nhiễm virus corona tăng cao ở vùng Côte d’Azur, có thể chính phủ sẽ phải phong tỏa cục bộ. La Croixlật lại những bí ẩn trong vụ án hai sư huynh dòng Đa Minh bị Roma kết án năm 1956. Về thời sự quốc tế, Les Echoschú ý đến "Sau Trump, Biden muốn kết nối lại với Châu Âu", còn Le Monde nhấn mạnh "Vac-xin cho tất cả mọi người, thách thức của G7". Bài xã luận của Le Monde kêu gọi một chiến dịch vac-xin toàn cầu.

Les Echosnhấn mạnh đến "Virus không biên giới". Hãy hình dung các lính cứu hỏa cố gắng dập lửa tại một ngôi nhà đang bốc cháy, nhưng chỉ dùng bình chữa lửa tại một căn phòng duy nhất. Các nước giàu chiếm 15% dân số thế giới đang chiếm phân nửa hợp đồng mua vac-xin, còn các nước nghèo chỉ biết ngồi nhìn. Giữa Canada đã đặt mua số lượng tương đương 10 liệu cho mỗi cư dân, và một số nước Châu Phi chỉ có 25 liều cho cả nước, sự bất bình đẳng là khủng khiếp. Trong khi Châu Âu và Bắc Mỹ hy vọng từ nay đến mùa thu sẽ hoàn thành việc chủng ngừa, thì Châu Phi phải đợi đến tận năm 2023. Nếu tình trạng này không thay đổi, chiến lược chống dịch có nguy cơ thất bại, và nhân loại sẽ không bao giờ thoát được con virus xuất phát từ Vũ Hán.

Tuy nhiên cần có nhiều quyết định can đảm. Trước hết là áp đặt việc minh bạch giá cả, để tránh cho các nước Châu Phi phải trả gấp đôi, gấp ba vì mua số lượng nhỏ và thông qua trung gian. Kế đến là buộc các hãng dược chuyển giao công nghệ để có thể bào chế vac-xin trên mọi Châu lục. Cuối cùng, các nước giàu có thể viện trợ phần nào, như tổng thống Emmanuel Macron muốn dành 5% số vac-xin hiện có tại Pháp cho Châu Phi.

Israel : Số ca nhập viện và tử vong giảm gần 99% nhờ vac-xin Pfizer

Cũng về đại dịch Covid, Les Echos cho biết Israel sắp sửa quay lại với cuộc sống hầu như bình thường. Với trên 80% dân số trong diện tiêm chủng đã nhận được ít nhất một liều, và vac-xin Pfizer tỏ ra hiệu quả hơn dự kiến, Israel đẩy nhanh giải tỏa đợt ba và tung ra "hộ chiếu xanh".

Đúng một năm sau khi những bệnh nhân Covid đầu tiên tại Israel, là các hành khách trên chiếc tàu Diamond Princess được hồi hương ngày 21/02/2020, hôm qua Chủ nhật – đối với Israel là ngày đầu tuần -  các cửa hàng lớn nhỏ, bảo tàng, thư viện…đã mở cửa trở lại. Israel phá kỷ lục thế giới khi chỉ hai tháng đã chích ngừa được 80% dân số ưu tiên. Nhờ vac-xin Pfizer, các trường hợp nhập viện và tử vong đã giảm đến 98,9%, và bộ Y Tế nhấn mạnh Israel là nước đầu tiên trên thế giới chứng tỏ hiệu quả lâm sàng thực sự của vac-xin này.

Tác động của việc tiêm chủng thấy rõ trên tất cả mọi chỉ số, từ tỉ lệ người mới bị lây nhiễm, tỉ lệ nhân lên của virus và số ca nặng. Số thành phố được xếp loại màu xanh và vàng nay nhiều hơn cam và đỏ, bệnh viện Sheba lớn nhất nước đã đóng cửa hai khoa Covid. Cũng trong hôm qua, Israel khởi động "hộ chiếu xanh" cho phép người sở hữu được vào các phòng tập gym, hồ bơi, khách sạn, tham dự các sự kiện văn hóa thể thao. Tuy nhiên lễ Pourim truyền thống từ 25 đến 28/02 bị cấm, vì năm ngoái đã góp phần vào việc làm virus lan tràn tại Israel và tất cả cộng đồng người Do Thái ở hải ngoại.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 498 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)