Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/02/2021

Điểm báo Pháp - Nguy cơ đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Đài Loan, Biển Đông : Gia tăng nguy cơ đụng độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Từ Đài Loan cho đến Biển Đông, nguy cơ xảy ra các sự cố gây bất ổn đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington, đó là chủ đề mà tờ Le Figaro đặc biệt quan tâm hôm nay trên trang quốc tế.

nguyco1

Tiêm kích Đài Loan (phía trên) bay sát oanh tạc cơ Trung Quốc H6-K, trong không phận phía nam eo biển Luzon, Đài Loan. Ảnh do Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố ngày 11/05/2018.  AP

Tờ báo trích lại thông tin của nhật báo Anh The Financial Times nói về việc các tên lửa không đối hải của oanh tạc cơ Trung Quốc H6 bay trên eo biển Đài Loan vào tháng trước đã mô phỏng một cuộc tấn công vào hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt, đang hoạt động cách đó hơn 400 km ở vùng Biển Đông.

Việc mô phỏng cuộc tấn công nói trên đã gây phẫn nộ giới quân sự Mỹ. Họ xem đây là những hành động "hung hăng và gây bất ổn" của Bắc Kinh. Le Figaro nhắc lại là ngay sau ngày ông Joe Biden nhậm chức tổng thống, quân đội Trung Quốc đã triển khai 13 máy bay tiêm kích và oanh tạc cơ chiến lược vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, vừa để đe dọa "thống nhất bằng vũ lực" đối với "các thành phần ly khai" ở Đài Bắc, vừa để biểu dương lực lượng cảnh cáo Washington.

Theo tờ báo, vụ nói trên phản ánh tầm mức của những nguy cơ chiến lược đang chờ đón chính phủ của tổng thống dân chủ ở vùng Đông Á. Khu vực này đang đối đầu với sự suy thoái quan hệ Mỹ-Trung chưa từng có từ nửa thế kỷ nay, trong bối cảnh hai cường quốc đang cạnh tranh một mất một còn cả về mặt kinh tế, công nghệ, lẫn quân sự. Le Figaro trích lời ông Bill Hayton, tác giả cuốn The Invention of China : "Chúng ta bước vào một thời kỳ nguy hiểm mà Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể giành chiến thắng trong một cuộc xung đột, cũng giống như Hoa Kỳ. Nhưng kèm theo đó là những nguy cơ tính toán sai lầm".

Ngoài khơi Đài Loan cũng như ở Biển Đông, hải quân của hai nước đối địch thăm dò nhau, cọ sát nhau, với quyết tâm ngày càng mạnh. Hai cụm tàu sân bay Mỹ USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt vào đầu tháng Hai đã cùng tiến hành chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở các vùng biển tranh chấp để thể hiện quyết tâm của chính quyền mới tại Hoa Kỳ, dưới cái nhìn của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, những nước vẫn không chấp nhận tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Trong cùng thời gian đó, quân đội Trung Quốc tập trận ở Hoàng Sa, quần đảo của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm vào năm 1974.

Le Figaro cũng nhắc lại sự kiện một tàu ngầm hạt nhân của Pháp gần đây đã đi vào vùng Biển Đông lần đầu tiên từ năm 2002, nhằm cụ thể hóa quyết tâm của Paris và của các nước Châu Âu khác gia tăng sự hiện diện ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tờ báo trích lời chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Washington, dự báo là trong những năm tới có nhiều nguy cơ đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc ở vùng Biển Đông hơn là ở eo biển Đài Loan. Nhưng các chiến lược gia của Mỹ sợ rằng kể từ năm 2024, Trung Quốc sẽ cụ thể hóa lời đe dọa thống nhất Đài Loan với Hoa lục bằng vũ lực, và như vậy có thể xảy ra xung đột trực tiếp giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Từ Abraham Lincoln đến QAnon

Bài xã luận của Le Monde hôm nay nói về tình hình chính trị nội của nước Mỹ, với tựa đề "Từ Abraham Lincoln đến QAnon". Đối với tờ báo này, đảng Cộng hòa, một trong những cột trụ của nền dân chủ Mỹ, đã từ nhiều năm qua vẫn hành xử như là một giáo phái, tức là cứ muốn loại trừ những người "ngoại đạo".

Theo Le Monde, nhiệm kỳ của tổng thống Trump đã làm xu hướng này thêm rõ nét. Cựu tổng thống Mỹ sẽ dùng số tiền mà ông quyên góp được cho hoạt động chính trị (175 triệu đôla, theo tờ New York Times) để trừng phạt những nghị sĩ Cộng hòa nào đã dám bỏ phiếu ủng hộ việc truất phế ông, hoặc đã dám công nhận chiến thắng của ứng cử viên Dân chủ Joe Biden mà ông Trump vẫn cáo buộc là nhờ "ăn cắp" phiếu, mà không đưa ra bất cứ bằng chứng nào. Ông Trump sẽ tài trợ cho những ứng cử viên chống lại những "kẻ phản bội" trong các cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng Cộng hòa vào tháng 11/2022. Donald Trump buộc mọi người phải trung thành với ông, giống như trong một giáo phái.

Tờ Le Monde ghi nhận là hiện giờ đa số cử tri Cộng hòa vẫn khẳng định trung thành với Trump. "Đảng Cộng hòa là của Trump, chứ không phải của ai khác", đó là tuyên bố của Marjorie Taylor Greene, tân nữ nghị sĩ Cộng hòa bang Georgia, trước đây là một thành viên của giáo phái QAnon. Tổ chức của những người thượng đẳng da trắng vẫn rao giảng một chủ thuyết : ông Trump dường như đã được Chúa chọn để lãnh đạo cuộc chiến chống một âm mưu toàn thế giới chống nước Mỹ, được tiến hành bởi một bọn "ấu dâm cuồng Satan" trong đảng Dân chủ.

Theo Le Monde, việc nghị sĩ Taylor Greene đắc cử là một dấu mốc trong lịch sử đảng Cộng hòa : Từ Abraham Lincoln (1809-1865), tổng thống đầu tiên của đảng Cộng hòa thời đương đại, cho đến QAnon, chuyện gì đã xảy ra ? Tờ báo nhắc lại là xu hướng giáo phái hóa đảng Cộng hòa đã bắt đầu ngay từ thời Newt Gingrich thập niên 1990, tức là kể từ khi mà cương lĩnh tranh cử được trình bày như một cuốn Kinh Thánh, đối thủ Dân chủ trở thành kẻ thù, và tranh luận chính trị giống như là một cuộc nội chiến.

Ông Donald Trump càng chuộng hình thức hơn là nội dung, ông đã đưa sự dối trá lên đến đỉnh cao quyền lực, tạo ra một thứ "thực tế song song" lôi cuốn cử tri của ông và khiến các nghị sĩ e ngại. Ông bác bỏ mọi đóng góp của các chuyên gia, cười vào mũi khoa học, lăng nhục những thành phần tinh nhuệ. Kết quả là vẫn có một đảng phục tùng một người duy nhất. Uy tín của Trump đối với cử tri Cộng hòa khiến các nghị sĩ khiếp sợ. Mục tiêu của ông là giành chiến thắng cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ, một cuộc bầu cử thường là bất lợi cho đảng cầm quyền.

Giới lãnh đạo Iran đoàn kết chống Biden

Về tình hình quốc tế, tờ Le Monde chú ý đến việc Iran đang gia tăng áp lực với Hoa Kỳ bằng cách gia tăng những hành động vi phạm thỏa thuận hạt nhân 2015.

Đoàn kết để chống lại áp lực ngoại giao. Theo Le Monde, dường như đang có một sự đồng thuận nhất thời giữa phe bảo thủ và phe ôn hòa trong giới lãnh đạo Iran về hồ sơ hạt nhân. Trong khi Hoa Kỳ, các nước Châu Âu, với sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc, đang cố cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, thì Tehran tuyên bố chỉ tuân thủ các cam kết của họ với hai điều kiện : các trừng phạt của Mỹ phải thật sự được bãi bỏ, và không có chút thay đổi nào về nội dung của thỏa thuận.

Khi thông báo là sẽ hạn chế việc tiếp cận một số cơ sở hạt nhân đối với các nhà điều tra của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế kể từ ngày 23/02, Iran muốn gây áp lực để buộc Hoa Kỳ quay trở lại thỏa thuận năm 2015. Chính quyền Joe Biden đòi là Tehran phải tuân thủ nghiêm chỉnh thỏa thuận này thì Mỹ mới làm như vậy. Nhưng về phần mình, Iran đòi Hoa Kỳ phải đi bước trước.

Cũng về hồ sơ hạt nhân Iran, tờ Le Figaro cho rằng, mục tiêu của Tehran khi gây áp lực với tổng thống Mỹ chính là nhằm củng cố vị thế của họ trong các cuộc thương lượng tương lai với Hoa Kỳ về việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân 2015. Nhưng tờ báo cũng trích lời ngoại trưởng Đức Heiko Maas cảnh báo là những hành động gần đây của Iran đang cản trở việc Washington quay trở lại thỏa thuận này. Nói cách khác, theo cái nhìn của Berlin, Tehran đang "đùa với lửa".

Pháp : Chống tấn công tin học phải là ưu tiên quốc gia

Tờ Le Figaro hôm nay dành bài xã luận với tựa đề "Ưu tiên quốc gia" để nói về một thảm họa khác đang đe dọa nước Pháp, đó là các cuộc tấn công tin học vào các bệnh viện, các công ty, các cơ quan hành chính.

Theo tờ báo này, trong khi cả thế giới đang truy quét không ngơi nghỉ virus gây bệnh Covid và các biến thể của nó, một loại virus khác, núp trong bóng của Internet tấn công mỗi ngày các công ty, các cơ quan hành chính hoặc các cơ sở hạ tầng. Hiểm họa này không phải là mới, nhưng nó càng lớn hơn, với việc đẩy nhanh tiến trình số hóa nền kinh tế và xã hội. Trong một thế giới kết nối như hiện nay, chỉ một lần trao đổi qua email là cũng đủ để trao mọi chìa khóa của toàn bộ hệ thống tin học cho những tên thổ phỉ thời 2.0.

Cũng về đề tài này, bài xã luận của tờ Libération kêu gọi hãy "bọc thép các xe cứu thương". Trong đêm thứ Hai 15/02 rạng sáng thứ ba 16/02, tin tặc đã làm tê liệt toàn bộ hệ thống của bệnh viện ở Villefrance-sur-Saône để đòi tiền chuộc. Từ hôm đó đến nay, bệnh viện này chỉ hoạt động cầm chừng và xe cấp cứu phải chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện khác. Libération cho biết đây là cuộc tấn công tin học lần thứ 7 theo kiểu này kể từ đầu năm nay. Chiến dịch chích ngừa Covid ở bệnh viện Dax, vùng Landes, đã bị chậm trễ cũng do hậu quả của một cuộc tấn công tin học tương tự.

Theo tờ báo này, giữa lúc đang có đại dịch Covid-19, hậu quả tiềm tàng của các cuộc tấn công tin học này thật khủng khiếp. An ninh mạng chưa bao giờ mang tính chất sống còn như hiện nay đối với các bệnh viện. Thế mà ở Pháp, cũng như ở các nước giàu khác, các bệnh viện được bảo vệ rất kém để chống lại những cuộc tấn công này, mà đôi khi đã gây chết người.

Libération nhắc là tổng thống Emmanuel Macron hôm thứ Năm tuần trước đã thông báo đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược quốc gia về an ninh mạng, với một kế hoạch 1 tỷ euro cho nhiều năm. Từ đây đến đó, tờ báo cho là phải dứt khoát không trả một đồng tiền chuộc nào, vì đó là một hành vi vô đạo đức, sẽ khiến tin tặc toàn thế giới càng nhắm nhiều vào các bệnh viện Pháp. Nhưng các nhân viên ở các bệnh viện cũng phải có trách nhiệm đề cao cảnh giác hơn về việc bảo vệ mật mã và khi sử dụng các phần mềm để làm việc từ xa.

Air France-KLM : Vẫn cần được trợ giúp

Cũng về nước Pháp, nhưng trong lĩnh lực kinh tế, nhật báo Les Echos gióng tiếng chuông báo động về nguy cơ phá sản tập đoàn hàng không Pháp Hà Lan Air France-KLM, đã bị thua lỗ với mức kỷ lục hơn 7 tỷ euro trong năm 2020 và tình hình đầu năm nay tiếp tục xấu đi. Tờ Les Echos cho biết nếu không có khoản vay 10,4 tỷ đôla của chính phủ Pháp và Hà Lan trong năm 2020 thì đến cuối năm qua, Air France-KLM đã không còn một xu trong ngân quỹ, bởi vì doanh số của tập đoàn này đã sụt giảm đến gần 60%, chỉ đạt khoảng 11 tỷ. Tờ báo trích lời tổng giám đốc Benjamin Smith, phải đến 2024, Air France-KLM mới có thể trở lại mức độ hoạt động của trước năm 2019.

Tựa lớn các trên trang nhất

Trên trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay, tờ Libération thiên tả dành tựa lớn cho "Tấn công tin học : Một virus khác", nói về nhiều bệnh viện, công ty, cơ quan hành chính tại Pháp đang lao đao khốn khổ vì tin tặc. Le Figaro thiên hữu thì chú trọng đến hồ sơ "Hạt nhân : Iran cứng giọng với Joe Biden", nhằm củng cố vị thế của Tehran trong trường hợp thương lượng lại với quốc tế về thỏa thuận hạt nhân 2015. Nhật báo kinh tế Les Echos thì nêu bật báo động của lãnh đạo tập đoàn điện lực quốc gia Pháp EDF về nguy cơ tập đoàn bị đẩy xuống hàng thứ yếu nếu không nhanh chóng cải tổ. Nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến mục tiêu mà tân thủ tướng Ý Mario Draghi đề ra, đó là phục hưng quốc gia này bằng cách tái cấu trúc nền kinh tế. Riêng tờ Le Monde thì dành ưu tiên cho tình hình chính trị nội bộ nước Pháp, với việc bộ trưởng bộ Đại học Frédérique Vidal đang gây rất nhiều tranh cãi sau khi bà yêu cầu điều tra về xu hướng "cánh tả Hồi giáo" trong các trường đại học ở Pháp.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Phương
Read 584 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)