Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/03/2021

Điểm báo Pháp – Trung Quốc độc tài là thách thức lớn nhất của Mỹ

RFI tiếng Việt

Trung Quốc "xã hội chủ nghĩa hiện đại" độc tài, thách thức lớn nhất của Mỹ

Trung Quốc đặt ra mục tiêu đến năm 2035 thì GDP tính theo đầu người sẽ tăng gấp đôi để trở thành "một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại". Đàn áp Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông, hung hăng với Đài Loan… đối với Washington, Bắc Kinh hùng mạnh và độc tài là thách thức địa chính trị quan trọng nhất của thế kỷ.

tq1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội tại Đại sảnh đường Nhân Dân, được chiếu lên màn hình lớn trên đường phố Bắc Kinh ngày 05/03/2021.  Reuters - Tingshu Wang

Chuyến tông du Iraq của Giáo hoàng Francis, việc phân phối vac-xin chống Covid ở Châu Âu, kỳ họp Quốc hội Trung Quốc là những chủ đề chính của báo chí Pháp ngày 05/03/2021.

Những đường lối kinh tế cho năm năm tới được Bắc Kinh công bố trong dịp này. Les Echosnhận định : "Trung Quốc tiến lên mạnh mẽ hậu Covid-19", trong một thế giới bị rung chuyển bởi đại dịch và sự đối địch Mỹ-Trung.

Mục tiêu biến Trung Quốc thành quốc gia "xã hội chủ nghĩa hiện đại"

Tuy không loan báo một trường hợp dương tính nào từ một tháng qua, tất cả đại biểu đều phải xét nghiệm và đoàn đại biểu từ Hồng Kông còn được tiêm chủng. Họ chỉ được di chuyển từ khách sạn đến Đại sảnh đường Nhân Dân bằng những xe đã được khử trùng và tài xế đã chích ngừa. Các nhà ngoại giao và những nhà báo hiếm hoi được mời dự lễ khai mạc phải xét nghiệm và qua đêm tại một địa điểm được chỉ định.

Kỳ họp Quốc hội lần này có tầm quan trọng đặc biệt vì là dịp "để bày tỏ sự tự tin và sức mạnh vào lúc khởi đầu một năm kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc" - theo Viện Merics. Đây cũng là năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 14.

Sau khi tránh được suy thoái trong năm 2020, kế hoạch 2021-2025 sẽ đưa ra "tầm nhìn biểu lộ những thách thức chính mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng sẽ phải đối đầu" - theo nhà quan sát Mark Williams của Capital Economics. Quan trọng nhất là "một môi trường thế giới mang tính thù địch hơn". Trong bối cảnh đó, Trung Quốc muốn tự chủ được công nghệ, trông cậy vào tiêu thụ nội địa, và đặt ra mục tiêu đến năm 2035 thì GDP tính theo đầu người sẽ tăng gấp đôi để trở thành "một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại".

Lờ đi việc đàn áp Tây Tạng, Tân Cương, bóp nghẹt dân chủ Hồng Kông

Le Mondeghi nhận thủ tướng Lý Khắc Cường không hề nhắc đến Tây Tạng lẫn Tân Cương, còn về Đài Loan thì nhắc lại muốn "xúc tiến việc phát triển quan hệ giữa hai bờ eo biển một cách hòa bình". Hồi năm 2020, các nhà quan sát đã lo lắng khi từ "hòa bình" biến mất, nay đã tái xuất hiện, vào lúc quân đội Trung Quốc bắt đầu tập trận trên Biển Đông trong một tháng kể từ ngày 01/03.

Tiếp tục dọn đường cho một nhiệm kỳ thứ ba năm 2022, bóp nghẹt những tiếng nói chỉ trích, Tập Cận Bình làm ngơ khi thế giới lên án việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và biểu tình Hồng Kông. Tám tháng sau khi luật an ninh mới có hiệu lực và những khuôn mặt hàng đầu của phong trào dân chủ Hồng Kông đã bị khởi tố, Bắc Kinh muốn hoàn tất việc thâu tóm đặc khu bằng việc sửa đổi luật bầu cử địa phương để đè bẹp những dạng thức đối lập cuối cùng.

Nguyên tắc "Nhất quốc, lưỡng chế" bị vĩnh viễn chôn vùi

Một nhà ngoại giao Châu Âu nói với Les Echos, khi quyết định chỉ để cho những người "yêu nước" - có nghĩa là trung thành với Đảng cộng sản- được tham chính, "Tập Cận Bình đã chôn vùi vĩnh viễn nguyên tắc một đất nước, hai chế độ. Đó là hồi kết của nền dân chủ, dù không hoàn hảo, của Hồng Kông".

Tương tự, trang web Le Monde nhận định "Trung Quốc ra lịnh mới cho Hồng Kông : phải yêu nước". Ông Tập đã đích thân tuyên bố hồi tháng Giêng, nên hôm nay người Hồng Kông không ngạc nhiên khi nghe loan báo tại Quốc hội là sẽ "cải thiện hệ thống". Đó là nhằm loại hẳn đối lập ra khỏi đời sống chính trị, trong khi Hiến pháp của đặc khu ghi rõ "Hồng Kông được lãnh đạo bởi người Hồng Kông" và không hề nói đến xu hướng đảng phái.

Hồi năm 2019, đối lập đã giành được chiến thắng tại 17/18 quận nhờ sự ủng hộ của 1,6 triệu cử tri Hồng Kông. Nay theo báo chí Hồng Kông, ủy ban bầu cử để bầu ra trưởng đặc khu, từ 1.200 người được mở rộng thành 1.500 để làm loãng đi vài tiếng nói dân chủ còn sót lại, và các cố vấn cấp quận mà 90% là đối lập sẽ không còn được bỏ phiếu bầu ủy ban này. Về tư pháp, hầu như toàn bộ các cựu dân biểu ủng hộ dân chủ đều đã bị tạm giam tối qua sau năm ngày câu lưu. Họ nằm trong số 47 người đã tham gia tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức, bị cáo buộc "âm mưu lật đổ".

Tập Cận Bình muốn biến đảo Hải Nam thành Hawai Châu Á

Về kinh tế, Le Mondecó bài phóng sự nói về đảo Hải Nam "Một Hawai Châu Á, giấc mơ của Tập Cận Bình". Ông Tập muốn hòn đảo nằm giữa Hồng Kông và Việt Nam trở thành địa điểm du lịch và thương mại hàng đầu Châu Á.

Trước đây là một trong những nơi mà các hoàng đế Trung Hoa đày ải thần dân, nay hòn đảo 9 triệu dân có vị trí chiến lược ở Biển Đông còn là một căn cứ quân sự quan trọng hàng đầu. Hải Nam không có những bãi biển xinh đẹp bằng Thái Lan và các khách sạn không thể địch nổi với Hồng Kông, nhưng 30 năm sau Thâm Quyến, hòn đảo này sẽ là một biểu tượng mới cho sự mở cửa của Trung Quốc. Kể từ năm 2025, toàn bộ Hải Nam sẽ được coi là khu vực Duty Free Shop - một công thức từ đầu thế kỷ đã được người Nhật áp dụng thành công tại đảo Okinawa và người Hàn tại đảo Jeju.

Hoa Vi, vũ khí chiến lược của Bắc Kinh để đàn áp Tân Cương

Trên lãnh vực nhân quyền, ở trang Ý kiến của Le Mondechuyên gia Adrian Zenz khẳng định "Hoa Vi là vũ khí chiến lược của Nhà nước Trung Quốc để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ".

Chỉ vì ở trong toa-lét quá thời gian cho phép là 20 giây, Gulzira Auelhan đã bị chích điện vào đầu. Vâng, vào đầu, bởi vì theo các quản giáo, cú sốc này sẽ để lại dấu vết sâu hơn so với các bộ phận khác của cơ thể. Câu chuyện của Auelhan, một phụ nữ người Kazakhstan ở Tân Cương, không phải xảy ra vào thời Cách mạng văn hóa, mà năm 2018. Vùng đất này là phòng thí nghiệm quy mô chưa từng thấy trong chính sách đàn áp của Bắc Kinh, với sự trợ giúp của Hoa Vi (Huawei).

Tuy các lãnh đạo tập đoàn đã hai lần lên tiếng chối cãi, nhưng các bằng chứng vẫn rành rành. Hoa Vi cung cấp hệ thống giám sát cho toàn bộ Tân Cương từ năm 2014, và vào thời đó, tất cả các dữ liệu của mạng lưới camera dày đặc đã được lưu trữ trong các cloud nhờ công nghệ Hoa Vi. Một brochure của Hoa Vi tháng 11/2017 còn khoe ra việc hiện đại hóa hệ thống theo dõi ở thành phố Kashgar, nơi 90% cư dân là người Duy Ngô Nhĩ, giúp trung tâm chỉ huy của công an có thể xử lý nhờ trí tuệ nhân tạo.

Đến tháng 5/2018, nhiều trại tập trung được mở rộng trong đợt bắt bớ thứ hai, Hoa Vi ký "hợp đồng hợp tác chiến lược" với Bộ Công an ở Tân Cương, và tháng 12/2018 đến lượt hợp đồng hợp tác với công an thủ phủ Urumqi về "chiến lược số hóa toàn bộ", đóng vai trò chính trong việc giám sát các mục tiêu cụ thể và tống giam người sắc tộc thiểu số.

Nhà nghiên cứu người Đức kết luận, Hoa Vi không chỉ là vũ khí chiến lược của Bắc Kinh để đàn áp Tân Cương, và có thể là con ngựa thành Troie đe dọa an toàn viễn thông trên thế giới. Nên chăng để mặc cho Trung Quốc múa gậy vườn hoang ? Adrian Zenz cho rằng vào lúc một số ngôi sao như cầu thủ Antoine Griezmann của Pháp đã chủ động hủy hợp đồng quảng cáo cho Hoa Vi, và ngày càng nhiều chính phủ tố cáo các tội ác chống nhân loại ở Tân Cương, cần khẩn cấp đặt lại vấn đề về quan hệ với tập đoàn Trung Quốc này.

Mỹ chủ trương hợp tác với các đồng minh để ngăn chặn Trung Quốc

Về phía Washington, Les Echos nói về chiến thuật của Biden để đối phó với Trung Quốc toàn trị : củng cố sức mạnh kinh tế và dân chủ của Mỹ, với sự hỗ trợ của các đồng minh.

Trung Quốc rõ ràng là thách thức lớn nhất đối với Hoa Kỳ. Báo cáo công bố hôm thứ Tư 03/03 về các chọn lựa chiến lược và an ninh quốc gia, cũng như bài diễn văn đầu tiên của ngoại trưởng Antony Blinken đều nhấn mạnh Trung Quốc là "nước cạnh tranh duy nhất có thể phối hợp cả sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự lẫn công nghệ" trong một hệ thống quốc tế ổn định và rộng mở. Đó là "thử nghiệm địa chính trị quan trọng nhất" của thế kỷ.

Washington muốn hợp tác với các đồng minh, đồng thời tái đầu tư vào các tổ chức quốc tế mà Bắc Kinh đang lũng đoạn. NATO sẽ được hiện đại hóa để đối phó với cả Trung Quốc chứ không chỉ nhắm vào Nga.

Các đối tác được nêu tên cụ thể trong bản báo cáo an ninh quốc gia. Liên minh với Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc được coi là "các nhân tố chiến lược", còn quan hệ với Ấn Độ, New Zealand, Singapore và Việt Nam, ASEAN sẽ được đào sâu. Mỹ cũng nhìn nhận "lợi ích sống còn" khi kết nối chặt chẽ với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Châu Âu và khối phương Tây. Cuối cùng, vấn đề dân chủ, nhân quyền quay lại trong các bài diễn văn : Đài Loan, Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng sẽ được Mỹ cùng với các đồng minh bênh vực.

Giáo hoàng Francis đến xứ sở Abraham

Nhìn sang Trung Đông, chuyến tông du Iraq của Giáo hoàng Francis là chủ đề được nhật báo công giáo La Croixđưa lên trang nhất với dòng tựa "Sự táo bạo của Giáo hoàng". Chủ đề này cũng được tất cả các báo đề cập.

Bài xã luận mang tựa đề "Ở xứ sở của Abraham" nhận định, chuyến đi lịch sử ba ngày mang tính biểu tượng to lớn. Iraq, đất nước hầu hết theo đạo Hồi, được coi là chiếc nôi của Kitô giáo. Giáo hội phương đông kế thừa từ Cảnh giáo, do thánh tông đồ Thomas thành lập, những năm gần đây chịu nhiều khốn khó, không ít tín đồ đã phải di tản để tránh bị quân thánh chiến tàn sát.

Ngài sẽ đến thăm Ur, thành phố quê hương Abraham, tổ phụ của ba tôn giáo Do Thái, Cơ Đốc và Hồi Giáo. Trong khi đó kể từ khi chuyến tông du được công bố vào tháng 12/2020, các vụ tấn công bằng rốc-kết vẫn liên tiếp diễn ra, còn về dịch tễ, chính phủ Iraq đã tuyên bố phong tỏa cho đến ngày 08/03, ngày cuối của chuyến tông du. Nhưng tất cả không thể ngăn cản được quyết tâm của người đứng đầu Giáo hội Công giáo.

Libérationchơi chữ với dòng tựa "Giáo hoàng đến Iraq : Niềm tin hàng đầu", dùng từ đồng âm với "lần đầu tiên" - một chuyến đi lịch sử tại đất nước bị chiến tranh tàn phá. Đối với Vatican, chưa hề có một lãnh đạo nào của giáo hội đặt chân lên lãnh thổ Iraq, còn đối với Baghdad, chuyển thăm của một nhân vật như Giáo hoàng Francis xưa nay khó thể mơ tưởng.

Kể từ thập niên 70 thời Saddam Hussein đến nay, ngoài vài chuyến thăm bất ngờ và chớp nhoáng, chưa có nguyên thủ nước ngoài nào chính thức công du Iraq, thế nên Baghdad muốn tuyên truyền mạnh mẽ. Gần 1.000 nhà báo ngoại quốc muốn đến đưa tin, nhưng chỉ có 300 phóng viên vượt qua được các thử thách : phải xét nghiệm Covid, không có đường bay trực tiếp, và phải đến trước 72 giờ vì lý do an ninh. Còn đối với 60 nhà báo đi cùng chuyến bay với Giáo hoàng, họ phải đến Ý hai lần để được chích ngừa đủ hai liều.

Về phía nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, các đảng và lực lượng dân quân không giấu giếm sự thù địch. Từ khi trở thành người đứng đầu giáo hội công giáo La Mã, các nước Hồi giáo mà Giáo hoàng Francis thăm viếng đều thuộc phe Sunni (Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco, Ai Cập), còn lần này ngài muốn tái cân bằng với nhánh Shia. Nhất là vị giáo hoàng người Argentina còn thăm Najaf, thánh địa Shia trên đất Iraq cạnh tranh với thánh địa Qom của Iran.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 534 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)