Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp 2017 với tỷ lệ 65,9% (RFI, 07/05/2017)
Theo các thẩm định của các viện thăm dò dư luận được AFP trích dẫn và công bố lúc 20 giờ, giờ Pháp, ứng cử viên của phong trào En Marche ! (Tiến Bước !) Emmanuel Macron đã về đầu vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống Pháp, ngày 07/05/2017, với tỷ lệ phiếu bầu từ 65 đến 66,1%.
Emmanuel Macron, tổng thống tân cử Cộng Hòa Pháp - Ảnh FMM
Tổng thống mãn nhiệm François Hollande đã gọi điện thoại cho chúc mừng "nồng nhiệt" Emmanuel Macron đắc cử tổng thống Cộng Hòa Pháp, theo thông cáo của phủ tổng thống Pháp. Tổng thống mãn nhiệm nhấn mạnh : "Thách thức lớn là đoàn kết và xây dựng để tiếp tục con đường đưa nước Pháp đến tiến bộ và công bằng xã hội".
Ít phút sau khi truyền thông đồng loạt đưa kết quả bỏ phiếu, bà Marine Le Pen, ứng viên của Mặt Trận Quốc Gia (thu được khoảng 34,1% phiếu bầu) đã chúc mừng ông Emmanuel Macron trong một tuyên bố ngắn gọn đọc trước những người ủng hộ. Marine Le Pen cũng ca ngợi "kết quả lịch sử " của Mặt Trận Quốc Gia.
Trên đây là số liệu ước tính tương đối chính xác của các viện thăm dò. Kết quả kiểm phiếu cuối cùng sẽ được Bộ Nội Vụ công bố trong ngày mai (08/05/2017). Tiếp đó đến ngày 11/5 Tòa Bảo Hiến sẽ thông qua kết quả chính thức và cho đăng trên Công báo. Kể từ khi đó, ông Emmanuel Macron mới chính thức trở thành tổng thống Pháp. Tân tổng thống sẽ chỉ định thủ tướng để thành lập chính phủ mới.
Lễ chuyển giao quyền tổng thống sẽ diễn ra tại điện Elysée ngày 14/05. Lần đầu tiên kể từ 110 năm nay, việc chuyển giao quyền lực diễn ra vào ngày Chủ nhật. Một ngày sau đó, lần lượt các bộ trưởng cũ tiến hành bàn giao công việc cho các lãnh đạo mới.
Cựu bộ trưởng Kinh tế Emmanuel Macron, 39 tuổi, mới bước chân vào chính trường chưa đầy 5 năm, lần đầu tiên ra ứng cử tổng thống với chủ trương trung dung, không tả - không hữu đã trở thành vị tổng thống trẻ nhất của Pháp từ trước tới nay.
********************
Ông Macron 'đắc cử tổng thống Pháp' (VOA, 08/05/2017)
Ông Emmanuel Macron đánh bại nữ đối thủ Marine Le Pen với khoảng cách biệt lớn.
Ông Emmanuel Macron hôm 7/5 đã được bầu làm tổng thống Pháp, đánh bại nữ đối thủ Marine Le Pen với khoảng cách biệt lớn.
Reuters dẫn dự đoán kết quả của cử tri rời phòng phiếu cho biết như vậy.
Theo đó, ứng viên ủng hộ sự hội nhập của Châu Âu giành được 65,9% số phiếu, trong khi đối thủ từng đe dọa đưa Pháp rời Liên hiệp Châu Âu giành được 34,1% phiếu.
Cuộc bầu cử này được cho là có thể quyết định liệu nước Pháp tiếp tục con đường toàn cầu hoá, hay sẽ rẽ sang con đường mới tách khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Trong cuộc đua bị chi phối mạnh mẽ bởi các vấn đề về công ăn việc làm, nhập cư và an ninh, cử tri đứng trước những lựa chọn khó khăn trong cuộc bỏ phiếu vòng hai và cũng là vòng chung cuộc. Một bên là cựu bộ trưởng kinh tế theo đường lối trung dung, ông Emmanuel Macron. Đối thủ của ông là người theo chủ nghĩa dân tộc, chống di dân, bà Marine Le Pen.
Các cuộc thăm dò trước hôm Chủ nhật cho thấy ông Macron dẫn trước với tỉ lệ ủng hộ là 63%, cách xa đáng kể so với mức 37% của bà Le Pen.
Bà Le Pen, với quan điểm chống EU và thúc đẩy việc ngăn chặn dòng người di cư Hồi giáo đến nước Pháp, đang thu hút sự chú ý của thế giới tới cuộc chạy đua.
Bà kêu gọi trục xuất những người Hồi giáo, đóng cửa các nhà thờ Hồi giáo nơi các thày tế thuyết giảng chủ nghĩa cực đoan, cắt giảm người nhập cư, bãi bỏ đồng euro, và trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Pháp.
Lý do chính để bà Le Pen chống lại EU cũng tương tự như lý do của những người Anh đã nêu ra để thực hiện Brexit : Các chính sách của EU về tự do đi lại đồng nghĩa là EU mới kiểm soát biên giới chứ không phải các quốc gia riêng rẽ.
Còn ông Macron có cái nhìn khác hoàn toàn. Vị cựu lãnh đạo ngân hàng đã nhiều lần nói ông tin rằng không có chuyện rút lui khỏi toàn cầu hóa.
Ông Macron chủ trương kiên định ủng hộ EU nhưng cũng nói ông muốn thấy có các cải cách để làm cho tổ chức này trở nên dân chủ hơn. Ông đã cảnh báo rằng nếu EU cứ tiếp tục vận hành như hiện nay, sẽ dẫn đến Frexit, tức là việc nước Pháp rút khỏi EU giống nước Anh.
Đất nước bị chia rẽ
Nhiều cử tri ở vùng thành thị, hầu hết là thịnh vượng, có chung quan điểm với ông Macron. Họ đánh giá rằng quốc gia của mình là thí nghiệm thành công về sự tập hợp những người từ nhiều nơi trên thế giới, và toàn cầu hoá không chỉ là bất khả kháng mà còn là chìa khóa đi đến sự thịnh vượng kinh tế trong tương lai.
Thông điệp của bà Le Pen đã cộng hưởng với nhiều người cho rằng tương lai của họ bị đe dọa bởi chủ nghĩa tư bản thân hữu và sự phá hoại văn hoá bản xứ của Pháp. Những nơi ủng hộ bà mạnh mẽ chủ yếu là các khu vực ở đông bắc nước Pháp, nơi các công xưởng và nhà máy thép đóng cửa đã làm mất đi hàng nghìn việc làm, đẩy tỷ lệ thất nghiệp của Pháp lên gần 10%, một trong những mức cao nhất ở Châu Âu.
Dự kiến sẽ có nhiều người đi bỏ phiếu hôm Chủ nhật và an ninh đã được thắt chặt ở khắp đất nước.
Tuy nhiên, các quan chức cho hay, số người đi bỏ phiếu tính đến giữa trưa trên cả nước thấp hơn một chút so với cùng kỳ năm 2012, đạt mức 28%.
*******************
Không có "trăng mật" chờ tân Tổng thống Pháp (Người Lao Động, 07/05/2017)
Hơn 45 triệu cử tri Pháp ngày 7/5 đã tham gia vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống để chọn ra nhà lãnh đạo sẽ dẫn dắt họ trong 5 năm tới trong số 2 ứng cử viên : ông Emmanuel Macron chủ trương ôn hòa và chính khách cực hữu Marine Le Pen.
Tương lai bấp bênh
Vị tổng thống kế tiếp của nước Pháp sẽ không được nếm hưởng "trăng mật" khi thừa kế một đất nước chia rẽ sâu sắc trong bối cảnh nước này đang lún sâu vào tình trạng thất nghiệp, nền kinh tế trì trệ và nhiều nỗi lo về an ninh. Tuy nhiên, người chiến thắng ít nhất cũng mở ra một chương mới trong chính trường của Pháp khi cả hai đảng cánh tả và cánh hữu lớn - Đảng Xã hội và Đảng Những người Cộng hòa - nắm quyền điều hành nước Pháp suốt nhiều thập kỷ qua đều đã thất bại thảm hại tại vòng 1 hôm 23/4.
Tất cả các cuộc thăm dò trước bầu cử đều cho thấy ông Macron gần như cầm chắc chiến thắng trước đối thủ Le Pen. Thế nhưng, đằng sau bầu không khí chắc chắn đó lại là nỗi ám ảnh về sự bấp bênh đối với chính trường. Giới phân tích không chờ đợi một sự bất ngờ gây sốc tương tự điều đã diễn ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái đến từ bà Le Pen. Điều thực sự khiến giới phân tích theo dõi sát chính là mức độ phản ứng của cử tri.
Theo Telegraph, số lượng cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn so với vòng 1 và các cuộc bầu cử năm 2012, 2007. Thông tin này rõ ràng là không được mong đợi đối với ông Macron - vốn kỳ vọng người ủng hộ những ứng viên các chính đảng cánh hữu và cánh tả đã đại bại sẽ dồn phiếu cho mình trong vòng "chung kết". Các nhà quan sát cho rằng một số cử tri bất bình dường như đã quyết định… ở nhà ! Trong khi đó, những người ủng hộ Đảng Mặt trận Dân tộc (FN) của bà Le Pen theo truyền thống vẫn có kỷ luật và có động cơ đến phòng bỏ phiếu hơn nhiều.
Giới quan sát theo dõi tỉ lệ phiếu bầu dành cho mỗi ứng viên không hẳn chỉ vì kết quả thắng thua mà hơn cả là để đọc được ý nghĩa về mặt chính trị của nó. Họ cho rằng đại diện của phong trào En Marche ! phải thu hút được hơn 60% số phiếu bầu mới đủ sức chứng tỏ một lời cự tuyệt dứt khoát không chỉ đối với FN mà cả những người theo chủ nghĩa dân túy cực hữu ở Châu Âu và các chính khách chống nhập cư.
Còn nếu bà Le Pen đạt được hơn 40% số phiếu bầu, có thể nói tương lai chính trị xán lạn vẫn đang chờ đợi nữ chính trị gia 48 tuổi. Bản thân nữ thủ lĩnh FN đã chuẩn bị cho cuộc đấu tranh hậu bầu cử khi đưa ra lời khuyến cáo "một cơn giận dữ sẽ bùng nổ trong nước" nếu như chiếc ghế tổng thống thuộc về ông Macron - đối thủ bị bà đánh giá là "kẻ dửng dưng trước các quyền lợi quốc gia của Pháp".
Ông Emmanuel Macron và vợ, bà Brigitte Trogneux, trong một buổi tiếp tân ở Điện Elysée - Ảnh : REUTERS
Nhiều thách thức
Vụ rò rỉ số lượng lớn thư điện tử tranh cử của ông Macron hôm 6-5, mà đội ngũ vận động tranh cử của ông đã đổ lỗi cho các cơ quan tình báo Nga, ít khả năng ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Thế nhưng, vụ rò rỉ này xác nhận ấn tượng đây là một trong những cuộc vận động tranh cử tồi tệ nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại. Thế rồi, chẳng bao lâu sau khi cuộc bầu cử khép lại, giới truyền thông Pháp chắc chắn sẽ đào bới số thư điện tử bị đánh cắp trên nhằm kích động thông tin chống lại nhân vật chắc hẳn sẽ còn được nói tới nhiều trong những ngày tới.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn nữa khi ông Macron là vị chính khách quá ít trải nghiệm chính trường. Ngoài khoảng thời gian ngắn tham gia một phong trào xã hội ở Pháp, ông chưa bao giờ nắm giữ chức vụ được bầu nào và cũng chẳng có đảng phái chính trị nào đứng đằng sau ông. Dù vậy, nếu như muốn điều hành đất nước hiệu quả, ông cần trở thành một "tay chơi" trong cuộc bầu cử quốc hội sẽ diễn ra vào tháng sau.
Về phần mình, ông Macron khăng khăng rằng "phong trào" được thành lập vội vã của ông sẽ biến thành một đảng và sẽ chiếm "đa số ghế rõ rệt" tại quốc hội. Ông Macron cũng bác bỏ nhận định cho rằng ông sẽ phải sống với một cơ quan lập pháp thù địch.
Tuy nhiên, trong khi chỉ có trong tay mấy tuần lễ ngắn ngủi để thành lập một đảng phái góp mặt tại quốc hội, ý tưởng đảng do ông Macron mới thành lập giành được 290 ghế cần thiết để chiếm đa số tại quốc hội vẫn là chuyện cường điệu.
Kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là ông Macron sẽ phải sống với một cơ quan lập pháp, trong đó phe Xã hội trung tả và phe Cộng hòa trung hữu tiếp tục nắm quyền điều khiển. Điều đó có nghĩa cả hai đảng này đều xem ông Macron là mối đe dọa chủ yếu của họ và đều không mảy may quan tâm đến ông.
Lục San