"100 ngày" của Macron : Hòa giải với dân Pháp hay một Waterloo được báo trước ?
Bài diễn văn của tổng thống Pháp tối thứ Hai 17/04/2023 nhằm khép lại gần 3 tháng khủng hoảng xã hội - chính trị về cải cách hưu trí là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay. "Macron xác định thời hạn 100 ngày để tái khởi động", tựa trang nhất của Le Monde. Le Figaro cảnh báo : "Chiến lược của Macron vấp phải nhiều cản lực do tổng thống bị mất lòng dân".
Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu tối 17/04/2023 từ điện Elysée, Paris, Pháp. © Élysée
Le Monde trước hết cho biết ba lĩnh vực chính mà tổng thống muốn ưu tiên. Thứ nhất là cuộc sống người lao động nơi làm việc (với một "Pacte de la vie au travail" -"Thỏa ước về cuộc sống nơi làm việc"). Không phải là việc làm thuần túy, mà là các điều kiện làm việc, quan hệ giữa cuộc sống của người lao động với công việc. Đây là điều mà những người chống luật cải tổ hưu trí chỉ trích chính phủ đã coi nhẹ. Lĩnh vực ưu tiên thứ hai là chống tội phạm và nhập cư bất hợp pháp. Lĩnh vực thứ ba là chất lượng cuộc sống (cụ thể là "thúc đẩy tiến bộ để sống tốt hơn"). Thủ tướng sẽ giới thiệu lộ trình hành động trong tuần tới.
Tuy nhiên, Le Monde cũng nhấn mạnh là các nghiệp đoàn vẫn không chấp nhận sang trang cuộc khủng hoảng về luật hưu trí, muốn "tiếp tục duy trì áp lực" với chính quyền về hồ sơ này, bất chấp việc luật này đã được Hội đồng Bảo hiến bật đèn xanh hồi tuần trước.
Dự án 100 ngày "kỳ quặc"
Xã luận Le Monde, tựa đề "Những trở lực với một nhiệm kỳ tổng thống 5 năm không triển vọng sáng sủa", ghi nhận tính chất rất khác lạ, thậm chí có một cái gì đó "kỳ quặc" khi tổng thống Emmanuel Macron xác định chương trình hành động "100 ngày". Thông thường 100 ngày là "giai đoạn mở đầu năng động, đầy phấn chấn của một nhiệm kỳ 5 năm". Ngược lại "100 ngày" theo lựa chọn của tổng thống lại rơi đúng vào thời kỳ đầu tiên của năm thứ hai của nhiệm kỳ.
"100 ngày" cũng gắn với một hồi ức đặc biệt trong lịch sử nước Pháp : khi nỗ lực chiếm lại quyền lực của hoàng đế Napélon đệ nhất trong mùa xuân – hè năm 1815, đã kết thúc với đại thảm bại Waterloo. Theo Le Monde, với dự án 100 ngày "để hòa giải, đoàn kết, hướng về phía trước và hành động vì đất nước", tổng thống Pháp đã ngầm thừa nhận tình thế vô vàn khó khăn, và gửi đến dân Pháp một thông điệp vừa mang thách thức, vừa mang hy vọng : Nước Pháp có thể bắt đầu một hành trình mới kể từ hôm nay, "nhưng mọi thứ cũng có thể kết thúc rất tồi tệ".
"Dàn nhạc xoong nồi" và tổng thống cô đơn
Đối với Le Monde, khả năng xoay xở của ông Macron giờ đây "gần như bằng không", với bất mãn xã hội sâu rộng do cuộc cải tổ hưu trí, cùng với việc đảng cầm quyền đã mất đa số tuyệt đối tại Quốc hội sau cuộc bầu cử năm ngoái. Trong bài phát biểu tối thứ Hai, tổng thống Macron một mặt tiếp tục không nhân nhượng về cải tổ hưu trí dù chỉ một ly, mặt khác thừa nhận một phần "nỗi giận dữ" trong dân chúng trong những vấn đề khác, như lạm phát, sức khỏe suy yếu do nghề nghiệp, một số dịch vụ công xuống cấp… Mục tiêu là để hướng người dân đến các định hướng hành động mà chính quyền mong muốn.
Tuy nhiên, theo Le Monde, cố gắng của tổng thống Pháp sẽ vấp phải nhiều trở lực từ phía đối lập, và các lực lượng xã hội. Nhật báo Pháp mỉa mai : Cách thực thi quyền lực từ trên xuống và một cách cô độc của tổng thống Macron đang chỉ "được chào đón bằng các dàn nhạc xoong nồi". Nguyên thủ Pháp "hơn bao giờ hết bị cầm tù trong một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, đã được khởi động kém cỏi".
Giới chủ Pháp : "100 ngày là quá ngắn"
Khác với Le Monde, nhật báo kinh tế Les Echos không quá coi trọng cái mốc 100 ngày mà tổng thống Macron đề ra. MEDEF, hiệp hội của giới chủ Pháp, cho rằng thời hạn 100 ngày là quá ngắn để có thể mang lại kết quả. Bài xã luận của Les Echos, nhan đề "Trở lại với lịch trình hành động xã hội", nhấn mạnh là 100 ngày chỉ là bước khởi đầu, các đối tác xã hội sẽ có thời gian để thương lượng với chính phủ về "Thỏa ước về cuộc sống nơi làm việc" cho đến tận cuối năm, như đề xuất của tổng thống. Những tuần tới sẽ là thời gian xác định nội dung của lịch trình hành động. Theo Les Echos, đây chính là phương pháp của thời tổng thống tiền nhiệm François Hollande, mà ông Macron từng nằm trong chính phủ, nhưng vốn đã rất ít được bản thân tổng thống đương nhiệm sử dụng cho đến nay.
Trong ba lĩnh vực chính mà tổng thống Pháp đề xuất với các đối tác xã hội trong thời gian 100 ngày tới, La Croix cũng chú ý trước hết tới lĩnh vực thứ nhất "Thỏa ước về cuộc sống nơi làm việc". Nhật báo công giáo mời hai chuyên gia cho ý kiến, chủ yếu tập trung vào các vấn đề bệnh nghề nghiệp, việc làm với người cao tuổi, và các điều kiện đãi ngộ.
"France Travail" : Việc làm đầy đủ cho nước Pháp
Song song với việc mở ra thương lượng dài hơi với các nghiệp đoàn về các điều kiện việc làm, hồ sơ trang nhất của Les Echos cho biết chính quyền có dự án thúc đẩy tạo thêm hàng trăm nghìn chỗ làm. Hôm nay, chính phủ công bố các thông tin cơ bản về Dịch vụ việc làm quốc gia tương lai (futur service national de l'emploi). "France Travail" (hay Việc làm đầy đủ cho nước Pháp), với mục tiêu bảo đảm việc làm cho mọi dân Pháp, vốn là một nội dung chủ yếu trong cương lĩnh tái tranh cử của tổng thống Macron. Dịch vụ việc làm quốc gia tương lai là dự án được chuẩn bị từ 8 tháng nay.
Chủ động đến với người tìm việc, rút ngắn thời gian nhận được trợ cấp thất nghiệp, mở rộng tối đa khả năng tìm việc làm cho từng cá nhân… là các mục tiêu chính. Trả lời phỏng vấn Les Echos, người điều phối dự án, ông Thibaut Guilluy, quan chức cao cấp phụ trách mảng Việc làm và các cam kết của doanh nghiệp, cho biết : Mục tiêu của France Travail là tiếp cận được với tối đa người không có việc làm, thậm chí chuẩn bị trước cho giai đoạn không có việc làm.
Les Echos cũng cho biết dự án France Travail hỗ trợ các doanh nghiệp xác định từ sớm nhu cầu về nhân lực, phổ biến thông tin tuyển mộ trên tất cả các kênh. Nhân lực chủ yếu giúp thực thi dự án Việc làm đầy đủ cho nước Pháp là mạng lưới hơn 100.000 nhân viên cố vấn hỗ trợ người tìm việc làm. Từ 2 đến 3 tỉ eurro sẽ được đầu tư cho lĩnh vực này, từ nay đến 2026.
"Ukraine chuẩn bị như thế nào cho cuộc phản công ?"
Chiến tranh Ukraine là chủ đề chính của Libération. Hồ sơ trang nhất Libération nói về "Ukraine chuẩn bị như thế nào cho cuộc phản công ?". Ngoài cuộc kháng cự tại thành phố Bakhmut, vùng Donbass, nhằm làm tiêu hao sinh lực của đối phương, Quân đội Ukraine đang xây dựng 8 lữ đoàn mới. Libération có bài phóng sự về huấn luyện tân binh tại thành phố miền trung tâm Dnipro. Huấn luyện sử dụng vũ khí, học tập kinh nghiệm thực chiến, và cũng huấn luyện lòng quả cảm, tinh thần hy sinh.
Roman, một thanh viên 30 tuổi, thợ mỏ vùng Donbass, không che giếu nỗi lo sợ của anh khi phải ra chiến trường, bởi đã có rất nhiều bạn bè anh ra trận không về. Trong khi đó, Oleksandr, một người bán hàng 55 tuổi, tâm sự ông quyết định tự nguyện đầu quân, để lại phía sau vợ và con gái, và biết rằng xác suất trở về là rất thấp, bởi người trung niên này không thể chịu nổi cảnh thanh niên phải chết trận. Theo ông, "người cao tuổi phải chiến đấu để cho phép lớp thanh niên trẻ nhất được sống, lập gia đình, có con".
Liên Âu : "Hãy cứu lấy Tunisia"
Nền dân chủ bị đe dọa nghiêm trọng tại Tunisia, quê hương của phong trào Mùa Xuân Ả Rập, với sự kiện nhà đối lập chủ chốt, lãnh đạo đảng Ennahda, Rached Ghannouchi, bị bắt hôm qua, là chủ đề bài xã luận La Croix. Bài "Hãy cứu lấy Tunisia" khẳng định : Tổng thống Tunisia Kais Saied chịu trách nhiệm chính về cuộc đàn áp. Và đây là một nỗ lực tiếp theo của chính sách triệt hạ hoàn toàn đối lập. Nhật báo công giáo lo ngại về chính sách tự cô lập của tổng thống Saied đang dẫn Tunisia đến bờ vực thẳm, cả về kinh tế, cũng như chính trị. La Croix kêu gọi Liên Âu can dự để tránh sự sụp đổ của quốc gia láng giềng Bắc Phi. Trang nhất Libération cũng chia sẻ nỗi lo về Tunisia, với bài "Tunisia có thể sẽ đi theo kịch bản Ai Cập".
Thượng đỉnh Samarkand : Liên minh độc tài chống phương Tây
Về sự lấn tới của các chế độ độc tài, Le Monde có hồ sơ đáng chú ý về thượng đỉnh Samarkand, mầm mống của một liên minh có thể thách thức phương Tây, nhân dịp ra mắt cuốn sách mới "Thỏa ước của các nhà độc tài". Thượng đỉnh Samarkand, Uzbekistan, là thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, diễn ra vào tháng 9/2022, với sự tham gia của lãnh đạo 14 quốc gia. Ngoài các thành viên của nhóm, bao gồm Nga, Trung Quốc, và 4 nước cộng hòa Trung Á và ba thành viên mới, Pakistan, Ấn Độ, và Iran mới được kết nạp năm nay, còn có hai quan sát viên, Belarus và Mông Cổ, cùng ba khách mời, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Turmenistan. Với thượng đỉnh này Trung Quốc và Nga khẳng định tham vọng "làm suy yếu phương Tây", "nhào nặn lại trật tự quốc tế". Theo hai tác giả, nhà báo Isabelle Mandraud và nhà chính trị học Julien Théron, liên minh gồm các lãnh đạo 100% nam giới này có rất ít dấu hiệu chia sẻ các giá trị dân chủ.
Cũng Le Monde đăng tải kiến nghị của một nhóm các nhà ngoại giao cao cấp và chuyên gia quân sự, yêu cầu Châu Âu nỗ lực hơn trong cuộc chiến truyền thông, để vô hiệu hóa các chiến dịch tuyên truyền do Nga và Trung Quốc đạo diễn.
Tỉ lệ tăng trưởng 4,5% của Trung Quốc gây hoài nghi
Về tình hình Trung Quốc, tỉ lệ tăng trưởng 4,5% trong quý đầu 2023, mà chính quyền Bắc Kinh vừa công bố, gây ấn tượng. Nhưng theo Le Monde, giới chuyên gia hoài nghi về số liệu này. Trên Twitter, văn phòng tư vấn China Belge Book đánh giá đây là "đây là một số liệu hoàn toàn là huyễn tưởng". Theo Le Monde, số liệu chính thức của Trung Quốc có thể cho thấy một xu thế tăng trưởng trở lại, nhưng rất nhiều khả năng số liệu này không phản ánh thực tế nền kinh tế Trung Quốc. Đơn cử doanh số bán xe hơi, vốn chiếm 10% GDP, đã sụt giảm 13,6% trong quý đầu, so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế gia trưởng Dan Wang, Ngân hàng Hồng Kông Hang Seng, Thượng Hải, cũng cho biết ngạc nhiên về số liệu này. Theo ông, ưu tiên của chính phủ Trung Quốc hiện nay là khôi phục niềm tin của thị trường, việc công bố số liệu lạc quan như trên là nhằm mục tiêu này. Theo tân thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, mục tiêu của Trung Quốc là tăng trưởng 5% trong năm nay, và đây là điều khó đạt.
Liên Âu thúc đẩy công nghệ bán dẫn
Báo chí Pháp hôm nay cũng chú ý đến quyết định của Liên Âu tăng tốc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Trang nhất và phụ trang của Le Figaro giới thiệu thỏa thuận của Nghị Viện Châu Âu và 27 quốc gia của khối ngày hôm qua. Với luật Chip Act, Liên Âu hy vọng tăng gấp đôi thị phần trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu lên 20%, để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc cùng nhiều nước Châu Á khác, và Hoa Kỳ. Ủy viên Châu Âu phụ trách thị trường nội địa và kỹ thuật số Thierry Breton hoan hỉ tuyên bố : "Châu Âu đã tự nắm lấy vận mệnh của mình".
Ủy Ban Châu Âu có kế hoạch huy động 100 tỉ euro, và có thể tăng gấp đôi số tiền này. Một trong các hướng đầu tư cơ bản là các linh kiện bán dẫn tân tiến nhất. Riêng tại Pháp, hai công ty STMicroelectronics và Global Foundries có dự án xây dựng một nhà máy lớn tại tỉnh Isère.
Thuế carbon với hàng nhập khẩu : Nghị quyết ''lịch sử'' của EU
Trong lĩnh vực môi trường, nhiều báo Pháp nói đến sự kiện lịch sử "Nghị Viện Châu Âu thông qua thuế carbon với hàng nhập khẩu" hôm qua. Đối với Le Monde, đến năm 2050, thế giới vẫn sẽ phải nhớ lại văn bản luật quan trọng này. Đánh thuế carbon với hàng nhập khẩu là một biện pháp căn bản giúp Liên Âu đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, và giảm ngay 57% vào năm 2030. Các mặt hàng liên quan trước hết đến thuế carbon là thép, nhôm, xi măng, điện hay phân bón hóa học. Giới kinh tế gia kỳ vọng vào biện pháp tăng giá hàng nguyên vật liệu này giúp giảm bớt việc sử dụng năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên các nhà công nghiệp cũng lo ngại nguy cơ nhiều cơ sở sản xuất ở Châu Âu "di dời ồ ạt ra ngoài", để tránh gánh nặng của sắc thuế mới.
Cũng về chủ đề này, nhật báo công giáo La Croix dẫn lời chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị Viện Châu Âu, Pascal Canfin, khẳng định đây là một "cải cách có ý nghĩa lịch sử với khí hậu". Nghị quyết được tuyệt đại đa số nghị sĩ Châu Âu thông qua với 487 phiếu thuận, 81 phiếu chống, và 75 phiếu trắng. Luật đánh thuế carbon ở biên giới Châu Âu sẽ đi vào giai đoạn thử nghiệm kể từ tháng 10/2023, và dự kiến được thực thi hoàn toàn từ 2026. Kể từ 2026 đến 2034, Cơ chế đánh thuế carbon ở biên giới Châu Âu sẽ dần dần được mở rộng ra ngoài nhóm hàng hóa nguyên vật liệu. Các thành phẩm như xe hơi cũng sẽ bị đánh thuế.
Trọng Thành
Đối ngoại thất bại, nội trị trắc trở, sau cơn mưa trời lại sáng với Macron ?
Báo chí Pháp hôm 17/04/2023 tiếp tục phê phán chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp : ba mục đích kinh tế, Ukraine, tự chủ của Châu Âu đều không đạt được – theo ông Pierre Lellouche, trên báo Le Figaro. Còn trên Les Echos, Dominique Moïsi cho rằng ý định đứng lửng lơ giữa hai phe dân chủ và toàn trị, là hoàn toàn vô nghĩa. Về nội trị, ông Emmanuel Macron muốn lật sang một trang mới sau khi ban hành luật cải cách hưu trí.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện với quốc dân trên truyền hình từ điện Élysée ngày 17/04/2023, sau khi ký ban hành luật cải cách
Bài học từ chuyến đi thất bại của Emmanuel Macron
Le Figaro trên trang Ý kiến đăng bài viết của ông Pierre Lellouche, cựu chủ tịch liên nghị viện các nước NATO, rút ra những bài học từ chuyến đi này. Cách đây 59 năm, tướng De Gaulle là người đầu tiên công nhận Trung Quốc cộng sản của Mao, thiết lập chủ trương một nước Pháp đồng minh của Hoa Kỳ nhưng độc lập giữa hai khối thời đó. Tháng 4/2023, tiếc thay ông Emmanuel Macron lại làm rõ thêm sự xuống cấp cũng như nhập nhằng trong đối ngoại của Pháp. Kinh tế, Ukraine, "chủ quyền Châu Âu", cả ba mục đích đều không đạt được.
Về kinh tế, ngoài nhà máy Airbus thứ nhì được xây dựng ở Trung Quốc chứ không phải ở Pháp, Bắc Kinh không hứa hẹn gì về thâm thủng mậu dịch khổng lồ 40 tỉ euro giữa hai nước. Ngược lại, ông Macron lại để cho tập đoàn Total lần đầu tiên ký hợp đồng dầu khí bằng nhân dân tệ chứ không bằng đô la. Một thắng lợi lớn cho Bắc Kinh, vốn đang tìm cách phi đô la hóa ngoại thương để tránh né trừng phạt của Mỹ.
Về Ukraine, chẳng hiểu vì sao Macron lại có ý nghĩ là Trung Quốc có thể mang lại hòa bình. Những người thân cận với tổng thống Pháp nhấn mạnh Tập Cận Bình là người duy nhất có thể thay đổi cuộc chơi. Trong khi "bạn thân thiết" của Putin tiếp tục mua nguyên liệu từ Nga đang bị phương Tây cấm vận, và bán lại thiết bị cần thiết cho chiến tranh.
Tổng thống Pháp và những nghịch lý
Macron không muốn nhìn thấy từ nhiều tháng qua Trung Quốc cùng với Nga và BRICS xây dựng một mặt trận chống Mỹ và chống phương Tây. Và nếu Bắc Kinh có làm áp lực đi nữa, liệu Putin có chịu nhượng bộ coi như công khai thú nhận tình trạng chư hầu của mình ? Chẳng có gì ngạc nhiên khi Macron trắng tay trở về. Sau những nỗ lực bất thành trong việc đối thoại với Moskva, liệu có cần thêm một thất bại nữa với Bắc Kinh hay không ?
Còn về khái niệm "chủ quyền Châu Âu", tuy bà Ursula von der Leyen, ứng cử viên chức tổng thư ký NATO tỏ ra cứng rắn trước Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, Macron lại tuyên bố không muốn "theo đuôi" Hoa Kỳ. Từ Berlin đến Warszawa đều nhấn mạnh đó chỉ là ý kiến riêng của Emmanuel Macron. "Quyền tự quyết" ở đâu khi cuộc chiến ở Ukraine hoàn toàn do Hoa Kỳ và NATO lãnh đạo, và nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ, Ukraine đã nằm trong tay Nga ?
Và làm thế nào mà Paris mong muốn Ukraine chiến thắng, nhưng lại bỏ rơi Đài Loan trước móng vuốt Trung Quốc. Chẳng lẽ tự do của 48 triệu người Ukraine lại quý hơn tự do của 28 triệu dân Đài Loan ? Cuối cùng, làm sao có thể nói cuộc khủng hoảng Đài Loan không liên quan đến mình, trong khi khẳng định Pháp là cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương nhờ sự hiện diện ở Tân Calédonie và Polynésie ?
Sai lầm lớn : Không chọn lựa giữa dân chủ và độc tài
Les Echos nói về "Emmanuel Macron và những sơ hở của chính trị thực dụng". Khi tạo cảm giác là không chọn phe giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và hành động rất ít cho Đài Loan, tổng thống Pháp đã phạm sai lầm lớn : không chọn lựa giữa dân chủ và độc tài. Tác giả Dominique Moïsi đặt câu hỏi, vì sao lại tặng món quà như vậy cho Bắc Kinh ? Không như ông Macron nghĩ, số phận của Đài Loan liên quan trực tiếp đến Châu Âu. Sau khi phong trào dân chủ Hồng Kông bị đè bẹp, nếu Đài Loan bị chiếm bằng vũ lực sẽ là thất bại lớn lao của tự do dân chủ, và về địa chính trị, là đòn nặng nề cho phương Tây và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đó còn là tin rất xấu cho kinh tế thế giới, vì 90% số chip tân tiến nhất là từ Đài Loan.
Biến Châu Âu thành một cực quyền lực trên thế giới là một tham vọng chính đáng, nhưng Pháp không thể thực hiện một mình. Và tổng thống Macron, đang bị chỉ trích trong nước, liệu có khả năng liên kết các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) với những tuyên bố phảng phất mùi chống Mỹ xa xưa hay không ? Tệ hơn nữa, liệu ông có hoàn toàn ý thức về thời điểm đặc biệt kể từ ngày 24/02/2022 khi chiến tranh quay lại với Châu Âu, dường như có thể so sánh với cuối thập niên 30 ? Và nếu Putin là phiên bản đương đại của Hitler, trừ đi ám ảnh bài Do Thái nhưng cộng thêm vũ khí nguyên tử ?
Trước một nhà lãnh đạo hoang tưởng ở Moskva, và một đế chế Trung Quốc luôn quyết tâm bành trướng, ý định đi dây giữa Washington và Bắc Kinh, giữa dân chủ và toàn trị, hết sức vô nghĩa. Mối đe dọa về kinh tế từ Mỹ hoàn toàn khác biệt về tính chất với đe dọa từ Nga và Trung Quốc. "Không chọn lựa, là đã chọn lựa rồi" - theo Jean-Paul Sartre. Về địa chính trị, thái độ này không những làm cho đồng minh nghi ngờ mà đối thủ cũng không tôn trọng.
Cải cách hưu trí : Mối quan tâm hàng đầu
Trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay đều dành cho vấn đề cải cách chế độ hưu. Le Monde nhận thấy "Cải cách hưu trí : Macron ban hành luật, phản kháng tiếp diễn", Le Figaro cho rằng "Macron muốn lật sang trang nhưng không thay đổi mục tiêu". Les Echos giải thích "Hưu trí : Những gì sẽ thay đổi theo với cải cách", La Croix nói về "Một nhiệm kỳ cần tái thúc đẩy". Libération chạy tựa "SOS dân chủ".
Nhấn mạnh cần "Kết nối lại với người dân", xã luận Le Figaro nhận định từ ba tháng qua, tranh luận về cải cách hưu trí giống như một trận đấu. Một bên là ông Emmanuel Macron, quyết tâm thực hiện lời hứa cụ thể duy nhất trong chiến dịch tranh cử. Bên kia là các nghiệp đoàn với sự đoàn kết hiếm thấy, được sự hỗ trợ của đa số đối lập, ngáng chân bằng mọi cách. Chính quyền đã thắng và tối nay tổng thống phát biểu với hy vọng làm dịu căng thẳng.
Đã đành theo các thăm dò, đại đa số người Pháp phản đối kéo dài tuổi về hưu thành 64, nhưng cũng chẳng ai muốn xung đột tiếp diễn, làm đất nước xáo trộn. Thực chất đây là cuộc khủng hoảng lòng tin đối với chính phủ và thậm chí đối với tổng thống Macron, ông sẽ phải đổi mới trong thời gian còn lại trong nhiệm kỳ. Libération thiên tả nhấn mạnh, nói chuyện với quốc dân tối nay là một tổng thống đã yếu hẳn đi cả trong nước lẫn trên trường quốc tế. Theo điều tra của tờ báo, 76% người được hỏi cho rằng nền dân chủ đang đi xuống, một phần do các đại biểu "tách rời với thực tế người dân Pháp".
Khép lại thời kỳ rối ren
Trong bài xã luận mang tựa đề "Lắng nghe", La Croix nhận thấy tổng thống muốn nhanh chóng đóng lại quãng thời gian đầy xáo trộn để chuyển sang những vấn đề quan trọng khác, trong bối cảnh thế giới đang trở nên thô bạo hơn. Đã đành là luật đã được thông qua, nhưng đó là nhờ các công cụ định chế phong phú của nền đệ ngũ cộng hòa, còn thực tế xã hội khác hẳn. Ông Macron cần phải chú trọng đến tham vấn, đối thoại và các hình thức dân chủ khác. Le Monde cảnh báo về "Những thiệt hại của một cuộc xung đột bất tận".
Xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos kêu gọi "Giờ thì bắt tay vào công việc !", sau khi Hội đồng Bảo hiến thông qua đa số biện pháp cải cách hưu trí. Quyết định của Hội đồng cần phải được mọi người tôn trọng, nếu không coi như đứng về phía những người cực đoan. Các phe phái này do không nắm được quyền lực, muốn làm sụp đổ thành trì tối hậu đang bảo vệ nền cộng hòa trước nguy cơ dân chủ quá trớn. Đóng lại chương hưu trí còn là vấn đề phẩm giá, vì nước Pháp vừa trải qua bốn tháng làm trò cười cho thế giới. Về hưu năm 2030 ở tuổi 64 thay vì 65 như hồi năm 1981, trong khoảng thời gian đó con người đã đạt được thêm 10 năm tuổi thọ, liệu có đáng phẫn nộ đến thế
Bóng đen của Đảng cộng sản Trung Quốc phía sau TikTok
Liên quan đến Trung Quốc, luật gia Isabelle Feng trên Le Monde đặt vấn đề "Ai kiểm soát TikTok ?". Công ty mẹ của ứng dụng này là ByteDance đã bí mật tiến hành một loạt thay đổi, dẫn đến một cơ cấu cổ đông phức tạp mà phía sau là cái bóng của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đầu tiên ngày 30/04/2021, ba công ty quốc doanh trong đó có Cyberspace Administration of China, cơ quan quản lý internet đầy quyền lực, sở hữu 1% cổ phần tập đoàn với cái giá rẻ mạt 2 triệu nhân dân tệ (264.000 euro), nhưng chiếm một trong ba chiếc ghế hội đồng quản trị với quyền phủ quyết.
Người ngồi vào chiếc ghế này chính là Ngô Thụ Cương (Wu Shugang), quan chức đảng từng đả kích nhân quyền và tự do. Đến 20/05/2021, Trương Nhất Minh (Zhang Yimin), người sáng lập ByteDance từ chức tổng giám đốc ở tuổi 38 và nay sống ở Singapore. Giai đoạn thứ ba, ngày 18/01/2022 ông Trương nhượng lại toàn bộ cổ phần chiếm 98,81% trong tập đoàn cho một công ty mờ ám là Xiamen Xingchen Qidian Technology (XXQT) chỉ mới thành lập trước đó 20 ngày.
Báo chí Hoa lục đặt câu hỏi vì sao một "con chuột nhắt" có số vốn vỏn vẹn 1 triệu nhân dân tệ lại nuốt chửng được người khổng lồ trị giá 200 tỉ đô la, nhưng không tờ nào dám phá vỡ luật im lặng xung quanh hai cổ đông của XXQT. Chỉ biết mỗi người nắm 50% phần vốn của công ty thành lập tại Hạ Môn (Xiamen), nơi anh thanh niên Tập Cận Bình từng là phó chủ tịch thành phố từ 1985 đến 1988. Trong cùng một ngày, XXQT gán toàn bộ cổ phần cho một chi nhánh của ByteDance ở Hồng Kông.
Và cũng như nhiều tập đoàn đa quốc gia khác của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, ByteDance được thành lập ở quần đảo Cayman, một trong những thiên đường trốn thuế. Theo các nhà nghiên cứu, Bắc Kinh lợi dụng để huy động vốn nước ngoài cho các nhà kỹ nghệ của mình, thực chất là những công cụ ngoan ngoãn. Thế nên hôm 16/03 năm dự luật đã được đề nghị trước Quốc hội Mỹ trong đó có Ticker Act đòi hỏi minh bạch, bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ và tránh xa "chế độ diệt chủng của Đảng cộng sản".
Bốn triệu người Ukraine chết đói : Tội ác diệt chủng của Stalin
Nhìn sang Ukraine trên khía cạnh lịch sử, nhà sử học Nicolas Werth cho biết "Holodomor" (nạn đói ở Ukraine) là một cuộc "diệt chủng xô-viết" khác hẳn với Shoah (diệt chủng người Do Thái). Trong vòng hai năm (1931-1933), đã có 7 triệu người xô-viết chết đói trong trận đói lớn nhất Châu Âu vào thời bình. Trong đó có 4 triệu người Ukraine, gần 1,5 triệu người Kazakhstan và 1,5 triệu người Nga ; chủ yếu tại những vùng đất nông nghiệp màu mỡ nhất.
Đó là hậu quả chính sách cực kỳ thô bạo của chế độ Stalin : cưỡng bức tập thể hóa nông thôn nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa và kiểm soát về chính trị. Nạn đói càng trầm trọng thêm tại Ukraine từ mùa hè 1932 do Stalin muốn diệt trừ ý hướng dân tộc, bị cho là mối đe dọa đối với Liên Xô do Nga lãnh đạo. Thực phẩm, hạt giống bị tịch thu, những làng đói kém bị phong tỏa không cho dân quê vào thành phố kiếm sống.
Phương Tây chỉ biết đến nạn cưỡng bức lao động thông qua tác phẩm "Quần đảo ngục tù" của Aleksandr Solzhenitsyn. Nhưng thực tế nạn đói ảnh hưởng gấp đôi với số phận người dân Liên bang Xô viết (40 triệu) so với các gu-lắc (20 triệu). Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, người ta dần biết thêm về tội ác của Stalin. Nghị quyết đề ngày 22/01/1933 do Stalin ký ra lệnh phong tỏa các làng mạc Ukraine là bằng chứng giấy trắng mực đen quan trọng nhất. Nhưng Moskva quyết chối bỏ, đài tưởng niệm các nạn nhân bị chết đói được dựng ở Mariupol bị hủy diệt sau khi quân Nga chiếm được thành phố này.
Đối với Raphael Lemkin, luật gia nổi tiếng đã soạn thảo Công ước Liên Hiệp Quốc về tội diệt chủng, việc Stalin cố tình làm cho nông dân Ukraine chết đói là "trường hợp diệt chủng, không chỉ tiêu diệt những cá nhân mà cả một nền văn hóa, một dân tộc". Tài liệu này viết năm 1953, được phát hiện cách đây hơn một chục năm. Hiện nay khoảng 20 nước đã công nhận Holodomor là diệt chủng. Theo ông Lemkin, "cuộc diệt chủng xô-viết" nhằm "hủy diệt toàn bộ" người Ukraine nhưng không phải trên cơ sở chủng tộc, mà vì lý do chính trị, nhằm dập tắt nguy cơ nổi dậy của nông dân Ukraine.
Thụy My
Chuyến công du của Tổng thống Pháp ở Trung Quốc và những trận bão trong ly nước
Nhân chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Macron (với bà Chủ tịch Hội đồng Châu Âu) và những phát biểu của ông về ý chí tự chủ của Liên Hiệp Châu Âu (Liên Âu) và Pháp đã gây xôn xao dư luận từ hai bên thềm Đại Tây Dương nên mạo muội có vài suy nghĩ về những đề tài đang gây xôn xao này.
1. Tinh thần độc lập quốc gia có phải là một tội ?
Câu trả lời tùy theo quan niệm cá nhân.
Khi Trump đơn phương đột ngột rút quân khỏi Syria, bỏ đồng minh Kurdistan của mình trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (Islamic State – IS), phe đồng minh đều lũ lượt theo chân Trump. Trừ nước Pháp. Họ một mình tiếp tục ở lại chiến trường Syria giúp đỡ người Kurds.
Cả thế giới tự do đều lên án quyết định ích kỉ và vô trách nhiệm này của Trump, trừ Nga và Trung Quốc, không một ai lên án tinh thần độc lập (với Mỹ) và trách nhiệm này của Pháp. Nhưng cũng không một ai dám mở miệng khen vì... cảm thấy xấu hổ.
2. Khả năng, một ngày nào đó, Mỹ rút khỏi NATO có cơ sở hay không ?
Trong nhiệm kì tổng thống của mình, Trump đã từng tuyên bố muốn rút khỏi NATO, luôn bái phục Putin đến độ tuyên bố "giữa Putin và các cơ quan tình báo Mỹ thì ông ta tin tưởng Putin hơn". Vì lí do gì trong một buổi nói chuyện tay đôi với Putin, Trump không mang theo một người Mỹ nào, kể cả thông dịch viên ? Ám ảnh lớn của Trump và Putin là sự hiện diện của NATO bên cạnh họ, vậy họ đã bàn thảo những vấn đề gì với nhau có làm người ta phải suy đoán ? Ngay cả cơ quan tình báo CIA cũng đã phải vội vã đưa một gián điệp cấp cao của Mỹ ra khỏi nước Nga vì sợ Trump tiết lộ danh tánh người này với Putin.
Ngày 20/04/2014, khi Putin xa quân xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, NATO ở đâu và đã có phản ứng nào ? Từ 23/2 đến 7/4/2022, Putin chiếm thêm hai vùng phía đông Ukraine, Lugansk và Donetsk, NATO ở đâu và đã làm gì ? Khi Putin chính thức tuyên bố sát nhập Crimea vào lãnh thổ Nga ngày 27/02/2017, ngoài lời đe dọa sẽ trừng phạt vài lãnh đạo UKraine hợp tác với Nga, NATO đã không có một lời nào về quyết định này cả ?
Những sự kiện vừa kể trên minh chứng hùng hồn cái chết lâm sàng của NATO. Chính Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã tuyên bố NATO đang ở trong tình trạng chết não.
Phải chờ tới ngày 24/02/2022 khi Putin tung một đoàn xe tăng và thiết giáp dài hơn 80 km vượt biên giới Belarus tiến về thủ đo Kiev của Ukraine, NATO mới giật mình tỉnh dậy. Nói một cách khác, NATO đã được hồi sinh nhờ... Putin.
3. Có khả năng, một ngày nào đó nước Mỹ có một tổng thống có cùng lập trường và thái độ về địa chính trị thuộc vùng Châu Âu như Trump, thậm chí là Trump vào năm 2024, hay không ?
Tới lúc đang viết những dòng này, mặc dù đang bị Tòa án New York truy tố 34 tội hình sự, Trump không những vẫn được ủng hộ mà còn mạnh mẽ hơn trước. Điều này có thể là một bài học cho những tổng thống đảng Cộng hòa trong tương lai : phải có thái độ như Trump.
4. Nếu Mỹ rút khỏi NATO thì đồng minh của Mỹ ở Châu Âu sẽ ra sao ?
Tổng hợp những sự kiện vừa kể trên, viễn kiến cho sự tự lực và tự chủ quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu là một điều bắt buộc. Sự rút lui không báo trước của Mỹ cho đồng minh Châu Âu hoàn toàn có cơ sở. Một thí dụ, Mỹ đã đột ngột rút khỏi Afghanistan (cũng như đã làm trước đó ở Syria) trước sự sững sờ của đồng minh vì không hề được thông báo. Trước viễn ảnh này, vấn đề của Liên Hiệp Châu Âu và Anh là thời gian : thiết lập một chiến lược, một hệ thống phòng thủ quốc phòng đòi hỏi vài chục năm...
Hơn nữa, thái độ lợi dụng và ỷ lại cái dù Mỹ của một số quốc gia Châu Âu luôn bị Mỹ chỉ trích, mạnh nhất là bởi Trump và ngay cả ở Châu Âu. Sự chỉ trích này hoàn toàn chính đáng trên mọi phương diện.
Như vậy người ta có thể cùng lúc lên án sự lợi dụng, ỷ lại và lên án ý nguyện tự lập của Châu Âu ?
5. Cuối tuần vừa qua, trong thời điểm công du ở Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Bắc Kinh đã tung ra một cuộc tập trận qui mô phong tỏa Đài Loan. Tổng thống Macron liền ra lệnh cho một tàu chiến (khu trục hạm Prairial) có trang bị vũ khí, hệ thống radar và cả một lực lượng đặc nhiệm hiên ngang đi qua vùng biển giữa Trung Quốc và Đài Loan (Taiwan strait), cách bờ biển Trung Quốc 85 cây số, để chứng tỏ thái độ cứng rắn của Pháp (và của Liên Âu) đối với Trung Quốc. Song song với thái độ này, Tổng thống Macron phát biểu nước Pháp là đồng minh chứ không phải chư hầu của Mỹ nên không để bị lôi cuốn, một cách máy móc, vào những tranh chấp nào (ngụ ý giữa Trung Quốc và Mỹ) không phải của mình.
Sự kiện này nói lên một cách rõ ràng ý chí của Pháp : 1) cứng rắn đối với tham vọng bá chủ Biển Đông của Trung Quốc và 2) không vào hùa với Mỹ khi sự xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc "nếu" chỉ là sự tranh giành vị thế bá chủ chứ không phải cuộc chiến cho tự do.
Pháp muốn dành cho mình quyền tự quyết và quyền có tiếng nói của mình. Hai quyền này là những quyền tự nhiên của con người và luôn phải tranh đấu cam go để có. Trên phạm vi lớn hơn là quốc gia thì hai quyền này cũng thế. Tại sao lên án người khác những điều mà mình cũng muốn và vẫn làm ?
Macron nhắc lại là về ý thức hệ thì Pháp đứng chung chiến tuyến và là một đồng minh với nước Mỹ. Còn gì rõ ràng hơn ? Có gì để thắc mắc về tinh thần độc lập, không ỷ lại vào Mỹ của Pháp ?
6. Nước Pháp, với 300 đầu đạn nguyên tử, hoàn toàn tự chủ (hệ thống, kĩ thuật) với NATO (chứ không như Anh). Không một nước nào có thể nghĩ tới chuyện tấn công nước Pháp bằng vũ khí nguyên tử. Pháp dư thừa khả năng bảo đảm hòa bình cho chính họ.
Nhưng, với Macron, vấn đề không phải sự an toàn của nước Pháp mà tương lai của Liên Âu.
Lí tưởng của Macron từ trước tới nay vẫn như một : một Liên Âu hùng mạnh, độc lập trên mọi phương diện để sánh ngang vai cùng hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ trong thế kỉ 21, chứ không phải lệ thuộc cả hai như hiện nay. Đó là một viễn kiến hết sức sáng suốt và hoàn toàn khả thi nếu "một số nước" cùng quyết tâm.
Tại sao "một số nước" ? Tại vì một số quốc gia trong Liên Âu đang hưởng những lợi lộc kinh tế quá lớn từ Trung Quốc và Mỹ nên không dám làm bất cứ gì khiến hai siêu cường này phải cau mày, nghĩa là không nên có sự hiện diện của một siêu cường khác.
Nhưng thế giới đang biến chuyển và thay đổi rất nhanh, điều kiện thuận lợi của một số quốc gia này sẽ không thể kéo dài mãi mãi. Lãnh đạo "một số nước" này cũng biết như thế nhưng vì những lợi ích hiện nay và ngay bây giờ quá lớn khiến họ tạm thời gác lại những chuyện đường xa. Vớt được đồng nào hay đồng đấy.
Người Pháp có đủ thông minh để hiểu rằng họ, cũng như bất kì một nước nào trong khối Liên Âu, không đủ khả năng lãnh đạo một liên hiệp gồm 27 quốc gia, rộng hơn 4,1 triệu km2 với gần 450 triệu dân. Người Pháp chỉ mong ước được sống trong một khối Liên Âu hùng mạnh, trong đó họ cùng một vài quốc gia hùng mạnh khác giữ vai trò đầu tàu, như đang là bây giờ.
Nhiều dự án quốc phòng chung đã được kí kết và một số đã bắt đầu khởi công đều lần lượt bị rút lại để chờ, hoặc đơn giản là hủy bỏ, cũng vì vẫn còn "một số nước" dè dặt. Điều này chứng tỏ là có áp lực trong nội bộ Liên Âu và NATO.
7. Giữ một đường dây liên lạc giữa hai bên tham chiến là một thông lệ từ lâu, ít nhất là từ sau Thế chiến thứ hai, điển hình là "Điện thoại đỏ" giữa Mỹ và Liên Xô. Hiện nay Mỹ và Nga vẫn tiếp tục điện đàm thương thuyết thường xuyên về mọi diễn biến ở Ukraine. Nếu Tổng thống Macron vẫn giữ liên lạc với Moskva và Bắc Kinh thì có gì là bất thường ?
Có nhiều khả năng là cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ chấm dứt bằng giải pháp chính trị, nghĩa là phải qua hòa đàm. Trong điều kiện đó, bên nào không chuẩn bị sẽ bị thua thiệt nặng.
Thành ngữ Pháp có câu "người được chuẩn bị có giá trị gấp đôi".
Lê Mạnh Tường
(14/04/2023)
Cuộc họp thượng đỉnh kỷ niệm 70 năm thành lập Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa kết thúc ở Anh quốc tuần rồi đã có một số điều đáng ngạc nhiên. Mà ngạc nhiên nhất cho Châu Âu là về thái độ của Tổng thống Donald Trump.
Từ trái : Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson trên sân khấu cuộc họp Thượng Đỉnh NATO hôm 4/12/2019 tại Watford, England. (Hình : /Steve Parsons-WPA Pool/Getty Images)
Tổng thống Trump, như tờ New York Times nhận xét, luôn rất thích làm cho các lãnh tụ Châu Âu mất thăng bằng, gây sự với đồng minh, thân thiện với đối thủ, và tạo ra một cuộc chạy đua làm cách nào tốt nhất để đối phó với ông. Nhưng trong giai đoạn gần đây Châu Âu cũng đang trải qua những thay đổi chóng mặt và có vẻ chuyến này Châu Âu đã làm tổng thống mất thăng bằng.
Trước hết là cuộc họp báo với Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp. Tổng thống Trump đã ngồi xuống cái ghế nạm vàng kế bên Tổng thống Macron, chuẩn bị cho một điều đã thành một thủ tục ở trên đất nhà của ông ở Tòa Bạch Ốc : Ông nói thao thao bất tuyệt trong khi lãnh tụ ngồi đối diện chỉ còn cách cười gượng gạo trước những câu nói đùa, lời tấn công hay ngay cả sự sỉ nhục.
Nhưng ông Macron đã đổi kịch bản. Khi cuộc họp báo kéo dài 45 phút ở tư dinh Đại sứ Hoa Kỳ ở Luân Đôn kết thúc, ông Tổng thống Pháp đã đạt được một điều hiếm có, lật ngược lại vai trò, đặt tổng thống vào thế thủ về viễn ảnh của ông cho NATO và về cách ông giải quyết cuộc tranh chấp quân sự liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ. Đã có một lúc ông Macron gạt phắt sang một bên sự cố gắng nói đùa của tổng thống. Nhướng mình sang phía ông Macron, ông Trump hỏi : "Liệu ông có muốn vài tay súng ISIS tử tế không ?". Và rồi sau khi nói "nhiều" tay súng này đến từ Pháp, Tổng thống Trump tiếp "Tôi có thể tặng họ cho ông".
Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại cuộc hội kiến ở Winfield House, London vào ngày 3/10/2019. (Hình : Ludovic /Getty Images)
Ông Macron, ngồi ở mép ghế, tay nắm chặt trên đùi, trả lời "Hãy nghiêm chỉnh. Số rất lớn những tay súng ở hiện trường là những tay súng đến từ Syria, từ Iraq". Tổng thống Trump không có câu trả lời.
Giây phút đầy kịch tính này đã làm nổi bật một liên hệ vốn đã từng là một ôm hôn kéo dài, phủi bụi trên ve áo, và cú bắt tay đến nổi gân đã biến dạng trước những chia rẽ từ khủng bố đến chính sách mậu dịch. Lần này, sự suy đồi trong liên hệ xảy ra trước ống kính truyền hình.
Tiến sĩ Heather Conley, Giám đốc chương trình Châu Âu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington giải thích "Tổng thống Trump không thích đối đầu trực diện và không biết làm sao để phản ứng khi mình là nạn nhân. Ông Macron hiểu điều đó. Ông quyết định cách phòng thủ tốt nhất là tấn công".
Trước đó trong ngày, tổng thống, một người thích tuyên bố tùy hứng, đã giữ kẽ không nhảy vào cuộc bầu cử ở Anh đang sắp xảy ra. Hẳn là ông bực bội lắm nhưng với khuyến cáo của Thủ tướng Boris Johnson bên tai, ông rất kiềm chế, chỉ nói là ông Johnson sẽ là một thủ tướng tốt.
Đối với tổng thống vốn tự hào là mình là "Kẻ gây rối vĩ đại", đây quả là một sự đổi chiều đáng kinh ngạc, và là một sự thay đổi tình hình ở Châu Âu – với một vị tổng thống Pháp đầy tham vọng, một thủ tướng "vịt què" ở Đức và một thủ tướng dân túy đang đòi ly khai ở Anh – đã làm thay đổi những tính toán của tổng thống.
Hiện nay, ông Macron đã thay thế Thủ tướng Angela Merkel của Đức là đối thủ chính của Tổng thống Trump ở Châu Âu. Điều mỉa mai là những lời bình luận gần đây của Tổng thống Pháp là NATO đã quá mệt mỏi và đang chơi vơi về chiến thuật – hay trong một tình trạng "hoại não" như ông đã nói trong bài phỏng vấn với tờ The Economist hôm tháng rồi – đã làm cả ông Trump lẫn bà Merkel tức giận, khiến trong giây lát hai người đã là đồng minh.
Riêng về ông Johnson, đồng minh tự nhiên nhất của ông ở Châu Âu, tổng thống đã gần như là công khai bực tức khi ông cố tìm cách tránh không dính đến cuộc tổng tuyển cử vào ngày 12/12 tới đây. "Tôi không muốn làm cho mọi sự phức tạp hơn", ông nói, trong một sự công nhận miễn cưỡng là ông đã không được bao nhiêu người dân Anh thích khiến nếu ông lên tiếng ủng hộ ông Johnson thì chỉ làm hại ông Johnson.
Pháp : Hiểu nỗi giận dữ của Áo Vàng, Macron vẫn kiên quyết cải cách
Ngày đầu năm mới 2019, tất cả các nhật báo lớn của Pháp nghỉ lễ, rừ tờ Le Monde ra số đúp cho ngày mùng 1 và mùng 2 tháng Giêng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đọc diễn văn chúc mừng Năm Mới 2019 tại điện Elysée, Paris, ngày 31/12/2018. Michel Euler/Pool via Reuters
Trang nhất của Le Monde nổi bật với hồ sơ "đồng tiền chung Châu Âu tròn 20 năm, nhưng vẫn yếu ớt". Tiếp theo là hình ảnh đô trưởng Paris Anne Hidalgo chuẩn bị cho cuộc chiến bầu cử địa phương sắp tới.
Bài diễn văn chúc mừng Năm Mới toàn dân tối 31/12/2018 với ba lời chúc chính "phẩm cách, sự thật và hy vọng" của tổng thống Pháp được phân tích và bình luận trên website của nhiều tờ báo lớn.
Không nhắc đến những người Áo Vàng trong bài diễn văn, nhưng người đứng đầu nhà nước Pháp cho biết đã rút ra được bài học của năm 2018 thông qua "những mối bất hòa và nỗi tức giận có từ lâu : tức giận trước những bất công, trước tiến trình toàn cầu hóa đang diễn, đôi khi không thể hiểu nổi, tức giận trước một hệ thống hành chính trở nên quá phức tạp và thiếu khoan dung, tức giận chống lại những thay đổi sâu sắc buộc xã hội chúng ta phải đặt ra nhiều câu hỏi về bản sắc, về ý nghĩa, mục đích". Ông Macron khẳng định : "Trong mắt tôi, nỗi tức giận này, bất kể những thể hiện cực đoan và thái quá, nói lên một điều là chúng ta đã không khuất phục".
Xã luận của Le Monde nhận định tổng thống Pháp đã "cảm nhận được nỗi tức giận" từ phía người dân. Theo Le Monde, thái độ mang tính "chiến đấu" của tổng thống Pháp trước hết được thể hiện qua việc ông đứng phát biểu bên cửa sổ, sau lưng là áp phích có chữ "Bác Ái" (Fraternité), thay vì ngồi bên bàn làm việc như những lần trước. La Croix thấy tổng thống Emmanuel Macron "cứng rắn và kiên quyết".
Libération có bài phân tích ghi nhận "Macron thử phản công trước phong trào Áo Vàng". Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định : "Đối với năm 2019, Macron muốn xây dựng những biện pháp an ninh mới của thế kỷ 21". Trong bài diễn văn chúc Năm Mới, tổng thống Macron cũng ngầm chỉ trích những hành động bạo động của "một số người tự xưng là phát ngôn nhân danh dân tộc, thực ra chỉ là phát ngôn viên của một đám đông thù hận, tấn công vào những người đại diện của dân, lực lượng giữ gìn trật tự, nhà báo, người Do Thái, người nước ngoài, người đồng tính. Hành động như vậy là phủ nhận nước Pháp".
Thái độ "kiên quyết" tiếp tục đường lối cải cách được tổng thống Macron thể hiện qua lời trấn an rằng các biện pháp cải cách từ khi ông nhậm chức "không thể mang lại kết quả ngay lập tức và sự sốt ruột của người dân - điều mà ông hoàn toàn chia sẻ - sẽ không biện minh cho bất kỳ sự bỏ cuộc nào".
Theo La Croix, niềm "hy vọng" trong diễn văn của tổng thống được thể hiện qua phát biểu : "Chúng ta hãy ngừng hạ thấp uy tín của mình, ngừng làm người khác tin rằng Pháp là một quốc gia, nơi mà tình đoàn kết không tồn tại, nơi mà người ta luôn phải tiêu xài nhiều hơn", Emmanuel Macron kêu gọi "tìm lại sự thống nhất và nỗ lực ở mỗi người", tất cả cùng tin vào "tương lai chung".
Tỏ ra thấu hiểu sự phẫn nộ của người dân, tổng thống Pháp cho rằng "cần phải đặt con người làm trọng tâm" trong chiến lược hành động của mình, phải đấu tranh chống những thế lực cản trở xã hội và Nhà nước. Với hy vọng "chúng ta phải làm tốt hơn", tổng thống Pháp hứa viết thư gửi người dân Pháp trong những ngày tới, để nêu rõ những nét lớn của cuộc "thảo luận toàn dân", sẽ bắt đầu từ giữa tháng 01/2019.
Lực lượng Pháp trong thế kẹt ở Syria
Trên trường quốc tế, "Pháp rơi vào thế kẹt trong cuộc xung đột ở Syria" là nhận định của bài phân tích trên Le Monde. Sau khi tổng thống Trump tuyên bố triệt thoái quân Mỹ khỏi Syria, dù sau đó ông cải chính sẽ giảm cường độ rút quân, "Pháp chưa bao giờ bị cô lập đến như vậy trong hồ sơ này dù lực lượng Kurdistan Syria yêu cầu tổng thống Pháp ủng hộ về mặt ngoại giao, thậm chí là bảo vệ về quân sự".
Lời kêu gọi "Một đồng minh, trước hết là phải tin cậy được" của tổng thống Macron dường như rơi vào vô vọng. Pháp phụ thuộc chặt chẽ vào Mỹ tại chiến trường Syria, như nhận xét của một nguồn tin nắm rõ hồ sơ, với nhật báo Le Monde : "Chúng ta (Pháp) không thể ở lại nếu họ (Mỹ) rút quân và hơn nữa, chúng ta còn không có phương tiện để rút lui mà không có họ". Một ví dụ cụ thể, lực lượng Pháp phụ thuộc vào đối tác Mỹ, trong đó có việc vận chuyển người bị thương bằng máy bay trực thăng.
Sự thay đổi đột ngột của Mỹ cho thấy rõ bế tắc trong chính sách của Pháp về Syria. Paris tin tưởng rất nhiều vào sự hợp tác với Washington, cụ thể là chính quyền Trump tỏ ra cương quyết hơn trong hồ sơ Syria so với người tiền nhiệm. Tuy nhiên, "ngoài ưu tiên hàng đầu là triệt hạ tổ chức Nhà nước Hồi giáo, người ta không rõ Pháp muốn làm gì ở Syria", theo nhận định của ông Marc Pierini, cựu đại sứ của Liên Hiệp Châu Âu ở Damascus và Ankara.
Khi Mỹ rút quân khỏi Syria, chính quyền Pháp sẽ hành động với ai trong hồ sơ Syria ? Sẽ không có chuyện hợp tác với chính quyền Assad hoặc với nước đỡ đầu là chính quyền Iran. Mối quan hệ với Nga vẫn bị sự thiếu tin tưởng chi phối. Ankara có lẽ là đối tác ít bất hợp lý nhất. Tuy nhiên, gần đây, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố việc duy trì lực lượng Pháp để ủng hộ phe dân quân Kurdistan "sẽ không có lợi cho bất kỳ ai", đồng thời nhấn mạnh rằng việc duy trì lực lượng Pháp "để đóng góp vào tương lai của Syria" có thể mang ý nghĩa tích cực. Với Paris, những lời đe dọa này là không chấp nhận được.
Liên quan đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột ở Syria, Le Monde cho biết "Ankara tìm hậu thuẫn từ Moskva để "chấm dứt" với lực lượng Kurdistan Syria". Hai bên đang tìm một chiến lược sau khi quân Mỹ rút khỏi Syria.
Châu Âu phải thức tỉnh năm 2019
Mỹ rút khỏi Syria không chỉ tác động đến Pháp, mà đến toàn bộ lực lượng Châu Âu đang hiện diện tại Trung Đông. Thêm vào đó là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dường như đang đẩy hai cường quốc thành người chủ cuộc chơi. Theo xã luận của Les Echos, được đăng tên website, "Châu Âu phải thức tỉnh năm 2019".
Châu Âu đơn độc ở Trung Đông khi tổng thống Mỹ quyết định triệt thoái quân. Châu Âu cũng đơn độc trên mảng kinh tế, trước hai cực Mỹ-Trung. Theo bài xã luận, những bài học của năm 2018 kêu gọi cần phải thức tỉnh về chiến lược và chính trị.
Trước hết, Châu Âu phải độc lập về mặt an ninh. Thủ tướng Đức cho rằng "thời kỳ trông cậy vào Hoa Kỳ để bảo vệ chúng ta đã thay đổi. Châu Âu phải tự bảo vệ mình nhiều hơn". Trước hai cường quốc kinh tế không ngừng giương vuốt để bảo vệ lợi ích riêng, Châu Âu là một sức mạnh ngây thơ. Bằng chứng mới nhất là 6 nước Châu Âu (Bỉ, Anh, Đan Mạch, Ý, Na Uy, Hà Lan và sắp tới là Phần Lan) chọn mua chiến đấu cơ F35 của Mỹ hơn là máy bay của Châu Âu, trong khi sản phẩm của Châu Âu không có chút cơ may nào được tiêu thụ tại thị trường Mỹ.
Bài xã luận nêu lên một ví dụ khác, một trong những quyết định đầu tiên của Bruxelles vào năm 2019 có thể sẽ là cấm Alston và Siemens hợp nhất để trở thành một nhà vô địch về đường sắt có khả năng cạnh tranh với hai tập đoàn lớn của Trung Quốc.
Về tài chính, vụ cấm vận Iran đã chứng minh rằng Châu Âu vẫn nằm dưới ảnh hưởng của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ.
Tròn 20 tuổi, đồng euro vẫn yếu ớt
Le Monde đề cập đến sự kiện, cách đây đúng 20 năm, vào ngày 01/01/1999, mười một nước Liên Hiệp Châu Âu đã thông qua đồng tiền chung euro, bắt đầu được đưa vào lưu hành năm 2002. Hiện tại có 19 nước sử dụng đồng tiền này.
Hai mươi năm sau, đồng euro đã vượt qua được cuộc khủng hoảng 2008, được đánh giá là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ năm 1930, và 340 triệu người sử dụng vẫn gắn bó với đồng tiền chung Châu Âu. Tuy nhiên, theo Le Monde, đồng euro đã không làm tròn nhiệm vụ tập trung các nền kinh tế và sự bất cân đối giữa các nước thành viên ngày càng đào sâu. Dù Ngân hàng Trung ương Châu Âu được thành lập, các nước Liên Hiệp vẫn chưa lập được cơ quan quyền lực chính trị, cũng như ngân sách duy nhất.
Tuy nhiên, một thành công của đồng tiền chung Châu Âu, theo ông Jean-Claude Trichet, cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu, đó là đồng euro đã giúp tránh được tình trạng lạm phát.
Bangladesh : Đảng cầm quyền gần như chiếm tuyệt đối ở Quốc hội
Thời sự Châu Á được Le Monde đề cập là sự kiện "Đảng cầm quyền ở Bangladesh giành chiến thắng trong bầu cử Quốc hội" ngày 30/12/2018. Liên minh của thủ tướng giành được 288 trên tổng số 300 ghế ở Quốc hội.
Thủ tướng Sheikh Hasina, 71 tuổi, giữ thêm nhiệm kỳ thứ tư, trong khi phe đối lập tố cáo gian lận và bắt giam tùy tiện. Ông Iftekharuzzaman, giám đốc tổ chức phi chính phủ Minh bạch Quốc tế ở Bangladesh, không tỏ ra lạc quan về tương lai chính trị vì "với một nhiệm kỳ mới, Sheikh Hasina sẽ còn trở nên độc tài hơn".
Pháp : Rạp chiếu phim bị ảnh hưởng vì biểu tình
Trên lĩnh vực văn hóa, Le Monde chú ý đến "số lượng người Pháp đến rạp chiếu phim giảm 4,25% trong năm 2018", với khoảng 200,5 triệu khán giả, ít hơn 9 triệu so với năm 2017.
Ba nguyên nhân chính được nêu lên : thiếu các phim ăn khách của Mỹ, giải Vô địch Bóng đá Thế giới và tình trạng nắng nóng. Ngoài ra, các cuộc biểu tình liên tiếp của nhân viên ngành đường sắt vào mùa thu, và phong trào Áo Vàng dẫn đến tình trạng bạo lực ở Paris vào tháng 11 và 12, cũng làm giảm bớt số lượng khán giả đến phòng phim. Với khoảng 5.909 phòng chiếu trên khắp lãnh thổ, Pháp vẫn là nước đứng đầu Châu Âu về điện ảnh.
Thu Hằng
Pháp : Macron nhượng bộ, báo chí nghi ngờ, Áo Vàng hồi V
Sau 4 hồi biểu dương lực lượng của phe Áo Vàng và một tháng im lặng, tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, cuối cùng tối hôm qua đã lên tiếng.
Trang nhất báo Pháp ngày 11/12/2018 với tựa chính về phát biểu của tổng thống Emmanuel Macron ngày 10/12. Fotomontagem RFI
Lời nhận lỗi và các biện pháp thông báo để "xoa dịu" cơn phẫn nộ của phe Áo Vàng của ông Macron được giới truyền thông Pháp hôm 11/12/2018 tập trung phân tích. Nhìn chung, các nhật báo lớn của Pháp đều nghi ngờ là các nhượng bộ của ông Macron có thể đáp ứng được mong đợi của những người phản đối.
Như đáp lại câu hỏi của nhật báo độc lập Le Monde ra chiều tối hôm trước "Macron : Bước ngoặt nào cho nhiệm kỳ 5 năm ?", nhật báo kinh tế Les Echos trên trang nhất chạy hàng tít đậm "Sức mua : Các biện pháp sốc của Macron".
"Mãi lực, tranh luận quốc gia : Khế ước mới của Macron", tựa của nhật báo thiên hữu Le Figaro. Nhật báo thiên tả Libération thì nhắc lại câu nói của tướng De Gaulle, châm biếm chạy tít "Tôi đã hiểu được quý vị một chút".
Cuối cùng thì tổng thống Pháp cũng đã có "các nhượng bộ" như nhận xét của nhật báo công giáo La Croix. Theo đó, để giúp tăng mãi lực của người dân, một loạt các biện pháp "sốc" đã được đưa ra : Miễn các khoản đóng góp xã hội và thuế thu nhập khoản tiền lương làm thêm giờ ; Hủy tăng mức đóng góp xã hội CSG (Contribution sociale généralisée - Đóng góp cho toàn xã hội) đối với những người về hưu có thu nhập thấp hơn 2000 euro/tháng ; Tăng mức tiền thưởng lao động đối với những người có mức thu nhập thấp, điều này dẫn đến việc tăng lương tối thiểu thêm 100 euro/tháng.
Những tuyên bố này được giới báo chí nghi ngờ tiếp nhận. Một mặt, đa số các bài xã luận đều đánh giá cao thái độ "nhìn nhận sai lầm" của ông Macron và công nhận nguyên thủ Pháp đã có nhiều nhượng bộ quan trọng. Les Echos cho rằng "ông Macron đã không hà tiện dùng các biện pháp để dập tắt đám lửa. Bệnh càng nặng, liều thuốc phải càng cao".
Mặt khác, nhiều nhật báo cũng nghi ngờ đặt câu hỏi : Phát biểu của ông Macron có thuyết phục được lòng dân hay không ? Câu trả lời là "chưa chắc". Le Figaro tự hỏi : "Sau việc từ bỏ tăng thuế cacbon, khế ước mới cho quốc gia theo như ông Macron đề nghị liệu có sẽ thuyết phục được những người nổi dậy xếp Áo Vàng vào hộp hay không ?".
Tờ nhật báo cộng sản L’Humanité có cái nhìn khắt khe hơn cho rằng nguyên thủ Pháp đã thất bại trong cách điều hành : "Tổng thống đã phải nhượng bộ, nhưng còn xã mới đủ (…) Bị chao đảo vì phong trào Áo Vàng, học sinh trung học la ó, người lao động phản đối, tổng thống Pháp bị lôi ra khỏi giấc mộng người đầy quyền lực".
Cuối cùng, Libération cảnh báo ngay cả khi sự ủng hộ của công chúng dành cho phe Áo Vàng nếu có suy giảm như trông đợi của ông Macron, "phong trào phản đối khó có khả năng tắt lịm trong ngày một ngày hai".
Bất chấp nhượng bộ, Áo Vàng vẫn muốn hồi V
Le Figaro cũng quan tâm đến phản ứng của phe Áo Vàng sau bài phát biểu của tổng thống. Tờ báo nhận thấy "đối với người này đó là những biện pháp nhỏ nhặt, với những người khác là ‘bước đầu hiểu nhau’".
Thủ đô Paris cuối tuần này có nguy cơ lại tiếp tục là sàn diễn của phe Áo Vàng. Lời kêu gọi biểu tình ở Paris một lần nữa đã được đưa ra ngay sau bài phát biểu của tổng thống Pháp. Đối với nhiều người, những biện pháp ông Macron đề xuất rất "nhỏ nhặt", nguyên thủ Pháp vẫn không có gì thay đổi, "Macron vẫn là tổng thống của nhà giàu" khi kiên quyết không tái lập thuế về tài sản. Quyết định tăng lương tối thiểu thêm 100 euro là "chưa đủ". Nhiều người Áo Vàng tại nhiều tỉnh nhỏ cho rằng cần phải có một cuộc trưng cầu dân ý về các đường lối chính sách của ông Macron hay như cần phải phế truất tổng thống…
Nhưng những chỉ trích trên cũng không được nhiều người Áo Vàng đồng tình. Họ nghĩ là tổng thống đã có những nhượng bộ đáng kể, ông "bắt đầu thấu hiểu người dân" và có "thiện chí giải quyết khủng hoảng".
Tuy nhiên, Le Figaro lưu ý để có thể thực hiện các biện pháp "nhỏ nhặt" như cáo buộc của nhiều người Áo Vàng, nhà nước Pháp có thể sẽ phải tiêu tốn đến hơn 10 tỷ euro, với một hệ quả khác đáng lo ngại : Thâm hụt ngân sách năm 2019 có thể sẽ bị tăng lên ở mức là 3,5%, thay vì là 2,9% như dự kiến.
Bắc Kinh – Washington : Trận chiến thế kỷ ?
Căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung những ngày gần đây trở nên nóng bỏng mà trận chiến thương mại chỉ mới là màn mở đầu. Các vấn đề chiến lược mới chính là cốt lõi của mọi sự tranh chấp Mỹ - Trung. Đây chính là nhận xét của nhà báo Michel de Grandi trong bài viết có tựa đề "Cuộc chiến Bắc Kinh – Washington không chỉ có thương mại".
Nước Mỹ như bị Trung Quốc đấm nốc ao. Hoa Kỳ không còn là cường quốc duy nhất trên thế giới. Một vị trí mà Washington thống lĩnh từ bao thập niên nay, kể từ khi Liên Xô tan rã. Nước Mỹ bực bội vì bị Trung Quốc làm cho khốn khổ, lao đao ngay cả trong những lĩnh vực mà Hoa Kỳ không hề ngờ tới.
Trung Quốc gây căng thẳng định chế khi thành lập các cơ chế đa phương riêng của mình. Trung Quốc chống lại các nền dân chủ phương Tây khi tự cho mình là một mô hình quản lý với nhiều nước đang phát triển. Và nhất là địa bàn các vấn đề chiến lược có nguy cơ trở thành sàn đầu giữa hai ông lớn.
Tác giả cho rằng chỉ riêng tại Châu Á, chí ít có 3 điểm Hoa Kỳ và Trung Quốc đối chọi nhau : Bán đảo Triều Tiên, Biển Đông và nhất là Đài Loan, giờ lại trở thành tâm điểm của sự đối đầu. Với hòn đảo này, Washington không ngừng khiêu khích Bắc Kinh với các chiến dịch cho tầu chiến và chiến đấu cơ qua lại vùng eo biển chỉ rộng có 180 km. Một hành động mà Bắc Kinh luôn kịch liệt phản đối cho đấy là xâm phạm chủ quyền.
Hành động này cũng được Hoa Kỳ áp dụng trên Biển Đông với lý do vùng biển này "không thuộc một quốc gia nào" nên "Hoa Kỳ tiếp tục tự do lưu thông ở những nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép". Để ngăn chặn, Bắc Kinh tiến hành các cuộc tham vấn với các nước trong khối ASEAN sao cho có thể đạt được một bộ "quy tắc ứng xử" trên Biển Đông từ đây trong vòng ba năm tới. Hiện tại chưa có gì là bảo đảm đạt được.
Les Echos trích nhận định của chuyên gia Jean-Pierre Cabestan trường đại học Hồng Kông, cho rằng "Tập Cận Bình làm tất cả mọi thứ để có thể khẳng định vai trò lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc sao cho vẫn không vượt qua ngưỡng đối đầu vũ trang, không những với Hoa Kỳ, mà với cả những nước láng giềng trong trước mắt".
Les Echos cũng không quên nhắc lại, năm 2016, ông Steve Bannon, chủ nhân một trang báo cực kỳ bảo thủ Breitbart News đã từng viết : "Chúng ta sẽ tiến hành một cuộc chiến ở Biển Đông trong vòng từ 5-10 năm nữa. Không còn gì để nghi ngờ về điều này".
Để tránh rơi vào chiếc bẫy đối đầu trực diện, vẫn còn một giải pháp thứ ba, nằm giữa thương mại và các vấn đề địa chính trị : Tìm cách ngăn cản kẻ khác bành trướng sức mạnh. Do vậy trước hết Hoa Kỳ phải làm chủ các công nghệ và triển khai các biện pháp hòng ngăn chặn Trung Quốc đạt được các mục tiêu kế hoạch Made in China 2025.
Trong cuộc đua này, Trung Quốc sử dụng mọi chiêu có thể : từ không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đến dọ thám, đi qua cả việc mua lại các hãng công nghệ hàng đầu. Do vậy, vụ bắt giữ con gái chủ tịch Hoa Vi chỉ là chương mới trong cuộc cọ xát mà những màn "giựt gân" còn xa mới kết thúc.
Hiệp ước Di dân : Nạn nhân của "tin giả"
Trong lĩnh vực xã hội liên quan đến vấn đề di dân. Trong hai ngày họp 10-11/12/2018, tại Marrakech, Morocco, 150 quốc gia thông qua dự thảo Hiệp ước Di dân, dưới sự chủ trì của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên theo Le Monde, hiệp ước này trong những ngày qua trở thành đối tượng công kích của các phong trào cực đoan, dân tộc chủ nghĩa và phi tự do.
Trong bài xã luận có tựa đề "Các chiến dịch bóp méo thông tin xung quanh Hiệp ước Di dân", Le Monde cho biết một chuỗi các thông tin giả, bị bóp méo đã được lan truyền rộng rãi gây hoang mang cho người dân tại một số nước trong Liên Hiệp Châu Âu mà phong trào dân túy, bài di dân đang lên mạnh mẽ như Ý, Áo, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech…
Tại Pháp, Le Monde chỉ trích lãnh đạo đảng cựu hữu Tập hợp Quốc gia bởi vì bà Marine Le Pen đã không ngần ngại liên hệ phong trào Áo Vàng với Hiệp ước Di dân, cáo buộc chính phủ "tổ chức nhập cư" gây thiệt hại cho người lao động và sức mua của họ. Trên mạng xã hội, cư dân mạng sôi sục trước thông tin cho rằng "chính phủ Pháp bị đặt dưới sự giám hộ của Liên Hiệp Quốc" và sẽ có "hàng triệu di dân vào nước Pháp".
Le Monde nêu rõ Hiệp ước Di dân vừa được các nước thông qua không có chữ ký, không có tính chất ràng buộc. Tuy sẽ được bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 19/12/2018 tới đây, hiệp ước không nhằm mục đích áp đặt cách chính sách di dân đối với các bên tham gia. Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu hợp tác, các tham vọng chung và cùng chia sẻ trách nhiệm.
Pháp : Nhà dưỡng lão cho gà đẻ trứng
Gà đẻ trứng phục vụ con người được quyền hưởng một cuộc sống nhàn hạ, ung dung tự tại. Đây chính là mục tiêu mà chuỗi siêu thị Monoprix, thuộc tập đoàn Casino đặt ra cho các nhà cung cấp trứng gà.
Ngày 10/12/2018, Monoprix đã ký kết một thỏa thuận đối tác với công ty khởi nghiệp Poulehouse để kinh doanh các loại trứng của doanh nghiệp này, theo khẩu hiệu "Poulehouse đề nghị loại trứng đầu tiên không giết gà đẻ trứng".
Một cách cụ thể, những con gà đẻ trứng chỉ có sản lượng cao nhất trong vòng từ ba đến 18 tháng, tức là mỗi ngày cho được một quả trứng. Rồi khi sản lượng giảm dần, gà sẽ bị đem giết. Người ta ước tính "mỗi năm Pháp triệt hạ gần 50 triệu con gà đẻ trứng".
Theo mô hình kinh tế mới của Poulehouse, mỗi một quả trứng bán ra phải cho phép tài trợ chế độ hưu cho những con gà cao cấp này cũng như một nương thân ở vùng Limoges. Tại khu trang trại rộng 16ha này, người ta sẽ dựng hai trại, một cho gà đẻ trứng và một cho gà về hưu.
Nhưng mô hình này chỉ có lợi khi người tiêu thụ phải chấp nhận mua trứng với giá mắc hơn gấp đôi so với trung bình, tức là khoảng 1euro/ trứng hay 5,99 euro cho một hộp sáu quả. Đã được bày bán tại nhiều chuỗi siêu thị như Biocoop, Naturalia và Franprix, nhà cung cấp này đã bán được hơn một triệu quả trứng tính từ ngày thành lập năm 2017.
Nhóm khởi nghiệp hy vọng mô hình "không giết gà" có thể chiếm lĩnh từ 2-3% thị trường trước khi trở thành một tiêu chuẩn, như mô hình trứng thu nhặt từ gà thả rong.
Minh Anh
Khủng hoảng Áo Vàng : Tổng thống Pháp trả lời phẫn nộ của dân
Khủng hoảng Áo Vàng vẫn là chủ đề thời sự phủ kín các trang báo Pháp ra đầu tuần, đặc biệt tối nay (10/12) tổng thống Pháp sẽ có bài phát biểu quan trọng trên truyền hình. Trước bài diễn văn đang được dư luận mong đợi này, các báo đều đưa ra những dự đoán hay những câu hỏi cho nội dung về những biện pháp mà tổng thống sẽ thông báo.
"Hồi IV" của phong trào Áo Vàng ngày 08/12/2018 tại Paris. CHARLY TRIBALLEAU / AFP
Cái tên Macron xuất hiện ở hầu khắp trang nhất các báo. Le Figaro chạy tựa lớn : "Macron tìm câu chữ để thoát khỏi khủng hoảng". Les Echos thì dự đoán qua tựa trang nhất : "Áo Vàng : Những gì Macron chuẩn bị ra khỏi khủng hoảng". Còn nhật báo công giáo La Croix thì nhận định : "Đến lúc phải có câu trả lời".
Le Figaro đặt câu hỏi "Macron sẽ thay đổi hướng (chính sách) ?". Sau "Hồi 4" của những người Áo Vàng hôm thứ Bảy (08/12), trước khi lên truyền hình, tổng thống Pháp dành cả ngày hôm nay cho cuộc thảo luận về chính sách xã hội. Các lãnh đạo công đoàn, giới chủ, các hiệp hội dân biểu, chủ tịch hai viện Quốc hội, các tổ chức đối tác xã hội khác nhau đều được mời tham gia đóng góp sáng kiến giúp tháo ngòi nổ khủng hoảng nghiêm trọng mà nước Pháp đang trải qua.
Xã luận Le Figaro khẳng định, các biện pháp cấp bách đang được mong đợi, nhất là các biện pháp cho người về hưu và tầng lớp trung lưu đang gặp khó khăn rất nhiều trong cuộc sống. "Emmanuel Macron biết trước là các quyết định của ông sẽ chỉ chấp nhận được nếu chi phí cho nó phải được lấy từ tiết kiệm chi tiêu của chính phủ chứ không phải lấy từ nguồn thu thuế mà nước Pháp vốn đang giữ kỷ lục".
Vẫn theo Le Figaro, căn bệnh không phải chỉ ở thuế má. "Nước Pháp cần có một mô hình xã hội được thay đổi hoàn toàn. Việc cấp bách là hoàn thiện một khế ước xã hội mới để tái lập lòng tin chứ không phải chỉ có ký rồi là xong".
Xã luận tờ báo kêu gọi : "Sau ba tuần đối thoại giữa những người điếc và dân Pháp, tổng thống phải đề nghị được lối thoát cho cuộc xung đột ở tầm cao, nhưng lại phải tỏ ra khiêm tốn và thực tế".
Trong thời điểm mấu chốt này, nhật báo Libération gặp gỡ những người đã mất hết lòng tin, không còn trông chờ gì vào ông Macron nữa. Trong phóng sự dài của Libération mang tiêu đề "Áo Vàng : Quá muộn, lẽ ra phải nói từ trước", phóng viên của tờ báo đã gặp gỡ tìm hiểu ý kiến của một số người Áo Vàng về những gì họ mong chờ ở ông Macron trong thông báo trên truyền hình tối nay. Tờ báo khẳng định luôn "phát biểu của tổng thống không được mấy người biểu tình quan tâm. Họ không hy vọng sẽ có những biện pháp ngoạn mục nào và quả quyết muốn tiếp tục phong trào đấu tranh".
Nhượng bộ nhưng còn các cải cách ?
Về phát biểu tối nay, xã luận Libération nhận thấy những lời nói tràng giang đại hải đầy cảm xúc và cam kết ở ông Macron người ta đã được nghe nhiều lần.
Nhưng chắc chắn tối nay, tờ báo nhấn mạnh, tổng thống "sẽ chơi ván bài khó nhất trong cuộc đời chính trị ngắn ngủi của mình". Tổng thống không được phép sai sót chí ít nếu ông muốn "làm dịu sự phản kháng đang xé nát nước Pháp".
Trong khi đó xã luận La Croix chạy tựa ngắn gọn "nhượng bộ và giữ vững". Tờ báo ghi nhận, "hiếm khi nào tiếng nói tổng thống lại được mong đợi như vậy… Emmanuel Macron sẽ phải chứng tỏ ông biết nỗi phẫn nộ ở Pháp bắt nguồn từ đâu suốt cả tháng qua". Làn sóng phản kháng không chỉ bó hẹp trong áp lực thuế má mà bắt nguồn từ cung cách lãnh đạo của tổng thống. La Croix kêu gọi : "Trước người dân Pháp, Emmanuel Macron phải nhượng bộ và giữ vững : Tin vào những thay đổi cần thiết và kiên quyết trong các dự án cải cách".
Ngôn từ thì đơn giản vậy nhưng phía sau là một bài toán nan giải cho tổng thống Pháp. Thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng lần này chỉ là bước đầu.
Chuyển qua nhật báo Le Monde. Áo Vàng cũng là chủ đề nổi bật của tờ báo nhưng do ra sớm từ thứ Bảy (08/12), Le Monde không cập nhất được thời sự mới, tuy nhiên tờ báo cũng có nhiều bài viết giúp độc giả tìm hiểu thêm về "căn nguyên của một cuộc khủng hoảng xã hội chưa từng có", tựa trang nhất tờ báo.
Mỹ : Điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ khiến Donald Trump khó xử
Riêng về đề tài quốc tế, Le Monde nhìn qua nước Mỹ với bài viết về cuộc điều tra của tư pháp Hoa Kỳ về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang bắt đầu hé lộ những thông tin mà theo Le Monde cho rằng đang khiến tổng thống Donald Trump khó xử.
Theo Le Monde, thẩm phán Robert Muller người lãnh đạo cuộc điều tra nghi án Nga can dự bầu cử Mỹ, hôm thứ Sáu 07/12, lần đầu đã chuyển cho tư pháp các tài liệu khẳng định có mối liên hệ chặt chẽ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 với chính quyền Nga. Những tài liệu này có nhiều khả tín bởi các chi tiết được tập hợp từ lời khai của ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông Donald Trump.
Từ đầu vụ việc, khởi phát chỉ 6 tháng sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống, Nhà Trắng liên tục phủ nhận cuộc điều tra của thẩm phán Muller, nhưng những tài liệu mới được chuyển cho tư pháp lần này dường như đang khiến ông Trump lúng túng. Theo Le Monde, tổng thống Mỹ hứa công bố một "báo cáo phản biện" để chống lại tài liệu của Robert Muller. Có điều đến lúc này không ai biết khi nào tài liệu được công bố và dưới hình thức nào. Ông Trump chỉ quả quyết rằng "87 trang đã được viết".
Hoa Vi, tâm điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Chuyển qua với một thời sự quốc tế khác đang được báo chí quốc tế quan tâm đó là vụ bắt giữ tổng giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Vi tại Canada theo yêu cầu của Mỹ. Trang kinh tế Le Figaro có bài "Hoa Vi, người khổng lồ ở trung tâm công nghiệp viễn thông".
Le Figaro nhận thấy, "tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi giờ đang trong tâm điểm của cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Washington". Cái tên Hoa Vi dường như đang khiến Donald Trump phấn chấn. Tổng thống Mỹ đặt tập đoàn này như là trọng tâm của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ông coi Hoa Vi là gián điệp kinh tế, chính trị và quân sự phục vụ cho Bắc Kinh.
Vẫn theo tờ báo Pháp, xung khắc giữa Washington và Hoa Vi đã bắt đầu nảy sinh từ năm 2014. Wshington đã từng cấm tập đoàn Trung Quốc này tham gia đấu thầu của Mỹ cũng chỉ vì nghi vấn làm gián điệp. Căng thẳng tăng dần, cho đến tháng 02/2018 khi 6 cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có FBI, CIA rồi NSA, khuyến cáo công dân Mỹ không nên sử dụng thiết bị viễn thông Trung Quốc và đỉnh điểm là vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu vừa rồi.
Nhưng giờ đây Hoa Vi, công ty được thành lập năm 1987, được coi là "vật thể lạ" trong bầu trời viễn thông thế giới. Ba chục năm sau, Hoa Vi đã lớn mạnh thành một tập đoàn có 180 nghìn nhân nhân viên trải khắp thế giới và có doanh số hơn 92 tỷ đô la. Hoa Vi nhanh chóng vượt qua những người khổng lồ Mỹ, trở thành tập đoàn viễn thông lớn thứ 2 thế giới. Hoa Vi bị cáo giác có liên hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc nhưng điểm lớn vẫn là tham vọng thống trị thị trường viễn thông toàn cầu của Hoa Vi. Đó chính là mối lo ngại lớn nhất của Mỹ và một số đồng minh.
Mỏ quặng quý trong điện thoại di động
Phần cuối của mục điểm báo hôm nay xin được đến với bài viết trên nhật báo kinh tế Les Echos mang tiêu đề : "Đổ xô đi tìm vàng từ điện thoại thông minh".
Chiếc điện thoại thông minh, vật dụng đại trà trong cuộc sống hàng ngày có chứa các kim loại quý hiếm như vàng, bạc, platine và cả rất nhiều kim loại, đất hiếm khác, những nguyên liệu vẫn được cho là chiến lược của kỷ nguyên công nghệ hiện đại.
Điện thoại di động cũ, máy tính, iPad hỏng giờ nhiều người không gọi đó là rác thải nữa mà là các "mỏ quặng trong đô thị". Các thiết bị này chứa đủ các kim loại từ vàng, bạc, platine, kẽm, chì cobalt, lithium, nikel, đất hiếm…
Người ta đã nhìn thấy nguồn mỏ quặng kim loại quý hiếm và sạch trong các điện thoại di động. Theo Les Echos, từ năm 2016, người ta ước tính các loại kim loại có trong các thiết bị điện tử gia dụng các loại trên thế giới có giá trị tới 55 tỷ euro, riêng các loại điện thoại di động chiếm 9,4 tỷ. Nhìn thấy nguồn lợi này nhiều nước Châu Âu, trong đó đặc biệt Pháp đã tính đến việc thành lập hẳn một ngành công nghiệp chiết xuất thu hồi kim loại từ các vật dụng bỏ đi nói trên.
Les Echos cho biết : Tại Bỉ, gần Anvers có hẳn một khu lò luyện kim loại cũ rộng 127 ha giờ được làm thành nơi thu hồi các loại máy tính, điện thoại di động cũ hỏng từ khắp nơi trên thế giới để chiết xuất kim loại. Tổ hợp này sử dụng 1.650 nhân viên mỗi năm xử lý 500 nghìn tấn rác thải như vậy.
Một người quản lý của tổ hợp này cho Les Echos hay, 35 nghìn điện thoại di động người ta có thể thu hồi được 1 kg vàng. Giá trị kim loại của một thiết bị điện tử có giá khoảng từ 80 xu đến 1 euro. Điều này cho thấy nguồn lợi kinh tế của núi rác thải công nghệ hiện đại lớn đến mức nào.
Anh Vũ
Macron tại Trung Quốc : "Bước đầu nhiều hứa hẹn"
Pháp chuẩn bị dư luận về một dự luật đón nhận người nhập cư khắt khe hơn là chủ đề chính trên nhiều tờ báo Paris trong ngày. Bên cạnh đó là dư âm chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Macron kết thúc ngày 10/01/2018.
Tổng thống Pháp Macron giới thiệu phái đoàn với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh ngày 09/01/2018. Reuters
Các tờ báo Paris đánh giá tốt chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. La Croix trích lời giám đốc Viện Quan Hệ Chiến Lược Pháp IRIS, Barthélémy Courmont : ông Macron đã "chinh phục được Bắc Kinh, đưa ra hình ảnh của một nhà lãnh đạo Châu Âu trẻ tuổi, năng động". Với Macron, Pháp trở thành một đối tác "vững chắc để Trung Quốc củng cố vị thế tại Châu Âu".
Trả lời báo Le Figaro nhà nghiên cứu Pháp về Trung Quốc, Alice Ekman, cũng đánh giá một cách tích cực không kém về phong cách ngoại giao của chủ nhân điện Elysée. Theo bà Ekman, tổng thống Macron vừa có những lời lẽ khiến nước chủ nhà hài lòng, vừa tỏ thái độ cứng rắn khi đưa ra những đòi hỏi "rõ ràng, cụ thể và thực tế" chẳng hạn như việc đòi Bắc Kinh tạo điều kiện để các doanh nhân Pháp và Châu Âu dễ vào Trung Quốc làm ăn hơn.
Libération không khoan nhượng với ông Macron bằng Le Figaro : tổng thống Pháp nói tới thời điểm để hai nước "cùng hướng về một tương lai chung" mà quên mất rằng, trên thực tế, làm ăn tại Trung Quốc vô cùng vất vả. Nhất là trong bối cảnh từ khi lên cầm quyền cuối 2012 ông Tập đã thâu tóm luôn cả chính sách kinh tế vào tay.
Les Echos chú ý đến một khía cạnh khác : "Macron khai thác lá bài Châu Âu để mặc cả với Bắc Kinh" đồng thời kêu gọi các đối tác tại Lục Địa Già cùng có chung một lập trường khi đối thoại với ông khổng lồ Trung Quốc, ít ra là trên hai hồ sơ lớn.
Một là bảo vệ những lĩnh vực kinh tế được coi là chiến lược của Châu Âu trước các dự án đầu tư của nước ngoài, và hai là Bruxelles nên có cùng một chiến lược trước dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 đang được Bắc Kinh thúc đẩy.
Có điều, như ghi nhận của thông tín viên báo Les Echos tại Bắc Kinh, Paris khó thuyết phục được các đối tác Châu Âu trong lúc mà Trung Quốc đem những dự án đầu tư hàng tỷ euro ra để chiêu dụ các nước Đông và Trung Âu hòng mở rộng ảnh hưởng của siêu cường kinh tế thứ nhì trên thế giới.
Với Trung Quốc, Macron và Châu Âu còn phải "học hỏi nhiều"
Le Monde trong bài xã luận phân tích : Đối thoại với Tập Cận Bình, Emmanuel Macron tự đặt ông vào vai trò của một đại diện cho toàn khu vực Liên Hiệp Châu Âu. Đấy không hẳn là việc làm vô ích, bởi Trung Quốc luôn khai thác những chia rẽ trong nội bộ của Liên Âu để trục lợi.
Trước khi Emmanuel Macron lên đường sang Bắc Kinh, điện Elysée đã nhấn mạnh đến mục tiêu đạt đến một mối quan hệ "có lợi cho cả đôi bên", đòi Trung Quốc mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Pháp, "cân bằng lại cán cân thương mại" vốn bất lợi cho Pháp. Đích thân lãnh đạo Pháp từng tâm sự với báo chí rằng, với Trung Quốc cũng như với tất cả mọi người, ông luôn "nói thẳng, nói thật" và bảo vệ quyền lợi của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu.
Trên thực tế, Le Monde nhận định : nhiệm vụ "nói thẳng, nói thật" với Trung Quốc lần này được tổng thống Pháp nhường lại cho bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire khi ông này tuyên bố rằng Pháp nói riêng, Liên Hiệp Châu Âu nói chung sẽ không chấp nhận các dự án đầu tư theo kiểu để bị "rút ruột".
Về câu hỏi liệu rằng chủ trương "có qua có lại" và đòi hỏi "trao đổi hai chiều" mà tổng thống Pháp đề xuất được Trung Quốc tiếp thu tới mực độ nào, tác giả bài viết cho rằng, đằng sau nụ cười khi tiếp Emmanuel Macron, ông Tập Cận Bình không đưa ra bất kỳ cam kết nào.
Cần có thêm thời gian mới biết được chính sách ngoại giao kiểu của tổng thống Macron có hiệu quả hay không. Tới nay, Trung Quốc hoàn toàn làm chủ được nghệ thuật vừa bảo vệ thị trường nội địa, vừa thâu tóm công nghệ cao qua chính sách đầu tư có chọn lọc. Về điểm này, Liên Hiệp Châu Âu còn phải học hỏi nhiều.
Malaysia : Tương lai đối lập trong tay cụ già 92 tuổi
Vẫn trong khu vực Châu Á, Le Monde chú ý đến sự kiện cựu thủ tướng Mahathir Mohamad 92 tuổi, được đối lập Malaysia chỉ định ra tranh cử, đối đầu với chính quyền Kuala Lumpur đương nhiệm của ông Najib Razak đang bị tố cáo tham nhũng. Đến tháng 8/2018 cử tri Malaysia được kêu gọi bầu lại Quốc Hội.
Tờ báo nhắc lại rằng cựu thủ tướng Mahathir từng cai trị đất nước với một bàn tay sắt trong 22 năm liền (1981-2003). Một trong những nạn nhân của chính sách đàn áp đối lập dưới thời ông Mahthir chính là Anwar Ibrahim, người từng được ông ta nâng đỡ một thời.
Nhưng rồi, thời thế đẩy đưa : từ là bạn đến thù, cặp bài trùng Mahathir Mohamad- Anwar Ibrahim lại trở thành những đồng minh bất đắc dĩ. Họ đã bắt tay nhau vào năm 2016 và gần đây ông Mahathir thông báo chọn vợ của ông Anwar Ibrahim là người đứng liên danh ra tranh cử.
Trước mắt, đảng UMNO truyền thống của thủ tướng Najib Razak đang mở cờ trong bụng, và cho rằng liên minh Mahathir Mohamad- Anwar Ibrahim đang dọn sẵn đường cho chính quyền đương nhiệm nắm giữ quyền lực thêm một nhiệm kỳ.
Một chút hy vọng từ bán đảo Triều Tiên
Sau khi Hàn Quốc để ngỏ cánh cửa đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, La Croix cho rằng, thay vì nói đến "tác động của Donald Trump" như chủ nhân Nhà Trắng tự khoe, có lẽ chúng ta nên nói tới "ép- phê Olympic".
Tới nay các kỳ Thế Vận Hội thường bị chí trích là "thái quá" hay "quá tốn kém". Nhưng đôi khi cũng phải nhìn nhận rằng sự kiện thể thao được tổ chức bốn năm một lần này có ý nghĩa riêng của nó. Điển hình là hồ sơ bán đảo Triều Tiên, sau khi hai miền Nam và Bắc đã đồng ý về thể thức để một phái đoàn Bắc Triều Tiên đến Pyeonchang dự Olympic mùa đông vào tháng tới.
Đương nhiên thỏa thuận mà Seoul và Bình Nhưỡng đạt được cách nay hai ngày chỉ mang tính tạm thời, nhưng văn bản ấy đã góp phần làm hạ nhiệt trong khu vực. Mọi người tin rằng, ít ra trong suốt thời gian các lực sĩ tranh tài, Kim Jong-un sẽ không gây rối loạn trật tự thế giới. Chưa ai biết được những gì sẽ xảy ra khi Olympic hạ màn, nhưng mọi người, và đứng đầu trong số ấy là tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, hy vọng hai nước Triều Tiên sẽ tiếp tục kênh đối thoại.
Tác giả bài viết trên nhật báo La Croix thán phục thái độ bình tĩnh hiếm thấy của ông Moon trong lúc mà Kim Jong-un và Donald Trump đọ sức xem ai có nút hạt nhân to hơn ai ! Chẳng những thế, lần này Seoul chính thức giữ khoảng cách với đồng minh Mỹ khi quyết định nói chuyện trực tiếp với Bình Nhưỡng.
Steve Bannon : Lên voi xuống ... chó
Nhân vật người Mỹ được các tờ báo Paris chú ý đến nhiều hôm nay không còn là Donald Trump mà chính là cựu cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ, Steve Bannon, người vốn được mệnh danh là "người chuyên rỉ tai" ông Trump và rất được tổng thống Hoa Kỳ lắng nghe.
Dù vậy, giữa tháng 8/2017 Steve Bannon mất chức cố vấn chiến lược của Nhà Trắng. Tuần qua, ông ta mất luôn cả chiếc ghế lãnh đạo mạng truyền thông Breihart News do chính mình lập ra. Libération và Le Figaro chạy tựa gần giống nhau : "Bannon vĩnh viễn bị loại trừ", "loại trừ ra khỏi vòng quyền lực".
Đâu là lý do để một trong những cố vấn được xem là thế lực nhất của triều đại Trump bị thất sủng, "trắng tay" như vậy ? Theo Libération, đây là hậu quả trực tiếp từ dư âm của cuốn Fire and Fury được công bố hồi tuần trước.
Một khi bị gạt khỏi quỹ đạo của Donald Trump, Steve Bannon liên tục chĩa mũi dùi vào Donald Trump và gia đình tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Nào là việc ông cho rằng Trump không đủ khả năng cầm quyền, nào là những chỉ trích nhắm cặp vợ chồng Ivanka, trưởng nữ của chủ nhân Nhà Trắng, hay việc phê phán con trai ông Trump liên hệ với một luật sư Nga, điều mà Bannon không ngần ngại gọi là một hành vi "phản quốc".
Le Figaro tóm gọn hoàn cảnh của Steve Bannon : "Từ một một công thần, Bannon mất hết tất cả". Chỉ cách nay một năm, việc Donald Trump chinh phục Nhà Trắng được Bannon coi là một "đại tác phẩm" do chính ông ta nhào nặn. Giờ đây, chính Bannon bị Donald Trump "ruồng bỏ", gây áp lực để tước đoạt luôn cả chức giám đốc điều hành mạng thông tin cực hữu Breihart News của ông ta.
Năm trước, không thiếu gì những người chầu chực trước cửa nhà Bannon, mong thông qua Steve có thể đến gần được hơn với vua mặt trời là Donald Trump hay cô Ivanka. Giờ đây, cả thế giới chính trị thu nhỏ ở Washington không một ai đoái hoài đến Bannon.
Pháp thắt chặt chính sách nhập cư
Trở lại với thời sự Pháp : thủ tướng Edouard Philippe tiếp đại diện các hiệp hội bảo vệ người nhập cư, "chuẩn bị dư luận" trước khi trình bày về dự luật tiếp nhận di dân và tháng 2/2018.
Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : "Một cuộc trắc nghiệm về đường lối cứng rắn của Macron" trên hồ sơ này. Hiềm nỗi, một phần trong nội bộ đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron phản đối chính sách di dân "cứng rắn và hẹp lòng nhân đạo"
Tờ Le Monde cho rằng : chính phủ tìm cách xoa dịu công luận nhưng chắc chắn không nhượng bộ gì nhiều. Cụ thể là các biện pháp trục xuất sẽ gia tăng, và Pháp sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều khi chấp nhận quy chế tị nạn cho người nước ngoài.
Thị trường carbon Trung Quốc
Cuối cùng, trong lĩnh vực môi trường : vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng quay trở lại với thỏa thuận Paris chống biến đổi khí hậu, Le Figaro cho biết "Trung Quốc hình thành thị trường carbon quốc gia" :
Từ năm nay, 1700 nhà máy điện, trong đó có nhiều nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm nặng buộc phải hạn chế lượng khí thải carbon. Đây là một bước tiến rất quan quan trọng, vì các doanh nghiệp này phát thải 1/3 trong tổng số 11 tỉ tấn carbon thải ra môi trường tại nước này trong một năm. Trung Quốc vốn là quốc gia phát thải nhiều khí carbon nhất hành tinh.
Đến ngưỡng 2020, số doanh nghiệp tham gia thị trường carbon Trung Quốc sẽ lên tới 10.000.
Mục tiêu của thị trường carbon Trung Quốc là chuyển hướng nền công nghiệp nước đông dân nhấn địa cầu thành một nền công nghệ xanh.
Trong buổi làm việc tại Bắc Kinh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đề xuất với đồng nhiệm Trung Quốc rằng năm 2018-2019 sẽ là năm Pháp-Trung về chuyển đổi sinh thái để huy động các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp, nhà nghiên cứu, sinh viên, trường đại học, các thành phố và vùng miền của hai nước hành động để góp phần khiến hành tinh sạch đẹp hơn.
Thanh Hà
Pháp đau đầu với tin giả
Nhà Nước Pháp mở cuộc chiến chống tin giả trên mạng, Bắc Triều Tiên trúng tên lửa của Kim Jong-un, Tập Cận Bình chống nghèo đói, nội tình Iran bế tắc, Donald Trump bị vạch áo… là những chủ đề quan trọng trên báo Pháp ngày 05/01/2018.
Trong buổi chúc Xuân 2018 giới báo chí, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ ban hành luật chống tin giả
Thị trường chứng khoán Wall Street đạt đỉnh, đa số dân Pháp, 61%, tin tưởng vào tình hình kinh tế quốc gia đang được cải thiện, tổng thống Macron tiếp tục lên điểm trong công luận. Những thông tin lạc quan của nhật báo kinh tế Les Echos chỉ làm nổi bật những mối đe dọa khác : "hầu như toàn bộ máy vi tính trên thế giới không chống được tin tặc". Tuy nhiên, thông tin làm tốn giấy mực hơn cả là "trận chiến chống tin giả" của tổng thống Pháp được mô tả là "lợi bất cập hại".
"Tin giả, chiến trường thật"
Fake news gây xáo trộn các cuộc bầu cử tại các quốc gia dân chủ, tổng thống Pháp muốn dùng luật pháp, buộc các mạng xã hội phải hành động, phải minh bạch hóa và trợ lực dẹp các nội dung thất thiệt. Một trong những biện pháp trói buộc này là phải công khai hóa tên tuổi, nguồn gốc của kẻ loan tin để truy tố.
"Nhà nước dấn thân vào cuộc chiến chống tin giả", tựa của nhật báo công giáo La Croix.
Le Monde thông cảm và khen ngợi sáng kiến của tổng thống Pháp nhưng với những lời cảnh báo trong bài xã luận "Tin giả, những nguy hiểm của một đạo luật" : Mục đích của tổng thống Pháp, bảo vệ những công dân thiếu cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt là đáng khen. Ông xuất chiêu tuyệt vời khi giải thích với một nhà báo Nga, trước mặt tổng thống Putin, thế nào là sự khác biệt giữa thông tin và tuyên truyền : Russia Today và Sputnik là hai cơ quan tuyên truyền của Nga loan tin thất thiệt bôi lọ uy tín ứng cử viên Macron.
Chống tin giả là cuộc chiến của các nền dân chủ ở Tây Phương chống lại vũ khí tuyên truyền giả dối từ các chế độ độc tài, vừa bôi lọ, vừa chia rẽ các xã hội thông thoáng. Tuy nhiên, tham vọng ra luật để chống tin giả trong lãnh vực vừa phức tạp vừa biến đổi nhanh chóng nhờ công nghệ số, thì việc thực hiện sẽ phức tạp gấp trăm lần.
Theo Le Monde, vào lúc đối lập tại Pháp chưa hồi sinh sau thất bại bầu cử tháng 05/2017, tổng thống Pháp tăng tốc tiến hành cải cách không ngưng nghỉ trong đó có lãnh vực truyền thông, để bảo vệ nền dân chủ. Vấn đề là trong lãnh vực này, báo chí, trong đó có Le Monde, là tác nhân đi tiên phong. Do vậy, theo tác giả bài xã luận, nếu chính phủ muốn đóng góp thì nên bắt đầu bằng giáo dục ở học đường, bằng bảo vệ mô hình kinh tế của các nhật báo thông tin. Cụ thể là chỉ cần cải tiến các đạo luật có sẵn là ít rủi ro nhất.
Tổng thống Pháp đã "đi sai hướng"
Theo nhật báo cánh tả, không cần phải ra luật mới, chỉ cần áp dụng luật bảo vệ tự do báo chí ban hành từ năm 1881.
Đề xuất của tổng thống Pháp hòa đồng cùng với xu hướng chung ở Tây phương từ khi những nghi ngờ chính quyền Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, thao túng công luận Anh trong vụ trưng cầu dân ý Brexit và cuộc bầu cử quốc hội Đức. Trong xu hướng chung này, Facebook, Google ở Mỹ cũng như Libération ở Pháp đã không ngại tốn kém, luôn kiểm chứng các thông tin mà độc giả báo động tính chính xác.
Tuy nhiên, tổng thống Macron, từng là nạn nhân của tin giả khi tranh cử, cho rằng chưa đủ. Ông muốn nhờ một thẩm phán ra quyết định truy tố, trừng phạt kẻ tung tin thất thiệt, đóng cửa tài khoản… Một biện pháp nữa là tăng cường thẩm quyền của CSA, cơ quan thính thị quốc gia (truyền thanh truyền hình), bài trừ những "âm mưu khuynh đảo của các cơ quan báo chí do chính phủ nước ngoài kiểm sóat" như đài truyền hình Russia Today và hãng tin Sputnik của Nga.
Theo Libération, Pháp đã có đạo luật chống tuyên truyền, tung tin đồn thất thiệt từ năm… 1881 (điều 27, luật tháng 7/1881) quy định tiền phạt lên đến 45.000 euro theo mệnh giá hiện tại và một năm tù giam. Đề xuất luật mới không giải quyết được nạn tin giả.
Tổng thống Mỹ và cố vấn bị cách chức Stephen Bannon thanh toán lẫn nhau
Quả bom chính trị là quyển sách "Fire and Fury : Inside the Trump White House" tạm dịch là "Lửa Lôi Đình trong Nhà Trắng của Trump" của Michael Wolff.
Quan hệ Trump-Bannon hoàn toàn đứt đoạn, tựa của Le Monde. Trong quyển sách, cố vấn thân cận của Donald Trump gọi con trai lớn của tổng thống Mỹ, Donald Trump Jr là "tên phản quốc", đã "tiếp đại diện một chính phủ nước ngoài trong tòa tháp Trump mà không có luật sư chứng kiến, nào là khi bị tư pháp chiếu cố, gia đình Trump "ngồi trên bãi biển chống bão cấp 5".
Còn theo La Croix, trong bài "Donald Trump thanh toán ân oán với Steve Bannon" thì Steve Bannon đã vượt "làn ranh đỏ" khi tố cáo con trai tổng thống Trump "phản quốc". La Croix cho rằng phe thân cận của tổng thống Trump cũng có lý do hài lòng vì dứt khoát dẹp được nhân vật đầy tai tiếng này trước khi bầu cử Quốc Hội. Les Echos thì dự đoán sẽ có nhiều hệ quả khó lường cho tổng thống Trump, tiếp tục ở trong tầm ngắm của tư pháp trong khi các chuyên gia chính trị của đảng Cộng hòa lo ngại Bannon tìm cách làm cho đảng Cộng Hòa lao đao trong cuộc bầu cử năm nay.
"Gậy ông đập lưng ông" và "Ngày Kim Jong-un mất kiểm soát một trong các tên lửa"
Đây là tựa của Les Echos và Libération nhân quyết định của Bình Nhưỡng chịu tái lập liên lạc với Seoul trong bối cảnh Thế vận hội muà đông tại Hàn Quốc.
Với tựa "Gậy ông đập lưng ông", Les Echos lo ngại cuộc đấu khẩu giữa Kim Jong-un và Donald Trump có thể kết thúc bằng một tai họa. Bằng chứng là theo tiết lộ của trang mạng Nhật Bản, the Diplomat, thì ngày 28/04 năm 2017, một vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên đã rơi ngay trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên thuộc khu công nghiệp Tokchong, một ngôi làng đông dân cách dàn phóng có 40 km. Thiệt hại vật chất được mô tả rất nặng nề.
Trong bài báo cùng chủ đề, Libération phân tích sâu hơn : chuyện trật quỹ đạo và động cơ hỏng này có thể gây khủng hoảng toàn diện. Ngoài thiệt hại vật chất và nhân mạng, chuyện tên lửa trục trặc, khi bay ngang không phận Nhật Bản chẳng hạn, có thể bị suy đoán là hành động cố ý tấn công gây hấn. Những quốc gia có hiệp định quốc phòng hỗ tương như Mỹ, Nhật, Hàn sẽ ra tay hành động, đưa đến hệ quả vũ lực đáp trả vũ lực.
Chủ tịch Trung Quốc cam kết chống nạn nghèo khó
Thực tế ra sao ? Le Figaro tường thuật tình hình tại một thí điểm : Quý Châu. Chính quyền Trung Quốc đã chi ra 60 tỷ euro trong vòng 5 năm từ 2013 đến 2017. Chỉ tiêu là tái định cư 10 triệu dân nông thôn trong tổng số 43 triệu người còn nghèo theo thống kê chính thức.
Theo Le Figaro, cho dù 800.000 cán bộ đảng được đưa về nông thôn để xóa đói giảm nghèo nhưng cố gắng của Tập Cận Bình khó đạt được kết quả. Cản lực quan trọng nhất là tình trạng chính quyền địa phương làm ít nói nhiều, chuyên báo cáo phóng đại để được thăng chức.
Nguy cơ thứ hai là "đông đảo nông dân, một khi vào nhà mới, ở các khu tân lập, xa quê cũ thì làm nghề gì để sống ?" theo nhận định của một giáo sư kinh tế ở Quý Châu. Mục tiêu nâng thu nhập bình quân của người nghèo từ dưới một đô la mỗi ngày, theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, lên một đô la do vậy khó có cơ may đạt được. Mà theo suy tính của Tập Cận Bình, thì xóa nạn nghèo khó là mục tiêu tạo tính chính đáng cho đảng Cộng Sản, ngày càng xa dần.
Tư lệnh Vệ binh Hồi giáo Iran loan báo dẹp yên phong trào phản loạn
Nói dễ nhưng làm khó. Tại sao ? Theo Le Monde, không có áp lực, thì chế độ Iran không thể cải cách. Áp lực đường phố đã diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp với những người biểu tình trẻ tuổi, nghèo với tâm trạng lo âu cho tương lai. Vấn đề của Iran là cho dù cấm vận quốc tế đã được tháo gỡ nhưng "kinh tế không phất lên được". Cản lực nằm trong nội tình : phe bảo thủ chống laị mọi chính sách cải cách của tổng thống Rohani.
La Croix cho biết thêm, tư lệnh lực lượng Vệ binh Hồi giáo, đứng đầu 130.000 quân thiện chiến Ali Jafari chỉ "búng một ngón tay" là biểu tình "xẹp" xuống. Bởi vì đây là một lực lượng hung thần sẵn sàng đàn áp bằng mọi phương tiện và đang nắm hầu hết lãnh vực kinh tài trong tay. Khác với quân đội truyền thống, Vệ Binh Hồi Giáo còn có trách nhiệm bảo đảm ý thức hệ Shia chống xâm nhập của hệ phái Sunni. Từ sau cuộc chiến tranh với Iraq năm 1988, lực lượng này đứng đầu nhiều tập đoàn kinh tế, ưu tiên giành hợp đồng béo bở, trong lúc 40% thanh niên Iran thất nghiệp. Đó cũng là một trong những lý do làm người dân Iran bất mãn chế độ Hồi Giáo.
Tú Anh