Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/01/2018

Điểm báo Pháp - Quan hệ Pháp-Trung : bước đầu nhiều hứa hẹn

RFI tiếng Việt

Macron tại Trung Quốc : "Bước đầu nhiều hứa hẹn"

Pháp chuẩn bị dư luận về một dự luật đón nhận người nhập cư khắt khe hơn là chủ đề chính trên nhiều tờ báo Paris trong ngày. Bên cạnh đó là dư âm chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Macron kết thúc ngày 10/01/2018.

macron2

Tổng thống Pháp Macron giới thiệu phái đoàn với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh ngày 09/01/2018. Reuters

Các tờ báo Paris đánh giá tốt chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. La Croix trích lời giám đốc Viện Quan Hệ Chiến Lược Pháp IRIS, Barthélémy Courmont : ông Macron đã "chinh phục được Bắc Kinh, đưa ra hình ảnh của một nhà lãnh đạo Châu Âu trẻ tuổi, năng động". Với Macron, Pháp trở thành một đối tác "vững chắc để Trung Quốc củng cố vị thế tại Châu Âu".

Trả lời báo Le Figaro nhà nghiên cứu Pháp về Trung Quốc, Alice Ekman, cũng đánh giá một cách tích cực không kém về phong cách ngoại giao của chủ nhân điện Elysée. Theo bà Ekman, tổng thống Macron vừa có những lời lẽ khiến nước chủ nhà hài lòng, vừa tỏ thái độ cứng rắn khi đưa ra những đòi hỏi "rõ ràng, cụ thể và thực tế" chẳng hạn như việc đòi Bắc Kinh tạo điều kiện để các doanh nhân Pháp và Châu Âu dễ vào Trung Quốc làm ăn hơn.

Libération không khoan nhượng với ông Macron bằng Le Figaro : tổng thống Pháp nói tới thời điểm để hai nước "cùng hướng về một tương lai chung" mà quên mất rằng, trên thực tế, làm ăn tại Trung Quốc vô cùng vất vả. Nhất là trong bối cảnh từ khi lên cầm quyền cuối 2012 ông Tập đã thâu tóm luôn cả chính sách kinh tế vào tay.

Les Echos chú ý đến một khía cạnh khác : "Macron khai thác lá bài Châu Âu để mặc cả với Bắc Kinh" đồng thời kêu gọi các đối tác tại Lục Địa Già cùng có chung một lập trường khi đối thoại với ông khổng lồ Trung Quốc, ít ra là trên hai hồ sơ lớn.

Một là bảo vệ những lĩnh vực kinh tế được coi là chiến lược của Châu Âu trước các dự án đầu tư của nước ngoài, và hai là Bruxelles nên có cùng một chiến lược trước dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 đang được Bắc Kinh thúc đẩy.

Có điều, như ghi nhận của thông tín viên báo Les Echos tại Bắc Kinh, Paris khó thuyết phục được các đối tác Châu Âu trong lúc mà Trung Quốc đem những dự án đầu tư hàng tỷ euro ra để chiêu dụ các nước Đông và Trung Âu hòng mở rộng ảnh hưởng của siêu cường kinh tế thứ nhì trên thế giới.

Với Trung Quốc, Macron và Châu Âu còn phải "học hỏi nhiều"

Le Monde trong bài xã luận phân tích : Đối thoại với Tập Cận Bình, Emmanuel Macron tự đặt ông vào vai trò của một đại diện cho toàn khu vực Liên Hiệp Châu Âu. Đấy không hẳn là việc làm vô ích, bởi Trung Quốc luôn khai thác những chia rẽ trong nội bộ của Liên Âu để trục lợi.

Trước khi Emmanuel Macron lên đường sang Bắc Kinh, điện Elysée đã nhấn mạnh đến mục tiêu đạt đến một mối quan hệ "có lợi cho cả đôi bên", đòi Trung Quốc mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Pháp, "cân bằng lại cán cân thương mại" vốn bất lợi cho Pháp. Đích thân lãnh đạo Pháp từng tâm sự với báo chí rằng, với Trung Quốc cũng như với tất cả mọi người, ông luôn "nói thẳng, nói thật" và bảo vệ quyền lợi của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu.

Trên thực tế, Le Monde nhận định : nhiệm vụ "nói thẳng, nói thật" với Trung Quốc lần này được tổng thống Pháp nhường lại cho bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire khi ông này tuyên bố rằng Pháp nói riêng, Liên Hiệp Châu Âu nói chung sẽ không chấp nhận các dự án đầu tư theo kiểu để bị "rút ruột".

Về câu hỏi liệu rằng chủ trương "có qua có lại" và đòi hỏi "trao đổi hai chiều" mà tổng thống Pháp đề xuất được Trung Quốc tiếp thu tới mực độ nào, tác giả bài viết cho rằng, đằng sau nụ cười khi tiếp Emmanuel Macron, ông Tập Cận Bình không đưa ra bất kỳ cam kết nào.

Cần có thêm thời gian mới biết được chính sách ngoại giao kiểu của tổng thống Macron có hiệu quả hay không. Tới nay, Trung Quốc hoàn toàn làm chủ được nghệ thuật vừa bảo vệ thị trường nội địa, vừa thâu tóm công nghệ cao qua chính sách đầu tư có chọn lọc. Về điểm này, Liên Hiệp Châu Âu còn phải học hỏi nhiều.

Malaysia : Tương lai đối lập trong tay cụ già 92 tuổi

Vẫn trong khu vực Châu Á, Le Monde chú ý đến sự kiện cựu thủ tướng Mahathir Mohamad 92 tuổi, được đối lập Malaysia chỉ định ra tranh cử, đối đầu với chính quyền Kuala Lumpur đương nhiệm của ông Najib Razak đang bị tố cáo tham nhũng. Đến tháng 8/2018 cử tri Malaysia được kêu gọi bầu lại Quốc Hội.

Tờ báo nhắc lại rằng cựu thủ tướng Mahathir từng cai trị đất nước với một bàn tay sắt trong 22 năm liền (1981-2003). Một trong những nạn nhân của chính sách đàn áp đối lập dưới thời ông Mahthir chính là Anwar Ibrahim, người từng được ông ta nâng đỡ một thời.

Nhưng rồi, thời thế đẩy đưa : từ là bạn đến thù, cặp bài trùng Mahathir Mohamad- Anwar Ibrahim lại trở thành những đồng minh bất đắc dĩ. Họ đã bắt tay nhau vào năm 2016 và gần đây ông Mahathir thông báo chọn vợ của ông Anwar Ibrahim là người đứng liên danh ra tranh cử.

Trước mắt, đảng UMNO truyền thống của thủ tướng Najib Razak đang mở cờ trong bụng, và cho rằng liên minh Mahathir Mohamad- Anwar Ibrahim đang dọn sẵn đường cho chính quyền đương nhiệm nắm giữ quyền lực thêm một nhiệm kỳ.

Một chút hy vọng từ bán đảo Triều Tiên

Sau khi Hàn Quốc để ngỏ cánh cửa đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, La Croix cho rằng, thay vì nói đến "tác động của Donald Trump" như chủ nhân Nhà Trắng tự khoe, có lẽ chúng ta nên nói tới "ép- phê Olympic".

Tới nay các kỳ Thế Vận Hội thường bị chí trích là "thái quá" hay "quá tốn kém". Nhưng đôi khi cũng phải nhìn nhận rằng sự kiện thể thao được tổ chức bốn năm một lần này có ý nghĩa riêng của nó. Điển hình là hồ sơ bán đảo Triều Tiên, sau khi hai miền Nam và Bắc đã đồng ý về thể thức để một phái đoàn Bắc Triều Tiên đến Pyeonchang dự Olympic mùa đông vào tháng tới.

Đương nhiên thỏa thuận mà Seoul và Bình Nhưỡng đạt được cách nay hai ngày chỉ mang tính tạm thời, nhưng văn bản ấy đã góp phần làm hạ nhiệt trong khu vực. Mọi người tin rằng, ít ra trong suốt thời gian các lực sĩ tranh tài, Kim Jong-un sẽ không gây rối loạn trật tự thế giới. Chưa ai biết được những gì sẽ xảy ra khi Olympic hạ màn, nhưng mọi người, và đứng đầu trong số ấy là tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, hy vọng hai nước Triều Tiên sẽ tiếp tục kênh đối thoại.

Tác giả bài viết trên nhật báo La Croix thán phục thái độ bình tĩnh hiếm thấy của ông Moon trong lúc mà Kim Jong-un và Donald Trump đọ sức xem ai có nút hạt nhân to hơn ai ! Chẳng những thế, lần này Seoul chính thức giữ khoảng cách với đồng minh Mỹ khi quyết định nói chuyện trực tiếp với Bình Nhưỡng.

Steve Bannon : Lên voi xuống ... chó

Nhân vật người Mỹ được các tờ báo Paris chú ý đến nhiều hôm nay không còn là Donald Trump mà chính là cựu cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ, Steve Bannon, người vốn được mệnh danh là "người chuyên rỉ tai" ông Trump và rất được tổng thống Hoa Kỳ lắng nghe.

Dù vậy, giữa tháng 8/2017 Steve Bannon mất chức cố vấn chiến lược của Nhà Trắng. Tuần qua, ông ta mất luôn cả chiếc ghế lãnh đạo mạng truyền thông Breihart News do chính mình lập ra. LibérationLe Figaro chạy tựa gần giống nhau : "Bannon vĩnh viễn bị loại trừ", "loại trừ ra khỏi vòng quyền lực".

Đâu là lý do để một trong những cố vấn được xem là thế lực nhất của triều đại Trump bị thất sủng, "trắng tay" như vậy ? Theo Libération, đây là hậu quả trực tiếp từ dư âm của cuốn Fire and Fury được công bố hồi tuần trước.

Một khi bị gạt khỏi quỹ đạo của Donald Trump, Steve Bannon liên tục chĩa mũi dùi vào Donald Trump và gia đình tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Nào là việc ông cho rằng Trump không đủ khả năng cầm quyền, nào là những chỉ trích nhắm cặp vợ chồng Ivanka, trưởng nữ của chủ nhân Nhà Trắng, hay việc phê phán con trai ông Trump liên hệ với một luật sư Nga, điều mà Bannon không ngần ngại gọi là một hành vi "phản quốc".

Le Figaro tóm gọn hoàn cảnh của Steve Bannon : "Từ một một công thần, Bannon mất hết tất cả". Chỉ cách nay một năm, việc Donald Trump chinh phục Nhà Trắng được Bannon coi là một "đại tác phẩm" do chính ông ta nhào nặn. Giờ đây, chính Bannon bị Donald Trump "ruồng bỏ", gây áp lực để tước đoạt luôn cả chức giám đốc điều hành mạng thông tin cực hữu Breihart News của ông ta.

Năm trước, không thiếu gì những người chầu chực trước cửa nhà Bannon, mong thông qua Steve có thể đến gần được hơn với vua mặt trời là Donald Trump hay cô Ivanka. Giờ đây, cả thế giới chính trị thu nhỏ ở Washington không một ai đoái hoài đến Bannon.

Pháp thắt chặt chính sách nhập cư

Trở lại với thời sự Pháp : thủ tướng Edouard Philippe tiếp đại diện các hiệp hội bảo vệ người nhập cư, "chuẩn bị dư luận" trước khi trình bày về dự luật tiếp nhận di dân và tháng 2/2018.

Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : "Một cuộc trắc nghiệm về đường lối cứng rắn của Macron" trên hồ sơ này. Hiềm nỗi, một phần trong nội bộ đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron phản đối chính sách di dân "cứng rắn và hẹp lòng nhân đạo"

Tờ Le Monde cho rằng : chính phủ tìm cách xoa dịu công luận nhưng chắc chắn không nhượng bộ gì nhiều. Cụ thể là các biện pháp trục xuất sẽ gia tăng, và Pháp sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều khi chấp nhận quy chế tị nạn cho người nước ngoài.

Thị trường carbon Trung Quốc

Cuối cùng, trong lĩnh vực môi trường : vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng quay trở lại với thỏa thuận Paris chống biến đổi khí hậu, Le Figaro cho biết "Trung Quốc hình thành thị trường carbon quốc gia" :

Từ năm nay, 1700 nhà máy điện, trong đó có nhiều nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm nặng buộc phải hạn chế lượng khí thải carbon. Đây là một bước tiến rất quan quan trọng, vì các doanh nghiệp này phát thải 1/3 trong tổng số 11 tỉ tấn carbon thải ra môi trường tại nước này trong một năm. Trung Quốc vốn là quốc gia phát thải nhiều khí carbon nhất hành tinh.

Đến ngưỡng 2020, số doanh nghiệp tham gia thị trường carbon Trung Quốc sẽ lên tới 10.000.

Mục tiêu của thị trường carbon Trung Quốc là chuyển hướng nền công nghiệp nước đông dân nhấn địa cầu thành một nền công nghệ xanh.

Trong buổi làm việc tại Bắc Kinh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đề xuất với đồng nhiệm Trung Quốc rằng năm 2018-2019 sẽ là năm Pháp-Trung về chuyển đổi sinh thái để huy động các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp, nhà nghiên cứu, sinh viên, trường đại học, các thành phố và vùng miền của hai nước hành động để góp phần khiến hành tinh sạch đẹp hơn.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 765 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)