Đầu tư của Trung Quốc : Pháp bị giằng xé giữa thèm muốn và lo âu
Làm thế nào cân bằng giữa việc nhận đầu tư của Trung Quốc với việc bảo vệ chủ quyền công nghệ của đất nước ? Một phương trình khó cho nước Pháp. Phụ trang kinh tế báo Le Monde ngày 12/02/2019 có hàng tít đáng chú ý : "Đối mặt với Trung Quốc, nước Pháp diễn trò đi dây thăng bằng".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) tiếp thủ tướng Pháp Edouard Philippe, tại Bắc Kinh, ngày 25/06/2018Fred Dufour/Pool via Reuters
Đầu tiên hết, nhật báo dẫn nhận định của bà Agatha Kratz, thuộc văn phòng cố vấn độc lập Rhodium Group giải thích vì sao Trung Quốc thích đầu tư vào Pháp và các nước Châu Âu. Ngoài việc tìm kiếm các kỹ nghệ và tài năng, "nước Pháp cũng như Châu Âu còn là một sân chơi hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc hơn cả Hoa Kỳ vì nước này những năm gần đây khép chặt cánh cửa với các nhà đầu tư Trung Quốc bằng cách tăng cường kiểm soát các khoản đầu tư".
Các số liệu thống kê đưa ra cho thấy trong năm 2018, đầu tư của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực từ đất nông nghiệp, chuỗi khách sạn, các ruộng nho, các hãng công nghệ đã lên đến 1,8 tỷ đô la, chiếm khoảng 86% sức tăng trưởng trong một năm. Le Monde nhìn nhận một cách công bằng rằng một số doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư là để cho phát triển tại chỗ. Nhiều dự án đầu tư ăn nên làm ra nhưng số khác gặp cũng không ít thất bại.
Thế nhưng, đầu tư của Trung Quốc đặt nước Pháp và nhiều nước Châu Âu trước một thách thức khác đáng lo hơn : Vấn đề chủ quyền công nghệ. Việc Trung Quốc nay đã trở thành một cường quốc trong nhiều lĩnh vực chiến lược đang làm chao đảo nền kinh tế thế giới và khiến nhiều nước lo lắng quan ngại trên bình diện an ninh quốc gia. Mà ví dụ điển hình chính là lĩnh vực viễn thông và tập đoàn công nghệ hàng đầu Hoa Vi.
Cuộc đối đầu chưa từng có giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến số phận của Hoa Vi bắt đầu từ mùa thu năm 2018, vì Washington nghi ngờ tập đoàn này cài những cánh cổng bí mật để theo dõi nhiều nước có lợi cho Bắc Kinh, đã đặt Pháp và nhiều nước Châu Âu trong thế khó xử.
Tuy nhiên, trước tầm mức của vụ việc và không như Hoa Kỳ cùng với một số nước khác đã có các biện pháp cứng rắn, nước Pháp đã chọn một giải pháp ngoại giao. Theo đó, Paris tăng cường các quy định kiểm soát và cho phép dùng các thiết bị cũng như là phần mềm của Hoa Vi để trang bị cho việc phủ sóng mạng 5G tương lai.
Vì sao Paris lại có một quyết định chiến lược như vậy ? Le Monde đưa ra 3 lý do để giải thích : Thứ nhất trên bình diện ngoại giao. Chính phủ Pháp không muốn làm mếch lòng Bắc Kinh khi sập cửa với một trong những ngành công nghệ mũi nhọn nước này.
Thứ hai, về mặt kinh tế, đầu tư của Hoa Vi trên đất Pháp từ năm 2003 đã tạo ra không ít việc làm. Chi nhánh Hoa Vi tại Pháp tuyển dụng hơn 1.000 lao động nằm rải rác tại 5 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, Hoa Vi còn là khách hàng lớn của khoảng 280 nhà cung cấp trang thiết bị khác của nước Pháp.
Việc gạt Hoa Vi ra khỏi kế hoạch phủ sóng 5G có nguy cơ gánh lấy nhiều tác động. Nước Pháp khó có thể cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn như Nokia và Ericsson, đồng thời người tiêu dùng có nguy cơ phải trả giá cao cho những trang thiết bị mà chúng có thể sẽ đè nặng lên khả năng đầu tư cho việc phủ sóng.
Cuối cùng, quyết định gạt Hoa Vi có thể dẫn đến việc chậm trễ phát triển mạng 5G do các nhà khai thác mạng sẽ phải sửa đổi danh sách các nhà cung cấp trang thiết bị. Và sự chậm trễ này có nguy cơ tác động đến tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp trên bình diện quốc tế, để lại một sân trống cho Hoa Kỳ hay Trung Quốc trong khi mà mạng 5G hứa hẹn một cuộc cách mạng cho nền công nghiệp nhờ vào tốc độ truyền dữ liệu và thời gian phản ứng cực kỳ nhanh chóng.
Le Monde cảnh báo, trong lúc chính phủ chờ các nghị sĩ thông qua một dự thảo luật mới, Hoa Kỳ đang tăng cường các cuộc vận động hành lang tại Châu Âu nhằm gạt Hoa Vi hoàn toàn ra khỏi cuộc chơi 5G. Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu không ngần ngại đe dọa rằng những nước nào vẫn tiếp tục đi theo Hoa Vi, có thể sẽ phải gánh lấy nhiều bất lợi trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ trong tương lai. Tóm lại, "nước Pháp trong thế lưỡng nan trước những thèm khát của Trung Quốc" như tựa đề bài viết.
Brexit : 45 ngày phập phồng
Còn có 45 ngày nữa là Anh Quốc chính thức rời Liên Hiệp Châu Âu. Phụ san kinh tế Le Figaro đưa tít lớn "Brexit : Mù mờ vẫn tồn tại, lo lắng ngày càng lớn".
Một bầu không khí đang bao trùm lên giới doanh nhân Anh Quốc. "Nền kinh tế nước Anh trong "vùng nguy hiểm" khi chỉ còn có 45 ngày nữa diễn ra Brexit" Le Figaro nhận xét. Sức tăng trưởng kinh tế trong quý IV năm qua đã giảm mạnh và thậm chí có dấu hiệu suy thoái trong tháng 12/2018. Các doanh nghiệp Anh Quốc lưỡng lự giữa việc đi hay ở lại trong khi mà các chính khách vẫn đang tiếp tục đối đầu nhau.
Về điểm này, Les Echos cho biết thêm là "Thủ tướng May thử vận với chiến lược chạy nước rút».Thủ tướng Anh tiến hành song song hai cuộc đàm phán, một bên với Liên Hiệp Châu Âu và bên kia với các đảng đối lập về cách thức rời Liên Âu. Tuy nhiên, nhật báo kinh tế này tỏ ra bi quan không hy vọng rằng bà May có thể đạt được một bước tiến nào.
Catalunya : Những người ủng hộ độc lập trên ghế bị cáo
Cũng tại Châu Âu, một hồ sơ lớn khác được nhiều báo Pháp nói đến là việc chính quyền Tây Ban Nha đưa ra xét xử các lãnh đạo đảng chủ trương độc lập cho vùng Catalunya. La Croix trên trang nhất đề tựa : "Catalunya, một phiên xử và nhiều chia rẽ".
Ngày thứ Ba, 12/02/2019, Tây Ban Nha chính thức mở phiên xử mười hai lãnh đạo vùng Catalunya vì những vai trò của họ trong mưu toan đòi ly khai năm 2017.
Libération có bài phân tích đề tựa : "Catalunya, một phiên xử thay cho một tiến trình". Thông tín viên nhật báo ghi nhận phiên xử diễn ra trong bối cảnh căng thẳng, phe hữu và cực hữu lên án thủ tướng chính phủ Pedro Sanchez tìm kiếm một thỏa hiệp với các phe đòi ly khai ở Catalunya.
Algeria : Quyền lực hóa thạch
Thời sự Bắc Phi đáng chú ý nhất là thông báo ra tranh cử nhiệm kỳ thứ năm của tổng thống mãn nhiệm Algeria, ông Abdelaziz Bouteflika. Nay đã 81 tuổi và sức khỏe yếu kém, ông hầu như vắng bóng trên chính trường quốc tế và hiếm xuất hiện trước công chúng trong nước. Nhưng điều đó không hề cản trở ông tiếp tục ra tranh cử tổng thống sau 20 năm cầm quyền.
Le Monde trên trang nhất chạy hàng tít lớn "Tại Algeria : Bouteflika tranh cử tổng thống tại một đất nước không chút ảo tưởng". Thông báo ông ra tranh cử không gây ngạc nhiên cho thấy có sự chia rẽ trong đảng cầm quyền, không có khả năng tìm được người kế thừa như nhận định của Les Echos.
Bài xã luận của Le Monde còn mỉa mai cho rằng việc ông Bouteflika muốn tiếp tục cầm quyền chẳng khác gì với một thứ "quyền lực bị hóa thạch". Một tin chẳng lành cho đất nước. Bởi vì, quyền lực hóa thạch đó đã cho thấy rõ có sự đứt đoạn giữa thượng tầng lãnh đạo với xã hội đang sống trong hai hình thức khác nhau.
Trên thượng tầng, tổng thống Bouteflika, sống bao bọc bởi một phe mờ ám đến mức các nhà quan sát không tài nào giải mã tiến triển được, đành phải bám lấy hình ảnh một thế hệ của đảng FLN thắng lợi từ cuộc chiến giành độc lập.
Ngoài xã hội, người dân phần lớn vẫn còn bị chấn thương tâm lý bởi cuộc nội chiến khủng khiếp trong những năm 1990 nhưng lại rất kiên nhẫn. Một cách nào đó, có thể nói rằng họ chấp nhận đánh đổi việc thực thi một số quyền để có được một sự bảo đảm tối thiểu về mặt xã hội có được từ nguồn khai thác khí ga dồi dào của đất nước.
Thế nhưng, thỏa ước này không tồn tại vĩnh viễn. Hố sâu ngăn cách giới trẻ khao khát được "tung hoành" và một quyền lực lỗi thời không tìm thấy một đường hướng nào khác ngoài tình trạng trì trệ bất động ngày càng được mở rộng.
Minh Anh
Macron tại Trung Quốc : "Bước đầu nhiều hứa hẹn"
Pháp chuẩn bị dư luận về một dự luật đón nhận người nhập cư khắt khe hơn là chủ đề chính trên nhiều tờ báo Paris trong ngày. Bên cạnh đó là dư âm chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Macron kết thúc ngày 10/01/2018.
Tổng thống Pháp Macron giới thiệu phái đoàn với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh ngày 09/01/2018. Reuters
Các tờ báo Paris đánh giá tốt chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. La Croix trích lời giám đốc Viện Quan Hệ Chiến Lược Pháp IRIS, Barthélémy Courmont : ông Macron đã "chinh phục được Bắc Kinh, đưa ra hình ảnh của một nhà lãnh đạo Châu Âu trẻ tuổi, năng động". Với Macron, Pháp trở thành một đối tác "vững chắc để Trung Quốc củng cố vị thế tại Châu Âu".
Trả lời báo Le Figaro nhà nghiên cứu Pháp về Trung Quốc, Alice Ekman, cũng đánh giá một cách tích cực không kém về phong cách ngoại giao của chủ nhân điện Elysée. Theo bà Ekman, tổng thống Macron vừa có những lời lẽ khiến nước chủ nhà hài lòng, vừa tỏ thái độ cứng rắn khi đưa ra những đòi hỏi "rõ ràng, cụ thể và thực tế" chẳng hạn như việc đòi Bắc Kinh tạo điều kiện để các doanh nhân Pháp và Châu Âu dễ vào Trung Quốc làm ăn hơn.
Libération không khoan nhượng với ông Macron bằng Le Figaro : tổng thống Pháp nói tới thời điểm để hai nước "cùng hướng về một tương lai chung" mà quên mất rằng, trên thực tế, làm ăn tại Trung Quốc vô cùng vất vả. Nhất là trong bối cảnh từ khi lên cầm quyền cuối 2012 ông Tập đã thâu tóm luôn cả chính sách kinh tế vào tay.
Les Echos chú ý đến một khía cạnh khác : "Macron khai thác lá bài Châu Âu để mặc cả với Bắc Kinh" đồng thời kêu gọi các đối tác tại Lục Địa Già cùng có chung một lập trường khi đối thoại với ông khổng lồ Trung Quốc, ít ra là trên hai hồ sơ lớn.
Một là bảo vệ những lĩnh vực kinh tế được coi là chiến lược của Châu Âu trước các dự án đầu tư của nước ngoài, và hai là Bruxelles nên có cùng một chiến lược trước dự án Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 đang được Bắc Kinh thúc đẩy.
Có điều, như ghi nhận của thông tín viên báo Les Echos tại Bắc Kinh, Paris khó thuyết phục được các đối tác Châu Âu trong lúc mà Trung Quốc đem những dự án đầu tư hàng tỷ euro ra để chiêu dụ các nước Đông và Trung Âu hòng mở rộng ảnh hưởng của siêu cường kinh tế thứ nhì trên thế giới.
Với Trung Quốc, Macron và Châu Âu còn phải "học hỏi nhiều"
Le Monde trong bài xã luận phân tích : Đối thoại với Tập Cận Bình, Emmanuel Macron tự đặt ông vào vai trò của một đại diện cho toàn khu vực Liên Hiệp Châu Âu. Đấy không hẳn là việc làm vô ích, bởi Trung Quốc luôn khai thác những chia rẽ trong nội bộ của Liên Âu để trục lợi.
Trước khi Emmanuel Macron lên đường sang Bắc Kinh, điện Elysée đã nhấn mạnh đến mục tiêu đạt đến một mối quan hệ "có lợi cho cả đôi bên", đòi Trung Quốc mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp Pháp, "cân bằng lại cán cân thương mại" vốn bất lợi cho Pháp. Đích thân lãnh đạo Pháp từng tâm sự với báo chí rằng, với Trung Quốc cũng như với tất cả mọi người, ông luôn "nói thẳng, nói thật" và bảo vệ quyền lợi của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu.
Trên thực tế, Le Monde nhận định : nhiệm vụ "nói thẳng, nói thật" với Trung Quốc lần này được tổng thống Pháp nhường lại cho bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire khi ông này tuyên bố rằng Pháp nói riêng, Liên Hiệp Châu Âu nói chung sẽ không chấp nhận các dự án đầu tư theo kiểu để bị "rút ruột".
Về câu hỏi liệu rằng chủ trương "có qua có lại" và đòi hỏi "trao đổi hai chiều" mà tổng thống Pháp đề xuất được Trung Quốc tiếp thu tới mực độ nào, tác giả bài viết cho rằng, đằng sau nụ cười khi tiếp Emmanuel Macron, ông Tập Cận Bình không đưa ra bất kỳ cam kết nào.
Cần có thêm thời gian mới biết được chính sách ngoại giao kiểu của tổng thống Macron có hiệu quả hay không. Tới nay, Trung Quốc hoàn toàn làm chủ được nghệ thuật vừa bảo vệ thị trường nội địa, vừa thâu tóm công nghệ cao qua chính sách đầu tư có chọn lọc. Về điểm này, Liên Hiệp Châu Âu còn phải học hỏi nhiều.
Malaysia : Tương lai đối lập trong tay cụ già 92 tuổi
Vẫn trong khu vực Châu Á, Le Monde chú ý đến sự kiện cựu thủ tướng Mahathir Mohamad 92 tuổi, được đối lập Malaysia chỉ định ra tranh cử, đối đầu với chính quyền Kuala Lumpur đương nhiệm của ông Najib Razak đang bị tố cáo tham nhũng. Đến tháng 8/2018 cử tri Malaysia được kêu gọi bầu lại Quốc Hội.
Tờ báo nhắc lại rằng cựu thủ tướng Mahathir từng cai trị đất nước với một bàn tay sắt trong 22 năm liền (1981-2003). Một trong những nạn nhân của chính sách đàn áp đối lập dưới thời ông Mahthir chính là Anwar Ibrahim, người từng được ông ta nâng đỡ một thời.
Nhưng rồi, thời thế đẩy đưa : từ là bạn đến thù, cặp bài trùng Mahathir Mohamad- Anwar Ibrahim lại trở thành những đồng minh bất đắc dĩ. Họ đã bắt tay nhau vào năm 2016 và gần đây ông Mahathir thông báo chọn vợ của ông Anwar Ibrahim là người đứng liên danh ra tranh cử.
Trước mắt, đảng UMNO truyền thống của thủ tướng Najib Razak đang mở cờ trong bụng, và cho rằng liên minh Mahathir Mohamad- Anwar Ibrahim đang dọn sẵn đường cho chính quyền đương nhiệm nắm giữ quyền lực thêm một nhiệm kỳ.
Một chút hy vọng từ bán đảo Triều Tiên
Sau khi Hàn Quốc để ngỏ cánh cửa đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, La Croix cho rằng, thay vì nói đến "tác động của Donald Trump" như chủ nhân Nhà Trắng tự khoe, có lẽ chúng ta nên nói tới "ép- phê Olympic".
Tới nay các kỳ Thế Vận Hội thường bị chí trích là "thái quá" hay "quá tốn kém". Nhưng đôi khi cũng phải nhìn nhận rằng sự kiện thể thao được tổ chức bốn năm một lần này có ý nghĩa riêng của nó. Điển hình là hồ sơ bán đảo Triều Tiên, sau khi hai miền Nam và Bắc đã đồng ý về thể thức để một phái đoàn Bắc Triều Tiên đến Pyeonchang dự Olympic mùa đông vào tháng tới.
Đương nhiên thỏa thuận mà Seoul và Bình Nhưỡng đạt được cách nay hai ngày chỉ mang tính tạm thời, nhưng văn bản ấy đã góp phần làm hạ nhiệt trong khu vực. Mọi người tin rằng, ít ra trong suốt thời gian các lực sĩ tranh tài, Kim Jong-un sẽ không gây rối loạn trật tự thế giới. Chưa ai biết được những gì sẽ xảy ra khi Olympic hạ màn, nhưng mọi người, và đứng đầu trong số ấy là tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, hy vọng hai nước Triều Tiên sẽ tiếp tục kênh đối thoại.
Tác giả bài viết trên nhật báo La Croix thán phục thái độ bình tĩnh hiếm thấy của ông Moon trong lúc mà Kim Jong-un và Donald Trump đọ sức xem ai có nút hạt nhân to hơn ai ! Chẳng những thế, lần này Seoul chính thức giữ khoảng cách với đồng minh Mỹ khi quyết định nói chuyện trực tiếp với Bình Nhưỡng.
Steve Bannon : Lên voi xuống ... chó
Nhân vật người Mỹ được các tờ báo Paris chú ý đến nhiều hôm nay không còn là Donald Trump mà chính là cựu cố vấn của tổng thống Hoa Kỳ, Steve Bannon, người vốn được mệnh danh là "người chuyên rỉ tai" ông Trump và rất được tổng thống Hoa Kỳ lắng nghe.
Dù vậy, giữa tháng 8/2017 Steve Bannon mất chức cố vấn chiến lược của Nhà Trắng. Tuần qua, ông ta mất luôn cả chiếc ghế lãnh đạo mạng truyền thông Breihart News do chính mình lập ra. Libération và Le Figaro chạy tựa gần giống nhau : "Bannon vĩnh viễn bị loại trừ", "loại trừ ra khỏi vòng quyền lực".
Đâu là lý do để một trong những cố vấn được xem là thế lực nhất của triều đại Trump bị thất sủng, "trắng tay" như vậy ? Theo Libération, đây là hậu quả trực tiếp từ dư âm của cuốn Fire and Fury được công bố hồi tuần trước.
Một khi bị gạt khỏi quỹ đạo của Donald Trump, Steve Bannon liên tục chĩa mũi dùi vào Donald Trump và gia đình tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Nào là việc ông cho rằng Trump không đủ khả năng cầm quyền, nào là những chỉ trích nhắm cặp vợ chồng Ivanka, trưởng nữ của chủ nhân Nhà Trắng, hay việc phê phán con trai ông Trump liên hệ với một luật sư Nga, điều mà Bannon không ngần ngại gọi là một hành vi "phản quốc".
Le Figaro tóm gọn hoàn cảnh của Steve Bannon : "Từ một một công thần, Bannon mất hết tất cả". Chỉ cách nay một năm, việc Donald Trump chinh phục Nhà Trắng được Bannon coi là một "đại tác phẩm" do chính ông ta nhào nặn. Giờ đây, chính Bannon bị Donald Trump "ruồng bỏ", gây áp lực để tước đoạt luôn cả chức giám đốc điều hành mạng thông tin cực hữu Breihart News của ông ta.
Năm trước, không thiếu gì những người chầu chực trước cửa nhà Bannon, mong thông qua Steve có thể đến gần được hơn với vua mặt trời là Donald Trump hay cô Ivanka. Giờ đây, cả thế giới chính trị thu nhỏ ở Washington không một ai đoái hoài đến Bannon.
Pháp thắt chặt chính sách nhập cư
Trở lại với thời sự Pháp : thủ tướng Edouard Philippe tiếp đại diện các hiệp hội bảo vệ người nhập cư, "chuẩn bị dư luận" trước khi trình bày về dự luật tiếp nhận di dân và tháng 2/2018.
Le Figaro chạy tựa trên trang nhất : "Một cuộc trắc nghiệm về đường lối cứng rắn của Macron" trên hồ sơ này. Hiềm nỗi, một phần trong nội bộ đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống Macron phản đối chính sách di dân "cứng rắn và hẹp lòng nhân đạo"
Tờ Le Monde cho rằng : chính phủ tìm cách xoa dịu công luận nhưng chắc chắn không nhượng bộ gì nhiều. Cụ thể là các biện pháp trục xuất sẽ gia tăng, và Pháp sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều khi chấp nhận quy chế tị nạn cho người nước ngoài.
Thị trường carbon Trung Quốc
Cuối cùng, trong lĩnh vực môi trường : vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump để ngỏ khả năng quay trở lại với thỏa thuận Paris chống biến đổi khí hậu, Le Figaro cho biết "Trung Quốc hình thành thị trường carbon quốc gia" :
Từ năm nay, 1700 nhà máy điện, trong đó có nhiều nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm nặng buộc phải hạn chế lượng khí thải carbon. Đây là một bước tiến rất quan quan trọng, vì các doanh nghiệp này phát thải 1/3 trong tổng số 11 tỉ tấn carbon thải ra môi trường tại nước này trong một năm. Trung Quốc vốn là quốc gia phát thải nhiều khí carbon nhất hành tinh.
Đến ngưỡng 2020, số doanh nghiệp tham gia thị trường carbon Trung Quốc sẽ lên tới 10.000.
Mục tiêu của thị trường carbon Trung Quốc là chuyển hướng nền công nghiệp nước đông dân nhấn địa cầu thành một nền công nghệ xanh.
Trong buổi làm việc tại Bắc Kinh, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đề xuất với đồng nhiệm Trung Quốc rằng năm 2018-2019 sẽ là năm Pháp-Trung về chuyển đổi sinh thái để huy động các doanh nghiệp, công ty khởi nghiệp, nhà nghiên cứu, sinh viên, trường đại học, các thành phố và vùng miền của hai nước hành động để góp phần khiến hành tinh sạch đẹp hơn.
Thanh Hà
Macron thăm Trung Quốc : "Mã" có khắc được "Long" ? (RFI, 09/01/2018)
Có hai chuyện báo chí Pháp rôm rả bàn luận bên lề về chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Emmanuel Macron. Thứ nhất là món quà tặng đặc biệt dành cho chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thứ hai là cách đọc tên tổng thống Pháp bằng tiếng Hoa.
Vệ binh Cộng hòa trong ngày quốc khánh Pháp, 14/07/2017-Reuters
"Ngoại giao kỵ binh" đáp trả "ngoại giao gấu trúc"
Trong câu chuyện thứ nhất, báo chí Pháp hóm hỉnh nói về "ngoại giao kỵ binh" đối đáp với "ngoại giao gấu trúc" của Trung Quốc. Để bày tỏ tình hữu hảo với đối tác Bắc Kinh, tổng thống Pháp đã mang tặng đồng nhiệm Tập Cận Bình : "Một con ngựa của đội Kỵ Binh".
Có tên gọi là "Vesuve de Brekka", chú ngựa bờm nâu 8 tuổi này vốn đến từ một trại nuôi ngựa ở vùng biển Manche và đã gia nhập đội Kỵ Binh Cộng Hòa vào năm 2012. Kèm với ngựa Kỵ Binh, tổng thống Pháp còn tặng cho chủ nhà một bộ yên và một thanh gươm có khắc dòng chữ : "Ông Emmanuel Macron – Tổng thống Cộng Hòa Pháp – Bắc Kinh – Tháng Giêng 2018" (M. Emmanuel Macron – Président de la République Française – Pékin – Janvier 2018).
Sở dĩ chủ nhân điện Elysée có món quà lạ lẫm này là vì vào năm 2014, trong chuyến công du Paris, chủ tịch Tập Cận Bình đã được đội Kỵ Binh Cộng Hòa Pháp hộ tống đến điện Invalides và ông đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đội kỵ binh.
Nguyên thủ Pháp tinh ý và có một "cử chỉ ngoại giao" với mong muốn "thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu hảo với nguyên thủ các nước", đồng thời nhằm đáp trả "chính sách gấu trúc" của Bắc Kinh, theo như giải thích của phủ tổng thống Pháp.
AFP nhắc lại là vào năm 2012, Trung Quốc đã cho nước Pháp mượn cặp gấu trúc, loài động vật quý hiếm được Bắc Kinh sử dụng như là một quyền lực mềm để phát huy ảnh hưởng. Kết quả của nền "ngoại giao gấu trúc" năm đó là một chú gấu trúc con đã được hạ sinh tại vườn thú Beauval vào mùa hè năm 2017. Và gấu trúc mới sinh đó còn có vinh hạnh được đích thân phu nhân tổng thống Pháp đặt tên.
"Mã" khắc "Long" ?
Câu chuyện thứ hai không kém phần thú vị là cách gọi tên tổng thống Pháp bằng tiếng Hoa. Phiên âm tiếng Hoa tên riêng Macron được viết là "Makelong", nghĩa là "Ngựa chế ngự Rồng". Một câu hỏi tuy dí dỏm nhưng không xa mấy thực tế đang được đặt ra : Liệu rằng "Ngựa" Pháp có thật sự chế ngự được "Rồng" Trung Hoa hay không ?
Câu trả lời có lẽ là "Không". Theo quan điểm của ông Jean-Louis Rocca, chuyên gia thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế CERI với đài France 24, trong nhãn quan Bắc Kinh, nước Pháp còn chưa đủ để trở thành đồng minh chiến lược. "Những nước mà Trung Quốc coi trọng là Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản và trong bối cảnh hiện nay là Bắc Triều Tiên".
Với Trung Quốc, "nước Pháp như là một địa danh để vui thú điền viên mà ở đó có các thương hiệu nước hoa, thời trang và chủ nghĩa lãng mạn… Nước Pháp không được xem như là một đối tác chính trị đặc biệt quan trọng. Ngay tại Châu Âu, nước Đức cũng xem xét cẩn trọng điều này".
RFI tiếng Việt
*****************
Tái cân bằng quan hệ kinh tế và thương mại giữa Pháp với Trung Quốc, tạo dựng một nền tảng mới "có lợi cho cả đôi bên" : hai trong số các hồ sơ nổi bật nhân đối thoại song phương Emmanuel Macron - Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.
Lãnh đạo Pháp đến Bắc Kinh trong bối cảnh thuận lợi : nước Mỹ của Donald Trump đang để ngỏ một chỗ trống trên bàn cờ thương mại. Nước Đức của thủ tướng Merkel, đối tác kinh tế Châu Âu quan trọng nhất đối với Bắc Kinh, lúng túng chưa thành lập được nội các. Anh Quốc bị chia trí về Brexit. Còn lại Pháp.
Kế hoạch xây dựng một khối Liên Âu vững mạnh của điện Elysée khiến Paris trở thành một đối tác đáng tin cậy trong mắt Bắc Kinh. Nước Pháp là một cửa ngõ quan trọng hơn để Trung Quốc bước vào thị trường Liên Hiệp Châu Âu, tiếp cận với các công nghệ high tech của phương Tây.
Trung Quốc và Pháp "cần có nhau"
Ngay ngày đầu đến Trung Quốc, tổng thống Emmanuel Macron cam kết hàng năm sẽ trở lại thăm nền kinh tế lớn thứ hai trên toàn cầu. Chủ nhân điện Elysée nhấn mạnh đến vai trò quyết định của Bắc Kinh để thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris vẫn tồn tại sau khi Hoa Kỳ rút lui.
Lãnh đạo Pháp đã chọn Tây An là chặng dừng đầu tiên trong chuyến công du 3 ngày trên quê hương của Tần Thủy Hoàng. Bởi trong quá khứ, Tây An từng là điểm khởi đầu của Con Đường Tơ Lụa mà từ khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình có tham vọng làm sống lại qua sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường. Dự án này mở rộng tới 65 quốc gia, nối liền các Châu lục Âu - Á, tổng trị giá đầu từ lên tới hơn 1.000 tỷ đô la.
Ngoài các hồ sơ chính về ngoại giao như căng thẳng tại Trung Đông hay tên lửa và hạt nhân Bắc Triều Tiên, Emmanuel Macron và Tập Cận Bình chủ yếu đề cập đến hàng loạt các vấn đề kinh tế song phương và theo như thông báo của phủ tổng thống Pháp, Paris còn chú trọng vào việc "xây dựng một mối quan hệ mới giữa Trung Quốc với Liên Hiệp Châu Âu" trong bối cảnh ông Macron đang tìm cách củng cố vai trò của Liên Âu trên sân khấu chính trị quốc tế.
Trên thực tế hai nền kinh tế Pháp và Trung Quốc có thể bổ sung cho nhau ở những điểm nào ?
Khoảng 50 lãnh đạo các tập đoàn lớn của Pháp tháp tùng tổng thống Macron đến BBK, trong số này phải kể đến những tên tuổi trong ngành năng lượng của Pháp như EDF, tập đoàn Areva hay tập đoàn sản xuất chiến đấu cơ Dassault, hãng máy bay Airbus...
Mỗi lần một nguyên thủ quốc gia đến Bắc Kinh, báo chí chủ ý vào hàng loạt hợp đồng, hay thỏa thuận hợp tác sẽ được ký kết. Chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của tổng thống Macron không là một ngoại lệ. Hãng tin Anh, Reuters dự báo sẽ có khoảng 50 thỏa thuận thương mại được ký kết lần này. Trung Quốc đang rất quan tâm đến các lĩnh vực công nghệ hàng không của Pháp, đến các dịch vụ về y tế trên quê hương của Pasteur, đến những sáng kiến làm sạch môi trường, phát triển và quản lý đô thị, đến nền nông nghiệp của Pháp...
Nhưng không chỉ có thế : trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, David Baverez, một nhà đầu tư đang hoạt động tại Hồng Kông nêu bật những điểm mạnh của kinh tế Pháp trước ông khổng lồ Châu Á là Trung Quốc :
"Không chỉ có những sản phẩm xa xỉ - de luxe. Đừng quên rằng kinh tế Pháp có năng suất cao vào bậc nhất trên thế giới. Trung Quốc thì đang thực sự cần nâng cao năng suất. Từ nhiều năm qua, kinh tế nước này có phát triển nhưng năng suất còn rất kém cỏi. Lương nhân công còn thấp, do vậy Trung Quốc chưa thể trông cậy vào tiêu thụ nội địa để phát triển.
Mục tiêu tái cân bằng mô hình kinh tế của nước này, tức là lấy tiêu thụ nội địa làm lực đẩy, đồng thời giảm bớt mức độ lệ thuộc vào xuất khẩu, đến nay vẫn mới chỉ là một khẩu hiệu.
Trong hoàn cảnh đó Pháp có những lợi thế để chen chân vào Trung Quốc. Pháp nói riêng, Châu Âu nói chung đang có những kỹ thuật cao đang được Trung Quốc nhòm ngó tới. Trong khi đó chúng ta biết rằng, nước Mỹ của Donald Trump đang đóng với Trung Quốc trên phương diện này. Điển hình là mới đây, Washington đã chận lại dự án của tập đoàn Alibama muốn thâu tóm MoneyGram, một công ty trong lĩnh vực chuyển tiền qua mạng.
David Baverez mùa xuân năm nay cho phát hành cuốn sách nói về quan hệ Pháp và Trung Quốc mang tựa đề "Paris-Pékin Express, la nouvelle Chine racontée au furur Président"- một dạng "Cẩm nang để nói với tổng thống tương lai của nước Pháp về một nước Trung Quốc Mới". Trong mắt David Baverez đó là nơi có phép lạ giải quyết công việc làm cho 200 triệu người từ thôn quê lên thành thị kiếm sống ; không chỉ khát dầu hay nguyên liệu, Trung Quốc còn là một nền kinh tế rất "khát công nghệ".
Trong bối cảnh đó nhà đầu tư người Pháp này cho rằng, chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Macron đang diễn ra trong những điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết.
Thứ nhất, tại Hoa Kỳ tổng thống Trump không bỏ lỡ một cơ hội để nhắc lại khẩu hiệu đã giúp ông đắc cử : America First và đòi đóng cửa biên giới nước Mỹ với hàng hóa nước ngoài cạnh tranh bất bình đẳng với các sản phẩm của Mỹ. Thứ hai, nhìn đến đối tác kinh tế quan trọng nhất quan trọng nhất của Bắc Kinh là Vương Quốc Anh, thì từ khi người dân Anh đòi ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu Trung Quốc tránh "bỏ hết trứng vào một giỏ" và tìm những bãi đáp mới để dễ làm ăn với 27 thành viên còn lại trong gia đình Châu Âu, một thị trường với hơn 500 triệu dân thiết yếu cho cỗ máy sản xuất của Trung Quốc.
Sau cùng, với nước Đức, một trong những nền kinh tế hiếm hoi trên thế giới mà cán cán thương mại của Trung Quốc bị thâm hụt – thì thành trì Angela Merkel có phần bị lung lay : hơn bốn tháng sau khi đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ tư, bà Merkel vẫn đang tìm kiếm đối tác để thành lập một chính phủ liên minh.
Trước một Donald Trump có tính khí thất thường, một Angela Merkel đang lúng túng vì chính trị nội bộ và một Theresa May bị cuốn hút vào vòng xoáy của Brexit, giới quan sát cho rằng, Emmanuel Macron đang trở thành một đối tác đáng tin cậy trong mắt ông Tập Cận Bình, và Pháp sẽ tiếp tục là một cánh cửa quan trọng mở ra thị trường Liên Hiệp Châu Âu cho Bắc Kinh.
Tái cân bằng quan hệ và giao thương "hai chiều"
Nhưng nói như vậy không phải là Paris đứng về phía Bắc Kinh một cách vô điều kiện. Đành rằng trước khi hội kiến ông Tập Cận Bình, Emmanuel Macron nhấn mạnh Trung Quốc là một đối tác quan trọng của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu, tương lai của Hoa Lục và Lục Địa Già gắn bó với nhau. Ông mong muốn Pháp và Liên Âu không bỏ lỡ cơ hội tham gia vào dự án Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21. Nhưng đấy phải là "những con đường để các bên cùng chia sẻ, chứ không thể là những con đường một chiều" và "dự án đó không thể đặt các quốc gia đặt một số quốc gia trong thế chư hầu của một chính sách bà quyền".
Bên ngoài những lời lẽ nhã nhặn và thành thật khi Paris cảm ơn Bắc Kinh nỗ lực trên mặt trận chống biến đổi khí hậu, tổng Macron đến Trung Quốc lần này với một thông điệp rất rõ ràng : Pháp mong muốn cân bằng lại quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước.
Pháp là điểm đầu tư lớn thứ nhì của Trung Quốc trên Lục Địa Già, nhưng luôn trong thế nhập siêu so với ông khổng lồ Châu Á này. Thâm hụt cán cân thương mại của Pháp với Trung Quốc liên tục gia tặng, vượt quá ngưỡng 30 tỷ euro trong năm 2016. Con số này như vậy là cao hơn gấp đôi so với nhà cung cấp lớn nhất của Pháp là Đức.
Trung Quốc chỉ đứng hạng 8 trong số các thị trường mua hàng của Pháp. Dù là nước đông dân nhất địa cầu nhưng tới nay Trung Quốc mới chiếm có 6 % tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch với Pháp. Để so sánh, thì Đức với 85 triệu dân mua vào 17 % hàng made in France. Một chỉ số khác rất tiêu biểu cho thế bất cân đối trong giao thương hai chiều : nếu như đến cuối 2016 đã có 1.600 doanh nghiệp Pháp sang Trung Quốc làm ăn, thì ngược lại mới có khoảng 700 đơn vị đại diện cho cả Trung Quốc lẫn Hồng Kông có mặt trên đất của các chú Gà Trống Gaulois.
Nhìn rộng ra hơn ngoài phạm vi nước Pháp, theo thống kê của Phòng Thương Mại Châu Âu tại Bắc Kinh được công bố hồi tháng 9/2017 : trong năm 2016, đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu tăng 77 % trong lúc vốn của Châu Âu đổ vào Trung Quốc giảm 1/4.
Tới nay Bắc Kinh luôn hứa hẹn mở cửa cho các công ty nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhâu Âu, Mỹ sang Trung Quốc làm ăn. Trên thực tế, theo phân tích của chuyên gia Pháp về Trung Quốc bà Alice Ekman – Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, Liên Hiệp Châu Âu dễ dàng mở cửa cho các công ty Trung Quốc đến Lục Địa Già. Còn doanh nhân Châu Âu thì vất vả hơn khi cắm rễ tại Hoa Lục.
Thanh Hà
**********************
Paris - Bắc Kinh : Thỏa thuận xây dựng nhà máy xử lý chất thải hạt nhân tại Trung Quốc (RFI, 09/01/2018)
Ngày 09/01/2018 tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Bắc Kinh chứng kiến lễ ký kết văn bản ghi nhớ thỏa thuận xây dựng tại Trung Quốc một nhà máy xử lý chất thải hạt nhân của Areva. Chi phí dự án lên đến khoảng 10 tỷ euro.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh ngày 09/01/2018. Reuters/Ludovic Marin/Pool
Ngoài ra, một loạt các hợp đồng kinh tế, hợp tác khoa học công nghệ sẽ được ký kết nhân chuyến đi này đặc biệt trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Thông tín viên Heike Schmidt tại Bắc Kinh tóm lược :
"Một quỹ đầu tư Pháp-Trung trị giá 1 tỷ euro sẽ được dùng để phục vụ cho các nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Một chương trình trao đổi sẽ giúp cho 20 tài năng Trung Quốc, 20 tài năng Pháp về công nghệ cao được hoàn thiện các kiến thức nghiên cứu của họ tại hai nước.
Lĩnh vực y tế dự phòng, xe hơi không người lái, chế tạo robot hỗ trợ người già… trí thông minh nhân tạo đã có mặt trong khắp các dự án. Nhưng tổng thống Emmanuel Macron đã cảnh báo rằng công nghệ phải nhằm mục đích phục vụ con người.
Tuy vậy, giờ đây Trung Quốc còn sử dụng nghiên cứu trí thông minh nhân tạo vào phục vụ việc kiểm soát gần như toàn bộ công dân nước họ. Nhờ các phần mềm nhận dạng và hàng triệu camera giúp nhận diện hơn một tỷ người dân, cảnh sát Trung Quốc có thể can thiệp trước khi tội phạm xảy ra.
Bắc Kinh cũng đang triển khai một hệ thống tín nhiệm xã hội, đánh giá cách ứng xử và thái độ chính trị của từng người dân. Những ai càng có thái độ phê phán chính sách của đảng và Nhà nước thì họ càng khó khăn trong việc học hành, sinh hoạt.
Bắc Kinh đặt chỉ tiêu từ nay đến 2025, công nghệ trí thông minh nhân tạo sẽ cần đầu tư 150 tỷ euro".
Anh Vũ