Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/01/2018

Việt Nam tham gia lực lượng bảo vệ hòa bình Liên Hiệp Quốc

Tổng hợp

Quân gìn giữ hòa bình Việt Nam sẽ triển khai ở Nam Sudan (BBC, 11/01/2018)

Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Quân đội Việt Nam sẽ tiếp quản bệnh viện dã chiến tại Nam Sudan từ Anh Quốc vào mùa Xuân năm 2018, theo một trang web về chính trị quốc tế.

lhq1

Trong lễ ra mắt Trung tâm Gìn giữ Hòa bình tại Hà Nội hồi tháng 5/2014, bà Ameerah Haq (giữa), Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chúc mừng hai quân nhân Việt Nam, ông Trần Nam Ngạn (phải), và Mạc Đức Trọng (trái) trước khi họ sang Nam Sudan làm sĩ quan liên lạc trong Lực lượng Gìn giữ Hòa bình tại đây.

Dù Việt Nam chỉ tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc từ 2014, Hà Nội từ lâu đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc này trong những đóng góp cho cộng đồng quốc tế, theo tác giả Prashanth Parameswaran viết trên trang The Diplomat hôm 09/01/2018.

Hôm 5/1, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam (thành lập năm 2013 thuộc Bộ Quốc phòng) được nâng cấp thành Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam. Tổ công tác liên ngành về gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc cũng được chuyển giao từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng.

Tác giả Parameswaran cũng nói đến quá trình Việt Nam hợp tác quốc phòng với các đối tác chủ chốt để tạo ra tiến triển trong năm nay cho sự tham gia vào chương trình gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

"Đến nay, khoảng 20 sĩ quan quân đội Việt Nam đã được cử đi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Việt Nam đã cử sĩ quan nữ đầu tiên vào lực lượng này vào tháng 10 năm ngoái, và trong vài tháng trở lại đây, trọng tâm công việc là chuẩn bị triền khai nhóm nhân viên y tế và kỹ sư quân sự tại Nam Sudan, dự kiến sẽ được thành lập trong thời gian tới".

"Theo dự tính từ trước như một phần của quy trình bổ nhiệm và thay đổi cơ cấu lãnh đạo, vai trò phụ trách nhóm công tác liên ngành của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc cũng được chuyển giao từ Bộ Ngoại giao sang Bộ Quốc phòng".

lhq2

Thành lập hồi 2014 và được Anh, Hoa Kỳ cùng Úc hỗ trợ, Trung tâm Gìn giữ Hòa bình của Việt Nam sẽ có bước đi quan trọng năm 2018 ở Nam Sudan

Bài của Prashanth Parameswaran cho rằng, "để đảm bảo chất lượng, những bước phát triển này đã đạt những thành tựu không nhỏ. Việc các quan chức Việt Nam làm chứng cho buổi lễ [gần đây tại Hà Nội] một lần nữa đã thể hiện sự nhấn mạnh của chính phủ trong hoạt động gìn giữ hòa bình và tầm quan trọng của nó trong những cam kết và chính sách quốc tế của Việt Nam".

Sự hỗ trợ của Anh

Được biết từ mấy năm qua, Anh Quốc đã hỗ trợ nhiều và ngay từ đầu cho Việt Nam trong công tác này.

Ông Jonathan Allen, Phó đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc được trang web của chính phủ Anh trích lời nói về các chiến dịch gìn giữ hòa bình trên thế giới của nước này :

lhq3

Anh Quốc giúp Việt Nam chương trình học tiếng Anh cho quân gìn giữ hòa bình tại Hội đồng Anh

"Anh Quốc hiện có 700 nhân viên và quân nhân triển khai trong 8 sứ mệnh ở 7 nước. Con số này gồm 380 quân ở Nam Sudan, 40 ở Somalia, và 280 ở đảo Síp", ông nói hôm 21/12/2018.

Vẫn theo đại sứ Allen thì "thông qua công tác triển khai gìn giữ hòa bình, Anh Quốc "hợp tác với Việt Nam, Hoa Kỳ và Úc để cung cấp dịch vụ bệnh viện dã chiến tại Bentiu, Nam Sudan cho các quân nhân gìn giữ hòa bình tại đó".

Vẫn Bộ Ngoại giao Anh trong bài hồi tháng 11/2017 xác nhận Anh Quốc sẽ giúp Việt Nam "tiếp quản" bệnh viện dã chiến" từ Anh trong năm sau.

lhq4

Quân nhân Nhật Bản trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan

Hồi tháng 9/2016, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Tướng Nguyễn Chí Vịnh đã đến London để thảo luận về việc Anh Quốc giúp Việt Nam đào tạo tiếng Anh và các kỹ năng cho công tác gìn giữ hòa bình.

Hồi tháng 8/2017, một nhóm công tác từ Trung đoàn quân y số 2 của Lục quân Hoàng gia Anh Quốc đã đến thăm và làm việc với Trung tâm Gìn giữ Hòa bình thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Trong lễ ra mắt Trung tâm Gìn giữ Hòa bình tại Hà Nội hồi tháng 5/2014, bà Ameerah Haq, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc chúc mừng hai sĩ quan Trần Nam Ngạn và Mạc Đức Trọng trước khi họ sang Nam Sudan làm sĩ quan liên lạc trong Lực lượng Gìn giữ Hòa bình tại đây.

lhq5

Lễ truy điệu một quân nhân Ấn Độ trong Lực lượng Gìn giữ Hòa bình Liên Hiệp Quốc bị giết tại Nam Sudan

Kể từ đó đến nay, Quân đội Việt Nam đã cử 19 sĩ quan luân phiên sang Nam Sudan nhưng việc tiếp quản một bệnh viện dã chiến là bước chuyển biến quan trọng nhất trong quá trình nước này tham gia các sứ bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc.

Hiện nay, từ Châu Á, cả Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Campuchia...đều đóng góp quân gìn giữ hòa bình cho Liên Hiệp Quốc ở Nam Sudan.

Nhưng việc điều khiển quân gìn giữ hòa bình ra nước ngoài cũng không đơn giản và có thể gây ra các vấn đề cho chính trị gia nước cử đi.

Hồi tháng 7/2017, bà Tomomi Inada đã phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản do bị cáo buộc giấu các văn bản gây tranh cãi về xử lý dữ liệu về sự thương vong của quân Nhật trong lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan.

**********************

Việt Nam thúc đẩy việc tham gia lực lượng duy trì hòa bình quốc tế (RFI, 10/01/2018)

Theo tin báo chí trong nước, vào tuần trước, ngày 05/1/2018, Bộ quốc phòng Việt Nam vừa làm lễ ra mắt Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Đây là bộ phận được nâng cấp từ Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, được Bộ quốc phòng thành lập từ năm 2014. Một thay đổi khác, đó là Tổ công tác liên ngành về gìn giữ hòa bình được chuyển giao từ Bộ ngoại giao về Bộ quốc phòng Việt Nam.

forum5

Ảnh chụp từ website vnpkc.gov.vn(@www.vnpkc.gov.vn)

Việc Hà Nội nâng cấp cơ quan đặc trách gìn giữ hòa bình được các nhà quan sát xem là một sự kiện đáng chú ý. Trên trang The Diplomat ngày 09/01 vừa qua, chuyên gia về Đông Nam Á Prashanth Parameswaran, lưu ý rằng, tuy đóng góp của Việt Nam vào các chiến dịch duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc chỉ mới chính thức bắt đầu từ năm 2014, nhưng Hà Nội vẫn nhấn mạnh đến sự đóng góp đó, đồng thời đặt kế hoạch này trong khuôn khổ quan hệ quốc phòng với các đối tác chủ chốt của Việt Nam, cũng như trong khuôn khổ chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Kể từ khi được thành lập vào năm 2014, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã được sự hỗ trợ của các đối tác như Ấn Độ, Pháp... Trung tâm này không chỉ đón tiếp các cuộc họp về vai trò duy trì hòa bình của Việt Nam, mà cuối tháng 12 vừa qua còn tổ chức hội thảo Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc do Việt Nam khởi xướng, với sự đồng chủ trì của Canada và Hàn Quốc. Sự kiện này dường như cho thấy là Việt Nam muốn đóng vai trò như là lực lượng gìn giữ hòa bình hàng đầu ở Châu Á. Tháng Giêng năm ngoái, Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng đã khai trương trang web của cơ quan này.

Từ năm 2014, Việt Nam đã cử tổng cộng 20 sĩ quan làm nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc ở Châu Phi. Tháng 10/2017, nữ sĩ quan Việt Nam đầu tiên cũng đã được cử tham gia phái bộ Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan.

Nhân buổi lễ ngày 05/01, tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về gìn giữ hòa bình, thứ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh, đã thông báo là Việt Nam đang hoàn tất thủ tục và đàm phán với Liên Hợp Quốc để triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2, với quy mô 70 người, dự kiến sẽ đi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan vào tháng 4/2018, đồng thời chuẩn bị triển khai đội Công binh gồm 268 người, dự kiến hoạt động vào năm 2019.

Để chuẩn bị cho những bước mới đó, Bộ quốc phòng Việt Nam và Bộ quốc phòng Pháp ngày 06/06 năm ngoái đã tổ chức tại Hà Nội một hội nghị để trao đổi kinh nghiệm triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Gìn giữ hòa bình là lĩnh vực mà quân đội Pháp có rất nhiều kinh nghiệm, vì Pháp đã tham gia các chiến dịch duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc ở nhiều nơi từ nhiều năm qua.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 675 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)