Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

12/01/2018

Điểm báo Pháp - Bắc Triều Tiên : Hệ quả cấm vận quốc tế

RFI tiếng Việt

Tàu ma Bắc Triều Tiên ngoài khơi Nhật Bản : Hệ quả cấm vận quốc tế ?

Vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên giảm nhiệt, nhờ điều có thể gọi là chính sách ngoại giao "Thế Vận", nhật báo Pháp Le Monde đề ngày hôm nay 12/10/2018, đã có một bài phân tích rất thú vị về hiện tượng gọi là "tàu ma "Bắc Triều Tiên ngoài khơi Nhật Bản tăng cao trong những năm gần đây.

tauma1

Một thuyền gỗ có tám người bị nghi là ngư dân Bắc Triều Tiên bị cảnh sát Nhật chặn bắt ở ngoài khơi Yurihonjo, Akita, ngày 24/11/2017. Mandatory credit Kyodo/via Reuters

Theo phóng viên Philippe Mesmer của Le Monde, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này rất có thể là chính sách cấm vận mà quốc tế đang áp dụng nhắm vào chế độ Kim Jong-un để buộc chính quyền Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa.

"Tàu ma" là tên mà người Nhật dùng để chỉ những chiếc tàu đánh cá ọp ẹp của ngư dân Bắc Triều Tiên, thường là không có thiết bị điều hướng, vào đánh bắt trái phép trong vùng biển của Nhật Bản nhưng lại bị nạn, trôi lênh đênh ngoài khơi hay dạt vào bờ biển Nhật Bản, nhiều khi trên tàu không còn ai, hoặc chỉ có xác chết.

Theo ghi nhận của Le Monde, việc tàu cá Bắc Triều Tiên vào đánh bắt trộm trong vùng biển Nhật Bản đã có từ lâu, nhưng vào năm 2017, số lượng tàu ma đặc biệt cao. Tuần duyên Nhật Bản đã thống kê được đến 104 tàu thuyền loại này, so với 80 chiếc vào năm 2013, bắt giữ 42 người và phát hiện 35 thi hài.

Phản ứng của người Nhật đối với vụ này rất khác nhau. Có người nhớ lại các vụ gián điệp Bình Nhưỡng bắt cóc người Nhật đưa về Bắc Triều Tiên trước đây, và lo ngại rằng những con tàu đó lén lút đưa gián điệp Bắc Triều Tiên thâm nhập Nhật Bản. Nỗi lo ngại này lại càng tăng trong bối cảnh Nhật Bản bị chương trình tên lửa và hạt nhân Bắc Triều Tiên đe dọa, với một vài hỏa tiễn của Bình Nhưỡng đã bay qua Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo Le Monde, việc số lượng tàu ma Bắc Triều Tiên ngoài khơi Nhật Bản tăng cao trong năm 2017 rất có thể là hậu quả gián tiếp của việc các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Bắc Triều Tiên càng lúc càng được thắt chặt thêm.

Bán quyền đánh cá cho Trung Quốc khiến ngư dân Bắc Triều Tiên phải đi xa

Vì thiếu thanh khoản, lại không còn khả năng xuất khẩu thủy sản mình đánh bắt được, chế độ Kim Jong-un đã quyết định bán quyền khai thác tài nguyên thủy sản của mình cho Trung Quốc. Theo báo cáo của cơ quan mật vụ Hàn Quốc, vào năm 2010, Bình Nhưỡng đã cấp ra 250 giấy phép đánh bắt ở Biển Nhật Bản, nhưng vào năm 2016, số lượng này đã tăng vọt thành 2.500, với trị giá 82 tỷ won (64 triệu euro).

Hậu quả là ngư dân Bắc Triều Tiên phải đi đánh bắt ở những nơi càng lúc càng xa hơn.

Ngay tại Bắc Triều Tiên, mối lợi thu từ ngành ngư nghiệp đã kích động lòng tham của các giới có chức có quyền. Theo các cơ quan tình báo Hàn Quốc, vụ nhân vật quyền thế Jang Song-thaek (1946-2013), chú dượng của lãnh đạo Kim Jong-un bị thanh trừng vào năm 2013, bắt nguồn từ việc tranh giành một công ty tại Nampo, cảng lớn ngay cạnh Bình Nhưỡng, chuyên kiểm soát việc đánh bắt cá ở Hoàng Hải.

Dưới thời Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên đã đưa ngư nghiệp lên hàng ưu tiên phát triển. Ngoài các chuyến ra đánh bắt ngoài khơi xa, chế độ cũng hỗ trợ một hoạt động thủy sản quan trọng, đặt chỉ tiêu sản lượng cao và thưởng công cho ngư dân nào đạt được. Vào tháng 11/2017, tờ Rodong Sinmun của Bắc Triều Tiên đã kêu gọi ngư dân tiến hành "cuộc chiến quan trọng" để đạt chỉ tiêu vào mùa đông, và so sánh "Cá là đạn pháo" giáng xuống kẻ thù.

Áp lực của chính quyền buộc ngư dân Bắc Triều Tiên chấp nhận rủi ro nhiều hơn với các công cụ đã lỗi thời. Bên cạnh nhu cầu cung cấp thức ăn cho người dân, thủy sản cũng là tăng thu nhập cho quân đội, định chế quản lý hoạt động này.

Trên con tàu ma Bắc Triều Tiên với toàn bộ thủy thủ đoàn bị chặn giữ tại vùng Hokkaido hôm 29/11/2017, có ghi hàng chữ bằng tiếng Hàn : "Đơn vị 854 của quân đội của nhân dân".

Le Monde không quên nhắc lại rằng trong các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc vào tháng 8/2017 có việc cấm Bắc Triều Tiên xuất khẩu than, khoáng sản và thủy sản, cắt giảm khoảng 1 tỷ đô la thu nhập của chế độ Bình Nhưỡng.

Tranh cãi về phong trào chống sách nhiễu tình dục

Bên cạnh bài viết đáng chú ý nêu trên, Le Monde hôm nay đã dành tựa lớn trang nhất cho một hồ sơ đang sôi nổi : nạn phụ nữ bị quấy rối tình dục.

Điểm đáng chú ý là Le Monde đã nêu bật các phản ứng rất khác nhau của phụ nữ trước một thư ngỏ mà tờ báo đã cho đăng, được 100 người ký tên, trong đó họ tố cáo điều được gọi là chủ nghĩa tự cho mình là thanh cao và tâm lý tự cho mình là nạn nhân của phong trào #metoo, xuất hiện sau vụ nhà sản xuất phim đầy thế lực Harvey Weinstein bị tố cáo sách nhiễu tình dục rất nhiều người. Những người theo phong trào #metoo là những người đã lên tiếng kể lại những trường hợp lạm dụng mà chính họ là nạn nhân.

Đối với Le Monde, cuộc tranh cãi bùng lên không chỉ giới hạn ở nước Pháp, mà còn lan rộng trên thế giới, và đã phơi bày những mâu thuẫn dai dẳng, đã có từ lâu về phong trào đấu tranh đòi nữ quyền.

Bà Michelle Perrot, nhà sử học chuyên nghiên cứu phong trào nữ quyền, đã cực lực đả kích những phụ nữ đã ký tên vào lá thư khi cho rằng "Thái độ thiếu đoàn kết (với những người đồng giới) của họ và sự vô tâm của họ đối với những hành vi bạo lực đã làm tôi phải sững sờ".

Một sử gia về phong trào giải phóng phụ nữ khác cũng đả kích những tác giả của bức thư ngỏ, cho rằng tệ nạn cưỡng bức hay sách nhiễu phụ nữ không phải là điều hoang tưởng hay hư cấu nghệ thuật, mà là những gì có thực. Và khi phụ nữ đòi thoát ly khỏi tầm khống chế của nam giới, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là họ căm ghét đàn ông.

Trước những lời phản đối đó, Sarah Chiche, một trong những người chủ trương lá thư ngỏ đã lên tiếng bênh vực cho quan điểm của mình và tố cáo hiện tượng mà bà gọi là "thiết lập một chuẩn mực đạo đức mới".

Pháp siết chặt luật nhập cư, dư luận bất bình xuất hiện

Báo Libération đã dành trang nhất để nói về dự luật nhập cư mới của chính quyền Pháp đang làm cho các hiệp hội bảo vệ người nhập cư bất bình. Tựa đề trang nhất của báo Libération rất mỉa mai :

Dưới tiểu tựa : "Sàng lọc những người di cư", là tựa lớn lập lại một khẩu hiệu quảng cáo nổi tiếng của hãng điện tử Nhật Bản Sony : "Sarkozy hằng mơ ước và Macron đã thực hiện điều đó".

Trong bài xã luận, Libération nêu rõ : " (...) Tăng gấp đôi thời gian tạm giam, rút ​​ngắn thời gian kháng cáo, ý định được công khai hóa là tăng đáng kể các lệnh trục xuất : đa số bảo thủ (trước đây) đã không áp dụng các biện pháp ngặt nghèo như vậy. Pasqua (cựu bộ trưởng nội vụ nổi tiếng là cứng rắn) không hề nghĩ đến điều đó, cựu tổng thống Sarkozy (cánh hữu) cũng chỉ dám mơ về nó mà thôi, thế nhưng Macron đã làm điều đó".

Theo Libération, cần phải cấp bách đòi thu hồi thông tri của bộ trưởng nội vụ Collomb, vốn có tác dụng "loại bỏ nơi dung thân cho người nhập cư, dù chỉ trong một đêm, và mâu thuẫn với truyền thống hàng thế kỷ trước cuộc Cách Mạng 1789, thậm chí tồn tại từ thời cổ đại Hy Lạp hoặc La Mã…".

Liên Hiệp Châu Âu không thể bị chia rẽ thành hai khối đông-tây

Báo Le Figaro đã nhìn rộng ra toàn Châu Âu, lo ngại rằng hố chia cách hai khối Đông và Tây Âu đang rộng ra. Trong bài xã luận, Arnaud de La Grange ghi nhận : "(...) Được Ba Lan và Hungary cầm đầu, những quốc gia trước đây rất sốt sắng ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, hiện đang nổi dậy chống lại "trật tự Bruxelles". Bước ngoặt lớn là cuộc khủng hoảng người nhập cư vào năm 2015".

Đối với nhật báo cánh hữu, để sự thiếu cảm thông lẫn nhau không biến thành chia rẽ, những nước lớn của Châu Âu sẽ phải quan tâm đến những khát vọng cụ thể của các đàn em phương Đông (...), trong lúc những quốc gia đó cũng phải hiểu rằng Châu Âu không phải là một "siêu thị", như tổng thống Pháp đã nói. Về mặt công lý và quyền tự do ngôn luận, Châu Âu có những giá trị không thể "thương lượng được".

Putin không đối thủ

Nhật báo công giáo La Croix vào hôm nay rất khác với các đồng nghiệp khi dành trang nhất cho tình hình chính trị Nga.

Với hàng tựa lớn ở trang nhất : "Putin không đối thủ", bên trên nền ảnh lớn của tổng thống Nga đang đứng với một vẻ mặt lạnh lùng, tờ báo Pháp giải thích thêm :

"Nhờ khống chế được hoàn toàn guồng máy Nhà nước, cho phép ông kiểm soát những người đối lập với ông, chủ nhân điện Kremlin đang thanh thản tiến bước đến cuộc bầu cử tổng thống ngày 18/03".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 640 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)