Chuyến công du của Tổng thống Pháp ở Trung Quốc và những trận bão trong ly nước
Nhân chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Macron (với bà Chủ tịch Hội đồng Châu Âu) và những phát biểu của ông về ý chí tự chủ của Liên Hiệp Châu Âu (Liên Âu) và Pháp đã gây xôn xao dư luận từ hai bên thềm Đại Tây Dương nên mạo muội có vài suy nghĩ về những đề tài đang gây xôn xao này.
1. Tinh thần độc lập quốc gia có phải là một tội ?
Câu trả lời tùy theo quan niệm cá nhân.
Khi Trump đơn phương đột ngột rút quân khỏi Syria, bỏ đồng minh Kurdistan của mình trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (Islamic State – IS), phe đồng minh đều lũ lượt theo chân Trump. Trừ nước Pháp. Họ một mình tiếp tục ở lại chiến trường Syria giúp đỡ người Kurds.
Cả thế giới tự do đều lên án quyết định ích kỉ và vô trách nhiệm này của Trump, trừ Nga và Trung Quốc, không một ai lên án tinh thần độc lập (với Mỹ) và trách nhiệm này của Pháp. Nhưng cũng không một ai dám mở miệng khen vì... cảm thấy xấu hổ.
2. Khả năng, một ngày nào đó, Mỹ rút khỏi NATO có cơ sở hay không ?
Trong nhiệm kì tổng thống của mình, Trump đã từng tuyên bố muốn rút khỏi NATO, luôn bái phục Putin đến độ tuyên bố "giữa Putin và các cơ quan tình báo Mỹ thì ông ta tin tưởng Putin hơn". Vì lí do gì trong một buổi nói chuyện tay đôi với Putin, Trump không mang theo một người Mỹ nào, kể cả thông dịch viên ? Ám ảnh lớn của Trump và Putin là sự hiện diện của NATO bên cạnh họ, vậy họ đã bàn thảo những vấn đề gì với nhau có làm người ta phải suy đoán ? Ngay cả cơ quan tình báo CIA cũng đã phải vội vã đưa một gián điệp cấp cao của Mỹ ra khỏi nước Nga vì sợ Trump tiết lộ danh tánh người này với Putin.
Ngày 20/04/2014, khi Putin xa quân xâm chiếm bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, NATO ở đâu và đã có phản ứng nào ? Từ 23/2 đến 7/4/2022, Putin chiếm thêm hai vùng phía đông Ukraine, Lugansk và Donetsk, NATO ở đâu và đã làm gì ? Khi Putin chính thức tuyên bố sát nhập Crimea vào lãnh thổ Nga ngày 27/02/2017, ngoài lời đe dọa sẽ trừng phạt vài lãnh đạo UKraine hợp tác với Nga, NATO đã không có một lời nào về quyết định này cả ?
Những sự kiện vừa kể trên minh chứng hùng hồn cái chết lâm sàng của NATO. Chính Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã tuyên bố NATO đang ở trong tình trạng chết não.
Phải chờ tới ngày 24/02/2022 khi Putin tung một đoàn xe tăng và thiết giáp dài hơn 80 km vượt biên giới Belarus tiến về thủ đo Kiev của Ukraine, NATO mới giật mình tỉnh dậy. Nói một cách khác, NATO đã được hồi sinh nhờ... Putin.
3. Có khả năng, một ngày nào đó nước Mỹ có một tổng thống có cùng lập trường và thái độ về địa chính trị thuộc vùng Châu Âu như Trump, thậm chí là Trump vào năm 2024, hay không ?
Tới lúc đang viết những dòng này, mặc dù đang bị Tòa án New York truy tố 34 tội hình sự, Trump không những vẫn được ủng hộ mà còn mạnh mẽ hơn trước. Điều này có thể là một bài học cho những tổng thống đảng Cộng hòa trong tương lai : phải có thái độ như Trump.
4. Nếu Mỹ rút khỏi NATO thì đồng minh của Mỹ ở Châu Âu sẽ ra sao ?
Tổng hợp những sự kiện vừa kể trên, viễn kiến cho sự tự lực và tự chủ quốc phòng của Liên Hiệp Châu Âu là một điều bắt buộc. Sự rút lui không báo trước của Mỹ cho đồng minh Châu Âu hoàn toàn có cơ sở. Một thí dụ, Mỹ đã đột ngột rút khỏi Afghanistan (cũng như đã làm trước đó ở Syria) trước sự sững sờ của đồng minh vì không hề được thông báo. Trước viễn ảnh này, vấn đề của Liên Hiệp Châu Âu và Anh là thời gian : thiết lập một chiến lược, một hệ thống phòng thủ quốc phòng đòi hỏi vài chục năm...
Hơn nữa, thái độ lợi dụng và ỷ lại cái dù Mỹ của một số quốc gia Châu Âu luôn bị Mỹ chỉ trích, mạnh nhất là bởi Trump và ngay cả ở Châu Âu. Sự chỉ trích này hoàn toàn chính đáng trên mọi phương diện.
Như vậy người ta có thể cùng lúc lên án sự lợi dụng, ỷ lại và lên án ý nguyện tự lập của Châu Âu ?
5. Cuối tuần vừa qua, trong thời điểm công du ở Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Bắc Kinh đã tung ra một cuộc tập trận qui mô phong tỏa Đài Loan. Tổng thống Macron liền ra lệnh cho một tàu chiến (khu trục hạm Prairial) có trang bị vũ khí, hệ thống radar và cả một lực lượng đặc nhiệm hiên ngang đi qua vùng biển giữa Trung Quốc và Đài Loan (Taiwan strait), cách bờ biển Trung Quốc 85 cây số, để chứng tỏ thái độ cứng rắn của Pháp (và của Liên Âu) đối với Trung Quốc. Song song với thái độ này, Tổng thống Macron phát biểu nước Pháp là đồng minh chứ không phải chư hầu của Mỹ nên không để bị lôi cuốn, một cách máy móc, vào những tranh chấp nào (ngụ ý giữa Trung Quốc và Mỹ) không phải của mình.
Sự kiện này nói lên một cách rõ ràng ý chí của Pháp : 1) cứng rắn đối với tham vọng bá chủ Biển Đông của Trung Quốc và 2) không vào hùa với Mỹ khi sự xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc "nếu" chỉ là sự tranh giành vị thế bá chủ chứ không phải cuộc chiến cho tự do.
Pháp muốn dành cho mình quyền tự quyết và quyền có tiếng nói của mình. Hai quyền này là những quyền tự nhiên của con người và luôn phải tranh đấu cam go để có. Trên phạm vi lớn hơn là quốc gia thì hai quyền này cũng thế. Tại sao lên án người khác những điều mà mình cũng muốn và vẫn làm ?
Macron nhắc lại là về ý thức hệ thì Pháp đứng chung chiến tuyến và là một đồng minh với nước Mỹ. Còn gì rõ ràng hơn ? Có gì để thắc mắc về tinh thần độc lập, không ỷ lại vào Mỹ của Pháp ?
6. Nước Pháp, với 300 đầu đạn nguyên tử, hoàn toàn tự chủ (hệ thống, kĩ thuật) với NATO (chứ không như Anh). Không một nước nào có thể nghĩ tới chuyện tấn công nước Pháp bằng vũ khí nguyên tử. Pháp dư thừa khả năng bảo đảm hòa bình cho chính họ.
Nhưng, với Macron, vấn đề không phải sự an toàn của nước Pháp mà tương lai của Liên Âu.
Lí tưởng của Macron từ trước tới nay vẫn như một : một Liên Âu hùng mạnh, độc lập trên mọi phương diện để sánh ngang vai cùng hai siêu cường Trung Quốc và Mỹ trong thế kỉ 21, chứ không phải lệ thuộc cả hai như hiện nay. Đó là một viễn kiến hết sức sáng suốt và hoàn toàn khả thi nếu "một số nước" cùng quyết tâm.
Tại sao "một số nước" ? Tại vì một số quốc gia trong Liên Âu đang hưởng những lợi lộc kinh tế quá lớn từ Trung Quốc và Mỹ nên không dám làm bất cứ gì khiến hai siêu cường này phải cau mày, nghĩa là không nên có sự hiện diện của một siêu cường khác.
Nhưng thế giới đang biến chuyển và thay đổi rất nhanh, điều kiện thuận lợi của một số quốc gia này sẽ không thể kéo dài mãi mãi. Lãnh đạo "một số nước" này cũng biết như thế nhưng vì những lợi ích hiện nay và ngay bây giờ quá lớn khiến họ tạm thời gác lại những chuyện đường xa. Vớt được đồng nào hay đồng đấy.
Người Pháp có đủ thông minh để hiểu rằng họ, cũng như bất kì một nước nào trong khối Liên Âu, không đủ khả năng lãnh đạo một liên hiệp gồm 27 quốc gia, rộng hơn 4,1 triệu km2 với gần 450 triệu dân. Người Pháp chỉ mong ước được sống trong một khối Liên Âu hùng mạnh, trong đó họ cùng một vài quốc gia hùng mạnh khác giữ vai trò đầu tàu, như đang là bây giờ.
Nhiều dự án quốc phòng chung đã được kí kết và một số đã bắt đầu khởi công đều lần lượt bị rút lại để chờ, hoặc đơn giản là hủy bỏ, cũng vì vẫn còn "một số nước" dè dặt. Điều này chứng tỏ là có áp lực trong nội bộ Liên Âu và NATO.
7. Giữ một đường dây liên lạc giữa hai bên tham chiến là một thông lệ từ lâu, ít nhất là từ sau Thế chiến thứ hai, điển hình là "Điện thoại đỏ" giữa Mỹ và Liên Xô. Hiện nay Mỹ và Nga vẫn tiếp tục điện đàm thương thuyết thường xuyên về mọi diễn biến ở Ukraine. Nếu Tổng thống Macron vẫn giữ liên lạc với Moskva và Bắc Kinh thì có gì là bất thường ?
Có nhiều khả năng là cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ chấm dứt bằng giải pháp chính trị, nghĩa là phải qua hòa đàm. Trong điều kiện đó, bên nào không chuẩn bị sẽ bị thua thiệt nặng.
Thành ngữ Pháp có câu "người được chuẩn bị có giá trị gấp đôi".
Lê Mạnh Tường
(14/04/2023)