Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

15/04/2023

Làn sóng dân chủ đang tăng tốc

Trần Khánh Ân

Thế giới dân chủ phương Tây đang thức tỉnh

Sau khi bức tường Bá Linh và Liên bang Xô-Viết sụp đổ, đã có rất nhiều người tin rằng Chiến tranh lạnh đã chấm dứt và chiến thắng của dân chủ là hiển nhiên. Nhưng cuộc chiến Nga - Ukraine một lần nữa cải chính niềm tin đó.

lansong1

Sau khi bức tường Bá Linh và Liên bang Xô-Viết sụp đổ, đã có rất nhiều người tin rằng Chiến tranh lạnh đã chấm dứt

Vào năm 2008, khi nguyên thủ các quốc gia tới Bắc Kinh tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic thì Nga đem quân đánh Georgia (Gruzia) và chiếm một phần lãnh thổ của đất nước nhỏ bé này. Mặc dù vậy, Liên Hiệp Châu Âu vẫn thiết lập đường ống dẫn khí để mua khí đốt của Nga. Năm 2014, Nga tiến quân xâm lược Ukraine chiếm bán đảo Crimea và một phần lãnh thổ vùng Donbass, thế giới phương Tây lên án lấy lệ rồi thôi. Những cuộc gây hấn và gây hấn này của Nga vẫn chưa làm cho Mỹ và Châu Âu thức tỉnh và chưa thấy rõ bộ mặt hiếu chiến của Putin. Chính thái độ lạnh cảm của phương Tây đã làm cho những người tranh đấu cho tự do và dân chủ trong những thể chế độc tài, trong đó có Việt Nam, thất vọng.

Nhưng cuộc xâm lăng của Nga vào lãnh thổ Ukraine tháng 2/2022 đã làm thay đổi tất cả : Putin để lộ bộ mặt hiếu chiến, liên minh quân sự NATO bừng sống lại, thế giới phương Tây đoàn kết hơn bao giờ hết chống lại hai thế lực độc tài và bành trướng đang lên là Liên bang Nga và Trung Quốc. Lá bài nhân quyền và dân chủ được phục sinh và được cả thế giới hỗ trợ.

Trung Quốc : thành trì độc tài cuối cùng trước nguy cơ tự tan vỡ

Một thành trì độc tài khác tại Châu Á là Trung Quốc cũng hung hăn không kém. Bắc Kinh một mặt tung lực lượng hải quân trên khắp Biển Đông tiến chiếm biển đảo và hù dọa những quốc gia nhỏ yếu hơn, một mặt đàn áp và triệt tiêu mọi tiếng nói bất đồng và quyền sống của những dân tộc không cùng văn hóa trong nước. Hiện nay, mặc dù đang khốn đốn trước những khủng hoảng về kinh tế, chính trị, môi trường và dân số, Tập Cận Bình không hề nương tay dập tắt mọi chống đối trong nội bộ đảng và trên toàn quốc. Một câu hỏi được đặt ra là thái độ cứng rắn này của họ Tập còn kéo dài được bao lâu ?

Về kinh tế, với khối nợ hơn 40.000 tỷ USD năm 2019 (tương đương 300% GDP), Trung Quốc sẽ không còn có thể vay thêm được tiền nữa và trong khi co cụm sẽ làm một hành động tự sát là in thêm tiền. Hành động này sẽ khiến cho tình trạng suy thoái tăng lên ở cấp số nhân.

Về chính trị, Tập Cận Bình đang cố duy trì quyền lực bằng cách gia tăng đàn áp và thanh trừng nội bộ khiến cho bộ mặt của chính quyền Trung Quốc vốn dĩ đã xấu nay lại càng bị ghét bỏ và bị phản kháng hơn.

Về môi trường, với chính sách tăng trưởng bằng mọi giá, phát triển hoang dại, chính quyền Bắc Kinh đang biến một vùng lãnh thổ rộng lớn miền Bắc Trung Quốc thành hoang mạc và không thể sống được nữa. Cát đỏ sa mạc Gobi ngày càng tiến gần Bắc Kinh.

Về dân số, với sự áp đặt thô bạo về hạn chế sinh đẻ, dân số Trung Quốc ngày càng giảm và số người già neo đơn ngày càng cao. Tỷ lệ sinh sản hiện nay giảm sút ở mức độ nguy hiểm. Nếu tỷ lệ này kéo dài cho tới năm 2100 thì Trung Quốc chỉ còn 600 triệu dân, nghĩa là Trung Quốc mất hẳn lực lượng lao động chính.

Đang lúc gồng mình hứng chịu tất cả mọi khủng hoảng tới cùng một lúc như vậy, Trung Quốc còn phải đối diện với một thực tại phũ phàng khác là đồng minh lớn nhất của mình là Nga đang sụp đổ. Tuy bề ngoài phải lên gân chứng tỏ mình vẫn còn hùng mạnh và đứng vững, Trung Quốc hoàn toàn tuyệt vọng, bối rối, co cụm, tự sa lầy trong những chính sách bành trướng tốn kém của mình để rồi sau cùng sẽ tự tan vỡ.

lansong2

Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường còn hãnh diện hô hào "Made in China 2025", với hậu ý khống chế các thị trường kinh tế thế giới vào năm 2025 bằng những sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.

Việt Nam sẽ như thế nào ?

Trước kia, thế giới dân chủ cần Việt Nam vì Việt Nam có thể là quốc gia an toàn cho những nguồn đầu tư lớn của họ ngoài Trung Quốc. Người ta lo ngại địa bàn đầu tư Trung Quốc vì Bắc Kinh đang ban hành nhiều chính sách hạn chế và kềm tỏa hoạt động của các nhà đầu tư quốc tế đe dọa tính độc lập và sự an toàn của các thị trường kinh tế phương Tây. Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường còn hãnh diện hô hào "Made in China 2025", với hậu ý khống chế các thị trường kinh tế thế giới vào năm 2025 bằng những sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.

Thêm vào đó, Bắc Kinh công khai để lộ răng nanh và móng vuốt qua chiến dịch ngoại giao "Chiến Lang" hung hăng, vận động xây dựng "mô hình Trung Quốc trên toàn thế giới" qua chiêu bài "nhất đới nhất lộ" (OBOR), và nhất là ý đồ chiếm đoạt Biển Đông làm ao nhà, nơi di chuyển của 40% lượng hàng hóa trên thế giới…

Trước những nguy cơ này, thế giới phương Tây đã có những chính sách mềm mỏng với Việt Nam và ngó lơ những vi phạm quyền con người và quyền tự do tôn giáo trong nước. Không những thế, họ còn bao dung chính sách đu dây của Việt Nam, "không chọn bên, chỉ chọn lẽ phải", mà ai cũng biết là thần phục Trung Quốc và Liên bang Nga hơn là thân thiện với Hoa Kỳ và Liên Âu. Cũng nên biết là không có một cơ quan thiện nguyện nào của Trung Quốc và Liên bang Nga, tư cũng như công, đến Việt Nam xây dựng những cơ sở hạ tầng giúp đỡ người nghèo, bệnh tật hay giáo dục.

Vào năm 2019 Việt Nam là địa bàn đầu tư có đầy đủ điều kiện để hy vọng những công ty đa quốc rời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư. Khi đó chính quyền cộng sản Việt Nam hồ hởi "dọn ổ để đón đại bàng và đặt điều kiện để thu về tối đa quyền lợi. Những cuộc thương lượng đã đột ngột dừng lại vào năm 2022 sau khi Putin phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine. Cơ hội đón nhận nguồn đầu tư ồ ạt từ thế giới phương Tây đã không tới vì sự thiển cận của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam : không dám lên án Liên bang Nga xâm lăng Ukraine với 1 phiếu chống và 4 phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Cả thế giới đều rõ Hà Nội đã chọn bên và lẽ phải nào.

Điều mà có lẽ chính quyền cộng sản Việt Nam và nhiều người chưa ý thức được, đó là có một thế giới trước ngày 24/2/2002 và một thế giới sau ngày 24/2/2022. Hai thế giới này khác nhau với hai ý thức khác nhau, thế giới tiền Ukraine hòa bình và hòa hoãn và thế giới hậu Ukraine hoặc dân chủ hoặc độc tài. Đây có thể là một khúc quanh lịch sử lớn nhất trong thế kỷ 21 này. Làn sóng dân chủ thứ tư đang bùng lên và tăng tốc xô ngã những thành trì độc tài và toàn trị cuối cùng trên toàn thế giới để khai sáng kỷ nguyên hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại.

lansong3

Như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã tóm lược ở chương "Lànsóng dân chủ thứ tư và một trật tthế giới mới" trong tài liệu Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai:

"Làn sóng dân chủ thứ tư, bắt đầu từ năm 2010, nhắm vào các chế độ độc tài mở cửa về mặt kinh tế. Các chế độ này không thể tồn tại lâu hơn ; chúng không dựa trên một tư tưởng chính trị nào cả, ngay cả nếu đôi khi những khẩu hiệu nhàm chán, như "xây dựng chủ nghĩa xã hội", được nhắc lại một cách gượng gạo. Chúng thuần túy là những chế độ cướp bóc không nhân danh một lý tưởng nào hay một dự án chính trị nào. Chúng không có ngay cả một ảo tưởng. Chúng hoàn toàn dựa trên đàn áp để tồn tại. Tất cả đều là những chính quyền què quặt.

Trong hai vế cần thiết của quyền lực chính trị, sự chính đáng và bạo lực, chúng chỉ có bạo lực và vì thế phải tận dụng bạo lực. Và muốn đàn áp dễ dàng thì tập đoàn cầm quyền phải mạnh và ngược lại quần chúng phải yếu. Bóc lột và bất công phải gia tăng vì nằm ngay trong logic tồn tại của chế độ. Nhưng đây là một logic tự sát, vì nó càng khiến chế độ bị thù ghét hơn trong khi dù muốn hay không sự mở cửa kinh tế và những tiến bộ ngoạn mục của các phương tiện truyền thông và giao thông cũng đã thay đổi hẳn con người, xã hội và các tương quan lực lượng. Người dân vừa không còn hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền trong những nhu cầu vật chất hàng ngày vừa đủ thông tin để biết rõ sự tầm thường và gian trá của những người cầm quyền. Họ còn có những phương tiện hiện đại để trao đổi với nhau, động viên nhau và phối hợp với nhau.

Các chế độ vô lý này đã tồn tại được nhờ sự thụ động nhu nhược của trí thức, nhưng ngày nay sự hiểu biết đã được đại chúng hóa, một đội ngũ trí thức mới cũng đã nhập cuộc. Sự thay đổi bắt buộc phải đến, và đã đến. Làn sóng dân chủ thứ tư đang trào dâng. Làn sóng dân chủ mới này cũng đang xô đẩy chế độ dân chủ giả dối tại Nga và hai chế độ cộng sản còn lại tại Việt Nam và Trung Quốc, nơi mà hai đảng cộng sản đã biến thành hai giai cấp bóc lột sống tách biệt với quần chúng phẫn nộ. Ngoài ra các chính quyền Trung Quốc và Việt Nam sẽ còn gặp bối rối lớn vì chính sách kinh tế dựa trên xuất khẩu không còn phù hợp với trật tự kinh tế hậu khủng hoảng. 

Nét đậm nhất của thế giới hiện nay là tương quan lực lượng đã thay đổi, các chế độ độc tài còn lại không còn là một đe dọa cho các nước dân chủ nữa. Chúng đều rất tụt hậu về mặt khoa học kỹ thuật, hoàn toàn trần trụi về tư tưởng chính trị, không có cả một ảo tưởng để lừa mị, kém hẳn các nước dân chủ về sức mạnh quân sự và chỉ có một trọng lượng kinh tế chưa bằng 15% của kinh tế thế giới. Thế giới dân chủ không cần và cũng không sợ các chế độ độc tài nữa".

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố ngày 10/4/2023 thì tổng số vốn đầu tư từ nước ngoài đã chỉ còn 61,2% so với 3 tháng đầu năm 2022. Và tất nhiên sẽ còn giảm thêm nữa bởi một lý lẽ rất đơn giản : "Các công ty đa quốc không rời Trung Quốc để tới đầu tư vào một nước chư hầu của Trung Quốc". Các công ty đa quốc sẽ chỉ đầu tư ở những nước chia sẻ với nhau cùng những giá trị chung, nghĩa là dân chủ.

Con đường để đưa đất nước ra khỏi bế tắc này là dân chủ đa nguyên. Dân chủ hóa cấp bách là một hiển nhiên nhưng cũng đầy trở ngại, Đảng cộng sản đang co cụm để độc quyền chính trị trong bế tắc. Trong mối nguy hiện tại, đây cũng là lúc những đảng viên Đảng cộng sản nên nhận ra rằng Đảng cộng sản Việt Nam không có một tương lai nào vì không phải là tương lai, nó là một quá khứ bắt buộc phải qua đi. Dân chủ là một tương lai bắt buộc phải đến. Hãy đến với Tập Hợp.

Trần Khánh Ân

(14/04/2023)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trần Khánh Ân
Read 1473 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)