Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 15 avril 2023 10:23

Làn sóng dân chủ đang tăng tốc

Thế giới dân chủ phương Tây đang thức tỉnh

Sau khi bức tường Bá Linh và Liên bang Xô-Viết sụp đổ, đã có rất nhiều người tin rằng Chiến tranh lạnh đã chấm dứt và chiến thắng của dân chủ là hiển nhiên. Nhưng cuộc chiến Nga - Ukraine một lần nữa cải chính niềm tin đó.

lansong1

Sau khi bức tường Bá Linh và Liên bang Xô-Viết sụp đổ, đã có rất nhiều người tin rằng Chiến tranh lạnh đã chấm dứt

Vào năm 2008, khi nguyên thủ các quốc gia tới Bắc Kinh tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Olympic thì Nga đem quân đánh Georgia (Gruzia) và chiếm một phần lãnh thổ của đất nước nhỏ bé này. Mặc dù vậy, Liên Hiệp Châu Âu vẫn thiết lập đường ống dẫn khí để mua khí đốt của Nga. Năm 2014, Nga tiến quân xâm lược Ukraine chiếm bán đảo Crimea và một phần lãnh thổ vùng Donbass, thế giới phương Tây lên án lấy lệ rồi thôi. Những cuộc gây hấn và gây hấn này của Nga vẫn chưa làm cho Mỹ và Châu Âu thức tỉnh và chưa thấy rõ bộ mặt hiếu chiến của Putin. Chính thái độ lạnh cảm của phương Tây đã làm cho những người tranh đấu cho tự do và dân chủ trong những thể chế độc tài, trong đó có Việt Nam, thất vọng.

Nhưng cuộc xâm lăng của Nga vào lãnh thổ Ukraine tháng 2/2022 đã làm thay đổi tất cả : Putin để lộ bộ mặt hiếu chiến, liên minh quân sự NATO bừng sống lại, thế giới phương Tây đoàn kết hơn bao giờ hết chống lại hai thế lực độc tài và bành trướng đang lên là Liên bang Nga và Trung Quốc. Lá bài nhân quyền và dân chủ được phục sinh và được cả thế giới hỗ trợ.

Trung Quốc : thành trì độc tài cuối cùng trước nguy cơ tự tan vỡ

Một thành trì độc tài khác tại Châu Á là Trung Quốc cũng hung hăn không kém. Bắc Kinh một mặt tung lực lượng hải quân trên khắp Biển Đông tiến chiếm biển đảo và hù dọa những quốc gia nhỏ yếu hơn, một mặt đàn áp và triệt tiêu mọi tiếng nói bất đồng và quyền sống của những dân tộc không cùng văn hóa trong nước. Hiện nay, mặc dù đang khốn đốn trước những khủng hoảng về kinh tế, chính trị, môi trường và dân số, Tập Cận Bình không hề nương tay dập tắt mọi chống đối trong nội bộ đảng và trên toàn quốc. Một câu hỏi được đặt ra là thái độ cứng rắn này của họ Tập còn kéo dài được bao lâu ?

Về kinh tế, với khối nợ hơn 40.000 tỷ USD năm 2019 (tương đương 300% GDP), Trung Quốc sẽ không còn có thể vay thêm được tiền nữa và trong khi co cụm sẽ làm một hành động tự sát là in thêm tiền. Hành động này sẽ khiến cho tình trạng suy thoái tăng lên ở cấp số nhân.

Về chính trị, Tập Cận Bình đang cố duy trì quyền lực bằng cách gia tăng đàn áp và thanh trừng nội bộ khiến cho bộ mặt của chính quyền Trung Quốc vốn dĩ đã xấu nay lại càng bị ghét bỏ và bị phản kháng hơn.

Về môi trường, với chính sách tăng trưởng bằng mọi giá, phát triển hoang dại, chính quyền Bắc Kinh đang biến một vùng lãnh thổ rộng lớn miền Bắc Trung Quốc thành hoang mạc và không thể sống được nữa. Cát đỏ sa mạc Gobi ngày càng tiến gần Bắc Kinh.

Về dân số, với sự áp đặt thô bạo về hạn chế sinh đẻ, dân số Trung Quốc ngày càng giảm và số người già neo đơn ngày càng cao. Tỷ lệ sinh sản hiện nay giảm sút ở mức độ nguy hiểm. Nếu tỷ lệ này kéo dài cho tới năm 2100 thì Trung Quốc chỉ còn 600 triệu dân, nghĩa là Trung Quốc mất hẳn lực lượng lao động chính.

Đang lúc gồng mình hứng chịu tất cả mọi khủng hoảng tới cùng một lúc như vậy, Trung Quốc còn phải đối diện với một thực tại phũ phàng khác là đồng minh lớn nhất của mình là Nga đang sụp đổ. Tuy bề ngoài phải lên gân chứng tỏ mình vẫn còn hùng mạnh và đứng vững, Trung Quốc hoàn toàn tuyệt vọng, bối rối, co cụm, tự sa lầy trong những chính sách bành trướng tốn kém của mình để rồi sau cùng sẽ tự tan vỡ.

lansong2

Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường còn hãnh diện hô hào "Made in China 2025", với hậu ý khống chế các thị trường kinh tế thế giới vào năm 2025 bằng những sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.

Việt Nam sẽ như thế nào ?

Trước kia, thế giới dân chủ cần Việt Nam vì Việt Nam có thể là quốc gia an toàn cho những nguồn đầu tư lớn của họ ngoài Trung Quốc. Người ta lo ngại địa bàn đầu tư Trung Quốc vì Bắc Kinh đang ban hành nhiều chính sách hạn chế và kềm tỏa hoạt động của các nhà đầu tư quốc tế đe dọa tính độc lập và sự an toàn của các thị trường kinh tế phương Tây. Cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường còn hãnh diện hô hào "Made in China 2025", với hậu ý khống chế các thị trường kinh tế thế giới vào năm 2025 bằng những sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc.

Thêm vào đó, Bắc Kinh công khai để lộ răng nanh và móng vuốt qua chiến dịch ngoại giao "Chiến Lang" hung hăng, vận động xây dựng "mô hình Trung Quốc trên toàn thế giới" qua chiêu bài "nhất đới nhất lộ" (OBOR), và nhất là ý đồ chiếm đoạt Biển Đông làm ao nhà, nơi di chuyển của 40% lượng hàng hóa trên thế giới…

Trước những nguy cơ này, thế giới phương Tây đã có những chính sách mềm mỏng với Việt Nam và ngó lơ những vi phạm quyền con người và quyền tự do tôn giáo trong nước. Không những thế, họ còn bao dung chính sách đu dây của Việt Nam, "không chọn bên, chỉ chọn lẽ phải", mà ai cũng biết là thần phục Trung Quốc và Liên bang Nga hơn là thân thiện với Hoa Kỳ và Liên Âu. Cũng nên biết là không có một cơ quan thiện nguyện nào của Trung Quốc và Liên bang Nga, tư cũng như công, đến Việt Nam xây dựng những cơ sở hạ tầng giúp đỡ người nghèo, bệnh tật hay giáo dục.

Vào năm 2019 Việt Nam là địa bàn đầu tư có đầy đủ điều kiện để hy vọng những công ty đa quốc rời khỏi Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư. Khi đó chính quyền cộng sản Việt Nam hồ hởi "dọn ổ để đón đại bàng và đặt điều kiện để thu về tối đa quyền lợi. Những cuộc thương lượng đã đột ngột dừng lại vào năm 2022 sau khi Putin phát động cuộc chiến xâm lược Ukraine. Cơ hội đón nhận nguồn đầu tư ồ ạt từ thế giới phương Tây đã không tới vì sự thiển cận của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam : không dám lên án Liên bang Nga xâm lăng Ukraine với 1 phiếu chống và 4 phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Cả thế giới đều rõ Hà Nội đã chọn bên và lẽ phải nào.

Điều mà có lẽ chính quyền cộng sản Việt Nam và nhiều người chưa ý thức được, đó là có một thế giới trước ngày 24/2/2002 và một thế giới sau ngày 24/2/2022. Hai thế giới này khác nhau với hai ý thức khác nhau, thế giới tiền Ukraine hòa bình và hòa hoãn và thế giới hậu Ukraine hoặc dân chủ hoặc độc tài. Đây có thể là một khúc quanh lịch sử lớn nhất trong thế kỷ 21 này. Làn sóng dân chủ thứ tư đang bùng lên và tăng tốc xô ngã những thành trì độc tài và toàn trị cuối cùng trên toàn thế giới để khai sáng kỷ nguyên hòa bình và hạnh phúc cho nhân loại.

lansong3

Như Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã tóm lược ở chương "Lànsóng dân chủ thứ tư và một trật tthế giới mới" trong tài liệu Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai:

"Làn sóng dân chủ thứ tư, bắt đầu từ năm 2010, nhắm vào các chế độ độc tài mở cửa về mặt kinh tế. Các chế độ này không thể tồn tại lâu hơn ; chúng không dựa trên một tư tưởng chính trị nào cả, ngay cả nếu đôi khi những khẩu hiệu nhàm chán, như "xây dựng chủ nghĩa xã hội", được nhắc lại một cách gượng gạo. Chúng thuần túy là những chế độ cướp bóc không nhân danh một lý tưởng nào hay một dự án chính trị nào. Chúng không có ngay cả một ảo tưởng. Chúng hoàn toàn dựa trên đàn áp để tồn tại. Tất cả đều là những chính quyền què quặt.

Trong hai vế cần thiết của quyền lực chính trị, sự chính đáng và bạo lực, chúng chỉ có bạo lực và vì thế phải tận dụng bạo lực. Và muốn đàn áp dễ dàng thì tập đoàn cầm quyền phải mạnh và ngược lại quần chúng phải yếu. Bóc lột và bất công phải gia tăng vì nằm ngay trong logic tồn tại của chế độ. Nhưng đây là một logic tự sát, vì nó càng khiến chế độ bị thù ghét hơn trong khi dù muốn hay không sự mở cửa kinh tế và những tiến bộ ngoạn mục của các phương tiện truyền thông và giao thông cũng đã thay đổi hẳn con người, xã hội và các tương quan lực lượng. Người dân vừa không còn hoàn toàn lệ thuộc vào chính quyền trong những nhu cầu vật chất hàng ngày vừa đủ thông tin để biết rõ sự tầm thường và gian trá của những người cầm quyền. Họ còn có những phương tiện hiện đại để trao đổi với nhau, động viên nhau và phối hợp với nhau.

Các chế độ vô lý này đã tồn tại được nhờ sự thụ động nhu nhược của trí thức, nhưng ngày nay sự hiểu biết đã được đại chúng hóa, một đội ngũ trí thức mới cũng đã nhập cuộc. Sự thay đổi bắt buộc phải đến, và đã đến. Làn sóng dân chủ thứ tư đang trào dâng. Làn sóng dân chủ mới này cũng đang xô đẩy chế độ dân chủ giả dối tại Nga và hai chế độ cộng sản còn lại tại Việt Nam và Trung Quốc, nơi mà hai đảng cộng sản đã biến thành hai giai cấp bóc lột sống tách biệt với quần chúng phẫn nộ. Ngoài ra các chính quyền Trung Quốc và Việt Nam sẽ còn gặp bối rối lớn vì chính sách kinh tế dựa trên xuất khẩu không còn phù hợp với trật tự kinh tế hậu khủng hoảng. 

Nét đậm nhất của thế giới hiện nay là tương quan lực lượng đã thay đổi, các chế độ độc tài còn lại không còn là một đe dọa cho các nước dân chủ nữa. Chúng đều rất tụt hậu về mặt khoa học kỹ thuật, hoàn toàn trần trụi về tư tưởng chính trị, không có cả một ảo tưởng để lừa mị, kém hẳn các nước dân chủ về sức mạnh quân sự và chỉ có một trọng lượng kinh tế chưa bằng 15% của kinh tế thế giới. Thế giới dân chủ không cần và cũng không sợ các chế độ độc tài nữa".

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố ngày 10/4/2023 thì tổng số vốn đầu tư từ nước ngoài đã chỉ còn 61,2% so với 3 tháng đầu năm 2022. Và tất nhiên sẽ còn giảm thêm nữa bởi một lý lẽ rất đơn giản : "Các công ty đa quốc không rời Trung Quốc để tới đầu tư vào một nước chư hầu của Trung Quốc". Các công ty đa quốc sẽ chỉ đầu tư ở những nước chia sẻ với nhau cùng những giá trị chung, nghĩa là dân chủ.

Con đường để đưa đất nước ra khỏi bế tắc này là dân chủ đa nguyên. Dân chủ hóa cấp bách là một hiển nhiên nhưng cũng đầy trở ngại, Đảng cộng sản đang co cụm để độc quyền chính trị trong bế tắc. Trong mối nguy hiện tại, đây cũng là lúc những đảng viên Đảng cộng sản nên nhận ra rằng Đảng cộng sản Việt Nam không có một tương lai nào vì không phải là tương lai, nó là một quá khứ bắt buộc phải qua đi. Dân chủ là một tương lai bắt buộc phải đến. Hãy đến với Tập Hợp.

Trần Khánh Ân

(14/04/2023)

Published in Quan điểm

Đảng Cộng Sản đã gây quá nhiều thảm họa cho đất nước ta và đang làm chúng ta mất đi một cơ hội lớn khó có thể tìm lại. Nguy cơ ngay trước mắt là Việt Nam có thể không còn được hưởng những ưu đãi của các thị trường Mỹ và Châu Âu vào giữa lúc mà kinh tế Việt Nam đã rất chao đảo, một cuộc khủng hoảng lớn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

lansong1

Ukraine đã chặn đứng cuộc tấn công ồ ạt của Nga và khiến cả thế giới kinh ngạc

Cuộc chiến Ukraine vừa bước vào năm thứ hai. Giữa những thông tin và bình luận dồn dập hàng ngày từ suốt một năm qua có lẽ chúng ta cần một cái nhìn thật bao quát. Càng cần vì cuộc chiến này sẽ thay đổi hẳn và một cách nhanh chóng bối cảnh chính trị thế giới và nước ta.

Ukraine sẽ vươn lên trong khi Nga gục xuống

Điều đầu tiên cần được nhấn mạnh là cuộc chiến Ukraine đã chỉ trở thành một khúc quanh lịch sử trọng đại của thế giới vì người Ukraine. Nếu tất cả diễn ra như Putin dự định thì cuộc xâm lăng Ukraine đã chỉ là một cuộc "hành quân đặc biệt" như Putin gọi nó và thế giới dân chủ chỉ có thể lên án với sự phẫn nộ bất lực trước một sự đã rồi. Putin tin là có thể chiếm được thủ đô Kyiv trong một vài ngày và sau đó chinh phục cả nước Ukraine để thiết lập một chính quyền bù nhìn tay sai trong một vài tuần. Không chỉ một mình Putin tin như vậy. Tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã đề nghị giúp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chạy trốn. Tình hình đã thay đổi hẳn nhờ sự dũng cảm của quân và dân Ukraine. Họ đã chặn đứng cuộc tấn công ồ ạt của Nga và khiến cả thế giới kinh ngạc.

Phản ứng oanh liệt của quân dân Ukraine đáng lẽ đã có thể biết trước. Lịch sử quan hệ giữa Ukraine –Đế Quốc Nga, Liên Xô cũng như Liên Bang Nga của Putin- từ ba thế kỷ gần đây đã chỉ là chiến tranh và thù hận (1). Chỉ riêng trong 27 năm của nửa đầu thế kỷ 20, từ 1918 đến 1945, người Ukraine đã ba lần nổi dậy chống Liên Xô đòi độc lập và khoảng 15 triệu người Ukraine, một nửa dân số vào lúc đó, đã thiệt mạng, 3 triệu người khác đã bị Stalin lưu đày sang Siberia. Người Ukraine không bao giờ tháo chạy trước quân Nga, bởi vì khi họ đối diện với Nga thì sự căm thù và phẫn nộ còn lớn hơn nỗi sợ, kể cả cái chết. Điều thực sự mới là lần này họ đã có kinh nghiệm chiến đấu kể từ năm 2014 khi Nga tấn công lấn chiếm bán đảo Crimea và vùng Donbas, hơn thế nữa họ còn được Mỹ và Châu Âu yểm trợ.

Điểm quan trọng nhất vào lúc này là cuộc xâm lăng của Nga đã thất bại. Tất cả vấn đề chỉ còn là cuộc chiến này còn kéo dài bao lâu và sẽ kết thúc như thế nào. Không thể khác, chiến tranh rất tốn kém và với một tổng sản lượng nội địa (GDP) chưa tới 2% GDP thế giới, Nga không có khả năng để thách thức khối 54 nước ủng hộ Ukraine với trọng lượng kinh tế lớn gấp 40 lần. Hơn nữa sau một năm chiến tranh vũ khí của Nga còn chứng tỏ phẩm chất rất kém so với những vũ khí mà Ukraine được cung cấp, quân đội Nga cũng đã chứng tỏ là thiếu cả huấn luyện lẫn tổ chức và kỷ luật. Đạo quân chiến đấu khá nhất của Nga là đám lính đánh thuê Wagner gồm toàn trộm cướp và tội phạm. Ngoại trừ hành động tự sát là dùng vũ khí nguyên tử ngày càng ít khả năng xảy ra, hy vọng duy nhất của Putin là kéo dài cuộc chiến cho đến lúc mà Mỹ và Châu Âu mất kiên nhẫn và bỏ cuộc. Hy vọng này rất mong manh vì có mọi triển vọng là Nga sẽ kiệt sức hoặc Putin sẽ bị hạ bệ trước khi sự kiên nhẫn của khối NATO bị suy giảm. Cho đến nay quyết tâm của Mỹ và các đồng minh chỉ tăng lên chứ không giảm đi như hai hội nghị tại Bruxelles và Munich vừa qua đã chứng tỏ.

Nhưng Putin còn kéo dài được cuộc chiến này bao lâu nữa ? Chỉ có một vài nhà bình luận tỏ ý lo ngại rằng cuộc chiến này còn có thể tiếp tục sau năm 2023. Lý do chính của những người này là kinh tế Nga có vẻ vẫn chưa chao đảo vì những biện pháp trừng phạt kinh tế. Họ dựa trên các số liệu mà Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) vừa cung cấp, theo đó kinh tế Nga chỉ suy thoái nhẹ (-2,1%) năm 2022 và sẽ tăng trưởng trong năm 2023 (0,3%) và năm 2024 (2,1%). Những con số này đã lập tức bị các nhóm chuyên gia kinh tế, như nhóm nghiên cứu của Đại học Yale, đánh giá là sai một cách lố bịch. WB cũng như IMF chỉ là những định chế điều hành chứ không phải là những cơ quan nghiên cứu. Cả hai chỉ lấy lại những con số do Viện Thống Kê Nga (Rosstat) cung cấp và Rosstat chỉ cung cấp những con số vừa ý Putin. Kể từ khi cuộc chiến Ukraine bắt đầu, trong một năm qua, Putin đã thay thế ba lần giám đốc Rosstat.

Thực tế là kinh tế Nga không chỉ suy thoái mà còn rất bi đát. Nga đang mất 500 triệu USD mỗi ngày về xuất khẩu nhiên liệu (chủ yếu do không bán được khí đốt và phải hạ giá dầu đối với Trung Quốc và Ấn Độ) ; hơn 1.000 công ty lớn đã ngưng hoạt động, tất cả các ngành công nghiệp đều sa sút năng, riêng ngành ôtô đã chết ; gần 3 triệu người Nga thuộc giới khá giả và có kỹ năng đã bỏ nước ra đi. Liên bang Nga sẽ gục ngã, có thể tan vỡ, sau cuộc chiến này bởi vì nó chỉ có thể thất bại nhưng lại không thể ngừng cuộc chiến do bị thống trị bởi một kẻ độc tài mà sự nghiệp và tính mạng bắt buộc phải tiếp tục cuộc chiến tới cùng dù cuộc chiến chỉ khiến Nga kiệt quệ thêm một cách nhanh chóng.

Một cách gián tiếp nhưng hùng hồn chính Putin cũng đã nhìn nhận thất bại. Từ cuối năm 2022 sau khi không còn sức để giao chiến với quân đội Ukraine nữa, Nga đã dùng tên lửa tầm xa để bắn vào các thành phố và các cơ sở hạ tầng dân sự. Hành động này nhắm gây kinh hoàng cho dân chúng Ukraine nhưng cũng là một thú nhận yếu kém ; nó đã chỉ khiến Putin bị thế giới lên án như một tên côn đồ nhưng hoàn toàn không gây được kinh hoàng cho người Ukraine, trái lại còn khiến họ quyết tâm hơn. Trong bài diễn văn trước lưỡng viện quốc hội Nga ngày 21/02/2023 vừa qua, để đánh dấu một năm chiến tranh Ukraine, Putin đã nói những điều ngược hẳn với sự thực. Thí dụ như Ukraine đã xâm lăng Nga chứ Nga chỉ tự vệ ; Ukraine âm mưu chế tạo bom nguyên tử để tấn công Nga ; Phương Tây âm mưu xóa bỏ nước Nga ; Phương Tây đang phá hủy dân chủ và đạo đức, khuyến khích ấu dâm và hôn nhân đồng tính v.v. Toàn là những bịa đặt trắng trợn không chỉ sai sự thực mà còn ngược hẳn với sự thực. Đó là một thú nhận tuyệt vọng, những người lạc quan và tin tưởng không có lý do nào để đảo ngược thực tế như vậy.

Đất nước Ukraine tuy bị tàn phá nhưng sẽ chiến thắng và sẽ được giúp đỡ để phục hồi và vươn lên, còn Nga sẽ ngã gục mà không có người vực dậy. Người Ukraine chiến đấu để khẳng định căn cước và chủ quyền của họ nhưng do bối cảnh đặc biệt của thế giới họ cũng đồng thời tạo ra một thay đổi rất lớn cho thế giới.

lánong2

Cuộc xâm lăng Ukraine vì vậy cũng là cuộc chiến tự vệ của độc tài và bóng tối chống lại tự do, nhân quyền và ánh sáng.

Làn sóng dân chủ thứ tư

Các lý do khiến Putin phát động cuộc xâm lăng thô bạo này đã được nhận diện. Trước hết là di sản lịch sử Nga. Vùng đất chung quanh Nga cho tới nay là một thế giới riêng biệt bao la, xa xôi, băng giá với một văn hóa riêng và những giá trị riêng. Tại đây quan hệ giữa các dân tộc gần như chỉ là chiến tranh và chinh phục. Bành trướng là nghĩa vụ của các vua chúa, sự tàn bạo là quy luật. Trong lịch sử của Nga chưa có bạo chúa nào dù hung ác tới đâu bị lên án là tàn bạo và cũng chưa có một lãnh tụ nào được ca tụng là nhân hậu ; chinh phục và chiến thắng là tiêu chuẩn để đánh giá một thủ lãnh. Với di sản văn hóa đó không có gì đáng ngạc nhiên khi Putin muốn phục hồi lại Đế quốc Nga hay Liên Xô. Sau đó là tham vọng cá nhân. Putin đã cầm quyền 23 năm và đã sửa đổi hiến pháp để còn có thể cầm quyền thêm 13 năm nữa, một kỷ lục mà ít Nga hoàng nào có được. Ông ta có tham vọng được nhớ tới như một Peter Đại đế khác.

Nhưng còn một lý do quan trọng hơn nhiều. Putin liên tục nhắc lại rằng cuộc xâm lăng Ukraine là một cuộc chiến tự vệ của Nga. Ông ta có lý nhưng đó chỉ là lý của kẻ tăm tối, sống trong đêm đen và coi ánh sáng là một đe dọa. Putin lên án khối NATO là bành trướng, đang tiến sát lại và bao vây Nga. Đúng như vậy. Chung quanh Nga, chế độ độc tài Belarus đang lung lay, Kazakhstan từ bỏ chế độ độc tài Nursultan Nazarbaiev và đang dần dần chuyển hóa về dân chủ ; ba nước Georgia, Armenia và Ukraine đã dứt khoát chọn lựa dân chủ. Nhưng đó không phải là vì chính sách bành trướng của NATO -trái lại NATO đã nhiều lần nhắc lại là sẽ không kết nạp các nước này- mà chỉ là do tiến hóa tự nhiên của nhân loại về tự do, dân chủ và phẩm giá con người mà Putin không hiểu hoặc cố tình không muốn hiểu.

Thế giới đang sống một làn sóng dân chủ mới, làn sóng dân chủ thứ tư bắt đầu từ năm 2010 với Mùa Xuân Ả Rập. Làn sóng này đang dâng lên khắp nơi chứ không phải chỉ ở Đông Âu. Cuộc xâm lăng Ukraine vì vậy cũng là cuộc chiến tự vệ của độc tài và bóng tối chống lại tự do, nhân quyền và ánh sáng. Cuộc chiến Ukraine vì vậy đánh dấu một cột mốc lớn của thế giới. Liên bang Nga sẽ thất bại và sụp đổ sau đó, làn sóng dân chủ thứ tư sẽ tràn tới Nga, thành trì chống dân chủ kiên cố nhất sẽ bị khuất phục. Các chế độ độc tài còn lại sẽ hoảng loạn.

Đặc biệt là Trung Quốc sẽ rất cô lập vào đúng lúc đang khủng hoảng về mọi mặt kinh tế, chính trị, môi trường và cả dân số. Tiến trình sụp đổ của Trung Quốc thực ra đã bắt đầu rồi. Chúng ta sẽ không bao giờ nhấn mạnh đủ rằng tiến tới tự do và dân chủ là cuộc hành trình không thể quay ngược lại của nhân loại. Đế quốc Trung Hoa (được gọi là Trung Quốc từ năm 1911 dù chưa bao giờ là một nước và về bản chất vẫn là một đế quốc) đặt nền tảng trên độc tài và chuyên chính với ý thức hệ Khổng Giáo rồi với phiên bản cải tiến của nó là chủ nghĩa cộng sản. Kinh nghiệm của lịch sử thế giới cho thấy là khi một ý thức hệ bi đào thải, hay yếu đi, thì đế quốc lấy nó làm nền tảng cũng phải sụp đổ theo. Trung Quốc vì vậy không thể tiếp tục tồn tại với cùng một lãnh thổ và dân số sau làn sóng dân chủ thứ tư này. Cuộc chiến Ukraine chỉ khiến sự sụp đổ gia tăng vận tốc.

lansong3

Liên bang Nga sẽ thất bại và sụp đổ sau đó, làn sóng dân chủ thứ tư sẽ tràn tới Nga, thành trì chống dân chủ kiên cố nhất sẽ bị khuất phục. Các chế độ độc tài còn lại sẽ hoảng loạn.

Đã đến lúc

Điều cần được báo động là nhiều người Việt Nam vẫn chưa ý thức rằng cuộc chiến Ukraine và kết thúc của nó sẽ có ảnh hưởng lớn và nhanh chóng lên lịch sử Việt Nam.

Chế độ cộng sản Việt Nam là một trong những chế độ độc tài ngoan cố và mù quáng nhất và cũng là một trong những chế độ tồi dở nhất. Từ gần một nửa thế kỷ qua, kể từ ngày đất nước thống nhất dưới chế độ cộng sản, Việt Nam, không có được một phát minh khoa học kỹ thuật nào, không một sáng kiến kinh doanh lành mạnh nào ngoài móc ngoặc quyền thế, không một sáng tạo văn học, nghệ thuật và thi ca. Chỉ có kỷ lục phá thai, môi trường và đạo đức suy đồi, chính quyền ngày càng tham nhũng và gian trá. Tuy vậy những người cầm quyền không hề biết xấu hổ, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn không ngừng khoe khoang.

Trong những năm gần đây vì sự kiện Trung Quốc trở thành một đe dọa đối với thế giới và đặc biệt là trên Biển Đông, Việt Nam đã được nhìn như một đối trọng tiềm năng cần thiết và được ưu đãi, kinh tế Việt Nam vì vậy đã có được mức tăng trưởng khả quan sau nhiều năm trì trệ. Vào năm 2019 Việt Nam được coi là một trong những nước có cơ hội thuận lợi nhất vì là điểm đến của các công ty đa quốc rời Trung Quốc. Nhưng rồi dịch Covid làm khựng lại vận hội này và cuộc chiến Ukraine đã giáng cho nó một đòn ơn huệ. Thái độ của chính quyền cộng sản Việt Nam trong cuộc chiến này đã gây thất vọng lớn, chế độ cộng sản Việt Nam đã để lộ chân tướng của một chư hầu ngoan ngoãn của Bắc Kinh vào đúng lúc Trung Quốc bị nhận diện như một đe dọa cho dân chủ và hòa bình. Làm sao những người cầm đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể không hiểu rằng các công ty đa quốc không rời Trung Quốc để chỉ di chuyển đến một nước chư hầu của Trung Quốc ? Đảng Cộng Sản đã gây quá nhiều thảm họa cho đất nước ta và đang làm chúng ta mất đi một cơ hội lớn khó có thể tìm lại. Nguy cơ ngay trước mắt là Việt Nam có thể không còn được hưởng những ưu đãi của các thị trường Mỹ và Châu Âu vào giữa lúc mà kinh tế Việt Nam đã rất chao đảo, một cuộc khủng hoảng lớn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Tuy vậy Đảng Cộng Sản và ông tổng bí thư vẫn tỏ ra yên tâm vì vẫn tin là còn chỗ dựa Trung Quốc mà không biết rằng Trung Quốc không còn là chỗ dựa nữa. Về bản chất Trung Quốc không phải là một quốc gia mà là một đế quốc ; sự suy sụp của một đế quốc rất phức tạp và có thể kéo dài khá lâu nhưng một đặc tính chung của các đế quốc là ngay khi bắt đầu tiến trình sụp đổ, chúng bắt buộc phải co cụm lại và không còn là một đe dọa hay một chỗ dựa cho bất cứ ai. Tiến trình sụp đổ của Trung Quốc đã bắt đầu và sẽ dồn dập sau cuộc chiến Ukraine. Các nước dân chủ không còn cần tranh thủ Việt Nam, trái lại chính Việt Nam phải tranh thủ cảm tình và sự hợp tác của thế giới dân chủ.

Đã đến lúc mọi người Việt Nam, dù ở cương vị nào, phải khẩn cấp cùng nhau suy nghĩ để đạt tới đồng thuận về một dự án dân chủ cho đất nước.

Nguyễn Gia Kiểng

(27/02/2023)

(1) Nguyễn Gia Kiểng, Những gì cần biết nhất khi cuộc chiến Ukraine bước vào giai đoạn mới ?, Thông Luận, 18/08/2022

Published in Quan điểm

Biểu tình tại Iran : Nguyên nhân là chính sách khắc khổ ? (RFI, 02/01/2018)

Sau năm ngày bạo động biểu tình phản đối chính phủ, dẫn đến hệ quả là hàng trăm người bị bắt và hơn một chục người chết, tình hình tại Iran vẫn căng thẳng. Nhiều nhà phân tích cho rằng sự bùng nổ làn sóng phản kháng này là do chính sách khắc khổ.

iran1

Một góc thủ đô Tehran, Iran, ngày 02/01/2018.ATTA KENARE / AFP

Theo chuyên gia Esfandyar Batmanghelidj, sáng lập viên Diễn đàn Doanh nghiệp Châu Âu – Iran, được AFP trích dẫn, thì người dân Iran thường hay biểu tình, bày tỏ bất bình, phản đối, trước các vấn đề kinh tế, xã hội thuần túy, như tình trạng thiếu công ăn việc làm, tương lai bất định… . Và chính sách khắc khổ mà tổng thống Hassan Rohani áp dụng từ năm 2013 là nguồn cội của các bất ổn trong những ngày qua : giảm các khoản ngân sách xã hội hay tăng giá nhiên liệu…

Người dân Iran, sau một giai đoạn bị cấm vận khó khăn, giờ còn bị yêu cầu thắt lưng buộc bụng, nên càng thêm mất kiên nhẫn. Do đó, theo giải thích của ông Ahmad Parhizi, một nhà báo tại Téhéran với ban tiếng Pháp đài RFI, viễn cảnh tương lai mịt mù là nguyên nhân nổi loạn của giới trẻ.

"Đa số những người xuống đường phản đối là giới trẻ Iran, tuyệt vọng vì không thấy được chút tương lai sáng sủa nào trong trước mắt. Họ tìm cách tác động lên tất cả các đảng phái chính trị, nhất là những người ủng hộ cải cách bên trong chính phủ. Họ không tin rằng chính phủ hiện nay có khả năng hoặc có thiện chí giải quyết các vấn đề kinh tế, chính trị và nhất là chống tham nhũng. Chính vì vậy mà họ trở nên rất kiên quyết".

Vẫn theo ông Ahmad Parhizi, cũng có nhiều khả năng các đối thủ chính trị của phe chủ trương ôn hòa muốn tìm cách phá hoại các chính sách kinh tế của chính phủ.

"Các vụ bạo động bắt đầu nổ ra từ Machhad, thành phố lớn thứ hai của Iran theo hệ phái Shia, theo một lời kêu gọi "nặc danh" từ phía đối thủ của tổng thống Rohani. Những người này đang tìm cách hạ bệ vị tổng thống có chủ trương ôn hòa hoặc chí ít là làm suy yếu ông. Ban đầu, họ kêu gọi biểu tình chống vật giá leo thang, nhưng sau đó, họ đã mất khả năng kiểm soát các cuộc biểu tình. Và ngọn lửa biểu tình đã nhanh chóng lan sang các thành phố khác, nhất là các thành phố vừa và nhỏ"...

Về phần mình, chính quyền Tehran đã cáo buộc lực lượng thù địch ngoại bang khích động làn sóng phản đối, vào lúc tổng thống Mỹ có những tuyên bố thể hiện rõ lập trường chống Iran. Theo giáo sư Mohammad Ali Kadivar, đại học Brown (Mỹ) thì đó là thái độ "giả dối" :

"Tổng thống Trump đã đứng về phía những người phản kháng nhưng điều đó dường như không mấy thật tâm bởi vì trước khi đắc cử và cho đến lúc này, tổng thống Mỹ luôn có thái độ thù nghịch với Iran. Nếu ông thật sự quan tâm đến số phận của người dân Iran lẽ ra ông nên bắt đầu bằng việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận của Mỹ nhắm vào nước này. Dù gì đi nữa, tất cả mọi người dân Iran mong muốn là Hoa Kỳ, và những nước khác đứng ngoài chuyện này. Chúng tôi có quyền tự quyết, độc lập, và chúng tôi muốn tự giải quyết mọi vấn đề".

Dĩ nhiên, yếu tố thiếu "không gian tự do ngôn luận" cũng là một trong những nguyên nhân của phong trào phản kháng. Nhưng có một điều chắc chắn là từ nhiều năm qua nền kinh tế Iran đã có nhiều dấu hiệu hụt hơi. Nhiều cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra vài tuần trước đó do các công đoàn phát động phản đối việc trả lương chậm cho những người làm việc trong ngành khai thác dầu, việc đóng cửa nhà máy sản xuất xe máy kéo, và nhất là bong bóng địa ốc bùng nổ dẫn đến việc sụp đổ các cơ sở tín dụng.

Trong bối cảnh này, dòng biểu ngữ "đả đảo chế độ độc tài" mang tính chính trị chẳng khác nào như phao cứu sinh cho phép chính phủ trấn áp người biểu tình. Bởi vì, khống chế các cuộc biểu tình chính trị dễ hơn là kiểm soát các cuộc biểu tình về kinh tế.

Minh Anh

********************

Iran : Biểu tình sang ngày thứ 5 (BBC, 02/01/2018)

Các nhóm phản đối chính phủ hò hét và đốt xe khi màn đêm buông xuống tại Teheran, thủ đô Iran, trong khi đó, cảnh sát cho biết một sĩ quan bị giết tại khu trung tâm.

iran2

Các cuộc biểu tình mới đang lan rộng tại Iran

Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho hay các cuộc biểu tình là một "cơ hội, chứ không phải là mối đe dọa" nhưng tuyên bố sẽ trấn áp những "kẻ phạm pháp".

Trong khi đó, Hoa Kỳ tăng cường ủng hộ "cuộc phản kháng táo bạo" của người biểu tình.

Các cuộc biểu tình bắt đầu hôm 28/12/2017 ở thành phố Mashhad, ban đầu nhằm phản đối giá tăng cao và nạn tham nhũng nhưng bây giờ theo hướng chống chính phủ.

Bạo lực xảy ra ở đâu ?

Các thông báo mới nhất cho hay cảnh sát xuất hiện dày đặc ở thủ đô. Cảnh sát dùng súng phun nước và vòi rồng tối hôm trước để dập tắt một cuộc biểu tình tại quảng trường Engheleb của Tehran.

Truyền thông nhà nước cũng trích dẫn một phát ngôn viên cảnh sát nói rằng đã có nổ súng nhắm vào cảnh sát ở Najafabad, gần Isfahan miền trung Iran, giết chết một sĩ quan và làm bị thương ba người.

iran3

Đã có báo cáo về thương vong và bắt bớ trong các vụ biểu tình tại Iran

Reuters đưa tin một đồn cảnh sát ở thị trấn Qahderijan bị đốt cháy một phần trong các vụ đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình đang cố chiếm tòa nhà. Chưa có xác nhận về số lượng thương vong.

Mạng xã hội cập nhật về các cuộc biểu tình mới tại Birjand ở phía đông, Kermanshah ở phía tây và Shadegan ở tây nam.

Ban đầu, đài truyền hình quốc gia cho hay 10 người bị giết đêm trước, sau đó con số được nâng lên 13 người.

Tổng thống Rouhani nói gì ?

iran4

Tổng thống Iran cho hay sẽ mạnh tay trừng phạt 'những kẻ gây rối'

Thông cáo trên website tổng thống Iran cho thấy có vẻ ông Rouhani cố gắng giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của tình trạng bạo lực.

Ông nói : "Chẳng có gì đâu. Chỉ trích và phản đối là cơ hội chứ không phải là một mối đe dọa".

Nhưng ông cũng thề sẽ hành động chống lại "những kẻ gây rối và phạm pháp".

Ông nói : "Đất nước này sẽ xử nhóm thiểu số đang hô vang khẩu hiệu chống lại luật pháp và mong muốn của người dân, xúc phạm đến các giá trị thiêng liêng và cuộc cách mạng của dân tộc".

Sau đó xuất hiện một dòng trên Twitter với giọng điệu hòa nhã hơn, nói rằng chính phủ cần chú ý đến nhu cầu của người dân về các vấn đề sinh kế và tham nhũng.

Tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cảnh báo người biểu tình chống chính phủ rằng họ sẽ phải đối mặt với "nắm đấm sắt" nếu tình trạng bất ổn chính trị tiếp tục.

IRGC là lực lượng hùng mạnh có quan hệ mật thiết với lãnh đạo tối cao của Iran. Lực lượng này nhằm bảo vệ nền tảng Hồi giáo.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Ayatollah Sadeq Amoli-Larijani hôm 1/1 kêu gọi đàn áp "những kẻ nổi loạn" và "phá hoại".

"Một số cá nhân đang lợi dụng tình hình. Điều này là sai trái", ông nói.

Các báo cáo cho hay có tới 400 người bị bắt trong những ngày gần đây.

Hoa Kỳ nói gì ?

iran5

Tổng thống Trump nói đây là thời điểm để Iran thay đổi

Tổng thống Donald Trump bắt đầu cuộc khẩu chiến với các nhà lãnh đạo Iran hôm thứ Hai bằng việc viết lên Twitter rằng "những người dân Iran tuyệt vời đã bị đàn áp trong nhiều năm, họ đang đói ăn và đói tự do".

Ông cũng thêm vào mấy chữ viết hoa "THỜI ĐIỂM ĐỂ THAY ĐỔI !"

Phó Tổng thống Mike Pence còn có giọng điệu mạnh mẽ hơn.

Ông nói : "Sự kháng cự mạnh mẽ và ngày càng tăng của người dân Iran hôm nay mang lại hy vọng và niềm tin cho tất cả những ai đấu tranh cho tự do và chống lại chế độ độc tài. Chúng ta không được và sẽ không để cho họ thất vọng".

Ông nói về "sai lầm đáng xấu hổ" khi không ủng hộ những người biểu tình trước đây của Iran.

Phong trào Xanh năm 2009 chứng kiến hàng triệu người biểu tình phản đối chiến thắng bầu cử của tổng thống đương nhiệm Mahmoud Ahmadinejad.

Các cuộc biểu tình bị đàn áp dã man, với ít nhất 30 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt.

Cách tiếp cận mới nhất của Hoa Kỳ làm cho Iran tức giận.

Ông Rouhani mô tả tổng thống Mỹ là "kẻ thù của Iran".

Trong khi đó, EU kêu gọi Iran bảo đảm quyền biểu tình ôn hòa của công dân, nói rằng EU đã liên lạc với giới chức Iran và đang theo dõi tình hình.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson nói "Anh Quốc đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện ở Iran".

Các cuộc biểu tình sẽ đi về đâu ?

iran6

Các cuộc biểu tình này không có sự lãnh đạo rõ ràng

Bất mãn đang nổi lên ở Iran nơi sự đàn áp gia tăng và tình hình kinh tế trở nên tồi tệ hơn - điều tra của phóng viên BBC Tiếng Ba Tư cho thấy người Iran đã nghèo hơn 15% trong 10 năm qua.

Các cuộc biểu tình ban đầu giới hạn trong nhóm nam thanh niên đòi lật đổ chế độ.

Sau đó phong trào lan đến các thị trấn nhỏ trong cả nước và có khả năng mở rộng về quy mô.

Nhưng các cuộc biểu tình này không thủ lĩnh. Các nhân vật đối lập từ lâu đã bị buộc im lặng hoặc sống lưu vong.

*****************

Hàng trăm người bị bắt trong cuộc biểu tình ở Iran (RFA, 02/1/2018)

Đợt biểu tình suốt mấy ngày qua tại thủ đô Teheran, Iran khiến gần hai chục người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị bắt.

iran7

Hình ảnh lấy từ một video do hãng tin Mehr của Iran công bố cho thấy một nhóm người kéo hàng rào ở trên phố ở Tehran hôm 30/12/2017 - MEHR NEWS/AFP

Hãng tin Reuters ghi nhận vào thứ Ba 2 tháng giêng có hơn 450 người đã bị bắt giữ. Đây được xem là đợt biểu tình chống chế độ lớn nhất tại Iran trong nhiều năm qua.

Theo đài truyền hình quốc gia Iran thì người dân đã tấn công vào đồn cảnh sát ở thị trấn Qahderijan, thuộc tỉnh Isfahan, làm cho sáu người biểu tình thiệt mạng.

Ngoài ra, bạo động xảy ra vào đêm đầu năm dương lịch tại ba thị trấn khác gần Isfahan ​​làm một vệ binh Cách mạng, một cảnh sát và một người ngoài khác thiệt mạng.

Theo ước tính của AFP, sau 5 ngày xảy ra bất ổn, số người chết đến giờ là 21 người. Đây được cho là thách thức lớn nhất đối với chế độ Hồi giáo kể từ cuộc biểu tình năm 2009.

Một phát ngôn viên của lực lượng Vệ Binh Cách mạng cho biết họ không cần sự can thiệp trực tiếp, nhưng họ yêu cầu công chúng báo cáo các các phần tử nổi loạn.

******************

Iran : 9 người thiệt mạng trong các vụ bạo động ở vùng Ispahan (RFI, 02/01/2018)

Các cuộc biểu tình, bạo động tại Iran kể từ ngày 28/12/2017 đến nay đã làm 21 người thiệt mạng, 450 người bị bắt giữ. Riêng tại vùng Ispahan, ở miền trung, các vụ xung đột giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tối ngày 01/01/2018 đã làm 9 người thiệt mạng, theo như nguồn tin từ đài truyền hình Nhà nước Iran.

iran8

Ảnh chụp từ video cho thấy cảnh biểu tình bạo động tại thành phố Tuyserkan, Iran, ngày 31/12 : 2017 IRINN/ReutersTV

Chính quyền Tehran tố cáo các tổ chức phản cách mạng, Hoa Kỳ và Saudi Arabia, đã khai thác những khó khăn kinh tế, kích động dân chúng biểu tình. Từ Tehran, thông tín viên RFI, Siavosh Ghazi cho biết thêm thông tin :

Các vụ bạo động trong những ngày qua chủ yếu xẩy ra ở những thành phố nhỏ của các tỉnh. Đó là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi nạn thất nghiệp và những khó khăn kinh tế.

Năm 2009, thủ đô Iran là nơi xẩy ra các cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người phản đối tổng thống cực kỳ bảo thủ Mahmoud Ahmandinejad tái đắc cử. Nhưng lần này, quả thực là Tehran bị ảnh hưởng ít hơn. Trong những ngày qua, chỉ có vài trăm người biểu tình ở trung tâm thủ đô Tehran.

Tỷ lệ thất nghiệp tính chung trên toàn quốc là 12%, nhưng ở các thành phố nhỏ của các tỉnh, tỷ lệ này cao hơn.

Chính quyền Iran, đặc biệt là tổng thống Hassan Rohani, tuyên bố hiểu được các yêu sách kinh tế của những người biểu tình nhưng bác bỏ mọi hành vi bạo lực.

Giới lãnh đạo Iran tố cáo các tổ chức phản cách mạng, cũng như Hoa Kỳ hay Saudi Arabia, thông qua các mạng xã hội, kích động bạo lực, bằng cách khai thác những khó khăn kinh tế của Iran.

Sau khi có thái độ kiềm chế, chính quyền đã tỏ thái độ cứng rắn đối với những kẻ sử dụng bạo lực, tấn công các công sở.

Tổng thống Rohani cũng như bộ trưởng Tư Pháp Iran cảnh cáo những kẻ sử dụng bạo lực và theo nguyên thủ Iran, thì đó chỉ là một thiểu số ít ỏi.

Minh Anh

*********************

Tổng thống Mỹ lên án đàn áp biểu tình, dọa xóa bỏ hiệp định hạt nhân Iran (RFI, 02/01/2018)

Hoa Kỳ chú ý theo dõi các cuộc biểu tình tại Iran và tổng thống Donald Trump không đợi có sự kiện này mới chỉ trích chính sách của người tiền nhiệm, Barack Obama trong hồ sơ Iran.

iran9

Biểu tình chống chính phủ tại Tehran, Iran, ngày 30/12/2017. Reuters

Một làn sóng trấn áp biểu tình tại Iran có thể tạo cớ cho tổng thống Mỹ tố cáo Tehran là Nhà nước bất hảo và có thể xóa bỏ hiệp định hạt nhân mà Washington, cùng với 5 cường quốc khác, đã ký với Iran.

Từ New York, thông tín viên Gregoire Pourtier tường trình :

Donald Trump vẫn thường dùng các từ ngữ thóa mạ, xúc phạm, có những cách thức xử sự không phải lúc nào cũng ở tầm cỡ một nguyên thủ quốc gia. Nhưng với những sự kiện đang diễn ra tại Iran, ông không cần phải lo ngại gì cả. Bởi vì chính giới Hoa Kỳ nhất loạt chỉ trích các vụ trấn áp phong trào biểu tình của người dân Iran. Ví dụ, bà Hillary Clinton, đối thủ cũ của ông Trump, đã kêu gọi Tehran kiềm chế.

Donald Trump cũng tỏ ra "chơi đẹp" bằng cách nhắc lại rằng bản thân ông chưa bao giờ tin là chế độ Tehran dân chủ thực sự và hoan hỉ đóng vai người bảo vệ nhân quyền, tố cáo sự thụ động của chính quyền Obama cũng như của các cường quốc phương Tây.

Tuy nhiên, vấn đề là từ ngữ và giọng điệu của ông. Cũng giống như ông đã làm từ thứ Sáu, 29/12, hôm qua, 01/01/2018, ông lại kêu gọi phải có sự thay đổi tại Iran. Thái độ này làm cho chính quyền Iran rất khó chịu và chưa chắc là hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, khi xảy các cuộc biểu tình ở Iran hồi năm 2009, Barack Obama trong một thời gian dài, đã tỏ ra rất thận trọng để rồi cuối cùng thì kết quả cũng không mấy thuyết phục.

Trong mọi trường hợp, giờ đây, Donald Trump có trong tay một lá bài chủ chốt : Nếu được Thượng Viện ủng hộ, ông có thể quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Làn sóng dân chủ thứ tư sẽ còn tiếp tục mạnh lên và chỉ hoàn tất sau khi đã dứt điểm các chế độ độc đảng cuối cùng và đưa tới sự phân biệt tôn giáo và chính trị tại các nước Hồi Giáo.

Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (Ch. II, tr. 24)

danchu1

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Erdogan đang bắt giam hàng loạt những người bất đồng chính kiến.

2017 hình như đã là năm mà các chế độ độc tài lộng hành vô tội vạ. Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Việt Nam qua Venezuela, Myanmar, Nga và Trung Quốc các hành động chà đạp nhân quyền liên tục gia tăng về số lượng cũng như mức độ hung bạo trước sự bất lực của Châu Âu và Nhật và sự dửng dưng của Donald Trump.

Tình trạng này khiến nhiều người tự hỏi làn sóng dân chủ thứ tư mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nói tới như một trào lưu lớn của thế giới còn lại gì ? Câu trả lời dứt khoát là nó vẫn đang tràn tới và không những thế còn mạnh hơn.

Thoạt nhìn thì quả nhiên dân chủ và nhân quyền đang gặp thử thách lớn.

Hai chính quyền thuộc khối ASEAN được tạm coi là dân chủ, Philippines và Myanmar, đang hành xử không khác những băng đảng tội ác. Campuchia giải tán đảng đối lập.

gay sát cạnh Châu Âu, tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Erdogan đang bắt giam hàng loạt những người bất đồng chính kiến.

Tại Venezuela, Maduro bất chấp dư luận quốc tế cho côn đồ tấn công những người đối lập dân chủ, giết chết gần 150 người và đả thương trên 5.000 người, buộc thị trưởng thủ đô Caracas phải trốn ra nước ngoài tỵ nạn.

Tại Nga, Putin cấm các ứng cử viên có trọng lượng ra tranh cử với mình trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, sau những vụ hành hung và ám sát mà cả thế giới đều đã biết.

Trung Quốc giam Lưu Hiểu Ba, giải Nobel về hòa bình, tới chết bất chấp mọi phản đối và đang gia tăng những vụ bắt người và xử án tùy tiện ; thành phần được đặc biệt chiếu cố trong chính sách đàn áp này là các luật sư đã dám biện hộ cho các tù nhân chính trị. Vào cuối năm 2015 đã có hơn 200 luật sư bị bắt giam, con số hiện nay có thể lớn hơn rất nhiều. Ngày 26/12 vừa qua, hai luật sư đã bị đem xét xử ; ông Xie Yang nhận tội và được khoan hồng, ông Wu Gan không nhận tội và bị xử 8 năm tù. Chính quyền Tập Cận Bình còn đang tiến hành thực hiện một loại sổ hạnh kiểm chính trị với những quyền lợi vật chất cho những người được coi là có "hạnh kiểm tốt".

Các chế độ bạo ngược tự do đàn áp bởi vì từ đầu năm 2017 tại Hoa Kỳ, siêu cường số một và cho tới nay vẫn là thành trì của nhân quyền, Donald Trump đã lên làm tổng thống và chỉ có những quan tâm kinh tế ngắn hạn. Dân chủ, nhân quyền và nhân đạo không phải là ưu tư của Donald Trump.

Riêng chế độ cộng sản Việt Nam đã tỏ ra đặc biệt thô bạo. Hàng trăm người đã bị bắt nhưng còn nhiều người khác cũng bị bắt mà chỉ đến khi bị đem xét xử báo chí nhà nước mới loan tin. Các cáo trạng đều rất mơ hồ, như cáo buộc các nạn nhân là đã tuyên truyền xuyên tạc chống nhà nước, vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự, nhưng lại chỉ kể số bài đã viết hoặc số video clip đã làm mà không hề nói cụ thể đương sự đã nói hoặc viết điều gì có thể coi là xuyên tạc hoặc tuyên truyền chống nhà nước. Các phiên tòa đều chớp nhoáng không có tranh luận và các bản án đều dã man. Hai phụ nữ trẻ, Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, mỗi người có hai con thơ, bị xử 9 và 10 năm tù. Hai thanh niên bị cáo buộc là rải tuyền đơn bị xử 14 năm tù ; trong cùng một tuần hai can phạm giết người, một người giết vợ và một người giết bạn, cũng bị xử 14 năm tù. Đây là đợt đàn áp hung bạo nhất từ 30 năm nay, từ ngày chế độ bắt đầu chính sách gọi là "đổi mới" theo mô hình Trung Quốc.

Trong một bối cảnh quốc tế và quốc gia như vậy không có gì lạ nếu nhiều nghĩ là dân chủ đang thoái bộ và làn sóng dân chủ thứ tư, nếu có, cũng đã khựng lại. Một lần nữa chúng ta được nhắc nhở là lý luận chính trị không giản dị, bởi vì nếu nhìn kỹ hơn thì sự thực không phải như thế. Các chế độ độc tài còn lại đang giãy chết.

Xin nhắc lại là làn sóng dân chủ thứ tư, như đã được trình bày trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, nhắm hai mục tiêu : đánh đổ các chế độ độc tài còn lại, đặc biệt là các chế độ cộng sản còn lại, và đưa Hồi Giáo ra khỏi chính trị để trở về địa vị của một tôn giáo, nghĩa là trở về địa vị của một chọn lựa cá nhân.

Và chúng ta đã thấy gì ?

Năm 2017 đã là năm tiêu vong của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (Daesh/IS). Hiện nay Daesh đã bị quét sạch khỏi Iraq và các ổ kháng chiến nhỏ còn lại tại Syria cũng đang bị tiêu diệt. Điều quan trọng cần được nhìn rõ là Daesh là cố gắng cuối cùng để thiết lập một nhà nước thần quyền Hồi giáo. Cùng với sự diệt vong của Daesh vấn đề đưa Hồi giáo ra khỏi chính trị coi như đã xong trên nguyên tắc. Các đám tàn quân tại Afghanistan và Châu Phi sẽ tàn lụi nhanh chóng, các cuộc tấn công khủng bố tại Châu Âu và Hoa Kỳ cũng sẽ giảm dần vì một lý do giản dị là chúng không còn lý do để tiếp tục khi hy vọng thành lập được một chế độ thần quyền Hồi giáo đã tiêu tan. Những hành động khủng bố có thể sẽ còn tiếp tục tại Nga và Trung Quốc, nhưng sẽ không còn là những cuộc chiến tranh tôn giáo nữa mà chỉ là những hành động nội chiến chống áp bức.

2018 sẽ là năm mà quan tâm chính của thế giới không còn là ngăn ngừa khủng bố nữa để tập trung vào các chế độ độc tài còn lại.

Các chế độ này đang ra sao ?

Hãy nhìn trước hết vào Trung Quốc, thành trì kiên cố nhất của chủ nghĩa toàn trị. Các nhà quan sát, nói chung, nhận diện bốn mối lo ngại chính của thế giới trong năm 2018 :

- Nguy cơ đầu tiên là Bắc Cao Ly do thái độ ngày càng khiêu khích của chính quyền Kim Jong-un. Hoa Kỳ có thể đi đến quyết định tấn công trước và tạo ra một tình trạng khủng hoảng mới. Tuy vậy phần đông tin rằng khả năng này chỉ có một xác xuất thấp vì Hoa Kỳ và Nam Cao Ly vẫn còn nhiều phương tiện khác.

- Kế đến là tình trạng căng thẳng sẽ tăng lên tại Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng do thái độ ngang ngược của Trung Quốc.

- Nguy cơ thứ ba là một cuộc chiến thương mại sẽ xẩy ra giữa Mỹ và thế giới do thái độ của Donald Trump ; không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc mà cả với hai đồng minh lâu đời là Nhật và Hàn Quốc.

- Nguy cơ thứ tư là khối nợ công đáng sợ của Trung Quốc.

Trong cả bốn nguy cơ này, Trung Quốc đều vướng mắc trong thế yếu. Trung Quốc đang khốn đốn. Lý do cơ bản là vì đã sai lầm trong mô hình phát triển.

Chính sách "bốn hiện đại hóa" mà Trung Quốc theo đuổi từ thời Đặng Tiểu Bình, chủ yếu nhắm sản xuất thật nhiều với giá thành thật thấp để xuất khẩu tối đa, bất chấp con người và môi trường. Nói cách khác chế độ cộng sản Trung Quốc xuất khẩu sự nghèo khổ mà chính họ là nguyên nhân.

Về mặt kỹ nghệ, Trung Quốc chủ yếu dựa trên than và thép. Kết quả là họ đã đạt được mức tăng trưởng trên 10% trong nhiều năm nhưng đất nước Trung Quốc, nhất là miền Bắc, hầu như đã bị hủy diệt vì ô nhiễm, bất công xã hội gia tăng trong khi tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc giảm một cách đáng sợ, những người giầu có tẩu thoát ra nước ngoài mang theo tài sản.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xẩy ra năm 2008, Trung Quốc đã phạm một sai lầm chiến lược khác là thay vì trực diện với các khó khăn họ đã chọn chính sách tháo chạy về phía trước, nghĩa là bơm tiền thật nhiều vào công nghiệp, nhất là ngành xây dựng, với kết quả các thành phố ma liên tục mọc lên, các kho hàng ứ đọng và số nợ phình ra.

Từ gần mười năm nay, khi nhận ra là thời đại của than đang chấm dứt, Trung Quốc còn làm thêm một sai lầm lớn khác là ào ạt sản xuất những panô điện nắng với hy vọng sẽ đi trước thế giới trong cuộc chạy đua sản xuất năng lượng sạch, sau khi đã là nhà vô địch về năng lượng bẩn. Trung Quốc đã đầu tư 400 tỷ USD, tương đương với hai lần GDP của Việt Nam, vào kỹ thuật điện nắng để rồi nhìn các panô này chồng chất vì không bán được, lý do là vì kỹ thuật điện nắng đang cải tiến từng ngày và các panô vừa sản xuất ra đã lỗi thời.

Số nợ của Trung Quốc, được uớc lượng ở mức 300% GDP, không có giải đáp. Trung Quốc liên tục tăng lãi xuất cơ bản trong mấy năm qua, quá thấp để có thể giải quyết số nợ và ngăn cản sự đào thoát ồ ạt của tư bản nhưng lại đủ để dần dần làm tê liệt cả sản xuất lẫn tiêu thụ.

Khủng hoảng kinh tế không tránh khỏi và có thể làm tan vỡ Trung Quốc vì các tỉnh của Trung Quốc quá khác nhau, nhiều khi còn đối địch với nhau. Trong suốt dòng lịch sử dài của Trung Quốc sự thống nhất đã chỉ được duy trì bằng bạo lực, ngày nay sợi dây ràng buộc, đúng ra là trói buộc, các tỉnh Trung Quốc với nhau là Đảng Cộng Sản. Nhưng tình trạng Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang ra sao ?

Đại hội 19 vừa qua đã dành cho Tập Cận Bình mọi quyền hành và một vị thế tương đương với Mao Trạch Đông. Lý do không phải là vì Tập Cận Bình có tài năng xuất chúng hay có nhân cách phi thường, mà chỉ là vì Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã quá phân hóa và cần một người để có thể lấy những quyết định khi bắt buộc phải có quyết định. Những cuộc thanh toán nhau dưới chiêu bài chống tham nhũng sẽ chỉ tiếp tục làm cho Đảng tan nát hơn.

Tóm lại Trung Quốc không hề mạnh, sự sụp đổ của chế độ cộng sản là không tránh khỏi và ngay cả sự tan vỡ của chính Trung Quốc như một quốc gia cũng khó tránh.

Còn Liên Bang Nga ? GDP trên mỗi đầu người của Nga hiện nay chỉ là 8.000 USD (GDP xấp xỉ 1.200 tỷ USD cho một dân số 150 triệu người), nghĩa là thấp hơn 30% so với mức trung bình thế giới. Ngoài kỹ nghệ vũ khí, Nga là một nước nghèo và chậm tiến. Mà cũng không phải chỉ có thế. Tài nguyên chính và cũng là nguồn thu nhập chính của Nga là dầu khí, nhưng thời đại của dầu khí đang chấm dứt. Nga không chỉ nghèo và chậm tiến mà còn không có tương lai. Vừa qua, Putin đã đơn phương tuyên bố chiến thắng để rút quân khỏi Syria. Thực tế chỉ là Nga đã quá kiệt quệ để có thể tiếp tục can thiệp. Hậu quả có thể nhìn thấy được là chính quyền Bashar al-Assad mà Nga đỡ đầu sẽ bị đào thải và sự hiện diện của Nga tại Địa Trung Hải sẽ bị xóa bỏ.

Tại Venezuela, chế độ Maduro đã phá sản và khó sống sót hết năm 2018. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan ngày càng lúng túng. Các chính quyền côn đồ địa phương tại Philippines, Myanmar, Campuchia không có trọng lượng nào trên thế giới và cũng sẽ bắt buộc phải thay đổi theo khuynh hướng chung.

Cũng đừng quên là trong tháng qua, cộng đồng các nước dân chủ vừa tiếp nhận thêm hai thành viên tập sự mới, Zimbabwe và Liberia.

Trở lại với nước ta.

Sự hung bạo đã quá đáng và khó tưởng tượng bởi vì chính quyền cộng sản cũng đang quá khốn đốn. Ngân quỹ đã cạn hết, nợ công -của chính phủ cũng như của các công ty quốc doanh- đã vượt mức 200% và khả năng vay mượn hầu như không còn, trong khi quan hệ thương mại với Hoa Kỳ và Châu Âu đều sẽ khó khăn hơn. Chính quyền đang bán các công ty quốc doanh mà tình trạng chưa đến nỗi quá bi đát để sống qua ngày. Chẳng bao lâu nữa sẽ không còn đủ tiền để trả lương quân đội, công an và công chức. Sư phẫn nộ chính đáng của dân chúng đã quá cao và Đảng Cộng Sản đang phân hóa như chưa bao giờ thấy. Cũng như tại Trung Quốc những vụ thanh toán nhau dưới chiêu bài chống tham nhũng sẽ không làm giảm tham nhũng mà chỉ là Đảng tan nát thêm. Và cũng như tại Trung Quốc, sự hung bạo chỉ thú nhận một tình trạng hốt hoảng. Điều đáng ngạc nhiên là tại sao Đảng Cộng Sản Việt Nam lại cứ lẽo đẽo đi theo một quan thày sắp tắt thở và một mô hình đang phá sản.

danchu2

Sự khựng lại của phong trào dân chủ Việt Nam là một sự thực nhưng đồng thời cũng là điều cần thiết, và bắt buộc, để chúng ta cùng nghĩ lại và đấu tranh cho dân chủ một cách có bài bản.

Tóm lại, làn sóng dân chủ thứ tư vẫn tiếp tục tràn tới, không những thế còn đang mạnh lên. Mặc dù Donald Trump. Đó là vì là làn sóng dân chủ này không phải do một quốc gia nào chủ xướng cả, mà là khuynh hướng tự nhiên của cả thế giới. Đó là thâm tín mới của loài người cho nên không một nước nào, dù là siêu cường số 1, có thể làm nó khựng lại. Vả lại cũng không phải là Hoa Kỳ đã từ nhiệm mà chỉ là Donald Trump muốn Hoa Kỳ từ nhiệm, nhưng uy tín của Trump ngày càng xuống thấp và sau cùng chính ông cũng sẽ phải thay đổi.

Ông bà ta có câu "thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ khốn cùng liều thân". Hai cái sợ đó khác nhau. Các chế độ độc tài bạo ngược, dù là Trung Quốc hay Việt Nam, đang là những kẻ khốn cùng liều thân. Điều mà chúng ta phải sợ không phải là chế độ này không lay chuyển được mà là nó sẽ sụp đổ vào lúc chúng ta chưa đủ chuẩn bị để cống hiến cho đất nước một giải pháp thay thế tốt.

Trước mắt, sự khựng lại của phong trào dân chủ Việt Nam là một sự thực nhưng đồng thời cũng là điều cần thiết, và bắt buộc, để chúng ta cùng nghĩ lại và đấu tranh cho dân chủ một cách có bài bản.

Nguyễn Gia Kiểng

(02/01/2018)

Published in Quan điểm