Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

03/01/2018

Làn sóng dân chủ thứ tư vẫn đang tràn tới

Nguyễn Gia Kiểng

Làn sóng dân chủ thứ tư sẽ còn tiếp tục mạnh lên và chỉ hoàn tất sau khi đã dứt điểm các chế độ độc đảng cuối cùng và đưa tới sự phân biệt tôn giáo và chính trị tại các nước Hồi Giáo.

Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (Ch. II, tr. 24)

danchu1

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Erdogan đang bắt giam hàng loạt những người bất đồng chính kiến.

2017 hình như đã là năm mà các chế độ độc tài lộng hành vô tội vạ. Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Việt Nam qua Venezuela, Myanmar, Nga và Trung Quốc các hành động chà đạp nhân quyền liên tục gia tăng về số lượng cũng như mức độ hung bạo trước sự bất lực của Châu Âu và Nhật và sự dửng dưng của Donald Trump.

Tình trạng này khiến nhiều người tự hỏi làn sóng dân chủ thứ tư mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên nói tới như một trào lưu lớn của thế giới còn lại gì ? Câu trả lời dứt khoát là nó vẫn đang tràn tới và không những thế còn mạnh hơn.

Thoạt nhìn thì quả nhiên dân chủ và nhân quyền đang gặp thử thách lớn.

Hai chính quyền thuộc khối ASEAN được tạm coi là dân chủ, Philippines và Myanmar, đang hành xử không khác những băng đảng tội ác. Campuchia giải tán đảng đối lập.

gay sát cạnh Châu Âu, tại Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền Erdogan đang bắt giam hàng loạt những người bất đồng chính kiến.

Tại Venezuela, Maduro bất chấp dư luận quốc tế cho côn đồ tấn công những người đối lập dân chủ, giết chết gần 150 người và đả thương trên 5.000 người, buộc thị trưởng thủ đô Caracas phải trốn ra nước ngoài tỵ nạn.

Tại Nga, Putin cấm các ứng cử viên có trọng lượng ra tranh cử với mình trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, sau những vụ hành hung và ám sát mà cả thế giới đều đã biết.

Trung Quốc giam Lưu Hiểu Ba, giải Nobel về hòa bình, tới chết bất chấp mọi phản đối và đang gia tăng những vụ bắt người và xử án tùy tiện ; thành phần được đặc biệt chiếu cố trong chính sách đàn áp này là các luật sư đã dám biện hộ cho các tù nhân chính trị. Vào cuối năm 2015 đã có hơn 200 luật sư bị bắt giam, con số hiện nay có thể lớn hơn rất nhiều. Ngày 26/12 vừa qua, hai luật sư đã bị đem xét xử ; ông Xie Yang nhận tội và được khoan hồng, ông Wu Gan không nhận tội và bị xử 8 năm tù. Chính quyền Tập Cận Bình còn đang tiến hành thực hiện một loại sổ hạnh kiểm chính trị với những quyền lợi vật chất cho những người được coi là có "hạnh kiểm tốt".

Các chế độ bạo ngược tự do đàn áp bởi vì từ đầu năm 2017 tại Hoa Kỳ, siêu cường số một và cho tới nay vẫn là thành trì của nhân quyền, Donald Trump đã lên làm tổng thống và chỉ có những quan tâm kinh tế ngắn hạn. Dân chủ, nhân quyền và nhân đạo không phải là ưu tư của Donald Trump.

Riêng chế độ cộng sản Việt Nam đã tỏ ra đặc biệt thô bạo. Hàng trăm người đã bị bắt nhưng còn nhiều người khác cũng bị bắt mà chỉ đến khi bị đem xét xử báo chí nhà nước mới loan tin. Các cáo trạng đều rất mơ hồ, như cáo buộc các nạn nhân là đã tuyên truyền xuyên tạc chống nhà nước, vi phạm điều 88 Bộ luật hình sự, nhưng lại chỉ kể số bài đã viết hoặc số video clip đã làm mà không hề nói cụ thể đương sự đã nói hoặc viết điều gì có thể coi là xuyên tạc hoặc tuyên truyền chống nhà nước. Các phiên tòa đều chớp nhoáng không có tranh luận và các bản án đều dã man. Hai phụ nữ trẻ, Trần Thị Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, mỗi người có hai con thơ, bị xử 9 và 10 năm tù. Hai thanh niên bị cáo buộc là rải tuyền đơn bị xử 14 năm tù ; trong cùng một tuần hai can phạm giết người, một người giết vợ và một người giết bạn, cũng bị xử 14 năm tù. Đây là đợt đàn áp hung bạo nhất từ 30 năm nay, từ ngày chế độ bắt đầu chính sách gọi là "đổi mới" theo mô hình Trung Quốc.

Trong một bối cảnh quốc tế và quốc gia như vậy không có gì lạ nếu nhiều nghĩ là dân chủ đang thoái bộ và làn sóng dân chủ thứ tư, nếu có, cũng đã khựng lại. Một lần nữa chúng ta được nhắc nhở là lý luận chính trị không giản dị, bởi vì nếu nhìn kỹ hơn thì sự thực không phải như thế. Các chế độ độc tài còn lại đang giãy chết.

Xin nhắc lại là làn sóng dân chủ thứ tư, như đã được trình bày trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai, nhắm hai mục tiêu : đánh đổ các chế độ độc tài còn lại, đặc biệt là các chế độ cộng sản còn lại, và đưa Hồi Giáo ra khỏi chính trị để trở về địa vị của một tôn giáo, nghĩa là trở về địa vị của một chọn lựa cá nhân.

Và chúng ta đã thấy gì ?

Năm 2017 đã là năm tiêu vong của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (Daesh/IS). Hiện nay Daesh đã bị quét sạch khỏi Iraq và các ổ kháng chiến nhỏ còn lại tại Syria cũng đang bị tiêu diệt. Điều quan trọng cần được nhìn rõ là Daesh là cố gắng cuối cùng để thiết lập một nhà nước thần quyền Hồi giáo. Cùng với sự diệt vong của Daesh vấn đề đưa Hồi giáo ra khỏi chính trị coi như đã xong trên nguyên tắc. Các đám tàn quân tại Afghanistan và Châu Phi sẽ tàn lụi nhanh chóng, các cuộc tấn công khủng bố tại Châu Âu và Hoa Kỳ cũng sẽ giảm dần vì một lý do giản dị là chúng không còn lý do để tiếp tục khi hy vọng thành lập được một chế độ thần quyền Hồi giáo đã tiêu tan. Những hành động khủng bố có thể sẽ còn tiếp tục tại Nga và Trung Quốc, nhưng sẽ không còn là những cuộc chiến tranh tôn giáo nữa mà chỉ là những hành động nội chiến chống áp bức.

2018 sẽ là năm mà quan tâm chính của thế giới không còn là ngăn ngừa khủng bố nữa để tập trung vào các chế độ độc tài còn lại.

Các chế độ này đang ra sao ?

Hãy nhìn trước hết vào Trung Quốc, thành trì kiên cố nhất của chủ nghĩa toàn trị. Các nhà quan sát, nói chung, nhận diện bốn mối lo ngại chính của thế giới trong năm 2018 :

- Nguy cơ đầu tiên là Bắc Cao Ly do thái độ ngày càng khiêu khích của chính quyền Kim Jong-un. Hoa Kỳ có thể đi đến quyết định tấn công trước và tạo ra một tình trạng khủng hoảng mới. Tuy vậy phần đông tin rằng khả năng này chỉ có một xác xuất thấp vì Hoa Kỳ và Nam Cao Ly vẫn còn nhiều phương tiện khác.

- Kế đến là tình trạng căng thẳng sẽ tăng lên tại Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng do thái độ ngang ngược của Trung Quốc.

- Nguy cơ thứ ba là một cuộc chiến thương mại sẽ xẩy ra giữa Mỹ và thế giới do thái độ của Donald Trump ; không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc mà cả với hai đồng minh lâu đời là Nhật và Hàn Quốc.

- Nguy cơ thứ tư là khối nợ công đáng sợ của Trung Quốc.

Trong cả bốn nguy cơ này, Trung Quốc đều vướng mắc trong thế yếu. Trung Quốc đang khốn đốn. Lý do cơ bản là vì đã sai lầm trong mô hình phát triển.

Chính sách "bốn hiện đại hóa" mà Trung Quốc theo đuổi từ thời Đặng Tiểu Bình, chủ yếu nhắm sản xuất thật nhiều với giá thành thật thấp để xuất khẩu tối đa, bất chấp con người và môi trường. Nói cách khác chế độ cộng sản Trung Quốc xuất khẩu sự nghèo khổ mà chính họ là nguyên nhân.

Về mặt kỹ nghệ, Trung Quốc chủ yếu dựa trên than và thép. Kết quả là họ đã đạt được mức tăng trưởng trên 10% trong nhiều năm nhưng đất nước Trung Quốc, nhất là miền Bắc, hầu như đã bị hủy diệt vì ô nhiễm, bất công xã hội gia tăng trong khi tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc giảm một cách đáng sợ, những người giầu có tẩu thoát ra nước ngoài mang theo tài sản.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xẩy ra năm 2008, Trung Quốc đã phạm một sai lầm chiến lược khác là thay vì trực diện với các khó khăn họ đã chọn chính sách tháo chạy về phía trước, nghĩa là bơm tiền thật nhiều vào công nghiệp, nhất là ngành xây dựng, với kết quả các thành phố ma liên tục mọc lên, các kho hàng ứ đọng và số nợ phình ra.

Từ gần mười năm nay, khi nhận ra là thời đại của than đang chấm dứt, Trung Quốc còn làm thêm một sai lầm lớn khác là ào ạt sản xuất những panô điện nắng với hy vọng sẽ đi trước thế giới trong cuộc chạy đua sản xuất năng lượng sạch, sau khi đã là nhà vô địch về năng lượng bẩn. Trung Quốc đã đầu tư 400 tỷ USD, tương đương với hai lần GDP của Việt Nam, vào kỹ thuật điện nắng để rồi nhìn các panô này chồng chất vì không bán được, lý do là vì kỹ thuật điện nắng đang cải tiến từng ngày và các panô vừa sản xuất ra đã lỗi thời.

Số nợ của Trung Quốc, được uớc lượng ở mức 300% GDP, không có giải đáp. Trung Quốc liên tục tăng lãi xuất cơ bản trong mấy năm qua, quá thấp để có thể giải quyết số nợ và ngăn cản sự đào thoát ồ ạt của tư bản nhưng lại đủ để dần dần làm tê liệt cả sản xuất lẫn tiêu thụ.

Khủng hoảng kinh tế không tránh khỏi và có thể làm tan vỡ Trung Quốc vì các tỉnh của Trung Quốc quá khác nhau, nhiều khi còn đối địch với nhau. Trong suốt dòng lịch sử dài của Trung Quốc sự thống nhất đã chỉ được duy trì bằng bạo lực, ngày nay sợi dây ràng buộc, đúng ra là trói buộc, các tỉnh Trung Quốc với nhau là Đảng Cộng Sản. Nhưng tình trạng Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang ra sao ?

Đại hội 19 vừa qua đã dành cho Tập Cận Bình mọi quyền hành và một vị thế tương đương với Mao Trạch Đông. Lý do không phải là vì Tập Cận Bình có tài năng xuất chúng hay có nhân cách phi thường, mà chỉ là vì Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã quá phân hóa và cần một người để có thể lấy những quyết định khi bắt buộc phải có quyết định. Những cuộc thanh toán nhau dưới chiêu bài chống tham nhũng sẽ chỉ tiếp tục làm cho Đảng tan nát hơn.

Tóm lại Trung Quốc không hề mạnh, sự sụp đổ của chế độ cộng sản là không tránh khỏi và ngay cả sự tan vỡ của chính Trung Quốc như một quốc gia cũng khó tránh.

Còn Liên Bang Nga ? GDP trên mỗi đầu người của Nga hiện nay chỉ là 8.000 USD (GDP xấp xỉ 1.200 tỷ USD cho một dân số 150 triệu người), nghĩa là thấp hơn 30% so với mức trung bình thế giới. Ngoài kỹ nghệ vũ khí, Nga là một nước nghèo và chậm tiến. Mà cũng không phải chỉ có thế. Tài nguyên chính và cũng là nguồn thu nhập chính của Nga là dầu khí, nhưng thời đại của dầu khí đang chấm dứt. Nga không chỉ nghèo và chậm tiến mà còn không có tương lai. Vừa qua, Putin đã đơn phương tuyên bố chiến thắng để rút quân khỏi Syria. Thực tế chỉ là Nga đã quá kiệt quệ để có thể tiếp tục can thiệp. Hậu quả có thể nhìn thấy được là chính quyền Bashar al-Assad mà Nga đỡ đầu sẽ bị đào thải và sự hiện diện của Nga tại Địa Trung Hải sẽ bị xóa bỏ.

Tại Venezuela, chế độ Maduro đã phá sản và khó sống sót hết năm 2018. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan ngày càng lúng túng. Các chính quyền côn đồ địa phương tại Philippines, Myanmar, Campuchia không có trọng lượng nào trên thế giới và cũng sẽ bắt buộc phải thay đổi theo khuynh hướng chung.

Cũng đừng quên là trong tháng qua, cộng đồng các nước dân chủ vừa tiếp nhận thêm hai thành viên tập sự mới, Zimbabwe và Liberia.

Trở lại với nước ta.

Sự hung bạo đã quá đáng và khó tưởng tượng bởi vì chính quyền cộng sản cũng đang quá khốn đốn. Ngân quỹ đã cạn hết, nợ công -của chính phủ cũng như của các công ty quốc doanh- đã vượt mức 200% và khả năng vay mượn hầu như không còn, trong khi quan hệ thương mại với Hoa Kỳ và Châu Âu đều sẽ khó khăn hơn. Chính quyền đang bán các công ty quốc doanh mà tình trạng chưa đến nỗi quá bi đát để sống qua ngày. Chẳng bao lâu nữa sẽ không còn đủ tiền để trả lương quân đội, công an và công chức. Sư phẫn nộ chính đáng của dân chúng đã quá cao và Đảng Cộng Sản đang phân hóa như chưa bao giờ thấy. Cũng như tại Trung Quốc những vụ thanh toán nhau dưới chiêu bài chống tham nhũng sẽ không làm giảm tham nhũng mà chỉ là Đảng tan nát thêm. Và cũng như tại Trung Quốc, sự hung bạo chỉ thú nhận một tình trạng hốt hoảng. Điều đáng ngạc nhiên là tại sao Đảng Cộng Sản Việt Nam lại cứ lẽo đẽo đi theo một quan thày sắp tắt thở và một mô hình đang phá sản.

danchu2

Sự khựng lại của phong trào dân chủ Việt Nam là một sự thực nhưng đồng thời cũng là điều cần thiết, và bắt buộc, để chúng ta cùng nghĩ lại và đấu tranh cho dân chủ một cách có bài bản.

Tóm lại, làn sóng dân chủ thứ tư vẫn tiếp tục tràn tới, không những thế còn đang mạnh lên. Mặc dù Donald Trump. Đó là vì là làn sóng dân chủ này không phải do một quốc gia nào chủ xướng cả, mà là khuynh hướng tự nhiên của cả thế giới. Đó là thâm tín mới của loài người cho nên không một nước nào, dù là siêu cường số 1, có thể làm nó khựng lại. Vả lại cũng không phải là Hoa Kỳ đã từ nhiệm mà chỉ là Donald Trump muốn Hoa Kỳ từ nhiệm, nhưng uy tín của Trump ngày càng xuống thấp và sau cùng chính ông cũng sẽ phải thay đổi.

Ông bà ta có câu "thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ khốn cùng liều thân". Hai cái sợ đó khác nhau. Các chế độ độc tài bạo ngược, dù là Trung Quốc hay Việt Nam, đang là những kẻ khốn cùng liều thân. Điều mà chúng ta phải sợ không phải là chế độ này không lay chuyển được mà là nó sẽ sụp đổ vào lúc chúng ta chưa đủ chuẩn bị để cống hiến cho đất nước một giải pháp thay thế tốt.

Trước mắt, sự khựng lại của phong trào dân chủ Việt Nam là một sự thực nhưng đồng thời cũng là điều cần thiết, và bắt buộc, để chúng ta cùng nghĩ lại và đấu tranh cho dân chủ một cách có bài bản.

Nguyễn Gia Kiểng

(02/01/2018)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Gia Kiểng
Read 2729 times

1 comment

  • Comment Link tranvietthuan mercredi, 03 janvier 2018 21:47 posted by tranvietthuan

    Mỗi một cá nhân ưu tiên 1 là tồn tại. Là chạy ăn từng bữa. Khi nào nhu cầu vật chất ổn ̣định mới dám nghĩ tới nhu cầu tinh thần: Văn hoá - chính trị.Người dân đa số là người nghèo nàn thiếu thốn. Khái niệm dân chủ rất mơ hồ.Họ luôn trông chờ một "Minh quân" trên trời rớt xuống.Không hề có minh quân nào từ trên trời sai xuống. Giai tầng thống trị là đám người sung túc.Xưa nay chúng vẫn vỗ ngực là qúy tộc.Giưã bần dân và quý tộc có một tầng lớp có điều kiện ăn học mà CS gọi là "Tiểu tư sản".Khái niệm dân chủ xuất phát từ đám người này. CS sinh ra cũng từ đám người naỳ.CS cũng nhân danh "Dân chủ"nhưng lại độc tài hơn ai cả. Họ làm mưa làm gió cả trăm năm làm thế giới điêu linh thêm. Chính thể nào, chính quyền nào cũng hô hào" Dân chủ cọng hoà" nhưng không dễ thực thi khi người dân còn nghèo khổ.Đến bây giờ đời sống nhân loại khá cao,khoa học tiến bộ,phương tiện nghe nhìn đi lại lưu thông dể dàng trên thế giới.Người ta có thể xây dựng nền dân chủ.Lớp người trí thức hô hào và vắt óc thiết kế công việc này và rồi cũng là các triệu phú tỷ phú tài trợ mới làm nên chuyện.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)