Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/04/2023

Điểm báo Pháp – Macron : sau cơn mưa trời lại sáng ?

RFI tiếng Việt

Đối ngoại thất bại, nội trị trắc trở, sau cơn mưa trời lại sáng với Macron ?

Báo chí Pháp hôm 17/04/2023 tiếp tục phê phán chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp : ba mục đích kinh tế, Ukraine, tự chủ của Châu Âu đều không đạt được – theo ông Pierre Lellouche, trên báo Le Figaro. Còn trên Les Echos, Dominique Moïsi cho rằng ý định đứng lửng lơ giữa hai phe dân chủ và toàn trị, là hoàn toàn vô nghĩa. Về nội trị, ông Emmanuel Macron muốn lật sang một trang mới sau khi ban hành luật cải cách hưu trí.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói chuyện với quốc dân trên truyền hình từ điện Élysée ngày 17/04/2023, sau khi ký ban hành luật cải cách

Bài học từ chuyến đi thất bại của Emmanuel Macron

Le Figaro trên trang Ý kiến đăng bài viết của ông Pierre Lellouche, cựu chủ tịch liên nghị viện các nước NATO, rút ra những bài học từ chuyến đi này. Cách đây 59 năm, tướng De Gaulle là người đầu tiên công nhận Trung Quốc cộng sản của Mao, thiết lập chủ trương một nước Pháp đồng minh của Hoa Kỳ nhưng độc lập giữa hai khối thời đó. Tháng 4/2023, tiếc thay ông Emmanuel Macron lại làm rõ thêm sự xuống cấp cũng như nhập nhằng trong đối ngoại của Pháp. Kinh tế, Ukraine, "chủ quyền Châu Âu", cả ba mục đích đều không đạt được.

Về kinh tế, ngoài nhà máy Airbus thứ nhì được xây dựng ở Trung Quốc chứ không phải ở Pháp, Bắc Kinh không hứa hẹn gì về thâm thủng mậu dịch khổng lồ 40 tỉ euro giữa hai nước. Ngược lại, ông Macron lại để cho tập đoàn Total lần đầu tiên ký hợp đồng dầu khí bằng nhân dân tệ chứ không bằng đô la. Một thắng lợi lớn cho Bắc Kinh, vốn đang tìm cách phi đô la hóa ngoại thương để tránh né trừng phạt của Mỹ.

Về Ukraine, chẳng hiểu vì sao Macron lại có ý nghĩ là Trung Quốc có thể mang lại hòa bình. Những người thân cận với tổng thống Pháp nhấn mạnh Tập Cận Bình là người duy nhất có thể thay đổi cuộc chơi. Trong khi "bạn thân thiết" của Putin tiếp tục mua nguyên liệu từ Nga đang bị phương Tây cấm vận, và bán lại thiết bị cần thiết cho chiến tranh.

Tổng thống Pháp và những nghịch lý

Macron không muốn nhìn thấy từ nhiều tháng qua Trung Quốc cùng với Nga và BRICS xây dựng một mặt trận chống Mỹ và chống phương Tây. Và nếu Bắc Kinh có làm áp lực đi nữa, liệu Putin có chịu nhượng bộ coi như công khai thú nhận tình trạng chư hầu của mình ? Chẳng có gì ngạc nhiên khi Macron trắng tay trở về. Sau những nỗ lực bất thành trong việc đối thoại với Moskva, liệu có cần thêm một thất bại nữa với Bắc Kinh hay không ?

Còn về khái niệm "chủ quyền Châu Âu", tuy bà Ursula von der Leyen, ứng cử viên chức tổng thư ký NATO tỏ ra cứng rắn trước Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, Macron lại tuyên bố không muốn "theo đuôi" Hoa Kỳ. Từ Berlin đến Warszawa đều nhấn mạnh đó chỉ là ý kiến riêng của Emmanuel Macron. "Quyền tự quyết" ở đâu khi cuộc chiến ở Ukraine hoàn toàn do Hoa Kỳ và NATO lãnh đạo, và nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ, Ukraine đã nằm trong tay Nga ?

Và làm thế nào mà Paris mong muốn Ukraine chiến thắng, nhưng lại bỏ rơi Đài Loan trước móng vuốt Trung Quốc. Chẳng lẽ tự do của 48 triệu người Ukraine lại quý hơn tự do của 28 triệu dân Đài Loan ? Cuối cùng, làm sao có thể nói cuộc khủng hoảng Đài Loan không liên quan đến mình, trong khi khẳng định Pháp là cường quốc Ấn Độ-Thái Bình Dương nhờ sự hiện diện ở Tân Calédonie và Polynésie ?

Sai lầm lớn : Không chọn lựa giữa dân chủ và độc tài

Les Echos nói về "Emmanuel Macron và những sơ hở của chính trị thực dụng". Khi tạo cảm giác là không chọn phe giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và hành động rất ít cho Đài Loan, tổng thống Pháp đã phạm sai lầm lớn : không chọn lựa giữa dân chủ và độc tài. Tác giả Dominique Moïsi đặt câu hỏi, vì sao lại tặng món quà như vậy cho Bắc Kinh ? Không như ông Macron nghĩ, số phận của Đài Loan liên quan trực tiếp đến Châu Âu. Sau khi phong trào dân chủ Hồng Kông bị đè bẹp, nếu Đài Loan bị chiếm bằng vũ lực sẽ là thất bại lớn lao của tự do dân chủ, và về địa chính trị, là đòn nặng nề cho phương Tây và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Đó còn là tin rất xấu cho kinh tế thế giới, vì 90% số chip tân tiến nhất là từ Đài Loan.

Biến Châu Âu thành một cực quyền lực trên thế giới là một tham vọng chính đáng, nhưng Pháp không thể thực hiện một mình. Và tổng thống Macron, đang bị chỉ trích trong nước, liệu có khả năng liên kết các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) với những tuyên bố phảng phất mùi chống Mỹ xa xưa hay không ? Tệ hơn nữa, liệu ông có hoàn toàn ý thức về thời điểm đặc biệt kể từ ngày 24/02/2022 khi chiến tranh quay lại với Châu Âu, dường như có thể so sánh với cuối thập niên 30 ? Và nếu Putin là phiên bản đương đại của Hitler, trừ đi ám ảnh bài Do Thái nhưng cộng thêm vũ khí nguyên tử ?

Trước một nhà lãnh đạo hoang tưởng ở Moskva, và một đế chế Trung Quốc luôn quyết tâm bành trướng, ý định đi dây giữa Washington và Bắc Kinh, giữa dân chủ và toàn trị, hết sức vô nghĩa. Mối đe dọa về kinh tế từ Mỹ hoàn toàn khác biệt về tính chất với đe dọa từ Nga và Trung Quốc. "Không chọn lựa, là đã chọn lựa rồi" - theo Jean-Paul Sartre. Về địa chính trị, thái độ này không những làm cho đồng minh nghi ngờ mà đối thủ cũng không tôn trọng.

Cải cách hưu trí : Mối quan tâm hàng đầu

Trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay đều dành cho vấn đề cải cách chế độ hưu. Le Monde nhận thấy "Cải cách hưu trí : Macron ban hành luật, phản kháng tiếp diễn", Le Figaro cho rằng "Macron muốn lật sang trang nhưng không thay đổi mục tiêu". Les Echos giải thích "Hưu trí : Những gì sẽ thay đổi theo với cải cách", La Croix nói về "Một nhiệm kỳ cần tái thúc đẩy". Libération chạy tựa "SOS dân chủ".

Nhấn mạnh cần "Kết nối lại với người dân", xã luận Le Figaro nhận định từ ba tháng qua, tranh luận về cải cách hưu trí giống như một trận đấu. Một bên là ông Emmanuel Macron, quyết tâm thực hiện lời hứa cụ thể duy nhất trong chiến dịch tranh cử. Bên kia là các nghiệp đoàn với sự đoàn kết hiếm thấy, được sự hỗ trợ của đa số đối lập, ngáng chân bằng mọi cách. Chính quyền đã thắng và tối nay tổng thống phát biểu với hy vọng làm dịu căng thẳng.

Đã đành theo các thăm dò, đại đa số người Pháp phản đối kéo dài tuổi về hưu thành 64, nhưng cũng chẳng ai muốn xung đột tiếp diễn, làm đất nước xáo trộn. Thực chất đây là cuộc khủng hoảng lòng tin đối với chính phủ và thậm chí đối với tổng thống Macron, ông sẽ phải đổi mới trong thời gian còn lại trong nhiệm kỳ. Libération thiên tả nhấn mạnh, nói chuyện với quốc dân tối nay là một tổng thống đã yếu hẳn đi cả trong nước lẫn trên trường quốc tế. Theo điều tra của tờ báo, 76% người được hỏi cho rằng nền dân chủ đang đi xuống, một phần do các đại biểu "tách rời với thực tế người dân Pháp".

Khép lại thời kỳ rối ren

Trong bài xã luận mang tựa đề "Lắng nghe", La Croix nhận thấy tổng thống muốn nhanh chóng đóng lại quãng thời gian đầy xáo trộn để chuyển sang những vấn đề quan trọng khác, trong bối cảnh thế giới đang trở nên thô bạo hơn. Đã đành là luật đã được thông qua, nhưng đó là nhờ các công cụ định chế phong phú của nền đệ ngũ cộng hòa, còn thực tế xã hội khác hẳn. Ông Macron cần phải chú trọng đến tham vấn, đối thoại và các hình thức dân chủ khác. Le Monde cảnh báo về "Những thiệt hại của một cuộc xung đột bất tận".

Xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos kêu gọi "Giờ thì bắt tay vào công việc !", sau khi Hội đồng Bảo hiến thông qua đa số biện pháp cải cách hưu trí. Quyết định của Hội đồng cần phải được mọi người tôn trọng, nếu không coi như đứng về phía những người cực đoan. Các phe phái này do không nắm được quyền lực, muốn làm sụp đổ thành trì tối hậu đang bảo vệ nền cộng hòa trước nguy cơ dân chủ quá trớn. Đóng lại chương hưu trí còn là vấn đề phẩm giá, vì nước Pháp vừa trải qua bốn tháng làm trò cười cho thế giới. Về hưu năm 2030 ở tuổi 64 thay vì 65 như hồi năm 1981, trong khoảng thời gian đó con người đã đạt được thêm 10 năm tuổi thọ, liệu có đáng phẫn nộ đến thế 

Bóng đen của Đảng cộng sản Trung Quốc phía sau TikTok

Liên quan đến Trung Quốc, luật gia Isabelle Feng trên Le Monde đặt vấn đề "Ai kiểm soát TikTok ?". Công ty mẹ của ứng dụng này là ByteDance đã bí mật tiến hành một loạt thay đổi, dẫn đến một cơ cấu cổ đông phức tạp mà phía sau là cái bóng của Đảng cộng sản Trung Quốc. Đầu tiên ngày 30/04/2021, ba công ty quốc doanh trong đó có Cyberspace Administration of China, cơ quan quản lý internet đầy quyền lực, sở hữu 1% cổ phần tập đoàn với cái giá rẻ mạt 2 triệu nhân dân tệ (264.000 euro), nhưng chiếm một trong ba chiếc ghế hội đồng quản trị với quyền phủ quyết.

Người ngồi vào chiếc ghế này chính là Ngô Thụ Cương (Wu Shugang), quan chức đảng từng đả kích nhân quyền và tự do. Đến 20/05/2021, Trương Nhất Minh (Zhang Yimin), người sáng lập ByteDance từ chức tổng giám đốc ở tuổi 38 và nay sống ở Singapore. Giai đoạn thứ ba, ngày 18/01/2022 ông Trương nhượng lại toàn bộ cổ phần chiếm 98,81% trong tập đoàn cho một công ty mờ ám là Xiamen Xingchen Qidian Technology (XXQT) chỉ mới thành lập trước đó 20 ngày.

Báo chí Hoa lục đặt câu hỏi vì sao một "con chuột nhắt" có số vốn vỏn vẹn 1 triệu nhân dân tệ lại nuốt chửng được người khổng lồ trị giá 200 tỉ đô la, nhưng không tờ nào dám phá vỡ luật im lặng xung quanh hai cổ đông của XXQT. Chỉ biết mỗi người nắm 50% phần vốn của công ty thành lập tại Hạ Môn (Xiamen), nơi anh thanh niên Tập Cận Bình từng là phó chủ tịch thành phố từ 1985 đến 1988. Trong cùng một ngày, XXQT gán toàn bộ cổ phần cho một chi nhánh của ByteDance ở Hồng Kông.

Và cũng như nhiều tập đoàn đa quốc gia khác của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, ByteDance được thành lập ở quần đảo Cayman, một trong những thiên đường trốn thuế. Theo các nhà nghiên cứu, Bắc Kinh lợi dụng để huy động vốn nước ngoài cho các nhà kỹ nghệ của mình, thực chất là những công cụ ngoan ngoãn. Thế nên hôm 16/03 năm dự luật đã được đề nghị trước Quốc hội Mỹ trong đó có Ticker Act đòi hỏi minh bạch, bảo vệ các nhà đầu tư Mỹ và tránh xa "chế độ diệt chủng của Đảng cộng sản".

Bốn triệu người Ukraine chết đói : Tội ác diệt chủng của Stalin

Nhìn sang Ukraine trên khía cạnh lịch sử, nhà sử học Nicolas Werth cho biết "Holodomor" (nạn đói ở Ukraine) là một cuộc "diệt chủng xô-viết" khác hẳn với Shoah (diệt chủng người Do Thái). Trong vòng hai năm (1931-1933), đã có 7 triệu người xô-viết chết đói trong trận đói lớn nhất Châu Âu vào thời bình. Trong đó có 4 triệu người Ukraine, gần 1,5 triệu người Kazakhstan và 1,5 triệu người Nga ; chủ yếu tại những vùng đất nông nghiệp màu mỡ nhất.

Đó là hậu quả chính sách cực kỳ thô bạo của chế độ Stalin : cưỡng bức tập thể hóa nông thôn nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa và kiểm soát về chính trị. Nạn đói càng trầm trọng thêm tại Ukraine từ mùa hè 1932 do Stalin muốn diệt trừ ý hướng dân tộc, bị cho là mối đe dọa đối với Liên Xô do Nga lãnh đạo. Thực phẩm, hạt giống bị tịch thu, những làng đói kém bị phong tỏa không cho dân quê vào thành phố kiếm sống.

Phương Tây chỉ biết đến nạn cưỡng bức lao động thông qua tác phẩm "Quần đảo ngục tù" của Aleksandr Solzhenitsyn. Nhưng thực tế nạn đói ảnh hưởng gấp đôi với số phận người dân Liên bang Xô viết (40 triệu) so với các gu-lắc (20 triệu). Cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, người ta dần biết thêm về tội ác của Stalin. Nghị quyết đề ngày 22/01/1933 do Stalin ký ra lệnh phong tỏa các làng mạc Ukraine là bằng chứng giấy trắng mực đen quan trọng nhất. Nhưng Moskva quyết chối bỏ, đài tưởng niệm các nạn nhân bị chết đói được dựng ở Mariupol bị hủy diệt sau khi quân Nga chiếm được thành phố này.

Đối với Raphael Lemkin, luật gia nổi tiếng đã soạn thảo Công ước Liên Hiệp Quốc về tội diệt chủng, việc Stalin cố tình làm cho nông dân Ukraine chết đói là "trường hợp diệt chủng, không chỉ tiêu diệt những cá nhân mà cả một nền văn hóa, một dân tộc". Tài liệu này viết năm 1953, được phát hiện cách đây hơn một chục năm. Hiện nay khoảng 20 nước đã công nhận Holodomor là diệt chủng. Theo ông Lemkin, "cuộc diệt chủng xô-viết" nhằm "hủy diệt toàn bộ" người Ukraine nhưng không phải trên cơ sở chủng tộc, mà vì lý do chính trị, nhằm dập tắt nguy cơ nổi dậy của nông dân Ukraine.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 244 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)