Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

05/01/2018

Điểm báo Pháp - Pháp đau đầu với tin giả

RFI tiếng Việt

Pháp đau đầu với tin giả

Nhà Nước Pháp mở cuộc chiến chống tin giả trên mạng, Bắc Triều Tiên trúng tên lửa của Kim Jong-un, Tập Cận Bình chống nghèo đói, nội tình Iran bế tắc, Donald Trump bị vạch áo… là những chủ đề quan trọng trên báo Pháp ngày 05/01/2018.

FRANCE-POLITICS-NEW YEAR-WISHES

Trong buổi chúc Xuân 2018 giới báo chí, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ ban hành luật chống tin giả

Thị trường chứng khoán Wall Street đạt đỉnh, đa số dân Pháp, 61%, tin tưởng vào tình hình kinh tế quốc gia đang được cải thiện, tổng thống Macron tiếp tục lên điểm trong công luận. Những thông tin lạc quan của nhật báo kinh tế Les Echos chỉ làm nổi bật những mối đe dọa khác : "hầu như toàn bộ máy vi tính trên thế giới không chống được tin tặc". Tuy nhiên, thông tin làm tốn giấy mực hơn cả là "trận chiến chống tin giả" của tổng thống Pháp được mô tả là "lợi bất cập hại".

"Tin giả, chiến trường thật"

Fake news gây xáo trộn các cuộc bầu cử tại các quốc gia dân chủ, tổng thống Pháp muốn dùng luật pháp, buộc các mạng xã hội phải hành động, phải minh bạch hóa và trợ lực dẹp các nội dung thất thiệt. Một trong những biện pháp trói buộc này là phải công khai hóa tên tuổi, nguồn gốc của kẻ loan tin để truy tố.

"Nhà nước dấn thân vào cuộc chiến chống tin giả", tựa của nhật báo công giáo La Croix.

Le Monde thông cảm và khen ngợi sáng kiến của tổng thống Pháp nhưng với những lời cảnh báo trong bài xã luận "Tin giả, những nguy hiểm của một đạo luật" : Mục đích của tổng thống Pháp, bảo vệ những công dân thiếu cảnh giác trước những tin đồn thất thiệt là đáng khen. Ông xuất chiêu tuyệt vời khi giải thích với một nhà báo Nga, trước mặt tổng thống Putin, thế nào là sự khác biệt giữa thông tin và tuyên truyền : Russia TodaySputnik là hai cơ quan tuyên truyền của Nga loan tin thất thiệt bôi lọ uy tín ứng cử viên Macron.

Chống tin giả là cuộc chiến của các nền dân chủ ở Tây Phương chống lại vũ khí tuyên truyền giả dối từ các chế độ độc tài, vừa bôi lọ, vừa chia rẽ các xã hội thông thoáng. Tuy nhiên, tham vọng ra luật để chống tin giả trong lãnh vực vừa phức tạp vừa biến đổi nhanh chóng nhờ công nghệ số, thì việc thực hiện sẽ phức tạp gấp trăm lần.

Theo Le Monde, vào lúc đối lập tại Pháp chưa hồi sinh sau thất bại bầu cử tháng 05/2017, tổng thống Pháp tăng tốc tiến hành cải cách không ngưng nghỉ trong đó có lãnh vực truyền thông, để bảo vệ nền dân chủ. Vấn đề là trong lãnh vực này, báo chí, trong đó có Le Monde, là tác nhân đi tiên phong. Do vậy, theo tác giả bài xã luận, nếu chính phủ muốn đóng góp thì nên bắt đầu bằng giáo dục ở học đường, bằng bảo vệ mô hình kinh tế của các nhật báo thông tin. Cụ thể là chỉ cần cải tiến các đạo luật có sẵn là ít rủi ro nhất.

Tổng thống Pháp đã "đi sai hướng"

Theo nhật báo cánh tả, không cần phải ra luật mới, chỉ cần áp dụng luật bảo vệ tự do báo chí ban hành từ năm 1881.

Đề xuất của tổng thống Pháp hòa đồng cùng với xu hướng chung ở Tây phương từ khi những nghi ngờ chính quyền Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, thao túng công luận Anh trong vụ trưng cầu dân ý Brexit và cuộc bầu cử quốc hội Đức. Trong xu hướng chung này, Facebook, Google ở Mỹ cũng như Libération ở Pháp đã không ngại tốn kém, luôn kiểm chứng các thông tin mà độc giả báo động tính chính xác.

Tuy nhiên, tổng thống Macron, từng là nạn nhân của tin giả khi tranh cử, cho rằng chưa đủ. Ông muốn nhờ một thẩm phán ra quyết định truy tố, trừng phạt kẻ tung tin thất thiệt, đóng cửa tài khoản… Một biện pháp nữa là tăng cường thẩm quyền của CSA, cơ quan thính thị quốc gia (truyền thanh truyền hình), bài trừ những "âm mưu khuynh đảo của các cơ quan báo chí do chính phủ nước ngoài kiểm sóat" như đài truyền hình Russia Today và hãng tin Sputnik của Nga.

Theo Libération, Pháp đã có đạo luật chống tuyên truyền, tung tin đồn thất thiệt từ năm… 1881 (điều 27, luật tháng 7/1881) quy định tiền phạt lên đến 45.000 euro theo mệnh giá hiện tại và một năm tù giam. Đề xuất luật mới không giải quyết được nạn tin giả.

Tổng thống Mỹ và cố vấn bị cách chức Stephen Bannon thanh toán lẫn nhau

Quả bom chính trị là quyển sách "Fire and Fury : Inside the Trump White House" tạm dịch là "Lửa Lôi Đình trong Nhà Trắng của Trump" của Michael Wolff.

Quan hệ Trump-Bannon hoàn toàn đứt đoạn, tựa của Le Monde. Trong quyển sách, cố vấn thân cận của Donald Trump gọi con trai lớn của tổng thống Mỹ, Donald Trump Jr là "tên phản quốc", đã "tiếp đại diện một chính phủ nước ngoài trong tòa tháp Trump mà không có luật sư chứng kiến, nào là khi bị tư pháp chiếu cố, gia đình Trump "ngồi trên bãi biển chống bão cấp 5".

Còn theo La Croix, trong bài "Donald Trump thanh toán ân oán với Steve Bannon" thì Steve Bannon đã vượt "làn ranh đỏ" khi tố cáo con trai tổng thống Trump "phản quốc". La Croix cho rằng phe thân cận của tổng thống Trump cũng có lý do hài lòng vì dứt khoát dẹp được nhân vật đầy tai tiếng này trước khi bầu cử Quốc Hội. Les Echos thì dự đoán sẽ có nhiều hệ quả khó lường cho tổng thống Trump, tiếp tục ở trong tầm ngắm của tư pháp trong khi các chuyên gia chính trị của đảng Cộng hòa lo ngại Bannon tìm cách làm cho đảng Cộng Hòa lao đao trong cuộc bầu cử năm nay.

"Gậy ông đập lưng ông" và "Ngày Kim Jong-un mất kiểm soát một trong các tên lửa"

Đây là tựa của Les EchosLibération nhân quyết định của Bình Nhưỡng chịu tái lập liên lạc với Seoul trong bối cảnh Thế vận hội muà đông tại Hàn Quốc.

Với tựa "Gậy ông đập lưng ông", Les Echos lo ngại cuộc đấu khẩu giữa Kim Jong-un và Donald Trump có thể kết thúc bằng một tai họa. Bằng chứng là theo tiết lộ của trang mạng Nhật Bản, the Diplomat, thì ngày 28/04 năm 2017, một vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên đã rơi ngay trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên thuộc khu công nghiệp Tokchong, một ngôi làng đông dân cách dàn phóng có 40 km. Thiệt hại vật chất được mô tả rất nặng nề.

Trong bài báo cùng chủ đề, Libération phân tích sâu hơn : chuyện trật quỹ đạo và động cơ hỏng này có thể gây khủng hoảng toàn diện. Ngoài thiệt hại vật chất và nhân mạng, chuyện tên lửa trục trặc, khi bay ngang không phận Nhật Bản chẳng hạn, có thể bị suy đoán là hành động cố ý tấn công gây hấn. Những quốc gia có hiệp định quốc phòng hỗ tương như Mỹ, Nhật, Hàn sẽ ra tay hành động, đưa đến hệ quả vũ lực đáp trả vũ lực.

Chủ tịch Trung Quốc cam kết chống nạn nghèo khó

Thực tế ra sao ? Le Figaro tường thuật tình hình tại một thí điểm : Quý Châu. Chính quyền Trung Quốc đã chi ra 60 tỷ euro trong vòng 5 năm từ 2013 đến 2017. Chỉ tiêu là tái định cư 10 triệu dân nông thôn trong tổng số 43 triệu người còn nghèo theo thống kê chính thức.

Theo Le Figaro, cho dù 800.000 cán bộ đảng được đưa về nông thôn để xóa đói giảm nghèo nhưng cố gắng của Tập Cận Bình khó đạt được kết quả. Cản lực quan trọng nhất là tình trạng chính quyền địa phương làm ít nói nhiều, chuyên báo cáo phóng đại để được thăng chức.

Nguy cơ thứ hai là "đông đảo nông dân, một khi vào nhà mới, ở các khu tân lập, xa quê cũ thì làm nghề gì để sống ?" theo nhận định của một giáo sư kinh tế ở Quý Châu. Mục tiêu nâng thu nhập bình quân của người nghèo từ dưới một đô la mỗi ngày, theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, lên một đô la do vậy khó có cơ may đạt được. Mà theo suy tính của Tập Cận Bình, thì xóa nạn nghèo khó là mục tiêu tạo tính chính đáng cho đảng Cộng Sản, ngày càng xa dần.

Tư lệnh Vệ binh Hồi giáo Iran loan báo dẹp yên phong trào phản loạn

Nói dễ nhưng làm khó. Tại sao ? Theo Le Monde, không có áp lực, thì chế độ Iran không thể cải cách. Áp lực đường phố đã diễn ra trong nhiều ngày liên tiếp với những người biểu tình trẻ tuổi, nghèo với tâm trạng lo âu cho tương lai. Vấn đề của Iran là cho dù cấm vận quốc tế đã được tháo gỡ nhưng "kinh tế không phất lên được". Cản lực nằm trong nội tình : phe bảo thủ chống laị mọi chính sách cải cách của tổng thống Rohani.

La Croix cho biết thêm, tư lệnh lực lượng Vệ binh Hồi giáo, đứng đầu 130.000 quân thiện chiến Ali Jafari chỉ "búng một ngón tay" là biểu tình "xẹp" xuống. Bởi vì đây là một lực lượng hung thần sẵn sàng đàn áp bằng mọi phương tiện và đang nắm hầu hết lãnh vực kinh tài trong tay. Khác với quân đội truyền thống, Vệ Binh Hồi Giáo còn có trách nhiệm bảo đảm ý thức hệ Shia chống xâm nhập của hệ phái Sunni. Từ sau cuộc chiến tranh với Iraq năm 1988, lực lượng này đứng đầu nhiều tập đoàn kinh tế, ưu tiên giành hợp đồng béo bở, trong lúc 40% thanh niên Iran thất nghiệp. Đó cũng là một trong những lý do làm người dân Iran bất mãn chế độ Hồi Giáo.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 843 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)