Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/04/2023

Điểm báo Pháp - "100 ngày" của Macron

RFI tiếng Việt

"100 ngày" của Macron : Hòa giải với dân Pháp hay một Waterloo được báo trước ?

Bài diễn văn của tổng thống Pháp tối thứ Hai 17/04/2023 nhằm khép lại gần 3 tháng khủng hoảng xã hội - chính trị về cải cách hưu trí là chủ đề chính của nhiều báo Pháp hôm nay. "Macron xác định thời hạn 100 ngày để tái khởi động", tựa trang nhất của Le Monde. Le Figaro cảnh báo : "Chiến lược của Macron vấp phải nhiều cản lực do tổng thống bị mất lòng dân".

macron1

Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu tối 17/04/2023 từ điện Elysée, Paris, Pháp. © Élysée

Le Monde trước hết cho biết ba lĩnh vực chính mà tổng thống muốn ưu tiên. Thứ nhất là cuộc sống người lao động nơi làm việc (với một "Pacte de la vie au travail" -"Thỏa ước về cuộc sống nơi làm việc"). Không phải là việc làm thuần túy, mà là các điều kiện làm việc, quan hệ giữa cuộc sống của người lao động với công việc. Đây là điều mà những người chống luật cải tổ hưu trí chỉ trích chính phủ đã coi nhẹ. Lĩnh vực ưu tiên thứ hai là chống tội phạm và nhập cư bất hợp pháp. Lĩnh vực thứ ba là chất lượng cuộc sống (cụ thể là "thúc đẩy tiến bộ để sống tốt hơn"). Thủ tướng sẽ giới thiệu lộ trình hành động trong tuần tới.

Tuy nhiên, Le Monde cũng nhấn mạnh là các nghiệp đoàn vẫn không chấp nhận sang trang cuộc khủng hoảng về luật hưu trí, muốn "tiếp tục duy trì áp lực" với chính quyền về hồ sơ này, bất chấp việc luật này đã được Hội đồng Bảo hiến bật đèn xanh hồi tuần trước. 

Dự án 100 ngày "kỳ quặc"

Xã luận Le Monde, tựa đề "Những trở lực với một nhiệm kỳ tổng thống 5 năm không triển vọng sáng sủa", ghi nhận tính chất rất khác lạ, thậm chí có một cái gì đó "kỳ quặc" khi tổng thống Emmanuel Macron xác định chương trình hành động "100 ngày". Thông thường 100 ngày là "giai đoạn mở đầu năng động, đầy phấn chấn của một nhiệm kỳ 5 năm". Ngược lại "100 ngày" theo lựa chọn của tổng thống lại rơi đúng vào thời kỳ đầu tiên của năm thứ hai của nhiệm kỳ.

"100 ngày" cũng gắn với một hồi ức đặc biệt trong lịch sử nước Pháp : khi nỗ lực chiếm lại quyền lực của hoàng đế Napélon đệ nhất trong mùa xuân – hè năm 1815, đã kết thúc với đại thảm bại Waterloo. Theo Le Monde, với dự án 100 ngày "để hòa giải, đoàn kết, hướng về phía trước và hành động vì đất nước", tổng thống Pháp đã ngầm thừa nhận tình thế vô vàn khó khăn, và gửi đến dân Pháp một thông điệp vừa mang thách thức, vừa mang hy vọng : Nước Pháp có thể bắt đầu một hành trình mới kể từ hôm nay, "nhưng mọi thứ cũng có thể kết thúc rất tồi tệ".

"Dàn nhạc xoong nồi" và tổng thống cô đơn

Đối với Le Monde, khả năng xoay xở của ông Macron giờ đây "gần như bằng không", với bất mãn xã hội sâu rộng do cuộc cải tổ hưu trí, cùng với việc đảng cầm quyền đã mất đa số tuyệt đối tại Quốc hội sau cuộc bầu cử năm ngoái. Trong bài phát biểu tối thứ Hai, tổng thống Macron một mặt tiếp tục không nhân nhượng về cải tổ hưu trí dù chỉ một ly, mặt khác thừa nhận một phần "nỗi giận dữ" trong dân chúng trong những vấn đề khác, như lạm phát, sức khỏe suy yếu do nghề nghiệp, một số dịch vụ công xuống cấp… Mục tiêu là để hướng người dân đến các định hướng hành động mà chính quyền mong muốn.

Tuy nhiên, theo Le Monde, cố gắng của tổng thống Pháp sẽ vấp phải nhiều trở lực từ phía đối lập, và các lực lượng xã hội. Nhật báo Pháp mỉa mai : Cách thực thi quyền lực từ trên xuống và một cách cô độc của tổng thống Macron đang chỉ "được chào đón bằng các dàn nhạc xoong nồi". Nguyên thủ Pháp "hơn bao giờ hết bị cầm tù trong một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, đã được khởi động kém cỏi".

Giới chủ Pháp : "100 ngày là quá ngắn"

Khác với Le Monde, nhật báo kinh tế Les Echos không quá coi trọng cái mốc 100 ngày mà tổng thống Macron đề ra. MEDEF, hiệp hội của giới chủ Pháp, cho rằng thời hạn 100 ngày là quá ngắn để có thể mang lại kết quả. Bài xã luận của Les Echos, nhan đề "Trở lại với lịch trình hành động xã hội", nhấn mạnh là 100 ngày chỉ là bước khởi đầu, các đối tác xã hội sẽ có thời gian để thương lượng với chính phủ về "Thỏa ước về cuộc sống nơi làm việc" cho đến tận cuối năm, như đề xuất của tổng thống. Những tuần tới sẽ là thời gian xác định nội dung của lịch trình hành động. Theo Les Echos, đây chính là phương pháp của thời tổng thống tiền nhiệm François Hollande, mà ông Macron từng nằm trong chính phủ, nhưng vốn đã rất ít được bản thân tổng thống đương nhiệm sử dụng cho đến nay.

Trong ba lĩnh vực chính mà tổng thống Pháp đề xuất với các đối tác xã hội trong thời gian 100 ngày tới, La Croix cũng chú ý trước hết tới lĩnh vực thứ nhất "Thỏa ước về cuộc sống nơi làm việc". Nhật báo công giáo mời hai chuyên gia cho ý kiến, chủ yếu tập trung vào các vấn đề bệnh nghề nghiệp, việc làm với người cao tuổi, và các điều kiện đãi ngộ.

"France Travail" : Việc làm đầy đủ cho nước Pháp

Song song với việc mở ra thương lượng dài hơi với các nghiệp đoàn về các điều kiện việc làm, hồ sơ trang nhất của Les Echos cho biết chính quyền có dự án thúc đẩy tạo thêm hàng trăm nghìn chỗ làm. Hôm nay, chính phủ công bố các thông tin cơ bản về Dịch vụ việc làm quốc gia tương lai (futur service national de l'emploi). "France Travail" (hay Việc làm đầy đủ cho nước Pháp), với mục tiêu bảo đảm việc làm cho mọi dân Pháp, vốn là một nội dung chủ yếu trong cương lĩnh tái tranh cử của tổng thống Macron. Dịch vụ việc làm quốc gia tương lai là dự án được chuẩn bị từ 8 tháng nay.

Chủ động đến với người tìm việc, rút ngắn thời gian nhận được trợ cấp thất nghiệp, mở rộng tối đa khả năng tìm việc làm cho từng cá nhân… là các mục tiêu chính. Trả lời phỏng vấn Les Echos, người điều phối dự án, ông Thibaut Guilluy, quan chức cao cấp phụ trách mảng Việc làm và các cam kết của doanh nghiệp, cho biết : Mục tiêu của France Travail là tiếp cận được với tối đa người không có việc làm, thậm chí chuẩn bị trước cho giai đoạn không có việc làm.

Les Echos cũng cho biết dự án France Travail hỗ trợ các doanh nghiệp xác định từ sớm nhu cầu về nhân lực, phổ biến thông tin tuyển mộ trên tất cả các kênh. Nhân lực chủ yếu giúp thực thi dự án Việc làm đầy đủ cho nước Pháp là mạng lưới hơn 100.000 nhân viên cố vấn hỗ trợ người tìm việc làm. Từ 2 đến 3 tỉ eurro sẽ được đầu tư cho lĩnh vực này, từ nay đến 2026.

"Ukraine chuẩn bị như thế nào cho cuộc phản công ?"

Chiến tranh Ukraine là chủ đề chính của Libération. Hồ sơ trang nhất Libération nói về "Ukraine chuẩn bị như thế nào cho cuộc phản công ?". Ngoài cuộc kháng cự tại thành phố Bakhmut, vùng Donbass, nhằm làm tiêu hao sinh lực của đối phương, Quân đội Ukraine đang xây dựng 8 lữ đoàn mới. Libération có bài phóng sự về huấn luyện tân binh tại thành phố miền trung tâm Dnipro. Huấn luyện sử dụng vũ khí, học tập kinh nghiệm thực chiến, và cũng huấn luyện lòng quả cảm, tinh thần hy sinh.

Roman, một thanh viên 30 tuổi, thợ mỏ vùng Donbass, không che giếu nỗi lo sợ của anh khi phải ra chiến trường, bởi đã có rất nhiều bạn bè anh ra trận không về. Trong khi đó, Oleksandr, một người bán hàng 55 tuổi, tâm sự ông quyết định tự nguyện đầu quân, để lại phía sau vợ và con gái, và biết rằng xác suất trở về là rất thấp, bởi người trung niên này không thể chịu nổi cảnh thanh niên phải chết trận. Theo ông, "người cao tuổi phải chiến đấu để cho phép lớp thanh niên trẻ nhất được sống, lập gia đình, có con".

Liên Âu : "Hãy cứu lấy Tunisia"

Nền dân chủ bị đe dọa nghiêm trọng tại Tunisia, quê hương của phong trào Mùa Xuân Ả Rập, với sự kiện nhà đối lập chủ chốt, lãnh đạo đảng Ennahda, Rached Ghannouchi, bị bắt hôm qua, là chủ đề bài xã luận La Croix. Bài "Hãy cứu lấy Tunisia" khẳng định : Tổng thống Tunisia Kais Saied chịu trách nhiệm chính về cuộc đàn áp. Và đây là một nỗ lực tiếp theo của chính sách triệt hạ hoàn toàn đối lập. Nhật báo công giáo lo ngại về chính sách tự cô lập của tổng thống Saied đang dẫn Tunisia đến bờ vực thẳm, cả về kinh tế, cũng như chính trị. La Croix kêu gọi Liên Âu can dự để tránh sự sụp đổ của quốc gia láng giềng Bắc Phi. Trang nhất Libération cũng chia sẻ nỗi lo về Tunisia, với bài "Tunisia có thể sẽ đi theo kịch bản Ai Cập".

Thượng đỉnh Samarkand : Liên minh độc tài chống phương Tây

Về sự lấn tới của các chế độ độc tài, Le Monde có hồ sơ đáng chú ý về thượng đỉnh Samarkand, mầm mống của một liên minh có thể thách thức phương Tây, nhân dịp ra mắt cuốn sách mới "Thỏa ước của các nhà độc tài". Thượng đỉnh Samarkand, Uzbekistan, là thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, diễn ra vào tháng 9/2022, với sự tham gia của lãnh đạo 14 quốc gia. Ngoài các thành viên của nhóm, bao gồm Nga, Trung Quốc, và 4 nước cộng hòa Trung Á và ba thành viên mới, Pakistan, Ấn Độ, và Iran mới được kết nạp năm nay, còn có hai quan sát viên, Belarus và Mông Cổ, cùng ba khách mời, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Turmenistan. Với thượng đỉnh này Trung Quốc và Nga khẳng định tham vọng "làm suy yếu phương Tây", "nhào nặn lại trật tự quốc tế". Theo hai tác giả, nhà báo Isabelle Mandraud và nhà chính trị học Julien Théron, liên minh gồm các lãnh đạo 100% nam giới này có rất ít dấu hiệu chia sẻ các giá trị dân chủ.

Cũng Le Monde đăng tải kiến nghị của một nhóm các nhà ngoại giao cao cấp và chuyên gia quân sự, yêu cầu Châu Âu nỗ lực hơn trong cuộc chiến truyền thông, để vô hiệu hóa các chiến dịch tuyên truyền do Nga và Trung Quốc đạo diễn. 

Tỉ lệ tăng trưởng 4,5% của Trung Quốc gây hoài nghi

Về tình hình Trung Quốc, tỉ lệ tăng trưởng 4,5% trong quý đầu 2023, mà chính quyền Bắc Kinh vừa công bố, gây ấn tượng. Nhưng theo Le Monde, giới chuyên gia hoài nghi về số liệu này. Trên Twitter, văn phòng tư vấn China Belge Book đánh giá đây là "đây là một số liệu hoàn toàn là huyễn tưởng". Theo Le Monde, số liệu chính thức của Trung Quốc có thể cho thấy một xu thế tăng trưởng trở lại, nhưng rất nhiều khả năng số liệu này không phản ánh thực tế nền kinh tế Trung Quốc. Đơn cử doanh số bán xe hơi, vốn chiếm 10% GDP, đã sụt giảm 13,6% trong quý đầu, so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế gia trưởng Dan Wang, Ngân hàng Hồng Kông Hang Seng, Thượng Hải, cũng cho biết ngạc nhiên về số liệu này. Theo ông, ưu tiên của chính phủ Trung Quốc hiện nay là khôi phục niềm tin của thị trường, việc công bố số liệu lạc quan như trên là nhằm mục tiêu này. Theo tân thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, mục tiêu của Trung Quốc là tăng trưởng 5% trong năm nay, và đây là điều khó đạt.

Liên Âu thúc đẩy công nghệ bán dẫn 

Báo chí Pháp hôm nay cũng chú ý đến quyết định của Liên Âu tăng tốc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn. Trang nhất và phụ trang của Le Figaro giới thiệu thỏa thuận của Nghị Viện Châu Âu và 27 quốc gia của khối ngày hôm qua. Với luật Chip Act, Liên Âu hy vọng tăng gấp đôi thị phần trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu lên 20%, để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc cùng nhiều nước Châu Á khác, và Hoa Kỳ. Ủy viên Châu Âu phụ trách thị trường nội địa và kỹ thuật số Thierry Breton hoan hỉ tuyên bố : "Châu Âu đã tự nắm lấy vận mệnh của mình".

Ủy Ban Châu Âu có kế hoạch huy động 100 tỉ euro, và có thể tăng gấp đôi số tiền này. Một trong các hướng đầu tư cơ bản là các linh kiện bán dẫn tân tiến nhất. Riêng tại Pháp, hai công ty STMicroelectronics và Global Foundries có dự án xây dựng một nhà máy lớn tại tỉnh Isère.

Thuế carbon với hàng nhập khẩu : Nghị quyết ''lịch sử'' của EU 

Trong lĩnh vực môi trường, nhiều báo Pháp nói đến sự kiện lịch sử "Nghị Viện Châu Âu thông qua thuế carbon với hàng nhập khẩu" hôm qua. Đối với Le Monde, đến năm 2050, thế giới vẫn sẽ phải nhớ lại văn bản luật quan trọng này. Đánh thuế carbon với hàng nhập khẩu là một biện pháp căn bản giúp Liên Âu đạt được mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2050, và giảm ngay 57% vào năm 2030. Các mặt hàng liên quan trước hết đến thuế carbon là thép, nhôm, xi măng, điện hay phân bón hóa học. Giới kinh tế gia kỳ vọng vào biện pháp tăng giá hàng nguyên vật liệu này giúp giảm bớt việc sử dụng năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên các nhà công nghiệp cũng lo ngại nguy cơ nhiều cơ sở sản xuất ở Châu Âu "di dời ồ ạt ra ngoài", để tránh gánh nặng của sắc thuế mới. 

Cũng về chủ đề này, nhật báo công giáo La Croix dẫn lời chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị Viện Châu Âu, Pascal Canfin, khẳng định đây là một "cải cách có ý nghĩa lịch sử với khí hậu". Nghị quyết được tuyệt đại đa số nghị sĩ Châu Âu thông qua với 487 phiếu thuận, 81 phiếu chống, và 75 phiếu trắng. Luật đánh thuế carbon ở biên giới Châu Âu sẽ đi vào giai đoạn thử nghiệm kể từ tháng 10/2023, và dự kiến được thực thi hoàn toàn từ 2026. Kể từ 2026 đến 2034, Cơ chế đánh thuế carbon ở biên giới Châu Âu sẽ dần dần được mở rộng ra ngoài nhóm hàng hóa nguyên vật liệu. Các thành phẩm như xe hơi cũng sẽ bị đánh thuế.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành
Read 292 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)